Wednesday, 7 August 2013

Triết Lý Ðạo Phật  . hay là Ðại Cương Kinh Lăng Nghiêm.


(Trích Phật Học Phổ Thông)



Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

-o0o-


 
A.- PHẦN DUYÊN KHỞI 
B.- PHẦN CHÁNH ĐỀ 
I.- Nguyên nhơn Phật nói kinh 
II.- A Nan cầu Phật dạy phương pháp tu hành, lần thứ nhất. 
III.- Phần lược giải: 
1. Định danh và giải nghĩa tên kinh. 
2. Nội dung kinh Lăng Nghiêm 
 

A.- PHẦN DUYÊN KHỞI 
Người đến đô thành lạ, nếu chẳng có bản đồ, thì không sao khỏi lầm đường lạc nẻo. Người đi trong biển khơi dịu-vợi, sóng dồi gió dập, lênh đênh giữa biển, nếu không có kim chỉ-nam, thì không dễ vượt qua mấy vạn trùng dương, trở về xứ sở. Người đi đánh giặc, nếu không có binh thơ đồ trận, không hiểu chiến thuật, chiến lược, thì không sao thắng được giặc, đem trở lại trật tự an ninh cho nước nhà, và giữ gìn non sông cẩm tú. Kẻ làm thợ nếu chẳng có mực thước, thì không sao làm thành món đồ có giá trị được. 
Người tu hành cũng thế, nếu không hiểu được lối thắng, khúc quanh, chỗ đèo ải gay go, nơi hố hầm nguy hiểm trong đường lối tu hành, lớp lang chứng đạo, thì không sao khỏi lạc vào nẻo tà, sa nơi ác đạo. 
Kinh-Lăng-Nghiêm là một bộ kinh quý báu vô cùng, chỉ đường lối tu hành một cách rành mạch, nào là giáo, lý, hạnh, quả đều rõ ràng. Người tu phải trải qua bao nhiêu địa vị, trong khi tu gặp những đều nguy hiểm thế nào, mà phải làm sao mới tránh khỏi những điều nguy-hiểm ấy, thì trong Kinh-Lăng-Nghiêm dạy hết sức rõ ràng. 
Nói đến Kinh-Lăng-Nghiêm, hàng Phật tử ai chẳng nghe tiếng là một bộ kinh Đại-thừa, vừa hay nhất, mà cũng vừa quý nhất. Người tu hành hiểu được Kinh-Lăng-Nghiêm, chẳng khác nào người bộ hành có bản đồ, kẻ thủy thủ có kim chỉ nam, người thợ có dây mực, cây thước, kẻ chiến sỹ có binh thư đồ trận. 
Vì Kinh-Lăng-Nghiêm quý giá như thế, nên thuở xưa các vị vua Ấn Độ cho là một quốc bảo, giữ gìn nghiêm ngặt không cho truyền bá ra ngoài. Trong lúc ấy bên Tàu, có Ngài Thiên-thai Trí-giả Đại-sư, được nghe Kinh-Lăng-Nghiêm quý báu như vậy, nên mỗi ngày hai lần sớm chiều xây mặt về phía Tây (Ấn Độ) quỳ lạy cầu khẩn cho Kinh-Lăng-Nghiêm được sớm truyền bá qua Tàu, để lợi ích quần-sanh. 
Cách 100 năm sau, có Ngài Bát-thích-Mật-đế , người Ấn Độ, đã nhiều lần tìm cách đem Kinh-Lăng-Nghiêm đến truyền bá tại Trung Hoa, nhưng không kết quả, vì luật nước nghiêm cấm, kiểm soát rất chặt chẽ. 
Đến lần cuối cùng, Ngài viết kinh trong tấm lụa mỏng, rồi cuốn lại, xẻ thịt bắp vế nhét vào, băng lại làm như người có ghẻ, mới đem ra được khỏi nước. 
Chúng ta nên nhớ tưởng lại kỳ-công "Vị pháp vong xu" của Ngài Bát-Thích-Mật-Đế. Thử nghĩ: Một cây cỏ cắt vào da còn đau; một mụt ghẻ con, còn biết nhức; huống chi xẻ một đường dài nơi bắp thịt, nhét cho được một cuốn lụa con, trải qua bao nhiêu ngày, từ Ấn Độ sang đến Trung Hoa. Nếu không may bị tiết lộ thì phải tử hình. Như thế chúng ta đủ thấy sự quý báu của Kinh-Lăng-Nghiêm là dường nào! tâm vì đạo quên mình của Bồ Tát Bát-Thích-Mật-Đế đáng cho chúng sanh trọn đời bái phục. 
Khi Ngài Bát-Thích-Mật-Đế đem Kinh-Lăng-Nghiêm này qua Tàu, đến đất Nam-thuyên, gặp quan Thừa-tướng tên Phòng-dung, là bậc bác học uyên thâm, lại có lòng mộ Phật, nên Ngài trình bày với Thừa-tướng, về giá trị của Kinh-Lăng-Nghiêm mà Ngài đã huyền diệu sinh mang đến. 
Quan Thừa-tướng Phòng-Dung nghe nói rồi hết sức mừng rỡ, cho là đặng một vật báu chưa từng có. Nhưng khi đem cuốn lụa ra thì, vì bị máu mũ bám vào lâu ngày, nên mất cả chữ nghĩa. 
Một bà có công lớn trong việc này, là Phu-nhân của Thừa-tướng Phòng-Dung. Bà đem cuốn lụa ấy nấu với một chất hóa học, thì máu mũ đều theo nước mà tan đi, chỉ lưu lại các nét mực, nên còn thấy để phiên dịch. 
Quan Thừa-tướng thỉnh Ngài Bát-Thích-Mật-Đế dịch chữ Phạn ra chữ Tàu. Ngài Di-Già-Thích-Ca dịch từ ngữ, còn quan Thừa-tướng nhuận-sắc. Bởi thế nên Kinh-Lăng-Nghiêm chẳng những nghĩa lý rất hay, mà văn chương còn tuyệt diệu! Từ xưa các học giả, không những trong đạo Phật, mà cả đạo nho, các đại gia văn chương, một phen xem đến Kinh-Lăng-Nghiêm, đều kính phục và vô cùng khen ngợi cái nghĩa lý cao siêu, và văn chương tuyệt diệu của kinh. 
B.- PHẦN CHÁNH ĐỀ
I.- NGUYÊN NHÂN PHẬT NÓI KINH LĂNG NGHIÊM
Theo lệ thường, mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, là ngày mãn hạ, chư Tăng cùng trong tự tứ, để rửa sạch những hành vi lỗi-lầm và những tưởng không tốt, cho giới thể được thanh tịnh, vì trong ba tháng kiết hạ an cư, chư Tăng đều thúc liễm thân tâm, trau giồi giới hạnh, tích công lũy đức, nên đến ngày mãn hạ, các hàng Phật tử cư sĩ đều đua nhau sắm đủ các món trai diên, thỉnh chư tăng đến cúng dường, để gieo trồng cội phúc. 
Hôm ấy, nhằm ngày húy nhựt của Tiên-Hoàng, nên vua Ba-Tư-Nặc sắm đủ các món trân tu mỹ vị rất linh đình, rồi chính vua thân hành đến rước Phật và chư Tăng về cúng dường. 
Cũng hôm ấy, các hàng trưởng giả, cư sĩ đều sắm đủ thức cơm chay, cung thỉnh chư Tăng đến cúng dường. Phật bảo Ngài Văn-thù chia ban, để đi đến từng nhà thọ cúng. 
Trong lúc ấy, ông A-nan ví đã chịu người thỉnh riêng trước, nên trở về chẳng kịp để dự vào hàng chúng Tăng thọ cúng . 
Ông mang bình bát đi vào thành, oai nghi tề chỉnh, bộ điệu chậm rãi, qua từng nhà một để khất thực. Với tâm bình đẳng, ông muốn làm phước điền cho tất cả mọi người, không phân biệt bậc quý phái hay hạng bình dân. Ông chỉ mong gặp những người chưa biết làm phước, hôm nay phát tâm cúng dường, để họ được ương trồng hạt giống lành, đặng ngày sau hưởng quả. 
Vì lòng từ bi bình đẳng không lựa chọn, nên ông tuần tự trải qua các xóm làng. Không may ông gặp nhà tín-nữ ngoại đạo, tên Ma-Đăng-Già, dùng phép huyễn thuật là thần chú của Ta-Tỳ-Ca-La Tiên Phạm-thiên, bắt vào phòng, dùng đủ lời dịu ngọt, vuốt ve mơn trớn, ép uổng về tình duyên!.... 
A-nan bị nạn, hết sức buồn rầu! Ông chắp tay niệm Phật, hướng về Đức Chí-tôn cầu cứu ! ...Phật biết A-nan bị nạn, nên khi thọ trai xong không kịp thuyết pháp, liền trở về tịnh xá ngồi kiết-già, trên đảnh phóng hào quang, hào quang ấy có ngàn cánh, trên hoa sen có đức Hóa Phật ngồi kiết-già, nói thần chú Lăng-Nghiêm (mỗi buổi khuya các chùa đều tụng) . 
Phật bảo Ngài Văn-thù đem thần chú ấy đi đến chỗ nàng Ma-Đăng-Già, để phá trừ tà chú, cứu nạn cho A-nan. 
II.- A-NAN CẦU PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH LẦN THỨ NHỨT
Khi ông A-nan được thoát nạn, về đến chỗ Phật, cúi đầu kính lạy, buồn tủi, khóc than và bạch Phật rằng: 
-Bạch Thế Tôn! Con từ hồi nào đến giờ có lòng ỷ lại: Con là em Phật, được Phật thương yêu, chắc chắn Phật sẽ ban cho con thần thông trí huệ, hay đạo quả Bồ-đề, nên chỉ lo học rộng nghe nhiều, chẳng cần tu niệm, không ngờ ai tu nấy chứng, mặc dù con là em của Phật, nếu không tu, thì cũng bị đọa như ai; học nhiều mà không tu, thì cũng chẳng có ích gì! Cúi xin Phật rủ lòng từ bi, chỉ dạy cho con phương pháp nào mà mười phương các Đức Phật tu hành đều được thành chứng quả?. 
III.- PHẦN LƯỢC GIẢI 
1.-ĐỊNH NGHĨA VÀ GIẢI NGHĨA TÊN KINH
Khi đó Phật an ủi A-nan và hứa sẽ dạy phương pháp tu hành để thành đạo chứng quả, là Kinh-Lăng-Nghiêm. Kinh này đọc cho đủ là: 
"Kinh Đại Phật Đảnh, Như-Lai Mật Nhơn, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng-Nghiêm"; gọi tắt là "kinh Thủ-Lăng-Nghiêm" tức là kinh nói về chơn tâm. 
a.- Vì kinh này rất quý báu, đã ít có mà lại khó gặp, hàng Tiểu-thừa Thinh -văn và quyền-thừa Bồ Tát không thể thấu suốt được, nên dụ như cái tướng "Vô kiết đảnh" của Phật. Vì tướng này rất quý báu và khó thấy, hàng phàm phu và Nhị-thừa không thể thấy được. 
b.- Mười phương các Đức Phật đều y theo kinh này mà làm nhơn tu địa hành mà được thành đạo chứng quả, nên gọi là "Như Lai Mật Nhơn". 
c.- Y theo kinh này mà tu và chứng thì lối tu chứng ấy mới được là rốt ráo, nên gọi rằng "Tu Chứng Liễu Nghĩa". 
d.- Các vị Bồ Tát tu pháp lục độ vạn hạnh đều y theo kinh này, nên kinh nầy cũng gọi là "Chư Bồ Tát Vạn Hạnh". 
đ.- Tóm lại là "Thủ Lăng Nghiêm", Tàu dịch là "Đại định kiên cố". Nghĩa là cái bản thể chơn tâm sẳn có của tất cả chúng sanh và chư Phật, nó bao trùm khắp cả vũ trụ, nên gọi là "Đại". Tâm ấy thường tịch tịnh không vọng-động nên gọi rằng "Định". Nó không bị thời gian thay đổi, hay không gian chuyển dời, thấu xưa suốt nay, bao giờ cũng vẫn thường như thế, ở nơi bực thánh không thêm, tại phàm cũng không bớt, như như bất động, nên gọi rằng "Kiên cố". 
Chữ "Kinh" theo nghĩa hẹp là đường chỉ xuôi, tức là đường canh trong tấm vải. Tấm vải nhờ có đường canh xâu kết lại các chỉ ngang, mới thành một tấm vải. 
Còn theo nghĩa rộng, chữ "Kinh" là xâu tóm các lời lẽ và nghĩa lý của Thánh-hiền làm thành một quyển hay một bộ. 
Trong đạo Phật hay ngoài đời đều có kinh điển. Song kinh Phật có thêm chữ "khế" nên khác hơn kinh sách ở thế gian. 
Chữ "khế" nghĩa là hợp: 
a.- Hợp căn cơ trình độ của chúng sanh. 
b.- Hợp chân lý. 
Chữ kinh có nghĩa "trường pháp", là một chân lý không thay đổi: quá khứ Phật nói pháp như vậy, hiện tại Phật cũng nói pháp như vậy và vị lai Phật ra đời cũng nói pháp như vậy mà thôi, nên gọi là "thường pháp". 
Nói một cách xác thật hơn: 
"Kinh này chính là tâm của chúng ta". 
a.- Chúng ta sẳn có bản thể chơn tâm thanh tịnh và như như bất động, thế là nơi ta có "Thủ Lăng-Nghiêm" . 
b.- Y theo chơn tâm này mà khởi tu lục độ muôn hạnh của Bồ Tát, thì chính là nơi ta có "Chư Bồ Tát vạn hạnh". 
c.- Y theo chơn tâm mà tu, và cũng y theo chơn tâm này mà chứng, tu chứng như thế mới là rốt ráo, nên gọi là "tu chứng liễu nghĩa". 
d.- Chúng ta y chơn tâm này làm nhân địa tu hành, sẽ được thành Phật, nên gọi là "Như-lai mật nhơn". 
đ.- Chơn tâm này rất quý báu, những hàng phàm phu , Tiểu-thừa và quyền thừa Bồ Tát không ngộ nhập được, nên dụ như "vô kiến đảnh tướng" của Phật. Chơn tâm chúng ta bao trùm cả vũ trụ, muôn sự muôn vật không ngoài chơn tâm ta, đó là nghĩa chữ "kinh".  
Mười chính chữ đầu đề của kinh này: "Đại Phật đảnh, Như-lai mật nhơn, tu chứng liễu nghĩa, chư Bồ Tát vạn hạnh, Thủ Lăng-Nghiêm", đã bao hàm toàn bộ kinh, nào là giáo, lý, hạnh, quả, thể đại, tướng đại và dụng đại, nhơn địa tu chứng đều trùm cả, mà rốt cuộc chỉ ở nơi tự tâm chúng ta sẳn đủ. Bởi ngộ được lý này, nên đức Lục-tổ Huệ-năng nói rằng: 
Không ngờ tâm mình vốn sẳn thanh tịnh 
Không ngờ tâm mình vốn không sanh diệt 
Không ngờ tâm mình sẳn đủ các pháp  
Không ngờ tâm mình vốn không lay động 
Không ngờ tâm mình hay sanh muôn pháp. 
Đọc đề mục kinh chỉ có 19 chữ, chúng ta thấy đã vui thú rồi, vì chính nơi ta sẳn có kinh "Đại Phật đảnh, Như-lai mật nhơn, tu chứng liễu nghĩa, chư Bồ Tát vạn hạnh, thủ Lăng-Nghiêm". Chỉ vì chúng ta mê muội nên chẳng nhận được kinh Lăng Nghiêm của mình. Song nó cũng không mất, khi ngộ được thì sẽ thành Phật. 
2.- NỘI DUNG KINH LĂNG NGHIÊM
Nội dung của kinh Lăng-Nghiêm là Phật chỉ dạy cho chúng ta ngộ được chơn tâm. Chúng ta vì không ngộ được chơn tâm nên phải vĩnh kiếp làm chúng sanh, trầm luân trong biển sanh tử, chịu không biết bao nhiêu khổ sở. Còn như Phật thoát ly sanh tử luân hồi, được tự do giải thoát, thần thông tự tại, trí huệ vô ngại v.v....đều do các Ngài đã ngộ chơn tâm, nên mới được như thế. 
Nói cho dể hiểu: Phật với chúng sanh vẫn đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng các Ngài đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy, nên mới thành Phật. Trái lại, chúng sanh vì mê muội thể tánh chơn tâm, nên phải bị sanh tử luân hồi. Nếu chúng sanh giác ngộ chơn tâm, thì sẽ được như Phật. 
Ông A-nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp nào mà mười phương các Đức Phật đã tu hành và đều được chứng quả, thì Phật chỉ dạy, phải ngộ "Chơn tâm" mà thôi. Nếu ngộ được chơn tâm này thì thành Phật. Ngộ được chơn tâm, như người còn ngủ chiêm bao. Đây là phương pháp duy nhứt mà mười phương chư Phật tu hành đã được thành đạo chứng quả. 
Bài Thứ Hai
BẢY ĐOẠN PHẬT HỎI VỀ TÂM 
I.- A-nan chấp tâm ở trong thân 
II.- A-nan chấp tâm ở ngoài thân 
III.- A-nan chấp tâm ẩn trong con mắt 
IV.- A-nan chấp lại tâm ở trong thân 
V.- A-nan chấp tâm tùy chỗ hòa hợp mà có 
VI.- A-nan chấp tâm ở chính giữa 
VII.- A-nan chấp "không trước" làm tâm

BẢY ĐOẠN PHẬT HỎI VỀ TÂM 
Trước khi muốn chỉ chơn tâm, Phật gạn hỏi cái vọng tâm. Khi đã hiểu vọng tâm rồi, thì về sau Phật chỉ cái chơn tâm mới khỏi lầm. Cũng như người, trước phân biệt được thau, đồng và vàng giả rồi, thì về sau chỉ đến vành thiệt, họ mới nhận được chắc chắn, nên trước hỏi về cái tâm. 
Phật kêu A-Nan hỏi rằng;-trong giáo pháp ta, ông ngưỡng mộ cái gì mà phát tâm xuất gia? 
A-nan thưa: -Vì thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường, con sanh lòng hâm mộ và phát tâm xuất gia. 
Phật hỏi: -Ông nói: "Vì thấy 32 tướng tốt của Phật, sanh lòng hâm mộ"; vậy ông lấy cái gì để thấy, và lấy cái gì để hâm mộ? 
A-Nan thưa: -Con lấy mắt để thấy và dùng tâm hâm mộ. 
Phật hỏi: -Ông nói: "lấy con mắt để thấy và cái tâm hâm mộ", vậy ông có biết cái tâm và con mắt ở chỗ nào không? 
Ông từ hồi nào đến giờ, nhiều kiếp sanh tử luân hồi, cũng vì tâm và mắt! Nếu ông không biết nó ở chỗ nào, thì không bao giờ hàng phục được phiền não và trần lao. 
Cũng như vị quốc vương, bị giặc đến xâm chiếm, đem binh dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ ở chỗ nào thì không bao giờ dẹp được giặc. 
I.-A-NAN CHẤP TÂM TRONG THÂN 
A-Nan thưa: -Bạch ThếTôn, không những một mình con hiểu, mà tất cả chúng sanh cũng đều cho "con mắt ở trên mặt, còn tâm ở trong thân".
PHẬT BÁC:
Phật hỏi: -Ông ngồi trong giảng đường này, trước hết ông thấy cái gì? Và vì sao ông thấy được cây cối ngoài vườn? 
A-Nan thưa: -Bạch Thế Tôn, con ngồi trong giảng đường, trước thấy Phật cùng chư tăng, và nhờ mở các cửa, nên con nhìn ra ngoài, thấy được cây cối, cảnh vật bên ngoài. 
Phật hỏi: -Có ai ngồi trong nhà, không thấy các vật trong nhà, mà lại thấy được cảnh vật bên ngoài không? 
A-Nan thưa: -Bạch Thế Tôn, người ngồi trong nhà, mà không thấy các vật trong nhà, lại thấy cảnh vật bên ngoài là không có lý. 
Phật nói: -Tâm ông cũng thế, nếu thật ở trong thân ông, thì trước hết nó phải thấy tim, gan, ruột, phổi hoặc móng tay ra, tóc dài, gân chuyển, mạch động ở trong, rồi sau do mở mắt, ông mới thấy đặng các cảnh vật bên ngoài. Cũng như người ngồi trong giảng đường này, trước hết phải thấy Phật cùng chúng tăng và những vật trong giảng đường, rồi sau nhìn ra ngoài, mới thấy núi sông cây rừng v.v.. 
Vậy có ai trước thấy tim, gan, ruột, phổi ở trong thân, rồi sau mới thấy các vật ở bên ngoài không ? Nếu không, thì ông nói: "tâm ở ngoài thân" là phi lý. 
II.- A-NAN CHẤP TÂM Ở NGOÀI THÂN
A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn, cứ theo lý luận trên thì con hiểu: Tâm ở ngoài thân. Vì nếu ở trong thân, sao không thấy được các vật ở bên trong, mà chỉ thấy cảnh vật bên ngoài. Vậy nên con biết tâm ở ngoài thân. Cũng như cái đèn đốt ngoài nhà, nên chẳng sáng được trong nhà. Nghĩa này đúng rồi, chắc không còn lầm lạc nữa. 
PHẬT BÁC:
Phật hỏi A-nan: Cái tâm của ông, nếu ở ngoài thân, thì thân và tâm ông không dính dấp với nhau. Vậy trong lúc tâm biết, thân phải không biết; còn khi thân biết, thì tâm phải không biết. 
Cũng như ta với các thầy Tỳ kheo, vì thân thể khác nhau, nên khi ta thọ trai, các thầy không no được . 
Vậy ông thử xem cánh tay của ta đây, trong lúc mắt (thân) ông vừa thấy, tâm ông có biết liền không? 
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, trong lúc con mắt vừa thấy, thì tâm con liền phân biệt . 
Phật hỏi: Nếu mắt ông vừa thấy, tâm ông liền biết, thì thân ông và tâm không thể rời nhau được, như thế thì ông nói: "Tâm ở ngoài thân" cũng không phải. 
III.- A-NAN CHẤP TÂM ẨN TRONG CON MẮT
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, theo lời Phật bác: "tâm không phải ở trong thân, vì nó chẳng thấy được bên trong; cũng không phải ở ngoài thân, vì mắt vừa thấy, tâm liền biết, rõ ràng tâm thân không rời nhau". 
Cứ theo lý luận này, thì con hiểu: Tâm núp trong con mắt; cũng như con mắt của người mang kiến, nên chỉ thấy các cảnh vật bên ngoài, mà không thấy được vật bên trong. 
PHẬT BÁC 
Phật hỏi A-nan: Nếu tâm con núp trong con mắt, cũng như con mắt người mang kiến; vậy tôi hỏi: "Người mang kiến trong khi họ thấy cảnh vật, họ có thấy được cái kiến mang đó không?" 
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, thấy được . 
Phật hỏi: Nếu tâm ông cũng như con mắt người mang kiến, thì vậy sao người mang kiến có thể thấy được cái kiến mang, còn tâm ông sao không thấy được con mắt của ông? 
Nếu tâm ông thấy được con mắt của ông, thì con mắt của ông thành ra cảnh bị thấy, nó phải ở ngoài thân ông mới phải. 
Nếu thân, tâm ngoài nhau, thì làm sao mắt ông vừa thấy, tâm ông liền phân biệt được? 
Nếu tâm ông không thấy được con mắt của ông, thì sao ông tỷ dụ như con mắt người mang kiến? 
Thế nên ông nói: "Tâm núp trong con mắt, như con mắt người mang kiến núp sau cái kiến", cũng không phải. 
IV.- ÔNG ANAN CHẤP TRỞ LẠI, TÂM Ở TRONG THÂN
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, bây giờ con nghĩ: Nhắm mắt thấy tối, là tâm thấy trong thân (gan ruột); nhờ cửu khiếu, thất huyệt (các giác quan) trống hở, nên mở mắt thấy sáng là tâm thấy các cảnh vật ngoài thân. Chẳng biết nghĩa này có đúng không? 
PHẬT BÁC 
Phật hỏi A-nan: Ông nói: "Nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân"; vậy thì khi ông thấy tối, cảnh tối đó có đối trước mắt ông hay không? 
Nếu cái tối không đối trước mắt , thì không thành cái nghĩa thấy. Còn có đối trước mắt, thì thấy tối là thấy trước, sao ông lại nói thấy trong? 
Nếu ông cho thấy tối là thấy trong thân (gan ruột) thì khi ở trong nhà tối không có ánh sáng, ông thấy tối đó, cũng là thấy gan ruột của ông sao? 
Lại nữa, nếu nhắm mắt thấy tối, ông cho là thấy trong thân, mở mắt thấy sáng là thấy ngoài thân, vậy sao ông không thấy được cái mặt? 
Cái mặt ở ngoài, ông mở mắt còn không thấy, thì khi nhắm mắt thấy tối, làm sao chắc là thấy trong thân? 
Nếu ông thấy được cái mặt ông, thì con mắt với tâm hiểu biết của ông, phải ở ngoài thân ông. 
Nếu tâm và mắt ở ngoài thân, thì nó không phải là tâm mắt của ông rồi. 
Nếu ông cho tâm, mắt (ngoài thân ông) đó cũng là ông, vậy thì nay ta thấy được mặt ông, thế thì ta đây cũng là tâm, mắt của ông sao? 
Lại nữa, trong lúc con mắt ông biết, thì thân ông cũng phải không biết, khi thân ông biết, thì con mắt ông phải không biết (vì ông chấp nó rời nhau). 
Nếu ông cho cả hai đều biết, thì một mình ông phải có hai cái biết (tâm), vậy khi tu hành chứng quả, ông sẽ thành hai vị Phật sao? 
Thế nên phải biết: Ông nói: "thấy tối là thấy trong thân" cũng không phải. 
V.- A NAN CHẤP TÂM TÙY CHỒ HÒA HIỆP MÀ CÓ.
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, con thường nghe Phật dạy tứ chúng: "Do tâm sanh, nên các pháp mới sanh. do các pháp sanh, cho nên tâm mới sanh". nay con suy nghĩ, thì cái "suy nghĩ" đó là tâm của con; tùy hòa hiệp chỗ nào, thì tâm liền theo đó mà có, không phải ở trong, ngoài và chính giữa. 
PHẬT BÁC 
Phật hỏi Anan: Ông nói: "tùy hòa hiệp chổ nào, thì tâm liền theo đó mà có"; như thế thì cái tâm của ông không có thật thể. 
Nếu tâm ông không có hình thể (tức là không có) thì lấy cái gì mà hòa hiệp? Còn nó có hình thể, thì ông thử lấy tay mặt đánh qua tay trái, ông liền biết đau. Vậy cái tâm biết đau này, là từ trong thân chạy ra hay từ bên ngoài chạy vào? 
Nếu ông nói: "Nó từ trong thân chạy ra", thì ttrước hết nó phải thấy gan ruột trong thân của ông. Còn nếu nó từ ngoài hư không chạy vào, thì trước hết nó phải thấy cái mặt của ông. 
A-Nan thưa: Con mắt thì thấy, còn cái tâm thì biết; Phật nói: "cái tâm thấy", nghĩa đó không phải. 
Phật hỏi: Nếu con mắt thấy thì những người chết, con mắt vẫn còn, sao họ không thất vật? 
Nếu người chết, mà vẫn còn thấy vật, thì sao gọi là người chết? 
Lại nữa, nếu cái tâm hiểu biết của ông có thật thể, thì có một thể hay nhiều thể, ở khắp cả thân ông, hay không khắp cả thân? 
Nếu tâm ông có một thể, và ở khắp cả thân, thì khi ông lấy tay đánh thử một nơi trên thân ông, đáng lẽ ra thân đều biết đau hết, vì tâm ở khắp cả thân và đồng một thể. 
Nếu cả thân đều biết đau, thì cái đau đó lẽ ra không có ở nhứt định chổ nào. 
Nếu có đau có chổ ở nhứt định, thì ông nói: "cái tâm một thể và ở khắp cả thân" cũng không phải. Còn nói "tâm ông có nhiều thể", thì thành ra nhiều người; vậy cái nào tâm của ông? 
Nếu tâm ông không ở khắp thân thể, vậy ông đồng thời vừa đụng trên đầu, và cũng vừa đụng dưới chân, khi ấy nếu đầu biết đau, thì chân phải không biết, còn chân biết đau, thì đầu phải không biết. 
Nhưng thật tế thì, đầu và chân của ông cả hai đều biết đau. 
Thế nên ông nói: "tùy hòa hiệp chổ nào, thì tâm thì theo đó mà có", cũng không phải . 
VI.- A-NAN CHẤP TÂM Ở CHÍNH GIỮA
A-nan bạch Phật: Con nghe Phật cùng với ngài Văn Thù...khi luận về "thật tướng" (chơn tâm), Phật dạy rằng: "Tâm chẳng ở trong và cũng chẳng ở ngoài ". 
Nay con suy nghĩ: Nếu tâm ở trong thân, sao chẳng biết được bên trong? Còn nói tâm ở ngoài , thì sao tâm lại biết nhau? Như thế thì "tâm" chắc ở chính giữa. 
PHẬT BÁC 
Phật hỏi: Ông nói "Tâm ở chính giữa", vậy cái "chính giữa"; còn ở chính giữa thân, thì đồng thời với ở trong thân, như đã nói trước. Nghĩa là: tâm phải thấy trước tim, gan, ruột, phổi ở bên trong . 
Còn như ở về cảnh, thì có thể nêu (cái giữa) ra được, hay không nêu ra được? 
Nếu không nêu ra được , thì đồng như không có; còn nêu ra được , thì không thể nhứt định chổ nào là chính giữa. 
Vì sao? Như người lấy cái cắm chính giữa, nếu người ở phía đông thì xem thấy cây ấy cắm ở phía tây; còn người ở phía nam, thì xem thấy cây ở phía bắc. 
Cái cây cắm nêu đó đã không nhứt định chổ nào là chính giữa, thì cái tâm của ông cũng phải lộn lạo không định. 
A-Nan thưa: con nói "chính giữa" không phải hai chổ ấy. Như Phật thường nói: "con mắt đối với sắc trần, sanh ra nhãn thức". Một bên con mắt thì có phân biệt, một bên sắc trần lại không phân biệt, cái thức sanh chính giữa, đó là chổ của tâm ở. 
Phật hỏi: Ông nói: "Tâm ông sanh chính giữa căn và trần cảnh" hay không gồm cả hai . 
Nếu gồm cả hai, thì căn với cảnh lộn lạo (căn không thành căn, cảnh không thành cảnh; vì vừa biết mà cũng là không biết). Song trần cảnh thì không có tri giác, còn căn lại có tri giác, hai bên đối lập riêng khác, vậy lấy chổ nào làm giữa. 
Còn như không gồm cả căn và cảnh, thì tâm không thật thể. Vậy lấy cái gì làm chính giữa? 
Thế nên phải biết: Ông nói "tâm ở chính giữa" cũng không phải. 
VII.- A-NAN CHẤP CÁI "KHÔNG TRƯỚC" LÀM TÂM
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, ngày trước con thấy khi Phật cùng với ông Đại Mục Kiền Liên. Tu Bồ Đề v.v...nói pháp, Phật có dạy rằng: 
"Cái tâm hiểu biết phân biệt, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chính giữa, không ở chổ nào cả; "không dính mắc (vô trước) tất cả" đó gọi là tâm ". 
Vậy nay con lấy cái "không dính mắc" đó làm tâm, chẳng biết có hay được không? 
PHẬT BÁC 
Phật hỏi: -Ông nói: lấy cái "không dính mắc tất cả" làm tâm. Vậy tôi hỏi ông: tất cả các vật tượng trong thế gian này, nào là hư-không, thế-giới v.v...Vậy các vật tượng ấy có mà ông không dính mắc (trước) hay là không, mà ông không dính mắc? 
Nếu các vật tượng ấy không có, thì cũng như lông rùa, sừng thỏ: nó đã không, thời có gì mà dính mắc. 
Nếu còn có cái "không dính mắc" thì ông không thể nói rằng "không dính mắc được". Vì cái gì không có hình tướng thì không, còn cái gì có hình tướng là có. Nếu có hình tướng thì phải bị "dính mắc". 
Thế nên ông nói: "không dính mắc tất cả làm tâm" cũng không phải. 
LƯỢC GIẢI 
Đã bảy lần Phật gạn về tâm, ông A-nan đều nói không trúng. Vậy nên biết: Nếu chưa ngộ được thể tánh chơn tâm, thì dù cho nói cách nào cũng sai cả. Chẳng khác nào mhư trong Nhiếp Đại Thừa luận có cái dụ: "kẻ mù rờ voi". Người rờ nhầm cái chân thì nói con voi như cột nhà, người rờ nhằm lỗ tai, thì nói voi như ki hốt rác, người rờ nhằm đuôi, thì nói voi như cây chổi quét nhà v.v...mặc dù rờ trúng, nhưng nói và nghĩ thế nào cũng sai cả. Phải thấy chơn tướng của con voi, thì nói mới không sai. 
Chúng ta cũng nên lưu ý; trong kinh này, ngài A-nan đại diện cho chúng sanh mê lầm hiện tại, cũng như tương lai mà đứng ra thưa hỏi. 
Có những đoạn ngài trình bày hoặc thưa hỏi rất thấp, là đại diện cho những chúng sanh mê lầm bực hạ căn. Có những đoạn Ngài trình bày hoặc thưa hỏi thâm thúy, là đại diện, cho những chúng sanh căn tánh bực thượng. Vậy chúng ta không nên căn cứ lời trình bày trên mặt văn tự mà phê phán trình độ của Ngài. 
 
Bài Thứ Ba
I.- A-nan cầu Phật dạy phương pháp tu hành, lần thứ hai 
II.- Phật gạn hỏi lại tâm lần thứ hai. 
III.- A-nan chấp cái "Suy nghĩ phân biệt " làm tâm. 
IV.- A-nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành, lần thứ ba. 
V.- Phật chỉ tâm lần thứ nhứt. 
VI.- Phật chỉ cái thấy làm tâm, không phải con mắt . 
VII.- Phật chỉ tâm lần thứ hai 
VII.- A-nan cầu Phật chỉ dạy ở nơi thân này cái nào "chơn" và cái nào "vọng" 
I.- Vua Ba Tư nặc đứng dậy hỏi Phật . 
X.- Phật chỉ tâm lần thứ ba 
XI.- Phật chỉ "cái thấy" không sanh diệt 

I.- A-NAN CẦU PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH LẦN THỨ HAI.
Ông A-nan đã bảy lần chỉ tâm đều không trúng, vì ông chấp vọng tưởng là tâm, nên bị Phật bác cả, lần thứ hai ông đứng dậy chắp tay kính lạy, cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để thoát ly sanh tử luân hồi. 
A-nan thưa rằng: -Bạch Thế Tôn ! Con là em Phật, tuy đã xuất gia, mà vẫn còn ỷ lại lòng thương yêu của Phật chỉ lo học rộng nghe nhiều, không chuyên tu niệm, nên không chứng được đạo quả, chẳng hàng phục nổi tà chú của ngoại dạo Ta-Tỳ-Ca-La; trái lại, còn bị Ma Đăng Già bắt vào phòng dâm...phải nhờ Phật cứu độ. Vậy cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phá trừ ác chiến và chứng thành đạo quả. 
Thưa thỉnh xong, A-nan và đại chúng kính cẩn và trông chờ lời Phật chỉ dạy. 
II.- PHẬT GẠN HỎI TÂN LẦN THỨ HAI.
Lúc bấy giờ Phật gạn hỏi lại cái "tâm" lần thứ hai, và bảo ông A-nan phải phân biệt rành rõ cái nào là chơn tâm, và cái nào là vọng tâm.  
Phật dạy: Ông nay muốn đặng đạo vô thượng Bồ đề, thì điều cần nhứt là phải hiểu rõ hai món căn bản:  
Một căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm. 
Một căn bản của Bồ đề, Niết bàn, là chơn tâm. 
Nếu ông nhận lầm căn bản của sanh tử (vọng tâm) làm nhơn tu hành, thì không bao giờ giải thoát được. Cũng như người nhận giặc làm con, thì chỉ thêm bị phá hoại gia sản của mình mà thôi. Và cũng như người nấu cát làm cơm, dầu trải bao nhiêu năm cũng chẳng thành cơm được. 
Vậy nay ông muốn biết đường lối tu hành để ra khỏi sanh tử luân hồi, thì ông hãy nghe tôi hỏi đây: 
Phật liền đưa bàn tay, co lại năm ngón và hỏi ông A-nan rằng: Ông có thấy không? 
A-nan đáp: Bạch Thế Tôn, thấy. 
Phật hỏi: -Ông thấy cái gì? 
A-nan đáp: Con thấy Phật đưa bàn tay co năm ngón lại. 
Phật hỏi: Ông lấy cái gì để thấy và lấy cái gì làm tâm? 
III.- A-NAN CHẤP CÁI "SUY NGHĨ PHÂN BIỆT" LÀM TÂM
A-nan thưa: con lấy "mắt" để thấy và cái "biết suy nghĩ phân biệt" làm tâm . 
Phật quở: Dốt lắm, A-nan! cái đó không phải là tâm của ông. 
LƯỢC GIẢI 
Chúng ta nên lưa ý: Thông thường ai cũng đều có cái "suy nghĩ phân biệt" là tâm của mình, mà Phật lại nói "không phải tâm". Vậy chúng ta cần phải chính chắn suy xét chổ đó. 
* * * 
A-nan hoảng hốt, đứng dậy thưa Phật: Bạch Thế Tôn, cái "suy nghĩ, phân biệt" này, nếu không phải là tâm của con thì gọi nó là cái gì? 
Phật dạy: nó là "vọng tưởng" (vọng tâm). bởi các ông từ hồi nào đến giờ, lầm nhận "vọng tưởng" làm "chơn tâm", cho nên nhiều kiếp trầm luân. Như người nhận giặc làm con, nên bị giặc phá hại. 
A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, con vì thương Phật nên mới xuất gia, thì con mới dùng cái tâm này mà thương Phật. Con phụng thờ các đức Phật trong mười phương và làm tất cả các điều công đức, cũng dùng cái tâm này. Dầu cho con có làm các điều tội lỗi, hủy báng Phật pháp, đọa vào địa ngục đi nữa, thì con cũng dùng cái tâm này. Ngày hôm nay Phật nói "nó" không phải tâm của con, như thế thành như con không có tâm; nếu không có tâm, thì con đồng như cây, đá rồi! Cúi xin đức Thế tôn từ bi chỉ giáo. 
Phật dạy rằng: này A-nan nếu ông chấp cái "suy nghĩ, phân biệt" là tâm của ông, thì khi rời cảnh vật hiện tiền, cái tâm "hiểu biết, phân biệt" ấy, cũng vẫn còn, thế mới phải là tâm của ông. Nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà tâm hiểu biết phân biệt ấy mất đi, thì không phải là chơn tâm của ông rồi. 
Dầu cho ông diệt hết năm tri giác bên ngoài là thấy, nghe, hay, biết (năm giác quan), chỉ còn lưu lại cái "thầm thầm phân biệt" bên trong (thức thứ sáu) thì đó cũng là cái vọng tưởng phân biệt (ý thức thứ sáu) bóng dáng pháp trần không phải là chơn tâm của ông. 
Này A-nan, tôi không bắt buộc ông phải chấp cái "suy nghĩ phân biệt" đó là không phải tâm của ông; tôi chỉ bảo ông nên chính chắn suy xét: nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái "suy nghĩ phân biệt" này vẫn còn, thì mới phải thật là chơn tâm của ông. 
Còn nếu rời khỏi cảnh vật hiện tiền, mà phải "suy nghĩ phân biệt" này cũng mất luôn đi, thì rõ ràng nó là cái "vọng tưởng phân biệt" (vọng tâm) bóng dáng của sáu trần, chớ không phải là "chân tâm thường trụ" của ông vậy.  
Nếu ông nhận cái "hư vọng phân biệt sanh diệt" (vọng tưởng) nay làm tâm của ông, thì khi cảnh vật hiện tiền qua rồi, tâm ấy cũng theo cảnh vật mà diệt đi. Lúc ấy thành ra ông không có tâm rồi. Nếu không có tâm, thì ông lấy cái gì để tu hành, và thành đạo chứng quả. 
Ông phải biết rằng: trong thế gian tất cả người tu hành, không được thành đạo, đều do chấp lầm cái "vọng tưởng sanh diệt" (vọng tâm) này làm chân thật (chơn tâm). 
Chính ông ngày nay cũng thế, nên tuy học nhiều mà không được quả Thánh. 
IV.- A-NAN CẦU PHẬT CHỈ DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH LẦN THỨ BA.
A-nan cùng Đại chúng, nghe Phật nói như vậy, đều ngẫn ngơ và im lặng. 
Lúc bấy giờ ông A-nan cúi đầu lạy Phật, quỳ gối chắp tay vừa khóc lóc, vừa bạch Phật rằng: Con từ khi xuất gia theo Phật đến nay, vì ỷ lại là em của Phật, tin chắc sẽ nhờ oai thần Phật ban cho đạo quả, chẳng cần tu tránh cực nhọc; không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được. 
Hôm nay con mất "bản tâm" đi rồi thân tuy xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, chẳng khác nào đứa cùng sanh tử bỏ cha trốn đi. 
Nay con mới biết học nhiều mà không tu cũng như người không học mà cũng như người nói đến đủ các thức ăn, rốt cuộc trong bụng vẫn đói. 
Bạch Thế Tôn, chúng con vì hai chứng phiền não và sở tri ràng buộc, nên không ngộ được chơn tâm. Cúi xin đức Thế Tôn thương xót kẻ bần cùng, chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phát minh được tâm tánh. 
V.- PHẬT CHỈ CÁI "THẤY" THƯỜNG CÒN
Khi ấy Phật kêu A-nan, dạy rằng: -Vừa rồi ông nói "thấy năm ngón tay của ta con mắt nắm lại". Vậy thì sao có nắm tay? Và nhờ cái gì mà có cái thấy? 
A-nan thưa: -Bạch Thế Tôn, nhơn bàn tay của Phật co lại năm ngón, nên mới có nắm tay, và nhờ con mắt cho nên mới có cái thấy. 
Phật hỏi: Vậy thì "không bàn tay chẳng có ngón tay, cũng như không con mắt thời chẳng có cái thấy "; so sánh như thế có đúng không? 
A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, đúng. 
Phật dạy: Không đúng hẳn! Không bàn tay thì không có nắm tay thì phải, không con mắt chẳng phải cái "thấy" không có.  
Ông nên ra ngoài đường hỏi những người mù mắt: "các người có thấy gì không?", thì họ đều trả lời với ông rằng: "Chỉ thấy tối đen". Như thế thì rõ ràng: Người mù không có con mắt, mà cái "thấy" cũng vẫn còn.  
Đây là cái bằng chứng: Mặc dù con mắt không có, và trần cảnh đối trước có tối và sáng khác nhau, nhưng cái thấy lúc nào cũng có (nói cái thấy là đại diện cho năm giác quan). 
A-nan thư: Người mù thấy tối, thì sao gọi là thấy được?  
VI.- PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ NHỨT
Phật hỏi A-nan: Người sáng mắt ở trong nhà tối thấy tối, cùng với người mù mắt thấy tối, vậy hai cái tối đó có khác nhau không?  
A-nan thưa: -Bạch Thế Tôn ! không khác. 
Phật hỏi: Nữa trong nhà tối thấy tối, nếu có người đem đèn vào, họ thấy được các vật, vậy cái đèn thấy hay con mắt thấy? 
A-nan thưa: Mắt thấy chớ không phải đèn thấy. 
Phật dạy: Cũng thế, người mù mắt khi lột mây rồi, thấy được cái cảnh vật, đó là tâm thấy chớ không phải mắt thấy.  
Phật dạy tiếp: -Cái đèn chỉ làm cho sáng các vật, còn cái thấy là con mắt (dụ cho tâm) chớ không phải đèn (dụ con mắt). Lên một tầng nữa: con mắt chỉ làm cho tỏ rõ các vật, còn cái thấy là tâm, chớ không phải con mắt (đây là lần thứ nhứt Phật chỉ tâm). 
A-nan và đại chúng nghe Phật giảng dạy như thế rồi, đều im lặng, nhưng trong tâm thật chưa hiểu, nên đều kính cẩn chắp tay, để chờ Phật chỉ dạy thêm. 
LƯỢC GIẢI 
Trong đoạn này, xin nói thêm tỷ dụ này cho dễ hiểu: Con mắt của người cũng như bóng đèn điện, còn cái "thấy" của người cũng như điện. Khi dây đứt (dụ dây thần kinh đứt ) bóng hư (dụ mắt mù ) thì đèn không cháy, chớ không phải điện mất (không cái thấy). Đến khi thay bóng mới nối dây lại, thì điện cháy trở lại không phải do bóng hay do dây mới có điện. 
Cái "thấy" của người cũng thế: khi mắt bị mây che thì chỉ thấy tối, chớ không phải cái "thấy" mất, đến khi lột mây rồi, thì cái "thấy" hiện ra, không phải do con mắt mới có cái thấy. Đoạn này Phật chỉ rõ cái "thấy" là tâm. 
* * *
VII.-PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ HAI
Khi đó Phật đưa bàn tay lên, năm ngón co lại rồi mở ra và hỏi ông A-nan: -Ông có thấy cái gì không? 
A-nan thưa: -Thấy Phật đưa tay lên co vào rồi mở ra. 
Phật hỏi: Tự cái tay của ta co mở, hay "cái thấy" của ông co mở? 
A-Nan thưa: - Tự tay Phật co mở, chứ "cái thấy" của con không co mở. 
Phật khen: Phải lắm. 
Phật lại phóng một đạo hào quang trên vai phía mặt của A-nan: A-Nan liền xoay đầu ngó về phía bên mặt.
Phật lại phóng hào quang trên vai phía trái của A-Nan; A-Nan xoay đầu ngó qua phía trái. 
Phật hỏi: Cái đầu của ông hôm nay tại sao xoay qua lắc lại như vậy? 
A-Nan thưa: vì Phật phóng hào quang trên hai vai của con, nên con xoay qua lắc lại để xem. 
Phật hỏi: Vậy cái đầu của ông lắc, hay cái thấy của ông lắc? 
A-Nan thưa: tự cái đầu con xoay qua lắc lại, chớ cái thấy của con không có xoay lắc. 
Phật hỏi: -Cái nào động, cái nào tịnh? 
A-Nan thưa: -Cái đầu của con có động và tịnh (dừng) chứ cái thấy của con không có động và tịnh. 
Phật nói: Phải 
Phật dạy tiếp: -Cái nào có co, có mở, có động, có tịnh, có sanh, có diệt, thì cái đó là vọng, thuộc về "khách" không phải ông. Còn cái nào không động tịnh, co mở, không sanh diệt, thì cái đó là "chơn", thuộc về "chủ" chính là ông. Như thế chơn và vọng rất rõ ràng, ông còn chưa hiểu hay sao! 
Tại sao từ hồi nào đến giờ, các ông cứ nhận cái vọng-thân tứ đại giả hợp này, cho là thật "thân" của mình; cái vọng tưởng sanh-diệt này, cho là thật "tâm" của mình; cảnh vật giả tạm, cho là thật "cảnh" cảnh của mình, mà lại bỏ cái chơn tâm thường còn bất sanh bất diệt của mình sẵn có kia đi? Bởi thế nên các ông phải nhiều kiếp sanh tử luân hồi, thật là rất oan uổng! 
LƯỢC GIẢI 
Đoạn này Phật chỉ cái "thấy" không co mở, và không sanh, diêt, động, tịnh, đó là chơn tâm lưu lộ. 
* * *
VIII. -A NAN CẦU PHẬT CHỈ DẠY Ở NƠI THÂN NÀY CÁI NÀO "CHƠN", CÁI NÀO "VỌNG".
Khi ấy A-Nan và đại chúng được nghe Phật tạm chỉ "cái thấy không động tịnh co mở là Tâm", nên tất cả đều hớn hở vui mừng, và nghĩ rằng: Từ vô thỉ đến nay, tự mình làm mất bản tâm, nhận cái vọng tưởng phân biệt theo bóng dáng của trần cảnh làm tâm, ngày hôm nay mới ngộ được Tâm mình, nên hết sức vui mừng. Cũng như đứa con nhỏ khát sữa đã lâu, nay được gặp bà từ mẫu, nên ông và đại chúng cầu Phật chỉ rõ ở nơi thân tâm hiện tiền đây, cái naò chơn thật không sanh diệt và cái nào hư vọng có sanh diệt. 
IX.-VUA BA TƯ NẶC ĐỨNG DẬY HỎI TIẾP
Khi ấy vua Ba-tư nặc đứng dậy thưa Phật: -Bạch Thế Tôn, lúc trước chưa thọ giáo với Phật, con nghe phái ngoại-đạo Ca chiên diên và Tỳ la chi tử đều nói: "Thân này sau khi chết rồi mất hẳn, gọi là Niết bàn". 
Hôm nay con tuy được Phật chỉ dạy, nhưng vẫn còn hồ nghi: làm sao biết rõvà chứng chắc cái tâm này không sanh diệt. Xin Phật từ bi chỉ dạy cho chúng con. 
X.-PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ BA
Phật hỏi: -Đại vương! Cái thân của ông hiện tại đây, nó bền chắc như ngọc kim cương, còn mãi không hư họai, hay là phải hoại diệt? 
Vua đáp: -Bạch thế tôn, thân con ngày nay đây, rốt cuộc rồi cũng bị hoại diệt. 
Phật hỏi: -Ông chưa chết, làm sao biết nó sẽ bị hoại diệt? 
Vua đáp: -Bạch thế tôn, cái thân vô thường của con đây, tuy chưa chết, nhưng hiện tiền nó đã tàn tạ dần! ngày qua, rồi lại ngày qua! Mỗi niệm qua, qua từ sát na (tíc-tắc) không dừng!...cũng như củi đốt thành tro, cháy dần cho đến lúc tiêu tan! Vì thế nên con biết, thân này nhứt định sẽ tiêu diệt. 
Phật nói: -Phải! 
Phật lại hỏi: -Đại vương! Thân thể ông đâu phải tiêu diệt liền bây giờ? 
Vua đáp: -Bạch thế tôn, ngày qua tháng lại, hết hạ đến đông, nó thầm già chết, cho đến ngày nay, đầu bạc răng rụng, chân lỏng gối dùn, mắt mờ tai lảng, già nua đến thế này, mà con thật không hay không biết! 
Bạch thế tôn, khi con hai mươi tuổi, tuy nói rằng tuổi trẻ, thật ra nhan sắc đã già hơn khi mười tuổi. Khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Cho đến ngày nay, sáu mươi hai tuổi, lại già hơn khi năm mươi tuổi. 
Nó âm thầm già chết, lấy trong khoảng thời gian mười năm mà nói như vậy. Nếu chín chắn suy nghĩ, thì cái già, chết này, không phải hạn định trong khoảng mười năm hay hai mươi năm, mà thật ra, mà nó già từng năm, từng tháng, từng ngày. Nếu suy nghĩ kỷ hơn nữa, thì nó già, chết từng phút, từng giây và từng sát na (tíc tắc)! Năm nay già hơn năm rồi, tháng này già hơn tháng trước, ngày hôm nay già hơn ngày hôm qua, giờ này già hơn giờ trước. Phút này già hơn phút trước, cho đến sát na này cũng già hơn sát na trước. Thế nên con biết, thân này rốt cuộc rồi cũng tiêu diệt. 
LƯỢC GIẢI 
Cũng như cái đồng hồ, vì có chạy từng giây, cho nên mới qua từng phút. Bởi có đi từng phút, nên mới chỉ đến từng giờ, và ngày v.v...thân này già chết cũng thế. 
* * *
Phật hỏi: -Đai vương! Ông thấy cái thân thể của ông âm thầm già chết như thế, nên ông lo buồn; vậy ở nơi thân thể sanh diệt, già chết này, ông có biết được cái gì chẳng sanh diệt già chết không? 
Vua Ba Tư Nặc chắp tay cung kính thưa: -Bạch thế tôn, con thật không biết? 
 

XI.-PHẬT CHỈ CÁI "THẤY" KHÔNG SANH DIỆT
Phật dạy rằng: -Tôi nay chỉ cho ông thấy cái không sanh diệt. 
Này đại vương, khi ông mấy tuổi mới thấy được nước sông hằng? 
Vua đáp: -Khi lên ba tuổi, con được mẹ bồng đến yết kiến thành tỳ bà thiên (thành trường thọ) đi ngang qua sông này, nên lúc bấy giờ , con đã thấy được sông hằng. 
Phật hỏi: -Hôm nay ông thấy sông hằng, vậy cái "thấy" đó là khác không? 
Vua thưa: -Khi con ba tuổi thấy sông hằng, đến lúc ba mươi tuổi và nay được sáu mươi hai tuổi thấy sông hằng cũng đều không khác. 
Phật dạy: Ngày nay ông lo buồn cho thân ông già yếu, đầu bạc mặt nhăn, không được như lúc còn trẻ. Vậy nay sáu mươi hai tuổi, ông xem thấy sông hằng, cùng với khi còn trẻ thấy sông Hằng, cái "thấy" đó có già trẻ chi không? 
Vua Ba tư nặc thưa: Bạch thế tôn, cái "thấy" không có già trẻ. 
Phật dạy, này Đại vương thân thể mặt mày ông tuy già, vậy cái nào có già, thì cái ấy sẽ bị biến đổi ,tiêu diệt; còn cái nào không già, thì cái đó không có biến đổi tiêu diệt. Nó đã không sanh diệt, thì đâu có bị ông làm cho nó sanh tử luân hồi được, rõ ràng như thế, ông không hiểu sao mà còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt-già-Lê nói: thân này chết rồi hoàn tòan diệt mất? 
Vua cùng đại chúng nghe Phật dạy rồi, đều biết rằng: người chết rồi, là tâm bỏ thân này thọ thân khác, không phải mất hẳn. Ai nấy đều hớn hở vui mừng vì đặng lợi ích chưa từng có. 
LƯỢC GIẢI 
Đoạn này Phật chỉ thấy không già trẻ, sanh diệt đó là Tâm 
Bài Thứ Tư
I.- A-Nan cầu Phật chỉ cái "điên đảo" 
II.- Phật dẫn tỷ dụ để chỉ rõ cái "điên đảo". 
III.- Phật chỉ ngay cái "điên đảo". 
IV.- Phật dạy: vì mê nên có thế giới và chúng sanh. 
V.-A-Nan đã hiểu được chơn tâm song chưa dám nhận. 
VI.- Phật chỉ tâm lần thứ tư. 
VII.- A-Nan còn nghi hỏi Phật . 
VIII.- Phật chỉ tâm lần thứ năm. 
IX.-Phật dạy thêm, cái thấy là tâm chớ không phải vật. 
X.-A-Nan nghi cái thấy có lớn, nhỏ, đứt, nối. 
XI.-Phật dạy: Trần cảnh có lớn nhỏ, cái thấy không có lớn nhỏ

I.-A-NAN CẦU PHẬT CHỈ CÁI "ĐIÊN- ĐẢO". 
Khi ấy A-Nan đứng dậy lạy Phật, kính cẩn bạch rằng: 
Nếu cái thấy, nghe, không sanh diệt này là "Tâm" của chúng con, tại sao trước kia đức Thế Tôn lại quở chúng con "bỏ mất chơn tâm, làm việc điên đảo"? 
Cúi xin đức Như Lai mở rộng lòng từ bi chỉ dạy cho chúng con biết cái "Điên đảo" ở chỗ nào. 
II.-PHẬT DẪN TỶ DỤ ĐỂ CHỈ  RÕ CÁI "ĐIÊN ĐẢO".
Khi đó Phật xuôi cánh tay chỉ xuống đất, hỏi ông A-Nan rằng: 
Ông thấy cánh tay của ta như thế này, là xuôi hay ngược? 
A-Nan thưa: -Các người trong thế gian cho như thế là ngược; còn con thì không biết là ngược hay xuôi. 
Phật lại hỏi ông A-Nan: -Các người trong thế gian cho như thế là ngược, thì họ cho như thế nào mới là xuôi? 
A-Nan thưa: -Đức Như Lai đưa cánh tay lên, năm ngón chỉ thẳng lên hư không, như thế là xuôi. 
Phật liền đưa tay lên, rồi kêu A-Nan mà bảo rằng: -Cũng một cánh tay này chứ không chi khác, chẳng qua chỉ đổi đầu làm đuôi, đổi đuôi làm đầu mà thôi, thế mà người thế gian, chấp thế này là ngược và thế kia là xuôi; điên đảo là đấy! Đấy là điên đảo. 
Đem một cánh tay này mà so sánh, để chỉ rõ thêm ra: Thân Như Lai gọi là thân Phật (giác ngộ), thân các ông gọi là thân điên đảo (chúng sanh). Vậy ông nên chính chắn xem xét: thân ông và thân Phật, cái "Điên đảo" (chúng sanh) ở chỗ nào? 
LƯỢC GIẢI 
Ý Phật chỉ: Đồng một thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động, chấp đây thật là Phật, kia thật là chúng sanh. Đó là "điên đảo".
III.-PHẬT CHỈ NGAY CÁI "ĐIÊN- ĐẢO" 
Khi ấy A-Nan và đại chúng nhìn Phật sửng sốt, đôi mắt không nháy, vì không biết ở nơi thân này và tâm này, cái "điên đảo" ở chỗ nào! 
Phật thấy vậy thương xót mới dạy tiếp: 
Ta thường nói: "Các pháp đều duy tâm biến hiện, cho đến thân và tâm ông ngày nay, cũng đều là vật ở trong chơn tâm hiện ra ". Tại sao các ông lại bỏ cái bản thể chơn tâm đi. Các ông vẫn ở trong ngộ (chơn tâm) làm mình (điên đảo là đó), thật đáng buồn thương! 
IV.-PHẬT DẠY: VÌ MÊ NÊN CÓ THẾ -GIỚI VÀ CHÚNG- SANH.
-Này A-Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa); khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tông chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng "tâm ở trong thân". 
Chứ đâu biết rằng: thân này, tâm này, cho đến núi, sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả. 
LƯỢC GIẢI 
Như người đương thức (dụ chơn tâm) bỗng chốc buồn ngủ (dụ vô minh). Khi ngủ chiêm bao thấy có hư không, thế giới, chúng sanh và mình (dụ vô minh sanh ra thế giới và chúng sanh), rồi chấp cái thân và tâm trong chiêm bao kia là mình, mà bỏ cả cảnh thức tỉnh rộng lớn này đi v.v...(dụ như vì mê muội nên nhận cái vọng thân vọng tâm này làm mình, cảnh này là thật, mà bỏ cái toàn thể chơn tâm sáng suốt rộng lớn kia). 
* * *
Cái chơn tâm rộng lớn như vậy, các ông lại bỏ đi không nhận, trở lại chấp cái vọng thân, vọng tâm này cho là thật của mình. Cũng như toàn thể bể cả rộng khơi trong trẻo kia không nhận, trở lại chấp hòn bọt nhỏ nhen cho là toàn thể bể cả, thật là điên đảo! Các ông là một trong vô số người mê muội, thật đáng thương xót ! 
Như, cũng một cánh tay của ta, mà chấp thế này là ngược, thế kia là xuôi, cũng đồng một loại điên đảo! 
V.- A-NAN ĐÃ HIỂU ĐƯỢC "CHƠN TÂM" SONG CHƯA DÁM NHẬN.
Ông A-Nan vì thấy lòng từ bi tha thiết của Phật thương xót hết sức nồng hậu, chỉ dạy rất thâm trầm, nên cảm động rơi nước mắt, kính cẩn bạch Phật rằng: 
-Con tuy nhờ Phật chỉ dạy cho hiểu được chơn tâm, nhưng hiện nay con vẫn còn dùng "cái tâm phân biệt" (vọng tâm) nghe lời Phật nói, rồi ngộ suông cái chơn tâm này mà thôi, nên chưa dám nhận chắc là tâm con. Vậy xin Phật thương xót chỉ dạy cho con hết nghi ngờ, để trở về với đạo vô thượng. 
Phật dạy: Nếu các ông lấy vọng tâm nghe chánh pháp (chơn tâm) thì chánh pháp này cũng trở thành ra vọng, không thể nghe đặng chánh pháp. 
Các ông nên biết: ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn cả ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được. 
Nay nếu các ông chấp cái "phân biệt" (vọng) làm tâm của mình, thì cái tâm này, khi rời tiếng nói pháp của ta, cũng vẫn còn phân biệt, thế mới phải thật là tâm của các ông (chủ). Nếu rời tiếng nói pháp của ta ra, mà các ông không còn phân biệt nữa, thì đó là vọng (khách) chớ không phải thật tâm (chủ) của các ông rồi. 
Cũng như người khách, chỉ ngủ nhờ rồi đi, chớ không ở lại được. Nếu thật là chủ nhà, thì ở luôn chớ không còn đi đâu nữa. 
Cũng thế, nếu thật là tâm của ông, thì không đi đâu cả. Tại sao khi rời tiếng nói pháp của ta, thì ông không còn phân biệt nữa? 
Không những cái "phân biệt" về tiếng, cho dến cái "phân biệt" về sắc, hương ,vị , xúc và pháp, nếu rời sáu trần cảnh ra, thì nó đều không còn phân biệt nữa. Thế thì cái tâm của ông đồng là khách, có chỗ trả về. Vậy cái nào là "chủ", thật là tâm của ông? 
A-Nan hỏi Phật: -Nếu cái tâm của con có chỗ trả về (trần cảnh qua thì tâm phân biệt hết) thì tại sao đức Như Lai lại nói: "Cái chơn tâm của con không trả về đâu cả?". Xin Phật mở lòng từ bi chỉ dạy cho. 
IV.-PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ TƯ
Phật dạy: -Này A-Nan, tất cả cảnh vật trong thế gian không ngoài: sáng, tối, trống, bít, trong, đục v. v...Nay ta đem các vật này, cái nào trả về cho bản nguyên của cái nấy. 
Như ánh sáng thì trả về cho mặt nhựt, vì không mặt nhựt thì không sáng; còn tối thì trả về cho ban đêm, thông trả về cho trống, bít trả về cho vách, trong trả về cho tịnh, đục trả về cho bụi v.v...Cái nào trả về cho cái nấy rồi; còn cái "thấy" của ông thấy các cảnh vật đó, ông muốn nó trở về đâu? Nếu trả về cho cái sáng, thì khi tối đến đáng lẽ ông không thấy tối. Nếu trả nó về cho tối, thì khi sáng đến ông cũng phải không thấy sáng; còn trả về cho trống, bít v.v...cũng thế. 
Rõ ràng các cảnh vật tuy có thiên sai vạn biệt, mà "cái thấy" của ông thật không sai khác. Như vậy, cái nào có thể trả được, thì cái đó là khách, tự nhiên không phải là ông rồi; còn cái nào ông không trả về được, thì cái đó là chủ, quyết định của ông chớ ai? 
Cái tâm của ông mầu nhiệm sáng suốt và sẵn sàng như vậy, tại sao ông lại tự mê muội đi, trở lại nhận cái vọng làm mình, đành chịu nổi chìm trong biển khổ sanh tử, thật đáng thương xót ! 
LƯỢC GIẢI 
Đoạn này Phật phân tách các trần tướng, cái nào trả về cái nấy, để cho rõ "cái thấy" không trả về đâu được. Đó là cái "chủ", là "tâm" của chúng ta vậy. 
***
VII.- A-NAN CÒN NGHI HỎI PHẬT
A-Nan thưa: Bạch thế tôn, con tuy biết cái "thấy" này, không trả về đâu được, nhưng làm sao biết chắc nó là "chơn tâm" của con? 
VIII.-PHẬT CHỈ  TÂM LẦN THỨ NĂM
Phật dạy rằng: Này A-Nan, ông thử xem trước mắt, tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng, nào là núi sông, đất nước v.v...Ông nên lựa riêng ra cái nào thuộc về cảnh vật, còn cái nào là tâm ông. 
Này A-Nan, cùng tột tầm mắt thấy của ông, ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chớ không phải là ông; xem rộng ra, núi, sông, cây cối, cỏ hoa, người thú; cho đến gió bụi, chim chóc, cũng đều là vật chớ không phải ông. 
A-Nan, tất cả các cảnh vật, mặc dù có cao thấp, xa gần, ngàn sai muôn khác, song cũng đều là "vật bị thấy" của ông cả. Các vật loại tuy có sai khác, mà cái thấy của ông không khác. Thế thì cái "hấy" này chính là "tâm" của ông chứ không phải vật. 
LƯỢC GIẢI 
Đoạn này Phật chỉ tâm rất rõ ràng. 
***
IX.-PHẬT DẠY THÊM CÁI "THẤY" LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI VẬT 
Nếu cái "thấy" này là vật, thì ông cũng có thể thấy được cái "thấy" của ta. 
Nếu ông cùng ta đồng thấy một vật, (bị thấy) mà ông cho là thấy được "cái thấy" của ta, thời khi ta không thấy, sao ông chẳng thấy được cái "không thấy" của ta? (vì cái thấy không phải vật nên chẳng thấy được nó). 
Nếu ông nói: thấy được cái "không thấy" của ta, thì ông thấy cái gì đó, chớ quyết định không phải là thấy cái "không thấy" (tâm) của ta. Nếu ông không thấy được cái "không thấy" của ta, thì quyết định nó là "tâm", đương nhiên không phải là vật rồi. 
Lại nữa, nếu cái thấy là vật, thì khi ông thấy nó, nó cũng phải thấy được ông. Như vậy thời tâm, vật lộn lạo; và trong thế gian này, không thể phân biệt được loài hữu tình (tâm), và loài vô tình (vật). 
LƯỢC GIẢI 
Đại ý đoạn này Phật nói vật thì bị thấy, còn tâm thì không bị thấy. Bởi cái thấy là tâm, nên không thể thấy được nó. 
***
Này A-Nan, khi ông thấy các cảnh vật, cái thấy của ông khắp giáp tất cả, cái thấy đó không phải của ta và của người khác, thì quyết định của ông chớ ai? 
Rất rõ ràng như thế, tại ông còn nghi "chơn tâm" của ông? Cái "chơn tâm" của ông như vậy, sao ông không tự nhận lấy, lại đi cầu ta chỉ "chơn tâm" cho nữa? 
LƯỢC GIẢI 
Đoạn này, Phật chỉ tâm rõ ràng hơn hết. 
***
X.-ANAN NGHI "CÁI THẤY" CÓ LỚN NHỎ, ĐỨT NỐI.
A-Nan thưa Phật: -Bạch Thế Tôn, nếu cái "thấy" này quyết định là tâm của con, chớ không phải của ai, thì khi con xem vũ trụ bao la, thấy mặt trời, mặt trăng...lúc bấy giờ cái thấy của con rộng lớn khắp giáp cả hư không. Khi con trở vào trong nhà, thì chỉ thấy nội trong nhà thôi. 
Vậy cái thấy này nó phải rút nhỏ lại, chui vào nhà, hay là khi vào nhà, nó bị tường vách cắt đứt, nên còn nhỏ như thế? Chúng con không biết nghĩa này thế nào, xin Phật từ bi chỉ dạy. 
XI.- PHẬT DẠY: TRẦN CẢNH CÓ LỚN NHỎ, CÁI "THẤY" KHÔNG LỚN NHỎ
Phật dạy: Này A-Nan, trong thế gian tất cả cảnh vật có lớn nhỏ trong ngoài, tốt xấu v.v...đều thuộc về trần cảnh hiện tiền cả, chớ không phải cái thấy của ông có lớn nhỏ, tóp lại hay nới ra. 
Cũng như trong cái hộp vuông, thì thấy hư-không vuông, trong cái chén tròn thấy hư không tròn. Vì chén tròn, hộp vuông, nên thấy hư không có vuông và tròn, chớ không phải cái hư không thật có tướng vuông tròn. 
Nếu hư không quyết định là vuông, thì khi để cái chén tròn, đáng lẽ không thấy hư không tròn. 
Trái lại, Nếu hư không quyết định là tròn, thì khi để hộp vuông, đáng lẽ không thấy nó vuông. 
Vậy nên biết: vuông, tròn là tại đồ vật, chớ không phải hư không có vuông, tròn. Nếu phá hết các đồ vuông, tròn thì ông sẽ thấy hư không không có tướng vuông, tròn. Không phải bỏ hư không vuông mà có hư không tròn, hay trừ hư không tròn mà có hư không vuông. 
Cái "thấy" của ông cũng thế, không có vuông tròn hay lớn nhỏ, mà lớn nhỏ, vuông tròn là tại cảnh vật. 
Nếu ông có khi vào nhà, cái "thấy" quyết định phải tóp nhỏ lại, thì ông ra ngoài sân xem mặt nhựt, ông phải kéo giản cái thấy quyết định phải tóp nhỏ lại, thì ông ra ngoài sân xem mặt nhựt, ông phải kéo giản cái "thấy" ra đến mặt nhựt hay sao? 
Lại nữa, khi vào nhà, nếu ông cho cái thấy bị cắt đứt đi, thì khi xoi vách trống ra một lổ, thấy được bên ngoài, sao cái thấy của ông không có đầu nối? 
Nghĩa đó rất rõ ràng như vậy, chớ có chi lạ mà ông nói không biết. 
A-Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển (chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v.v...Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm định sáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ nầy) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới. 
LƯỢC GIẢI 
Từ nơi thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động, sanh ra có hư không thế giới, chúng sanh cùng các cảnh vật, nên gọi "mê mình là vật". 
Khi có cảnh vật rồi, cứ theo đó mà phân biệt xấu tốt, lớn nhỏ, mừng giận v.v...nên nói "bị vật chuyển xoay". 
Đến khi hết vô minh vọng động, trở lại với thể tánh chơn tâm, thì các cảnh vật ấy không còn; như người thức giấc chiêm bao, thì cảnh chiêm bao kia hết, nên nói "xoay chuyển vật" là thế. 
Lúc bấy giờ, một sợi lông hay mười phương thế giới cũng đều là chơn tâm cả. Đã đồng là chơn tâm, thì không còn thấy thế giới lớn hơn sợi lông, hay sợi lông nhỏ hơn thế giới, vì đồng một thể tánh, nên nói: "Trên đầu một sợi lông, có thể chứa đựng mười phương thế giới". 
Đoạn này lý thâm, phải suy nghĩ nhiều mới hiểu. 
 
Bài Thứ Năm
I.- A-Nan nghi: nếu "cái thấy" là mình, thì tâm này là ai? 
II.- Cái thấy rời tất cả cái tướng. 
III.- Cái thấy tức tất cả các pháp. 
IV.- Phật trấn tĩnh đại chúng. 
V.- Ngài Văn Thù đứng lên thưa hỏi. 
VI.- Phật dạy: Cái thấy không có "thị" và "phi thị". 
VII.- A-Nan nghi: Chơn tâm đồng với thuyết tự nhiên ngoại đạo. 
VIII.- Phật bác cái chấp "tâm tự nhiên mà có". 
IX.- A-Nan nghi: Tâm do nhơn duyên sanh. 
X.- Phật bác cái chấp: "nhơn duyên sanh". 
XI.- Phật dạy: Chơn tâm không thể dùng tâm suy nghĩ hay lời nói luận bàn được 
XII.- A-Nan trở lại nghĩ "nhơn duyên sanh". 
XIII.- Phật gạn lại hỏi "cái thấy" để chỉ rõ chơn tâm. 
XIV.- Phật chỉ cái "thấy" không phải vọng, song chưa phải là chơn tâm. 
XV.- Phật chỉ tâm lần thứ sáu.

I.- A-NAN NGHI: NẾU CÁI "THẤY" LÀ MÌNH THÌ THÂN TÂM NÀY LÀ AI?
A-Nan thưa Phật: -Bạch thế tôn! Nếu cái "thấy" này thật là "tâm" con, thì thân tâm của con hiện nay đây là ai? Và nếu cái "thấy" thật của con, thì nó phải hiện ở trước, khiến cho con thấy được nó. 
Lại nữa, thân tâm, của con hiện nay đây, biết phân biệt được nó (cái thấy), còn nó không biết phân biệt được thân tâm con. Xin đức Thế Tôn mở lòng đại bi chỉ dạy cho kẻ chưa ngộ này. 
II.-CÁI THẤY (TÂM) RỜI TẤT CẢ HÌNH TƯỚNG
Phật dạy A-Nan: Ông nói "cái thấy phải ở trước mặt để ông thấy nó", nói như vậy không phải, vì nếu cái "thấy" thật ở trước mặt ông, ông thấy được nó, thì cái "thấy" đó ở chỗ nào phải có nhất định và phải chỉ ra được . 
Nay ông ngồi trong rừng Kỳ đà, xem các cảnh vật, đưa tay chỉ ra từng món: chỗ im mát kia là rừng cây, cái sáng chiếu nọ là mặt nhựt, nơi ngăn ngại này là vách, chỗ trống đó là hư không; cho đến cỏ cây hoa lá, các vật lớn nhỏ tuy khác, song đều có hình tướng, có thể chỉ ra được cả. Còn cái "thấy" nếu có ở trước mặt ông, thì ông nên lấy tay chỉ chắc chắn, cái nào là cái "thấy". Nếu hư không là cái "thấy" thì cái gì là hư không? Còn nếu cảnh vật là cái "thấy", thì cái gì là cảnh vật? Đối với các cảnh vật sum la vạn tượng, ông nên chính chắn phân tích rõ ràng, rồi chỉ cho ta xem, cái nào là cái "thấy"cũng như chỉ các vật, không có lầm lộn. 
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn! Con mở tầm con mắt và đưa tay chỉ khắp tất cả, thì đều là "vật" chớ không có cái nào là "thấy". Dù cho bực Bồ tát cũng không thể phân tích ở nơi muôn vật để chỉ riêng cái "thấy" ra được; huống chi chúng con là bậc sơ học thinh văn, làm sao chỉ được . 
Phật dạy: Phải lắm! 
LƯỢC GIẢI 
Tâm không phải cái hình tướng, cũng như vàng không phải là vòng, kiềng, xoa, xuyến v.v ... 
III. CÁI THẤY (TÂM) TỨC TẤT CẢ PHÁP
Phật dạy rằng: Này A-Nan ! Như lời ông nói: "trong các cảnh vật, không thể chỉ riêng cái "thấy" ra được "; vậy nay ông đứng trước cảnh vật chỉ lại coi, cái nào không phải là cái "thấy"? 
A-Nan thưa: Con hiện đang xem tất cả các cảnh vật, không biết cái nào không phải cái "thấy". Nếu rừng cây kia không phải cái "thấy", thì làm sao thấy được rừng cây. Còn rừng cây là cái "thấy", thì sao gọi là rừng cây. Lại nữa, hư không nếu không phải là cái "thấy", thì làm sao thấy được hư không . Còn nếu hư không tức là cái "thấy", thì sao lại gọi là hư không. Con chính chắn suy nghĩ: cái nào cũng là cái "thấy" cả. 
Phật dạy: phải lắm! 
Khi đó đại chúng nghe lời Phật nói như vậy, tất cả đều hoang mang lo sợ, vì không biết nghĩa ấy thế nào. 
LƯỢC GIẢI 
Tâm đã sanh ra các pháp, thì pháp nào cũng là tâm cả: 
Cũng như vàng đã làm ra các đồ trang sức thì món nào cũng là vàng cả. 
***
IV. PHẬT TRẤN TĨNH ĐẠI CHÚNG
Phật dạy A-Nan và đại chúng hoang mang, sợ hãi, nên sanh tâm thương xót, liền an ủi A-Nan và đại chúng rằng: 
Như-Lai nói chơn thật, chẳng dối trá, không phải như chúng ngoại đạo Mạc-già-lê, nói năng rối loạn không nhất định đâu. Các ông nên bình tĩnh và chín chắn suy xét lại, chớ để cho Như Lai thêm lòng thương xót. 
V.- NGÀI VĂN THÙ ĐÚNG LÊN THƯA HỎI
Khi ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương tử thương cả bốn chúng, nên đứng dậy lạy Phật , cung kính chắp tay và thưa rằng: 
- Bạch Thế Tôn! Trong đại chúng đay chưa hiểu cái nghĩa: các cảnh vật là cái "thấy" hay không phải cái "thấy"? 
Bạch Thế Tôn! Các cảnh vật hiện tiền đây, nếu là cái "thấy", thì phải chỉ ra được; còn nếu không phải cái "thấy", thì đáng lẽ không thể thấy được. Vì trong đại chúng không hiểu nghĩa này thế nào, cho nên mới sợ hãi, hoang mang. Cúi xin đức Như Lai duỗi lòng từ bi chỉ dạy cho biết: Các cảnh vật hiện tiền đây, cùng với cái "thấy" này, nguyên là gì? Trong đây không có cái "phải" và cái "không phải". 
LƯỢC GIẢI 
Đoạn này lý thâm, nên ngài Văn-Thù mới đứng lên thưa hỏi: người học phải suy xét nhiều mới hiểu được. 
Nói cảnh vật và cái thấy, tức là chỉ cả vật chất với tinh thần đồng một thể tánh chơn tâm. Vì chơn tâm thì không thể suy nghĩ và bàn luận được, phải tự ngộ mà thôi, nên nói, "nguyên nó là cái gì?" (vì không thể nói ra được). Bởi nó rời đối đãi thị phi, nên nói "trong đó không có cái phải và cái không phải". 
***
VI.- PHẬP DẠY: CÁI "THẤY" KHÔNG CÓ "PHẢI" VÀ "KHÔNG PHẢI" (THỊ, PHI THỊ)
Phật kêu ngài Văn-Thù và Đại chúng, dạy rằng: 
- Mười phương các đức Phật và các vị Đại Bồ tát an trụ trong chơn tâm rồi, thời không còn thấy thật có các cảnh vật là căn, trần, thức nữa. Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy, nguyên là "chơn tâm". Đã là chơn tâm, thì đâu còn có "phải" hay "không phải" nữa. Như ông là Văn Thù, vậy có thể nói ông là "thật" Văn Thù hay "không thật" Văn Thù được không? 
Văn-Thù thưa: -Bạch Thế Tôn! Chính như thế đó, con là Văn-Thù rồi, thì không thể nói "thật Văn-Thù" được; vì nếu nói "thật Văn-Thù", thì phải nói ông Văn-Thù giả (thứ hai). Song con nay đã là Văn-Thù rồi, thì không thể nói "thật" hay "không thật" được. 
LƯỢC GIẢI 
Chơn tâm không hai, nên không còn thị và phi đối đãi; không thể nói "quấy" đã đành, mà nói "phải" cũng không trúng. Bởi vì nó ngoài vòng đối đãi, cũng như ông Văn-Thù là Văn-Thù, không thể nói: "thật" hay "không thật" được . 
***
Phật dạy: Cái thấy cùng với cảnh vật bị thấy cũng lại như vậy, đều là thể tánh chơn tâm, vì vọng động mà có ra: thấy nghe và các cảnh vật. Nó cũng như mặt trăng thứ hai, đâu có gì mà nói "phải" hay "không phải". Nghĩa là chỉ có một mặt trăng chánh, (chơn tâm) trong đó không có cái "phải" mặt trăng hay "không phải" mặt trăng. 
Nay ông thấy có cái "thấy" và "cảnh vật bị thấy" đó là vọng tưởng; còn đối với thể tánh chơn tâm, thì không còn nói phải hay không phải được. Bởi thế nên chơn tâm nói ra ngoài cái phạm vi "chỉ bày" và "không chỉ bày" của ông rồi. 
LƯỢC GIẢI 
Suy nghĩ không tới nói năng không nhấm. Đại ý đoạn này nói: chỉ có một chơn tâm, không thể nói phải hay không phải, nó vượt ra ngoài sự đối đãi và nói năng phân biệt. 
Vì vọng động mà sanh ra các vật chất (cảnh) và tinh thần (tâm). Cũng như chỉ có một mặt trăng chánh, không thể nói phải mặt trăng hay không phải mặt trăng; vì lòa mà thấy in tuồng có mặt trăng thứ hai. 
***
VII.- A-NAN NGHI "CHƠN TÂM" ĐỔNG VỚI THUYẾT "TỰ NHIÊN" CỦA NGOẠI ĐAO. 
A-Nan thưa: -Bạch Thế Tôn! Ngày trước Phật ở tại núi Lăng Già, có dạy cho ông Đại Huệ Bồ Tát v.v...rằng: "các chúng ngoại đạo kia thường chủ trương thuyết "tự nhiên sanh", còn ta thời nói "các pháp do nhơn duyên sanh", nên không đồng với thuyết của các ngoại đạo kia". 
Hôm nay nghe lời Phật dạy, thì con hiểu cái "chơn tâm" này in như tự nhiên mà có; chớ không phải "nhơn duyên sanh", vì nó rời tất cả các vọng tưởng điên đảo, không sanh, không diệt. Cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con ngộ được chơn tâm thường trụ này, mà không lạc vào thuyết "tự nhiên" của các tà đạo. 
LƯỢC GIẢI 
Cái chơn tâm này, nó tuyệt đối đãi, ngoài thị và phi. Nếu còn chấp có, không, thị và phi, nhơn duyên hay tự nhiên v.v...Đều không trúng cả. Song chúng sanh vì cái mê chấp nhiều đời, cũng như cây chuối nhiều bẹ, lột hết bẹ này, thì nó bày ra bẹ khác. Phật vừa bác xong thị và phi, thì ông A-Nan liền chấp nhơn duyên và tự nhiên v.v...than ôi! Lưới mê nhiều đời chồng chập, thật khó trong một lúc vẫy vùng ra khỏi! 
VIII.- PHẬT BÁC CÁI CHẤP "TÂM TỰ NHIÊN MÀ CÓ" 
Phật dạy rằng: Ta đã dùng nhiều phương tiện và thành thật chỉ dạy cho tường tất như thế, mà ông cũng chưa hiểu ngộ, lại còn mê muội chấp là tự nhiên nữa. 
A-Nan nếu thật tự nhiên, thì ông phải chỉ rõ cái "thấy" này, lấy gì làm cái thể tự nhiên của nó? Lấy cái "sáng" làm tự nhiên hay lấy cái "tối" làm tự nhiên? Lấy cái "trống không" làm tự nhiên hay lấy cái "ngăn bít" v.v...làm tự nhiên? 
A-Nan, nếu lấy cái "sáng" cho là tự nhiên cái thể của nó như vậy, thì khi tối lại, đáng lẽ ông không thấy được tối. Cho đến lấy cái "tối" v.v...làm thể tự nhiên của nó, thì khi sáng đến, cái thấy của ông phải mất, làm sao thấy được cái sáng v.v... 
IX.- A-NAN LẠI NGHI TÂM DO "NHƠN DUYÊN SANH"
A-Nan thưa: Bạch Thế Tôn, cái thấy này nếu không phải tự nhiên mà có, thì chắc do nhơn duyên sanh. Con hiểu như vậy chẳng biết có phải không? Xin đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy. 
X.- PHẬT BÁC CÁI CHẤP "NHƠN DUYÊN SANH" 
Phật bác rằng: Ông nói "nhơn duyên sanh". Vậy nay ta hỏi ông: Cái thấy này là nhơn duyên cái sáng mà có, hay nhơn duyên cái tối mà có? Nhơn duyên cái trống không mà có, hay nhơn duyên cái ngăn bít v.v...mà có? 
A-Nan, nếu nhơn duyên cái sáng mà có, thì khi tối đến, ông phải không thấy được cái tối; còn nhơn duyên cái tối, cái trống, cái bít v.v...cũng vậy. 
XI.- PHẬT DẠY: CHƠN TÂM KHÔNG THỂ SUY NGHĨ VÀ LUẬN BÀN ĐƯỢC
Phật dạy: A-Nan! Ông phải biết: Cái thấy (tâm) này không phải "nhơn", không phải "duyên", không phải "tự nhiên", và cũng không phải "không tự nhiên", không phải "phi", không phải "bất phi", không phải "thị", không phải "phi thị", nó rời tất cả tướng, mà chính là tất cả pháp. Như thế thời ông làm sao để tâm suy nghĩ cho tới, dùng lời nói luận bàn cho kịp và gọi nó bằng thứ gì được. (ly ngôn thuyết tướng, ly tâm duyên tướng, ly danh tự tướng). 
Nếu ông để tâm suy nghĩ và dùng lời nói luận bàn, thì cũng như người quơ tay chụp bắt hư không; chỉ thêm mệt nhọc, chớ làm sao mà chụp bắt hư không cho được. 
LƯỢC GIẢI 
Đến chỗ cao siêu tuyệt diệu, thì không còn suy nghĩ, luận bàn được; nếu còn suy nghĩ luận bàn được thì không phải là cao siêu tuyệt diệu. 
Bởi thế nên Đức Thích Ca đóng cửa thất tại nước Ma-Kiệt, ông Duy-Ma-Cật ngậm miệng tại thành Tỳ-Da, tổ Đạt-Ma ngồi tại chùa Thiếu Lâm, day mặt vô vách chín năm, không nói một lời, đều vì cái lý cao siêu, không thể luận bàn được. 
***
XII.- A-NAN TRỞ LẠI NGHI "NHƠN DUYÊN SANH"
A-Nan thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Cái "thấy" này nếu không phải "nhơn" không phải "duyên", tại sao đức Thế Tôn thường cùng với các thầy Tỳ-kheo nói: "cái thấy phải đủ bốn duyên mới sanh"; như nhơn hư không, ánh sáng, tâm và con mắt mới sanh. Vậy nghĩa này thế nào? 
Phật dạy rằng: Này A-Nan, ta nói thuyết nhơn duyên, là đứng về phần sự tướng (hiện tượng), chỉ các pháp trong thế gian mà nói, chớ không phải chỉ cho lý tánh tuyệt đối (bản thể) vậy. 
LƯỢC GIẢI 
Về phương diện pháp tướng (mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu, gọi là phần hiện tượng) nói về "thức", thì Phật nói có căn, trần, thức và nhơn duyên v.v...Còn đứng về phương diện pháp tánh (mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu, gọi là phần bản thể) thì không còn danh tướng, nói năng kêu gọi hay suy nghĩ được. 
Bởi thế nên trong kinh, Phật nói: "Đạo ta cao siêu không thể suy nghĩ và luận bàn được". Kinh này là nói về phần lý tánh tuyệt đối. 
***
XIII.- PHẬT GẠN HỎI LẠI CÁI "THẤY" ĐỄ CHỈ  RÕ CHƠN TÂM
Phật hỏi: Này A-Nan! Bây giờ ta hỏi ông: người đời thường nói "tôi thấy". Vậy thế nào là "thấy" và thế nào là không "thấy"? 
A-Nan thưa: Người đời nhơn có ánh sáng mới thấy được cái vật, thì gọi là "thấy"; còn không có ánh sáng, chẳng thấy các vật, thì bảo rằng "không thấy" 
Phật dạy: Nếu không có ánh sáng mà bảo là không thấy, thì khi tối đến đáng lẽ ông cũng không thấy được cái "tối"? Còn như ông thấy được cái "tối", thì khi đó chẳng qua không có ánh sáng mà thôi, chớ sao lại nói "không thấy"? 
Lại nữa, nếu khi tối ông không thấy được cái "sáng", mà ông cho cho là thấy, thì khi sáng ông không thấy được cái "tối", đáng lẽ cũng phải bảo là không thấy mới phải. Như vậy, thìi "tối" vá "sáng" cả hai đều phải bảo là "không thấy" hết. 
Bởi thế, ông nên biết: "tối" và "sáng" hai món trần tướng nó tự thay đổi với nhau, còn cái "thấy" của ông lúc nào cũng có. Vậy thì thấy "tối" và "sáng" đều gọi là thấy cả, tại sao khi thấy tối, ông nói "không thấy"? 
XIV.- PHẬT CHỈ THẤY CÁI KHÔNG PHẢI VỌNG, SONG CHƯA PHẢI LÀ CHƠN TÂM   
(Đoạn này nguyên ở trước, nay dịch giả đem lại đây cho thuận nghĩa). 
Phật dạy A-Nan rằng: -Cái "thấy" của ông đó, hông phải là vọng, song chưa phải là "chơn tâm". Nó cũng như mặt trăng thứ hai (do lòa con mắt mà có) tuy không phải bóng mặt trăng dưới nước, nhưng chưa phải là mặt trăng chánh. 
LƯỢC GIẢI 
Mặt trăng chánh là dụ cho chơn tâm, mặt trăng thứ hai là dụ cho cái thấy, nghe v.v...các giác quan về phần trực giác. Bóng mặt trăng là dụ cho vọng tưởng phân biệt. 
Đại ý đọan này nói cái "thấy" không phải vọng tâm, nhưng cũng chưa phải là chơn tâm, nghĩa là nó gần với chơn tâm mà thôi. Cũng như mặt trăng thứ hai do lòa con mắt mà có; nó không phải bóng mặt trăng dưới nước, nhưng cũng chưa phải là mặt trăng chánh. 
***
Phật dạy: A-Nan, ông phải biết: Khi ông thấy sáng, thì cái "thấy" của ông không phải là cái "sáng"; khi ông thấy tối, cái "thấy" của ông không phả là cái "tối"; khi ông thấy trống không, cái thấy của ông không phải là cái "trống không"; khi ông thấy ngăn bít cái "thấy" của ông không phải là cái "ngăn bít". 
LƯỢC GIẢI 
Nói cái "thấy" chớ kỳ thực là chỉ chung cho cả cái "nghe, hay, biết". Nói "sáng, tối, trống, bít" là chỉ chung cho các cảnh vật. 
Đại ý bài này nói: Khi thấy các cảnh vật, thì cái "thấy" không phải là cảnh vật. 
***
XV. -PHẬT CHỈ CHƠN TÂM LẦN THỨ SÁU. 
Phật dạy: -Ông đã hiểu rõ bốn nghĩa này rồi; ông nên hiểu thêm lên một từng nữa: Khi "chơn tâm đã khởi ra cái "thấy" (cái giác quan), thì cái "thấy" không phải là "chơn tâm"; cái "thấy" còn cách biệt với chơn tâm, (vì còn một lớp mê), cái "thấy" không thể bì kịp với "Chơn tâm" (đoạn này Phật mới chỉ chính xác cái chơn tâm
LƯỢC GIẢI 
Mượn danh từ triết học nói cho dễ hiểu: khi bản thể (tâm) khởi ra hiện tượng (các giác quan) thì hiện tượng không phải là bản thể, hiện tượng còn cách biệt với bản thể, hiện tượng không thể bì kịp bản thể. Cũng như khi nước đã biến thành sóng, thì sóng không phải hoàn toàn là nước, sóng còn xa biệt với nước (vì bị gió xao động), sóng không thể bì kịp nước. 
Đành rằng "tâm" cùng với cái "thấy" v.v...không hai, nhưng vì mê nên tâm biến ra các giác quan thấy nghe hay biết. Lúc bấy giờ cái thấy nghe ấy biết, không phải là chơn tâm. Ngộ rồi thì cái thấy nghe hay biết mới gọi là "chơn tâm". Song khi chưa ngộ thì không thể nói cái thấy, nghe v.v...Các giác quan là chơn tâm được. 
Cũng như nước với sóng không khác, nhưng vì gió động nên nước biến thành sóng; lúc bấy giờ sóng không phải là nước, nước cách biệt với sóng. Đến khi hết gió xao động thì sóng trở lại thành nước. Nhưng khi còn động thì không thể nói sóng đó là nước. Như thế thời ông làm sao lại nói là "nhơn duyên, tự nhiên, hòa hợp, và phi hòa hợp"được. Các ông là hàng Thinh văn, trí thức hẹp hòi, không thông hiểu được thập tướng (chơn tâm). Ta đã chỉ dạy nhiều lần rồi, vậy các ông nên khôn khéo suy nghĩ và cố gắng tiến lên tu hành, chớ nên giải đãi trên con đường bồ đề. 
******
Bài Thứ Sáu
XIII. -NƯỚC TỪ CHƠN TÂM BIẾN HIỆN 
A-Nan , tánh nước không tịnh, đứng chảy chẳng thường. Như trong thành Thất La, các vị đại huyễn sư, như ông Ca-tỳ-la-tiên, Chiết-ca-la-tiên, Bác-đầu-ma và Ha-tát-đa v.v...Các vị này thường lấy nước mặt trăng hòa với thuốc. Họ chờ đêm nào trăng sáng trong, cầm hột châu phương chư hứng mặt trăng, thì có nước chảy ra ở thau. 
Vậy nước ấy từ hột châu sanh? Hay từ hư không ra? Hay từ mặt trăng đến? 
A-Nan, nếu từ mặt trăng đến, nó làm cho hột châu ra nước; vậy thì từ phương xa đến đây, trong khi trải qua cây cối các cảnh vật, nó phải đều làm cho ngập ướt cả; nếu thế thì cần gì phải có hột châu phương chư (hột châu lấy nước)? Song sự thật các cảnh vật không ngập ướt, thì rõ ràng nước ấy không phải từ mặt trăng đến. 
Còn nói "nước từ hạt châu ra", thì hột châu nếu đã chảy ra được nước, đáng lẽ lúc nào nó cũng tự chảy ra được nước, cần gì phải chờ nữa đêm hứng mặt trăng sáng mới có nước? 
Còn nói "nước từ hư không sanh" thì hư không vô biên, nước cũng phải vô biên; vậy thì từ nhơn gian cho đến thiên thượng, tất cả cỏ cây, đất đai đều bị ngập lụt cả. 
Ông nên chín chắn xem xét: Mặt trăng ở trên trời, hột châu ở tay người cầm, cái thau hứng nước lại để dưới đất. Mặt trăng với hột châu để cách xa nhau, không phải hòa cũng không phải hiệp, vậy nước đó từ đâu mà đến? Không lẽ không nhơn đâu mà nó tự có. 
Ông không biết trong chơn tâm, tánh (bản thể) của nước (tâm) thật không; tánh (bản thể) của không (tâm) thật nước, vốn sẵn thanh tịnh khắp giáp cả pháp giới, tùy tâm của chúng sanh phân biệt như thế nào, thì nó hiện ứng như thế nấy. Một người cầm hột châu lấy nước, thì một chỗ đó có nước. Nếu tất cả người trong thế gian đều cầm hột châu lấy nước, thì khắp cả trong thế gian đều có nước. Nước tùy theo nghiệp chướng trong chúng sanh mà phát hiện ra; nó không có phương hướng sứ sở gì. Người trong thế gian không biết, lầm chấp nhơn duyên sanh, hoặc tự nhiên có, đều do thức tâm vọng chấp, phân biệt cả. Phàm có nói năng, luận bàn thế nào, cũng đều không đúng cả. 
XIV.-GIÓ TỪ CHƠN TÂM BIẾN HIỆN 
A-Nan, tánh gió không tịnh, động và tịnh chẳng thường. Như ông thường đắp y đi vào đại chúng, cái chéo y của ông phất qua người gần bên, thì có một chút gió quạt đến mặt người. Vậy gió này từ chéo y bay ra, hay từ hư không bay đến, hay từ nơi mặt người sanh? 
A-Nan, nếu gió này từ cái y bay ra, thì cái y đã thành gió, vậy nó phải bay bổng rời khỏi thân ông, và ông đắp y thành ra đắp gió hay sao? Ta hay xổ cái y ra, ông hãy thử xem coi gió ở chổ nào? chẳng lẽ trong y có chổ cất (để) gió. 
Nếu gió từ hư không sanh, vậy thời khi ông không động cái y, sao chẳng có gió? Và hư không thường còn, thì gió cũng phải thường sanh, nếu khi nào không có gió, thì hư không phải diệt. Song thật ra gió có thể diệt (hết) chớ không làm sao diệt được. 
Nếu hư không có sanh diệt, thời không gọi là hư không; còn gọi là hư không thời làm sao lại sanh ra gió được. 
Còn ông nói "gió từ nơi mặt người bị phất sanh"; nếu thật thế, thì gió phải phất đến mặt ông mới phải, tại sao nó lại phất ngược trở lại mặt người bị phất. 
Ông nên chính chắn xem xét: Cái y là ở nơi ông, cái mặt là thuộc về người kia (bị phất), còn hư không thì tự yên lặng; gió (động) với hư không (lặng) tánh khác nhau, không hòa không hiệp, vậy gió từ nơi đâu mà phát động đến đây? Không lẽ không từ nơi đâu mà tự có. 
Các ông không biết trong chơn tâm, tánh (bản thể) của gió (tâm) là thật gió, vốn sẵn thanh tịnh, khắp giáp cả pháp giới, tùy tâm chúng sanh phân biệt như thế nào, thời nó hiện ra như thế nấy. Một người phất y, thời có một chút gió sanh ra. Nếu tất cả mọi người trong thế giới đều phất y, thì cả thế giới đều có gió, theo nghiệp của chúng sanh mà phát hiện, không có phương hướng, xứ sở gì. Thế gian không biết, khởi thức tâm phân biệt so đo, lầm chấp là nhơn duyên sanh, hoặc tự nhiên có v.v...đều không đúng cả.
Bài Thứ Bảy
I-Hư không từ chơn tâm biến thiện 
II-Các giác quan từ chơn tâm biến thiện 
III-Thức (phân biệt) từ chơn tâm biến thiện 
IV-A-Nan ngộ được chơn tâm, đứng dậy phát nguyện rộng lớn.

I.-HƯ KHÔNG TỪ CHƠN TÂM BIẾN THIỆN
A-Nan, hư không vô hình, nhơn các hình sắc mà hiện bày ra. Như ở trong thành Thất la này, khi dân chúng mới cất nhà, thì họ đào giếng để múc nước. Đào một thước đất, thì thấy có một thước hư không hiện ra, đào xuống mười thước thì thấy có mười thước hư không hiện ra; hư không cạn không hay sâu là tùy người đào nhiều hay ít. Vậy hư không này là do đất sanh, do đào mà có, hay không do đâu mà tự sanh? 
A-Nan, hư không này, nếu không do đâu mà tự sanh, thì khi chưa đào sao không thấy có hư không, mà chỉ thấy đất đặc? Còn cái hư không do đào mà có; thì khi quăng đất ra, đáng lẽ phải thấy hư không vào. Nếu quăng đất ra trước mà không thấy hư không vào, thời sao lại nói hư không do đào đất mà có?. Nếu hư không không ra vào, thời đáng lẽ nó cùng với đất không khác; nếu không khác thời đồng với đất. Vậy khi quăng đất ra, sao chẳng thấy hư không ra? Nếu nói hư không do đào đất mới có, thời khi đào, đáng lẽ phải ra hư không chớ sao lại ra đất? Còn nói hư không chẳng do đào mà ra thì khi đào ra đất, tại sao thấy có hư không? 
Các ông nên chính chắn quan sát: đào là từ nơi tay người tùy theo chỗ mà đào. Còn đất cục là nhơn chỗ đất cái dời đi. Đào là việc thật, còn hư không thì trống không, hai cái không dính líu gì với nhau, không hòa không hiệp. Vậy hư không từ nơi đâu mà ra không lẽ không nhơn đâu mà hư không tự có. 
Các ông biết trong chơn tâm tánh (bản thể) của hư không (tâm) là chơn giác (tâm); tánh (bản thể) của giác (tâm) là chơn không, vốn sẵn thanh tịnh, khắp giáp cả pháp giới, tùy theo tâm chúng sanh thế nào, thì nó hiện ra thế ấy. Một chỗ đào giếng, thì một chỗ có hư không, khắp cả trong thế gian đều đào giếng, thì khắp cả thế gian có hư không; tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở gì. Người trong thế gian không biết, khởi tâm phân biệt so đo, chấp là nhơn duyên sanh hoặc tự nhiên có v.v...đều không đúng cả. 
A-Nan, ông nên biết: hiện tiền tính của năm đại: đất, nước, gió, lửa và hư không vốn viên dung khắp giáp, không lay động, đều là chơn tâm cả, không có sanh và diệt. Chỉ tại các ông mê muội không biết mà thôi. 
LƯỢC GIẢI 
Đất, nước, gió, lửa và hư không, năm đại này thuộc về phần vật chất, đại diện cho các cảnh vật. Hai đại diện sau (kiến và thức) là thuộc về phần tinh thần, đại diện cho các thức. 
II.-CÁC GIÁC QUAN TỪ CHƠN TÂM BIẾN HIỆN
A-Nan, cái thấy không tự thể, nhơn đối với cảnh vật và hư không mà có, như ông ngày nay ngồi trong rừng Kỳ đà, sớm mai thấy sáng, chiều lại thấy tối, đêm không trăng trời thấy tối, có trăng lại thấy sáng. Nhơn có tối và sáng, nên ông mới thấy có phân biệt. 
Vậy cái thấy này cùng với tối, sáng và hư không là một thể hay không phải một thể? Đồng hay khác? 
Này A-Nan, khi tối thì không có sáng, khi sáng không có tối. Nếu cái thấy này cùng với tối đồng một thể thì khi sáng đến, cái thấy phải mất. Còn cái thấy này cùng với cái sáng đồng một thể, thì khi tối lại, cái thấy diệt. Nếu cái thấy diệt, thời làm sao thấy tối và thấy sáng. Lại nữa, tối và sáng khác nhau, còn cái thấy lại không sinh diệt, như thế thời làm sao nói đồng một thể được. 
Nếu nói cái thấy cùng với tối, sáng và hư không chẳng phải một thể, thì rời tối, sáng và hư không, ông hãy chia riêng cái thấy của ông ra xem thử hình tướng của nó thế nào. Nếu trời tối, sáng và hư không thì cái thấy của ông như lông rùa, sừng thỏ; nghĩa là không có. Khi phân tách ra tối, sáng và hư không, ba cái đều khác, thì cái thấy của ông ở chỗ nào? 
Lại nữa, tối sáng trái nhau, thế nào nói đồng được? Rời tối, sáng và hư không ra, không có cái thấy, thì làm sao nói khác được? Không thể chia ra đây là hư không, kia là cái thấy được, thời làm sao lại nói không đồng, tối, sáng chẳng đồng, còn cái thấy không biến đổi thì sao lại nói không khác?
Ông nên chính chắn suy xét: cái sáng là từ nơi mặt nhựt, cái tối thuộc ban đêm, chỗ trống thuộc hư không, nơi bít là thuộc về đất; cái "thấy" có biết còn hư không không biết, không phải hòa không phải hiệp. Vậy cái "thấy" từ nơi đâu mà sanh, không phải tự nhiên có? 
Các ông không biết: trong chơn tâm, cái tánh của "thấy" là tâm (giác minh) tâm là tánh của thấy; vốn sẵn thanh tịnh khắp cả pháp giới, tùy tâm của chúng sanh phân biệt thế nào, thì hiện ra theo sự hiểu biết của chúng sanh như thế ấy. Như một con mắt là một cái thấy. Cho đến tai nghe, mũi ngửi, miệng nếm, thân xúc, ý biết, sáu giác quan cũng vậy, đều khắp cả pháp giới, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở gì. 
LƯỢC GIẢI 
Như điện, vào đèn thì đèn cháy, vào quạt quạt lại quay v.v...điện không có phương hướng xứ sở gì, chỉ tùy duyên phát hiện. Còn tâm cũng thế, tâm vẫn là một, nếu đến mắt thì thấy, còn đến tai thì nghe v.v...tùy duyên phát hiện. 
***
Thấy, nghe, hay, biết sáu giác quan kể là một, cùng với hư không và bốn đại, thành ra sáu đại, tính có viên dung vốn không lay động, đồng một thể chơn tâm, không sanh không diệt, thế gian vì mê lầm không biết, sanh tâm phân biệt, chấp cho nhân duyên sanh, hoặc tự nhiên có đều không đúng cả. 
III.-THỨC (PHÂN BIỆT) TỪ CHƠN TÂM ĐẾN THIỆN 
-Này A-Nan, cái "thức" (phân biệt) không có căn nguyên, nhơn sáu căn và sáu trần mà vọng hiện. Ông nay dùng mắt xem khắp trong hội này, thì con mắt của ông chẳng khác nào như cái kiếng chiếu cảnh, không có phân biệt gì riêng khác. Rồi cái "thức" của ông mới khởi lên, tuần tự phân biệt: đây là ông Văn thù, kia là ông Phú-Lâu-Na, đó là ông Mục-kiền-liên, nọ là ông Tu-Bồ-Đề v.v...vậy cái thức hiểu biết phân biệt này, từ cái thấy sanh, hay từ nơi cảnh vật sanh? Từ hư ra, hay không do đâu mà tự xuất hiện? 
A-Nan, nếu nói "cái thức của ông từ nơi cái thấy sanh", mà không có tối, sáng, cảnh vật và hư không bốn món, thì cái "thấy" của ông không có. Cái thấy còn không có, thời cái thức phân biệt kia làm sao từ nơi cái thấy mà sanh được. 
Còn nói "thức phân biệt này từ cảnh vật sanh, chớ không phải từ nơi cái thấy". Nếu không có cái thấy để thấy tối, sáng, cảnh vật và hư không các tướng, thời cái "thức" của ông từ nơi đâu mà sanh được. 
Còn nói "thức từ hư không sanh, không phải từ nơi cảnh vật và cái thấy". Nếu không có cái "thấy" thời không thấy được sáng, tối, cảnh vật và hư không. Còn nếu không có các cảnh vật thì thấy, nghe, hay, biết không từ nơi đâu mà có. 
Nếu nói "thức không phải từ cảnh vật và cái thấy sanh", như thế thì nó đồng với cái không. Còn nói "nó có mà không phải đồng cảnh vật", thì dầu cho cái thức của ông có phát sanh ra nữa, cũng không thể phân biệt cái gì được. 
Nếu nói "thức không nhân đâu, thoạt nhiên xuất hiện", thì sao khi ban ngày, ông không thể phân biệt được mặt trăng? 
Ông nên chính chắn suy xét: cái thấy thì nó gá nơi con mắt của ông, còn các hình tướng là ở nơi cảnh vật. Những gì có hình tướng thời có, còn không hình tướng là không. Cái "thức" thì động (có phân biệt), còn cái thấy lại yên lặng (không phân biệt), không phải hòa không phải hiệp. Vậy thì cái thức phân biệt của ông từ đâu sanh ra? Không lẽ không do đâu mà tự có? 
Các ông không biết trong chơn tâm, tánh của thức là tâm, tâm mới thật là thức (chơn thức), nó nhiệm mầu yên lặng, sáng suốt, khắp giáp cả pháp giới , hàm chứa và sanh ra mười phương hư không thế giới, chỉ tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra, không có phương hướng xứ sở. Thế gian không biết, khởi thức tâm phân biệt chấp trước, cho là nhân duyên sanh hoặc tự nhiên có v.v...đều không đúng cả. 
Các ông nên biết: đất, nước, gió, lửa hư không, cái thấy và thức tâm gọi chung là bảy đại, tánh của nó đều là chơn tâm viên mãn khắp giáp tất cả, vốn không sanh diệt. Các ông vì mê muội nên không biết. 
LƯỢC GIẢI 
Chúng ta nên phân biệt rõ ràng: "thức" và cái "thấy". 
Cái "thấy" là thuộc các giác quan, về phần trực giác. Nó cũng như cái kiếng chiếu cảnh, không có phân biệt tính toán. Còn "thức thì có phân biệt tốt, xấu, hay, dở v.v...so theo Duy thức tông, để nói cho dễ hiểu: trong đây nói "thức" là chỉ cho thức thứ Sáu; còn nói cái "thấy" là chỉ về năm thức trước. 
Tóm lại, nói đất, nước, gió, lửa, hư không, cái thấy và thức, cộng là bảy đại, gồm cả vật chất cả tinh thần. 
Đất, nước, gió, lửa, hư không là thuộc về vật chất, còn thấy các thức là thuộc về phần tinh thần. Trong vũ trụ tuy có thiên hình vạn trạng, nhưng tóm lại thì không ngoài vật chất và tinh thần. 
Đoạn này là cả nói về vật chất lẫn tinh thần đều từ nơi chơn tâm, tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ra như thế này, hoặc như thế kia, ngàn sai muôn khác. Như người chiêm bao thấy hiện ra các cảnh vật (đất, nước v.v...) 
Về bản thể (tâm) của bảy đại thì chơn, không có sanh diệt. Còn về hiện tượng (các hình tướng) thì vọng. Vì chúng sanh mê muội không biết, chấp thế này hoặc thế kia, (như người đương chiêm bao chấp các cảnh chiêm bao là thật). Một phen ngộ được chơn tâm, thì bảy đại này đều trở về thể tánh chơn tâm (như người thức giấc, thì cảnh chiêm bao liền hết; lúc bấy giờ mới biết các cảnh vật trong chiêm bao đó, đều do tâm chiêm bao hiện ra).  
IV.- A-NAN VÌ NGỘ ĐƯỢC CHƠN TÂM NÊN ĐỨNG DẬY PHÁT LỜI THỀ NGUYỆN RỘNG LỚN
Khi ấy A-Nan và đại chúng nhờ Phật chỉ dạy rất cặn kẽ, nên mỗi người đều ngộ được chơn tâm của mình rộng lớn khắp cả mười phương hư không. Lúc bấy giờ ông lại thấy cả mười phương thế giới rất nhỏ hẹp và rõ ràng cũng như một lá cây cầm trong tay. Tất cả các cảnh vật sum-la vạn-tượng trong thế gian này, đều ở trong chơn tâm; chơn tâm bao trùm khắp giáp cả mười phương thế giới. Khi ấy ông xem trở lại cái thân do cha mẹ sanh đây, thật nhỏ nhen làm sao! Như một hạt bụi nhỏ ở trong mười phương hư-không, dù còn, dù mất cũng không thấm vào đâu và cũng như một hòn bọt nhỏ, nổi ở trong bể cả rộng khơi, dầu sanh dầu diệt cũng không nhằm gì. 
Vì ông A-Nan hiểu lộ được chơn tâm của mình còn không diệt và rộng lớn như vậy, nên ông đứng trước Phật chắp tay kính lạy, và xứng theo chơn tâm rộng lớn, mà nói bài kệ phát nguyện như vầy: 
NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN 
Diệu trạm, Tổng trì, Bất động tôn 
Thủ Lăng-Nghiêm vương, thế hi-hữu, 
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng,  
Bất lịch tăng-kỳ hoạch pháp thân. 
Nguyện kim đắc quả thành bảo vương,  
Hườn độ như thị hằng sa chúng, 
Tương thử thâm tâm phụng trần sát, 
Thị tắc danh vi báo Phật ân. 
Phục chỉnh Thế-Tôn vị chứng minh: 
Ngũ trược ác thế hệ tiên nhập, 
Như nhất chúng sanh vị thành Phật, 
Chung bất ư thử thủ Nê-hoàn. 
Đại hùng, đại lực, đại từ bi, 
Hi cánh thẩm trừ vi tế hoặc, 
Lĩnh ngã tảo đăng vô thượng giác, 
Ư thập phương giới tọa đạo tràng 
Thuấn-nhã-da tánh khả tiêu vong, 
Thước-ca-ra tâm vô động chuyển. 
DỊCH NGHĨA 
Kính lạy Pháp thân, Báo-thân, Hóa-thân Phật, và kinh Thủ-Lăng-Nghiêm vương là ngôi Pháp-bảo rất hi hữu trên đời. Tiêu trừ cho con các vọng tưởng điên đảo từ ức kiếp, khiến con chẳng cần trải qua vô số kiếp tu hành mà vẫn đặng pháp-thân Phật. 
Hôm nay con nguyên mau đặng thành quả Phật, để trở lại độ chúng sanh nhiều như hằng sa. Con nguyện đem thân-tâm này, phụng sự các Đức Phật nhiều như vi trần. Thế mới gọi là đền ơn chư Phật. 
Cúi xin Đức Thế-Tôn chứng minh cho lời nguyện của con: "trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh ". Nếu còn một chúng sanh nào chưa được thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả vui Niết-bàn. 
Phật là đấng Đại-lực và Đại-từ-bi. Cúi xin Ngài tiêu trừ các điều mê lầm vì tế cho con, khiến cho con sớm đặng thành quả Phật, để hóa độ chúng sanh khắp cả mười phương thế giới. Giả sử hư không kia có thể tiêu diệt hết, chớ chí nguyện của con đây chẳng hề lay động. 
LƯỢC GIẢI 
Ngài A-Nan vì ngộ được chơn tâm của mình rộng lớn bao hàm cả vũ trụ: vô biên thế giới vô tận chúng sanh đều ở trong chơn tâm cả. Lúc bấy giờ, Ngài thấy mười phương thế giới rất rõ ràng và rất nhỏ hẹp cũng như cái lá cây nằm ở trong tay, còn thân này nhỏ nhen như hạt bụi bay trong hư không, dầu còn dầu mất cũng chẳng thấm vào đâu. 
Bởi Ngài ngộ được chơn tâm rộng lớn, cùng với chúng sanh đồng một thể không hai, cho nên Ngài mới xứng theo chơn tâm rộng lớn, khởi ra đồng thể đại bi, phát lời thề nguyện rộng sâu như thế. 
Xem như câu: 
Trong đời ngũ trược tội ác này, con thề vào trước để cứu khổ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì con thề chẳng lãnh quả Niết-bàn ... 
Và câu: 
Giả sử hư không kia có thể tiêu hết, mà chí nguyện của con đây chẳng hề lay động. 
Trong kinh nói:"thế giới vô biên, chúng sanh vô tận", biết bao giờ độ cho hết tất cả chúng sanh, mà Ngài lại thề nguyện xung phong vào đời ngũ trược tội ác trước hết, để cứu độ chúng sanh. Nếu còn một chúng sanh nào chưa thành Phật, thì Ngài chẳng chịu an vui ở cảnh Niết-bàn. 
Thật là lòng từ bi rộng lớn vô cùng, chí nguyện cao thượng huyền diệu sinh độ đời của Ngài như thế, đáng cho chúng ta trọn đời bái phục... 
Trông lên Ngài rồi ngó lại ta...thấy rõ tâm chí và hành vi của mình, thật cũng quá ư hẹp hòi và thấp thỏi!HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.8/8/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
 




No comments:

Post a Comment