Monday, 10 June 2013

Vấn: Xin Ngài giải cho tôi rõ chi là Tướng của trí tuệ? Chi là Vị của trí tuệ? Chi là Thật tướng của trí tuệ?

Ðáp: Tư cách phá tan hay là diệt trừ tận gốc của các ác pháp là Tướng của trí tuệ. Tư cách đánh đổ được sự mờ ám là sự si mê che đậy hay phá hoại các ác pháp là Vị của trí tuệ.
Sự không si mê theo các ác pháp và không quên mình để bị sự cám dỗ của Ma vương là Thật tướng của trí tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, nếu muốn làm cho trí tuệ tấn hóa và phát sanh thêm, phải làm thế nào?

Ðáp: Chư hành giả muốn cho trí tuệ phát sanh thêm hay là làm cho trí tuệ tấn hóa thì phải học cho biết pháp nào là Nền tảng của trí tuệ và bảy điều Thanh tịnh, tiếng Păli gọi là VISUDDHI.

Vấn: Tôi chưa từng thấy nơi nào dạy nền tảng và bảy điều thanh tịnh như Ngài vừa dạy, vậy xin Ngài vui lòng giảng giải cho tôi rõ.

Ðáp: Những pháp có trạng thái khác nhau là KHANDHA nghĩa là Uẩn, ÀWYATYANA nghĩa là Căn trần, DHÀTU nghĩa là Tứ đại, INDRIYA nghĩa là Căn. Khi hành giả trông thấy rõ rệt các pháp ấy và không ham mê theo, là đã có nền tảng của trí tuệ.
Còn bảy điều thanh tịnh " VISUDDHI " là:
1/ SÌLAVISUDDHI, Giới thanh tịnh,
2/ CITTAVISUDDHI, Tâm thanh tịnh, (Hai pháp này là nguồn cội sanh trí tuệ).
3/ DITTIHISUDDHI, Thanh tịnh vì hiểu thấy chơn chánh,
4/ KANNKHAWVITARANAVISUDDHI, Thanh tịnh vì diệt bỏ được sự hoài nghi,
5/ MAGGÀMAGGANNANADASSANAVI-SUDDHI, Thanh tịnh và Trí tuệ biết rõ đây là Chánh đạo hay là Tà đạo (Ðạo đây ý nói là đường).
6/ PATIPADÀNÀNADASSANAVISUDDHI, Thanh tịnh vì Trí tuệ trông thấy rõ sự hành theo chánh đạo.
7/ NÀNADASSANAVISUDDHI, Thanh tịnh vì trông thấy rõ Thánh đạo. Năm điều sau này ví như là thân hình của trí tuệ. Hay nói cho dễ hiểu hơn là hiện thân của trí tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, khi trí tuệ tấn hóa như thế, hành giả được hưởng những quả báu gì?

Ðáp: Không một ai có thể đo lường quả của trí tuệ được. Nhưng thấy có chỗ đức Thế Tôn dạy có bốn:
1/ Khi có trí tuệ rồi mới có thể tiêu trừ được các phiền não.
2/ Nhờ trí tuệ ta mới được hưởng mùi vị của Thánh quả.
3/ Có thể nhập Diệt thọ Vô Tưởng Ðịnh được (vì đã đắc được từ quả A Na Hàm trở lên).
4/ Có thể đem mình đến nơi mà chúng sanh lễ bái cúng dường (ý nói rằng đáng gọi là Phước điền của nhân loại).

Vấn: Bạch Ngài, tôi thường nghe có chỗ gọi là Bát Nhã. Vậy Trí tuệ và Bát Nhã khác nhau chỗ nào?


Ðáp: Tiếng Bát Nhã là tiếng âm từ tiếng Nam Phạn là PANNÀ hay Bắc Phạn gọi là PRÀJNÀ tiếng ta dịch là trí tuệ cũng đồng một ý.

Vấn: Bạch Ngài, trước hết muốn làm cho trí tuệ phát sanh phải làm cách nào?

Ðáp: Phải hành theo bốn pháp là:
1/ Thân cận với các bậc có trí tuệ.
2/ Ráng nghe lời chỉ dạy của các Ngài.
3/ Cố tâm nghiên cứu lời giảng dạy của đức Thế Tôn.
4/ Hành theo pháp của đức Thế Tôn đã giáo truyền.
Còn có bốn pháp nữa là:
1/ Phải ráng nghe pháp.
2/ Phải suy nghĩ cho chu đáo sau khi nghe xong.
3/ Khi suy nghĩ kỹ rồi nhưng còn chỗ nghi ngờ nên hỏi lại.
4/ Khi hỏi và hiểu rõ nên viết để dành.
Ðây là bước đường tiến hóa của Trí tuệ.

Vấn: Bạch Ngài, chúng ta làm thế nào mà phân biệt được rằng có trí tuệ hay không?

Ðáp: Có bốn điều làm cho ta phân biệt được là:
1/ Biết rõ rằng: Ðây là ÁC PHÁP.
2/ Biết rõ rằng: Ðây là THIỆN PHÁP.
3/ Phân biệt được Ác pháp hay Thiện pháp không cho lẫn lộn nhau.
4/ Diệt bỏ tất cả Ác pháp, vun trồng thêm thiện căn.
Sự hành động như thế gọi là Phàm tuệ. Ðiều này ví như người làm tràng hoa biết chọn lựa các thứ hoa tươi, thơm và đẹp kết thành tràng hoa.

Vấn: Theo lời Ngài dạy trí tuệ có hai phần là Phàm tuệ và Thánh tuệ. Bạch Ngài, hai tuệ ấy khác nhau thế nào?

Ðáp: Phàm tuệ trí như trái cây còn sống chưa ăn được vì Phàm tuệ chưa giải thoát được bởi chưa hoàn toàn, lắm lúc còn bị phiền não làm cho mờ ám.
Thánh tuệ là tuệ của các bậc Thánh nhơn đã tiêu diệt được tận gốc của phiền não, không còn một tý bợn nhơ nào trong tâm, mặc dầu còn trong trần, nhưng sau khi bỏ xác thân này thì nhập Niết Bàn.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment