Monday, 10 June 2013

Vấn: Bạch Ngài, lúc nãy Ngài có dạy hãy hành thêm sự Bố thí và Thiền định. Bố thí, tôi thấy tôi có thể tạm hiểu, còn Thiền định là chi?

Ðáp: Thiền là tiếng âm theo Păli, là JHÀNA, nghĩa là thiêu đốt những ác pháp, như hôn trầm, phóng tâm, v.v... Nhưng chúng ta quen dùng tiếng THIỀN ấy như là tiếng Việt, lại hiểu nghĩa có khác chút là: Yên lặng. Còn chính Păli là SAMÀDHI nghĩa là gom tâm cho trụ chắc vào một đề mục, không cho tâm xao lãng. Khi hai tiếng ấy đi đôi nhau thì chúng ta lại hiểu nghĩa là: Làm cho Tâm yên trụ vào một chỗ, không cho Tâm vọng mống theo Ngũ trần. Bởi tâm của chúng ta không bao giờ chịu trụ vào một chỗ, nó chạy theo các điều ưa thích, luân chuyển mãi như cái bánh xe lăn. Tâm con người vọng mống cho đến khi ngủ mà nó cũng vẫn nằm mộng. Vì vậy nên đức Thế Tôn dạy dùng đề mục để cột tâm lại. Phương pháp làm cho tâm không vọng động gọi là Chỉ quán, có bốn mươi cách khác nhau, tôi không thể giải thích nơi đây rõ rệt cho ông, xin ông vui lòng tìm xem trong bộ "ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP", tạp chí do một nhóm Cư sĩ ở Nam Vang xuất bản.
Ðức Phật có dạy: Trước khi muốn làm cho tâm ta mau trụ thì phải có giới hạnh trong sạch. Tâm chúng ta hằng rung động chạy theo triều lưu của cảnh trần. Vì lẽ ấy nên đức Thế Tôn có dạy trong kinh Pháp Cú một câu kệ rằng:
VÀRIJOVA THALE KHITTO OKAMOKATA UBBHATO
PARIPHANDATIDAN CITTAM MÀRADHEYYAN PAHÀTAVE.
Nghĩa là: Cá mà người ta bắt lên khỏi nước rồi, bỏ nó trên khô nó hằng giẫy giụa như thế nào thì tâm của hành giả bị đem ra khỏi chỗ nó hằng ở là Ngũ trần rồi khép nó vào khuôn khổ là Minh sát, cốt để dứt bỏ sự tham muốn (là lưới) của Ma vương thì nó hằng lay động thế ấy.
Theo câu Phật ngôn này, ta thấy rõ rằng: Tâm ta đã ngâm trong Ngũ trần hằng vô số kiếp, nó bị Ma vương cám dỗ và đã thâm nhiễm điều xằng bậy không lo giải thoát; một khi ta nhận thức được con đường giải thoát của đấng đại Từ bi tìm thấy và hành theo, thì phải nhờ giới đem tâm ấy ra khỏi ngũ trần, phải khép tâm vào khuôn khổ là Thiền định.
Vì tâm tham mê theo Ngũ trần nên không trông thấy cái vô thường, khổ não và vô ngã; một khi Tâm được an tịnh thì mới sanh trí tuệ nhận thấy rõ ba tướng ấy. Ðây tôi chỉ giải sơ lược thôi, xin ông tìm xem tạp chí "ÁNH SÁNG PHẬT PHÁP" rõ hơn.

Vấn: Ngài dạy vậy thì tôi đành tìm coi tạp chí ấy, song xin Ngài vui lòng cho tôi hiểu thêm về vấn đề Thiền định chút nữa. Ngài có dạy rằng SAMÀDHI là "ÐỊNH" mà định ấy là thế nào?

Ðáp: ÐỊNH nghĩa là làm cho tâm an trụ lại một chỗ, gọi là đề mục, không cho tâm chạy theo trần cảnh là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, bắt tâm phải chăm chú vào một đề mục, không xao lãng, lấy đề mục làm mục phiêu niệm tưởng.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài vui lòng chỉ rõ TƯỚNG, VỊ, THẬT TƯỚNG, và NỀN TẢNG của ÐỊNH ấy ra thế nào?

Ðáp: Theo tôi biết thì ông không phải là người mới bắt đầu học đạo. Nếu tôi đoán không sai thì ông đã nhiều năm nghiên cứu; nay ông hỏi đạo với tôi, hoặc là để thấu hiểu đạo lý sâu xa, hoặc là ông muốn hỏi tôi cho tôi không thể trả lời được. Nếu thật lòng ông hỏi để hiểu thêm thì nên, bằng hỏi để cho tôi không trả lời được thì xin ông cho tôi nghỉ còn hơn, vì hỏi như thế để thỏa lòng hiếu kỳ thì không bổ ích chi cho chúng ta hết. Riêng tôi thì tôi tin rằng tôi không đến nỗi không trả lời được.

Vấn: Bạch Ngài, tôi đã dày công nghiên cứu Phật giáo nhưng không được thông rõ, vì cuộc vật lộn với đời không rảnh rang để tầm học thêm; nên hôm nay duyên may run rủi gặp Ngài có thể chỉ dạy thêm cho tôi, nên tôi mới dám hỏi, xin Ngài tha thứ và chỉ thêm, xin Ngài coi tôi như một người thiện nam của Ngài.


Ðáp: Nếu vậy thì tôi rất vui lòng giải những gì mà ông muốn hỏi, tùy theo sự hiểu biết của tôi:
1/ Sự không giãi đãi là TƯỚNG của Thiền định.
2/ Sự đánh đổ được giãi đãi là VỊ của Thiền định.
3/ Sự không giãi đãi là THẬT TƯỚNG của Thiền định.
4/ Sự yên vui của thân và tâm là NỀN TẢNG của Thiền định.

Vấn: Bạch Ngài, nguyên nhân chi làm cho Thiền định nhơ đục?

Ðáp: Sự tham mê trong Ngũ trần là NGUYÊN NHÂN làm cho Thiền định nhơ đục. Trái lại, sự tinh tấn và không nhớ đến Ngũ trần là nguyên nhân làm cho Thiền định được trong sạch.

Vấn: Nếu ta muốn cho Thiền định được phát sanh phải nhờ vào pháp chi?


Ðáp: Nếu ta muốn cho Thiền định phát sanh phải nhờ sáu pháp là:
1/ Giữ giới cho trong sạch.
2/ Phải cắt dứt những gì dính dấp với ta, nghĩa là đoạn tuyệt sự quyến luyến và các sự tiếp xúc với đời.
3/ Phải thân cận với các bậc trí thức, hiểu thông lối giải thoát để chỉ dạy mình.
4/ Phải học đề mục đúng với tánh mình.
5/ Chỗ ở phải hợp với tánh mình.
6/ Phải thông hiểu rành phương pháp hành đạo làm cho Thiền định phát sanh mau chóng.

Vấn: Bạch Ngài, tôi hiểu năm pháp đầu, nhưng về pháp thứ sáu Ngài dạy rằng "Thông hiểu rành phương pháp hành đạo làm cho Thiền định phát sanh mau chóng", bạch Ngài, phương pháp ấy như thế nào? Có mấy chi?

Ðáp: Có mười pháp làm cho Thiền định phát sanh:
1/ Làm cho bề ngoài được trong sạch, nghĩa là thân và đồ vật dụng được sạch sẽ.
2/ Làm cho ngũ căn đồng nhau. Ngũ căn ấy là: Tính căn, Tấn căn, Niệm căn, Ðịnh căn, Huệ căn.
3/ Phải thông hiểu rõ đề mục, nghĩa là phải làm cho tâm trụ trong đề mục của mình niệm.
4/ Phải biết cột tâm lại, nghĩa là khi nào biết tâm giãi đãi thì hành giả phải biết cách kềm chặt nó vào một đề mục và làm cho nó tinh tấn thêm.
5/ Phải biết đè nén tâm xuống một khi biết rằng tâm mình rất tinh tấn quá hơn bốn pháp kia.
6/ Phải biết làm cho tâm vui trong khi tâm bực bội.
7/ Phải xem chừng tâm trong khi thấy nó khắn khít với đề mục thái quá, phải kéo bớt nó lại cho vừa với sức của mấy pháp kia.
8/ Không nên giao tiếp với người có tâm phóng túng, nghĩa là người không làm được một chuyện gì có kết quả.
9/ Phải thân cận với các bậc thiện trí thức mà tâm không giãi đãi, trái lại tinh tấn, an định và không vọng động.
10/ Phải cố đem tâm đến mục đích là AN ÐỊNH.

Vấn: Bạch Ngài, thế tôi đã hết hoài nghi; nhưng Ngài còn dạy rửa lòng trong sạch là rửa cách nào?

Ðáp: Tiếng Việt chúng ta thường dùng tiếng lòng thay thế cho tiếng tâm. Ðây là nói rửa tâm là làm cho tâm trong sạch.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài dạy cho tôi biết: Khi chúng ta làm phước và tội, phước và tội ấy ta để đâu?

Ðáp: Ðể trong tâm.


Vấn: Nếu phước và tội để trong tâm, tôi không hiểu tại sao đức Phật dạy: Rửa tâm trong sạch. Khi chúng ta rửa tâm trong sạch, thì phước và tội đều đi mất hết chăng?


Ðáp: Câu này, ông hỏi nghe xuôi lắm, nhưng theo lý thì không như lời ông hỏi. Những pháp của đức Thế Tôn dạy có chỗ chúng ta phải dùng trí tuệ để suy nghĩ mới thấy rõ, cũng có chỗ chúng ta không phải mệt trí để suy nghĩ cũng có thể nhận thức được; câu ông hỏi đây cũng vậy, ông cần phải suy nghĩ thêm cho nhiều mới hiểu rõ được. Pháp đây, đại khái đức Thế Tôn dạy có ba pháp.
A) Pháp trắng
B) Pháp đen
C) Pháp không trắng không đen.
Giải:
1/ Pháp trắng kết quả trắng. Pháp trắng đây ngụ ý chỉ pháp thiện. Pháp thiện có nghĩa là sự an vui, nếu ta làm lành như là bố thí, trì giới hay tham thiền thì ta được hưởng quả an vui trong kiếp hiện tại và vị lai, vì đó là nguyên nhân làm cho tâm ta trong sạch.
2/ Pháp đen trả quả đen. Pháp đen đây ý nói tất cả các Ác pháp, nếu hành Ác pháp thì trả quả khổ vì đó là phiền não ở trong tâm ta.
3/ Pháp không trắng không đen, kết quả không trắng không đen. Ý nói rằng: Người làm phước không làm cho hoàn toàn trong sạch, hay không hiểu cho rõ thế nào gọi là phước, thế nào gọi là tội và khi làm tội, cũng không làm những tội vĩ đại, vì vậy nên khi bị hay được quả cũng bằng một cách lưng chừng không rõ rệt, vui cũng không hoàn toàn vui, khổ cũng không hoàn toàn khổ.
Ðức Thế Tôn biết rằng tâm chúng sanh rất là bẩn thỉu, xấu xa, chất chứa nhiều phiền não, phiền não ấy ví như là tấm vải đen mà nhơ nhớp, nên Ngài dạy rửa tâm cho trong sạch, nghĩa là làm cho hết phiền não, hay là làm cho trắng; mà trắng ấy chính là pháp thiện. Ý Phật muốn dạy chúng ta hãy cố xóa hay rửa bỏ những điều xấu xa đê tiện, là ác pháp ở trong lòng ta và tạo thêm phước thiện, là Giới, Ðịnh, Huệ. Ba pháp này gọi là Thiện pháp hay là Pháp trắng. Vì vậy nên đức Phật dạy phải rửa lòng trong sạch, phải tiêu trừ những điều tội lỗi cho tâm được trong sạch, ý dạy ta phải hành cho đắc quả Niết Bàn, chớ không phải rửa tội như đạo Bà La Môn ở con sông GANGÀ. Vì rửa tội bên ngoài là thuộc về phần thể xác; còn về phương diện tinh thần ta không thể hiểu cho cách rửa tội ấy được. Nếu nói cụ thể văn hoa thì có thể hiểu là phải rửa tội bằng nước của các con sông Bố thí, Trì giới, Tham thiền mới làm cho tâm được trong sạch.

Vấn: Bạch Ngài, như vậy người tu Phật muốn đắc quả Niết Bàn phải nhờ mấy nguyên nhân?

Ðáp: Phải có đủ ba nguyên nhân là:
1/ Nhờ quả báu đã tạo từ quá khứ.
2/ Cố làm những điều phước thiện, xa những tội lỗi xấu xa.
3/ Do trí tuệ diệt trừ tận gốc của phiền não.

Vấn: Bạch Ngài, câu thứ ba dạy "Do nhờ trí tuệ". Vậy trí tuệ là chi, xin Ngài giải rõ?

Ðáp: Trí tuệ nghĩa là sự quan sát trông thấy thân này là Vô thường, Khổ não, và Vô ngã.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ dạy tôi biết và thấy rõ cái đại khái của trí tuệ ra thế nào, và nó khác với Tưởng và Thức thế nào?

Ðáp: Trí tuệ đại khái là hiểu rõ triệt để các lý lẽ của Vô thường, Khổ não và Vô ngã, là hiểu tận nguồn gốc của ba pháp. Trí nghĩa là hiểu rõ LÝ, SỰ; Tuệ nghĩa là Tinh mẫn, là Rành rẽ. Tiếng Trí tuệ phải hiểu khác hơn Tưởng và Thức như vầy:
Tưởng chỉ biết rằng vật này có màu xanh, đỏ hoặc lớn, nhỏ, dài, ngắn v.v... chớ không thể nhận định rằng những vật ấy đều ở trong ba tướng là Vô thường, Khổ não và Vô ngã.
Còn Thức đã biết rõ hình dáng và màu sắc của vật trông thấy, còn có biết hơn cái thấy này nữa, là biết rằng những gì mà đã trông thấy đều là Vô thường, Khổ não và Vô ngã. Nhưng THỨC không thể đoạn được phiền não ấy để đắc QUẢ Niết Bàn được. Chỉ có Trí tuệ mới là hoàn toàn nhận biết hình thể màu sắc là Vô thường, Khổ não và Vô ngã, mà lại còn có thể quán tưởng biết rõ nguyên nhân rồi đoạn tuyệt phiền não, đắc QUẢ NIẾT BÀN. Nhưng Tưởng, Thức và Trí tuệ không thể nào xa nhau được, ví như một đứa bé, một bà mẹ và người thợ bạc. Khi đứa bé lượm được cục vàng nó chỉ biết cục vàng thôi chớ nó không biết giá trị của cục vàng ấy; nó mới đem về cho mẹ nó coi; người mẹ biết rằng: Vàng là vật có giá trị, có thể làm vòng, cà rá, dây chuyền được, nhưng bà không thể làm ra những món đồ đó được, phải đi nhờ người thợ bạc làm. Ðứa bé ấy ví như Tưởng, vì Tưởng chỉ biết màu, hình của vạn vật nhưng không biết giá trị. Thức ví như bà mẹ vì biết rõ màu sắc giá trị của vàng, là biết Vô thường, Khổ não, Vô ngã, nhưng không thể dứt phiền não để thoát khỏi ba tướng ấy. Còn Trí tuệ biết hơn hai pháp kia, là biết chỗ đoạn diệt được tận gốc phiền não, và giải thoát khỏi Vô thường, Khổ não và Vô ngã, cũng như người thợ bạc biết làm vàng ấy ra những món nữ trang. Cả ba Pháp ấy có tánh cách khác nhau như thế.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment