Tuesday, 11 June 2013

THICH NU CHAN TANH.( DE TU BAO THIEN VN NHA TRANG ).

 
Hãy ngồi thẳng lưng   (để  các đốt sống chồng lên nhau một cách khít khao). Giữ cho đầu cho  thẳng.  Hướng tầm mắt của bạn nhìn xuống đầu mũi để chẳng thấy gì khác ngoài chóp mũi.  Bạn có nhìn thấy chóp mũi hay không cũng không quan trọng,  chỉ cần nhìn về hướng của nó.  Một khi đã quen với cách nhìn như vậy,  bạn sẽ hành thiền  tốt hơn so với  hành thiền nhắm mắt, vì bạn đỡ cảm thấy bị buồn ngủ hơn.

Đặc biệt, đối với những hành giả hay bị hôn trầm thì nên mở mắt thay vì nhắm mắt trong khi ngồi thiền.   Thực hành như thế này một cách kiên định, thì đến một thời điểm thích hợp nào đó  mắt sẽ tự nhắm lại.  (Nếu bạn muốn khởi sự ngồi thiền nhắm mắt, cũng được,  tùy bạn, nhưng phương pháp ngồi thiền giữ cho đôi mắt mở sẽ cho kết quả tốt hơn). Tuy nhiên, với một số người  cảm thấy rằng ngồi thiền mở mắt quá khó  vì họ đã quen nhắm mắt rồi, họ  không thể ngồi thiền mà  mắt cứ mở ra,  những người này có thể nhắm mắt lại, nếu muốn.

Đặt hai bàn tay vào lòng, thật thoải mái, bàn tay này chồng lên bàn tay kia. Ngồi đặt chân này chồng lên chân kia (bán già) hoặc bắt chéo hai chân (kiết già), theo một tư thế mà trọng lượng của cơ  thể của  bạn có thể phân bổ đều và do vậy giữ cho thân của bạn được vững vàng , nhờ vậy bạn có thể ngồi thoải mái mà không dễ bị ngã. Ngồi theo tư thế bán già hay kiết già đều được, tuỳ theo sở thích hoặc khả năng của bạn.  Người béo chỉ có thể ngồi với tư thế kiết già.  Tuy nhiên, ngồi theo tư thế  nào cũng chẳng quan trọng,  chỉ đơn giản  ngồi với đôi chân gập lại để trọng lượng của bạn có thể phân bổ một cách đồng đều nhằm tạo một thế cân bằng, không bị dễ ngã – vậy là đủ.

Trong những trường hợp đặc biệt, như bạn bị bệnh, cảm thấy không được khoẻ hoặc mệt mỏi, bạn có thể ngồi dựa vào một vật gì đó, chẳng hạn ngồi trên ghế (bình thường) hay trên một cái ghế võng để có thể tựa lưng một chút.  Những người bị bệnh có thể nằm để hành thiền.

Ngồi ở một nơi thoáng khí, nơi bạn có thể hít thở thoải mái.  Hãy tìm một nơi không có gì  để làm phiền bạn một cách quá đáng.  Tiếng động lớn nhưng âm thanh phát ra đều đều và không chuyển tải ý nghĩa  thì không gây  trở ngại, chẳng hạn như   tiếng  của sóng biển hoặc tiếng ầm ì của một nhà máy, những âm thanh này không là vấn đề  trừ phi  bạn dính mắc  với chúng -  đấy mới chính là  vấn đề! Chỉ có những âm thanh có ý nghĩa, chẳng hạn như tiếng nói,   mới là trở ngại cho những người mới bắt đầu thực tập.  Nếu bạn không thể tìm thấy một nơi yên tĩnh,  hãy giả vờ như không có bất kỳ âm thanh nào. Chỉ cần quyết tâm thực hành và cuối cùng mọi việc cũng ổn thoả.

Mặc dù mắt chỉ nhìn lơ đễnh trên chóp mũi, bạn vẫn có thể chú tâm ghi nhận chánh niệm (sati)  trên hơi thở vào và hơi thở ra của chính bạn. Những người ngồi thiền nhắm mắt thì cứ nhắm mắt để thực hành chánh niệm, những người ngồi thiền mở mắt thì  hãy  mở mắt để thực hành chánh niệm cho đến khi năng lực định tâm (samadhi)  phát triển đủ và khi đó  mắt của bạn  sẽ  từ từ tự khép lại.

Bước đầu (và chỉ bước đầu mà thôi, chỉ vài phút đầu tiên, không phải luôn luôn lúc nào cũng vậy) để dễ dàng nhận biết hơi thở, hãy cố thở càng dài càng tốt. Hãy hít vào, thở ra thật mạnh nhiều lần.  Hãy làm như vậy để tự bạn có thể thấy rõ sự xúc chạm của hơi thở khi nó đi ra, đi vào theo con đường của nó.  Một cách đơn giản, hãy ghi nhận nơi hơi thở chấm dứt ở trong bụng ( bằng cách cảm nhận).  Hãy ghi nhận thật thoải mái  để có thể xác định được điểm cuối bên trong  và điểm cuối bên ngoài của hơi thở.  Đừng cố  gắng ghi nhận một cách nghiêm nhặt quá  vì như vậy bạn sẽ  bị  căng thẳng.

Hầu hết mọi người sẽ cảm nhận được hơi thở rần rần nơi đầu mũi và nên lấy điểm đó là điểm cuối bên ngoài của hơi thở. (Với những người mũi tẹt hoặc mũi hếch, hơi thở sẽ chạm vào cạnh của môi trên, và  nên lấy đó làm điểm cuối  bên ngoài).  Bây giờ bạn sẽ cả hai điểm cuối, một ở bên ngoài và một ở bên trong, hãy xác định chúng - một điểm tại đầu mũi và một điểm ở rốn -  Hơi thở sẽ đi ra, đi vào giữa hai điểm này. Ở giai đoạn này  tâm của bạn giống như đuổi theo hơi thở, nó giống như một con hổ hay một điệp viên,  không muốn lơi lỏng con mồi  dù chỉ một giây.  Tương tự như vậy,  bạn bám chặt vào hơi thở khi hành thiền.  Đây là giai đoạn đầu của sự thực hành. Chúng tôi gọi giai đoạn này là “  đuổi theo hơi thở trọn thời gian”  

Trước đó chúng tôi có hướng dẫn các bạn  bắt đầu bằng cách cố gắng thở càng dài, càng mạnh, càng  thô chừng nào càng tốt chừng ấy, làm nhiều lần như vậy khi mới bắt đầu thực tập. Sở dĩ  như vậy là để tìm ra điểm cuối  bên ngoài  và điểm cuối bên trong để có thể xác định con đường của hơi thở đi vào, đi ra nhằm theo dõi nó. Một khi tâm (hay chánh niệm) có thể ghi nhận rõ hơi thở - bằng cách nhận biết một cách không gián đoạn  việc hơi thở rung và đi vào như thế nào, kết thúc ở đâu, rồi nó đi ngược trở ra như thế nào, chấm dứt  ở đâu và  rồi lại đi ngược vào trong ra sao -  bạn có thể thư giãn dần hơi thở cho đến khi bạn thở  bình thường, không còn phải ép hơi thở nữa. Hãy cẩn thận: Lúc này bạn không được  ép  hoặc kiểm soát hơi thở!  Ở giai đoạn này, chánh niệm  lúc nào cũng  bám theo hơi thở.  Vì vậy, chỉ thở dài, mạnh và thô trong bước đầu mới thực hành mà thôi.
Chánh niệm  có thể theo dõi  toàn bộ đường đi của hơi thở từ  điểm cuối  bên trong (rốn hoặc đáy của bụng)  đến điểm cuối bên ngoài (là chóp  mũi hoặc môi trên). Mặc dầu hơi thở có thể trở nên tế hoặc thô nhưng chánh niệm lúc nào cũng có thể ghi nhận được rõ ràng.  Trong trường hợp chúng ta không thể thấy (cảm nhận) được hơi thở vì nó quá nhẹ hoặc quá tế, hãy thở lại mạnh  hơn hoặc thô  hơn (Nhưng không mạnh hoặc  thô tháo như giai đoạn mới bắt đầu thực hành,  chỉ thở mạnh hoặc  thô đủ để chúng ta có thể ghi nhận  rõ ràng). Hãy chú tâm trở lại vào hơi thở một lần nữa, cho đến khi chánh niệm có thể ghi nhận tiến trình thở vào, thở ra từ đầu cho đến cuối một cách liên tục. Hãy chắc chắn rằng bạn thực tập tốt,  có nghĩa là bạn phải tiếp tục  luyện tập cho đến khi bạn có thể quan sát được hơi thở  ngay cả khi bạn thở hoàn  toàn bình thường, không chút cố gắng.  Hơi thở  dài hoặc ngắn, hãy hay biết nó, hơi thở nặng hoặc nhé, nông hoặc sâu,  hãy ghi nhận nó.  Biết rõ ràng, thấy sao biết vậy,  vì chánh niệm có nghĩa  là chỉ  đơn thuần  theo dõi hơi thở,  và ghi nhận nó đi vào và đi ra trong toàn bộ thời gian bạn đang hành thiền, sao cho thật sít sao. Khi bạn có thể theo dõi hơi thở thuần thục như vậy, có nghĩa là bạn đã  thành công bước đầu của giai đoạn chuẩn bị được gọi là "đuổi theo hơi thở trọn  thời gian."

Nếu bạn thực hành không thành công bước này là do thiếu chánh niệm trong quá trình theo dõi hơi thở.  Bạn không hay biết khi bạn phóng tâm.  Bạn không biết  tâm bạn đang vọt về nhà, đến nơi làm việc hoặc chốn giải trí nào đó.  Bạn không biết tâm đã phóng đi khi nào, bằng cách nào, vì sao v.v… Một khi bạn biết đang phóng tâm, hãy quay trở về với hơi thở, hãy làm việc ấy một cách từ tốn và ôn hoà, và cứ luyện tập như vậy cho đến khi bạn thành công bước đầu của giai đoạn chuẩn bị này.  Hãy thực hành như vậy 10 phút trong mỗi buổi ngồi thiền trước khi bước sang bước kế tiếp.
Bước tiếp theo, bước thứ hai của giai đoạn chuẩn bị, được gọi là "chờ đợi  phục kích tại một điểm cố định." Tốt nhất bạn thực hành bước thứ hai này chỉ sau khi đã hoàn thành tốt bước đầu, nhưng bất cứ ai có thể  thực hành ngay bước thứ hai  này mà bỏ qua bước đầu tiên cũng tốt.  Ở giai đoạn này, chánh niệm ngưng không đuổi theo hơi thở nữa  mà nằm chờ  tại một điểm cụ thể.  Đầu tiên, hãy ghi nhận cảm giác  của hơi thở suốt đoạn đường từ khi nó  bắt đầu đi vào cơ thể cho đến điểm cuối bên trong tại rốn hoặc nơi nào quanh đó , sau đó buông hơi thở để cho nó đi ra và ghi nhận  khi nó tiếp xúc với  điểm cuối ở bên ngoài (đầu mũi hoặc môi trên),  sau đó lại buông hơi thở để cho nó đi vào bên trong và ghi nhận nó khi nó đến điểm cuối bên trong (rốn) . Cứ tiếp tục như vậy, không cần làm gì khác. Trong khoảnh khắc buông bỏ hơi thở, tâm sẽ không phóng về nhà, chạy ra ngoài đồng, đến văn phòng, hoặc bất cứ nơi nào khác.  Điều này có nghĩa rằng chánh niệm chỉ chú ý ghi nhận hơi thở tại hai điểm cuối -  bên trong và bên ngoài - và không chú ý đến bất cứ điều gì giữa hai điểm này.

Khi bạn đã có thể đi lại vững vàng giữa hai điểm kết thúc mà không chú ý đến những gì sinh khởi ở giữa chúng thì  hãy bỏ qua  điểm cuối ở bên trong,  chỉ tập trung vào điểm cuối ở bên ngoài- cụ thể là chóp mũi. Bây giờ, chánh niệm liên tục tập trung  vào chóp mũi. Khi  hơi thở rung trong quá trình hít  vào hoặc thở ra, hãy ghi nhận chúng.  Đây được gọi là  "gác cổng". Hành giả chỉ có một cảm giác khi hơi thở đi vào hoặc ra tại chóp mũi,  phần còn lại của con đường của hơi thở  sẽ là một sự rỗng không  hoặc là một sự  tĩnh lặng. Nếu bạn có sự hay biết  rõ ràng ở chóp mũi, hơi thở sẽ ngày càng trở nên định tĩnh và êm ả. Vì vậy bạn không còn cảm nhận một sự rung động nào khác ngoài chỗ  chóp  mũi. Lúc này, bạn sẽ kinh nghiệm một sự rỗng không  hoặc  tĩnh lặng, tâm sẽ chỉ chánh niệm vào một chỗ duy nhất là điểm cuối bên ngoài, nó không phóng về nhà hoặc đến một nơi nào  nơi khác. Nếu bạn thực hành tốt bước này có nghĩa là bạn đã thành công  bước  “Chờ đợi phục kích tại một điểm cố định” của giai đoạn chuẩn bị.
Nếu bạn thực hành không  thành công bước này có nghĩa là tâm của bạn phóng đi mà bạn không hay biết. Nó phóng đi mà không quay trở lại để gác cổng như lẽ ra nó phải làm như vậy, hoặc sau khi bước vào cửa, nó lẻn tuốt vào bên trong. Cả hai lỗi này xảy ra vì giai đoạn mà bạn kinh nghiệm sự  rỗng không hoặc tĩnh lặng đã không được thực hiện đúng hoặc đầy đủ. Bạn đã không thực hiện  đúng cách ngay  từ khi khởi đầu của bước này. Vì vậy, bạn nên thực hành một cách cẩn thận, kiên trì, và chuyên nghiệp ngay từ bước đầu tiên.

Ngay cả ở bước khởi đầu, giai đoạn được gọi là "đuổi theo hơi thở trọn thời gian” cũng không phải là dễ dàng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, một khi chúng ta có thể làm được điều này, kết quả thu nhận được - cả về mặt thể chất  lẫn tinh thần - là ngoài mong đợi. Vì vậy, bạn nên cố gắng làm cho được việc đó, và thực hành liên tục, cho đến khi nó trở thành một trò chơi giống như các môn thể thao bạn ưa thích. Thậm chí nếu  bạn chỉ có hai phút, hãy tranh thủ thực hành. Hít thở một cách mạnh mẽ, nếu xương cùa bạn  kêu răng rắc hoặc lách cách khi bạn hít thở lại càng  tốt hơn. Thở mạnh mẽ cho đến khi bạn nghe hơi thở của bạn huýt lên như thổi còi, lúc đó nếu có các tiếng động nho nhỏ cũng chẳng  làm cho bạn khó chịu được . Sau đó thư giãn và thở nhẹ dần cho đến khi bạn thở tự nhiên.

Thông thường,  hầu hết mọi người khi thở một cách  tự nhiên hoặc bình thường, chúng ta thường thở thô hơn hoặc nông hơn bình thường  nhưng chúng ta không hề nhận biết . Đặc biệt là khi chúng ta làm một số công việc hoặc ở một vị trí ít có sự hoạt động, hơi thở của chúng ta ít nhiều nhanh hơn hoặc chậm hơn, sâu hơn hoặc nông hơn bình thường . Vì vậy, bạn nên bắt đầu với hơi thở mạnh mẽ, đầy sức sống trước, sau đó  thư giãn hơi thở cho đến khi thở tự nhiên. Bằng cách này, cuối cùng bạn sẽ thở  với hơi thở “trung đạo" hoặc hơi thở đúng. Thở như vậy làm cho cơ thể vận hành tự nhiên,  bình thường, và khỏe mạnh. Và hơi thở đó thích hợp để sử dụng làm  đối tượng của thiền tập khi bắt đầu thực hành Anapanasati [*]. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng bước đầu tiên của giai đoạn chuẩn bị phải được thực hành cho đến khi nó trở thành một trò chơi tự nhiên cho mỗi người chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Trên thực tế, sự khác biệt giữa hai bước "đuổi theo hơi thở  trọn thời gian" và "chờ đợi phục kích tại một điểm cố định" không quá lớn. Bước sau có  chút thoải mái  và tinh tế hơn, đó là, công việc của chánh niệm giảm dần chỉ còn ghi nhận ở một số nơi. Để giúp  các bạn dễ hiểu  hơn , chúng tôi sẽ sử dụng hình tượng của người giữ trẻ đưa võng ru em . Lúc đầu, khi đứa bé vừa được đặt vào trong chiếc võng, nó chưa buồn ngủ  và sẽ cố gắng bò ra ngoài. Ở giai đoạn này, người giữ trẻ phải nhìn chừng chiếc võng thật kỹ lưỡng. Khi nó đong đưa  từ phía bên này sang bên kia, đầu cô ta cũng phải chuyển từ trái sang phải và ngược lại để có thể luôn nhìn thấy đứa bé . Khi em bé bắt đầu buồn ngủ và không cố gắng để bò ra khỏi võng như trước nữa, người giữ trẻ không còn  cần phải quay đầu từ trái sang phải, và ngược lại, trong khi chiếc  võng đong đưa. Cô ta  chỉ nhìn em bé khi chiếc võng đưa qua trước mặt mình, thế là đủ, vì đứa trẻ sắp ngủ nó không còn muốn bò ra,  do vậy  sẽ không có nguy cơ đứa bé bị  rớt ra khỏi võng, nên người giữ trẻ không cần phải canh chừng kỹ lưỡng chiếc võng như trước nữa. (Mặc dù em bé sẽ ngủ, thiền sinh thì không nên).

Bước đầu của giai đoạn chuẩn bị theo dõi  hơi thở- "đuổi theo hơi thở trọn thời gian" – được ví như giai đoạn  người giữ trẻ phải quay đầu từ bên này sang bên kia, khi  chiếc võng đong đưa qua lại,  để canh chừng không cho đứa trẻ vuột khỏi tầm mắt. Giai đoạn thứ hai  khi hơi thở được ghi nhận ở chóp mũi - "chờ đợi và phục kích  tại một điểm cố định"  có thể ví với khi đứa bé đã sẵn sàng để ngủ và người trông trẻ chỉ nhìn  chiếc võng mỗi  nó đưa trước mặt của cô ta.

Khi bạn đã thực hành và thuần thục  bước thứ hai, bạn có thể luyện tập thêm bằng cách làm cho vị trí  nơi  mà chánh niệm  ghi nhận thậm chí  trở nên tinh tế và nhẹ  hơn,  cho đến khi bạn đạt được một định lực vững chắc, ổn định. Sau đó, định lực dần dần càng trở nên sâu hơn và  bạn đạt được  tầng thiền thứ nhất (sơ thiền), mà, với hầu hết nhiều người, thì khá dễ dàng để đạt được sau khi đã có  được định lực từ việc hành tập các bước ban đầu. Các tầng  thiền là một chủ đề tinh tế và đòi hỏi sự chính xác, hành giả phải tuân theo  các yêu cầu nghiêm ngặt và các nguyên tắc tinh tế. Hành giả phải thực sự quan tâm và quyết tâm hành tập cho được mục tiêu là cái tầng thiền mà mình muốn đạt đến. Ở giai đoạn khởi đầu này,bạn  chỉ cần thực hành liên tục  các bước cơ bản cho đến khi thuần thục. Sau đó, bạn có thể luyện tập để tiến lên các cấp độ cao hơn .

Mong rằng các cư sĩ sẽ  tự dành cho mình một cơ hội để thực hành thiền  nhằm có được  nhiều lợi ích cả mặt về thể chất lẫn  tinh thần, đồng thời đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của việc tu tập của chúng ta, trước khi đi tiếp vào những bước  khó khăn hơn. Bạn có thể tu tập những bước đầu tiên để  qua đó  bạn được trang bị đầy đủ về Giới (Sila ) , Ðịnh (Samàdhi), và Trí tuệ (Panna ), có nghĩa là, có một nền tảng vững vàng theo Bát Chánh Đạo. Cho dẫu là chỉ khởi sự ra đi, vẫn tốt hơn so với việc không đi đâu cả. Cơ thể của bạn sẽ trở nên khỏe mạnh hơn và an bình hơn bình thường bằng cách luyện tập thường xuyên để  có thể đạt được những thành công lớn hơn trong việc phát triển định tâm . Bạn sẽ khám phá ra một cái gì đó mà mọi người nên tìm để không lãng phí đi cơ hội được sinh ra làm người.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.12/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment