THICH NU CHAN TANH.MHDT.
chú nghĩa Kinh A Di Đà
Niệm Phật Bát Nhã Tam Muội Kinh
kinh khen ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn
và được tất cả các đức Phật hộ niệm
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Đại bổn kinh A Di Đà là Vô Lượng Thọ Kinh, với 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà.
Tiểu bổn nầy, đời Hậu Tần (383-416), ngài Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu của vua Dao Hưng, dịch từ Phạn ngữ ra Hán văn, vào năm 402, tại chùa Thảo Đường ở xứ Trung Quốc thời đó. Bản dịch Hán ngữ của ngài Cưu Ma La Thập đã được dùng làm kinh nhật tụng cho các thời khóa công phu và được xem là định bản để dùng cho các bộ A Di Đà chú giải cũng như đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác.
Pháp sư Cưu Ma La Thập, tức là ngài Đồng Thọ, người xứ Thiên Trúc (Ấn Độ), là vị Pháp sư đã phiên dịch trên 380 quyển kinh Phật từ tiếng Phạn ra tiếng Hán. Đồng Thọ, có nghĩa là vị đồng tử có tuổi thọ rất lâu dài.
Phật nói về thế giới Cực Lạc ở phương Tây
Câu hội tại vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc
KINH: “Tôi nghe như vầy. Một thuở nọ, Phật ở nước Xá Vệ, nơi vườn của ông Cấp Cô Độc và cây của ông Kỳ Đà, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ Kheo tụ hội, đều là bậc đại A La Hán mà mọi người biết đến: Trưởng lão Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Dà, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nậu Lầu Đà, các đại đệ tử như thế.”
Tôi nghe như vầy (như thị ngã văn) là chính ngài A Nan đã nghe và thuật lại đúng y như vậy những lời của Phật Thích Ca nói.
Kỳ Đà Cấp Cô Độc là tên của 2 ông Kỳ Đà và Cấp Cô Độc. Trưởng giả Cấp Cô Độc (người giúp đỡ kẻ cô thân nghèo khốn) là ông Tu Đạt Đa, rất giàu có và nhân hậu, đã dùng vàng trải trên mặt đất để mua mảnh vườn của thái tử Kỳ Đà, làm Tịnh Xá cho Phật và Tăng chúng. Thái tử Kỳ Đà là con của vua Ba Tư Nặc. Những hàng cây trong vườn là của thái tử Kỳ Đà cúng dường cho đức Phật. Vì thế, khu vườn nầy được gọi là Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên (cây của ông Kỳ Đà và vườn của ông Cấp Cô Độc), còn gọi là Kỳ Viên Tịnh Xá Jetavana.
Xá Vệ (tiếng Pali: Savatthi, tiếng Phạn: Sravasti) là kinh đô nước Kosala của vua Ba Tư Nặc ở xứ Ấn Độ thời đó, nằm ở khoảng giữa của 3 nơi giáp quanh là sông Hằng, vườn Lâm Tỳ Ni (gần thành Ca Tỳ La Vệ, nơi Phật đản sanh) và dãy núi Hy Mã Lạp Sơn (biên giới Nepal).
Các vị đại Tỳ Kheo đến dự pháp hội đều là những bậc đã chứng đắc quả vị A La Hán. A La Hán (có 3 nghĩa: Ứng Cúng, Sát Tặc, Vô Sanh) là người đã đạt được sự giải thoát và đoạn dứt tất cả mọi phiền não. A La Hán là quả vị cao nhất trong bốn quả Thanh Văn, là bậc Thánh, đã chứng đắc viên mãn tuệ, còn gọi là Bất Sinh. Ứng Cúng là xứng đáng được mọi người cúng dường. Sát Tặc là diệt trừ tất cả giặc phiền não. Vô Sanh là không còn trong vòng sanh tử.
Những vị đại Tỳ Kheo có đạo hạnh cao, xuất gia lâu năm, lớn tuổi, có tài biện luận và lý giải, được mọi người tôn quý và kính ngưỡng, gọi là Trưởng lão (người lớn tuổi), hoặc Tôn giả (người xứng đáng được tôn kính).
Các ngài Xá Lợi Phất, Ma Ha Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên… đều là những vị Trưởng lão mà mọi người quen biết vì các ngài là những đại đệ tử rất thường đi theo và gần gũi đức Phật.
Những vị đại đệ tử như thế (như thị đẳng chư đại đệ tử) đã đến tham dự pháp hội và nhiều vị đại đệ tử khác cũng cùng đến câu hội, tất cả là 1.250 vị. Câu hội là cùng đến tụ hội ở một nơi, để cùng nhau tham dự pháp lễ.
Trong số 1.250 vị đại Tỳ Kheo đến câu hội (1.000 vị là các đệ tử của 3 anh em ngài Ca Diếp, 200 vị là các đệ tử của 2 ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, 50 vị là các đệ tử của ngài Da Xá Tử) có 16 vị đại Trưởng lão đã được nêu tên, làm chứng tín cho lời thuật lại của ngài A Nan trong bản kinh A Di Đà:
– Xá Lợi Phất (còn gọi là Xá Lợi Tử) là con của bà Xá Lợi (tiếng Hán là Thu Lộ). Ngài là người có trí tuệ cao siêu đệ nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, có tài diễn thuyết và nghị luận.
– Ma Ha Mục Kiền Liên (con của bà Thanh Đề) là bạn thân của ngài Xá Lợi Phất, là người có thần thông đệ nhất trong hàng Thanh Văn đại đệ tử của Phật.
– Ma Ha Ca Diếp, có nghĩa là Ấm Quang (vì thân sắc của ngài luôn tỏa ra ánh sáng chói ngời), là người tu khổ hạnh đệ nhất (hạnh đầu đà) trong hàng đại đệ tử của Phật và là người đã được Phật Thích Ca trao cho y bát.
– Ma Ha Ca Chiên Diên là người có tài biện thuyết phi thường nên được đại chúng tôn xưng là người luận nghị đệ nhất.
– Ma Ha Câu Hy La là cậu ruột của ngài Xá Lợi Phất, là người có tài vấn đáp đệ nhất trong hàng đại Tỳ Kheo của Phật.
– Ly Bà Đa là người hiểu biết thông suốt mọi lý lẽ các pháp, không bao giờ nghi ngờ lời Phật dạy, có định lực ngồi thiền rất cao, nên được đại chúng tôn xưng là bậc đệ nhất không điên đảo trong hàng đại đệ tử của Phật.
– Châu Lợi Bàn Đà Dà là người dốt chữ và rất chậm hiểu. Sau khi chứng đạo, ngài thấu suốt hết mọi nghĩa lý trong kinh điển, vì vậy được đại chúng tôn xưng là bậc liễu nghĩa đệ nhất.
– Nan Đà là em cùng cha khác mẹ với Phật, là người có tướng hảo rất trang nghiêm, nên được đại chúng tôn xưng là người có dung nghi đệ nhất trong hàng đại Tỳ Kheo của Phật.
– A Nan Đà, gọi tắt là A Nan, có nghĩa là Khánh Hỷ, con người chú (vua Hộc Phạn), là thị giả (người hầu cận) của đức Phật lúc còn tại thế. Ngài là người đa văn đệ nhất trong hàng Thanh Văn đại đệ tử của Phật, có biệt tài về chữ nghĩa và trí nhớ siêu phàm. Tất cả kinh Phật đều là do ngài A Nan ghi nhớ và thuật lại.
– La Hầu La, có nghĩa là sự trói buộc (Phú Chướng), là con của thái tử Sĩ Đạt Đa (còn gọi là Tất Đạt Đa, tức là đức Phật Thích Ca trước khi xuất gia). Ngài La Hầu La được đại chúng tôn xưng là người có mật hạnh đệ nhất trong số các đại đệ tử Thanh Văn của Phật.
– Kiều Phạm Ba Đề là người được chư Thiên cúng dường đệ nhất trong hàng Tỳ Kheo đại đệ tử của Phật.
– Tân Đầu Lô Phả La Đọa là người được tôn xưng có phước điền đệ nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, vì ngài là ruộng phước ở cõi trần gian để mọi người gieo hạt giống lành (cúng dường).
– Ca Lưu Đà Di là người được đại chúng tôn xưng là bậc giáo hóa đệ nhất trong số các đại đệ tử của Phật, có tài thuyết phục mọi người.
– Ma Ha Kiếp Tân Na là người có tài thiên văn đệ nhất trong hàng Thanh Văn đại đệ tử của Phật.
– Bạc Câu La là người có thọ mạng đệ nhất trong hàng đại đệ tử của Phật, sống lâu 160 tuổi trong 91 kiếp.
– A Nậu Lầu Đà (còn gọi là A Na Luật) là người khất sĩ mù (vì tinh tấn tu tập suốt 7 ngày đêm không ngủ nghỉ). Sau khi chứng đạo, ngài là người có thiên nhãn thông đệ nhất trong số các hàng Tỳ Kheo đại đệ tử của Phật.
KINH: “Lại có hàng đại Bồ Tát: Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, cùng với các đại Bồ Tát như thế, và Thích Đề Hoàn Nhân, vô số chư Thiên, tất cả đại chúng dự hội.”
Trong số chư vị Bồ Tát đến câu hội, có 4 vị đại Bồ Tát đã được nêu tên, làm chứng tín cho lời thuật lại của ngài A Nan trong bản kinh A Di Đà. Đó là các ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát. Những vị đại Bồ Tát như thế (như thị đẳng chư đại Bồ Tát) đã đến tham dự pháp hội và nhiều vị đại Bồ Tát khác cũng cùng đến câu hội: – Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là người đứng đầu trong hàng Bồ Tát của Phật, là vị đại Bồ Tát có trí tuệ bất khả tư nghì, nên được đại chúng tôn xưng là bậc Diệu Đức. Thời Phật còn tại thế, ngài đang tu hành hướng về Phật quả viên mãn, sẽ thành Phật sau đức Thế Tôn, vì vậy ngài được gọi là Pháp Vương Tử (con của vua pháp). Tiền thân, ngài là người con thứ 3 của vua Vô Tránh Niệm (tức là đức Phật A Di Đà trước khi xuất gia).
– A Dật Đa Bồ Tát (có nghĩa là Vô Năng Thắng), tức là đức Di Lặc Bồ Tát (tiếng Hán là Từ Thị), là vị đại Bồ Tát thuộc hàng nhất sanh bổ xứ của Phật, phát tín tâm nơi pháp môn Tịnh Độ. Ngài hiện đang thuyết pháp ở cung Trời Đâu Suất, tương lai hạ sanh vào thế giới Ta Bà và sẽ thành Phật tại hội Long Hoa. Tiền thân, đức Di Lặc là đệ tử của ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử.
– Càn Đà Ha Đề Bồ Tát (có nghĩa là Bất Hưu Tức), là vị đại Bồ Tát tu tập rất tinh tấn, đã trải qua bao nhiêu số kiếp mà vẫn không ngừng nghỉ tu tập.
– Thường Tinh Tấn Bồ Tát là vị đại Bồ Tát thường luôn kiên trì tu tập hạnh tự lợi và lợi tha, giáo hóa và cứu độ chúng sanh không bao giờ chán mỏi.
4 vị đại Bồ Tát nầy (Bồ Tát Ma Ha Tát) là những bậc mô phạm, đầy đủ công đức trí tuệ và đạo hạnh, đại diện cho chánh pháp Đại Thừa của Phật, biểu trưng cho 4 Thánh đức: Trí Tín Nguyện Hạnh.
- Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, biểu trưng cho Trí
- Bồ Tát A Dật Đa, biểu trưng cho Tín
- Bồ Tát Càn Đà Ha Đề, biểu trưng cho Nguyện
- Bồ Tát Thường Tinh Tấn, biểu trưng cho Hạnh
Tu Di là ngọn núi lớn nhất thế giới (Tu Di sơn vương), cao 84.000 do tuần, bằng 4 chất báu sáng ngời là vàng bạc lưu ly pha lê, ở trung tâm điểm của vũ trụ, là trú xứ của chư Thiên. Trên đỉnh núi là cõi Đao Lợi của vua Đế Thích, ở khoảng giữa lưng chừng núi là 4 cõi Trời của Tứ Đại Thiên Vương (mỗi vị ở mỗi phương: Đông, Tây, Nam, Bắc), các cõi nầy nương theo ánh sáng của mặt trời. Từ đỉnh núi lên cao hơn nữa là 28 cõi Trời khác nương theo mây, có ánh sáng riêng ở mỗi cõi. Tổng cộng tất cả là 33 cõi. Do tuần (yojana), số dặm của Ấn Độ, có rất nhiều hạng: 30 dặm, 40 dặm, 60 dặm, tính theo dặm Tàu. 1 dặm Tàu là 500 mét (0.5 km).
Thế nào là Tri-Tín-Nguyện-Hạnh?
Tri-Tín-Nguyện-Hạnh được xem là 4 món lương thảo (gọi là tứ tư lương: hiểu sâu, tin chắc, nguyện thiết, hành chuyên) rất cần thiết cho người niệm Phật, để dựa theo đó làm phương hướng tu hành. Mỗi món đều cần nhau, nương vào nhau, không thể thiếu bất cứ một món nào. Nếu không hiểu sâu thì tin sẽ không chắc. Nếu tin không chắc thì nguyện sẽ không thiết tha. Nguyện không thiết tha, vì niềm tin không chắc, thì làm sao có thể hành cho chuyên. Vì vậy mà nói, tất cả đều là những lương thảo rất cần thiết, làm hành trang 6 thời cho người tìm học và tu trì theo pháp môn Niệm Phật Tam Muội.
– Tri là hiểu sâu. Tìm học để thấu suốt diệu nghĩa của chánh pháp. Khi hiểu sâu thì TRI tức là TRÍ, tức là Văn Huệ và Tư Huệ, trí tuệ đạt được do sự lắng nghe, tìm học, suy luận về những nghĩa lý nhiệm mầu trong kinh điển. Nếu không có nhiều thời gian để nghiên cứu về Phật pháp, thì chỉ cần học hiểu cho rốt ráo mọi nghĩa lý sâu kín của bản kinh A Di Đà, rồi theo đó mà thọ trì, thì cũng là đầy đủ. Nếu có thời giờ, nên thường đọc kinh A Di Đà, mỗi ngày một lần, mỗi lần đọc sẽ hiểu thêm một chút sâu xa hơn, cho niềm tin được vững vàng, để thọ trì đúng pháp, cảm ứng sự diệu mầu trong lời Phật dạy.
– Tín là tin chắc. Tin vào lời của Phật Thích Ca, tin vào lý nhân quả, tin vào luật luân hồi và nghiệp báo, tin thật có thế giới Cực Lạc ở phương Tây, tin có cõi Tịnh Độ ở trong tâm mình, tin vào 48 lời nguyện của đức Phật A Di Đà, tự tin chính mình cũng có khả năng thành Phật.
– Nguyện là nguyện thiết. Tha thiết cầu vãng sanh về cõi Tây phương Cực Lạc, tu tạo công đức và đạo hạnh để sớm đạt thành Phật quả, giải thoát chính mình và cứu độ chúng sanh.
– Hạnh là hành chuyên, trên cả 2 mặt Thiện nghiệp và Tịnh nghiệp. Nghĩa là phải nỗ lực gieo trồng những nghiệp lành, nắm giữ các thiện pháp, tránh làm những điều ác, thực hành hạnh bố thí và tha thứ, thường xuyên sám hối tu sửa tâm tánh, không hại người và vật, không báo thù người, nghiêm giữ giới luật, tinh tấn trì niệm A Di Đà để chuyên nhất tâm tưởng, dùng câu Phật hiệu để diệt trừ mọi tà ý sân niệm sanh khởi, tâm tưởng ngày đêm hướng về các cõi lành và các điều lành, hồi hướng công đức về Cực Lạc và chúng sanh muôn loài.
Bốn món tư lương Tri-Tín-Nguyện-Hạnh là hành trang tu đạo mà người niệm Phật phải nắm chặt lấy. Hãy giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau, cùng tiến tu đến quả vị cứu cánh Niết Bàn ngay trong kiếp nầy. Chúng ta hãy cùng nhau cố gắng, ráng làm cho xong trong một đời nầy. Hãy tinh tấn tu trì, với niềm tin thật vững chắc, tin ở khả năng tự lực của chính mình, tin ở sức mạnh hộ trì của chư Phật mười phương. Người niệm Phật phải thiết tha một lòng hướng nguyện sanh về cõi nước Phật A Di Đà. Đức Thế Tôn đã dạy, niềm tin ở chánh pháp là cửa vào của pháp môn Niệm Phật Tam Muội, người niệm Phật nhất định phải thành Phật.
Người tu trì theo pháp niệm Phật phải phát tâm Bồ Đề vô thượng, tu tập Giới Niệm Định Huệ, ngày đêm 6 thời thành kính thọ trì danh hiệu A Di Đà Phật. Phát tâm Bồ Đề vô thượng là tìm cầu giải thoát để thành Phật, tu tập theo hạnh của Phật và chư đại Bồ Tát.
Thế nào là Nhân Quả?
Nhân Quả là nguyên nhân và kết quả. Hễ gieo nhân gì thì gặp quả đó. Nếu không có nhân thì không có quả. Trồng nhân tốt thì được quả tốt. Trồng nhân xấu thì bị quả xấu. Làm việc thiện thì được quả thiện. Làm việc ác thì bị quả ác. Sự chuyển tiếp từ Nhân để trở thành Quả do bởi các trợ duyên. Nhân và Quả tiếp nối với nhau và tương quan vào nhau, trong nhân có quả, trong quả có nhân, có nhân thì sẽ có quả, có quả thì sẽ có nhân mới. Đó là chân lý bất biến của vũ trụ vạn thể.
Thế nào là Luân Hồi?
Luân Hồi là bánh xe quay vòng và liên tục, tác động trên mọi người và mọi loài, dựa trên lý Nhân Quả mà chuyển tiếp, từ Nhân thành ra Quả, từ Quả thành ra Nhân mới, du hành liên tục qua 6 cõi: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A Tu La, Người, Trời (gọi là Lục Đạo). (Ngạ quỷ là loài quỷ đói vì cổ họng chỉ nhỏ bằng ống kim nên không thể ăn được nhiều. A Tu La là loại thần Phi Thiên, tánh khí rất nóng nảy và hung bạo, sống ở cõi Người hoặc cõi Thiên.)
Nếu khi sống, mình gieo nhân tốt, nghiệp tốt, thì khi chết sẽ được chuyển đến cảnh giới tốt, thân tốt. Nếu khi sống, mình gieo nhân xấu, nghiệp xấu, thì khi chết sẽ bị chuyển đến cảnh giới xấu, thân xấu. Đó là định luật chuyển tiếp quay vòng của tất cả vạn vật nhân sinh nơi cõi Ta Bà.
Muốn thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi trong 6 cõi và đạt đến cảnh giới an vui vĩnh hằng thì bản thân phải tu đạo giải thoát, phải gieo nhân giải thoát, phải hành theo các pháp lành, ngay trong kiếp hiện tại nầy.
Con đường đưa đến sự giải thoát nhiệm mầu mà đức Phật Thích Ca đã trao dạy suốt 25 thế kỷ qua, là pháp môn Niệm Phật Tam Muội (tức là thọ trì danh hiệu Phật, tu tạo công đức và đạo hạnh, phát nguyện sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà).
Nghiệp là hành động có tác ý, nghĩa là có ý muốn làm như vậy. Những hành động có sự chỉ đạo của tâm thức thì sẽ tạo Nghiệp. Những hành động vô ý mà làm thì không tạo Nghiệp. Nghiệp được tạo ra từ những biểu hiện qua hành động (gọi là thân nghiệp), qua lời nói (gọi là khẩu nghiệp), qua ý nghĩ (gọi là ý nghiệp).
Những ác nghiệp tạo ra trong ý mà nếu được ngăn lại, sám hối, tẩy trừ, đoạn diệt, thì tâm sẽ trở lại trong sạch và không tạo ý nghiệp. Nhưng nếu tà ý đó được thể hiện ra lời nói, qua hành động, thì sẽ tạo ra Nghiệp.
Một hành động xấu thì tạo ra một thân nghiệp xấu. Một lời nói ác thì tạo ra một khẩu nghiệp ác. Một ý tưởng tà bậy thì tạo ra một ý nghiệp xấu. Nghiệp tốt thì sẽ thành Quả tốt. Nghiệp xấu thì sẽ thành Quả xấu. Đó gọi là Nghiệp Báo, dựa trên định luật Nhân Quả.
Sự báo ứng của Nghiệp (gọi là Nghiệp báo) sẽ ngay trong kiếp hiện tại nầy (gọi là Hiện nghiệp), hoặc có thể sẽ là ở kiếp sau, hoặc những kiếp mai sau nào đó, tùy theo cái sức của Nghiệp đó nặng hoặc nhẹ, tùy theo cái phước đã được tích lũy từ nhiều kiếp trước của người đã gây ra Nghiệp, mà việc trả Nghiệp sẽ đến nhanh, hoặc chậm (gọi là Hậu nghiệp).
Có 2 thứ Nghiệp báo:
– Biệt nghiệp: nghiệp do riêng mình tạo ra và chỉ riêng mình sẽ nhận lấy nghiệp báo ấy.
– Cộng nghiệp (còn gọi là Đồng nghiệp): nghiệp do mình tạo ra và người khác cũng có ít nhiều nghiệp duyên trong đó, hoặc do người khác tạo ra và mình cũng gây tạo những nghiệp tương tự như vậy, thì mình và nhiều người sẽ cùng chịu ảnh hưởng chung của nghiệp báo ấy.
Từ đây, tức là vườn Kỳ Đà Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ, hướng về phía Tây, trải qua mười vạn ức cõi Phật (thập vạn ức Phật độ), nghĩa là cách xa nơi nầy 10 tỷ thế giới của các đức Phật, có thế giới tên là Cực Lạc (y báo) của đức Phật hiệu A Di Đà (chánh báo), ngài hiện đang thuyết pháp cho đại chúng trong cõi nước của ngài (kim hiện tại thuyết pháp). Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “ÔÛ Ta Baø theá giôùi coõi cuûa Thích Ca Maâu Ni Phaät ñaây moät kieáp, nôi Cöïc Laïc theá giôùi, coõi A Di Ñaø Phaät laø moät ngaøy moät ñeâm”. Một tiểu kiếp của con người ở thế giới Ta Bà tương đương 16 triệu năm sinh tử. Vì thế, đức Thế Tôn nói Phật A Di Đà hiện bây giờ đang nói pháp.
Theo Hán Việt tự điển, 1 vạn là 10 ngàn. 1 ức là 10 vạn, tức là 100.000 (10 x 10.000 tính theo số mục của thời xưa). Thập vạn ức là 10 tỷ (10 x 10.000 x 100.000).
Thế nào là Chánh báo? Chánh báo là quả báo chánh, là thân tâm của con người, do những nghiệp duyên từ nhiều kiếp trước mà cảm ứng và sanh ra như vậy. Ở đây, Chánh báo là nói về Phật A Di Đà và các hàng đệ tử Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong cõi nước của ngài.
Thế nào là Y báo? Y báo là quả báo phụ, theo liền với Chánh báo, là tất cả những gì nương theo thân mạng và đời sống của con người, như nhà cửa, đất đai, tiền bạc... Ở đây, Y báo là nói về cõi nước Cực Lạc ở phương Tây.
– Trước mặt, hướng về phía mặt trời mọc là phương Đông. Sau lưng, hướng về phía mặt trời lặn là phương Tây. Bên tay trái là phương Bắc, bên tay phải là phương Nam. Thế giới mà chúng ta đang sinh sống đây là 1 tiểu thế giới, tương đương với 1 thái dương hệ (nơi có ánh sáng mặt trời). Cõi Cực Lạc ở về phương Tây của nước Xá Vệ (Savatthi), cách xa thế giới Ta Bà 10 tỷ cõi Phật, tương đương với 10 tỷ thái dương hệ. Ta Bà (tiếng Phạn), có nghĩa là Kham Nhẫn, tức là thế giới trần gian ngập đầy những khổ đau trầm luân và ác chướng mà con người khó lòng chịu đựng nổi.
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.5/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment