Chương IV
TỨ NHƯ Ý TÚC(Caṭṭāra-iddhipāda)
Iddhi pāda được giải thích như sau.
Ijjhana iddhi: iddhi nghĩa là thành-tựu.
Iddhiyā pādo iddhipādo: Nền-tảng đạt đến sự thành-tựu gọi là như-ý.
Chữ pāda ngoài ý-nghĩa là cái chân, còn có nghĩa là nền-tảng, đứng vững.
Iddhi được định nghĩa là sự thành-tựu.
Ngoài ra, chữ iddhi còn có nghĩa là pháp thần-thông, ở đây ý-nghĩa thần-thông là sự thành-tựu đặc biệt.
Bốn pháp như-ý là pháp môn đặc biệt được Ðức Thế-tôn xác định như sau:
"Với suy-tư: Đây là như-ý túc câu hữu với dục định tinh-cần hành.
Này chư tỳ-khưu! đối với các pháp chưa từng được nghe ở ta. Nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, quang khởi lên...". (Tương-ưng kinh)
Ðoạn kinh trên nêu rõ ý-nghĩa:
Người tu-tập pháp như-ý túc sẽ sanh-khởi những pháp chưa từng được nghe, chưa từng được biết. Ðó là, pháp nhãn, trí-tuệ, minh-kiến.
Trong Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo), Ngài Buddhaghosa có nêu lên, chữ iddhi không hẳn có nghĩa là pháp thần-thông, ở phương diện khác iddhi có nghĩa là sự thành-tựu trong pháp-hành (paṭipaṭṭi dhamma).
Sự thành-tựu (siddhi) trong giáo-pháp của đức Phật có năm là:
1- Abhiññeyyesu dhammesu abhiññā siddhi. Thành-tựu trí-tuệ đặc biệt. Là trí-tuệ thấy được những pháp như danh-sắc, ngũ-uẩn, xứ, giới (dhāṭu)...
2- Pariññeyyesu dhammesu pariññā siddhi. Thành-tựu trong chánh tri-kiến. Là hiểu rõ về sự khổ trọn vẹn, hiểu rõ về nguyên-nhân sanh khổ rõ ràng, hiểu rõ sự diệt khổ, hiểu rõ con đường đưa đến sự diệt khổ. Tức là, hiểu rõ về tứ Diệu-đế qua bốn cách:
Khổ-đế (dukkha sacca) cần phải hiểu rõ ràng.3- Pahānabbesu dhammesu pahāna siddhi. Thành-tựu trong phận-sự đoạn trừ. Là đoạn trừ được ái là nguyên-nhân sanh khổ qua ba phương diện: dục-ái (kāmaṭaṅhā), hữu-ái (bhavaṭaṅhā) và phi hữu-ái (abhavaṭaṅhā).
Tập-đế (samudaya sacca) cần phải đoạn trừ.
Diệt-đế (nirodha sacca) cần phải tác chứng.
Ðạo-đế (magga sacca) cần phải tu-tập.
4- Sacchikāṭabbesu dhammesu sacchikiriya siddhi. Thành-tựu sự giác-ngộ. Như đạt được Níp-bàn, đạo-quả siêu-thế.
5- Bhāveṭabbesu dhammesu bhāvanā siddhi. Thành-tựu trong sự tu-tập Thánh-đạo tám chi. Và đây là sự thành tựu quan trọng chủ yếu trong giáo-pháp của đức Phật. Do đó, gọi bốn pháp như-ý là sự thành-tựu đặc biệt.
Thế nào là abhiññā siddhi: Thành-tựu thắng-trí? Ðó là sự hiểu biết như thật những pháp theo đúng chân-tướng (paramaṭṭha sacca -sự-thật tột cùng).
Sự-thật tột cùng này chỉ có trong phật pháp, ở ngoài Phật-pháp không thể thấy biết được. Sự học hiểu toàn bộ Abhidhammaṭṭha saṅgaha là bộ tóm tắt cốt lõi tạng Abhidhamma, cũng xem như thành-tựu phần nào Thắng-trí (abhiññā).
Thế nào là pariññā siddhi? Là thành-tựu tri-kiến về khổ-đế, hiểu biết rõ ràng khổ-đế qua các tướng-trạng (lakkhaṇa), phận-sự (rasa), sự thành-tựu (paccuppaṭṭhāna) cũng như nhân gần nhất (padaṭ-ṭhāna) sanh lên chúng.
Nói cách khác, các pháp hữu-vi đều là khổ, chúng có bốn đặc điểm: Tướng-trạng, phận-sự, sự hiển-lộ và nhân gần nhất để sanh-khởi lên. Hành-giả có pariññā siddhi sẽ thấy rõ, hiểu rõ chúng qua ba tướng-trạng vô-thường -khổ -vô-ngã.
Thế nào là pahāna siddhi: Thành-tựu trừ diệt? Là thành-tựu được sự diệt trừ những pháp ô-nhiễm như phiền-não (kilesa), pháp ngủ-ngầm (anusaya), pháp trói-buộc (ogha), tà-kiến ... Nói gọn là, đoạn trừ được nhân sanh khổ là ái-dục. Ở đây, (trong tập sách này) muốn nói đến bậc Dự-lưu là tầng Thánh đầu tiên.
Ví như thân tre có bốn mắc tre, khó khăn nhất là chẻ thông mắc đầu tiên, khi mắc đầu tiên đã vượt qua, ngọn dao sẽ mượn lực ấy chẻ thông những mắc còn lại. Nên pahāna siddhi ở đây ám chỉ sự thành-tựu trừ diệt được tà-kiến -hoài-nghi mà thân-kiến là một chi nhánh của tà-kiến, khi thân-kiến diệt tà-kiến diệt.
Thân-kiến tuy chỉ là một bộ phận của tà-kiến nhưng lại là bộ phận chủ yếu, ví như trục xe chỉ là một bộ phận của cái xe, nhưng nếu trục xe bị phá hỏng, cổ xe ấy trở thành vô dụng. Cũng vậy, tuy thân-kiến chỉ là chi phần của tà-kiến, nhưng khi thân-kiến bị diệt xem như toàn bộ tà-kiến bị diệt.
Giới cấm-thủ (sīlappaṭṭapamārāsa) cũng là một dạng tà-kiến dính liền với thân-kiến. Giới cấm-thủ là những nghi-thức lễ bái có tính dị đoan, là sự tin tưởng hoang đường.
Khi hành-giả diệt được thân-kiến, đồng nghĩa thấy được Níp-bàn, nhận chân được sự-thật, khi ấy những ý-nghĩa hoang đường, những nghi-thức tế lễ không đúng theo lý nhân-quả cũng bị tiêu diệt ngay tức khắc.
Thế nào là sacchikiriya siddhi: Thành-tựu giác-ngộ? Là thành-tựu Níp-bàn chấm dứt sự khổ. Sự thành-tựu này bao gồm: Sự áp chế và sự đoạn trừ các phiền-não.
Thế nào là bhāvanā siddhi: Thành-tựu tu-tập? Là sự phát-triển Giới-định-tuệ cho đến khi chứng-đắc đạo siêu-thế.
Bảy pháp thanh-tịnh, khởi đầu là giới-tịnh cũng là những phần hình thành nhiều loại thành-tựu (iddhi) trong khả-năng và lãnh-vực riêng của pháp ấy.
Bốn pháp Như-ý túc.
Có bốn căn-bản cho sự thành-tựu (iddhipāda) là:
1- Chandiddhipāda: Dục như-ý túc.2- Vīriyiddhipāda: Cần như-ý túc.3- Ciṭṭiddhipāda: Tâm như-ý túc.4- Vimaṃsiddhipāda: Trí như-ý túc.
Dục (chanda) là muốn có được, muốn đạt được, muốn thành-tựu. Ở đây, dục như-ý túc là sự biểu lộ ước muốn mãnh-liệt, không một chướng-ngại nào khởi lên từ bên ngoài hay bên trong có thể ngăn chặn được ước muốn ấy.
Ðó là loại ước muốn khởi dậy ý-nghĩa: "nếu không đạt được mục-đích thà chết còn hơn". Nghĩa là, "nếu không thành-tựu được điều mong ước, ta không thỏa mãn".
Ðây là ước muốn của vua Dhammasona nước Bārāṇasī trong thời đức Phật Kassapa. Khi ấy, đức-vua tự nhủ rằng: "làm vua nước Bārāṇasī này có lợi-ích gì, nếu không nghe được pháp của đức Phật Kassapa". Và rồi, đức-vua từ bỏ ngai vàng, ra đi tìm cho được người có thể lập lại cho đức-vua nghe một thời pháp của đức Phật, dù thời pháp ấy chỉ vỏn vẹn một câu. Ước muốn này sẽ không còn khi được thành-tựu, như trường-hợp vua Bimbisāra, ông Anāṭhapiṇḍika, bà Visākhā ...
Ước muốn trở nên yếu ớt, lui sụt, khi gặp chướng-ngại, loại ước muốn ấy không gọi là dục như-ý túc, trái lại, khi gặp chướng-ngại nó càng trở nên mãnh-liệt, khởi sanh ý nghĩ: "Thà chết còn hơn là sống mà không thành-tựu được ý nguyện", đó mới là dục như-ý túc.
Những ước muốn như thế tìm thấy nơi đức-vua Temiya (bổn-sanh mukhapakka -Xuất-gia ba-la-mật), vua Haṭṭhipāla (bổn-sanh Haṭṭhipāla). Trong thời đức Phật hiện-tại thì có công tử Raṭṭha-pāla, công tử Sudinna ... các vị ấy từ bỏ lâu đài nguy nga cùng những thứ quyền quí xa-hoa để cương quyết sống đời phạm-hạnh trong giáo-pháp của đức Phật.
Gọi là dục như-ý túc vì ước muốn này chỉ chấm dứt khi thành-tựu được ý nguyện.
Trưởng-giả Anādhapiṇḍika, bà Visākhā, vua Bimbisāra ... chỉ ước muốn thành-tựu: thoát khỏi bốn khổ-cảnh, khi đắc thánh quả Dự-lưu ý muốn này không còn, không khởi sanh ý muốn đắc quả cao hơn.
Trong Trường-bộ, bài kinh Janavasabha có ghi: Vua Bimbisāra sau khi mệnh-chung tái-sanh làm vị dạ-xoa đại uy lực là Janavasabha và vị ấy ước muốn chứng quả cao hơn. Trong kinh Tương-ưng, Ngài Ānanda có trả lời Bà-la-môn Unnābha rằng:
- Này Bà-la-môn, ngươi nghĩ thế nào! có phải trước có lòng dục (ý muốn) thúc đẩy ngươi: "Ta sẽ đi đến khu vườn". Sau khi ngươi đến khu vườn rồi, lòng ước muốn ấy (ṭajjo) được tịnh chỉ?".
- Thưa vâng! tôn giả.
Tóm lại: Người không có ước muốn sẽ không thể có được những gì mình cần phải có.
Hành-giả trong khi tu-tập, cần làm khơi dậy ý muốn mãnh-liệt: "chứng đạt pháp thượng-nhân" (như sơ-định, nhị-định ... sơ-quả, nhị-quả...).
Nhưng dục như-ý túc ở phạm vi này chính là ý muốn thoát khỏi khổ luân-hồi, mức độ thấp nhất là quả Dự-lưu, để đoạn lìa thân-kiến, hoài-nghi. Bồ-tát Siddhaṭṭha có ý mong mỏi thoát khỏi già, bệnh, chết, chính mong ước ấy làm nền-tảng cho sự xuất-gia, khiến Ngài cương quyết từ bỏ cung điện, tùy tùng, những xa-hoa quyền quí. Cuối cùng ý muốn ấy lặng yên, khi Ngài thành-tựu giải-thoát và chứng đạt sự giác-ngộ trọn vẹn.
Tấn (Cần - viriya): Ðó là sự tinh-tấn trong bốn chánh-cần. Tuy rằng thực-tính pháp (sabhāva dhamma) của tấn như-ý túc và chánh-cần như nhau, nhưng giữa padhāna và vīriya có sự khác biệt chút ít khi tu-tập.
Ví như một học sinh chưa đến thời-kỳ thi, luôn luôn chăm chỉ học hành không hề xao lãng, nhưng mức độ học của cậu từ tốn đều đặn. Gần đến ngày thi, cậu nỗ-lực học bất kể ngày đêm để thành-đạt những gì ấp ủ trong thời gian qua.
Hay ví như người muốn hái quả ngon ngọt trên cây, đầu tiên y chạy chầm chậm từ xa để làm đà tiến, khi chạy đến nơi nhận thấy có thể phóng mình nhảy lên hái trái, y tung hết sức lực nhảy vọt lên để hái trái.
Cũng vậy, sự học đều đặn không xao lãng của cậu học sinh, hay những bước chạy từ xa lấy đà của người nhảy lên cao ví như chánh-cần, còn nỗ-lực học bất kể đêm ngày hay phóng mình vọt lên cao bằng tất cả sức lực đang có, là vīriya (tấn như-ý túc).
Nói cách khác, chánh-cần là sự kiên-trì còn tấn như-ý túc là bước bộc phát của chánh-cần.
Ðược gọi là tấn như-ý túc, là sự nỗ-lực vượt trội hơn lúc bình thường đi kèm với ý muốn mãnh-liệt "đạt được mục tiêu". Một cách khác: tấn như-ý túc là sự nỗ-lực với ý muốn thành-tựu mục-đích, nếu không có ý muốn này thì chỉ là sự tinh-tấn suông giống như người đi dạo trong lúc nhàn rỗi, dù là thường xuyên đi tản bộ, nhưng không có mục-đích rõ rệt, chỉ là sự đi dạo bình thường.
Trong Tương-ưng kinh phẩm Tương-ưng như-ý túc, đức Phật có dạy rằng:
- Này chư tỳ-khưu! có bốn như-ý túc, được tu-tập, được làm cho sung-mãn, sẽ đưa đến từ bờ này sang bờ kia. Thế nào là bốn, đó là:
Tu-tập như-ý túc câu hữu với dục định tinh-cần hành.
Tu-tập như-ý túc câu hữu với tấn định tinh-cần hành.
Tu-tập như-ý túc câu hữu với tâm định tinh-cần hành.
Tu-tập như-ý túc câu hữu với tư-duy định tinh-cần hành.
Ở đây, chữ câu hữu nghĩa là đi kèm, dính liền với. Ðịnh có nghĩa là dán chặt vào đối-tượng, nghĩa là có mục-đích (đối tượng) rõ ràng. Tinh-cần hành là kiên-trì tu-tập. Chính vì có mục-đích nên sự tinh-tấn có mục tiêu để đạt đến mới trở thành tấn như-ý túc.
Những người có tinh-tấn yếu kém, khi đối đầu với công việc đòi hỏi phải kiên-trì lâu dài thì dừng bước trước phận-sự. Ðó không phải là tấn như-ý túc. Người có tinh-tấn với ý-nghĩa sẽ thành-tựu được kết quả tốt đẹp, có mục tiêu đạt đến rõ ràng như: pháp thần-thông, thiền-định hay đạo-quả, người ấy sẽ không hề thối chí, cho dù có ai nói rằng: "ông phải gặp nhiều thử-thách", người ấy chẳng hề lưu ý đến lời ấy, nếu có gặp thử-thách chăng nữa, người ấy vẫn không sờn lòng, thối chí.
Nếu có người bảo rằng: Ṁuốn đạt ý nguyện ấy ông phải nỗ-lực nhiều tháng, năm" và dù phải tinh-tấn trong thời gian dài bao lâu chăng nữa, người ấy vẫn không nãn chí. Ðó mới chính là tấn như-ý túc.
Hành-giả nên ghi nhận rằng: "Sự nỗ-lực với ước muốn thành-đạt một kết quả tốt đẹp theo như-ý, sự nỗ-lực ấy không hề lãng phí, cho dù chưa thành đạt được mục tiêu".
Trước khi kiết-tập Phật-ngôn lần thứ nhất do trưởng-lão Kassapa chủ trì, trưởng-lão Ānanda không được tham dự vì Ngài còn là vị Thánh Hữu-học (Dự-lưu). Với sự mong ước được tham dự cuộc kiết-tập này, Ngài tinh-tấn hành-đạo với mong ước đạt được quả vị A-la-hán. Khi cuộc kiết-tập được khai mở, Ngài càng ra sức nỗ-lực với nhiệt-tâm mãnh-liệt, gần cuối đêm Ngài mỏi mệt, khởi lên ý nghĩ: "Ta hãy nghỉ ngơi chút ít, rồi tiếp tục hành-đạo". Khi Ngài vừa đặt mình xuống, đầu chưa chạm đất, chân vừa rời khỏi mặt đất (tức là ở trong tư thế không phải nằm cũng không phải ngồi), Ngài chứng quả Vô-lậu. (Cullavagga)
Nghĩa là: Sự nỗ-lực với mục-đích tốt đẹp sẽ mang lại kết quả lớn, sự nỗ-lực ấy không hề được xem là lãng phí.
Tâm (ciṭṭa): Gọi là tâm, từ ngữ căn CIT là suy nghĩ, suy ngẫm. Tâm như-ý túc là sự gắn bó khắn khít với pháp thành-tựu (iddhi), sự gắn bó này mang tính mong cầu tha thiết.
Người có trí suy nghĩ rằng: "Giáo-pháp của đức Phật rất khó có cơ hội gặp được lần nữa, hiện-tại đây, ta là người may mắn gặp được giáo-pháp này, ta hãy thành-đạt được những gì mà những bậc Cổ-đức trong giáo-pháp này đã thành-đạt".
Chính sự suy nghĩ ấy là tâm như-ý túc, nhưng không phải chỉ trong thoáng chốc, mà nó như hơi thở đeo bám vào sự sống, người ấy suy nghĩ rằng: "Sự sống của thân xác này do nương vào hơi thở như thế nào, ý nghĩ thành-đạt giải-thoát khổ trong giáo-pháp này sẽ không hề vơi, không hề phai nhạt trong tâm ta như thế ấy".
Có vị tỳ-khưu là Tissa, khi nghe Ðức Thế-tôn sẽ tịch diệt sau ba tháng nữa, vị ấy suy nghĩ rằng: "trước khi Ðức Thế-tôn tịch diệt, ta phải đạt được đạo-quả". Và Ngài lặng lẽ đi tìm nơi thanh vắng hành-đạo, trong khi chư tăng mãi miết bàn tán về sự-kiện Ðức Thế-tôn sắp tịch diệt. Chư tỳ-khưu phiền trách Ngài "chẳng biết thương-kính Ðức Thế-tôn", trình lên Ðức Thế-tôn việc này. Ðức Thế-tôn cho gọi Ngài đến hỏi, Ngài trình-bày ý nghĩ của mình. Ðức Thế-tôn tán thán rằng:
"Này chư tỳ-khưu! Người nào tôn kính Như-lai, hãy như tỳ-khưu Tissa này".
Sự suy nghĩ của trưởng-lão Tissa là tâm như-ý túc và trưởng-lão Tissa chứng quả vị A-la-hán sau khi nghe Ðức Thế-tôn giảng pháp.
Người có tâm như-ý túc, là người có tâm hướng đến giải-thoát, cho dù sống giữa những xa-hoa xinh đẹp của thế-gian, giữa quyền lực, địa vị tiền tài cùng những điều an-vui thế-tục, giữa những bộ sách huyền thuật và đang nghiên cứu chúng.
Người này vẫn không bị lôi cuốn bởi hạnh-phúc thế-gian, tâm luôn hướng đến những lợi-ích cao siêu, tức là tâm hướng đến thành-đạt (iddhi) sự giải-thoát khổ.
Nói đến giải-thoát, đa số đều cho rằng phải đắc được Thánh-đạo hay Thánh-quả hoặc Níp-bàn.
Thật ra, sự giải-thoát có nhiều cấp độ, trong Paṭisambhidāmagga (Vô ngại giải đạo), chương giải-thoát luận-giải (vi-muṭṭi kaṭṭhā) có ghi rõ từng cấp độ giải-thoát, như là:
"Gọi là giải-thoát do ý-nghĩa ra khỏi như:
- Tu-tập từ tâm giải-thoát là ra khỏi sân tâm.
- Tu-tập bi tâm giải-thoát là ra khỏi oán hận tâm.
- Tu-tập hỷ tâm giải-thoát là ra khỏi ganh tị tâm.
- Tu-tập xả tâm giải-thoát là ra khỏi thù oán tâm.
Hay:
- Sơ-thiền là ra khỏi năm pháp cái.
- Nhị-thiền là ra khỏi tầm (viṭakka), tứ (vicāra).
- Tam thiền là ra khỏi hỷ.
- Tứ thiền là ra khỏi khổ-thọ lạc-thọ có từ trước...".
Tâm mong muốn những giải-thoát ấy, không gọi là tâm như-ý túc, tâm như-ý túc là sự mong muốn giải-thoát khỏi hiểm-họa luân-hồi, cấp độ cao nhất là ra khỏi tam giới. Nói gọn hơn, tâm hướng đến sự ra khỏi vĩnh-viễn những trói-buộc, cấu uế, gọi là tâm như-ý túc.
Tâm người này sẽ mãn nguyện thanh thản chỉ khi nào thấm nhuần những vấn đề liên quan đến thành-tựu các pháp ấy. Nó giống như sự cần mẫn, miệt mài chuyên chú của người thợ bạc trong việc tìm phương-pháp biến đổi những thỏi kim loại thô sơ thành vàng bạc, hay trở thành những vật trang sức xinh đẹp. Người thợ kim hoàn có thể quên ăn quên ngủ, hoặc không biết đã ăn chưa, y không thích cái gì khác ngoài nghệ thuật giả kim của y, khi ra ngoài tuy tiếp cận với những cảnh sắc, thinh... nhưng y không quan tâm chi cả, chỉ mãi suy-tư những gì liên quan đến công việc của y.
Tâm như-ý túc là sự chuyên chú gắn bó với pháp giải-thoát cũng như thế ấy.
Thẩm sát hay suy-tư (vimaṃsa): Ðó là trí-tuệ, loại trí-tuệ suy-tư đến cái khổ cùng cực trong địa-ngục cùng với nỗi khổ dính theo trong vòng luân-hồi. Ðồng thời, đó cũng là trí biết rõ lợi-ích của các pháp thành-đạt.
Trí này có thể an-trú vào những pháp thâm-sâu vi-diệu và hiểu rõ bản-chất của các pháp ấy.
Người có trí như-ý túc, một loại trí suy-gẫm về sự thống-khổ cùng với phương-pháp thoát khỏi khổ, không còn cảm thấy vui thích với khoái-lạc của thế-gian. Người ấy chỉ thỏa-thích, hài lòng với pháp iddhi thâm sâu vi diệu. Nếu như ước muốn của người này càng to lớn cao cả thì trí này khi thành-đạt càng thâm-sâu vi-diệu bấy nhiêu.
Người có ước muốn thành Ðấng Ðại-giác, khi thành-đạt trí này trở thành Nhất-thiết trí, người có ước muốn thành Thượng-thủ Thinh-văn, khi thành-đạt trí này cũng trở thành đệ nhất trong hàng Thánh đệ tử ...
Lợi-ích của bốn như-ý túc
Có những hành-giả hỏi rằng: "Cứ chuyên tu bốn Niệm-xứ không cần có bốn Như-ý túc được không?".
Câu trả lời dứt khoát là không. Vì rằng, nếu tu-tập bốn Niệm-xứ không có hoài bão đạt được sự dứt khổ sẽ dẫn đến chểnh mảng trong tu-tập, khi thì tinh-tấn thối thất, khi thì tâm không còn khắn khít vào đối-tượng. đối-tượng mà tâm cần hướng đến ở đây là Níp-bàn, đối-tượng ấy không còn hấp dẫn tâm, sự suy-tư đến giải-thoát trở nên mờ nhạt và trí-tuệ người ấy trở nên cằn cỗi, không đủ sức bén nhạy để cắt lìa những cám dỗ của thế-gian. Ðức Phật có dạy rằng:
-" Này chư tỳ-khưu! Nếu tỳ-khưu y tựa dục, được định được nhất tâm, gọi là dục định. Vị ấy đối với các bất-thiện pháp chưa sanh, khởi ý không cho sanh-khởi với sự tinh-cần nhiệt-tâm. Ðối với bất-thiện pháp đã sanh, khởi ý muốn diệt tận với sự tinh-cần nhiệt-tâm.
Ðối với thiện-pháp chưa sanh-khởi ý muốn làm cho sanh-khởi với sự tinh-tấn nhiệt-tâm.
Ðối với thiện-pháp đã sanh, khởi ý muốn làm cho an-trú, làm cho tăng-trưởng với sự tinh-cần nhiệt-tâm.
Như vậy, đây là dục, đây là dục định, đây là những pháp tinh-cần hành.Này chư tỳ-khưu! Ðây gọi là như-ý túc với dục định tinh-cần hành ...". (Tương-ưng kinh)
Ðoạn kinh trên cho thấy rằng: "nếu không có dục như-ý, tâm sẽ không thể an-trú đồng thời sự tinh-cần đoạn trừ những bất-thiện pháp và làm sanh-khởi thiện-pháp cũng không có.
Người có một trong bốn pháp như-ý túc thì trong quãng đời tu-tập còn lại, không còn chấp-nhận hay biện minh cho sự bất lực, sự thối thất nỗ-lực hành pháp niệm-xứ, như niệm thân trong thân hay những pháp ở mức độ cao là bảy pháp thanh-tịnh.
Người không có pháp như-ý túc nào cả, sẽ không thể phân biệt được sự vô dụng hay có ích của đời sống này. Ðời sống này sẽ vô dụng nếu cứ mãi chạy theo cảnh trần, đời sống có ích là đời sống tìm thấy hương vị giải-thoát.
Người không tu-tập pháp như-ý túc nào cả, sẽ không thấm nhuần chiều sâu của giáo-pháp và họ chấp-nhận sự bất lực hoặc biện minh cho sự bất lực.
Trong kinh Mahā parinibbāna, đức Phật có dạy Ngài Ānanda rằng:
-"Này Ānanda! Những ai tu-tập bốn như-ý túc, tu-tập nhiều lần, tu-tập lão luyện, nếu người ấy muốn có thể sống đến trọn kiếp hay một phần kiếp còn lại".
Người tu-tập một trong bốn pháp như-ý túc, có thể đạt đến sự thành-tựu pháp siêu-thế ngay trong kiếp sống này hoặc kiếp sống sau ở cõi chư-thiên.
Nếu như tu-tập hai hay ba pháp như-ý túc thì chẳng cần phải giải thích nhiều. Người chỉ tu-tập một pháp như-ý túc sẽ làm cho bốn pháp như-ý sung-mãn, đức Phật gọi là người có một phần bốn như-ý túc. Người tu-tập đầy đủ bốn pháp như-ý túc, làm sung-mãn bốn pháp như-ý túc. Ðức Phật gọi là người toàn diện.
Bốn pháp như-ý túc này còn có tên là pháp trưởng (adhipaṭidhamma) vì sẽ làm cho các pháp đi chung (sahagaṭajāṭi) lớn mạnh, tăng-trưởng, ví như người thầy giỏi huấn luyện môn đệ càng ngày càng tốt đẹp, thiện xảo trong những môn nghệ thuật.
Hành-giả tu-tập một trong bốn pháp như-ý túc, gọi là người đang tu-tập tâm trở nên chói sáng, rộng mở, không gò bó (apariyosaddhena) vì tâm sẽ không rơi vào thụ-động, co rút cũng không bị phân tán bởi các cảnh trần, cả ngày lẫn đêm đều như thế.
Trong trường-hợp những người chưa tu-tập một pháp như-ý túc nào, cần gấp rút tu-tập một pháp đính kèm với pháp-hành tứ Niệm-xứ.
Nếu như không tu-tập một trong bốn pháp như-ý túc, sẽ dễ-dàng chấp-nhận sự bất lực, thối thất, để rồi biện minh cho sự thối thất tinh-tấn bằng những lý lẽ như: "Bây giờ là thời mạt pháp nên không thể có đạo-quả", "hiện-tại chỉ là người nhị-nhân nên đạo-quả khó thành-đạt" hoặc "do duyên phước ba-la-mật chưa tròn đủ ...".
Nói cách khác, họ bằng lòng chấp-nhận thua cuộc trong sự nỗ lực, bằng lòng từ bỏ những lợi-ích quí báu trong giáo-pháp này như bốn Niệm-xứ chẳng hạn, mà lẽ ra họ sẽ đạt được nếu như có sự tinh-tấn cùng với sự mong ước.
Cần phải biết rằng: "Chính sự chấp-nhận bất lực, là con đường rộng lớn đưa đến khổ-cảnh".
Như vậy, những người này nên học hỏi, suy ngẫm các bài kinh, từ đó có thể khởi dậy lòng nhiệt thành mong ước những pháp đưa đến sự thoát khổ.
Những người này nên tìm đến vị minh-sư, vị minh-sư có thể làm khởi dậy sự nhiệt-tâm và họ sẽ nương dựa vào vị minh-sư ấy trong sự tu-tập Chỉ hay Quán.
Ðức Phật có dạy rằng:
Chandiddhipādaṃ bhāveṭi.
Vīriyiddhipādaṃ bhāveṭi.
Ciṭṭiddhipādaṃ bhāveṭi.
Vimaṃsiddhipādaṃ bhāveṭi.
Tu-tập dục được thông đạt.
Tu-tập cần được thông đạt.
Tu-tập tâm được thông đạt.
Tu-tập tư duy được thông đạt.
(Tương-ưng kinh)
Có nhiều hành-giả với thời gian tu-tập dài nhưng không đạt được kết quả lớn, chỉ quanh quẩn trong một số kết quả thiền khiêm-tốn, như thiền Chỉ chỉ đạt được cận-định, thiền Quán chỉ gấp ghé ở tuệ phổ-thông, nguyên-nhân là do không có ươc muốn tiến cao hơn nên sự tinh-tấn chỉ là sự duy trì chứ không đưa đến nỗ-lực quyết định, giống như người muốn hái trái cây trên cao, nhưng vẫn chạy đều, không chịu nhảy vọt lên để hái trái.
Hành-giả cần biết rõ rằng: Dục như-ý là vị thuốc cần thiết hay thang thuốc trị bệnh.
Trường-hợp về tấn như-ý túc, tâm như-ý túc, trí như-ý túc cũng tương-tự như thế.
Mức độ vững mạnh của iddhipāda được kể vào lúc nào? Vào lúc tâm an-trú vững trong pháp Chỉ-tịnh hay Minh-quán, tức là lúc hành-giả đạt đến cận-định hay tuệ phổ-thông.
Giống như một học sinh, ở giai-đoạn tiểu học, trung học, cậu chưa định hướng được ngành nghề trong tương-lai, nhưng khi tốt nghiệp phổ-thông, tùy theo khả-năng hay năng khiếu, cậu sẽ có ước muốn mình trở thành bác-sĩ, kỹ-sư, ...
Cũng vậy, khi hành-giả đạt đến cận-định hay Phổ-thông tuệ, tùy theo năng-lực ba-la-mật đã tạo trữ, bấy giờ một trong bốn pháp như-ý khởi lên để làm trưởng (adhipaṭi) và những pháp kia sẽ nương vào vào đó để sanh lên, hành-giả tu-tập với sự nỗ-lực để rồi bốn pháp như-ý túc trở nên sung-mãn, đi đến thông-đạt pháp thoát khổ.
Sự thọ-trì các pháp dhuṭaṅga (đầu đà), đi kinh-hành ... sẽ làm khởi dậy sự tinh-cần như-ý túc.
Suy-gẫm quán-xét các đề tài thâm-sâu của giáo-pháp như phân-tích tứ-đại, quán-tưởng vật-thực, quán-tưởng bốn món vật-dụng ... sẽ làm khởi dậy trí như-ý túc.
Nếu một trong bốn pháp căn-bản của sự thành-đạt được an-trú là dục như-ý, cần như-ý, tâm như-ý, trí như-ý, chắc chắn sự thông-đạt, sự thành-tựu các pháp của bậc thiện-trí-thức, sẽ trở thành hiện thực tùy theo pháp độ ba-la-mật của người ấy.
Các bộ Sớ-giải có giải thích rằng: Người không có pháp iddhipāda cũng giống như người thuộc giai cấp nô-lệ (caṇḍala).
Lẽ thường, những người nam thuộc giai cấp này, không hề mơ ước mình trở thành vị vua, họ an phận trong kiếp sống tôi đòi.
Thật ra, nếu ở giai cấp nô-lệ, người có ước muốn thành-đạt một địa vị tốt hơn, người này vẫn có thể thành-tựu được.
Trong Trường-bộ kinh, bài kinh Ambaṭṭha suṭṭa có ghi câu chuyện thanh niên Ambaṭṭha thuộc giai cấp Bà-la-môn đến yết kiến đức Thế-tôn, nhưng cậu vô lễ với đức Thế-tôn vì cho rằng giai cấp mình là cao quý hơn giai cấp Sát-đế-lỵ đồng thời mạ lỵ dòng Thích-ca. Ðức Thế-tôn đã chỉ ra tổ phụ của Ambaṭṭha là Kaṇha con của nữ nô tỳ Dīsā, nhưng Kaṇha trở thành vị tu sĩ có nhiều chú thuật đại tài và cưới được cô công chúa dòng Thích-ca dưới triều vua Okkāka và dòng Kaṇhāyana trở thành dòng Bà-la-môn. Người không có một trong bốn pháp như-ý túc cũng ví như người nô-lệ an phận trong kiếp nô-lệ, trái lại người chỉ một pháp như-ý khởi lên và an-trú. Người ấy có thể thay đổi hoàn cảnh và trở nên tốt đẹp hơn. như nô-lệ Kaṇha trở nên vị phò-mã.
Người có một trong bốn pháp như-ý túc cũng ví như vị Hoàng-tử. Lẽ thường, vị Hoàng-tử luôn mong ước trở thành vị Hoàng-đế trong tương-lai. Vì thế, người có trí trong thời giáo-pháp đức Phật hiện-tại, nên cố-gắng đạt cho được bốn pháp như-ý, an-trú vững đồng thời làm sung-mãn bốn pháp này, người ấy có thể phá tan-trú-xứ của thân-kiến, thành-đạt những pháp chứng cao-thượng ngay trong giáo-pháp của đức Phật hiện-tại, tùy theo phước độ ba-la-mật được tích lũy. Bốn pháp như-ý túc có thể thay đổi địa vị từ phàm-nhân trở thành bậc Thánh, cũng như nô-lệ Kaṇha thay đổi địa vị từ giai cấp nô-lệ trở thành rễ đức-vua Okkāka vậy.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.3O/10/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment