Đạo Phật là con đường phát triển trí tuệ để diệt tận gốc Tham Sân Si (chứng đắc Niết Bàn). Niết Bàn là "diệt tận gốc" Tham Sân Si, chứ không phải làm giảm Tham Sân Si. Mà muốn diệt tận gốc thì phải thực hành đúng Chánh Pháp ("Gốc của Chánh Pháp" từ Phật Thích Ca cung cấp - tức là Kinh Nguyên Thủy), chứ nếu thực hành theo Phi Chánh Pháp ( những Pháp không do Phật thuyết thì sẽ không diệt được tận gốc Tham Sân Si vì chỉ có Phật mới đủ uy tín về sự giác ngộ). Trong bài này sẽ xét về 3 khía cạnh: ý nghĩa của Đạo Phật, ý nghĩa đạo Phật đối với người Phật tử và Con đường đi đến trí tuệ.
Ý NGHĨA CỦA ÐẠO PHẬT
Người Phật tử thăng hoa Niết Bàn xuyên qua nhiều giai đoạn tu tập theo Trung Ðạo, Ðạo Lộ của Trí Tuệ, Giới Hạnh và Chế Ngự (Giới - Ðịnh - Tuệ). Trong phạm vi một bài giảng, dĩ nhiên không thể có đủ chỗ để đề cập ngay cả đến từng chặng đường tu tập một, huống nữa là các phương diện khác của chế độ tu tập mà Ðức Phật đã khuyến hoá trong kho tàng kinh điển rộng lớn của Ngài; thế nhưng điều mà người ta có thể chấp nhận là, đời sống tu tập của người Phật tử chân chánh vô cùng phong phú và đa dạng. Trải qua nhiều kiếp luân hồi, người Phật tử thăng hoa, tự hoàn thiện mình; vị ấy thắng phục những dục vọng của mình bằng trí tuệ và từ bi. Dần dà nghiệp lực tiêu mòn, ngọn lửa tham dục đó cũng lắng dịu lại. Căn để mọi phiền não của con người chính là do tình trạng vô minh ban sơ của họ. Từ vô minh tham dục sanh, điều này khiến cho nghiệp lực vận hành. Vì vậy con đường dẫn đến Niết Bàn nằm ở chỗ có trí tuệ, và chúng ta lại phải xoay quanh việc thực hành pháp (Dhamma), tức những lời dạy của Ðức Phật. Vì trong pháp (Dhamma) hay sự thật, chứa đựng sự giải thoát khỏi vô minh và tham dục cũng như giải thoát khỏi tình trạng vô thường bất tận, Ðức Phật đã chỉ cho chúng ta con đường đi đến sự thực hay chân lý này.
Vậy thì ý nghĩa của đạo Phật là gì? Một cách chính xác thì đạo Phật là một cách luyện tập tâm hay tinh thần có hệ thống và chắc chắn đây là một trong những pháp vĩ đại nhất đã từng được mọi người biết đến. Ðạo Phật giới thiệu đến mỗi cá nhân một phương tiện nhờ đó họ có thể tự hoàn thiện mình qua sự hiểu biết, cuối cùng đạt tới bình diện của một con người siêu việt ở đó cả ngã và ngã sở đều không còn hữu dụng nữa. Meister Eckhart, một nhà thần học Thiên Chúa có nói: "Nước đức chúa trời chỉ dành cho kẻ đã chết hoàn toàn" (The kingdom of god is for none but the thoroughly dead) [*]. Người Phật tử chúng ta chắc chắn sẽ đồng ý với quan niệm này, dù rằng chúng ta có lẽ thích một lối nói ít nghiêm khắc hơn thế. Niết Bàn trong cuộc sống, sự bình an "vượt ngoài mọi hiểu biết", là sự thắng phục cuộc đời, sự khám phá ra cái thường hằng trong dòng biến dịch của những biến cố tâm sinh vật lý của nó. Người Phật tử tin rằng qua việc tu thiền và tư duy chân chánh họ có thể theo gương Ðức Phật trải qua những chặng đường giác ngộ và cuối cùng thành tựu trí tuệ viên mãn vượt qua mọi đòi hỏi.
Hơn nữa đạo Phật đã vạch ra rất rõ rệt phương diện đạo đức trong cuộc sống hàng ngày cho người Phật tử sống theo. Dù rằng Niết Bàn, tự thân nó không dung chứa ý niệm đạo đức, trong ý nghĩa rằng sự giải thoát cuối cùng vượt qua sự đối đãi của thiện và ác. Thế nhưng, con đường đi đến trí tuệ rõ ràng là một con đường của đạo đức. Con đường này hợp theo giáo lý nghiệp báo (Kamma). Mọi hành động phải tạo ra kết quả, và những hành động cá nhân của một người sẽ tạo ra kết quả hay quả báo trong kiếp sống riêng của họ. Như vậy nghiệp lực chắc chắn sẽ đưa chúng ta đi lên chỉ có thể là một nghiệp thực hiện vì mục đích thiện, nghĩa là nghiệp thực hiện để có trí tuệ cùng tột.
Giáo lý về nghiệp này tìm được sự bộc lộ cao nhất của nó trong tâm từ (Mettà), mục tiêu của người Phật tử về một tình thương bao la rộng khắp. Mettà (Tâm Từ) có ý nghĩa to lớn hơn chỉ là cảm tình huynh đệ hoặc lòng nhân ái, mặc dầu cả hai tình cảm này đều là một phần của tâm từ. Có thể nói tâm từ là lòng quảng đại tích cực, một tình thương được bộc lộ và chu toàn trong sứ mạng tích cực nhằm nâng cao tâm hồn đồng loại. Tâm từ đi đôi với sự giúp đỡ và một thiện chí muốn từ bỏ lợi ích cá nhân để cổ xuý cho sự thịnh vượng và hạnh phúc của nhân loại. Chính tâm từ trong đạo Phật đã là nền tảng cho sự tiến bộ xã hội. Cuối cùng, tâm từ là cấp độ cảm thông rộng lớn nhất và mạnh mẽ nhất có thể quan niệm được, nó được bộc lộ trong nỗi khắc khoải về khổ đau và vô thường của cuộc đời. Người Phật tử chân chánh cố gắng hết khả năng của mình để tu tập tâm từ đối với mọi chúng sanh và tự đặt mình vào hoàn cảnh của họ, không phân biệt họ là ai thuộc đẳng cấp, mầu da, địa vị hay giới tính nào.
Ngoài ra, đạo Phật dĩ nhiên còn là một động lực phát triển văn hoá chính yếu trong cuộc sống của phương đông, cũng như Thánh Kinh là nguồn cội chính của nhiều tư tưởng và nghệ thuật Tây phương vậy. Tuy nhiên, kinh điển của đạo Phật to lớn hơn và chi tiết hơn thánh kinh Thiên Chúa rất nhiều. Trong ngôn ngữ Pàli, ngôn ngữ của kinh điển, những lời dạy của Ðức Phật được gọi là Tipitiaka, nghĩa là "Tam Tạng Kinh".
Vinaya Pitaka hay Tạng Luật, bao gồm năm quyển trong đó giải thích những giới luật của đời sống người tu sĩ. Sutta Pitaka (Tạng Kinh) là một bộ sưu tập các buổi thảo luận, những câu chuyện, những bài kệ, những câu nói mang tính cách ngôn, tất cả được viết bằng ngôn ngữ đơn giản, truyền đạt tất cả những ý niệm về việc thực hành Phật giáo. Tạng thứ ba là Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma Pitaka), bàn về những pháp bản thể, những vấn đề trừu tượng và thuộc lãnh vực tâm lý, đây là Tạng được các triết gia lão luyện hết sức thích thú quan tâm.
Như vậy Tam Tạng (Tipitaka) đưa ra sự hướng dẫn có tính kết hợp ở mọi cấp độ hoạt động của tri thức, đạo đức và tinh thần; lời dạy của Ðức Phật được xem là ánh sáng, là ngọn đèn soi đường cho Miến Ðiện nói riêng và mọi người nói chung.
-ooOoo-
ÐẠO PHẬT CÓ Ý NGHĨA GÌ ÐỐI VỚI NGƯỜI PHẬT TỬ
Ðối với người Phật tử, đạo Phật không phải là một Tôn giáo theo cái nghĩa mà từ này thường được mọi người hiểu; mà đối với họ đạo Phật là một pháp hành thực tiễn nhất trong cuộc sống - nó chỉ cho họ biết cách làm thế nào để sống một cách chân chánh, nhờ vậy được an vui và hạnh phúc, mặc dù những bất ổn đang tràn ngập trong thế gian này.
Sở dĩ chúng ta nói, đạo Phật không phải là một tôn giáo bởi vì đạo Phật không phải là một hệ thống chỉ có đức tin và thờ phượng. Chữ "Tôn giáo" thường có nghĩa là một hệ thống đức tin và thờ phượng, nhưng đạo Phật lại là một phương cách sống, và cũng là một phương cách để hiểu những điều kiện của cuộc sống; nhờ đó một Phật tử có thể sống hài hoà với tha nhân cũng như sống hài hoà với những quy luật công bằng của tự nhiên.
Ðạo Phật được sáng lập trên căn bản trí tuệ, vì thế cho nên đạo Phật có thể được xem là lời giải thích hợp với khoa học về những quy luật tự nhiên của cuộc sống, và đạo Phật không phải là một loạt những tín điều được đưa ra có tính cách võ đoán; hoàn toàn không có tín điều trong đạo Phật. Chúng ta đã biết, tín điều là một hệ thống giáo điều cứng nhắc, do những người có uy quyền đặt ra như sự biểu thị của chân lý, trên cơ sở đó tín điều chỉ là một lời tuyên bố có tính kiêu mạn về quan niệm riêng của một cá nhân nào đó mà thôi. Trong đạo Phật không có những tín điều như vậy, nhưng Ðức Phật có đặt ra một loạt các sự kiện và nguyên tắc cho chúng ta sống theo và hành theo. Ðạo Phật công bố những quy luật hết sức công bằng, quy luật của vũ trụ, những quy luật nhân quả (Dhamma niyàma) tuyên bố rằng con người là chủ nhân của chính số phận mình, con ngưòi có thể uốn nắn cuộc đời mình theo những ý niệm riêng của họ như là một Phật tử. Ðạo Phật xóa bỏ những nỗi lo sợ vu vơ về sự chết thường ám ảnh những người tâm không tu tập, đạo Phật là con đường sống chân chánh không thiên về lạc quan cũng chẳng bi quan. Nhiều người phương Tây nghĩ rằng đạo Phật là bi quan yếm thế. Ngược lại, lối sống của đạo Phật không lạc quan cũng chẳng bi quan; rất nhiều người trên thế gian này, đặc biệt là loại người ít tư duy, vô tư lự - thích có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống. Khi một người như vậy trở nên thất vọng chán chường, họ được khuyên là hãy lạc quan lên, nhưng theo quan niệm của đạo Phật thì điều này không đúng. Lạc quan là một quan niệm đánh giá quá cao về điều kiện sống, không phải là chánh kiến, cũng như chánh kiến không có nghĩa là phải có quan niệm bi quan đánh giá quá thấp thực tại của cuộc đời.
Chánh kiến hay cái nhìn đúng đắn về cuộc đời là Trung đạo (Majjhimapatipadà) giữa hai cực đoạn này. Cả hai cực đoan lạc quan và bi quan đều vô bổ cho những ai theo nó. Như vậy, đối với một Phật tử, đạo Phật có nghĩa là lối sống chân chánh - một pháp hành nhờ đó con người có thể sống một cách an vui, hạnh phúc bảo đảm trong kiếp sống hiện tại và bảo đảm cho cả kiếp sống tương lai. Ở nước Anh người ta nói về sự bảo đảm ở tương lai, nhưng thực ra sự bảo đảm mà họ nói đó chỉ có tính nhất thời; cách bảo đảm của Phật giáo là sự bảo đảm thường hằng, vĩnh cửu và bền lâu.
Cuộc sống của con người hay của toàn vũ trụ bao gồm mọi loài chúng sanh, bị chi phối hay bị cai quản bởi những quy luật bất biến và vĩnh cửu, những quy luật như luật nhân - quả, những quy luật của tâm hay quy luật tâm lý (Citta - niyàma). Như vậy, toàn bộ vũ trụ đều do những quy luật vĩnh hằng này chi phối chứ không phải do một Ðấng Thượng Ðế tưởng tượng nào cả.
Chẳng hạn như tội, theo đạo Phật thì hoàn toàn không giống như tội tổ tông mà đạo Thiên Chúa từng đề cập. Ðạo Phật nói, tội là hệ quả trực tiếp từ vô minh của con người, do vô minh không hiểu biết những quy luật tự nhiên này mà con người tạo tội. Như chúng ta biết, tội lỗi sanh ra sầu muộn và đau khổ, đây là quy luật muôn đời của cuộc sống.
Ðối với những ai tin rằng thế gian này không do những quy luật công bằng này chi phối, mà do một đấng Thượng Ðế hay thay đổi và thay đổi liên tục cai quản, điều này xem ra con người phải cố gắng làm sao để thuyết phục Ðấng Thượng Ðế tối cao tạo cho tình thế tốt đẹp hơn. Như vậy, có nghĩa là con người không tin rằng ý chúa luôn luôn công bằng, vì chúa có những cơn giận dữ cần phải làm cho Ngài nguôi ngoai, chúa có lòng thương cần phải được đánh thức dậy và tính thiên vị cần phải vựơt qua. Nhưng đối với người Phật tử thì những quy luật của tự nhiên, những quy luật công bằng chi phối thế gian này, luôn luôn như vậy, như vậy với người này và như vậy đối với tất cả mọi người. Chính vì vậy, bổn phận của con người là không được vi phạm những quy luật tự nhiên hay những quy luật của công bằng này - không nên cố gắng làm thay đổi nó bằng những phương tiện hay những hình thức cầu nguyện này, nọ hoặc bằng cách chống lại nó, mà tốt hơn hết hãy hiểu, tìm hiểu rõ những quy luật tất nhiên, bất biến này rồi sống hài hoà với nó.
Ngay trong những lời dạy của Ðức Phật, các thuộc tính như tự lực, tự tín, quyết tâm, tinh tấn, nỗ lực rất được nhấn mạnh. Ðạo Phật buộc người Phật tử phải có tinh thần tự lực, nương tựa nơi chính mình và là chủ nhân ông của chính số phận mình. Chánh niệm cũng được Ðức Phật nhấn mạnh một cách triệt để, chẳng hạn trong Kinh Pháp Cú (Dhammapàda) có dạy:
Như Lai bậc dẫn đường
Ai tu tập chánh niệm
Ắt thoát vòng ma vương" (Pháp Cú, 276).
Buông lung là ngõ tử
Tinh cần là bất tử
Buông lung như thây ma" (Pháp Cú, 21).
Hiểu rằng không một ai, không có Thượng Ðế, không có đại tế đàn nào có thể cứu chúng ta được. Chẳng ai có thể ban cho chúng ta sự cứu chuộc tâm linh cả, người Phật tử chân chính tự buộc mình phải nương tựa nơi chính mình, nương tựa vào những nỗ lực của tự thân, như vậy chúng ta mới có niềm tin vào khả năng của mình và có tinh thần trách nhiệm cá nhân. Khuynh hướng ỷ lại vào Thượng Ðế hay bất kỳ một quyền lực tưởng tượng nào bên ngoài không những làm suy yếu niềm tự tin của mình mà còn ảnh hưởng đến tinh thần trách nhiệm cá nhân. Ngược lại, khuynh hướng tin tưởng vào nội lực của mình sẽ làm tăng trưởng niềm tự tín và nhận lãnh tinh thần trách nhiệm cá nhân; tiến bộ tâm linh và đạo đức chỉ có thể hiện diện ở nơi nào có tự do tư tưởng, không có tín điều và không có quyền lực. Nơi đâu tín điều ngự trị và trói buộc tâm thức, ở đó không thể có tiến bộ tâm linh được; và sự trông cậy hay đặt niềm tin vào bất kỳ quyền lực bên ngoài nào chỉ dẫn đến sự trì trệ tâm linh mà thôi.
Bần Tăng đã sống nhiều năm giữa những người theo Thiên Chúa giáo. Một vài người bạn của bần tăng trong số những người Thiên Chúa đó có lần đã đọc lời cầu kinh của họ, có lẽ để bông đùa cho vui, như thế này: "Kính lạy Chúa! Nếu quả thực có chúa, hãy cứu vớt cho linh hồn con, nếu như con có linh hồn".
Trong bất kỳ tín ngưỡng nào, tự do tư tưởng là điều quan trọng nhất. Một trong sáu đặc tính của Phật pháp (Buddha Dhamma), như chúng ta đã biết, có đề cập đến những từ như "Ehi passiko" (hãy tự mình đến và thấy). Ðức Phật yêu cầu chúng ta không nên tin theo lối mù quáng những gì được nói bởi Ngài. Trong tất cả các tôn giáo thì đạo Phật đưa ra những đòi hỏi lớn nhất về hoạt động tâm linh như - chánh niệm - nhiệt tâm - chuyên cần v.v... khi Ðức Phật ban những lời giáo huấn nổi tiếng của Ngài đến các hoàng tử Kàlàma trong kinh Kàlàma (Kàlàma sutta) Ngài nói: "Không nên chấp nhận (quan điểm hay những ý niệm) chỉ do lời đồn đại, từ những gì các người được bảo là như vậy, bởi vì điều đó được đề cập trong kinh điển"; những điều nghe có vẻ Logic hợp lý, không nên chấp nhận những điều gì dựa trên cơ sở suy đoán, bởi vì tính khả dĩ của nó hoặc bởi vì "đó là do vị thầy đáng kính" của ta nói, mà khi nào, hỡi các hoàng tử Kàlàma, tự các ngươi hiểu rõ được những phẩm chất này là thiện, là tốt đẹp, không lỗi, được bậc trí khen ngợi và sẽ dẫn đến an vui hạnh phúc khi thực hành và vâng giữ điều đó. Như vậy, này các hoàng tử Kàlàmas, các người hãy trú trong đó sau khi đã đạt được những lợi ích như đã nói".
Như vậy, Ðức Phật khuyên chúng ta không nên tin những gì người khác nói chỉ đơn thuần do uy quyên của họ. Cũng như không nên tin bất cứ điều gì bởi vì điều đó là phong tục tập quán.. .nhưng đồng thời, tốt hơn hết cũng không nên vội bỏ những truyền thống như vậy một cách quá dễ. Chúng ta phải cố gắng thử nghiệm điều đó, khảo sát nó một cách tỉ mỉ và sau khi đã làm như vậy, nếu thấy rằng điều đó là hợp lý, sẽ dẫn đến hạnh phúc an vui cho mình cũng như cho mọi người, lúc đó hãy chấp nhận và sống đúng với điều ấy. Ðây có thể nói là một trong những lời tuyên bố vĩ đại nhất, can đảm nhất chưa từng có một bậc thầy tôn giáo nào đã từng tuyên bố.
Ðể hiểu rõ những nguyên nhân và điều kiện (duyên) của cuộc sống, một trong những giáo lý được Ðức Phật dạy là giáo lý về nghiệp (Kamma). Hiểu biết được nghiệp là điều tốt vì nhờ vậy chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về đạo Phật, đồng thời hiểu rõ hơn về cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Kamma là một từ Pàli có nghĩa là "hành động", dịch sát nghĩa là "những hành động thiện và ác". Như vậy, nghiệp bao trùm cả hành động thiện lẫn bất thiện của thân, khẩu và ý; nói một cách khác đó là ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta. Trong ý nghĩa cùng tột của nó, kamma nghĩa là Tư Tâm Sở (Cetanà)- hành động có chủ ý. Trong Tăng Chi Kinh (Anguttara Nikàya) Tư Tâm Sở được dịnh nghĩa: có ý muốn làm người ta mới hành động bằng tâm, bằng lời nói và bằng hành động.
Giáo lý nghiệp báo không phải là thuyết định mệnh hay là một giáo lý đề cập đến sự tiền định. Nghiệp chỉ là một trong 24 nhân Ðức Phật đã đề cập trong Patthàna (Pháp Duyên Hệ), pháp chi phối toàn thể vũ trụ này. Nghiệp (Kamma) còn là một trong 12 nhân tạo thành vòng sanh tử luân hồi (Thập Nhị Nhân Duyên) mà Ðức Phật đã dạy trong Vibanga (pháp phân tích). Kamma cũng là một trong 4 nhân được đề cập trong Vi Diệu Pháp và các kinh khác. Nghiệp không phải chỉ là ở quá khứ, quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại nhưng không hoàn toàn chi phối nó, bởi vì nghiệp không phải chỉ ở trong quá khứ mà còn ở hiện tại nữa; nghiệp quá khứ chỉ là nền tảng dựa vào đó cuộc sống hiện tại vận hành trong khoảnh khắc nào đó, quá khứ kết hợp với hiện tại ảnh hưởng đến tuơng lai sẽ tới, chỉ có giây phút hiện tại đang hiện hữu, và có thể nói là nằm trong sự quản lý của con người. Do đó, trách nhiệm sử dụng giây phút hiện tại này nằm ở mỗi cá nhân hoặc cho mục đích thiện hoặc cho mục đích ác, mọi hành động đều tạo ra kết quả của nó. Chính hành động hay nhân đi trước và rồi quả theo sau. Như vậy, chúng ta nói về nghiệp như là quy luật của vũ trụ về nhân và quả.
Bần tăng xin nêu ra đây một ví dụ rất phổ biến và đã được đề cập nhiều lần để chứng minh cho vấn đề này. Chẳng hạn, ném một hòn đá là hành động, hay gọi là nhân; hòn đá này đập trúng cánh cửa kiếng và làm nó bể tung. Việc ném hòn đá là hành động, là nhân, nhưng hòn đá đập vào cửa sổ và làm bể kiếng là quả. Chúng ta nói hành động ném cục đá vào cửa sổ là nhân gây ra việc bể kiếng và cánh cửa bể tức là quả. Quả này đến lượt nó trở thành nhân cho sự phiền muộn hay hậu quả xa hơn; chẳng hạn, phải tốn tiền đi thay cửa kiếng, bởi vì bạn phải thay cánh cửa bể nên tốn kém tiền bạc của bạn, hậu quả tác động trên tâm bạn là sẽ thất vọng hay bất mãn, lúc đó bạn trở nên bực dọc khó chịu. Khi bạn khó chịu thì sự sân hận có thể rất dễ sanh khởi; sự sân hận của bạn là kết quả, nhưng nó cũng trở lại thành nhân; vì sân hận bạn có thể nói hay làm điều gì đó khó ưa; và chính điều bạn nói hay làm với thái độ khó ưa này có thể làm tổn thương đến người khác hoặc làm hư hao vật gì khác v.v...
Trong thuật ngữ của người Thiên Chúa thì vì bạn ném hòn đá và làm bể cửa sổ, bạn phải tốn tiền mua tấm kiếng cửa sổ mới, toàn bộ chuỗi nhân và quả này dẫn đến kết quả cuối cùng được họ xem như là một sự trừng phạt của Chúa. Trong đạo Phật hoàn toàn không có chỗ đứng cho một vị Thượng Ðế đến để trừng phạt bạn. Vì vậy, tiếp tục ví dụ trên, khi bạn nổi sân bạn có thể nói điều gì đó khó ưa với một người nào đó và người này có thể cũng trả đũa lại bạn như vậy. Sau đó, nếu không thận trọng, sự việc này có thể dẫn đến một cuộc khẩu chiến giữa hai người và còn có thể đánh lộn nhau nữa. Giữa hai quốc gia cũng vậy, từ một xích mích nhỏ, nếu không tự chế thì có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh. Tất cả những điều này chỉ cho chúng ta thấy một cách rõ ràng rằng có sự hiện hữu của quy luật nhân quả.
Nếu hiểu một cách đúng đắn thì giáo lý nghiệp dạy cho chúng ta bài học cần phải cẩn trọng với những ý nghĩ, lời nói và hành động của mình trong cuộc sống hàng ngày để cho khi thời gian qua đi, nó sẽ tạo cho chúng ta thành những con người tốt đẹp hơn, ước mong thực hiện những hành động cao quý và tốt lành hơn đối với mọi người, đồng thời sống một cách hài hoà hơn với đồng loại. Ðây mới chỉ là một ví dụ về sự lợi ích của việc hiểu giáo lý nghiệp báo.
Có một câu hỏi khá phổ biến và thường được một số người Tây phương hoặc các nước không Phật giáo hỏi là: "Ðôi lúc chúng tôi cố gắng làm điều thiện, nghĩ rằng sẽ gặt hái quả lành, thế nhưng trong một vài trường hợp kết quả hay quả báo lại hoá ra trái ngược lại, nghĩa là chúng tôi phải chịu quả xấu. Tại địa phương chúng tôi ở, một người xảo quyệt, biết lợi dụng thời cơ được gọi là một người "khôn ngoan". Càng khôn ngoan, càng ác độc và càng tham lam bao nhiêu hắn ta lại càng được mọi người ca tụng như là một vị anh hùng thành công nhất của xã hội. Lại nữa, trong số những con chó, con nào khoẻ nhất và dữ tợn nhất thì vớ được cục xương bở nhất. Thế đấy, không hiểu sự vận hành của luật nhân quả mà các Ngài nói nằm ở chỗ nào? Giáo lý về nghiệp công bằng ở chỗ nào?".
Vâng, về trường hợp này, không những ở Australia (Úc), (vì người hỏi là người Úc), mà ở các vùng khác trên thế gian này người ta cũng hỏi vậy. Xảo quyệt, tham lam lại thường được ca tụng như những bậc anh hùng chiến thắng trong xã hội. Nói như vậy, các bạn cũng có thể hỏi: "Chừng nào thì chúng tôi sẽ gặt những quả lành cho điều thiện mà chúng tôi đã làm hoặc đang cố làm?" Cái thiện mà chúng ta đã làm dường như cho quả rất chậm có phải vậy không? Rồi lại có người khác hỏi bần tăng rằng trong lúc anh ta đang đọc kinh cầu nguyện chúa thì một gã nào đó - người hàng xóm của ông ta - đi đến và nói với ông ta là ông đã gây ồn ào quá mức trong lúc đọc kinh. Vì vậy mà ông ta hỏi bần Tăng "Tại sao lúc tôi đang thực hiện một việc thiện như vậy với một đức tin trọn lành, nhưng lập tức quả báo lại xấu, phải nói là rất xấu. Ðiều này chứng tỏ là quy luật nhân quả của các Ngài không thể hiện công bằng đối với người Thiên Chúa chúng tôi rồi?"
Bần tăng nói với ông ta: "Mặc dù ông có thể đang phụng thờ chúa vì một mục đích tốt vào lúc đó, thế nhưng để hiểu lý do tại sao người ta lại đến và sỉ vả ông, thì cần phải nghĩ lại xem ông có làm hay nói điều gì với người kia hoặc sáng nay hoặc hôm qua hay một ngày nào đó trước đây không. Lúc đó ông mới khả dĩ tìm ra nguyên nhân vì sao họ lại đến sỉ vả mình; người ta có khuynh hướng hay quên những điều mình đã làm cho người khác. Vì thế, khi quả báo đến họ nghĩ là nó đến thật bất ngờ hoặc họ vô cùng ngạc nhiên về điều đó; không phải rằng việc gì cũng xảy đến thình lình hoặc không phải việc gì cũng khiến bạn phải kinh ngạc vì sự xuất hiện của nó cả, vấn đề là ở chỗ bạn không nhớ những gì mình đã làm và nguyên nhân có thể là hoàn toàn hiểu lầm".
Vì thế cho nên bất luận điều gì xảy đến với chúng ta cũng luôn luôn là công bằng và cần phải được chấp nhận trong tinh thần hiểu biết đúng đắn. Nếu điều gì khó chịu xảy đến, ta không nên nóng nảy, giận dữ hoặc thất vọng mà cần phải bình tĩnh để nhận ra rằng nghiệp xấu đã trở lại để nhắc chúng ta nhớ về những sai lầm trong quá khứ của chúng ta. Nếu điều gì đáng ưa, dễ chịu xảy đến cũng vậy, chúng ta không nên hãnh diện về nó. Ðiều đó chỉ chứng tỏ rằng thiện nghiệp đã trở lại với chúng ta bằng quả lành mà thôi. Bất cứ khi nào có vấn đề gì xảy đến làm đảo lộn cuộc sống của chúng ta, chúng ta hãy cố gắng sống cho thật tốt và đừng bao giờ lo lắng, kích động hay giận dữ. Chúng ta cần quyết tâm vững chắc sống một cuộc đời chân chánh nhờ hiểu biết sự vận hành của những quy luật Nhân - Quả này, còn gọi là quy luật Nghiệp Báo (Kamma) trong đạo Phật.
-ooOoo-
ÐẠO PHẬT: CON ÐƯỜNG ÐI ÐẾN TRÍ TUỆ
Ðức Phật là một người đã đạt đến giác ngộ; nói đến giác ngộ là muốn nói đến trí tuệ - một trạng thái lý tưởng của sự hoàn thiện cả về tri thức lẫn đạo đức, trạng thái này có thể được mọi người đạt đến qua những phương tiện hoàn toàn nhân bản. Từ "Phật" (Buddha) nghĩa đen là "Bậc Giác Ngộ" "Bậc Hiểu Biết" - và đó cũng là một hồng danh được ban tặng cho hiền giả Cồ Ðàm (Gotama) sau khi Ngài đã chứng đạt giác ngộ dưới gốc cây Bồ đề (Bodhi) tại Buddhagayà (Buddhagayà) Ấn Ðộ.
Thái tử sinh làm con một vị vua Ấn Ðộ nơi vùng biên giới xứ Nepal hiện nay, vào khoảng 623 năm trước Christ. Ðể đánh dấu địa điểm này như là nơi sanh ra bậc đạo sư của nhân loại và để tỏlòng tôn kính của mình đối với Ngài, hoàng đế A Dục năm 239.B.C đã cho dựng một thạch trụ mang dòng chữ "nơi đây bậc giác ngộ đã đản sanh". Thái tử đã trải qua những năm đầu của thời kỳ thơ ấu trong an lạc, xa hoa và được giáo dục rất tốt. Cha Ngài, vua Tịnh Phạn, cố hết sức không để cho con mình thấy một điều gì xấu xa và khó chịu trong cuộc đời này. Tuy nhiên năm 29 (hai mươi chín) tuổi, khi đi dạo trong vườn thượng uyển, thái tử đã chứng kiến trên đường đi những cảnh người già đau, chết và Ngài nhận chân ra rằng tất cả mọi người không ngoại lệ ai đều phải chịu sanh, già, bệnh, chết, và rằng mọi lạc thú thế gian chỉ là khởi đầu của khổ đau. Hiểu rõ nỗi khổ đau chung của nhân thế như vậy, Ngài khát khao muốn tìm cho ra một phương thuốc chữa trị cho căn bệnh thế gian này.
Vào cái đêm sau khi đi dạo chơi vườn Thượng Uyển trở về, Thái tử suy nghĩ rằng nếu như mình tại vị như một ông vua, mình sẽ phải phung phí thời giờ quý báu của mình để lo toan quốc sự và để duy trì vương vị. Từ đó, không thể tìm kiếm được phương thuốc chữa trị cho nhân gian, cũng như không thể đạt đến hạnh phúc cao tột của Niết Bàn - sự diệt tận mọi khổ đau. Từ ấy, Ngài từ bỏ vương quốc và cắt đứt mọi ràng buộc thế gian để sống cuộc đời của một nhà tu khổ hạnh, lang thang làm kẻ đi tìm chân an lạc cho đời. Ngài đã đến học đạo với nhiều bậc thầy nổi tiếng thời đó, thế nhưng không ai có đủ khả năng thoả mãn cho những gì Ngài đang nhiệt tâm tìm kiếm. Ngài đã thực hành một cách kiên trì mọi hình thức khổ hạnh nghiêm khắc nhất và thực hiện một nỗ lực phi thường trong suốt 6 năm trường. Cuối cùng, tấm thân thanh nhã của Ngài teo rút lại hầu như chỉ còn là bộ xương; càng hành xác bao nhiêu Ngài càng cảm thấy xa rời cứu cánh giải thoát bấy nhiêu. Nhận ra sự vô dụng hoàn toàn của việc hành hạ thân xác theo lối khổ hạnh, cuối cùng Ngài quyết định đi theo một lộ trình tu tập khác, rời xa hai cực đoan của khổ hạnh và lợi dưỡng.
Lộ trình mới mà Ngài khám phá là Trung Ðạo (Bát Chánh Ðạo), đạo lộ mà sau này đã trở thành một nét đặc thù của Phật pháp. Nhờ hành theo Trung Ðạo này, trí tuệ của Ngài phát triển tột độ và Ngài khám phá ra Chân Lý Tứ Ðế, liễu tri các pháp như chúng thực sự là, và cuối cùng đạt đến Toàn Giác. Như vậy, là một con người, thái tử, bằng chính ý chí, nỗ lực tinh tấn, trí tuệ và từ bi của mình, đã đạt đến Phật quả - trạng thái tuyệt đỉnh của sự hoàn thiện - và Ngài đã vén lên cho nhân loại thấy con đường thẳng duy nhất dẫn đến trạng thái giác ngộ đó. Một nét đặc thù của đạo Phật nữa là bất cứ ai cũng có thể vươn đến ngay cả trạng thái mà chính Ðức Phật đã đắc nếu như họ thực hiện những nỗ lực cần thiết. Ðó chính là một loại tiến trình tiến hoá và được thành tựu bằng nỗ lực cá nhân của con người.
Ðức Phật nhấn mạnh đến giá trị nhân bản và Ngài thường dạy cho mọi người thấy cái quý được làm người. Ngài đã vẽ cho ta bức tranh toàn hảo về một con người đang cố gắng và đang phấn đấu từ kiếp này sang kiếp khác để tầm cầu sự hoàn thiện về đạo đức hay các pháp Ba La Mật - vị Bồ Tát - một người đang cố gắng để thành Phật. Khi còn là một Bồ Tát trải qua vô lượng kiếp luân hồi Ngài đã chịu đựng mọi đau khổ, đã hy sinh tất cả để chu toàn mọi pháp độ (Ba la mật) sao cho một ngày xa xôi nào đó Ngài có thể thành tựu cứu cánh tối hậu của mình, mục tiêu chiến thắng không chỉ cho riêng mình mà cho tất cả chúng sanh, giải thoát khỏi những gánh nặng của sanh, lão, bệnh, tử. Chính Ðức Phật đã kể cho chúng ta nghe về nguồn gốc của Ngài và Ngài đã khởi đầu với một quyết tâm tha thiết và không gì lay chuyển nổi như thế nào. Ngài còn kể cho chúng ta biết về sự hoàn thiện dần từng bước của tiến trình thực hiện nguyện vọng tha thiết đó, và cuối cùng Ngài đã đạt đến giác ngộ viên mãn như thế nào. Thay vì làm nản lòng những người theo mình để giữ độc quyền trạng thái tối tôn (Phật quả) cho riêng mình, Ðức Phật đã khuyến khích và thúc đẩy mọi người đi theo tấm gương cao quý của Ngài.
Ðạo Phật có phải là một tôn giáo không? Ðạo Phật không phải là một tôn giáo theo cái nghĩa mà từ này thường được hiểu, bởi vì đạo Phật không phải là một hệ thống đức tin và thờ phượng. Mặc dù chúng ta có thể quy y nơi Ðức Phật, như trong các nghi lễ giản dị, tự thân người Phật tử nguyện sẽ sống một cuộc sống theo gương Ngài bằng Tam Quy, vấn đề ở đây không phải là bằng niềm tin mù quáng nơi Tam Bảo mà Ngài có thể cứu độ chúng ta. Ở đây, chỉ có đức tin suông sẽ bị loại trừ và được thay thế bằng niềm tín (hay Tín) dựa căn bản trên kiến thức hay sự hiểu biết về sự thực (chân lý). Một Phật tử có niềm tin nơi Ðức Phật sẽ theo những lời chỉ dẫn của Ngài để đạt đến giải thoát. Chúng ta thờ Phật để tỏ lòng kính trọng đối với Ngài - bậc ân nhân đã chỉ cho ta con đường giải thoát, chúng ta hoàn toàn không phải là những người sùng bái các ngẫu tượng, dù bằng bất cứ ý nghĩa nào; hình tượng của Ngài nhắc cho chúng ta nhớ đến nhân cách toàn vẹn của một bậc thầy, người mà phát xuất từ lòng bi mẫn đối với chúng ta, đã để lại những lời dạy quý giá vì lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta không đi tìm sự giải thoát từ nơi hình tượng của Ðức Phật; làm thế nào một bức tượng lại có thể cứu độ cho chúng ta được chứ? "Hãy tự mình thực hiện sự giải thoát; chư Phật chỉ là bậc đạo sư" Ðức Phật đã dạy như vậy. Mỗi người là nơi nương tựa cho chính mình và không ai có thể trông đợi để được người khác cứu độ cho cả.
Ðức Phật có thể chỉ đường và nói cho chúng ta biết rõ những khó khăn cũng như những cái đẹp của con đường, những điều chắc chắn chúng ta sẽ gặp khi chúng ta bước lên đó, Ngài không thể bước thế cho chúng ta mà tự thân chúng ta phải bước lấy. Ðể giúp chúng ta bước lên đạo lộ đi đến mục tiêu giải thoát này, Ðức Phật đã vẽ lại những pháp hành cần phải được sống theo và chỉ bằng cách sống hợp theo những nguyên tắc của giáo pháp người ta mới có thể thấu hiểu được thực nghĩa của nó. Lý tưởng vĩ đại nhất là Niết Bàn, sự giải thoát cuối cùng khỏi khổ đau. Ðây là một trạng thái được đạt đến bằng pháp hành dẫn tới sự giác ngộ - tự ngộ. Lối sống của Ðức Phật là lối sống trung đạo, không lạc quan cũng chẳng bi quan. Lạc quan có khuynh hướng đánh giá quá cao điều kiện của cuộc sống, trong khi đó bi quan lại đánh giá nó quá thấp, giáo lý về "con đường" hay "trung đạo" chỉ có thể nắm bắt được bởi một người đã hiểu rõ tính tương quan và tương duyên của hai cực đoan đó. Tất cả các cực đoan đều sanh ra những đối nghịch của nó và cả hai đều bất lợi như nhau. Ðối với mọi người thì lối sống trung đạo trong thế gian này là lối sống tốt đẹp và an toàn nhất.
Phật giáo có ba phương diện: học, hành và chứng đắc. Phương diện học hay còn gọi là pháp học được lưu giữ trong kinh điển Tam Tạng. Tam Tạng Kinh (Tipitaka) chứa đựng những lời dạy của Ðức Phật và được các nhà dịch thuật anh ngữ đánh giá là lớn gấp 11 lần thánh kinh Thiên Chúa. Bài kệ sau đây có thể xem là cô đọng của tất cả những gì Ðức Phật đã dạy:
Luôn làm các việc thiện
Giữ cho tâm trong sạch
Ðó lời chư Phật dạy".
SỨC MẠNH CỦA TRÍ TUỆTrí tuệ là năng lực để thấy được các pháp thực sự là gì (thực tánh của các pháp) và làm thế nào để hành xử một cách đúng đắn khi các vấn đề của cuộc sống xảy đến trước chúng ta. Hạt giống trí tuệ ngủ ngẫm trong mỗi chúng ta, và khi tâm hồn ta nồng ấm và dịu dàng với lòng từ bi, những hạt giống trí tuệ này sẽ phát triển thành những năng lực của nó. Khi một người lắng dịu lại những dòng bộc lưu của tham, sân, si, họ trở nên một nguời có lương tâm, đầy lòng trắc ẩn, và họ biết lo lắng cho sự an vui hạnh phúc của tất cả chúng sanh. Người ấy tránh không trộm cắp và biết cư xử chánh trực thanh liêm; người ấy tránh xa sự tà dâm và sống trinh bạch thuần khiết; người ấy tránh xa việc nói dối; điều gì người ấy nghe ở nơi này không đem nói ở nơi khác để gây sự bất hoà chia rẽ; người ấy biết kết hợp lại những người chia rẽ và khuyến khích những người biết sống đoàn kết; người ấy tránh xa lời nói hung ác, chỉ nói những lời dịu dàng, mềm mỏng, dễ nghe và truyền cảm; người ấy tránh không nói lời vô ích và chỉ nói những điều hữu ích, đúng thời và hợp với sự kiện. Chính khi tâm người ấy thanh tịnh và cõi lòng người ấy lắng dịu nhờ được trang bị với giới hạnh như vậy là lúc mà hạt giống thánh thiện - trí tuệ phát triển. Kiến thức hiểu biết về những đặc tánh của cây kim từ tính (trong chiếc la bàn) có thể giúp người đi biển thấy đúng hướng trên đại dương mênh mông trong những đêm tối tăm nhất, khi không một vì sao nào được thấy. Cũng như vậy, trí tuệ có thể giúp cho người ta thấy các pháp như chúng thực sự là, và nhận ra con đường chân chánh đi đến an lạc. Chính trí tuệ này sẽ giúp chúng ta hội nhập với mọi chúng sanh trong cùng một đại dương mênh mang của từ ái và yêu thương.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.12/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment