Saturday, 1 June 2013

Kinh Tăng Chi Bộ.

CHƯƠNG NĂM
NĂM PHÁP

III. PHẨM NĂM PHẦN

——————————————————————————————
 
(VII) (27) ĐỊNH
1. – Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh thường niệm, tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy khởi lên năm trí. Thế nào là năm?
2. Định này hiện tại lạc và tương lai có quả dị thục lạc, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên.
Định này thuộc bậc Thánh, không thuộc vật chất, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên. Định này không do người ác thực hiện, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên.
Định này an tịnh, thù diệu đem đến khinh an, đạt được nhất tâm, không phải là sự chế ngự gò ép thường xuyên, trong mỗi người, trí (như vậy) khởi lên: “An tịnh, ta nhập định này. An tịnh, ta xuất khỏi định này”, trong mỗi người trí (như vậy) khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định. Với ai thông minh, thường niệm, hãy tu tập vô lượng định, tự mỗi người ấy, khởi lên năm trí này.
 
(VIII) (28) NĂM CHI PHẦN
1. – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, như thế nào là sự tu tập Thánh chánh định gồm có năm chi phần?
2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục… chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất với tầm, với tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
3. Ví như, này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm hay đệ tử hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước. Cục bột tắm ấy được thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho dung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Đây là sự tu tập thứ hai về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
4. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm cho tịnh chỉ tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do tịnh định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
5. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước, nước tự dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nuớc ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.
Đây là sự tu tập thứ hai về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
6. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị Tỷ-kheo ấy thấm nhuần với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
7. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong hồ sen xanh, hồ sen hồng ha sen trắng, những bông hoa ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ ba về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
8. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm, thanh tịnh. Tỷ-kheo ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
9. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che phủ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngồi thấm nhuần toàn thân này với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ tư về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
10. Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
11. Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
Tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy dầu thuộc loại xứ nào.
12. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè nước đặt trên một cái giá, ghè ấy đựng đầy nước, tràn đầy đến nỗi con quạ có thể uống được. Và một người có sức mạnh đến lắc qua lắc lại cái ghè ấy, như vậy nước có đổ ra chăng?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
13. Ví như, này các Tỷ-kheo, một hồ nước trên một khoảnh đất bằng, bốn góc có bờ đê đắp cao đầu tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi một người có sức mạnh đến tháo bờ đê chỗ này chỗ kia, như vậy nước có đổ ra chăng?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tu tập như vậy… dầu thuộc loại xứ nào.
14. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên đất bằng, tại chỗ ngã tư, có một chiếc xe đang đậu, thắng với ngựa thuần chủng, có gậy thúc ngực đặt ngang sẵn sàng. Có người huấn luyện ngựa thiện xảo, người đáng xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngựa, leo lên xe ấy, tay trái nắm lấy dây cương tay mặt cầm lấy gậy thúc ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui tại chỗ nào và như thế nào theo ý mình muốn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập như vậy, Thánh chánh định gồm có năm chi phần được làm cho sung mãn như vậy, tùy thuộc theo pháp gì cần phải được giác ngộ với thắng trí, tâm vị ấy hướng đến để được giác ngộ với thắng trí. Tại đấy, tại đấy vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến pháp ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
15. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân… ” (xem trước, số 23, mục 6)… dầu thuộc loại xứ nào.
16. Nếu vị ấy ước muốn: “Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân… ” (xem trước, số 23, mục 7)
17. Nếu vị ấy ước muốn: “Mong rằng với tâm của mình có thể hiểu biết được tâm của các loại chúng sanh khác… ” (xem trước, số 23, mục 8)…
18. Nếu vị ấy ước muốn: “Ta sẽ nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời… ” (xem trước, số 23, mục 9)…
19. Nếu vị ấy ước muốn: “Với thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, ta thấy sự sống chết của chúng sanh… ” (xem trước, số 23, mục 10)
20. Nếu vị ấy ước muốn: “Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát”. Tại đấy, tại đấy, vị ấy có khả năng, có năng lực đạt đến trạng thái ấy, dầu thuộc loại xứ nào.
 

Đại kinh Xóm ngựa

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

39. Ðại kinh Xóm ngựa
(Mahà-Assapura sutta)

 
.

Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở giữa dân chúng Anga (Ương- già), tại một xã ấp của dân chúng Anga, tên là Assapura (xóm Ngựa). Lúc bấy giờ Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỷ-kheo, dân chúng biết các Ông là vậy. Và nếu các Ông được hỏi: “Các Ông là ai!” Các Ông phải tự nhận: “Chúng tôi là Sa-môn”. Này các Tỷ-kheo, các Ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này, các Tỷ-kheo, các Ông phải tự tu tập như sau: “Chúng ta sẽ thọ trì và thực hành những pháp tác thành Sa-môn, những pháp tác thành Bà-la-môn. Như vậy, danh xưng này của chúng ta mới chân chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những đồ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích”.
(Giới hạnh)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp tác thành Sa-môn, và các pháp tác thành Bà-la-môn? “Chúng ta sẽ thành tựu tàm quý”, như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các Ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? “Thân hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì thân hành thanh tịnh ấy, khen mình, chê người”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? “Khẩu hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì khẩu hành thanh tịnh ấy, khen mình, chê người”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? “Ý hành chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì ý hành thanh tịnh ấy, khen mình, chê người”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, và ý hành thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là công việc đáng phải làm hơn nữa? “Sanh mạng chúng ta phải được thanh tịnh, minh chánh, cởi mở, không có tỳ vết, che giấu. Nhưng chúng ta không vì sanh mạng thanh tịnh ấy, khen mình, chê người”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
(Hộ trì các căn)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? “Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, và các căn đã được hộ trì, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
(Tiết chế ăn uống)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? “Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh và các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
(Chú tâm cảnh giác)
Này các Tỷ-kheo, thế nào la các công việc đáng phải làm hơn nữa? “Chúng ta phải chú tâm cảnh giác. Ban ngày đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh một đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại. Ban đêm canh giữa, chúng ta phải nằm dáng nằm con sư tử, nghiêng bên hông tay phải, một chân đặt trên chân kia, chánh niệm tỉnh giác, tâm nghĩ đến lúc thức dậy lại. Ban đêm canh đầu thức dậy, đi kinh hành (hay) trong lúc ngồi, chúng ta phải tẩy sạch tâm tư khỏi các pháp chướng ngại”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
(Chánh niệm tỉnh giác)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? “Chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải tu tập. Nhưng này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: “Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, các căn đã được hộ trì, ăn uống có tiết độ, chú tâm cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, đến mức độ này, như vậy là vừa đủ; đến mức độ này, như vậy đã làm xong. Chúng ta đã đạt được mục đích Sa-môn hạnh. Chúng ta không có gì phải làm hơn nữa”. Và cho đến mức độ ấy, các Ông có thể tự thỏa mãn. Này các Tỷ-kheo, Ta khuyến cáo các Ông. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các Ông hướng đến mục đích Sa-môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa.
(Ðoạn trừ các triền cái)
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm và thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối tiếc, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
Này các Tỷ-kheo, như một người mắc nợ liền làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, người ấy không những trả được nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia mắc nợ nên làm các nghề nghiệp. Những nghề này được phát đạt, ta không những trả được những nợ cũ, còn có tiền dư để nuôi dưỡng vợ”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người bị bệnh, đau đớn, trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Sau một thời gian, người ấy khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị bệnh, đau đớn trầm trọng, ăn uống không tiêu, thể lực suy yếu. Nay ta khỏi bệnh, ăn uống tiêu thông, thể lực khôi phục”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người bị nhốt trong ngục. Người ấy sau một thời gian được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị nhốt trong ngục, nay ta được khỏi tù tội, an lạc kiện toàn, tài sản không bị giảm tổn. “Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Người ấy sau một thời gian thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại.
Người ấy nghĩ: “Ta trước kia bị cảnh nô lệ, không được tự chủ, lệ thuộc người khác, không được tự do đi lại. Nay ta thoát khỏi cảnh nô lệ, được tự chủ, không lệ thuộc người khác, một người giải thoát, được tự do đi lại”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Này các Tỷ-kheo, như một người giàu có, nhiều tài sản, đang đi qua bãi sa mạc. Người ấy sau một thời gian đã đi khỏi bãi sa mạc ấy, đến đầu làng, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm. Người ấy nghĩ: “Ta trước kia giàu có, nhiều tài sản, đi qua bãi sa mạc. Nay ta đã đi qua khỏi bãi sa mạc ấy, yên ổn, không có nguy hiểm, tài sản không bị tổn giảm”. Người ấy nhờ vậy được sung sướng, hoan hỷ. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tự mình, quán năm triền cái chưa xả ly, như món nợ, như bệnh hoạn, như ngục tù, như cảnh nô lệ, như con đường qua sa mạc. Này các Tỷ-kheo, cũng như không mắc nợ, không bị bệnh tật được khỏi tù tội, được tự do, đến được đất lành yên ổn. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo quán năm triền cái khi chúng được diệt trừ.
(Bốn tầng thiền-na)
Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh thấm nhuần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
 
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sinh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này các Tỷ-kheo, ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình, người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây, ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ này. Tại chỗ này, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ này, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này các Tỷ-kheo, ví như có hai nhà có cửa, và ở đây, một người có mắt đứng ở giữa, người này có thể thấy các người (khác) đi vào nhà, đi ra, đi qua, đi lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời nói, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ”, biết như thật: “Ðây là Nguyên nhân của Khổ”, biết như thật: “Ðây là sự Diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Ðây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là nguyên nhân của các lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là sự đoạn trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.
Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Này các Tỷ-kheo, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ”. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết như thật: “Ðây là khổ… biết như thật: “Ðây là Con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc!” Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần phải làm đã làm xong, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
(Bậc A-la-hán)
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như vậy được gọi là Sa-môn, là Bà-la-môn, là vị đã tắm sạch sẽ, là vị đã biết và hiểu rõ, là bậc có học, là bậc Thánh, là bậc A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, như thế nào, Tỷ-kheo là Sa-môn? Vị này đã làm cho dừng lại các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là Sa-môn.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào Tỷ-kheo là Bà-la-môn? Vị này đã tẩn xuất ra ngoài các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là Bà-la-môn.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo đã tắm sạch sẽ? Vị này đã tắm gội sạch sẽ các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã tắm sạch sẽ.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo đã biết và hiểu rõ? Vị này đã biết và hiểu rõ các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã biết và hiểu rõ.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo có học? Vị này đã tiêu diệt các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có học.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc Thánh? Vị này đã làm cho xa lìa các ác pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo được gọi là bậc Thánh.
Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo được gọi là bậc A-la-hán? Vị này đã làm cho xa lìa các ác, các pháp bất thiện, những pháp này ô nhiễm, đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh già, chết trong tương lai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
.

Ý kiến riêng:

Đây là một trong những bài kinh mô tả Đạo Lộ tu tập của Đạo Phật theo bài bản và thứ tự.
- Nội dung bài kinh nhắc nhở ta rằng: Trừ những trường hợp ngoại lệ (exception), một người bình thường không có thể tu hành “vượt cấp” được.
- Nhớ tới thời điểm này, đang nở rộ những phong trào “tu hành vượt cấp” đáng phải lưu ý:
Ví dụ:
- Các khóa thiền đang được khai trương hàng loạt theo phong trào. Các khóa thiền này thường dành cho các cư sĩ, sinh viên, người mới tìm hiểu Đạo Phật v.v… Dù thiền sinh chưa tu tập đủ về Giới, chưa quan tâm về các lỗi nhỏ nhặt, chưa biết phòng hộ các căn, chưa từng thực hành Chánh Niệm, tất cả cũng được dạy ngay các kĩ thuật Thiền Định (Samadhi) hoặc Thiền Quán (Vipassana).
- Sao vội vã thế? Có hiệu quả không? Lý do gì khiến các chùa đua nhau mở các khóa thiền kiểu “vượt cấp” như vậy.

Kinh Thân Hành Niệm

Tạng Kinh Trung Bộ tập III

Năm mươi kinh cuối

oooOooo

KINH GIẢNG VỀ NIỆM-ĐẶT-Ở-THÂN

Người dịch: Tỳ Khưu Indacanda

Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn trú ở thành Sāvatthi, tại Jetavana, nơi tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu sau bữa ăn, trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội lại ở hội trường. Có câu chuyện trao đổi này đã được khởi lên nơi các vị: “Này chư đại đức, thật là kỳ diệu! Này chư đại đức, thật là phi thường! Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy, trong khi biết, trong khi thấy, đã nói về niệm-đặt-ở-thân này, (khi) được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì có quả báu lớn, có lợi ích lớn.’ Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy còn chưa được chấm dứt bởi vì điều này.
Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến hội trường, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã ngồi chung lại vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi còn chưa được chấm dứt?”
“Bạch ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn, trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội lại ở hội trường. Có câu chuyện trao đổi này đã được khởi lên nơi chúng con: ‘Này chư đại đức, thật là kỳ diệu! Này chư đại đức, thật là phi thường! Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy, trong khi biết, trong khi thấy, đã nói về niệm-đặt-ở-thân này, (khi) được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì có quả báu lớn, có lợi ích lớn.’ Bạch ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con còn chưa được chấm dứt. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
“Này các tỳ khưu, và niệm-đặt-ở-thân được tu tập như thế nào, được thực hành thường xuyên như thế nào thì có quả báu lớn, có lợi ích lớn? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu đi đến khu rừng, hoặc đi đến gốc cây, hoặc đi đến nơi thanh vắng, ngồi xuống, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Có niệm vị ấy thở ra, có niệm vị ấy thở vào. Hoặc trong khi thở ra dài, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở ra dài.’ Hoặc trong khi thở vào dài, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở vào dài.’ Hoặc trong khi thở ra ngắn, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở ra ngắn.’ Hoặc trong khi thở vào ngắn, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở vào ngắn.’ Vị ấy tập luyện: ‘Có cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra;’ vị ấy tập luyện: ‘Có cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vào;’ vị ấy tập luyện: ‘Trong khi làm an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở ra;’ vị ấy tập luyện: ‘Trong khi làm an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở vào.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, trong khi đi, vị tỳ khưu nhận biết: ‘Tôi đi;’ hoặc đứng, vị ấy nhận biết: ‘Tôi đứng; hoặc ngồi xuống, vị ấy nhận biết: ‘Tôi ngồi xuống;’ hoặc có tư thế nằm, vị ấy nhận biết: ‘Tôi có tư thế nằm;’ hoặc thân của vị ấy được sử dụng như thế nào thì nhận biết nó như thế ấy. Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu có sự thực hành việc nhận biết rõ trong khi đi tới đi lui, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi nhìn qua nhìn lại, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi co tay duỗi tay, có sự thực hành việc nhận biết rõ trong việc mang y hai lớp, bình bát, y phục, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi ăn uống nhai nếm, có sự thực hành việc nhận biết rõ ở hành động đại tiện tiểu tiện, có sự thực hành việc nhận biết rõ khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi ngủ, khi thức, khi nói, khi im lặng. Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu quán xét cái thân này đây từ lòng bàn chân trở lên, từ đỉnh đầu sợi tóc trở xuống, được bao bọc bởi da, chứa đầy các vật bất tịnh đủ các loại rằng: ‘Ở thân này có tóc, lông, da ngoài, da trong, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu.’
Này các tỳ khưu, cũng giống như cái bao có miệng ở hai đầu chứa đầy các loại hạt khác nhau như là: lúa sālī, lúa, đậu mugga, đậu māsa, mè, gạo. Có người nam, có thị lực, mở ra rồi xem xét từng loại hạt ấy rằng: ‘Các hạt này là lúa sālī, các hạt này là lúa, các hạt này là đậu mugga, các hạt này là đậu māsa, các hạt này là mè, các hạt này là gạo.’ Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế, vị tỳ khưu quán xét cái thân này đây từ lòng bàn chân trở lên, từ đỉnh đầu sợi tóc trở xuống, được bao bọc bởi da, chứa đầy các vật bất tịnh đủ các loại rằng: ‘Ở thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu quán xét cái thân này đây về phương diện bản chất theo như đã được tồn tại, theo như đã được xếp đặt rằng: ‘Ở thân này có chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió.’
Này các tỳ khưu, cũng giống như người đồ tể thiện nghệ, hay học trò của người đồ tể, sau khi giết chết con bò rồi ngồi xuống ở ngã tư đường xẻ ra thành từng phần, này các tỳ khưu, tương tợ như thế ấy vị tỳ khưu quán xét cái thân này đây về phương diện bản chất theo như đã được tồn tại, theo như đã được xếp đặt rằng: ‘Ở thân này có chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, cũng giống như vị tỳ khưu nhìn thấy tử thi bị quăng bỏ ở bãi tha ma đã chết một ngày, hoặc đã chết hai ngày, hoặc đã chết ba ngày, bị trương sình, có màu xanh xám, bắt đầu thối rửa, vị ấy so sánh với cái thân này đây (rằng): ‘Thân này cũng có tánh chất như vậy, có bản thể như vậy, không tránh khỏi điều này.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, cũng giống như vị tỳ khưu nhìn thấy tử thi bị quăng bỏ ở bãi tha ma đang bị ngấu nghiếni bởi các con quạ, đang bị ngấu nghiếni bởi các con diều hâu, đang bị ngấu nghiếni bởi các con kên kên, đang bị ngấu nghiếni bởi các con chó, đang bị ngấu nghiếni bởi các con giả can, hoặc đang bị ngấu nghiếni bởi giòi bọ vô số loại, vị ấy so sánh với cái thân này đây (rằng): ‘Thân này cũng có tánh chất như vậy, có bản thể như vậy, không tránh khỏi điều này.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, cũng giống như vị tỳ khưu nhìn thấy tử thi bị quăng bỏ ở bãi tha ma là bộ xương còn thịt và máu, có sự gắn liền nhau bởi các sợi gân, —(như trên)— bộ xương không còn thịt bị lấm lem bởi máu , có sự gắn liền nhau bởi các sợi gân, —(như trên)— bộ xương thịt và máu đã bị tách rời, có sự gắn liền nhau bởi các sợi gân, —(như trên)— có các khúc xương có các sự gắn liền nhau đã bị tách rời, bị vung vãi ở các hướng chính hướng phụ, xương bàn tay một nơi, xương bàn chân nơi khác, xương ống chân nơi khác, xương sườn nơi khác, xương hông nơi khác, xương sống nơi khác, cái sọ nơi khác, vị ấy so sánh với cái thân này đây (rằng): ‘Thân này cũng có tánh chất như vậy, có bản thể như vậy, không tránh khỏi điều này.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, cũng giống như vị tỳ khưu nhìn thấy tử thi bị quăng bỏ ở bãi tha ma là các khúc xương màu trắng tợ như màu vỏ ốc —(như trên)— là các khúc xương được chất thành đống, đã hơn một năm —(như trên)— là các khúc xương hôi thối, bị rã thành bột, vị ấy so sánh với cái thân này đây (rằng): ‘Thân này cũng có tánh chất như vậy, có bản thể như vậy, không tránh khỏi điều này.’ Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu sau khi tách ly hẳn các dục, tách ly các bất thiện pháp, đạt đến và an trú sơ thiền, có tầm, có tứ, có hỷ lạc sanh lên do sự tách ly. Vị ấy làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần cái thân này đây với hỷ lạc sanh lên do sự tách ly. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi hỷ lạc sanh lên do sự tách ly. Này các tỳ khưu, cũng giống như người hầu tắm thiện nghệ, hoặc học trò của người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm vào cái chậu bằng kim loại, rồi nhồi chung cục bột được rưới đều với nước. Cục bột tắm của người ấy được tẩm hơi nước, được tẩm đều hơi nước, được thấm từ trong ra ngoài với hơi nước, và không có rỉ giọt. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế vị tỳ khưu làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần cái thân này đây với hỷ lạc sanh lên do sự tách ly. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi hỷ lạc sanh lên do sự tách ly. Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu do sự vắng lặng của tầm và tứ, đạt đến và an trú nhị thiền với nội phần tĩnh lặng, có trạng thái nhất tâm, không tầm, không tứ, có hỷ lạc sanh lên do định. Vị ấy làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần cái thân này đây với hỷ lạc sanh lên do định. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi hỷ lạc sanh lên do định. Này các tỳ khưu, cũng giống như hồ nước sâu thẳm, có nước trào lên, nó lại không có nguồn nước chảy vào từ hướng đông, không có nguồn nước chảy vào từ hướng tây, không có nguồn nước chảy vào từ hướng bắc, không có nguồn nước chảy vào từ hướng nam, và trời không đem lại cơn mưa đúng mùa vào lúc này lúc khác. Khi ấy, nguồn nước mát trào lên từ chính hồ nước ấy làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần chính cái hồ nước ấy với nước mát. Không chỗ nào của toàn bộ hồ nước ấy là không được thấm nhuần bởi nước mát. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế vị tỳ khưu làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần cái thân này đây với hỷ lạc sanh lên do định. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi hỷ lạc sanh lên do định. Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu, không còn tham muốn ở hỷ, an trú xả, có niệm và có sự nhận biết rõ, và cảm nhận lạc bằng thân mà các bậc Thánh gọi điều ấy là: ‘Có xả, có niệm, trú vào lạc,’ đạt đến và an trú tam thiền ấy. Vị ấy làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần cái thân này đây với lạc không có hỷ. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi lạc không có hỷ. Này các tỳ khưu, cũng giống như ở hồ sen xanh hoặc ở hồ sen hồng hoặc ở hồ sen trắng, có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được phát triển ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm ở bên trong (nước). Chúng được chảy tràn, được chảy khắp, được ngập tràn, được thấm nhuần bởi nước lạnh đến tận các ngọn và đến tận các gốc rễ. Không chỗ nào của toàn thể các sen xanh, hoặc các sen hồng, hoặc các sen trắng là không được thấm nhuần bởi nước lạnh. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế vị tỳ khưu làm chảy tràn, làm chảy khắp, làm ngập tràn, làm thấm nhuần cái thân này đây với lạc không có hỷ. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi lạc không có hỷ. Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu, do sự dứt bỏ lạc và do sự dứt bỏ khổ, do sự biến mất của hỷ và ưu trước đây, đạt đến và an trú tứ thiền không khổ không lạc, có sự thanh tịnh của xả và niệm. Vị ấy ngồi, sau khi đã thấm nhuần cái thân này đây với tâm ý thanh tịnh, trong sáng. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi tâm ý thanh tịnh, trong sáng. Này các tỳ khưu, cũng giống như người nam ngồi, sau khi đã trùm luôn cả đầu bằng tấm vải trắng. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được phủ kín bởi tấm vải trắng. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế vị tỳ khưu ngồi, sau khi đã thấm nhuần cái thân này đây với tâm ý thanh tịnh, trong sáng. Không chỗ nào ở toàn thân của vị ấy là không được thấm nhuần bởi tâm ý thanh tịnh, trong sáng. Đối với vị ấy, trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có sự ra sức như thế, thì những dòng tư duy liên hệ đến tại gia được dứt bỏ. Do việc dứt bỏ đối với chúng, tâm gom lại, trụ lại chỉ ở nội phần, có chung một điểm, được định. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu tu tập niệm-đặt-ở-thân như thế ấy.
Này các tỳ khưu, đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì các thiện pháp dự phần vào Minh đều được gắn bó ở nội tâm của vị ấy. Này các tỳ khưu, cũng giống như đối với bất cứ vị nào mà đại dương được thể nhập bằng tâm, thì các dòng nước dẫn đến biển cả đều được gắn bó ở nội tâm của vị ấy. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì các thiện pháp dự phần vào Minh đều được gắn bó ở nội tâm của vị ấy.
Này các tỳ khưu, đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân không được tu tập, không được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, cũng giống như người nam ném hòn đá nặng vào đống đất sét ẩm ướt. Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy? Phải chăng hòn đá nặng ấy đạt được sự xâm nhập vào đống đất sét ẩm ướt?”
“Bạch ngài, đúng vậy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân không được tu tập, không được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, cũng giống như thanh củi khô, ráo nhựa, rồi có người nam đi đến mang lại phần trên của đồ tạo lửa (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ tạo ra ngọn lửa. Ta sẽ làm hiện ra sức nóng.’ Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy? Phải chăng người nam ấy sau khi mang lại phần trên của đồ tạo lửa, trong khi quay tròn thanh củi khô, ráo nhựa ấy, có thể tạo ra ngọn lửa, có thể làm hiện ra sức nóng?”
“Bạch ngài, đúng vậy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân không được tu tập, không được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, cũng giống như hũ đựng nước rỗng không, trống không, được đặt ở giá đựng, rồi có người nam đi đến mang lại gánh nước. Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy? Phải chăng người nam ấy có thể làm được việc đổ nước vào?”
“Bạch ngài, đúng vậy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân không được tu tập, không được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương không đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương không đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, cũng giống như người nam ném nắm chỉ nhẹ vào cánh cửa làm toàn bằng lõi cây. Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy? Phải chăng người nam ấy có thể làm cho nắm chỉ nhẹ ấy xâm nhập vào cánh cửa làm toàn bằng lõi cây?”
“Bạch ngài, không có điều ấy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân không được tu tập, không được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, cũng giống như thanh củi ướt, có nhựa, rồi có người nam đi đến mang lại phần trên của đồ tạo lửa (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ tạo ra ngọn lửa. Ta sẽ làm hiện ra sức nóng.’ Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy? Phải chăng người nam ấy sau khi mang lại phần trên của đồ tạo lửa, trong khi quay tròn thanh củi ướt, có nhựa ấy, có thể tạo ra ngọn lửa, có thể làm hiện ra sức nóng?”
“Bạch ngài, không có điều ấy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân không được tu tập, không được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, cũng giống như hũ đựng nước đầy nước ngang miệng, có thể uống bởi con quạ, được đặt ở giá đựng, rồi có người nam đi đến mang lại gánh nước. Này các tỳ khưu, các ngươi nghĩ gì về điều ấy? Phải chăng người nam ấy có thể làm được việc đổ nước vào?”
“Bạch ngài, không có điều ấy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì Ma Vương không đạt được sự xâm nhập đối với vị ấy, Ma Vương không đạt được sự ám ảnh đối với vị ấy.
Này các tỳ khưu, đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì vị ấy hướng tâm đến sự chứng ngộ bằng thắng trí đối với mỗi một pháp cần được chứng ngộ bằng thắng trí. Trong từng trường hợp một, vị ấy đạt được bản thể của sự chứng thực mỗi một khi thắng trí hiện hữu.
Này các tỳ khưu, cũng giống như hũ đựng nước đầy nước ngang miệng, có thể uống bởi con quạ, được đặt ở giá đựng. Có người nam có sức mạnh chạm vào cái hũ ấy từng lúc từng lúc, phải chăng nước có thể trào ra?”
“Bạch ngài, đúng vậy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì vị ấy hướng tâm đến sự chứng ngộ bằng thắng trí đối với mỗi một pháp cần được chứng ngộ bằng thắng trí. Trong từng trường hợp một, vị ấy đạt được bản thể của sự chứng thực mỗi một khi thắng trí hiện hữu.
Này các tỳ khưu, cũng giống như cái hồ nước vuông ở phần đất bằng phẳng, được củng cố bằng cái đập, đầy nước ngang miệng, có thể uống bởi con quạ. Có người nam có sức mạnh tháo gỡ cái đập ấy từng nơi từng nơi, phải chăng nước có thể trào ra?”
“Bạch ngài, đúng vậy.”
“Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì vị ấy hướng tâm đến sự chứng ngộ bằng thắng trí đối với mỗi một pháp cần được chứng ngộ bằng thắng trí. Trong từng trường hợp một, vị ấy đạt được bản thể của sự chứng thực mỗi một khi thắng trí hiện hữu.
Này các tỳ khưu, cũng giống như chiếc xe ngựa đã được thắng ngựa thuần chủng, có gậy thúc để sẵn sàng, đứng ở mặt đất bằng tại ngã tư đường. Có người thầy huấn luyện ngựa thiện nghệ, là người điều phục các con ngựa đáng được huấn luyện, trèo lên chiếc xe ấy rồi cầm dây cương bằng tay trái, cầm gậy thúc bằng tay phải, rồi làm cho tiến tới, lùi lại bằng lối nào theo như ý thích, vào lúc nào theo như ý thích.
Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế đối với bất cứ vị nào mà niệm-đặt-ở-thân được tu tập, được thực hành thường xuyên, thì vị ấy hướng tâm đến sự chứng ngộ bằng thắng trí đối với mỗi một pháp cần được chứng ngộ bằng thắng trí. Trong từng trường hợp một, vị ấy đạt được bản thể của sự chứng thực mỗi một khi thắng trí hiện hữu.
Này các tỳ khưu, niệm-đặt-ở-thân được rèn luyện, được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, mười lợi ích này là điều mong đợi. Mười điều nào?
Có sự chế ngự điều bất mãn và ưa thích, điều bất mãn không chế ngự vị ấy, sau khi khuất phục điều bất mãn đã được sanh khởi, vị ấy an trú.
Có sự chế ngự sợ hãi và khiếp đảm, sợ hãi và khiếp đảm không chế ngự vị ấy, sau khi khuất phục sợ hãi và khiếp đảm đã được sanh khởi, vị ấy an trú.
Có khả năng chịu đựng đối với sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ công kích, có khuynh hướng cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi.
Là vị đạt được theo ước muốn, đạt được không khó khăn, đạt được không khổ nhọc các sự trú vào lạc trong hiện tại có liên hệ đến các thắng tâm của bốn thiền.
Vị ấy kinh nghiệm thần thông nhiều thể loại: là một hóa thành nhiều, là nhiều hóa thành một, hiện ra, biến mất, đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không, trồi lên và chìm xuống vào trong đất như là ở trong nước, đi ở trên nước mà không làm chao động như là ở trên đất, di chuyển với thế kiết già ở trên hư không cũng như loài chim có cánh, bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt Trời (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế, bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên.
Vị ấy với Thiên nhĩ thuần tịnh vượt trội loài người, nghe được cả hai loại âm thanh của cõi Trời và loài người, ở xa và ở gần.
Sau khi xem xét, vị ấy nhận biết tâm của các chúng sanh khác của các cá nhân khác bằng tâm. (Vị ấy) nhận biết tâm có tham ái là: ‘Tâm có tham ái,’ hoặc nhận biết tâm lìa khỏi tham ái là: ‘Tâm lìa khỏi tham ái,’ hoặc nhận biết tâm có sân là: ‘Tâm có sân,’ hoặc nhận biết tâm lìa khỏi sân là: ‘Tâm lìa khỏi sân,’ hoặc nhận biết tâm có si là: ‘Tâm có si,’ hoặc nhận biết tâm lìa khỏi si là: ‘Tâm lìa khỏi si,’ hoặc nhận biết tâm bị thâu hẹp là: ‘Tâm bị thâu hẹp,’ hoặc nhận biết tâm bị tán loạn là: ‘Tâm bị tán loạn,’ hoặc nhận biết tâm được rộng mở là: ‘Tâm được rộng mở,’ hoặc nhận biết tâm không được rộng mở là: ‘Tâm không được rộng mở,’ hoặc nhận biết tâm vô thượng là: ‘Tâm vô thượng,’ hoặc nhận biết tâm không vô thượng là: ‘Tâm không vô thượng,’ hoặc nhận biết tâm định tĩnh là: ‘Tâm định tĩnh,’ hoặc nhận biết tâm không định tĩnh là: ‘Tâm không định tĩnh,’ hoặc nhận biết tâm giải thoát là: ‘Tâm giải thoát,’ hoặc nhận biết tâm không giải thoát là: ‘Tâm không giải thoát.’
Vị ấy nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, —(như trên)— Như thế, vị ấy nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét đại cương và cá biệt.
Vị ấy, với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, (hay) đau khổ, biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng.
Vị ấy, do sự diệt tận các lậu hoặc, nhờ vào thắng trí của bản thân, ngay trong thời hiện tại chứng ngộ sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ, sự không còn lậu hoặc, rồi thể nhập và an trú.
Này các tỳ khưu, niệm-đặt-ở-thân được rèn luyện, được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, thì mười lợi ích này là điều mong đợi.”
Đức Thế Tôn đã nói điều này. Được hoan hỷ, các vị tỳ khưu ấy thỏa thích lời dạy của đức Thế Tôn.
Kinh giảng về Niệm-đặt-ở-thân là thứ chín.
–ooOoo–
 
————————————————————————————————————————————————————————————

—————————————————————————————————————————————————————————————-

KINH THÂN HÀNH NIỆM.


 
KINH THÂN HÀNH NIỆM
(Kàyagatàsatisuttam)[21],[22]
Như vầy tôi nghe,
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá Vệ) Jetavana (Kỳ Đà Lâm), tại tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô  Độc). Rồi một số đông Tỳ Kheo, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, đang ngồi tụ họp trong hội trường, câu chuyện này được khởi lên giữa chúng tăng: “Thật vi diệu thay, chư hiền giả! Thật hy hữu thay, chư hiền giả, thân hành niệm,[23] khi được tu tập và làm cho sung mãn, có được quả lớn, có được công đức lớn, như đã được Thế Tôn tuyên bố, bậc tri giả, kiến giả, bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác.” Và câu chuyện này giữa các vị Tỳ Kheo ấy đã bị gián đoạn. Thế Tôn vào buổi chiều, từ thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến ngồi lên chỗ soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo: “Ở đây này các Tỳ Kheo, các ngươi hiện nay đang ngồi bàn vấn đề gì?  Câu chuyện gì của các ngươi bị gián đoạn?”
“Ở đây bạch Thế Tôn, sau khi ăn xong, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi tụ họp tại hội trường, và câu chuyện sau này được khởi lên: “Thật vi diệu thay, chư Hiền Giả! Thật hy hữu thay, chư Hiền Giả, thân hành niệm này, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có công đức lớn, đã được Thế Tôn tuyên bố, bậc tri giả, kiến giả, bậc A La Hán. Chánh Đẳng Giác.” Bạch Thế Tôn, câu chuyện này của chúng con chưa bàn xong, thời Thế Tôn đến.”
(Quán niệm hơi thở)
“Và này các Tỳ Kheo, thân hành niệm tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, có quả lớn, có công đức lớn?  Ở đây này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo[24] đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Chánh niệm vị ấy thở vô. Chánh niệm vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”, hay thở ra dài, vị ấy biết: “Tôi thở ra dài”, hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn” hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở vô”  vị ấy tập, “Cảm giác cả toàn thân, tôi sẽ thở ra.” vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô” vị ấy tập, “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra” vị ấy tập. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy[25] thuộc về thế tục[26] được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm”.
(Chánh niệm trên bốn tư thế)
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo đi[27] biết rằng: “Tôi đi” hay đứng, biết rằng: “Tôi đứng”; hay ngồi, biết rằng: “Tôi ngồi”; hay nằm, biết rằng: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân thể như thế ấy. Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm”.
(Chánh niệm trên từng động tác cơ thể)
“Lại nữa này các TỳKheo, vị TỳKheo khi bước tới, bước lui biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo tăng già lê (Sanghàti), mang bát, mang y biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm.”
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.
(Quán thân bất tịnh)
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Này các Tỳ Kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quan sát: “Đây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, một vị Tỳ Kheo quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.
(Quán tứ đại)
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo quán sát thân này về các vị trí các giới và sự sắp đặt các giới. “Trong thân này có địa đại , thủy đại, hoả đại và phong đại” Này các Tỳ Kheo, như một người đồ tể thiện xảo, hay đệ tử của một người đồ tể giết một con bò, ngồi cắt chia từng thân phần tại ngã tư đường. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo quán sát thân này về vị trí các giới và về sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hoả đại và phong đại.”
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.
(Quán tử thi)
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo, như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra. Vị Tỳ Kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy”.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn; hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kên ăn; hay bị các loài chó ăn; hay bị các loài giả can ăn; hay bị các loài côn trùng ăn. Vị Tỳ Kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản chất là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy”.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an toạ, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa, với các bộ xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại … với các bộ xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, còn được các đường gân cột lại…. chỉ còn có xương không dính lại với nhau rãi rác chỗ này chỗ kia. Ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, ở đây là xương bắp vế ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu. Vị Tỳ Kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy.” Trong khi vị ấy sống không phóng dật….như trên….vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.”
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc…. chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm…. chỉ còn là xương thối trở thành bột. Vị Tỳ Kheo  quán thân ấy như sau: “Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi bản chất ấy.” Trong khi vị ấy sống không phóng dật…… như trên…. vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm”.
(Chứng các bậc Thiền)
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ly dục,[28] ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm với tứ. Vị Tỳ Kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không do hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.”
“Này các Tỳ Kheo, như một người hầu tắm lão luyện hay đệ tử của người hầu tắm. Sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy [29] với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, trào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo thắm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân hình với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Trong  khi vị ấy sống không phóng dật…. như trên… vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.”
“Lại nữa, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị Tỳ Kheo ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần.”
“Này các Tỳ Kheo, ví như một hồ nước, nước tự trong dâng lên, phương Đông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra và thỉnh thoảng trời lại mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo thấm nhuần tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình, với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân, không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống không phóng đật….như trên….vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm”.
“Lại nữa này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và an trú thiền thứ ba. Vị Tỳ Kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân, không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm  nhuần. Như vậy, vị Tỳ Kheo an trú không phóng dật… như trên….vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm.”
“Này các Tỳ Kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, đầy tràn thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng, không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo thấm nhuần, tẩm ướt làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Như vậy vị Tỳ Kheo an trú không phóng dật…. như trên….vị Tỳ Kheo, tu tập thân hành niệm”.
“Lại nữa, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị Tỳ Kheo ấy ngồi, thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.”
“Này các Tỳ Kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh, trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Trong khi vị ấy sống an trú không phóng dật…. như trên…. vị Tỳ Kheo tu tập thân hành niệm[30].”
“Này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập, làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm (Antogadhà?) đều thuộc về minh phần (Vijjàbhàgiyà)[31]. Ví như này các TỳKheo, biển lớn của ai được thấm nhuần bởi tâm[32] thời các con sông của vị ấy đi vào trong biển, đều thuộc về biển lớn (?). Cũng vậy này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập làm cho sung mãn thân hành niệm, các thiện pháp của vị ấy đi vào nội tâm, đều thuộc về minh phần. Này các Tỳ Kheo, đối với vị Tỳ Kheo nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, thời Ma (Vương) có cơ hội với vị ấy, Ma (Vương) có cơ duyên với vị ấy. Ví như này ác Tỳ Kheo, có người quăng một hòn đá nặng vào một đống đất sét ướt nhuyễn, này các Tỳ Kheo, các người nghĩ thế nào? Có phải hòn đá nặng ấy có cơ hội (lún sâu) vào đống đất sét ướt nhuyễn ấy?”.
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
“Cũng vậy này các Tỳ Kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma (Vương) có cơ hội với vị ấy, Ma (Vương) có cơ duyên với vị ấy. Ví như này các Tỳ Kheo, một cây khô không có nhựa[33] có người đến cầm phần phía trên của đồ quay lửa và nói: “Tôi sẽ làm cho ngọn lửa sanh ra, tôi sẽ làm cho sức nóng hiện lên”. Này các Tỳ Kheo, các ngươi nghĩ thế nào? Người ấy mang đến phần phía trên của đồ quay lửa, quay với cành cây khô không có nhựa ấy, người ấy có làm cho ngọn lửa sanh ra, có làm cho sức nóng hiện  lên không?”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”
“Cũng vậy này các Tỳ Kheo, đối với ai không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn, Ma (Vương) có cơ hội với người ấy, Ma (Vương) có cơ duyên với người ấy. Ví như này các Tỳ Kheo, một bình nước, trống rỗng, trống không, được đặt trên cái giá, có một người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỳ Kheo, các người nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ nước vào (bình) không ?”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”
“Cũng vậy này các Tỳ Kheo, vị nào không tu tập thân hành niệm, không làm cho sung mãn Ma (Vương ) có cơ hội với  vị  ấy, Ma (Vương) có cơ duyên với  vị  ấy.”
“Này các Tỳ Kheo, vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma (vương) không có cơ hội với vị ấy, Ma (Vương) không có cơ duyên với vị ấy. Ví như này các Tỳ Kheo, có người quăng một trái banh giây nhẹ vào một cánh cửa (14) làm hoàn toàn bằng lõi cây. Này các Tỳ Kheo, các ngươi nghĩ thế nào? Trái banh giây nhẹ ấy có cơ hội đối với cánh cửa làm hoàn toàn bằng lõi cây  không?”
“Thưa không, bạch Thế Tôn”.
“Cũng vậy này các Tỳ Kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành  niệm, làm cho sung mãn, Ma (Vương) không có cơ hội đối với vị ấy, Ma (Vương) không có cơ duyên đối với vị ấy. Ví như này các Tỳ Kheo, một cây ướt có nhựa, (15) rồi một người đi đến mang theo phần trên đồ quay lửa và nói: “Tôi sẽ làm cho lửa sinh ra, tôi sẽ làm cho hơi nóng hiện lên.” Này các Tỳ kheo, các ngươi nghĩ thế nào? Người ấy mang theo phần trên đồ quay lửa, quay với các cây ướt và có nhựa, có thể làm cho lửa sanh ra, làm cho hơi nóng hiện lên được không?
“Thưa không, bạch  Thế Tôn.”
“Cũng vậy này các Tỳ Kheo, đối với vị nào có tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn. Ma (Vương) không có cơ hội đối với vị ấy, Ma (Vương) không có cơ duyên đối với vị ấy. Ví như này các Tỳ Kheo một bình nước (16) đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá, rồi có người đi đến, mang theo đầy nước. Này các Tỳ Kheo, nhà ngươi nghĩ thế nào? Người ấy có thể đổ được nước vào (bình ấy) không?”
“Thưa không,bạch Thế Tôn.”
“Cũng vậy này các Tỳ kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, Ma (Vương) không có cơ hội đối với người ấy, Ma (Vương) không có cơ duyên đối với người ấy.”
“Này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt đạt được sự tinh xảo, (của pháp ấy?) dầu thuộc giới xứ nào (Sati sati àyatane) (17) (?) Ví như này các Tỳ Kheo, một bình đầy tràn nước đến nỗi con quạ có thể uống được, được đặt trên cái giá và có người lực sĩ đến và lắc qua lắc lại cái bình ấy, như vậy nước có thể trào ra ngoài không?”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
“Cũng vậy này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo (của pháp ấy) dầu thuộc giới xứ nào. Ví như có một hồ nước (18) trên một miếng đất bằng, bốn phía có đê đắp làm cho vững chắc, và tràn đầy nước đến nỗi con quạ có thể uống được. Rồi có người  lực sĩ đến và phá một khúc đê, nước có thể tràn ra ngoài không?”
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
“Cũng vậy  này các Tỳ Kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo (của pháp ấy) dầu với giới xứ nào. Ví như này các Tỳ Kheo (19) trên đất bằng tại chỗ ngã tư có một chiếc xe đậu, thắng với những con ngựa thuần thục, có roi ngựa đặt ngang sẳn sàng, có người mã thuật sư thiện xảo, người đánh xe điều ngự các con ngựa đáng được điều ngự, leo lên xe ấy, tay trái nắm dây cương, tay mặt cầm lấy roi ngựa, có thể đánh xe ngựa ấy đi tới đi lui, tại chỗ nào và như thế nào, theo ý mình muốn. Cũng vậy này các vị Tỳ kheo, đối với vị nào tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn vị ấy hướng tâm đã được chứng ngộ nhờ thắng trí đến pháp nào cần phải chứng ngộ nhờ thắng trí, vị ấy đối mặt được sự tinh xảo (của pháp ấy), dầu với giới xứ nào.
“Này các Tỳ Kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như thành cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành (20), thời mười công đức này có thể được mong đợi. Thế nào là mười?”
Lạc bất lạc (21) được nhiếp phục, và bất lạc không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục bất lạc được khởi lên; khiếp đảm sợ hải (22) được nhiếp phục, và khiếp đảm sợ hải không nhiếp phục vị ấy, và vị ấy sống luôn luôn nhiếp phục khiếp đảm sợ hải được khởi lên. Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận. Vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng. Tùy theo ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phiền toái, vị ấy chứng được bốn thiền, thuần túy tâm tư, hiện tại lạc trú. Vị ấy chứng được các loại thần thông, một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; đi trên nước không chìm như đi trên đất liền. Ngồi  kiết già đi trên hư không như con chim; với bàn tay, chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy. Có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm Thiên. Với thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, có thể nghe hai loại tiếng, chư Thiên và loài người, ở xa hay gần. Với tâm của vị ấy, vị ấy biết tâm của các chúng sanh, các loài người: Tâm có tham, biết tâm có tham; tâm không tham biết tâm không tham. Tâm có sân, biết tâm có sân; tâm không sân biết tâm không sân. Tâm có si biết tâm có si, tâm không si biết tâm không si. Tâm chuyên chú, biết tâm chuyên chú; tâm tán loạn, biết tâm tán loạn. Tâm đại hành, biết tâm đại hành. Tâm không đại hành, biết tâm không đại hành. Tâm chưa vô thượng, biết tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết tâm vô thượng. Tâm thiền định, biết tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết tâm không thiền định. Tâm giải thoát, biết tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết tâm không giải thoát. Vị ấy nhớ đến các đời sốâng quá khứ như một đời, hai đời…, như trên…. vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ với các nét đại cương và các chi tiết. Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng. Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự mình chứng tri với thượng trí, vị ấy chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc”.
“Này các Tỳ Kheo, thân hành niệm được thực hành, được tu tập làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như thành căn cứ địa, được làm cho kiên trì, được làm cho tích tập, được khéo tinh cần thực hành, thời mười  công đức này có thể mong đợi”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các vị Tỳ Kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.
KINH THÂN HÀNH  NIỆM[34]
THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN
Chú ý: Phần trong ngoặc đơn () không có ở Chánh Kinh, được thêm vào để tiện việc theo dõi.
——————————————————————————–
[1] Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện 1 ĐTK 2059 tờ 324a 27- b1 trích một đoạn thế này: “Khương Tăng Hội chú thích kinh An Ban Thủ yù, đề tựa nói: “Kinh này do Thế Cao dịch, lâu bị chìm che, nhờ gặp Hàn Lâm từ Nam Dương, Bỉ Nghiệp từ Dĩnh Xuyên, Trần Huệ từ Cối Kê, ba vị hiền này tin đạo dốc lòng, Hội cũng xin hỏi. Nên Trần Huệ giải nghĩa. Tôi giúp châm chước”
[2] Kinh này xét bài tựa đầu kinh và xem văn kinh thì hình  như là người chép  lãnh kinh chứ không phân tích ra mà chép liền vào. Đáng lẽ phải cắt ra mà chú, nhưng thường có nhiều chỗ không thể thêm nên không dám tự tiện cắt ra, xin để lại cho các bậc hậu hiền
 
[5] Kinh Hán tạng tương đương là Trị ý kinh (Đại 1,919).
[6] Trong khi tu thiền với các nghiệp xứ Kammatthana. Xem M.A. iv. 137. D.1.233.
[7] Lễ Tự tứ tổ chức sau mùa an cư.
[8] Araddha, giải thích là Tuttha. M.A. 137.
[9] Komudim Càtumasinim xem B.D.ii. 157. Số 3.iv.137 nói, gọi là Komudi vì có sen trắng và gọi Càtumasini vì là cuối tháng tư mùa an cư.
[10] Sau ngày rằm Kattika.
[11] Putosenàpi M.A. iv . 139 chép Putamsena. Xem G.S.ii .192.số 1.
[12] Xem M.i.424 v.v…
[13] Vijjàvimutti,như S.v. 28.335.
[14] Xem M.Kinh số 10; M.425 A.v. III. Và Anapana Samyutta (S.v.311).
[15] Kàyesu.M.A. iv: 140 – đây chỉ cho một trong bốn đại và đây chỉ cho phong đại ( Vàyokàya). Hay thân này thuộc về sắc pháp. Ở đây hơi thở được xem thuộc về thân vì gồm vào trong các xúc. Vị này hoặc xem phong đại là 1 trong bốn thân hay xem hơi thở là 1 trong 25 sắc pháp.
[16] Sự triền cái của dục vọng là tham,sự triền cái của sân là ưu.
[17] Sau khi biết được đã đoạn trừ, mới đến quán những gì là vô thường, viễn ly đoạn diệt và đọan trừ.
[18] Ajjhupekkhita vị ấy nhìn đối tượng tu hành hay sự vật, không bị chúng ảnh hưởng, với niệm xả ly M.A.iv.142.
 
[20] M.A.iv.144 nói trong kinh này, nhập tức xuất tức niệm, thuộc về thế gian, đưa đến sự viên mãn bốn niệm xứ cũng thuộc thế gian. Và bốn niệm xứ đưa đến sự viên mãn bảy giác chi cũng thuộc thế gian. Và bảy giác chi đưa đến chứng đạt cứu cánh niết bàn và quả giải thoát  nhờ chánh tri.
[21] Kinh hán tạng tương đương là kinh niệm thân kinh (Đại 1.554 c)
[22] Như kinh số 118, kinh số 119 là một phần của kinh satipatthana số 10 cũng xem A. I 43.Vbh 226.
[23] Đây gồm cả Sâmtha (chỉ) và Vipassana (quán) M.A.iv.144.
 
[25] Sarasankappa, như M.i .453.iii 132 S. iv.76.190.
[26] Gehasita, thuộc vào cư sĩ, như tư tưởng thuộc về 5 loại dục lạc.
 
[29] Paripphosakam Paripphosakam. Như M.i.276.ii.15.iii,140 D.i.74 xemP.E.D.
[30] Các đoạn văn tương đương ở M. i276-278 chấm dưt ở đây.
[31] Về đoạn này, xem A.i .43, các thiện pháp thuộc minh phần Dhamma Vijabhgi và được kể là sáu. Ở A. iii, 334vô thường  tưởng, khổ tưởng trong vô thường, vô ngã tưởng trong khổ, đọan trù tưởng, viễn ly tưởng, diệt tưởng. Nhưng M.A..iv.145 nói ở đây, quán trí, thần thông do thắng trí, sáu thắng trí đều câu hữu với trí.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.2/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment