Kinh Thủ Lăng Nghiêm-quyển 2.
Khi ấy A Nan cùng cả đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thủy đến nay, quên mất bản tâm, lầm nhận sự phân biệt bóng dáng tiền trần làm tâm. Hôm nay được khai ngộ như đứa trẻ khát sữa, bỗng gặp mẹ hiền, liền chắp tay lễ Phật, mong được nghe Như lai, từ nơi thân tâm này, chỉ ra chỗ chân vọng, hư thật, và ở nơi hiện tiền phát minh ra hai tính sinh diệt và không sinh diệt.
Khi ấy vua Ba Tư Nặc đứng dậy bạch Phật:
- Khi xưa chưa được đức Thế Tôn chỉ dạy, con gặp nhóm Ca Chiên Diên, Tỳ La Chi Tử, cả hai đều nói rằng thân này chết rồi là mất hẳn (đoạn diệt) và gọi đó là niết bàn. Nay con tuy được gặp Phật nhưng vẫn còn hồ nghi. Xin Phật chỉ rõ thế nào chứng biết tính không sinh diệt nơi tâm này. Hiện nay các hàng hữu lậu trong đại chúng cũng đều trông mong được nghe điều ấy.
Phật bảo:
- Ðại vương, ngay nơi thân ông đang tồn tại, nay Như lai hỏi: Nhục thân của ông có như kim cương bất hoại, hay cũng bị biến đổi và tan rã?
- Bạch Thế tôn, thân con hiện nay rốt cuộc rồi cũng bị biến hoại.
Phật bảo:
- Ðại vương, ông chưa hề bị diệt, làm sao biết mình sẽ biến diệt?
- Bạch Thế tôn, cái thân vô thường biến hoại của con đây tuy chưa hề bị diệt, nhưng con thấy trước mắt, từng niệm dời đổi mãi không ngừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu mất. Vì tàn hoại không dừng, nên con biết chắc thân này sẽ diệt mất.
Phật dạy:
- Ðúng thế, Ðại vương, tuổi tác của ông nay đã già yếu, dung mạo so với lúc trẻ thì như thế nào?
- Bạch Thế tôn, lúc con còn trẻ da thịt tươi nhuận, đến khi trưởng thành huyết khí sung mãn. Nay thì tuổi già ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần lẫn lộn, tóc bạc mặt nhăn, sống không được bao lâu nữa, so sánh sao được với lúc đương còn trẻ trung khoẻ mạnh!
Phật bảo:
- Ðại vương, thân thể của ông, đâu phải già liền?
Vua bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, sự biến hóa âm thầm thay đổi, con thật khó hay biết; nắng mưa thấm thoát, đến nay thân thể thế nầy. Nhưng con so sánh lúc 20 tuổi, tuy gọi là trẻ, nhưng mặt mày của con đã già hơn lúc 10 tuổi; đến khi 30 tuổi lại già hơn lúc 20 tuổi và đến nay đã 62 tuổi so với lúc 50 tuổi thì rõ ràng lúc 50 tuổi còn khỏe mạnh hơn nhiều. Bạch Thế tôn, con thấy nó âm thầm thay đổi như thế. Thân nầy đến nay tuy đã suy yếu, nhưng trong sự thay đổi, con chia từng 10 năm, nếu con suy xét chín chắn hơn nữa thì cái biến đổi ấy đâu phải từng một niên kỷ, hai niên kỷ, mà thật nó thay đổi trong mỗi năm; chẳng những nó thay đổi mỗi năm, mà thực ra nó thay đổi trong từng tháng; chẳng những nó thay đổi trong từng tháng, mà thật ra nó thay đổi trong từng ngày. Chiêm nghiệm thật sâu, quán sát thật kỹ, thấy nó thay đổi trong từng sát na, trong từng niệm không hề dừng nghỉ. Thế nên con biết thân này cuối cùng phải chịu sự biến đổi và hoại diệt.
Phật bảo:
- Ðại vương, ông thấy sự biến hóa thay đổi không ngừng nên biết thân mình hoại diệt. Vậy ngay lúc hoại diệt ấy, ông có biết trong thân cái gì không hoại diệt chăng?
Vua Ba Tư Nặc chắp tay bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, thật con không biết.
Phật bảo:
- Nay Như lai sẽ chỉ cho ông tánh chẳng sinh diệt. Đại vương, ông thấy nước sông Hằng vào lúc ông mấy tuổi?
Vua bạch Phật:
- Khi con ba tuổi, mẹ con dắt đi yết lễ thần Kỳ Bà Thiên, con đã đi qua sông Hằng và thấy nước sông Hằng khi ấy.
Phật bảo:
- Ðại vương, như lời ông nói: Lúc 20 tuổi thấy mình già hơn 10 tuổi, ngày qua tháng lại, niệm niệm đổi dời, cho đến khi 60 tuổi. Vậy khi ông thấy sông Hằng lúc 3 tuổi, so với cái thấy sông Hằng khi 13 tuổi như thế nào?
Vua bạch Phật:
- Cái thấy ấy không khác so với khi con 3 tuổi, cho đến nay đã 62 tuổi, cái thấy ấy vẫn không khác.
Phật bảo:
- Nay ông tự cảm thấy mình tóc bạc mặt nhăn, mặt ông nhất định là nhăn hơn lúc trẻ. Vậy cái thấy sông Hằng hiện nay của ông so với cái thấy lúc nhỏ, có già trẻ gì không?
Vua bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, không.
Phật bảo:
- Ðại vương, mặt ông tuy nhăn, nhưng cái thấy đó chưa từng bị nhăn; cái bị nhăn thì thay đổi, còn cái không bị nhăn thì không có thay đổi. Cái thay đổi thì phải bị hoại diệt, còn cái không thay đổi thì vốn không sinh diệt, vậy làm sao trong ấy nó nhận chịu sự sinh tử, mà ông còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt Già Lê rằng: thân này sau khi chết là hoàn toàn mất hẳn.
Vua nghe lời Phật dạy như vậy, tin rằng thân này sau khi chết sẽ sinh thân khác, nên vua cùng đại chúng nhảy nhót vui mừng, như được điều chưa từng có.
ÐOẠN IX : CHỈ CHỖ TRÁI NGƯỢC
A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, nếu cái thấy nghe đó thật không sinh diệt thì tại sao đức Thế tôn lại gọi chúng con bỏ quên chân tính, làm việc điên đảo? Xin Phật mở lòng từ bi, rửa sạch trần cấu cho chúng con.
Khi ấy đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo A Nan rằng:
- Nay ông thấy cánh tay Mẫu đà la của Như lai là thuận hay là nghịch?
A Nan bạch:
- Chúng sinh trong thế gian cho đó là nghịch, riêng con thì không biết thế nào là thuận, thế nào là nghịch.
Phật bảo A Nan:
- Nếu người thế gian cho đó là nghịch, thì người thế gian gọi thế nào là thuận?
A Nan thưa:
- Khi đức Như lai đưa cánh tay Ðâu la miên lên, các ngón tay chỉ lên trên hư không thì gọi là thuận.
Đức Phật liền đưa cánh tay lên và bảo A Nan rằng:
- Điên đảo là như thế, chỉ là đầu đuôi thay đổi lẫn nhau mà chúng sinh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy. Nay lấy cái thân ông và pháp thân thanh tịnh của chư Như lai, so theo đó mà phát minh thì thân của Như lai gọi là chánh biến tri, thân của các ông gọi là tánh điên đảo. Ông nên quán sát kỹ nơi thân ông và thân Phật thì do ở chỗ nào mà gọi là điên đảo?
Khi ấy A Nan cùng cả đại chúng chăm chăm nhìn Phật không chớp mắt, chẳng biết thân tâm mình chỗ nào là điên đảo. Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A Nan và đại chúng, nên phát ra lời nói với âm thanh như tiếng hải triều, dạy bảo hội chúng:
- Này các thiện nam tử, Như lai thường nói rằng: Sắc, tâm, các duyên, các tâm sở và các pháp sở duyên, đều do tâm biến hiện. Thân, tâm các ông đều là những vật hiện ra từ trong tâm tánh. Tại sao các ông lại bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy, mà nhận cái mê trong ngộ? Mê muội thành có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành ra có sắc; sắc xen tạp với vọng tưởng, rồi nhận tướng vọng tưởng làm thân. Nhóm các duyên giao động bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, rồi nhận cái tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh. Một khi đã lầm cái tướng ấy làm tâm thì chắc chắn nhận lầm tâm ở trong thân. Chẳng biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông, hư không, và thế giới bên ngoài đều là những vật ở trong chân tâm. Ví như bỏ đi trăm nghìn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nước rồi cho đó là mặt nước bao la với biển cả vô cùng. Các ông là những người mê lầm nhiều lớp, như cánh tay Như lai rủ xuống, không có sai khác. Như lai gọi các ông thật là đáng thương xót.
ĐOẠN X: BỎ TÂM PHAN DUYÊN, NGỘ TÁNH THẤY THƯỜNG HẰNG
1. Kiến đạo nhưng chưa dám tự nhận.
A Nan nghe lời Phật từ bi cứu độ dạy bảo, khóc lóc tréo tay mà bạch Phật rằng:
- Bạch Thế tôn, tuy con nghe được pháp âm vi diệu của Phật như vậy, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt, viên mãn thường trụ, nhưng con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy cũng là dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước mong. Con dù có được tâm ấy, cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay vốn thường hằng. Cúi mong đức Phật thương xót, tuyên lời viên âm, nhổ gốc nghi ngờ,để con quay về đạo vô thượng.
2. Ngón tay chỉ trăng, tâm phân biệt cũng có chỗ quy thú
Phật bảo A Nan:
- Ông vẫn còn lấy tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp nhận được ấy cũng chỉ là sở duyên, chứ không phải nhận được pháp tánh. Ví như có người dùng ngón tay chỉ hướng mặt trăng cho người khác, thì người kia lẽ ra phải nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng, thì chẳng những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay chỉ hướng nữa. Vì sao? Vì nhận lầm ngón tay chỉ hướng chính là mặt trăng vậy. Không những bỏ mất ngón tay chỉ hướng mà còn không phân biệt được sáng và tối nữa. Vì sao? Vì ngón tay vốn không phát sáng mà cho rằng giống như mặt trăng có tính sáng soi, tức là không biết được hai tánh sáng và tối.
Các ông cũng như vậy, nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như lai làm tâm của các ông thì tâm ấy lẽ ra khi tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó phải có tánh phân biệt. Ví như người khách ngủ trọ lữ quán, ở tạm rồi đi, không dừng lại mãi được. Còn người chủ lữ quán thì không đi đâu, nên gọi là chủ. Tâm cũng như vậy. Nếu thật là tâm của ông thì không đi đâu, vậy khi rời âm thanh sao lại không có tánh phân biệt?
Nói thế chẳng những đối với tâm phân biệt các âm thanh và cái phân biệt tôn dung của Như lai, khi rời các sắc tướng, cũng không có tánh phân biệt. Như vậy cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không, mà nhóm Câu Xá Ly lầm cho là minh đế. Khi rời các pháp trần, không còn tánh phân biệt thì tâm tính của ông đều có chỗ trả về, như vậy lấy gì mà làm chủ?
3. Chỉ rõ tánh thấy không chỗ trả về.
A Nan bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, nếu như tâm tính của con đều có chỗ trả về, thì tại sao Như lai dạy tâm diệu minh ấy không có chỗ trả về? Cúi xin Phật thương xót chỉ dạy cho con điều ấy.
Phật bảo A Nan:
- Khi ông thấy Như lai bằng cái thấy nhiệm mầu sáng suốt của ông, cái thấy ấy tuy chưa phải là chân tâm, mà nó như mặt trăng thứ hai, chứ không phải là bóng của mặt trăng. Ông hãy lắng nghe cho kỹ, Như lai sẽ chỉ cho ông nghĩa không thể trả về.
A Nan, cửa đại giảng đường này mở rộng về phương Đông, khi mặt trời lên thì sáng, nửa đêm không có ánh trăng, mây mù mờ mịt thì lại tối tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông suốt, chỗ có tường nhà thì thấy ngăn bít, chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sở duyên, trong chỗ rỗng trống thì toàn là hư không, khi bụi nổi lên thì cảnh tượng mù mịt, mưa tạnh trời thanh thì lại thấy trong lặng.
A Nan, ông hãy xem rõ các tướng biến hóa ấy, nay Như lai trả các tướng ấy về nơi xuất phát của nó. Thế nào là nơi xuất phát? A Nan, trong các tướng biến hóa, cái sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì không mặt trời thì không sáng, nguyên nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả lại cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm tối không có ánh trăng, thông suốt trả về cho các cửa, ngăn bít trả về cho tường vách, cảnh sở duyên trả về cho phân biệt, trống rỗng trả về cho hư không, mù mịt trả về cho bụi, trong lặng trả về cho trời tạnh. Tất cả mọi vật có trong thế gian cũng không ra ngoài các loại ấy.
Còn tánh thấy sáng suốt của ông khi nhìn tám thứ kia thì ông muốn trả về đâu? Nếu trả về cho sáng thì lúc không sáng lại không thấy tối. Nay tuy các thứ sáng tối có sai khác, nhưng cái thấy không hề có sai khác. Các loại có thể trả về được, đương nhiên chẳng phải là ông. Cái không trả về được chẳng phải ông thì là ai? Vậy nên biết tâm ông vốn nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt, mà ông tự mê lầm, bỏ mất tánh bản nhiên đành chịu luân hồi, thường bị chìm đắm trong biển sinh tử, nên Như lai gọi là đáng thương xót.
ĐOẠN XI : LỰA RIÊNG TRẦN CẢNH ĐỂ NÊU RA TÍNH THẤY
1. Tất cả chỉ là hiện tượng.
A Nan bạch Phật :
- Bạch Thế tôn, tuy con biết tánh thấy ấy không thể trả về đâu, nhưng làm sao biết được đó là chân tánh của con?
Đức Phật bảo A Nan:
- Nay Như lai hỏi ông : Hiện ông chưa chứng quả vô lậu thanh tịnh, nhưng nhờ thần lực của Phật, ông mới thấy được cõi sơ thiền mà không bị chướng ngại. Còn ông A Na Luật thì thấy cõi Diêm Phù Đề như xem trái am ma la trong lòng bàn tay. Các vị Bồ tát thấy trăm nghìn thế giới. Mười phương Như lai, đều thấy cùng tận các quốc độ thanh tịnh số như vi trần. Còn chúng sinh thì chỉ thấy rõ được không quá gang tấc.
A Nan, giờ ông hãy cùng Như lai xem cung điện của Tứ thiên vương, và xem khắp các loài trong nước, trên đất, trong hư không,… tuy có nhiều hình tượng tối sáng khác nhau, nhưng chúng đều là tiền trần phân biệt và chướng ngại. Ông nên ngay nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật. Nay Như lai để ông lựa ra trong cái thấy, cái gì là tâm, cái gì là vật thể?
A Nan, cùng tột sức thấy của ông, từ mặt trời, mặt trăng đều là vật, chứ không phải ông; xem xét cùng khắp cho đến Thất kim sơn (bảy ngọn núi bằng vàng), tuy phát ra vô số ánh sáng nhưng cũng là vật chứ không phải ông. Lần lần quan sát mây nổi, chim bay, gió động, bụi mù, cây cối, núi sông, rau cỏ, người và thú,… đều là vật chứ không phải là ông.
2. Cái thấy không phải là vật.
A Nan, tính chất các vật xa gần tuy sai khác nhau, nhưng đều do tánh thấy thanh tịnh của ông nhìn thấy được. Vậy nên vật thể tự có sai biệt mà tính thấy của ông không có sai khác. Cái thấy nhiệm mầu sáng suốt đó thật là tánh thấy của ông.
Nếu cái thấy là vật thì ông cũng có thể thấy được tánh thấy của Như lai. Nếu thấy sự vật mà gọi là thấy được tánh thấy của Như lai, thì khi Như lai không thấy, sao ông lại không thấy được chỗ không thấy của Như lai? Nếu ông nói rằng thấy được cái không thấy thì tự nhiên cái thấy đó không phải là tướng của cái không thấy; còn nếu không thấy được chỗ không thấy của Như lai, tức là cái thấy bản nhiên rõ ràng không phải là vật, thì sao lại cho rằng tánh thấy ấy không phải là ông?
3. Vật và ta không thể xen lộn.
Lại nữa, nếu như cái thấy là vật thì khi ông nhìn và thấy được vật thì vật ấy cũng thấy được ông. Thế thì thể tánh xen tạp, nên ông với Như lai cùng cả thế gian đều không an lập được.
A Nan, nếu khi ông thấy thì chính ông thấy, chứ không phải Như lai. Tánh thấy cùng khắp đó không phải là ông thì còn là ai nữa?
Sao lại tự nghi chân tánh của ông? Chân tánh của ông, ông không tự nhận lấy, lại chấp lời nói của Như lai mà cầu chứng cái chân thật.
4. Nghi cái thấy có lớn nhỏ đứt nối.
A Nan bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, nếu tánh thấy đó nhất định là của con, chứ không phải của ai khác, thì khi con cùng Như lai xem cung điện quý báu của Tứ thiên vương, xem mặt trời mặt trăng, cái thấy ấy bao trùm cả cõi Ta bà. Khi quay về tịnh xá thì chỉ thấy cảnh vườn rừng, đến nơi giảng đường thanh tịnh, nơi phòng chái thì lại chỉ thấy hành lang, chái nhà.
Bạch Thế tôn, cái thấy như vậy, bản thể của nó trùm khắp pháp giới. Nay ở trong phòng thì chỉ thấy một phòng. Vậy là cái thấy rút lớn thành nhỏ hay là bị tường nhà chia cắt làm cho đứt đoạn. Nay con không biết nghĩa đó thế nào, xin Phật vì con từ bi chỉ rõ.
5. Chỉ tiền trần làm ngăn ngại.
Phật bảo A Nan:
- Tất cả các thứ trong, ngoài, lớn nhỏ của thế gian đều thuộc về tiền trần, không nên nói rằng tánh thấy có co giãn. Ví như trong vật hình vuông thì thấy hư không trong ấy hình vuông. Nay Như lai hỏi ông: Cái hư không hình vuông được thấy trong vật vuông ấy là cố định hay không cố định? Nếu cố định vuông thì khi thay vật tròn vào, lẽ ra hư không không tròn. Nếu không cố định vuông thì khi ở trong vật vuông, lẽ ra hư không chẳng phải vuông. Ông nói không biết nghĩa đó thế nào, nghĩa đó như vậy, sao còn hỏi như thế nào nữa?
A Nan, nếu muốn nhận ra tánh không vuông không tròn, thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật, chứ bản thể hư không vốn không vuông, không nên nói phải bỏ đi tướng vuông của hư không.
Lại như lời ông hỏi: Khi vào trong phòng tánh thấy đã rút nhỏ lại, vậy khi ông ngước xem mặt trời, phải chăng tánh thấy đã giãn ra để tiếp xúc với mặt trời? Nếu xây tường nhà chia cắt cái thấy làm cho đứt đoạn, thì đến khi xoi một lỗ nhỏ, sao lại không thấy dấu nối? Nghĩa ấy ông nói không đúng.
6. Khai thị về khả năng chuyển được vật.
Tất cả chúng sinh từ vô thủy đến nay, lầm mình là vật, bỏ mất tâm tánh, bị vật xoay chuyển, cho nên ở trong đó thấy lớn thấy nhỏ. Nếu biết chuyển được vật thì đồng với Như lai, thân tâm đều viên mãn sáng suốt, là đạo tràng bất động. Trên đầu một mảy lông cũng có thể trùm chứa thập phương quốc độ.
MỤC III : TÁNH THẤY SIÊU VIỆT NGHĨA “PHẢI” VÀ “CHẲNG PHẢI”
ĐOẠN I : NGHI TÁNH THẤY HIỆN TIỀN
A Nan bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, nếu tánh thấy đó nhất định là chân tánh, thì cái diệu tánh đó phải ở ngay trước mắt con. Tánh thấy đó đã là chân tánh của con thì thân tâm con hiện nay là vật gì? Mà nay thân tâm con thật có sự phân biệt, còn tánh thấy kia thì không phân biệt riêng gì thân con. Nếu nó thật là tâm con, khiến cho con hiện nay thấy được, thì tánh thấy ấy đã thật là con, còn thân này không phải là con. Vậy chẳng khác nào trước kia Như lai vặn hỏi: Vật có thể thấy được con chăng. Xin Phật rủ lòng đại từ bi, chỉ bày cho chỗ chưa tỏ ngộ.
ĐOẠN II : KHÔNG CÓ CÁI GÌ TỨC LÀ CÁI THẤY
Phật bảo A Nan :
- Nay ông nói rằng, cái thấy ở trước mắt ông. Nghĩa ấy không đúng. Nếu tánh thấy thật sự ở trước mắt ông và ông thấy được thì tánh thấy đó đã có chỗ ở, không phải không chỉ ra được. Vậy nay Như lai cùng ông ngồi trong rừng Kỳ Đà, nhìn khắp rừng, suối với các điện, đường đi; trên xa đến mặt trời, mặt trăng, trước là sông Hằng. Nay ông đang ở trước tòa sư tử của Như lai, hãy dùng tay chỉ ra trong các tướng kia, chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, chỗ thông suốt là hư không; như thế cho đến cỏ cây, mảy mún, tuy lớn nhỏ khác nhau, nhưng đã có hình tướng thì không có cái gì là không chỉ ra được. Vậy nếu cái thấy, hiện ở trước mắt ông thì ông hãy lấy tay chỉ rõ đích xác cái gì là cái thấy. A Nan, ông nên biết, nếu hư không là cái thấy, tức hư không đã thành cái thấy, thì cái gì là hư không; nếu vật là cái thấy, tức vật đã là cái thấy, thì cái gì là vật? Ông hãy phân tích kỹ càng trong vạn vật, chọn ra tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, chỉ rõ ra ngã thể cùng các vật một cách phân minh không nhầm lẫn cho Như lai xem.
A Nan bạch Phật:
- Nay con ở giảng đường Trùng Cát nầy, nhìn ra xa đến sông Hằng, trên đến mặt trời, mặt trăng, cái mà tay chỉ ra được và mắt thấy được, tất cả đều là vật, chẳng phải tánh thấy.
Bạch Thế tôn, như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng hữu lậu sơ học Thanh văn như chúng con, cho đến các vị Bồ tát, cũng không thể nào ở nơi hiện tượng muôn vật chỉ ra được cái thấy, mà khi rời tất cả vật riêng có tự tính.
Phật dạy: Đúng thế, đúng thế!
ĐOẠN III : KHÔNG CÓ CÁI GÌ RA NGOÀI CÁI THẤY
Đức Phật lại bảo A Nan:
Như lời ông nói, không có cái thấy khi rời tất cả vật, riêng có tự tính, thì trong tất cả các vật đã chỉ được, không có cái gì là cái thấy cả.
Nay Như lai lại hỏi ông: Ông cùng Như lai ngồi trong rừng Kỳ Đà, xem vườn rừng cho đến mặt trời mặt trăng, nhiều thứ hình tượng khác nhau, trong đó nhất định không có tánh thấy mà ông có thể chỉ ra được. Vậy ông hãy phát minh trong các vật đó, có cái gì ra ngoài tánh thấy?
A Nan bạch Phật:
-Bạch Thế tôn, con thấy khắp rừng Kỳ Đà nầy, không biết trong đó có cái gì ra ngoài cái thấy. Vì sao? Nếu cây ra ngoài cái thấy thì sao lại thấy cây, còn nếu cây tức là cái thấy thì sao lại là cây. Như thế cho đến nếu hư không ra ngoài cái thấy, thì sao thấy được hư không, còn nếu hư không tức là cái thấy, thì sao lại là hư không. Con lại suy nghĩ, phát minh chín chắn trong muôn hình tượng, thật không có cái gì ra ngoài cái thấy cả.
Phật dạy: Đúng thế, đúng thế!
ĐOẠN IV : VĂN THÙ THƯA THỈNH
Khi ấy trong đại chúng, những vị chưa chứng quả vô học, nghe Phật dạy như thế mờ mịt chẳng biết nghĩa ấy đầu đuôi thế nào, nên đều sợ hãi không giữ được tâm thanh tịnh, sợ đánh mất những điều hiểu biết xưa nay.
Như lai biết đại chúng tâm niệm rối loạn, nên sinh lòng thương xót an ủi A Nan và cả đại chúng rằng:
- Các thiện nam tử, bậc Vô thượng pháp vương, lời nói chân thật như tính chân như mà nói, không lừa không dối. Chẳng phải như bốn thứ luận nghị càn gỡ bất tử của ngoại đạo Mạt già lê. Ông hãy suy nghĩ cho chín chắn, chớ phụ lòng thương mến của Như lai.
Khi ấy Văn Thù Sư Lợi pháp vương tử thương xót bốn chúng, ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật chấp tay cung kính mà bạch Phật rằng:
- Bạch Thế tôn, đại chúng nầy chưa ngộ được chỗ đức Như lai phát minh ra hai nghĩa: phải và chẳng phải của tánh thấy và sắc không.
Bạch Thế tôn, như các hiện tượng sắc không ở trước mắt, nếu là tánh thấy thì lẽ ra phải chỉ được, nếu chẳng phải là tánh thấy thì lẽ ra không thể thấy được. Nay đại chúng không rõ nghĩa ấy do đâu nên mới kinh sợ, chứ không phải vì trước đây thiện căn ít ỏi. Kính mong đức Như lai thương xót, phát minh cho rõ các vật tượng ấy và cái thấy ấy vốn là vật gì, mà ở trong đó lại không có các nghĩa “phải” và “chẳng phải”.
ĐOẠN V : TÁNH THẤY KHÔNG CÓ NGHĨA “PHẢI” VÀ “CHẲNG PHẢI”
Phật bảo ngài Văn Thù cùng cả đại chúng rằng:
- Thập phương Như lai và các vị đại Bồ tát khi tự an trụ trong chánh định, thì cái “thấy” và cái “bị thấy” đều là tưởng tướng, đều là hoa đốm hư không, vốn không có gì. Cái “thấy” và cái “bị thấy” đó vốn là tâm tánh Bồ đề nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt, làm sao trong đó lại còn có các nghĩa “phải” và “chẳng phải”?
Này Văn Thù Sư Lợi, nay Như lai hỏi ông: Như ông đây là Văn Thù, lại có đúng là Văn Thù hay chẳng phải là Văn Thù?
- Bạch Thế tôn, đúng thế. Con đây thật là Văn Thù, nơi con chẳng có Văn Thù thật. Vì sao? Vì nếu có một Văn Thù khác là Văn Thù thật thì sẽ có hai Văn Thù. Nhưng hiện nay chẳng phải con không phải Văn Thù. Trong ấy thật không có hai tướng phải và chẳng phải.
Phật bảo:
- Tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt nầy cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy. Vốn là chân tâm viên mãn thanh tịnh vô thượng bồ đề, sáng suốt nhiệm mầu, vọng làm ra sắc, không và nghe, thấy. Ví như dụi con mắt, thấy có hai mặt trăng thì mặt trăng nào mới thật là mặt trăng, còn mặt trăng nào lại không phải là mặt trăng. Này Văn Thù, chỉ có một mặt trăng thật, trong ấy vốn không có cái gì thật là mặt trăng hay không phải là mặt trăng. Vậy nên hiện nay, các ông hãy xem cái thấy và trần cảnh cùng các thứ phát minh ra đều là vọng tưởng, trong ấy không thể chỉ ra nghĩa “phải” và “chẳng phải”.
Bởi tất cả đều là tâm tính nhiệm mầu sáng suốt nên có thể làm cho các ông vượt ra ngoài cái “chỉ ra được” và “không chỉ ra được”.
MỤC IV: PHÁ THUYẾT NHÂN DUYÊN TỰ NHIÊN
ĐOẠN I: NGHI TÂM TÍNH TỰ NHIÊN NHƯ THẦN NGÃ
A Nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế tôn, nếu thật như lời đấng Pháp vương đã nói, tâm tánh duyên khắp thập phương thế giới, yên lặng thường trụ, không có sinh diệt. Điều ấy so với thuyết ông Phạm chí Ta Tỳ Ca La ngày xưa nói về minh đế, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hói… nói có chân ngã cùng khắp mười phương, khác nhau thế nào?
Ở núi Lăng Già, đức Thế tôn đã từng vì các ngài Đại Huệ,… chỉ dạy rằng: Ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn Phật nói nhân duyên, không phải cảnh giới của ngoại đạo kia. Nay con quán sát kỹ thấy tánh giác vốn tự nhiên, không sinh không diệt, xa lìa mọi hư vọng điên đảo, dường như không phải là nhân duyên, cũng không phải là tự nhiên của ngoại đạo. Xin Phật chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến, đạt được tâm tánh chân thật, giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.
ĐOẠN II: CHỈ RA KHÔNG PHẢI LÀ TỰ NHIÊN
Phật bảo A Nan:
- Nay Như lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật bảo ông như vậy mà ông còn chưa ngộ, lại lầm là tự nhiên.
A Nan, nếu chắc là tự nhiên thì cần phải xét rõ thể tánh tự nhiên chăng? Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy gì làm tự thể? Tánh thấy đó lấy cái sáng làm tự thể, hay lấy cái tối làm tự thể, lấy hư không làm tự thể hay lấy ngăn bít làm tự thể?
A Nan, nếu lấy cái sáng làm tự thể thì lẽ ra không thấy được tối, nếu lấy hư không làm tự thể thì lẽ ra không thấy được ngăn bít. Như vậy cho đến lấy các tướng tối mà làm tự thể thì đến khi sáng, tánh thấy đã diệt mất rồi làm sao còn thấy được sáng?
ĐOẠN III: NGHI LÀ NHÂN DUYÊN
A Nan bạch Phật:
- Tánh thấy nhiệm mầu ấy chắc không phải là tự nhiên. Nay con phát minh được, nó do nhân duyên mà sinh nhưng tâm con vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi đức Như lai, nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên.
ĐOẠN IV: TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI NHÂN DUYÊN, NÓ VỐN RỜI CÁC DANH TƯỚNG
Phật dạy:
- Ông nói nhân duyên, Như lai lại hỏi ông: Nay ông do nhân duyên mà có thấy, tính thấy hiện trước đó, vậy tính thấy ấy là nhân nơi sáng mà có thấy, hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy?
A Nan, nếu tánh thấy nhân nơi sáng mà có thì lẽ ra không thấy được tối, còn như nhân nơi tối mà có thì lẽ ra không thấy được sáng. Như vậy cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít thì cũng giống như nhân nơi sáng và nơi tối.
Lại nữa, A Nan, cái thấy ấy duyên nơi sáng mà có thấy hay duyên nơi tối mà có thấy, duyên nơi hư không mà có thấy hay là duyên nơi ngăn bít mà có thấy?
A Nan, nếu duyên nơi hư không mà có thấy thì lẽ ra không thấy được ngăn bít; nếu duyên nơi ngăn bít mà có thấy thì lẽ ra không thấy được hư không. Như vậy cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối cũng đồng như duyên nơi hư không, duyên nơi ngăn bít.
Nên biết tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên, cũng chẳng phải chẳng tự nhiên. Chẳng có nghĩa chẳng phải (phi) hay chẳng chẳng phải, không có nghĩa phải (thị) hay chẳng phải (phi thị). Lìa hết tất cả các tướng, tức là tất cả pháp.
Nay ông sao ở trong chỗ bỏ mất bản tâm, nhận các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? Thế cũng như lấy bàn tay nắm bắt hư không, chỉ thêm nhọc sức, chứ làm sao hư không lại để cho ông nắm bắt.
ĐOẠN V: LẠI NGHI NHÂN DUYÊN
A Nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế tôn, nếu tánh giác nhiệm mầu này chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế tôn thường chỉ dạy các tỳ kheo: Tánh thấy có đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi ánh sáng, nhân nơi tâm và nhân nơi con mắt. Nghĩa đó thế nào?
ĐOẠN VI : PHẬT NÊU RA TÁNH THẤY RỜI CẢ BỐN TƯỚNG
Phật bảo :
- A Nan, Như lai nói như thế là nói về các tướng nhân duyên trong thế gian, đó không phải là đệ nhất nghĩa. A Nan, nay Như lai hỏi ông: Người thế gian thường nói: Tôi thấy được. Vậy thế nào gọi là thấy, thế nào gọi là không thấy?
A Nan bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, người đời nhân ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy các hình tướng, gọi đó là thấy. Còn nếu không có ba thứ ánh sáng đó thì không thể thấy được.
- A Nan, nếu không có ánh sáng mà gọi là không thấy thì lẽ ra không thấy được tối, sở dĩ thấy tối bởi vì không có ánh sáng, chứ đâu phải là không thấy. A Nan, nếu trong lúc tối, vì không thấy ánh sáng mà gọi là không thấy; vậy hiện giờ trong lúc sáng, không thấy tối thì lẽ ra đều phải gọi là không thấy.
Nếu hai tướng sáng tối tự xâm đoạt nhau thì tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Như thế ắt biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy, chứ sao lại gọi là không thấy. Thế nên A Nan, vì vậy ông nên biết rằng: Trong lúc thấy sáng thì cái thấy không phải là cái sáng; trong lúc thấy tối, cái thấy không phải là cái tối, trong lúc thấy hư không, cái thấy không phải là hư không; trong lúc thấy ngăn bít, cái thấy không phải là ngăn bít.
ĐOẠN VII : SỰ THẬT TÁNH THẤY
Bốn nghĩa đó đã thành lập rồi, ông lại nên biết : Khi nhận thấy tánh thấy thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Tánh thấy còn vượt khỏi cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được thì tại sao ông còn nói đến những tướng nhân duyên, tự nhiên và hòa hợp? Các ông là hàng Thanh văn trí năng hẹp hòi không hiểu biết, không thông suốt được thật tướng thanh tịnh. Nay Như lai bảo ông phải biết chiêm nghiệm, không nên trễ nãi trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu.
MỤC V : CHỈ RÕ THỂ TÁNH CHÂN THẬT
ĐOẠN I : THẤY TÁNH THẤY KHÔNG PHẢI LÀ CÁI THẤY
A Nan bạch Phật:
- Bạch Thế tôn, như Phật Thế tôn vì chúng con giảng nói về nhân duyên, tự nhiên, các tướng hòa hợp và không hòa hợp, trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ mà nay lại nghe Phật dạy: “thấy được cái thấy không phải là tánh thấy” thì càng thêm lúng túng. Cúi xin Phật thương xót, ban cho con mắt đại trí huệ, chỉ bày cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh.
Thưa xong, A Nan buồn khóc đảnh lễ, vâng nghe thánh chỉ của Phật.
Khi ấy đức Thế tôn thương xót A Nan và cả đại chúng, đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì là con đường tu hành các pháp Tam ma đề mầu nhiệm, bèn bảo A Nan rằng: Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho phần học rộng, nhưng nơi vi mật quán chiếu Xa ma tha, tâm còn chưa rõ. Nay ông hãy nghe cho kỹ, Như lai sẽ vì ông phân tích chỉ bày, đồng thời cũng khiến cho những kẻ hữu lậu trong tương lai chứng được quả vị Bồ đề.
ĐOẠN II : HAI THỨ NHẬN THỨC SAI LẦM
1. Hai thứ vọng kiến
A Nan, tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian đều do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt, ngay đó phát sinh, ngay đó mà nghiệp luân chuyển. Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh. Hai là đồng phận vọng kiến của chúng sinh.
2. Nhận thức biệt nghiệp vọng kiến.
Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến? A Nan, như người thế gian bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn ngọn đèn, thấy quanh đèn có vòng tròn năm màu bao phủ. Ý ông nghĩ sao? Đèn sáng ban đêm này hiện ra quầng sáng, đó là màu sắc của đèn hay là màu sắc của cái thấy?
A Nan, nếu màu sắc này là của ngọn đèn thì người không nhặm mắt sao chẳng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy? Nếu đó là màu sắc của cái thấy thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì?
Lại nữa A Nan, nếu quầng sáng này rời đèn mà có thì khi nhìn những vật chung quanh như bình phong, ghế, màn, cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nếu rời cái thấy mà có quầng sáng thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy. Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng?
Thế nên phải biết màu sắc thực là do tại đèn, và cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn thành quầng sáng. Quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm chứ cái nhận biết mắt bị nhặm thì không bệnh. Rốt ráo chẳng nên nói quầng sáng là đèn hay cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy.
Ví như mặt trăng thứ hai, không phải thật thể mặt trăng và cũng không phải là cái bóng của mặt trăng. Vì sao? Vì thấy có mặt trăng thứ hai là do dụi mắt mà thành ra vậy. Những người có trí, không nên bảo rằng mặt trăng do dụi mắt mà hình thành, đó là hình tướng hay không phải là hình tướng, hay là ra ngoài cái thấy hay không ra ngoài cái thấy. Quầng sáng cũng như vậy, do bệnh nhặm mắt mà thành. Nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy cũng không được, huống gì còn phân biệt không phải là ngọn đèn hay không phải là cái thấy!
3. Nhận thức đồng phận vọng kiến.
Thế nào gọi là đồng phận vọng kiến?
Này A Nan, cõi Diêm Phù Đề này, trừ nước biển ra trong đó đất bằng có 3.000 châu. Châu lớn chính giữa bao quát từ Đông sang Tây có đến 2.300 nước lớn. Còn các châu nhỏ khác ở trong các biển, trong đó có châu đến 200, 300 nước hoặc 10, 20, 30, 40, cho đến 50 nước.
A Nan, nếu ở trong đó có một châu nhỏ, chỉ có hai nước mà người trong một nước đồng chiêu cảm ác duyên, thì chúng sinh trong nước đó thấy tất cả những cảnh giới không tốt. Hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng, cho đến thấy nhiều ác tướng khác như: vựng, thích, bội, quyết, tuệ, bột, phi lưu, phụ nhĩ, hồng nghê. Chỉ nước đó thấy, còn chúng sinh nước bên cạnh thì không thấy và cũng không nghe.
ĐOẠN III : TÁNH THẤY XA RỜI TƯỚNG HÒA HỢP, VIÊN MÃN ĐẠO BỒ ĐỀ
1. Dùng vọng kiến biệt nghiệp để nhận ra tánh thấy.
A Nan, nay Như lai đem hai việc đó, kết hợp lui tới để chỉ rõ.
A Nan, như vọng kiến biệt nghiệp của chúng sinh thấy nơi đèn có quầng sáng hiện ra, tuy giống như cảnh nhưng cái thấy đó rốt ráo là do mắt nhặm mà thành. Giống như ông hôm nay dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và các chúng sinh, đều do cái thấy bị bệnh từ vô thủy mà thành. Mắt nhặm tức là cái thấy lao nhọc, không phải do màu sắc tạo ra. Song, người biết được mắt nhặm thì cái thấy của họ không bị lầm lỗi.
Giống như hiện nay, ông dùng mắt xem thấy núi sông, cõi nước và chúng sinh, đều là do bệnh thấy từ vô thủy tạo thành. Cái thấy và vật bị thấy, như thể có cảnh trước mắt, nguyên là tâm giác ngộ sáng suốt (giác minh), do phân năng kiến sở kiến mà thành bịnh. Nhận rõ cái thấy (giác kiến) sinh khởi từ bệnh nhặm, chứ bản giác minh tâm rõ biết các duyên thì không bệnh.
Có năng giác sở giác mới thành bịnh. Nếu (biết) bổn giác không ở trong bịnh, đây mới thật là nhận ra tánh thấy (kiến tánh). Sao còn gọi nó là thấy, nghe, hay, biết?
Thế nên nay ông thấy Như lai và ông cùng với mười loại chúng sinh trong thế gian đều do mắt nhặm, chứ không phải cái thấy (biết) mắt bị bịnh nhặm. Tánh thấy chân thật đó không bị nhặm nên gọi là thấy.
2. Lấy nghiệp chung so với nghiệp riêng đi đến nhận rõ sự thật mười phương.
A Nan, nếu so sánh đồng phận vọng kiến của chúng sinh với biệt nghiệp vọng kiến của một người thì một người nhặm mắt cũng giống như người trong cả nước kia. Người thấy quầng sáng là do mắt nhặm mà có, còn trong nước kia hiện ra những tướng không lành là do cộng nghiệp mà cùng thấy trong đó hiện ra các điềm ác.
Cả hai đều do vọng kiến từ vô thủy phát sinh. Giống như 3000 châu trong cõi Diêm Phù Đề, gồm bốn biển lớn và thế giới Ta bà, cho đến các nước và các chúng sinh hữu lậu trong mười phương, đều là tâm giác ngộ sáng suốt vô lậu nhiệm mầu. Kiến văn giác tri là bịnh duyên hư vọng, khiến hư dối hòa hợp sinh ra, hư dối hòa hợp chết đi.
Nếu có thể xa lìa các duyên hòa hợp và không hòa hợp thì trừ được các nhân sinh tử, đó chính là tánh giác ngộ tròn đầy không sinh không diệt và cũng chính là chân tâm bản giác thanh tịnh thường trú.
3. Phá chấp do nghĩa hòa hợp.
A Nan, ông tuy đã ngộ tâm tính nhiệm mầu sáng suốt, tánh giác ấy vốn không phải nhân duyên, không phải tự nhiên, nhưng ông vẫn chưa rõ cội nguồn của tánh giác ấy vốn không phải hòa hợp và cũng không phải không hòa hợp mà sinh.
A Nan, nay Như lai lấy nơi tiền trần hỏi ông, ông còn đem tất cả những tính nhân duyên hòa hợp của vọng tưởng sai lầm trong thế gian mà tự nghi ngờ rằng chứng được tâm Bồ đề là do hòa hợp mà phát khởi.
Vậy nay tánh thấy thanh tịnh nhiệm mầu của ông là cùng với sáng hòa hợp hay cùng với tối hòa hợp, là cùng với thông suốt hòa hợp hay cùng với ngăn bít hòa hợp?
Nếu cùng với sáng hòa hợp thì khi ông đang thấy sáng, cái sáng hiện trước mặt, vậy chỗ nào xen lẫn với cái thấy. Nếu có thể phân biệt được tướng của cái thấy thì hình tượng của cái xen tạp là thế nào?
Nếu chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được sáng? Còn nếu chính là cái thấy thì làm sao thấy được cái thấy? Nếu cái thấy cùng khắp thì chỗ nào hòa với cái sáng? Nếu sáng cùng khắp thì không thể hòa với cái thấy. Cái thấy đã khác với cái sáng thì khi xen tạp, ắt phải mất tên gọi tính sáng. Cái thấy xen lẫn vào làm mất tính chất của cái sáng, mà nói hòa với cái sáng là không có nghĩa. Đối với cái tối, cái thông suốt và cái ngăn bít kia thì cũng như vậy.
Lại nữa A Nan, tánh thấy thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu hiện nay của ông lại hợp với sáng hay hợp với tối, hợp với thông suốt hay hợp với ngăn bít?
Nếu hợp với cái sáng thì đến khi tối, cái sáng đã mất rồi, cái thấy đó đã không hợp với cái tối, làm sao thấy được cái tối? Nếu khi thấy tối mà không hợp với cái tối thì lẽ ra khi hợp với cái sáng sẽ không thấy được cái sáng; mà đã không thấy được sáng thì làm sao hợp với cái sáng và biết rõ cái sáng không phải là tối. Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như vậy.
4. Phá chấp do nghĩa không hòa hợp.
A Nan bạch Phật rằng:
- Bạch đức Thế tôn, nay con suy nghĩ cái tâm vốn giác ngộ nhiệm mầu này cùng các duyên trần và các tâm niệm suy nghĩ không hòa hợp chăng?
Phật dạy: Nay ông lại nói tánh giác không hòa hợp thì Như lai hỏi ông: Cái tánh thấy gọi là không hòa hợp đó, là không hòa với cái sáng hay không hòa với cái tối, không hòa với cái thông suốt hay không hòa với cái ngăn bít? Nếu không hòa với cái sáng, thì giữa cái thấy và cái sáng phải có ranh giới.
Ông nay hãy xét cho kỹ: Chỗ nào là cái sáng, chỗ nào là cái thấy. Nơi đâu là ranh giới của cái thấy và cái sáng? A Nan, nếu bên cái sáng, chắc không có cái thấy, thì hai cái không tiếp xúc được với nhau. Cái thấy tự chẳng biết được tướng sáng ở đâu thì làm sao thành lập được ranh giới? Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như vậy.
Lại nữa, tánh thấy nhiệm mầu gọi là không hòa hợp đó, là không hợp với cái sáng hay không hợp với cái tối, không hợp với cái thông suốt hay không hợp với cái ngăn bít? Nếu không hợp với cái sáng thì cái thấy với cái sáng có tánh trái ngược nhau. Ví như lỗ tai với cái sáng, hoàn toàn không tiếp xúc với nhau được. Thế thì cái thấy còn không biết cái sáng ở đâu, làm sao phân biệt được rõ ràng nghĩa hợp hay không hợp? Đối với cái tối, cái thông suốt, cái ngăn bít thì cũng như vậy.
MỤC VI : PHÁT KHỞI CHỖ CHÂN NGỘ
ĐOẠN I : KẾT LUẬN
- A Nan, ông còn chưa rõ tất cả các tướng huyễn hóa nơi tiền trần, chính nơi tâm mà sinh ra, rồi theo nơi tâm mà diệt mất. Cái huyễn hóa giả dối gọi là tướng mà cái tánh chính là tâm tánh nhiệm mầu sáng suốt. Như vậy, cho đến ngũ ấm, lục nhập, thập nhị xứ và thập bát giới, khi nhân duyên hòa hợp thì hư vọng sinh ra, nhân duyên tách rời thì hư vọng gọi rằng diệt mất; mà ông không biết rằng sinh, diệt, đến, đi, đều vốn là tánh chân như vi diệu tròn khắp, không lay động, nhiệm mầu sáng suốt thường trụ của Như lai tạng. Trong tánh chân thường đó mà cầu những đến đi, mê ngộ, sinh tử hoàn toàn không thể được.
ĐOẠN II : NĂM ẤM
1. Về sắc ấm.
– A Nan, tại sao ngũ ấm vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như lai tạng. A Nan, ví như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng hư không trong sáng, hẳn không thấy gì nữa hết. Người ấy vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu phát ra mỏi mệt nên trong hư không thấy có hoa đốm lăng xăng và tất cả các tướng giả dối không thật. Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.
A Nan, các hoa đốm lăng xăng ấy, chẳng phải từ hư không mà đến cũng chẳng phải từ con mắt mà ra. Thật vậy A Nan, nếu từ hư không mà đến, đã từ hư không mà đến thì phải trở về với hư không, mà đã có ra có vào thì chẳng phải là hư không nữa. Hư không, nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia. Như thân thể A Nan thì dung nạp thêm một ông A Nan nào được nữa.
Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt. Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không và khi trở về, nó phải thấy con mắt. Nếu không thấy được thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt.
Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra con mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong suốt thì mới gọi là con mắt trong sáng? Vậy nên biết rằng sắc ấm là giả dối, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
2. Về Thọ ấm.
A Nan, ví như có người tay chân yên ổn, trăm vóc điều hòa, bỗng như quên mình vì tâm tánh chẳng có gì chống trái nhau. Người này vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không, trong lòng bàn tay vọng sinh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng. Nên biết thọ ấm cũng giống như vậy.
A Nan, các cảm xúc không thật ấy, chẳng phải từ hư không mà đến cũng chẳng phải từ bàn tay mà ra. Thật vậy A Nan, nếu từ hư không mà đến, đã xúc chạm nơi bàn tay, sao lại không xúc chạm với thân thể. Chẳng lẽ hư không lại biết chọn lựa nơi chốn để xúc chạm sao? Nếu như từ bàn tay mà ra thì lẽ ra không đợi hai bàn tay hợp lại mới có. Lại nữa, nếu (cảm thọ) từ trong lòng bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc.
Còn phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau mới gọi là có cảm xúc? Do vậy nên biết thọ ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
3. Về tưởng ấm
A Nan, ví như có người, khi nghe nói đến quả me chua thì trong miệng có nước bọt chảy ra, hoặc khi nghĩ đến đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.
A Nan, cái tiếng me chua này chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào. Thật vậy A Nan, nếu từ me sinh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự miệng đã nghe tiếng, đâu cần đến tai. Nếu riêng tai nghe được thì nước bọt này tại sao không tiết ra từ lỗ tai?
Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Do đó nên biết tưởng ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
4. Về hành ấm.
A Nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau. Nên biết hành ấm cũng giống như vậy.
A Nan, tánh của dòng nước như vậy chẳng do hư không sinh ta, chẳng phải do nước mà có, cũng chẳng phải tánh nước, cũng chẳng phải lìa hư không và nước.
Thật vậy A Nan, nếu nhân hư không mà sinh thì cả thập phương hư không vô cùng tận, phải thành dòng nước vô cùng tận và thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm. Nếu do nước mà có thì dòng nước này tánh nó lẽ ra không phải là nước nữa, và hiện nay có thể chỉ ra tướng của nước và dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước tức là tánh nước thì khi nước trong lặng sẽ không còn là thể của nước nữa.
Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài. Ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước. Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.
5. Về thức ấm.
A Nan, ví như có người lấy bình tần già, bịt cả hai lỗ rồi trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa nghìn dặm đến chỗ nước khác. Nên biết thức ấm cũng giống như vậy.
A Nan, cái hư không đó chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương này vào. Thật vậy A Nan, nếu hư không từ phương kia đến, tức là trong bình này đã đựng đầy hư không đem đi thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu một ít hư không. Nếu hư không từ phương này vào thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra. Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.15/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment