Tuesday, 6 August 2013

Quyển Thứ Nhất: Trang 02
THIỀN LÂM BẢO HUẤN 
Quyển Thứ Nhất 

Sa môn Tịnh Thiên (2) đất Ðông Ngô trùng tập.  Sa môn Thích Thanh Kiểm, dịch và chú thích.
Trang 02

30.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ viết: Sở vi tùng lâm giả, đảo chú Thánh phàm, dưỡng dục tài khí chi địa, giáo hóa chi sở tòng xuất. Tuy quần cư loại tụ, xuất nhi tề chi, các hữu sư thừa. Kim chư phương bất vụ thủ tiên thánh pháp độ, hiếu ố thiên tình, đa dĩ kỷ thị cách vật, sử hậu bối đương hà thủ pháp. 
Nhị sự Thản Nhiên Tập. 
30.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ nói: Tùng lâm là nơi hun đúc Thánh Hiền, nơi dưỡng dục tài khí, nơi phát xuất sự giáo hóa. Tuy là chỗ quần cư loại tụ, nhưng việc thống lĩnh để tề chỉnh thì đều có sư thừa (1). Ðời nay các nơi không tuân thủ pháp độ của Tiên Thánh, phần nhiều thiên tình yêu ghét, lấy mình làm cách vật (2), còn biết lấy gì để kẻ nối nghiệp sau bắt chước.  Hai việc trên ở Thản Nhiên Tập. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Sư thừa: Sư đệ truyền thừa, thầy truyền pháp cho đệ tử.  (2) Cách vật: Làm thay đổi sự vật, ý nói con người tài giỏi. 
31.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ viết: Lợi sinh truyền đạo, vụ tại đắc nhân, nhi tri nhân chi nan, Thánh triết sở bệnh. Thính kỳ ngôn nhi vị bảo kỳ hành, cầu kỳ hành nhi khủng nhi kỳ tài, tự phi tố dữ giao du, bị tường bản mạt, thám kỳ chí hành, quan kỳ khí năng, nhiên hậu thủ đạo, tàng dụng giả, khả đắc nhi tri. Cô danh sức mạo giả, bất dung kỳ ngụy, túng kỳ tiềm mật, diệc kiến uyên nguyên. Phù quan thám tường thính chi lý, cố phi nhất triêu nhất tịch chi sở năng, sở dĩ Nam Nhạc Nhượng, kiến Ðại Giám chi hậu do chấp sự thập ngũ thu. Mã Tổ kiến Nhượng chi thời, diệc tương tòng thập dư tải. Thị tri, Tiên Thánh thụ thụ chi tế, cố phi thiển bạc sở cảm trì truyền. Như nhất khí thủy truyền ư nhất khí, thủy kham khắc thiệu hồng qui. Như đương gia chủng thảo, thử kỳ quan thám tường thính chi lý minh nghiệm dã. Khởi dung sảo ngôn lệnh sắc, tiện tích siểm mị, nhi sung tuyển giả tai. 
Viên Ngộ Thư. 
31.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tỗ nói: Truyền đạo lợi sinh, cần ở chỗ lựa chọn được người, mà biết người lại là một việc rất khó, đến ngay như bậc Thánh triết cũng còn lấy đó làm lo. Nghe lời nói của người nhưng chưa bảo chứng được hành vi, tìm biết được hành vi lại sợ bỏ sót mất tài năng của họ. Nếu trước đây không phải là người mà mình đã từng giao du, tường tận được mọi nguồn, khám phá được chí hành của họ, hiểu rõ được khí năng của họ, rồi sau cùng còn biết được cả chỗ giữ đạo cùng chỗ ẩn tàng cái diệu dụng của họ. Còn những kẻ chỉ mua danh trang sức hình thức bề ngoài, thì phần ngụy tạo đó vẫn không thể dung thứ được, dù là chỗ kín đáo đến đâu cũng thấy được uyên nguyên. Ôi! Cái lý của xét rõ nghe tường, cố nhiên không phải công việc của một sớm một chiều hay làm nổi. Sở dĩ, Nam Nhạc Nhượng (1) sau khi thấy Ðại Giám(2), còn đích thân chấp tác thị giả mười lăm thu. Khi Mã Tổ (3) thấy Nam Nhạc Nhượng, cũng còn theo hầu hơn mười năm. Thế nên biết sự trao truyền thụ mệnh của Tiên thánh, quả thật không vội vã thiển cận ở chỗ truyền tri. Cũng như một chậu nước (4) truyền qua một chậu nước, mới hay nối tiếp được hồng qui (5). Coi như việc đương gia chủng thảo (6) lại cần phải suy nghiệm cái lý xét kỹ nghe tường này, có đâu lại dung cho kẻ sảo ngôn lệnh sắc, hẹp hòi phỉnh nịnh mà được sung tuyển vào chức đó vậy thay.  Thư gởi Viên Ngộ(7). 
CHÚ THÍCH: 
(1) Nam Nhạc Nhượng: Nam Nhạc Hoài Nhượng thiền sư, pháp tự của Ðại Giám thiền sư.  (2) Ðại Giám: Lục Tổ Tuệ Năng Ðại Giám thiền sư, pháp tự của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại sư.  (3) Mã Tổ: Mã Tổ Ðạo Nhất thiền sư, pháp tự của Nam Nhạc Nhượng thiền sư.  (4) Một chậu nước: Trong kinh nói: "Ngài A Nan lãnh tụ Phật pháp, như đem nước ở một cái bình truyền sang một đồ khác, không còn một giọt nước thừa,đồ đựng nước tuy khác, nhưng nước vẫn y nguyên không thay đổi".  (5) Hồng qui: tức đại pháp.  (6) Ðương gia chủng thảo: Lựa chọn người kế vị chốn tùng lâm.  (7) Viên Ngộ: tức Khắc Cần Phật Quả thiền sư, pháp tữ của Ngũ Tổ Diễn thiền sư. 
32.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ viết: Trụ trì đại bính tại huệ dữ đức, nhị giả kiêm hành, phế nhất bất khả. Huệ nhi võng đức, tắc nhân bất kính, đức nhi võng huệ, tắc nhân bất hoài. Cẩu tri huệ chi khả hoài, gia kỳ đức dĩ tương tế, tắc sở phu chi huệ thích túc dĩ an thượng hạ, dụ tứ lai, cẩu tri đức chi khả kính, gia kỳ huệ dĩ tương tư, tắc sở trì chi đức thích túc dĩ thiệu kỳ tiên giác, đạo ngu mê. Cố thiện trụ trì giả, dưỡng đức dĩ hành huệ, tuyên huệ dĩ trì đức. Ðức nhi năng dưỡng tắc bất khuất, huệ nhi năng hành tắc hữu ân. Do thị đức dữ huệ tương súc, huệ dữ đức hỗ hành, như thử tắc đức bất dụng tu, nhi kính đồng Phật Tổ, huệ bất lao phí, nhi hoài như phụ mẫu. Tư tắc hồ hải hữu chí ư đạo giả, thục bất lai qui. Trụ trì tương truyền đạo đức hưng giáo hóa, bất minh tư yếu, nhi mạc chi đắc dã. 
Dữ Phật Nhãn Thư. 
32.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ nói: Việc lớn của trụ trì ở "Huệ và Ðức", phải đầy đủ cả hai phương diện, không thể bỏ thiếu một. Có ơn huệ mà không có đạo đức thời người chẳng kính, có đức mà không có ơn thời người chẳng nhớ. Nếu biết làm ơn tất có sự mong nhớ, lại thêm có đức để cùng giúp lẫn nhau, thời cái ơn đã tỏa ra, tất đủ để an trên dưới, dụ dẫn bốn phương. Nếu thấy đức là đáng kính, lại thêm vào đó ơn để giúp lẫn nhau, thời cái đức sẵn có đủ để nối dõi bậc tiên giác, chỉ đạo kẻ ngu mê. Cho nên người khéo trụ trì phải nuôi đức để làm ơn huệ, tuyên ơn huệ để giữ đạo đức. Ðức mà hay nuôi thời chẳng khuất, ơn mà hay làm thời có ân. Bởi thế đức và ơn cùng súc tích, ơn và đức cùng thực hành với nhau, như thế thời đức chẳng cần phải tu, mà được sự kính mến ngang với Phật Tổ, ơn chẳng cần thực thi mà được nhớ như là cha mẹ. Vậy nên, những kẻ có chí với đạo khắp chốn hồ hải (1), ai là chẳng qui tụ. Người trụ trì truyền đạo đức, phục hưng giáo hóa, nếu chẳng rõ điều cốt yếu này, thời không thể thi thố trọn vẹn được.  Thư gởi Phật Nhãn (2). 
CHÚ THÍCH: 
(1) Hồ hải: Tức ngũ hồ tứ hải, ý nói khắp trong thiên hạ.  (2) Phật Nhãn: Thanh Viễn Phật Nhãn thiền sư, pháptự của Ngũ Tổ Pháp Diễn thiền sư. 
33.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ tự Hải Hội thiên Ðông Sơn, Thái Bình Phật Giám, Long Môn Phật Nhãn, nhị nhân nghệ sơn đầu tỉnh cận. Tổ tập kỳ cựu chủ sự, bị thang quả dạ thoại. Tổ vấn Phật Giám: "Thư Châu thục phủ?". Ðối viết: "Thục". Tổ viết: "Thái bình thục phủ?". Ðối viết: "Thục". Tổ viết: "Chư trang cộng thu đạo đa thiểu?". Phật Giám trừ lự gian. Tổ chính sắc lệ thanh viết: "Nhữ lạm vi nhất tự chi chủ, sự vô cư tế tất yếu cứu tâm, thường trụ tuế kế, nhất chúng sở hệ, nhữ do võng tri, kỳ tha tế vụ bất ngôn khả kiến, sơn môn chấp sự, tri nhân thức quả, nhược Sư ông phụ Từ Minh Sư Tổ hồ. Nhữ bất tư thường trụ vật trọng như sơn hồ?". Cái Diễn Tổ tầm thường cơ biện tuấn tiệp. Phật Giám ký chấp đệ tử lễ, ứng đối hàm noãn, nãi chí như thị. Cổ nhân vấn: "Sư nghiêm nhiên hậu sở học chi đạo tôn". Cố Ðông Sơn môn hạ tử tôn, đa hiền đức nhi siêu mại giả, thành nguyên viễn nhi lưu trường dã". 
Cảnh Long Học dữ Cao Am thư. 
33.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ từ Hải Hội dời về Ðông Sơn, Thái Bình Phật Giám và Long Môn Phật Nhãn, hai ngài cùng đến Ðông Sơn yết kiến. Tổ cho tập hợp các vị chủ sự kỳ cựu, và chỉnh bị đầy đủ trà nước cho cuộc dạ thoại. Tổ hỏi Phật Giám: "Ở Thư Châu được mùa không?". Trả lời: "Ðược mùa". Tổ hỏi: "Ở Thái Bình được mùa không?". Thưa rằng: "Ðược mùa". Tổ hỏi: "Các trang trại cùng nhau thu lúa được nhiều ít ra sao?". Phật Giám tính toán suy nghĩ. Tổ nghiêm sắc mặt lớn tiếng nói: "Ông lạm dụng làm chủ một ngôi chùa, thì công việc bất cứ lớn hay nhỏ đều phải để tâm cho cùng hết. Sự kết toán hàng năm trong chốn thường trụ là việc tối quan hệ đến đại chúng mà ông còn chẳng biết, nữa là những việc nhỏ nhặt khác thì biết sao đặng. Người chấp sự trong chốn sơn môn cần phải biết nhân biết quả, phải như việc Sư ông (1) giúp đở Từ Minh (2) Tổ sư vậy. Ông sao chẳng nghĩ đến của cải của thường trụ nặng như núi hay sao". Tuy Diễn Tổ nói ra chỉ là những cơ biện tầm thường nhưng ý nghĩa lại rất cao xa sắc bén mà Phật Giám đã giữ lễ của người đệ tử, nên sự ứng đối khoan thai mới đưa đến như thế này. Cổ nhân có nói: "Thầy nghiêm thì cái đạo của học vấn sau mới tôn". Nên con cháu môn đệ của Ðông Sơn, xuất hiện nhiều người hiền đức siêu việt, thật là nguồn đã xa mà dòng lại dài vậy.  Thư của Cảnh Long Học (3) gởi Cao Am (4). 
CHÚ THÍCH: 
(1) Sư ông: Chỉ vào Dương Kỳ Phương Hội thiền sư.  (2) Từ Minh: Hiệu là Tây Hà Sư Tử, pháp tự của Phần Dương Thiện Chiêu thiền sư.  (3) Cảnh Long Học: Cảnh cũng gọi là Nam Trọng, người phủ Khai Phong.  (4) Cao Am: Tức Cao Am Thiện Ngộ thiền sư, pháptự của Phật Nhãn Viễn thiền sư. 
34.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ kiến nột tử hữu tiết nghĩa nhi khả lập giả, thất trung tuấn cự bất giả từ sắc, sát kỳ thiên tà siểm nịnh, sở vi ổi tiết bất khả giáo giả, du gia ái trọng, nhân giai mạc trắc, ô hô, cái Tổ chi thủ xả tất hữu đạo hỹ. 
Cảnh Long Học bạt pháp ngữ. 
34.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ (1) thấy một nột tử ai là người có tiết nghĩa, có thể lập thân được, ở trong chốn trượng đường dù họ có nghiêm nghị khuôn phép Tổ cũng không hề ban lời khen thưởng hay sắc mặt yêu thương, mà Tổ chỉ xét đến những kẻ thiên tà xiểm nịnh, những chỗ làm hèn mạt không thể dạy bảo được của họ, lại tặng lời trìu mến trọng hậu hơn. Người đời đều không thể lường được việc này. Ôi! Ðó chính là chỗ thủ xả của Tổ đã sẵn có đường lối vậy.  Cảnh Long Học bạt pháp ngữ. 
CHÚ THÍCH: 
(1): Ðoạn này ý nói về nghĩa tiếp dẫn đồ chúng của các bậc Tông tượng nên ta không thể đem phàm kiến mà lường. 
35.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ viết: Cổ nhân lạc văn kỷ quá, hỷ ư vi thiện, trường ư bao hoang, hậu ư ẩn ác, khiêm dĩ giao hữu, cần dĩ tế chúng, bất đắc dĩ táng nhị kỳ tâm, sở dĩ quang minh thạc đại, chiếu ánh kim tích hỹ. 
Ðáp Linh Nguyên Thư. 
35.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ (1)nói: Cổ nhân thích nghe cái lỗi lầm của mình, mừng chỗ mình đã làm được điều thiện, thường bao dung kẻ hãm hại mình, hậu đãi kẻ ẩn chứa điều ác với mình. Khiêm nhường để chơi với bạn, siêng năng để giúp đở chúng, chẳng lấy chỗ được mất mà sinh hai lòng, nên ánh sáng rực rỡ chiếu vở khắp cả xưa và nay vậy.  Thư đáp Linh Nguyên (2). 
CHÚ THÍCH: 
(1): Ðoạn này chỉ rõ nơi nội tâm, vị đạo của cổ nhân không bị ngoại cảnh làm thay đổi.  (2) Linh Nguyên: Hoàng Long Linh Nguyên Duy Thanh thiền sư, pháp tự của Hoàng Long Tâm thiền sư. 
36.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ vị Phật Giám viết: Trụ trì chi yếu, lâm chúng quí tại phong doanh, xử kỷ vụ tòng giản ước, kỳ dư tế toái tất vật quan tâm. Dụng nhân thâm dĩ suy thành, trạch ngôn cố tu thủ trọng. Ngôn kiến trọng tắc chủ giả tự tôn, nhân suy thành tắc chúng tâm tự cảm. Tôn tắc bất nghiêm nhi chúng phục, cảm tắc bất lệnh nhi sự thành. Tự nhiên hiền ngu các thông kỳ hoài, tiểu đại giai phấn kỳ lực. Dữ phù trì dĩ thế lực, bách dĩ khu hát bất đắc dĩ nhi tòng chi giả, hà thí vạn bội tai. 
Dữ Phật Giám thư kiến Thiềm Thị giả Nhật lục. 
36.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ bảo Phật Giám rằng: Cái yếu của trụ trì, phần cư xử đối với chúng quí ở chỗ đầy đặn, đối với mình cần ở chỗ giản ước, các việc lặt vặt đều chớ nên quan tâm. Dùng người cần phải cẩn thận nơi thành thật, lời nói cần phải lựa chọn thận trọng. Lời nói thận trọng thời người chủ tự tôn, xét người thành thật thời tâm của mọi người tự cảm. Tôn thời chẳng phải nghiêm nghị mà chúng phục, cảm thời chẳng cần ra lệnh mà việc thành. Như thế thời tự nhiên kẻ hiền người ngu đều thông suốt trong lòng, kẻ lớn người nhỏ đều phấn khởi hết sức. Còn như việc đem thế lực để duy trì, lấy quát mắng để bức bách, làm cho họ phải tuân theo một cách bất đắc dĩ, nếu đem ví với trên thì xa cách nhau gấp muôn lần vậy.  Thư gởi cho Phật Giám thấy ở Nhật lục của Thiềm Thị giả. 
37.- CHỮ HÁN: Diễn Tổ vị Quách Công Phụ viết: Nhân chi tính tình cố vô thường thủ, tùy hoá nhật thiên, tự cổ Phật pháp, tuy long thế hữu số, nhi hưng suy chi lý, vị hữu bất do giáo hóa nhi thành. Tích Giang Tây Nam Nhạc, chư Tổ chi lợi vật dã, phiến dĩ thuần phong, tiết dĩ thanh tịnh, bi dĩ đạo đức, giáo dĩ lễ nghĩa, sử học giả thu thị thính, tắc tà tịch, tuyệt thị dục, vong lợi dưỡng. Sở dĩ nhật thiên thiện viễn quá, đạo thành đức bị nhi bất tự tri. Kim chi nhân bất như cổ chi nhân viễn hỹ. Tất dục tham cứu thử đạo, yếu tu xác chí vật dịch, dĩ ngộ vi kỳ. Nhiên hậu họa hoạn đắc táng phó chi tạo vật, bất khả cẩu miễn khởi khả dự ưu kỳ bất thành, nhi bất vi chi đa. Tài hữu ti hào cố lự manh vu hung trung, bất độc kim sinh bất liễu, dĩ chí thiên sinh vạn kiếp, vô hữu thành tựu chi thời. 
Thản Nhiên Am Tập. 
37.- DỊCH NGHĨA: Diễn Tổ bảo Quách Công Phụ (1) rằng: Tính tình con người bất thường, biến đổi từng ngày Phật pháp tự cổ lai, tuy có lúc thịnh lúc suy, nhưng cái lý thịnh suy đó, cũng đều do sự giáo hóa gây nên. Xưa kia Giang Tây(2) và Nam Nhạc(3), việc hoằng hóa của các Tổ, thì đem thuần phong để quạt mát, đem thanh tịnh để tiết chế, đem đạo đức để trang bị, đem lễ nghĩa để dạy bảo, khiến cho người học thu thập được phần lợi ích ở chỗ thấy nghe mà lấp được tà ác, tuyệt được thị dục, quên được lợi dưỡng. Thế nên, hàng ngày họ gần điều hay xa điều lỗi, đạo được thành tựu, đức được đầy đủ mà không tự biết. Con người đời nay không kịp con người đời xưa thật quá xa vậy. Nếu muốn tham cứu đạo mầu này, nên phải bền chí chớ thay đổi, lấy chỗ liễu ngộ làm kỳ hạn, rồi sau những điều họa hoạn hay được mất mới đổ tại tạo vật (4). Nếu điều đó không thể tránh khỏi thì cũng chẳng nên can dự vào phần lo lắng cho đạo chẳng thành, mà lại chẳng làm vậy ư? Hễ có một mảy may mối lo sợ manh nha nơi nội tâm, thời chẳng những riêng đời này chẳng liễu ngộ, mà đến ngàn đời vạn kiếp sau cũng không có cái thời cơ thành tựu được.  Thản Nhiên Am Tập. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Quách Công Phụ: Tên là Ðề hình Quách Tường Chinh, tên chữ là Công Phụ, hiệu là Tịnh Không cư sĩ, pháp tự của Bạch Vân Thủ Ðoan thiền sư.  (2) Giang Tây: Tức Giang Tây Ðạo Nhất thiền sư (Mã Tổ), pháp tự của Nam Nhạc Nhượng thiền sư.  (3) Nam Nhạc Nhượng thiền sư: Pháp tự của Lục Tổ Huệ Năng.  (4) Tạo vật: Trạng thái tự nhiên của trời đất. 
38.- CHỮ HÁN: Công Phụ tự Ðương Ðồ (Thái Bình châu dã) tuyệt giang, phỏng Bạch Vân Ðoan Hòa thượng vu Hải Hội, Bạch Vân vấn: "Công ngưu thuần hồ?". Công viết: "Thuần hỹ". Bạch Vân sất chi, công củng nhi lập. Bạch Vân viết: "Thuần hồ! Thuần hồ!". Nam Tuyền, Ðại Qui vô dị thử dã, nhưng tặng dĩ kệ viết: "Ngưu lai sơn trung, thủy túc thảo túc, ngưu xuất sơn khứ, đông xúc tây xúc". Hựu viết: "Thượng đại nhân, hóa tam thiên, khả tri lễ dã". 
Hành Trạng. 
38.- DỊCH NGHĨA: Công Phụ từ Ðương Ðồ (1) qua sông, tới thăm Bạch Vân Ðoan Hòa thượng (2) ở Hải Hội. Bạch Vân hỏi: "Trâu của ông đã thuần chưa?". Ông đáp: "Thuần rồi". Bạch Vân liền quát mắng, ông khoanh tay đứng. Bạch Vân nói: "Thuần rồi, thuần rồi!". Việc này cũng giống như Nam Tuyền (3) và Ðại Qui (4) không khác. Rồi lại tặng bài kệ rằng: "Trâu lại trong núi, đủ nước đủ cỏ, trâu ra khỏi núi, húc đông húc tây". Lại nói: "Bậc thượng đại nhân (5) dạy ba trăm học trò, khá biết lễ vậy".  Hành Trạng. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Ðương Ðồ: Xưa kia là huyện Ðan Dương thời Hán, đến đời Tống đổi là châu Thái Bình.  (2) Bạch Vân: Tức Bạch Vân Thủ Ðoan thiền sư, pháp tự của Dương Kỳ Phương Hội thiền sư, phái Nam Nhạc đời thứ 12.  (3) Nam Tuyền: Nam Tuyền Phổ Nguyện thiền sư, pháp tự của Ðạo Nhất thiền sư. Thuận Thế Ðệ Nhất Tọa hỏi Tuyền: "Thầy sau trăm năm sẽ đi về đâu?". Tuyền trả lời: "Con trâu dưới núi".  (4) Ðại Qui: Tức Qui Sơn Linh Hựu thiền sư, pháp tự của Bách Trượng thiền sư. Qui Sơn thượng đường bảo chúng: "Lão Tăng sau trăm năm sẽ hướng về phía chân núi làm con trâu nước" (ý nói tâm đã thuần thực).  (5) Bậc thượng đại nhân: Bậc Thánh nhân đời Thượng cổ (tức Khổng Tử), giáo hóa môn đồ, tổng số có ba ngàn. 
39.- CHỮ HÁN: Bạch Vân vị Công Phụ viết: "Tích Thúy Nham Chân Ðiểm Hung, đam vị thiền quán, dĩ khẩu thiệt biện lợi ha mạ chư phương, vị hữu khả kỳ ý giả, nhi đại pháp thực bất minh liễu. Nhất nhật Kim Loan Thiện thị giả, kiến nhi tiếu viết: "Sư huynh tham thiền tuy đa, nhi bất diệu ngộ, khả vị si thiền hỹ". 
Bạch Vân Dạ Thoại. 
39.- DỊCH NGHĨA: Bạch Vân bảo Công Phụ rằng: Xưa kia Thúy Nham Chân Ðiểm Hung (1) say đắm mùi thiền quán, thích đem bàn bạc ngoài đầu lưỡi, chửi mắng mọi người ở các phương, chưa có người nào là vừa ý mình, mà đại pháp thật ra chưa được tinh tường. Vào một ngày Kim Loan Thiện thị giả thấy vậy mỉm cười (2) và nói: "Sư huynh tham thiền tuy nhiều, mà chẳng liễu ngộ, đúng là si thiền vậy".  Bạch Vân Dạ Thoại. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Thúy Nham Chân: Tức Hồng Châu Thúy Nham Khả Chân thiền sư, cũng gọi là Chân Ðiển Hung, pháp tự của Thạch Sương Viễn thiền sư.  (2) Kim Loan Thiện thị giả: Tức Tư Phúc Thiện thiền sư. 
40.- CHỮ HÁN: Bạch Vân viết: Ðạo chi long thế khởi thường da, tại nhân hoằng chi nhĩ. Cố viết: "Thao tắc tồn, xả tắc vong", nhiên phi đạo khứ nhân, nhi nhân khứ đạo dã. Cổ chi nhân xử sơn lâm, ẩn triều thị, bất khiên ư danh lợi, bất hoặc ư thanh sắc, toại năng thanh chấn nhất thời, mỹ lưu vạn thế, khởi cổ chi khả vi, kim chi bất khả vi dã. Do giáo chi vị chí, hành chi bất lực nhĩ. Hoặc vị: "Cổ nhân thuần phác cố khả giáo, kim ngân phù bạc cố bất khả giáo". Tư thực cổ hoặc chi ngôn, thành bất túc kê dã. 
Ðáp Công Phụ thư. 
40.- DỊCH NGHĨA: Bạch Vân nói: Sự thịnh suy của đạo đâu phải là lẽ thường, mà đều tại chỗ người hoằng đạo vậy. Nêu có câu: "Gìn giữ thời còn, buông bỏ thời mất" (1). Nhưng không phải đạo bỏ người, mà chỉ vì người bỏ đạo vậy. Người đời xưa ở nơi núi rừng, ẩn dật chốn triều thị, chẳng màn chí danh lợi, chẳng hoặc bởi thanh sắc, tiếng trong sạch mới hay chấn động một thời, cái đẹp mới lưu lại muôn thuở, lẽ đâu người đời xưa làm được mà người đời nay lại không thể làm được như vậy ư! Ðó chỉ là do chỗ giáo hóa chưa chín mùi, chỗ làm đạo không hết sức vậy. Hoặc có kẻ bảo rằng: "Người thời xưa thì thuần phác nên hay giáo hóa, còn người đời nay thì phù bạc nên không thể dạy bảo". Nói như thế chính là lời cổ hoặc quần chúng thật không đủ tin vậy.  Thư trả lời Công Phụ. 
CHÚ THÍCH: 
(1): Câu này lấy ở trong thiên Cáo Tử trong sách Mạnh Tử. Khổng Tử viết: "Thao tắc tồn, xả tắc vong, xuất nhập vô thời, mạc tri kỳ hướng". Nghĩa là "Giữ gìn thời còn, buông bỏ thời mất, tiến thoái không phải thời, thì chẳng biết được phương hướng đó". 
41.- CHỮ HÁN: Bạch Vân vị Vô Vi Tử viết: Khả ngôn bất khả hành, bất nhược vật ngôn. Khả hành bất khả ngôn, bất nhuợc vật hành. Phát ngôn tất lự kỳ sở chung, lập hành tất kê kỳ sở tế. Ư thị tiên triết, cẩn ư ngôn, trạch ư hành. Phát ngôn phi cẩu hiển kỳ lý, tương khải học giả chi vị ngộ, lập hành phi độc thiện kỳ thân, tương huấn học giả chi vị thành. Sở dĩ phát ngôn hữu loại, lập hành hữu lễ, toại năng ngôn bất tập họa, hành bất chiêu nhục. Ngôn vi tắc Kinh, hành vi tắc Pháp. Cố viết: "Ngôn hành nải quân tử chi xu cơ, trị thân chi đại bản", động thiên địa cảm quỷ thần, đắc bất kính đồ. 
Bạch Vân Quảng Lục. 
41.- DỊCH NGHĨA: Bạch Vân bảo Vô Vi Tử (1) rằng: Nếu nói mà chẳng làm, thà rằng đừng nói, làm mà chẳng nói, thà rằng đừng làm. Phát ngôn phải lo đến hậu quả của nó, làm việc phải xét đến chỗ che đậy của nó. Bởi thế, bậc tiên triết cẩn thận ở lời nói, lựa chọn ở việc làm. Phát ngôn chẳng những để hiển đạo lý, mà còn đem mở bảo cho người học chưa ngộ. Làm việc không phải chỉ để hay riêng cho mình (2), mà còn đem dạy bảo cho người học chưa thành đạt. Vậy nên, phát ngôn có phát tắc, lập hành có lễ nghĩa, nên mỗi khi nói ra chẳng gặp vạ, mỗi khi làm chẳng bị nhục. Ðã nói ra thời là Kinh, làm việc thời là Pháp. Cho nên nói rằng: "Nói và làm là then chốt của người quân tử, là gốc lớn của việc sửa mình", động đến trời đất, cảm đến quỷ thần, thật đáng kính vậy".  Bạch Vân Quảng Lục. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Vô Vi Tử: Tên là Dương Kiệt, tên chữ là Thứ Công, làm quan Lễ Bộ Ngoại Lang, biệt hiệu là Vô vi Tử, pháp tự của Thiên Y Hoài thiền sư.  (2) Hay riêng cho mình: Dịch ở chử độc thiện kỳ thân. Thầy Mạnh Tử nói: "Cùng tắc độc thiện kỳ thân, đạt tắc kiêm thiện thiên hạ". Nghĩa là: Cùng thì chỉ hay riêng cho mình, đạt thời hay khắp cho trong thiên hạ. 
42.- CHỮ HÁN: Bạch Vân vị Diễn Tổ viết: Thiền giả trí năng, đa kiến ư dĩ nhiên bất năng kiến ư vị nhiên. Chỉ quán định tuệ phòng ư vị nhiên chi tiền, tác chỉ nhậm diệt giác ư dĩ nhiên chi hậu. Cố tác chỉ nhậm diệt, sở dung dị kiến, chỉ quán định tuệ sở vị nan tri. Duy cổ nhân chí tại ư đạo, tuyệt niệm ư vị manh, tuy hữu chỉ quán định tuệ, tác chỉ nhậm diệt, giai vi bản mạt chi luận dã. Sở dĩ vấn: "Nhược hữu hào đoan hứa ngôn ư bản mạt giả, giai vi tự khi, thử cổ nhân kiến triệt xứ nhi bất tự khi giả. 
Thực Lục. 
42.- DỊCH NGHĨA: Bạch Vân bảo Diễn Tổ rằng: Trí năng của bậc thiền, phần nhiều chỉ thấy những việc đã rồi, chẳng hay thấy được việc chưa tới. Chỉ quán định tuệ (1) thì phòng ngừa ở lúc trước của sự việc chưa tới, tác chỉ nhậm diệt (2) thì biết được sau của sự việc đã rồi. Cho nên chỗ dùng của tác chị nhâm diệt thời dễ thấy, chỗ làm của chỉ quán định tuệ thì khó biết. Tuy có chỉ quán định tuệ, tác chỉ nhậm diệt, cũng đều bàn về gốc ngọn vậy. Sở dĩ nói rằng: "Nếu có một mảy may nào nói tới gốc ngọn đều là tự dối mình, đó là chỗ thấy triệt để của cổ nhân chẳng bao giờ tự dối mình vậy". (3)  Thực Lục. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Chỉ quán định tuệ: Nương vào nguyên khí về phần thực tướng của thể tính mà nói là chỉ, về phần thường chiếu của bản giác gọi là quán, phần tam muội là định, phần bát nhã gọi là tuệ.  (2) Tác chỉ nhậm diệt: Ðó là chỉ về bốn căn bệnh thấy chép trong kinh Viên Giác: "Tác bệnh, nhậm bệnh, chỉ bệnh và diệt bệnh". Chỗ tu chứng của bậc thiện tri thức cần phải xa lìa căn bệnh này.  (3): Câu này là lời thị chúng của Ðức Sơn. 
43.- CHỮ HÁN: Bạch Vân viết: Ða kiến nột tử, vị thường kinh cập viễn đại chi kế, dư khủng tùng lâm tự thử suy bạc hỹ. Dương Kỳ tiên sư mỗi ngôn: "Thượng hạ thâu an, tối vi pháp môn đại hoạn". Dư tích ẩn cử Qui Tông thư dường, phi duyệt kinh sử, bất thí sổ bách quá mục, kỳ giản biện tế cố cực hỹ. Nhiên mỗi khai quyển tất hữu tâm hoạch chi ý. Dư dĩ thị tư chi, học bất phụ nhân như thử. 
Bạch Vân Thực Lục. 
43.- DỊCH NGHĨA: Bạch Vân nói: Phần nhiều thấy những nột tử chưa từng trải kịp đến cái kế xa và lớn, ta sợ chốn tùng lâm sẽ suy vi từ đây. Dương Kỳ tiên sinh thường nói: "Trên dưới muốn lẫn tránh cho an nhàn, đó là mối đại họa cho chốn thiền môn". Ta trước ẩn náu ở thư viện Qui Tông, duyệt xem kinh sử, chẳng những chỉ vài trăm lần qua mắt, mà xem đến nỗi kinh sách đó cũ nát tới cùng cực. Nhưng mỗi khi mở quyển tất nhiên lại cùng thu hoạch được nhiều ý mới lạ, như vậy thì sự học chẳng phụ người là thế vậy.  Bạch Vân Thực Lục. 
44.- CHỮ HÁN: Bạch Vân sơ trụ Cửu Giang Thừa Thiên, thứ thiên Viên Thông, niên xỉ thậm thiểu. Thời Hối Ðường tại Bảo Phong, vị Nguyệt Công Hối viết: Tân Viên Thông đỗng triệt kiến nguyên, bất thiểm Dương Kỳ chi tự, tích hồ phát dụng thái tảo, phi tùng lâm phúc. Công Hối nhân vấn kỳ cố. Hối Ðường viết: "Công danh mỹ khí, tạo vật tích chi, bất dữ nhân toàn, nhân cố dục chi thiên tất đoạt chi". Ðãi Bạch Vân chung vu thư chi Hải Hội, phương ngũ thập lục tuế. Thức giả vị: "Hối Ðường tri cơ vi, chân triết nhân hỹ". 
Trạm Ðường Ký Văn. 
44.- DỊCH NGHĨA: Bạch Vân lúc đầu ở chùa Thừa Thiên thuộc Cửu Giang, sau dời về chùa Viên Thông, tuổi đời còn rất nhỏ. Khi bấy giờ Hối Ðường (1) ở Bảo Phong, bảo Nguyệt Công Hối (2) rằng: "Tân Viên Thông là người thấu triệt được kiến nguyên (3), thực chẳng hổ là pháp tự của Dương Kỳ, chỉ tiếc là ra ứng cơ(4) quá sớm nên chẳng phải là phúc của tùng lâm". Công Hối, nhân hỏi về nguyên cớ. Hối Ðường nói: "Cái mỹ khí của công danh, tạo vật đều tiếc, chẳng để trọn vẹn cho con người, nếu người cố tâm muốn có nó, thì trời tất nhiên sẽ cướp đi". Cuối cùng Bạch Vân mất ở chùa Hải Hội, thuộc Từ Châu vừa vặn năm mươi sáu tuổi. Người thức giả thường bảo rằng: "Hối Ðường chẳng những chỉ biết về thời cơ mà còn biết tới chỗ vi tế nữa, quả là một triết nhân vậy".  Trạm Ðường Ký Văn (5). 
CHÚ THÍCH: 
(1) Hối Ðường: Hối Ðường Bảo Quốc Tổ Tâm thiền sư, người đất Nam Hùng, pháp tự của Hoàng Long Nam thiền sư.  (2) Nguyệt Công Hối: Hiểu Nguyệt thiền sư, pháp tự của Lang Nha Giác thiền sư.  (3) Kiến nguyên: Kiến tính.  (4) Ứng cơ: Dịch ở chữ dụng, có nghĩa là ra tiếp hóa tế độ cho đời như trụ trì v.v...  (5) Trạm Ðường: Lặc Ðàm Văn Chuẩn thiền sư,hiệu là Trạm Ðường, pháp tự của Thực Phong Văn thiền sư. 
45.- CHỮ HÁN: Hối Ðường Tâm Hòa thượng tham Nguyệt Công Hối vu Bảo Phong. Công Hối đỗng minh Lăng Nghiêm thâm chỉ, hải thượng độc bộ. Hối Ðường mỗi văn, nhất cú nhất tự, như hoạch chí bảo, hỷ bất tự thắng. Nột tử trung, gián hữu thiết nghị giả. Hối Ðường văn chi viết: "Khấu bỉ sở trường, lệ ngả sở đoản, ngô hà hiềm yên". Anh Thiệu Võ viết: "Hối Ðường sư huynh đạo học vi thiền nột sở tôn, do dĩ tôn đức tự thắng vi cường, dĩ vị kiến vị văn vi quý, sử tùng lâm tự quảng nhi hiệp ư nhân giả, hữu sở căng thức, khởi tiểu bổ tai". 
Linh Nguyên Thập Di. 
45.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðường Tâm Hòa thượng tham thiền với Nguyệt Công Hối ở Bảo Phong. Công Hối thông hiểu triệt để tông chỉ kinh Lăng Nghiêm một cách trác tuyệt vô song. Hối Ðường mỗi khi nghe được một câu một chữ, như là người được viên ngọc báu (1) vui mừng khôn xiết. Trong đám nột tử có người bàn lén việc này. Hối Công nghe biết và nói: "Học chỗ sở trường của người, sửa chỗ sở đoản của ta, ta có nề hà chi vậy". Anh Thiệu Võ (2) nói: "Sự học đạo của Hối sư huynh, đã được các nột tử chốn tùng lâm lấy làm tông chỉ, thế mà còn lấy chỗ tôn đức tự thắng làm vui, lấy điều chưa thấy nghe làm xấu hổ, khiến cho tùng lâm tu rộng mà lại hẹp ở con người, để có chỗ, làm khuôn phép (3), thì đâu phải là bổ ích nhỏ vậy".  Linh Nguyên Thập Di. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Ngọc báu: Thứ ngọc quý toàn bích không một tỳ vết.  (2) Anh Thiệu Võ: Tức Hồng Anh thiền sư, pháp tự của Hoàng Long thiền sư, vì là người của Thiệu Võ Quán, nên gọi là Anh Thiệu Võ.  (3) Khuôn phép: Dịch ở chữ căng thức. Căng nghĩa là kinh, thức là pháp tắc, nghĩa là mô phạm hay khuôn phép. 
46.- CHỮ HÁN: Hối Ðường viết: Trụ trì chi yếu, đương thủ kỳ viễn đại giả, lược kỳ cận tiểu giả. Sự cố vi quyết, nghi tư tuân vu lão thành chi nhân. Thượng nghi hỹ, cánh khấu vấn vu thức giả, túng hữu vị tận, diệc bất chí thậm hỹ. Kỳ hoặc chủ giả, hiếu sính tư tâm, chuyên tự thủ dữ, nhất đán tao tiểu nhân sở mưu, tôi tương thùy qui. Cố viết: "Mưu tại đa, đoán tại độc. Mưu chi tại đa, khả dĩ quan lợi, hại chi cực chí, đoán chi tại ngã, khả dĩ định tùng lâm chi thị phi dã". 
Dữ Thảo Ðường thư. 
46.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðường nói: Cái yếu của trụ trì là phải đặt kế hoạch xa và lớn, tỉnh lược những công việc gần và nhỏ. Công việc gì chưa quyết đoán được, nên đem thỉnh vấn các bậc lão thành (1). Nếu vẫn còn ngờ vực, lại tới hỏi ở hàng thức giả. Ví hoặc cũng vẫn chưa hết chỗ quyết nghi, thì cũng chẳng đến nỗi quá tệ vậy. Giả hoặc người chủ, thích buông theo tư tâm, chuyên trách việc thủ xả theo ý muốn của mình, nhất đáng gặp mưu kế của kẻ tiểu nhân, tội đó sẽ qui về ai! Cho nên nói: "Mưu lược cần phải có sự tham gia của số đông người, quyết đoán công việc, cần phải ở ý kiến của một người. Mưu lược phải cần sự gớp ý ở nhiều người, để xét rõ phần cùng cực của lợi hại, quyết đoán cần phải ở chính mình, mới có thể định rõ điều phải trái trong chốn tùng lâm.  Thư gởi Thảo Ðường (2). 
CHÚ THÍCH: 
(1) Lão thành: Bậc tiền bối tuổi cao đức trọng.  (2) Thảo Ðường: Tức Thảo Ðường Thiện Thanh thiền sư, pháp tự của Hối Ðường Tâm thiền sư. 
47.- CHỮ HÁN: Hối Ðường bất phó Qui Sơn thỉnh. Diên Bình Trần Oánh Trung, di thư miễn chi viết: "Cổ nhân trụ trì vô chức sự, tuyển hữu đức giả cư chi. Ðương thị nhậm giả, tất tương dĩ tư đạo giác tư dân, chung bất dĩ thế vị thanh lợi vi chi biến. Kim học giả đại đạo vị minh, các xu dị học, lưu nhập danh tướng, toại vi thanh sắc sở động, hiền bất tiếu, tập nhụ bất khả biệt bạch, chính nghi lão thành giả, trắc ẩn tồn tâm chi thời, dĩ đạo tự nhậm, chướng hồi bách xuyên, cố vô nan hỹ. Nhược phù thoái cầu tĩnh bật, vụ tại an dật, thử độc thiện kỳ thân giả sở hiếu, phi tùng lâm sở dĩ vọng công giả". 
Linh Nguyên Thập Di. 
47.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðường không nhận lời mời phó hội của Qui Sơn. Trần Oánh Trung (1) ở Diên Bình, gởi thơ khuyên rằng: "Cổ nhân xưa kia, nếu mỗi khi ngôi trụ trì khuyết chức, thì tuyển người hữu đức để bổ sung. Người nhậm chức vụ này, tất phải đem cái đạo ấy để giác ngộ cho người ấy, tuyệt nhiên không vì thế lực thanh lợi làm biến đổi. Người học đời nay chưa thấu tỏ đại đạo, lại đua theo học dị học, trôi vào ngả danh tướng, liền bị dao động bởi thanh sắc, kẻ hiền người ngu lẫn lộn, không phân biệt rõ ràng. Chính vì thế, các bậc lão thành động lòng trắc ẩn (2) thì cần phải lấy đạo để tự nhậm, ngăn cản trăm con sông để xoay chuyển lại những ngọn cuồng ba cũng không khó. Trái lại, nếu lui bước để tìm sự tĩnh mịch, chú trọng chốn an nhàn, lấy việc hay riêng thân mình làm sở thích, thì quả thật chẳng phải nơi tùng lâm kỳ vọng ở ngài vậy".  Linh Nguyên Thập Di. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Trần Oánh Trung: Người đất Sa Hà, châu Nam Kiếm.  (2) Trắc ẩn: Lòng thương mến sâu xa, đó là nguồn goấc của long nhân. 
48.- CHỮ HÁN: Hối Ðường nhất nhật kiến Hoàng Long hữu bất dự chi sắc, nhân nghịch vấn chi. Hoàng Long viết: "Giám thu vị đắc nhân". Hối Ðường toại tiến Cảm Phó tự. Hoàng Long viết: "Cảm thượng bạo, khủng vi tiểu nhân sở mưu". Hối Ðường viết: "Hóa Thị giả sảo liêm cẩn". Hoàng Long vị: "Hóa tuy liêm cẩn bất nhược Tú Tạng Chủ hữu lượng nhi trung". Linh Nguyên thường vấn Hối Ðường: "Hoàng Long dụng nhất giám thu, hà quá lự như thử". Hối Ðường viết: "Hữu quốc hữu gia giả, vị thường bất bản thử, khởi đặc Hoàng Long vi nhiên, tiên thánh diệc tằng giới chi". 
Ðộn Am Bích Ký. 
48.- DỊCH NGHĨA: Một bữa Hối Ðường thấy Hoàng Long (1) có sắc mặt chẳng vui, nhân thế mới hỏi duyên cớ. Hoàng Long nói: "Chưa tìm được người giám thu (2). Hồi Ðường bèn tiến cử Cảm Phó Tự (3). Hoàng Long nói: "Cảm còn thô bạo, sợ bị kẻ tiểu nhân mưu hại". Hối Ðường nói: "Hóa Thị giả (4) là người liêm cẩn" (5). Hoàng Long bảo: "Hóa tuy liêm cẩn nhưng lại không bằng Tú Tạng Chủ (6), có lượng mà trung thành". Linh Nguyên (7) thường hỏi Hối Ðường rằng: "Hoàng Long dùng một người giám thu, tại sao quá lo lắng như thế". Hối Ðường nói: "Có nước có nhà ai chẳng lấy việc đó làm gốc, chẳng những Hoàng Long làm như thế, mà các bậc Tiên thánh cũng từng cảnh giới việc này".  Ðộn Am Ký. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Hoàng Long: Hoàng Long Nam thiền sư, húy là Huệ Nam, pháp tự của Thạch Sương Viên thiền sư.  (2) Giám thu: Người trông nom việc thu nhập.  (3) Cảm Phó Tự: Tức Phúc Nghiêm Từ Cảm thiền sư, pháptự của Hoàng Long.  (4) Hóa Thị giả: Tức Song Lĩnh Hóa thiền sư, pháp tự của Hoàng Long Hối Ðường Tâm thiền sư.  (5) Liêm cẩn: Ngay thẳng cẩn thận.  (6) Tú Tạng Chủ: Tức Ðại Qui Hoài Tú thiền sư, pháp tự của Hoàng Long Nam thiền sư.  (7) Linh Nguyên: Hoàng Long Linh Nguyên Duy Thanh thiền sư, pháp tự của Hoàng Long Tố Tâm thiền sư. 
49.- CHỮ HÁN: Hối Ðường vị Chu Cấp Sự Thế Anh viết: "Dư sơ nhập đạo, tự thị thậm dị, đãi kiến Hoàng Long tiên sư hậu, thoái tư nhật dụng, dữ lý mâu thuẫn giả cực đa, toại lực hành chi tam niên, tuy kỳ hàn nhục thử, xác chí bạt di, nhiên hậu phương đắc sự sự như lý, nhi kim khái thóa trạo tý, dã thị Tổ Sư Tây lai ý". 
Chương Giang Tập. 
49.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðường bảo Chu Cấp Sự (1) Thế Anh rằng: "Ta khi mới nhập đạo, thường mắc cái tính tự thị (2). Sau khi gặp Hoàng Long tiên sư, ta mới xét lại những sự việc thông dụng hàng ngày, thì mâu thuẫn với đạo lý quá nhiều, liền tận lực làm việc trong ba năm, chẳng quản ngại khi trời rét dữ hay nắng gắt, cũng vững chí không dời đổi, rồi sau đó được tới chỗ sự lý viên dung, nên bây giờ tất cả những cử động như ho hắng hay chuyển động tay chân cũng đều hợp với ý của Tổ Sư từ Tây Trúc lại" (3).  Chương Giang Tập. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Chu Cấp Sự: Tên là Chu Ðinh Kiệt, tên chữ là Thế Anh, làm quan đến chức Cấp Sự, người đất Vĩnh Phúc, đổ Tiến sĩ trong năm Sùng Ninh. Cấp Sự là chức quan Hoàng Môn Thị Lang, coi công việc nội ngoại trong cung vua.  (2) Tự thị: Tự cho mình là phải.  (3) Ý của Tổ Sư từ Tây Trúc lại: Ý nói Phật pháp tức là thế pháp đều nhất trí với nhau. 
50.- CHỮ HÁN: Chu Thế Anh vấn Hối Ðường viết: "Quân tử bất hạnh tiểu hữu quá sai, nhi văn kiến chỉ mục chi bất hạ, tiểu nhân chung nhật tạo tác, nhi bất dĩ vi nhiên, kỳ cố hà tai". Hối Ðường viết: "Quân tử chi đức tỷ mỹ ngọc yên, hữu hà sinh nội tất hiện ư ngoại, cố kiến giả xưng dị, bất đắc bất chỉ mục dã. Nhược phù tiểu nhân giả, nhật dụng sở tác, vô phi quá ác, hựu an dụng ngôn chi". 
Chương Giang Tập. 
50.- DỊCH NGHĨA: Chu Thế Anh (1) hỏi Hối Ðường rằng: "Người quân tử chẳng may phạm điều lầm lỗi nhỏ, mà có ngươi nghe biết hay thấy thì họ đều chỉ trích không ngớt, kẻ tiểu nhân trọn ngày làm điều ác, mà chẳng hề bị người chỉ trích, đó là cớ sao vậy?". Hối Ðường nói: "Ðức của người quân tử ví như ngọc tốt, nếu có vết ở bên trong tất phải hiện ra ở bên ngoài, nên ngườita dễ thấy và cho đó là điềm lạ, không thể không chỉ trích được, còn kẻ tiểu nhân, căn cứ vào chỗ làm hàng ngày của họ, thì học có đầy rẫy điều tội lỗi, làm sao lại có thể dùng lời mà diễn tả được nữa vậy".  Chương Giang Tập. 
CHÚ THÍCH: 
(1): Ðại ý đoạn này là biện minh chỗ không giống nhau giữa quân tử và tiểu nhân. 
51.- CHỮ HÁN: Hối Ðường viết: Thánh nhân chi đạo, như thiên địa dục vạn vật, vô hữu bất bị ư đạo giả. Chúng nhân chi đạo như giang hà Hoài Tế, sơn xuyên lăng cốc, thảo mộc côn trùng, các tận kỳ lượng nhi dĩ, bất tri kỳ ngoại vô hữu bất bị giả. Phù đạo khởi nhị da. Do đắc chi thâm thiển, thành hữu tiểu đại nhĩ.  Ðáp Trương Vô Tận Thư. 
51.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðuờng nói (1): Cái đạo của Thánh nhân, cũng như trời đất nuôi vạn vật, nên đạo không chỗ nào là không đầy đủ. Cái đạo của chúng nhân, ví như sông lớn sông nhỏ, sông Hoài sông Tế, như gò núi suối hang, như côn trùng cây cỏ, đều chỉ hết cái lượng của chúng mà thôi. Chúng đâu có biết, ngoài phạm vi của chúng ra, đạo vẫn bao trùm khắp nơi chốn vậy. Ôi! há đâu lại có hai ngã vậy ư! Ðó chỉ là do chỗ biết có nông sâu, nên mới thành ra có lớn nhỏ.  Thư trả lời Trương Vô Tận (2). 
CHÚ THÍCH: 
(1): Ðoạn này nói về đại đạo là chí cực của trời đất thì đồng nhất và bao trùm cùng khắp đó đây.  (2) Trương Vô Tận: Tức Trương Thương Anh, tên chữ là Thiên Giác, người đất Tân Trạch thuộc Thục Châu, trước tác bộ Hộ Pháp luận. 
52.- CHỮ HÁN: Hối Ðường viết: Cửu phế bất khả tốc thành, tíchtệ bất khả đốn trừ, ưu du bất khả cửu luyến, nhân tình bất năng kháp hảo, họa hoạn bất khả cẩu miễn, phù vi thiện tri thức, đạt thử ngũ sự, thiệp thế khả vô muộn hỹ. 
Dữ Tường Hòa Thượng Thư. 
52.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðường nói (1): Bỏ lâu không thể thành công mau chóng,điều tệ tích chứa không thể trừ bỏ ngay, chơi bời thong thả không thể mên tiếc lâu dài, tình người chẳng hay thỏa đáng tốt đẹp, họa hoạn không thể dễ dàng trôi qua. Ôi! Làm bậc thiện tri thức đạt được năm việc này, thời có thể thiệp thế mà không buồn phiền vậy.  Thư gởi Tường Hòa Thượng. 
CHÚ THÍCH: 
(1): Ðoạn này chỉ rõ về cách dụng ý xử thế của trụ trì, để biết chỗ đốivới đại pháp của cổ nhân. 
53.- CHỮ HÁN: Hối Ðường viết: Tiên sư tiến chỉ nghiêm trọng, kiến giả kính úy, nột tử nhân sự thỉnh giả, đa tuấn cự phất tòng, duy văn tỉnh thị thân lão, hí sắc mục nhiên, hiệu ư nhan diện, tận lễ tân khiển, kỳ ái nhân cung hiếu như thử.  Dữ Tạ Cảnh Ôn Thư. 
53.- DỊCH NGHĨA: Hối Dường nói: Bậc tiên sư khi tiến lúc ngưng, đều trang nghiêm trịnh trọng, người đời thấy thế đều cung kính sợ hãi. Kẻ nột tử, nhân khi có việc xin đi đâu, ngài phần nhiều quở trách không ưng thuận. Nhưng khi nghe thấy xin phép về thăm cha mẹ già, thì khí sắc vui vẻ của ngài hiện ngay nơi nét mặt, rất vuivẻ chấp thuận ngay. Ngài yêu thương người hiếu kính đến thế. 
Thư gởi Tạ CẢnh Ôn (1). 
CHÚ THÍCH: 
(1) Tạ Cảnh Ôn: Tên chữ là Sư Trực. 
54.- CHỮ HÁN: Hối Dường viết: Hoàng Long tiên sư tích đồng Vân Phong Duyệt Hòa Thượng, hạ cư Kinh Nam Phượng Lâm. Duyệt hảo biện luận, nhất nhật dữ nột tử tác huyên. Tiên sư duyệt kinh tự nhược, như bất văn kiến. Dĩ nhi, Duyệt nghệ tiên sư án đầu, sân mục trách chi viết: "Nhĩ tại thử tập thiện tri thức lượng độ da?". Tiên sư khể thủ tạ chi, duyệt kinh như cố. 
Linh Nguyên Thập Di. 
54.- DỊCH NGHĨA: Hối Ðường nói: Hoàng Long tiên sư xưa kia cùng với Văn Phong (1) Duyệt Hòa Thượng, ngồi hạ ở Kinh Nam Phượng Lâm. Duyệt là người thích biện luận, có một ngày tạo ra cảnh huyên náo với nột tử. Tiên sư vẫn lặng lẽ xem kinh, coi như mình không hề nghe biết. Sau đó, Duyệt tới đầu án kinh của tiên sư, quắc mắt trách rằng: "Ông ở chỗ này học tập cái độ lượng của bậc thiện tri thức vậy ư?". Tiên sư cúi đầu bái tạ, rồi lại xem kinh như cũ.  Linh NGuyên Thập Di. 
CHÚ THÍCH: 
(1) Vân Phong: Nam Nhạc Vân Phong Văn Duyệt thiền sư, pháp tự của Ðại Ngu Chí thiền sư, pháiNam Nhạc đời thứ 11. 
55.- CHỮ HÁN: Hoàng Long Nam Hòa thượng viết: Dư tích đồng Văn Duyệt, du Hồ Nam, kiến nột tử đảm lung hành cước giả, Duyệt kinh dị súc át, dĩ nhi hạ viết: "Tụ gia khuê cáp trung vật, bất khẳng phóng hạ, phản lụy cáp tha nhân đảm phân, vô nãi thái lao hồ. 
Lâm Gian Lục. 
55.- DỊCH NGHĨA: Hoàng Long Nam (1) Hòa thượng nói: Ta trước kia cùng Văn Duyệt vân du ở Hồ Nam, thấy kẻ nột tử mang lung (2) đi hành cước (3). Duyệt kinh dị, nhăn mặt châu mày mắng rằng: "Vật trong nơi khuê cáp (4) ở chính trong nhà mình mà chẳng chịu bỏ đi, lại phiền lụy đến phần gánh của người khác, thật quả là quá mệt nhọc vậy.  Lâm Gian Lục. 
CHÚ THÍCH: 
(1): Ðại ý trong đoạn này bàn về người học đạo, cần phải phóng há vạn duyên. 
(2) Lung: Cái lồng hoặc cái đương làm bằng tre, khoác sau lưng để đựng đồ vật. 
(3) Hành cước: Ði hành cước, vị Tăng không cần chốn ở nhất định, tự mình đi khắp đó đây để tìm thầy học đạo, hoặc giáo hóa quần chúng. 
(4) Khuê cáp: Cái cửa nhỏ, cửa nách, câu này ý nói tự mình hãy còn vọng tưởng chấp trước. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.6/8/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment