Sunday, 4 August 2013

T H I Ề N   L Â M   B Ả O   H U Ấ  N

LỜI NÓI ĐẦU

Thiền Lâm Bảo Huấn là những lời dạy bảo quý báu của các vị Chư Tổ ! Mỗi ý tưởng , mỗi câu văn đều là những khuôn vàng thước ngọc răn dạy về cách tu tâm xử thế , đều là những kỷ cương yếu lĩnh về cách trụ trì , hoằng đạo của các bậc Thạc đức danh Tăng . Thế nên những người tu Phật có chí hướng kế vãng khai lai , truyền thừa Tổ nghiệp cần phải nỗ lực học hỏi và bắt chước theo ! ...
  THIỀN   LÂM   BẢO   HUẤN 
Ngài Minh Giáo nói :"Đại Giác Liên Hòa Thượng khi ở chùa Dục Vương . Nhân có hai ông Tăng tranh cãi nhau về phần thí lợi . Vị chủ sự không hay quyết đoán được . Đại Giác Hòa Thượng liền gọi hai vị Tăng đến mắng rằng : "Trước ông Bao Công làm tài phán ở đất Khai Phong , có người dân tự đến trình bày :"Có người đem số bạc 100 lạng gởi tôi rồi mất , nay tôi đem số bạc đó trả lại cho người con của ông ta , nhưng người đó không chịu nhận , vậy mong ông cho gọi người đó để trả lại hộ ". Ông rất kinh dị , liền cho gọi người con đó nói rõ sự việc nhưng người đó cố từ và nói :"Ngày còn sanh thời , cha tôi không hề có bạc riêng để gởi người khác ". Hai người cố nhường nhau mãi , Ông bất đắc dĩ phải đem số bạc đó cúng vào chùa , làm việc phước thiện để truy tiến cho người mất". Ta mục kích thấy sự việc đó . Kìa như trong chốn trần lao, cũng còn hay khinh tài trọng nghĩa như vậy, huống hồ các ngươi là đệ tử Phật lại chẳng biết liêm sỉ hay sao?". Nói xong , Hòa Thượng liền y pháp của Tùng lâm đuổi hai vị Tăng ra khỏi chùa "...
Thiền sư Viên Thông nói :"Tính mệnh của người khoèo ( bị què ) nhờ vào gậy , mất gậy thì ngã . Tính mệnh của kẻ qua đò nương vào thuyền , mất thuyền thì đắm . Phàm người ở chốn tùng lâm , tự mình không duy trì lấy đạo đức ở nội tâm , lại nương cậy vào quyền thế ở bên ngoài , nhất đán cái thế đó mất đi , đều không thể tránh khỏi cái họa khuynh đảo !".
Đại Giác Liên Hòa Thượng nói :"Ngọc chẳng giũa thời không thành đồ dùng , người chẳng học thời không biết đạo lý . Nay sở dĩ biết được xưa ; sau sở dĩ biết được nay; không phải bằng khẩu truyền, mà y cứ bằng sử sách . Điều thiện thì đáng được bắt chước , điều ác thì lấy đó làm răn . Các bậc tiền bối nối tiếp nhau lập thân dương danh ở đương thời , ít có ai chẳng nương vào học vấn mà thành tựu !".
Phù Sơn Viễn Hòa Thượng nói :"Cổ nhân tìm thầy chọn bạn , sớm tối không dám lười biếng , đến những việc như thổi cơm giã gạo cũng vẫn âm thầm chịu đựng , chưa từng tỏ vẻ e ngại vất vả . Ta khi ở Diệp Huyện ( chỗ của Thiền sư Qui Tỉnh ) đã từng trải những công việc đó . Nhưng có một điều , nếu tâm mình đoái đến lợi hại , so sánh hơn thua , thời y nhiên sa đọa vào lỗi lầm không hợp với đạo lý . Vậy nếu thân đã bất chính thì làm sao hay học đạo được ?"
Hòa Thượng Viễn Công nói :
1- "Trụ trì cần phải có ba điểm cần thiết : "Nhân", "Minh", và "Dũng". Nhân nghĩa là thực hành đạo đức , phát triển việc giáo hóa , an trên lẫn dưới , làm đẹp lòng người đi kẻ lại . Minh là giữ lễ nghĩa , biết an nguy , xét hiền ngu , biện phải trái . Dũng là phải quả cảm với công việc , trừ kẻ gian , bỏ kẻ nịnh . Nhân mà không có Minh , như người có ruộng chẳng cày . Minh mà không có Dũng , như có lúa non chẳng làm cỏ . Dũng mà chẳng có Nhân , như chỉ biết cắt cỏ mà chẳng biết gieo hạt giống . Ba điểm thiết yếu như trên mà đầy đủ , thời chốn Tùng lâm hưng thịnh , thiếu một thời suy , thiếu hai thời nguy , thiếu tất cả thời cái đạo của trụ trì tất hỏng vậy !"
2- "Cái yếu vụ của trụ trì trước hết phải xét phần thủ xả ( thủ thiện xả ác ) . Chỗ cùng cực của thủ xả định ở bên trong thời cái mầm mống an nguy định ở bên ngoài . An chẳng phải cái an ở một ngày , nguy chẳng phải cái nguy ở một ngày , mà nó đều chứa góp dần dần , nên không thể không xét nét cẩn thận . Nếu lấy đạo đức trụ trì thì tích phần đạo đức , nếu lấy lễ nghĩa trụ trì thì tích phần lễ nghĩa , nếu lấy bóc lột trụ trì thì tích phần oán hận . Tích oán hận thời trong ngoài lìa tan , tích lễ nghĩa thời trong ngoài hòa vui , tích đạo đức thời trong ngoài cảm phục . Vì thế nên thấm nhuần đạo đức lễ nghĩa để được trong ngoài an vui , không nên chứa oán hận mà trong ngoài đau khổ ! ... Ôi ! Cái cảm của vui buồn tất sẽ ứng với họa phúc vậy !"
3- "Người trụ trì ở ngôi trên , phải nên khiêm cung tiếp kẻ dưới . Người chấp sự ở dưới cũng phải tận tình phụng sự ngôi trên . Trên dưới đã hòa , thì cái đạo của trụ trì sẽ thông vậy . Người ở địa vị trên mà kiêu cứ tự tôn , kẻ chấp sự ở dưới lại lười biếng , khinh nhờn tự sơ , cái tình trên dưới chẳng ăn nhịp với nhau thì cái đạo của trụ trì tất bế tắc . Cổ nhân trụ trì , khi nhàn hạ vô sự , thường cùng với học đồ thung dung nghị luận , trong bất cứ một vấn đề gì . Bởi thế , một lời nói bàn , hay nửa câu giáo hóa , đều được ghi chép vào truyện ký , để ngày nay lấy đó mà cân nhắc , là bởi cớ gì ? - Một là muốn khiến tình trên dưới thông hiểu lẫn nhau để đạo khỏi bị che lấp ; - Hai là dự biết được tài năng tính nết của mỗi học đồ nên hay không để thích hợp với chỗ tiến thoái của họ ; được như thế thì trên dưới tự nhiên hòa kính , gần xa đều quý phục . Tùng lâm được hưng thịnh cũng bởi lẽ đó vậy !"
Hòa Thượng Viễn Công bảo Diễn Thủ Tọa :"Tâm là chủ một thân , làm gốc cho muôn hạnh . Tâm chẳng diệu ngộ thời vọng tình tự sinh ; vọng tình đã sinh thời thấy lý không tỏ rõ ; thấy lý chẳng tỏ rõ thì phải lầm lẫn rối loạn . Nếu muốn trị tâm phải mong cầu diệu ngộ . Ngộ thời thân hòa, khí tĩnh, dung mạo đáng kính , sắc diện trang nghiêm , vọng tưởng tán loạn đều mất , chỉ còn lại chân tâm . Trị tâm như thế thời tâm tự linh diệu , sau đó mới đem ra chỉ đạo cho kẻ mê lầm , thời ai lại chẳng theo chỗ giáo hóa ?"
Hòa Thượng Pháp Diễn nói với Phật Giám Thiền Sư :"Thời nay chốn tùng lâm , những kẻ học đạo thanh danh không được lẫy lừng , không được chỗ tin cậy của mọi người ; Vì lẽ phạm hạnh không thanh bạch , con người không xứng đáng . Ví hoặc chỉ muốn mong cầu lợi dưỡng cùng tiếng khen , khoe khoang bề ngoài , liền bị người thức giả khinh cười ; Nên cái yếu diệu bị che lấp ; Dù có được làm Phật Tổ đi chăng nữa , cũng bị người đời ngờ vực mà chẳng tin theo . Lũ ngươi một ngày kia nếu có trụ trì một tự viện nào , nên phải lấy đó làm gương mà tự gắng tiến !"
Hòa Thượng Pháp Diễn nói :"Truyền đạo lợi sinh , cần ở chỗ lựa chọn được người , mà biết người lại là một việc rất khó , đến ngay như bậc Thánh triết cũng còn lấy đó làm lo . Nghe lời nói của người nhưng chưa bảo chứng được hành vi , tìm biết được hành vi lại sợ bỏ sót mất tài năng của họ . Nếu trước đây không phải là người mà mình đã từng giao du , tường tận được mọi nguồn , khám phá được chí hành của họ , hiểu rõ được khí năng của họ , rồi sau cùng còn biết được cả chỗ giữ đạo cùng là chỗ ẩn tàng cái diệu dụng của họ . Còn những kẻ chỉ mua danh hình thức bề ngoài , thì phần ngụy tạo đó vẫn không thể dung thứ được , dù có che đậy kín đáo đến đâu cũng thấy được uyên nguyên cả thôi ! ... Cái lý của xét rõ nghe tường , cố nhiên không phải công việc của một sớm một chiều mà làm nổi . Sở dĩ Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng thấy Đại Giám (Lục Tổ Huệ Năng) , còn đích thân chấp tác thị giả mười lăm thu ; Khi Mã Tổ Đạo Nhất thấy Nam Nhạc , cũng còn theo hầu hơn mười năm ... Thế nên biết , sự trao truyền thụ mệnh của Tiên thánh , quả thật không vội vã thiển cận ở chỗ truyền tri . Cũng như một chậu nước truyền qua một chậu nước , mới hay nối tiếp được Hồng qui (Đại pháp) . Còn như việc đương gia chủng thảo (lựa chọn người kế vị tùng lâm) lại cần phải suy nghiệm cái lý xét kỹ nghe tường này . Có đâu lại dung cho kẻ xảo ngôn lệnh sắc , hẹp hòi phỉnh nịnh mà được sung tuyển vào chức đó vậy thay !"
Pháp Diễn Hòa Thượng nói với Phật Giám Thiền Sư :"Cái yếu của trụ trì, phần cư xử đối với chúng quý ở chỗ đầy đặn , đối với mình cần ở chỗ giản ước , các việc lặt vặt khác đều chớ nên quan tâm . Dùng người cần phải cẩn thận nơi thành thật , lời nói cần phải lựa chọn thận trọng . Lời nói thận trọng thời người chủ tự tôn , xét người thành thật thời tâm của mọi người tự cảm . Tôn thời chẳng phải nghiêm nghị mà chúng phục , cảm thời chẳng cần ra lệnh mà việc thành . Như thế thời tự nhiên kẻ hiền người thiện đều thông suốt trong lòng , kẻ lớn người nhỏ đều thấy hân hoan phấn khởi . Còn như việc đem thế lực để duy trì , lấy quát mắng để bức bách , làm cho họ phải tuân theo một cách bất đắc dĩ , nếu đem ví với trên thì xa cách nhau gấp muôn lần vậy !"
Bạch Vân Thiền Sư nói :"Sự thịnh suy của đạo đâu phải là lẽ thường , mà đều tại chỗ người hoằng đạo vậy . Nên có câu :"Gìn giữ thời còn , buông bỏ thời mất ". Nhưng không phải đạo bỏ người , mà chỉ vì người bỏ đạo vậy . Người đời xưa ở nơi núi rừng , ẩn dật chốn triều thị , chẳng màng chi danh lợi , chẳng hoặc bởi thanh sắc , tiếng trong sạch mới hay chấn động một thời , cái đẹp mới lưu lại muôn thuở, lẽ đâu người đời xưa làm được mà người đời nay lại không thể làm được như vậy ư ! Đó chỉ là do chỗ giáo hóa chưa chín mùi , chỗ hành đạo chưa hết sức vậy ! Hoặc có kẻ bảo rằng : "Người thời xưa thì thuần phát nên hay giáo hóa , còn người thời nay thì phù bạc nên không thể dạy bảo ". Nói như thế chính là lời cổ hoặc quần chúng thật không đủ tin cậy !".
Hối Đường Tâm Thiền Sư nói :"Cái yếu của trụ trì là phải đặt kế hoạch xa và lớn , tỉnh lược những công việc gần và nhỏ . Công việc gì chưa quyết đoán được , nên đem thỉnh vấn các bậc lão thành . Nếu vẫn còn ngờ vực , lại tới hỏi ở hàng thức giả . Ví hoặc cũng vẫn chưa hết chỗ quyết nghi , thì cũng chẳng đến nỗi quá tệ vậy . Giả hoặc người chủ , thích buông theo tư tâm , chuyên trách việc thủ xả theo ý muốn của mình , nhất đán gặp mưu kế của kẻ tiểu nhân , tội đó sẽ qui về ai ? Cho nên nói :"Mưu lược cần phải có sự tham gia của số đông người , quyết đoán công việc cần phải ở ý kiến của một người . Mưu lược cần phải sự góp ý ở nhiều người để xét rõ phần cùng cực của lợi hại , quyết đoán cần phải ở chính mình , mới có thể định rõ điều phải trái trong chốn tùng lâm !
Chu Thế Anh tham vấn Hối Đường Thiền Sư :"Bạch Hòa Thượng ! Người Quân tử chẳng may phạm điều lầm lỗi nhỏ mà có người nghe biết hay thấy thì họ đều chỉ trích không ngớt ; Kẻ tiểu nhân trọn ngày làm điều ác mà chẳng hề bị người chỉ trích , đó là cớ sao vậy ?". Thiền Sư Hối Đường đáp :"Đức của người Quân tử ví như ngọc tốt , nếu có vết ở bên trong tất phải hiện ở bên ngoài , nên người ta dễ thấy và cho đó là điềm lạ , không thể không chỉ trích được . Còn như kẻ tiểu nhân , căn cứ vào chỗ làm hằng ngày của họ , thì có đầy rẫy vô số điều tội lỗi , làm sao lại có thể dùng lời mà diễn tả được nữa vậy !"
Hoàng Long Nam Hòa Thượng nói :"Trụ trì cần ở chỗ được lòng chúng . Được lòng chúng là ở chỗ thấy tình " Đức Phật nói :"Tình người làm ruộng phúc cho đời , đạo lý đều từ đó mà sinh ra ". Cho nên sự bỉ thái của thời , tổn ích của việc , tất nương vào tình người . Tình người mà thông tắc thì bỉ thái sẽ phát sinh . Sự việc có hậu bạc thì tổn ích phải đến . Đó là cái lý lẽ muôn đời vậy ! ... Vì vậy , người đang ở địa vị trên mà biết tiết ước , đối xử rộng rãi với kẻ dưới , thì người ở dưới mới vui vẻ mà cung phụng cho người trên ! Đó mới thật sự là ích vậy ! ... Còn nếu người ngồi ở ngôi trên mà khinh miệt kẻ dưới , lại tự mình phóng túng , thời người dưới tất oán mà trái lệnh trên , há chẳng bảo đó là tổn ư ? ... Cho nên trên dưới giao hòa thời thái , chẳng giao hòa thời bỉ . Tự tổn mình thì ích người , tự ích mình thì tổn người . Sự được hay mất của tình người đâu có dễ dàng vậy ! Tiên thánh thường ví người là con thuyền , tình là nước , nước hay chở được thuyền , nhưng nước cũng hay lật được thuyền , thuận với nước thời thuyền nổi , nghịch với nước thời thuyền chìm . Vậy nên , người trụ trì nếu được lòng người thời hưng thịnh , nếu mất lòng người thời suy vi . Được hoàn toàn thì hoàn toàn thịnh , mất hoàn toàn thì hoàn toàn suy ! Thế nên , càng làm điều thiện thì phúc nhiều , càng làm điều ác thì vạ lắm ! Thiện ác cùng một loại , luân chuyển như đầu mối chuỗi hạt châu . Thịnh suy theo phép tắc tuần hành , tỏ rõ như xem mặt trời vậy . Đó là nguyên qui (khuôn phép) cho đời này qua đời khác phải noi theo !"
Trạm Đường Chuẩn Hòa Thượng lúc đầu tham thiền ở Chân Tịnh Khắc Văn Thiền Sư thường thắp đèn trong trướng đọc kinh sách . Chân Tịnh Thiền Sư liền mắng rằng :"Điểm chính của người học Phật là ở chỗ trị tâm . Nếu học thật nhiều mà tâm chẳng sửa trị thì ví có học được nhiều cũng chẳng có ích gì ! Hơn nữa , lại còn có rất nhiều các môn học khác của hàng trăm nhà khác nhau nhiều như núi , sâu như bể ... Vậy ông dù có học hết được tất cả , nhưng đó chỉ là sư việc bỏ gốc theo ngọn , đem cái quí dùng vào chỗ hèn , sợ nó ngăn ngại mất đạo nghiệp . Vậy nên phải chấm dứt mọi duyên , để cầu diệu ngộ ! Nếu ở một ngày khác ông xem các môn học ấy , thì dễ dàng cũng như người chỉ việc đẩy chốt cửa mà vào , chẳng gặp chi khó khăn vậy !". Trạm Đường Hòa Thượng tức thời dẹp bỏ chỗ mình đang tập , rồi chuyên tu Thiền quán . Một ngày nọ khi đang hành thiền , ông nghe có người đọc câu :"Cung trung Phủ trung câu vi nhất thể " (Bài Xuất Sư Biểu của Khổng Minh Gia Cát Lượng) liền hoát nhiên đại ngộ , gỡ hết được mọi chỗ ngưng trệ , có biện tài vô ngại , sau này trong hàng lưu bối ít ai hay vượt được ông !
Linh Nguyên Thiền Sư nói :"Tiên triết nói rằng : Học đạo tới chỗ ngộ là khó , đã ngộ rồi mà giữ được đạo lại càng khó , giữ được đạo và thực hành theo lại càng khó hơn ! Nay đương lúc thực hành đạo thì cái khó lại hơn cả khi ngộ và giữ đạo . Vì lẽ ngộ đạo và giữ đạo thì chỉ tinh tiến và kiên trì , gắng gỏi ở chỗ hết sức mình mà thôi . Duy việc thực hành đạo thì tất phải bằng đẳng ở nơi tâm , thề chết quên mình , làm lợi ích cho người . Nếu tâm chẳng bằng đẳng , lời thề không vững chắc thì tổn và ích bị đảo ngược , liền sa ngã vào a sư của thế tục , đó là điều đáng nên sợ hãi !"
Viên Ngộ Thiền Sư nói :"Người học đạo cần giữ lòng tin , gây niềm tin ở chỗ thành . Giữ lòng thành ở trong , vậy sau mới khiến chúng không nghi hoặc . Giữ lòng tin ở mình , mới có thể dạy người không dối trá . Duy tín cùng với thành hai bên hỗ trợ cho nhau , mới đưa đến chỗ không lỗi lầm . Thế nên biết , nếu thành mà bất nhất thời tâm chẳng hay giữ , tín mà bất nhất thời nói chẳng hay làm . Cổ nhân nói :"Áo mặc cơm ăn còn có thể bỏ đi được , nhưng thành và tín không thể để cho mất ". Duy bậc thiện tri thức đáng đem thành tín để dạy người ! Vả lại , tâm đã chẳng có thành thật , việc đã chẳng giữ lòng tin , thì sao gọi được là bậc thiện tri thức ? ... Tự mình nếu không thành thật thì chúng tất ngờ mà chẳng tin ! ... Vì vậy "thành" và "tín" không phút giây nào để cách xa mình vậy !".
Viên Ngộ Thiền Sư bảo Cảnh Nguyên Hòa Thượng :"Phàm gọi là chức Trưởng lão , thay Phật tuyên dương giáo hóa , thường phải nghĩ tới việc lợi ích tế độ làm lòng . Nếu khi thực hành công việc đó mà không khoe khoang thời chỗ phổ cập mới rộng , nơi tế độ mới đông . Song le , nếu vạn nhất có cái tâm khoe khoang tài năng của mình thì cái niềm kiêu hãnh dấy lên , mà cái tâm bất tiếu cũng hiện ra vậy !"
Cao Am Thiện Ngộ Thiền Sư nói :"Đạo đức nhân nghĩa không phải để dành riêng cho cổ nhân , mà người đời nay cũng vẫn có phần . Nhưng vì trí thức của họ chẳng sáng tỏ , học vấn của họ chẳng thâm sâu , căn khí không thanh tịnh , chí khí lại hẹp kém , thực hành thì bất lực , lại bị thanh sắc nó di chuyển , nên họ chẳng tự giác được đó vậy. Bởi lẽ , nếu họ chỉ nương vào vọng tưởng tình niệm , tích tụ ngày một đặc dày , nay đem trừ khử ngay một lúc tất không phải dễ . Vì thế nên họ chẳng tới được cái địa vị của cổ nhân !"
Thiền Sư Cao Am Thiện Ngộ ở chùa Vân Cư , mỗi khi nghe thấy có người bị bệnh di chuyển tới nhà Diên Thọ (nhà nuôi dưỡng Chư Tăng già và bệnh) , Ngài thân tới hỏi han an ủi , coi như người thân của mình . Ngài thường sớm tối trông nom săn sóc, dĩ chí tự tay sắc thuốc nấu cơm , nếu chẳng nếm trước thời không cho người bệnh ăn . Hoặc gặp khí trời hơi rét , thời vỗ vào lưng họ mà nói :"Áo mặc chẳng đơn chiếc vậy ư ?". Hoặc gặp thời tiết nóng bức , thì quan sát sắc mặt họ và nói :"Có nóng nực quá chăng ?". Bất hạnh mà không thể cứu sống được thời chẳng hỏi bệnh nhân có của riêng hay không , hết thảy chỉ dùng của thường trụ để làm lễ tống táng . Vị Tri sự nếu hoặc có lời ta-thán , thì Ngài quở mắng và nói :"Xưa kia Tổ Bách Trượng vì những người bệnh già mà lập ra thường trụ , còn các ngươi sẽ không bệnh không chết hay sao ?". Thức giả khắp bốn phương cho Sư là người cao quý . Khi Sư rời khỏi chùa Vân Cư , đệ tử theo Ngài có hơn năm mươi người . Hoặc giả có người không đi theo Ngài được , tất cả đều rơi lệ từ biệt ! Đó chính là do cái đức của con người cảm phục được lòng người như vậy !"
Thiền Sư Thảo Đường Thiện Thanh nói :"Ngọn lửa cháy lan nơi đồng nội , phát sinh bởi một đám lửa nhỏ bé ;  thế nước vỡ núi , tích chứa bởi những giọt nước nhỏ ly ti . Ôi ! Giọt nước tuy nhỏ , chỉ một nắm đất có thể lấp ngay được , nhưng tới lúc thế đã mạnh thì nó làm trôi cả gỗ đá , san phẳng gò đống . Ngọn lửa tuy nhỏ , chỉ một gáo nước có thể dập tắt , nhưng tới lúc thế đã mạnh , thời nó thiêu hủy cả đô ấp , đốt cháy cả núi rừng . Như vậy nếu đem so sánh với nước ái dục , với lửa sân hận , đâu có khác chi vậy ! Con người thời xưa , họ trị tâm phải đề phòng cái niệm đó từ khi chưa phát sanh , cái tình đó từ khi chưa bộc khởi . Thế nên , dùng lực chỉ tốn rất ít mà thu được công lại được rất nhiều vậy !"
Diệu Hỷ Cảo Thiền Sư nói :"Tùng lâm ở các nơi , nếu muốn suy cử bậc Trưởng lão , nên phải suy cử người biết giữ đạo , tính khí điềm đạm , không ham danh lợi . Một khi đã suy cử được những người như thế , thì khí tiết của các vị đó càng bền , không thể đưa đến chỗ phá hoại thường trụ mà thành tựu được tùng lâm ! Còn những người chỉ dối trá gian nịnh giảo hoạt , không biết hổ thẹn , chuyên việc ve vãn , cung phụng kẻ kế vị , giao du với kẻ quyền quý , thì sao có thể suy cử hạng người như thế được ?"
Hòa Thượng Tử Thiều hỏi Diệu Hỷ Thiền Sư : " Ngày nay , các nơi trụ trì cần phải thực hiện điều gì trước ?"  Diệu Hỷ nói : "An định Tăng chúng , bất quá chỉ cần tiền và gạo mà thôi ". Lúc đó , Thiền Sư Vạn Am (cũng ngồi gần đó) liền bảo :"Không phải thế ! Trụ trì cần phải kế toán của cải thu được của thường trụ ; nếu biết cắt bớt những món chi tiêu lãng phí , chỉ dùng vào việc hợp đạo thì tiền và gạo chẳng thiếu chi , đâu phải là việc đáng lo ngại . Song le, việc của người trụ trì hiện nay chỉ cần có được hàng Tăng chúng biết giữ đạo là việc cần thiết trước. Giả sử , Trụ trì có mưu trí tích chứa được lương thực ăn trong mười năm , mà dưới tòa mình không có được một người giữ đạo , thì đúng như lời Tiên thánh đã nói :"Ngồi ăn uổng phí của tín thí , ngửa mặt hổ thẹn với Long Thiên !". Vậy trụ trì có lợi ích gì ?"... Khi nghe Vạn Am nói xong , Tử Thiều Thiền Sư nói :"Thủ tọa nói rất xác đáng !". Thiền Sư Diệu Hỷ quay lại bảo Vạn Am :"Tất cả mọi việc đều giống như ý ông chăng ?". Vạn Am lặng thinh lui gót ...
Cao Am Thiện Ngộ Thiền Sư chép :"Bần đạo thường xem Tăng giáo , xét kỹ ý Phật , không cho phép các Tỳ Kheo ngồi hưởng thụ những món ăn mà họ không dự phần công lao , để họ sanh tâm lười biếng , dấy kiến nhân ngã . Nên cứ mỗi buổi sáng , Phật và các đệ tử mang bát đi khất thực , chẳng lựa chọn nhà sang hèn , không phân biệt kẻ cao thấp , để khiến cho mọi người được phước bình đẳng như nhau . Mãi về sau này mới có cái tên gọi là thường trụ là cốt vì các lão bệnh Tỳ Kheo không thể đi khất thực được mới lập ra , thật sự không phải là những người trẻ khỏe được dự phần ăn dùng trong đó . Kể từ khi Đức Phật diệt độ trở về sau , trong thời Chánh pháp các Tỳ Kheo vẫn còn theo lề lối khất thực như trước , nhưng từ thời Tượng quí trở lại đây , khắp chốn tùng lâm tuy chưa bỏ hẳn hạnh khất thực , nhưng chỉ suy cử những người có đầy đủ tài đức ra thực hiện việc đó . Về sau những lợi dưỡng đã xin được , lại tích góp lại làm của Chiêu đề (thập phương thường trụ Tăng) để cung dưỡng đại chúng , rồi dần dần bỏ mất cái quy luật khất thực hằng ngày . Nay nghe thấy một số ít các chùa , người trụ trì lại chẳng biết đến nhân quả , chẳng cung dưỡng lão Tăng , trái ngược với ý Phật , thương tổn đến pháp môn . Nếu chẳng trụ ở tự viện thì các lão Tăng sẽ an trụ ở đâu ? Sao không chịu nghĩ lại của cải thường trụ vốn dĩ vì ai mà đặt ra ? Nên phải xét , dùng tâm như thế nào để hợp với tâm Phật , làm hạnh như thế nào để hợp với hạnh Phật ! Xưa kia , ngày Đức Phật còn tại thế , hoặc có ngày Ngài không tới dự thỉnh trai ở nhà đàn việt , giam mình nơi tịnh xá , thì Ngài đi khắp các Tăng phòng , thăm hỏi những người bệnh già , nhất nhất đều an ủi , nhất nhất đều chu biện , lại còn khuyên bảo các Tỳ kheo nên cung kính lẫn nhau , tùy thuận những phương tiện , gạt bỏ mọi hiềm thù sân hận . Đó là cái khuôn phép mẫu mực của đấng Điều-Ngự-Sư (Điều Ngự Trượng Phu Thiên Nhơn Sư Phật Thế Tôn) thống lý tất cả đại chúng vậy . Người đời nay lại phóng túng tiêu dùng của thường trụ , tư cấp cho riêng bản thân mình , giao kết với kẻ quyền quý , làm cách tuyệt người già và người bệnh . Thậm chí lại còn lấy của cải của Tăng chúng giấu làm của riêng mình . Tâm Phật và Hạnh Phật không còn được lấy một ! Thật đáng thương thay ! ... Cổ đức nói :"Lão Tăng là tiêu bản của sơn môn" ; chốn Thiền môn đời nay , trong số Tăng sĩ hàng một trăm người , không có lấy được một người là bậc lão thành . Già mà không được thu nạp , càng thấy rõ ràng sống lâu là vô bổ , chi bằng chết non còn hơn ... Vậy rất mong các Tăng sĩ trong chốn tùng lâm đương thời , hãy tuân theo lời Phật , nối dõi ngôi Tổ , nuôi dưỡng an ủi những người già và bệnh , tùy theo tài vật của thường trụ có hay không mà cung cấp cho thích nghi , đừng để cho kẻ ngu muội chuyên quyền làm tiêu diệt qui cũ giáo pháp , mà chiêu vời quả báo chết non ở đời sau . Rất tha thiết mong các hàng Tăng sĩ nhận xét thêm cho thật kỹ !"HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.5/8/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment