Monday, 10 June 2013

Vấn: Bạch Ngài, Ngài vừa ban bố ánh sáng đến cho tôi bằng cách giải bày lịch sử đức Phật, xin hết lòng tạ ơn Ngài. Nhưng bạch Ngài, xin Ngài vui lòng cho tôi biết người tu Phật phải làm sao trong bước đường đầu tiên?

Ðáp: Bước đường đầu tiên của người tại gia cư sĩ là phải thọ Tam qui và Ngũ giới.

Vấn: Tưởng chi chớ Tam qui và Ngũ giới, tôi đã có rồi; tôi có cả lồng phái nữa.

Ðáp: Tôi cũng biết người Việt chúng ta, trăm người như một qui y ai cũng có lãnh luôn lá phái, nhưng không biết qui y để làm gì và lá phái để chi? Nói qui y cho mạnh giỏi, thế là đủ, chớ không hiểu ý nghĩa của sự qui y là sao.

Vấn: Vậy chớ theo Ngài hiểu qui y là thế nào? Không phải nhờ oai đức của đức Phật đặng mạnh giỏi sao?

Ðáp: Ðó, ông cũng qui y cho mạnh giỏi. Thưa ông, qui y có ý nghĩa khác xa; tùy theo ta qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, sự qui y chỉ có ý nghĩa về triết lý và luân lý; nếu qui y đem sức khỏe đến cho ta, đó là sức khỏe tinh thần vậy. Qui y Phật có nghĩa là nương theo Phật, theo đấng hoàn toàn giác ngộ, giải thoát khỏi sanh, tử, luân hồi, theo gương mẫu, hành động của Ngài mà tu hành cho tinh tấn. Qui y Pháp nghĩa là nương theo Pháp tu của Phật, tin chắc những lời giảng dạy của đức Phật đủ khả năng dẫn ta vào con đường đi tới nơi vô sanh bất diệt, là đại Niết Bàn, tin theo rồi hành theo thành khẩn. Còn qui y Tăng là nương theo các vị xuất gia, đại biểu chơn chánh của đức Phật, có sứ mạng bảo tồn và hoằng dương giáo pháp. Nói tóm lại người cư sĩ phải nương theo ba ngôi tôn quí là Phật, Pháp, Tăng rồi thọ trì Ngũ giới hay Bát quan trai giới tùy theo đức tin của mình. Trong khi xin qui giới, ta phải hết lòng thành kính chú tâm vào lời truyền răn của các vị Ðại đức thay mặt cho Tăng và Phật truyền dạy ta.

Vấn: Bạch Ngài, theo lời của Ngài dạy thì cần phải khẩu truyền tâm thọ, hành theo mới được, chớ lãnh lồng phái không ích chi hết phải không Ngài?

Ðáp: Theo thiển kiến của tôi thì là vậy.

Vấn: Theo ý tôi, nếu đức Phật có oai lực có thể làm cho chúng sanh khỏi khổ thì lá phái cũng có oai lực cứu khổ phần nào.

Ðáp: Ðành rằng đức Phật có oai đức vô biên vô lượng, nhưng mà Ngài không thể ban cho ta sự an vui được, nếu ta không thật hành theo lời dạy bảo của Ngài. Thật vậy nếu mình đói, có người đem cơm đến mời mình ăn, mà mình không ăn, lại nhờ người khác ăn giùm, thì mình làm sao no được? Phật là người cho cơm; cơm là Pháp; mình đương đói cơm tức là chúng sanh đang đói Pháp. Bổn thân ta không dùng cơm, chúng sanh không hành Pháp, thì Pháp có huyền diệu cũng không cứu độ chúng sanh được. Vì vậy Phật đã có dạy rằng Ngài chỉ là vị hướng đạo, chớ không phải là người giải thoát chúng sanh, chúng sanh phải tự mình giải thoát bằng cách hành theo Pháp và noi gương Phật.

Vấn: Nếu vậy thì đức Thế Tôn ích kỷ lắm.

Ðáp: Tại sao gọi là ích kỷ?

Vấn: Vì Ngài không tế độ chúng sanh, không ban phước cho chúng sanh.

Ðáp: Ðức Phật là đấng từ bi vô lượng đối với chúng sanh hết lòng lo tế độ chúng sanh, không bỏ lỡ một cơ hội nào để tế độ chúng sanh; nhưng Ngài chỉ có thể tế độ những chúng sanh nào có duyên cùng Ngài, nghĩa là người ấy nghe và làm theo lời giảng dạy của Ngài. Ngài là đấng hướng đạo tài ba, biết rõ các đường lối; đường kia có hầm hố, thú dữ yêu tinh, đường này bằng phẳng, hiền lành, yên ổn... Ngài đứng nơi ngả tẽ, chiếu ngọn đèn từ bi, hướng người đi qua con đường này, mà bảo rằng đây là con đường độc nhất an vui, kìa là con đường cam go hiểm trở. Chúng sanh tự do chọn lựa, chớ Ngài không ép một ai.

Vấn: Bạch Ngài, Ngài nói vậy, có lẽ Ngài quên rằng có một lúc nọ đức Thế Tôn dùng thần thông độ ba anh em ông Uruvelakassappa (Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp)? Ngài dạy vậy có lẽ mâu thuẫn với kinh luật của đức Như Lai đã dạy rồi chăng?

Ðáp: Sở dĩ đức Thế Tôn tế độ ba anh em ấy là vì Ngài là đấng hoàn toàn sáng suốt, đã biết rằng ba vị ngoại đạo ấy có duyên sẽ đắc thành Thánh quả, nên Ngài không màng cực nhọc và không chấp sự khinh khi của ba vị ấy, khi chưa thông hiểu lẽ giải thoát. Ðây để chỉ cho ông thấy rõ thêm lòng kiên nhẫn và đức từ bi cùng sự hy sinh của một đấng siêu phàm.


Trái lại, Ngài không thể tế độ đức vua xứ Koliya là phụ vương của bà Da Du Ðà La, ngoại tổ của đức La Hầu La, vì đức Phật biết vua xứ Koliya là SUPPABUDDHA không có duyên lành với Ngài, đành để cho bị đất sụp chết.
Thậm chí dòng Thích Ca bị Thái tử VIDUDABHA tru diệt, Ngài cũng không can thiệp, đành để cho duyên nghiệp thanh toán mọi người theo luật nhân quả.

Vấn: Ngài dạy thế nghe cũng có lý, nhưng tôi xin ví dụ chuyện này:
Có một người kia té xuống hố sâu không thể lên được. Lúc ấy có một vị Ðại đức đi ngang qua lên tiếng nói vói xuống người mắc nạn: "Bần Tăng thấy người bị nạn như thế này lấy làm thương hại quá! Tại sao người té thế? Hồi trước bần Tăng cũng bị té như người, cũng tại nơi cái hố này, rồi bần Tăng cố leo theo con đường kia mà lên. Vậy người hãy rán leo theo con đường kia thì sẽ lên được an toàn." Nói xong vị Ðại đức ấy bỏ đi. Kế đó có vị Ðại đức thứ nhì đi đến, thấy người lâm nạn động lòng từ bi, bèn nhảy xuống đem lên. Vậy ở vào trường hợp ấy, ta phải cám ơn vị nào hơn?
Theo lý luận của Ngài thì vị đi trước là đức Phật. Vậy đức Phật ví như người qua đường thôi. Thế không phải là ích kỷ còn là gì nữa?

Ðáp: Không. Lý luận của tôi phải như vầy mới đúng. Nếu tôi rớt xuống hố ấy mà không lên được, thì vị Ðại đức kia cũng không lên được; nếu Ngài cố xuống thì lại chết cả hai. Vậy tôi cứ theo con đường của vị Ðại đức trước kia đã leo lên khỏi hố thì có phải là hoàn toàn hơn không? Vả chăng nếu tôi chưa muốn lên, mà vị Ðại đức ấy xuống đem tôi lên, thì tôi rầy lắm!

Vấn: Ngài nói vậy sao phải? Vị Ðại đức kia là bực thần thông quảng đại sao lại lên không được? Còn như nạn nhơn không muốn lên, đó là do nơi duyên nghiệp của nó.

Ðáp: Nếu nói rằng vị ấy có thần thông thì Ngài cần gì phải xuống hố đem tôi lên, cứ níu tay tôi hay dùng tí thần thông là đem tôi lên khỏi hố được dễ dàng. Còn nếu tôi nói rằng Ngài là người có thần thông biết rõ duyên nghiệp của chúng sanh, thì Ngài cần gì phải nhảy xuống tế độ, cứ để chúng sanh trả nghiệp cho yên.
Theo tôi thì sự cứu người cũng tùy theo trường hợp. Hễ gặp mà cứu, không nghĩ trước xem sau, thì có hại. Ví như có tên đạo tặc lấy trộm của người, đang bị cảnh sát truy nã, tên đạo tặc yêu cầu ta cho y tạm trốn; nếu ta cho, thì khi cảnh sát bắt gặp, ta lại bị can tội đồng lõa. Vậy trước khi tế độ cũng phải coi người có duyên cùng không. Theo ý tôi thì thái độ của vị Ðại đức thứ nhứt đúng lắm, vì Ngài chẳng qua là vị hướng đạo thôi.

Vấn: Ngài nói vậy cũng phải, song vị Ðại đức thứ nhì, trước khi xuống hố cứu nạn nhơn, có lẽ Ngài cũng đã thấy người có duyên rồi chớ?

Ðáp: Nếu vậy thì cũng như Ngài Ðại đức đi trước kia vậy, chớ có khác gì đâu. Nhưng vị Ðại đức sau chỉ khác một chút là xuống vớt lên. Theo tôi thì tôi tán thành vị thứ nhứt, vì lẽ chúng sanh cần phải tự độ, chớ không được ỷ lại vào sự tế độ của ai. Vả chăng tâm lý của chúng sanh chẳng khác chi tâm lý của người sa hố. Nếu người sa hố được có người vớt, thì họ cứ tha hồ phóng túng, vì họ nghĩ rằng dầu chẳng may mà họ có té xuống hố sâu chăng nữa, cũng có người vớt lên, chớ chết đâu mà sợ. Còn như không ai vớt lên mà có người chỉ đường cho họ để họ phải tự mò lấy mà lên thì họ lại nghĩ rằng: "Mỗi lần té là đau, mà không ai cứu vớt, chỉ phải tự mình tìm đường mà lên lấy thì khổ lắm. May là được người chỉ đường cho mới lên được, bằng không thì phải chết rã xương nơi hố này rồi." Một khi suy nghĩ như thế, họ kinh sợ và không dám tái phạm nữa, rồi tự họ bảo vệ lấy họ; có như vậy, mới được hoàn toàn hơn. Ðức Phật chỉ là một vị hướng đạo chớ không phải là người tiếp cứu, ban phước hay xá tội cho chúng sanh: tự chúng sanh phải hành theo lời Ngài chỉ dạy, nếu muốn thoát khỏi sanh, tử, luân hồi.
Ðức Phật ví như vị lương y biết tất cả các nguyên nhân sanh ra các chứng bịnh, rồi Ngài biết chế ra các thứ thuốc thích ứng để chữa các chứng bịnh. Ngài biết chúng sanh bị bịnh gì thì cho thuốc ấy; nhưng bịnh nhân không chịu uống, thì Ngài cũng phải đành co tay: đức Phật không bao giờ bắt buộc ai hành theo Ngài.

Vấn: Bạch Ngài, Ngài dạy thấy có mâu thuẫn không, vì tôi thấy trong kinh có dạy rằng: đức Phật A Di Ðà có tiếp độ chúng sanh vãng sanh về cõi Cực lạc. Vậy, cũng là Phật, trong việc tế độ, đức A Di Ðà và đức Thích Ca lại khác nhau sao?

Ðáp: Ðã nhiều năm nghiên cứu kinh điển bằng PÀLI, tôi chưa bao giờ thấy nói về đức Phật A Di Ðà, hoặc sự tiếp độ của một vị Phật nào mường tượng như của đức Phật A Di Ðà mà ông nói đó. Dầu sao, tôi tưởng có thể nói với ông rằng theo lý của kinh, nếu có đức A Di Ðà chăng nữa thì Ngài có thể tiếp độ những người có duyên với Ngài, nghĩa là những người chuyên trì danh hiệu của Ngài; chớ không bao giờ Ngài mang tràng phan bảo cái đi rước những người suốt đời làm việc hung ác như sát sanh, trộm cắp v.v... Chắc chắn không có kinh nào nói rằng đức A Di Ðà độ người không chuyên trì danh hiệu của Ngài.

Vấn: Tôi thường nghe các bậc Cao Tăng Ðại đức dạy rằng cảnh của đức A Di Ðà rộng lớn thênh thang, đẹp vui cùng cực, còn cảnh của đức Thích Ca thì nhỏ hẹp, nên đức Thích Ca không tiếp độ chúng sanh, mà để cho đức A Di Ðà tiếp độ. Bạch Ngài như thế có đúng hay không?

Ðáp: Tôi xin thú thật với ông rằng: "Cảnh của đức Thích Ca và cảnh của đức A Di Ðà, tôi chưa từng đi đến, nên tôi không biết rộng và hẹp ra thế nào. Còn theo ông thì cảnh của đức Thích Ca ở đâu?".

Vấn: Theo kinh, luật thì cảnh của đức Thích Ca ở Tây Thiên Trước, tức là Ấn Ðộ.


Ðáp: Ta phải quan niệm rằng trong bổn thể của đức Thích Ca có hai cá thể: một cá thể phàm, tức là phần con người Thái tử Sĩ Ðạt Ta; một cá thể phi phàm, tức là phần chơn linh giác ngộ đã thành Phật. Nếu chấp nhận quan niệm đó thì xứ Ấn Ðộ vốn là xứ sở của Sĩ Ðạt Ta, như chúng ta đã biết từ lúc mở đầu chuyện luận đạo này; còn xứ sở của đấng giác ngộ, của Phật Thích Ca, thì lại là Niết Bàn. Ấn Ðộ thuộc cõi tam giới, là chốn ngự trị của vô thường, khổ não; Niết Bàn là cõi an lạc vô biên, Ma vương không biết đâu mà tìm đến.

Vấn: Theo lời dạy của Ngài thì cảnh Niết Bàn không có gì cả, nghĩa là hoàn toàn giải thoát, vậy chớ Không là Không thế nào?

Ðáp: "Không" có nhiều nghĩa là: không còn xác thân này, không sanh, không già, không đau, không buồn rầu, than van, thất vọng; ta có thể nói tóm lại là cảnh Niết Bàn không có khổ não.

Vấn: Nếu Ngài dạy thế thì còn chi khoái lạc cho bằng, nhưng xin lỗi Ngài, hiện giờ Ngài có đạt Niết Bàn chưa mà Ngài rõ được quả vị của Niết Bàn?

Ðáp: Tôi chưa đạt Niết Bàn, nhưng tôi nhận rằng có Niết Bàn và Niết Bàn có quả vị như tôi đã nói. Xin ông vui lòng trả lời những câu tôi hỏi, nếu ông trả lời được thì ông nhận thấy quả vị của Niết Bàn có thật vậy. Ông có biết rằng những người cụt tay, cụt chơn có khổ lắm không?

Vấn: Bạch Ngài, tôi biết họ khổ lắm chớ.

Ðáp: Tại sao ông biết những người ấy khổ, trong lúc chính ông không bị cụt tay chơn?

Vấn: Thật Ngài hỏi rắc rối quá! Ðành rằng tôi không lâm vào cảnh của họ, mà tôi vẫn nhận thức như vậy, vì tôi tin rằng trong thân thể chúng ta mà thiếu một món gì thì khổ lắm.

Ðáp: Thật ra thì câu hỏi của tôi không rắc rối lắm, nó chỉ tương đương với câu hỏi của ông thôi. Sự thật thì tôi chưa được hưởng quả vị của Niết Bàn, nhưng tôi được học hỏi và dùng trí tuệ suy gẫm quan sát để hiểu rằng: Lẽ cố nhiên trên đời này không có gì gọi là tuyệt đối. Hễ có khổ thì có pháp diệt khổ, cũng như có luân hồi thì dĩ nhiên phải có giải thoát.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment