Monday, 10 June 2013

  • Ba Ngày Luận Đạo

  • Ba Ngày Luận Đạo
     
    Cuốn sách BA NGÀY LUẬN ĐẠO này được Ngài Maha Thongkham Medivongs ghi chép tỉ mỉ cuộc vấn đạo giừa Ngài và một vị Thiện nam trong một chuyền đi suốt ba ngày liền từ Savannakhet đến Vientiane .
  • BA NGÀY LUẬN ÐẠO
    [01]
    Vấn: Bạch Ðại đức, tôi là người muốn tìm học giáo lý Thích Ca. Do theo kinh sách, tôi công nhận Phật giáo là đạo cao thượng nhất, nhưng không biết tại sao đức Phật gọi là đức Phật Thích Ca? Xin Ngài vui lòng giảng dạy cho chúng tôi biết Phật Thích Ca ấy là tên, hoặc họ, hoặc là hiệu của Ngài, mà người ta đặt ra vậy?
    Ðáp: Ðáp lời ông, tôi xin giải nghĩa chữ "Thích Ca Mưu Ni Phật". Thích Ca (SAKYA) là danh phái của đức Phật Tổ khi Ngài còn tại thế; Mưu Ni (MUNI) là Trí thức hay thông thái; Phật Ðà (BOUDDHA) là đấng có Trí tuệ sáng suốt thông hiểu hoàn toàn mọi lẽ trong trời đất. Phật Thích Ca ấy chẳng phải tên, mà cũng không phải họ, lại cũng chẳng phải hiệu của Ngài nữa. Người đương thời thường gọi như thế, bởi Ngài thuộc về dòng Thích Ca.
    Dòng Thích Ca thuộc về giai cấp KHATTIYA nghĩa là giai cấp Vua, chúa; thời ấy ở Ấn Ðộ chia ra làm nhiều giai cấp như:
    1/ BRAHMA: Bà La Môn (hàng tu sĩ).
    2/ KHATTIYA: Dòng vua chúa.
    3/ VESSA: Phái thương gia, nông nghiệp.
    4/ SÙDA: Phái nô lệ.
    Dòng vua chúa là dòng sang trọng nhất trong thời ấy, nhưng dòng Bà La Môn là dòng mà hạng nào cũng phải tôn kính, vì các vị Bà La Môn là hạng nắm vận mạng của người thời ấy. Vì người thời ấy cần về sự cúng tế thì phải nhờ đến hàng tu sĩ là hạng Bà La Môn.
    Vấn: Thưa Ngài, tại nguyên nhân nào lại có các phái như thế? Vậy đức Phật thiệt tên chi? Họ chi? Xin Ngài vui lòng giảng giải rõ về lịch sử của đức Phật cho tôi rõ, vì tôi là người hâm mộ tu Phật, mà nếu không hiểu rõ lịch sử đức Giáo Chủ của mình thì thật là hổ với tiếng "Tín đồ Phật giáo" lắm.
    Ðáp: Họ của Ngài là GOTAMA, âm là Cồ Ðàm, tên SIDDHATTHA, âm là Sĩ Ðạt Ta nghĩa là Vạn Sự Như Ý.
    Nguyên nhân phát sanh có dòng Thích Ca là xứ Ấn Ðộ xưa kia chia ra làm hai phần: Một phần gọi là MAJJHIMAPADESA hay cũng gọi là MADHYAMAPADESA nghĩa là Trung Ấn Ðộ, còn một phần nữa là PACCANTAPADESA nghĩa là xứ biên thùy. Người cai trị xứ Trung Ấn Ðộ thời ấy gọi là người ARIYAKA (hay cũng gọi là ARAYENA nghĩa là dòng quí phái), những người ARIYAKA là những người có tài lỗi lạc về chính trị cũng như về quân sự và văn chương, nói tóm lại người ARIYAKA là người hoàn toàn. Còn người cai trị xứ PACCANTAPADESA (xứ biên thùy) là người Ấn Ðộ, lúc bấy giờ người ta gọi là MILAKHA, có nghĩa là man rợ.
    Vấn: Bạch Ðại đức, nếu vậy người ARIYAKA kia không phải là người Ấn Ðộ sao?
    Ðáp: Nếu nói theo lịch sử của Ấn Ðộ thì giống người ARIYAKA ấy nguyên ở bên kia núi Hy Mã Lạp Sơn, đem binh đánh chiếm Ấn Ðộ, rồi đặt quốc hiệu là Trung Ấn Ðộ, phần còn lại ở phía Bắc thì gọi là xứ biên thùy, nghĩa là xứ còn dã man, hay là xứ bán khai.
    Giống người ARIYAKA ấy đóng đô ở nơi nào không thấy nói rõ. Trong mấy chục ngàn năm, họ truyền ngôi cho nhau; đến đời đức vua OKÀKARÀJA có chín người con, bốn trai năm gái. Lúc ấy Chánh hậu thăng hà, vua mới chọn một Quí phi lên thay thế quyền Chánh hậu. Bà này sanh được Hoàng nam mà trong kinh luật không nói tên. Trông thấy Thái tử tướng mạo khôi ngô, vua lấy làm hài lòng, mới phán với Chánh hậu rằng: "Trẫm sẽ ban hạnh phúc cho con khanh." Bà bèn tạ ơn đức vua.
    Ðến khi Thái tử khôn lớn, bà mới tỏ ý xin ngai vàng cho con bà. Vua không bằng lòng, nhưng bà vẫn tha thiết nài xin, nhắc lại lời hứa của vua ngày trước và thêm rằng sự ban thưởng xứng đáng nhứt là ngai vàng, vì đó mới là hạnh phúc thật sự. Vì muốn giữ lời hứa trước, nên vua phải cho đòi chín người con kia đến dạy rằng Ngài đã trót hứa cùng Thứ phi, và cấp cho các người con những đội hùng binh để ra đi lập quốc tại một xứ khác. Các con vâng lời, dẫn nhau đi đến một cảnh rừng SAKKA (cây giá tị) rồi lập kinh đô tại nơi ấy. Ở đây có một đạo sĩ tên là KAPILAVATTHU, âm là Ca Tì La Vệ, nên họ lấy tên của vị đạo sĩ ấy đặt tên cho kinh đô. Nhưng sau này xứ ấy sửa lại là xứ SAKKA vì lấy tên rừng cây SAKKA, còn kinh đô thì vẫn giữ tên Ca Tì La Vệ.
    Khi tạo xong kinh đô và tổ chức xong mọi việc, thì bá quan mới nghĩ tới sự làm lễ sính hôn cho các vị Thái tử và Công chúa. Xét rằng Thái tử và Công chúa là dòng Ariyaka mà đi làm lễ sính hôn với các dòng khác thì không hợp lẽ, nên bốn vị Thái tử nhận bốn người em gái của mình làm vợ, còn một người nữa sau gả cho đức vua Devadaha.(Ðây là phong tục dòng Thích Ca ở Ấn Ðộ thời xưa.)
    Ðến sau đức vua OKÀKARÀJA nhớ đến các con, Ngài mới phán hỏi đại thần của Ngài rằng các con của Ngài hiện giờ ở đâu. Một vị đại thần tâu rằng các vị đã lập quốc xong như thế đó.
    Ðức vua lấy làm hài lòng nên phán rằng: " SAKYAMUNÌ, SAKYAMUNÌ " âm là Thích Ca Mưu Ni (có chỗ âm là Thích Già Mâu Ni) nghĩa là thông thái và can đảm.
    Bắt đầu từ đó, người ta gọi dòng vua ấy là dòng Sakyamunì vì họ anh hùng thông thái nhứt, cho nên khi đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta thành Phật, người ta cũng gọi Ngài là đức Phật Thích Ca Mưu Ni.
    Theo trong Tam tạng kinh thì chỉ thấy nói rõ từ đời đức vua JAYASENA trở đi đến đời đức vua Tịnh Phạn Vương như vầy: đức vua JAYASENA sanh được hai người con, một vị Thái tử và một nàng Công chúa. Thái tử tên là SÌHANU, Công chúa tên là YASODHARÀ. Thái tử SÌHANU đính hôn cùng Công chúa xứ Koliya tên là KÀNCANÀ. Còn Công chúa YASODHARÀ kết hôn cùng Thái tử xứ Koliya tên ÀNJANÀ.
    Sau khi vua cha thăng hà, Thái tử SÌHANU được lên kế vị, sanh được năm người con trai tên là SUDDHODANA, (âm là Sư Ðô Ðà Na hay nghĩa là Tịnh Phạn Vương) SUKKODANA, AMITODANA, DHOTODANA, GHANITODANA và hai Công chúa tên AMITÀ và PAMITÀ.
    Về phần Thái tử ÀNJANÀ về sau lên kế vị vua cha, còn vợ là bà YASODHARÀ, sanh được bốn người con, hai trai hai gái. Hai người con trai là Thái tử SUPPABUDDHA và DANDAPÀNI, còn hai Công chúa là MÀYÀ và PAJÀPATÌ (cũng gọi là GOTAMI).
    Vua SÌHANU cưới con gái của vua ÀNJANÀ là bà MÀYÀ và GOTAMI cho Thái tử SUDDHODANA (Tịnh Phạn).
    Vua xứ Koliya là ÀNJANÀ cưới hai người con gái của vua SÌHANU tên AMITÀ và PAMITÀ cho con trai mình là SUPPABUDDHA.
    Sau khi hai vị vua cha thăng hà, hai vị Ðông cung Thái tử hai nước lên làm vua.
    Ðức Tịnh Phạn Vương cùng bà MÀYÀ, hạ sanh được một vị Thái tử, đặt tên là Sĩ Ðạt Ta. Còn vua SUPPABUDDHA cùng AMITÀ sanh được một vị Thái tử, tên là Ðề Bà Ðạt Ða và một nàng Công chúa tên là Da Du Ðà La. Về sau, vua Tịnh Phạn cưới Công chúa Da Du Ðà La cho Ðông cung Thái tử Sĩ Ðạt Ta.
    Vấn: Bạch Ðại đức, trong Phật giáo có hai tên trùng nhau, tôi không phân biệt được rõ rệt, là Ðại đức NAN ÐÀ và Ðại đức ANANDÀ, xin Ngài hoan hỷ giải cho.
    Ðáp: đức Tịnh Phạn Vương kết hôn cùng hai bà Công chúa là bà MÀYÀ và GOTAMI. Bà MÀYÀ sanh Thái tử Sĩ Ðạt Ta, còn bà GOTAMI sanh được một vị, tên là Nan Ðà, và một bà Công chúa, tên là RÙPANANDÀ.
    Còn đức ANANDÀ là con vua SUKKODANA, là em thúc bá của đức Phật và là người đệ tử hầu cận Phật, có tài đức song toàn, biệt tài của Ngài là đức Phật dạy gì cũng đều thuộc lòng không quên một chữ.
    Vấn: Bạch Ngài, tại duyên cớ sao tên Sĩ Ðạt Ta có nghĩa là Vạn Sự Như Ý?
    Ðáp: Vì đức Tịnh Phạn Vương đã già rồi mà không có con nối ngôi, nên đêm ngày mong mỏi được một con trai nối dòng, sau sanh được một trai, ý muốn của Ngài được toại nguyện nên Ngài đặt tên là Vạn Sự Như Ý.
    Một lẽ nữa, vị đạo sĩ tên ASITA và ông Kiều Trần Như xem tướng của Thái tử có tiên đoán rằng nếu Thái tử xuất gia hành đạo chắc chắn sẽ thành chánh quả, nếu chúng sanh nào vâng giữ và hành theo lời chỉ giáo của Ngài thì sẽ được vạn sự như ý. Ðây là theo lời chú giải trong Tạng luật.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
  • No comments:

    Post a Comment