Thấy Đời Đau Khổ Khiến Mình Giải Thoát
Bài học nói về Tôn Giả đệ tử Phật là Tôn Giả Sabbamitta, Ngài trên đường đi đã nhìn thấy hai cảnh tượng đau khổ, một là của con nai mẹ đang quanh quẩn bên con nai con đang bị mắc bẫy, thứ hai là một người bị bọn cướp hành hình. Hai cảnh tượng khổ đau này đã khiến cho vị này rung động trắc ẩn, nhưng do nhờ rung động trắc ẩn Ngài đã thấy được nỗi khổ của trầm luân sanh tử, sự khổ nạn của kiếp nhân sinh, và vì vậy đã khai triển tuệ quán và vượt lên trên nỗi đau khổ thành tựu chánh trí. Đó là câu chuyện chúng ta được nghe
Trong lịch sử của Đạo Phật có một ngã rẽ rất quan trọng, đó là trong thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch đã nảy sinh ra một phong trào Phật giáo mà về sau này chúng ta gọi là Đại Chúng Bộ. Một ở trong những bản sắc đặc biệt của Đại Chúng Bộ, là nêu cao tinh thần đại bi sau này chúng ta được biết qua một giáo hệ là Bồ Tát hạnh. Quan niệm của Bồ Tát hạnh là đặt nặng lòng đại bi, lòng đại bi là một phương châm hành hoạt cho tất cả những người tu tập, về sau này thì dần dà người Phật tử xem lòng đại bi như một lý tưởng và có thể nói giống như một cứu cánh. Và nhiều người đã có một phản cảm đối với một lý tưởng khác mà chúng ta gọi là đại trí tức là tu tập để giác ngộ, và giác ngộ để giải thoát. Thật ra thì con người vốn hay phân chia như chúng ta thường phân chia giữa tình cảm và lý thuyết, trong đạo thì chúng ta vẫn thường phân chia đại bi và đại trí. Rất dễ hiểu là lòng đại bi là rung động trước nỗi khổ của cuộc đời, lòng đại trí thì ngược lại là có niềm thu thúc, và do có niềm thu thúc đó nên chính cái trí tuệ cho chúng ta một trạng thái chẳng những điểm tỉnh mà thanh thản trước những bất hạnh của cuộc sống, những trầm thống của cuộc sống.
Mới nghe qua thì đại bi và đại trí khác nhau: một bên là tình cảm một bên là lý trí, một bên là sự rung động một bên là sự điềm đạm, một bên là nghĩ nhiều về người một bên là tự giải thoát chính mình. Ở trên thực tế thì không phải như vậy, nó không hẳn bên nào. Chúng ta hiểu rằng giáo lý của Đức Phật là một giáo lý dựa trên Tứ Đế. Tứ Đế là nói về sự khổ, nhân sanh khổ, diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ. Khổ đau là một đề tài lớn, không phải là một đề tài lớn là một điều mà tất cả những gì có trí tuệ có chánh kiến được thâm nhập, và khi nói đến cái khổ thì cái khổ đó có thể là của người hay cái khổ của mình, và những ai cảm nhận nỗi sâu sắc của đau khổ thì người đó mở được cánh cửa giải thoát thắp sáng được trí tuệ và có đủ khả năng để cảm thông, cảm nhận một cách sâu sắc nỗi khổ của cuộc đời. Nếu một người sống mà không cảm được hết nỗi khổ của cuộc đời thì người đó sẽ không hiểu được nỗi khổ của chính mình. Và một người mà hiểu được nỗi khổ của chính mình chắc chắn phải là một người cảm thông sâu sắc được nỗi khổ của cuộc đời.
Thưa quí vị, Thân Mẫu của chúng tôi vừa mất, chúng tôi hiểu là sanh ly tử biệt, vốn là một việc không thể tránh trong cuộc sống, nhưng mà chúng tôi cũng hiểu được một điều là đã bao nhiêu lần chúng tôi đi tụng kinh nhìn thấy những người trong tang quyến họ khóc họ đau buốt với sự mất mát của một người thân. Có lẽ vì chúng tôi đã lớn lên trong chùa và đã đi tụng kinh cho nhiều những sự việc như vậy, nhiều khi nỗi đau khổ của người khác mình thấy đó là một sự bình thường, mình cũng hiểu, nhưng cho đến khi Thân Mẫu chúng tôi mất và những ngày sau đó chúng tôi cảm thấy thấm thía cái gì về Mẹ.
Cũng như tối qua chúng tôi nói chuyện với ĐĐ Giác Nguyên cũng là một người em ở trong gia đình, ĐĐ Giác Nguyên hỏi chúng tôi một câu, không phải chúng tôi không biết cách trả lời, nhưng trong lúc nhất thời chúng tôi thật sự không bị giao động. Bởi vì thưa qúi vị mấy hôm nay ở tại Việt Nam người ta dùng hệ thống live video để tải hình ảnh trực tiếp buổi tang lễ. Nhất là khi chúng tôi có nói chuyện với ĐĐ Pháp Nhiên hay nói chuyện với chị Hai, nói chuyện với Sư Giác Giới, những người thân trong gia đình bằng skype video, nghĩa là vừa nói chuyện vừa thấy hình được. ĐĐ Giác Nguyên hỏi chúng tôi một câu:
“Sư Huynh, tại sao trước kia mỗi lần nói chuyện với Mẹ lại không dùng video như vậy, để có thể vừa nói chuyện vừa thấy mặt Mẹ.”
Thì thưa qúi vị, khi chúng tôi được hỏi như vậy chúng tôi không biết cách trả lời. Có lẽ là do thói quen mỗi lần gọi điện thoại nói chuyện với ĐĐ Trí Tịnh hay ĐĐ Giác Nguyên để mà nói chuyện với Thân Mẫu và chỉ nói chuyện bằng nghe âm thanh trên điện thoại. Chúng tôi biết là kỹ thuật skype có hơn một năm rồi cho chúng ta nói bằng kỹ thuật video. Nhưng không hiểu lý do gì đó chúng tôi chưa bao giờ đề nghị là nên dùng cách đó để nói chuyện với Mẹ.
Thì thưa qúi vị, không phải là vì chúng tôi gặp bà cụ hồi tháng ba năm nay, tức là khoảng chừng nửa năm trước chúng tôi gặp bà cụ tại Thái Lan. Nhưng khi ĐĐ Giác Nguyên hỏi như vậy chúng tôi chợt nghe có cái gì rất tiếc nuối, chúng tôi nghĩ trong lòng là nếu cách đây một hai tuần mà chúng tôi có thể nói chuyện được với bà cụ qua skype, có thể nhìn hình như vậy thì rất tốt. Sau khi nói chuyện với ĐĐ Giác Nguyên xong chúng tôi cúp máy và ngồi xuống cảm thấy ở trong lòng như là có một cái gì mất mát rất lớn, sự mất mát đó là một thứ kỳ lạ của phàm tâm và ngay lúc đó chúng tôi lại suy nghĩ đến nỗi khổ ở trong cuộc đời.
Ngày hôm qua HT ở chùa Ngài cũng không được khỏe và khi mà hai ngày Ngài không dùng cơm, ăn cái gì một chút cũng ói mửa ra, chúng tôi quyết định đưa Ngài vào bệnh viện. Một Phật tử nghe Ngài vào trong bệnh viện, thật sự thì người Phật tử đó có người thân mới mất và vị đó lại rất thương Ngài, vị đó nói với chúng tôi một câu:
“Bây giờ nếu HT ra đi thì con không biết con có chịu nổi với những sự đau khổ dồn dập”
Thưa quí vị, người Phật tử đó nói một câu cũng là một tâm trạng chúng tôi đang trải qua.
Ở chùa có một anh Phật tử tên Thành, anh này thì không có liên hệ bà con gì với Ngài, anh vào chùa ở gần Ngài và thương Ngài, hiện tại anh và sư Trí Quảng cùng lo cho HT. Ngày hôm qua chúng tôi đến bệnh viện ở với HT vài tiếng đồng hồ rồi trở về chùa để lo công việc, trên đường về thì ngồi cùng xe với anh Thành, anh Thành có nói với chúng tôi một câu khác rằng:
“Bây giờ bận rộn với Ngài chạy tới chạy lui vậy mà thấy trong lòng ấm cúng, không biết mai mốt mà không còn HT nữa thì mình làm sao hả Sư.”
Chúng tôi hiểu được là bình thường con người chúng ta không có ai thích bận rộn để chăm sóc người khác, thường thường chăm sóc cho người bịnh thì cực lắm, nhưng mà chúng tôi có thể cảm nhận được anh Thành ở gần Ngài và lo cho Ngài giống như một người con lo cho Cha, đối với anh thì không có chuyện gì gọi là cực khổ, đi sớm về khuya, có phòng ở nhưng anh lại ra ngoài cốc của HT ngủ tại đó, rồi có thể là theo dõi từng hơi thở của Ngài.
Thưa qúi vị, nhiều nỗi khổ đau của cuộc sống nó hiện hữu như một cái gì rõ ràng lắm ở trong cuộc sống của chúng ta như là mặt trăng và mặt trời, nhưng sự cảm nhận của chúng ta với điều đó lại là một lẽ khác, sự cảm nhận của chúng ta phải có một sự cảm thông nào đó thì chúng ta mới thấy được, con người của chúng ta sống thường hời hợt, chúng ta sống đi truy tìm cái gì mà mình thích, nhưng đôi lúc chúng ta cũng ngồi lại để mà cảm nhận những nỗi khổ của kiếp nhân sinh này và nhờ vào chỗ đó chúng ta có thể cảm thông với người khác.
Người xưa họ có câu là: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" cái gì mình không thích mình gieo cho người khác. Người ta cũng nói rằng mình lấy tâm của mình để hiểu cuộc đời, nhưng đôi khi chúng ta cũng làm một chuyện ngược lại là chúng ta lấy cuộc đời để hiểu mình. Đó là câu chuyện của Tôn Giả Sabbamitta, chuyện này có hai cảnh tượng, cảnh nào cũng buồn, là một vị tỳ kheo tay không tấc thép, và là một vị tu sĩ ở trên con đường hoằng hoá đi nhìn thấy hai cảnh tượng mà có thể không xúc động.
Cảnh tượng đầu tiên Ngài nhìn thấy một con nai con bị sụp bẫy, con nai mẹ rất sợ. Loài nai rất hiền, khi nhìn thấy đồng bọn bị sụp bẫy thì bao giờ nó cũng bỏ chạy. Nhưng con nai mẹ thì không, con nai mẹ không dám đến gần cái bẫy tại vì sợ nhưng mà cũng không thể đi xa, nó có một sợi dây vô hình khiến cho con nai mẹ quanh quẩn bên con nai con mà không làm gì được. Và thưa qúi vị, chẳng những như vậy mà con nai con còn có những tiếng kêu thống thiết. Tôn Giả Sabbamitta nhìn cảnh tượng con nai con kêu gào thảm thiết mà con nai mẹ quanh quẩn không dám đến gần và cũng không đi xa thì Ngài hiểu được nỗi khổ của con nai con và nỗi đau của con nai mẹ, nó đã đi vào trong lòng như là một điều mà Ngài cảm thấy thấm thía nỗi đau khổ cùng tận của kiếp nhân sinh.
Và thưa qúi vị, Ngài đi một đỗi thì Ngài lại thấy một cảnh tượng khác. Một bọn cướp chẳng những cướp của mà còn giết người, và giết người ở đây thật dã man, họ trói người rồi chất rơm đốt, những người ăn cướp có đôi khi họ bị chống trả và họ trở lên tàn ác, họ ghét những người chống họ, hoặc giả là họ khoát trá trước nỗi khổ của nạn nhân, trong trường hợp này những người ăn cướp họ đã cột trói nạn nhân lại và họ định đốt. Ngài Sabbamitta, thật sự Ngài mới vừa nhìn thấy một con nai con bị sập bãy và con nai mẹ quanh quẩn chung quanh đó kêu gào thảm thiết thì bây giờ lại thấy một cảnh tượng này, Ngài đã nói lên một bài kệ mà bài kệ đó lại là một bài kệ có một khả năng cảm hóa, bài kệ đó Ngài nói rằng:
Người trói buộc vào người,
Người bám víu vào người,
Người bị người làm hại,
Và người làm hại người.
Người bám víu vào người,
Người bị người làm hại,
Và người làm hại người.
Cuộc sống là một sự quanh quẩn, ở trong tiếng Anh có chữ Interactive , chúng ta dịch là tương tác, tức là có qua có lại, có hành động thì có phản ứng của hành động. Thì chúng sanh trong cuộc đời này ít khi gặp nhau trong sự nhẹ nhàng, con người gặp nhau hoặc là thương yêu nhau, hoặc làm khổ nhau, ít bao giờ giữ được một tâm thái bình thường:
Người trói buộc vào người,
Người bám víu vào người,
Người bị người làm hại,
Và người làm hại người.
Người bám víu vào người,
Người bị người làm hại,
Và người làm hại người.
Con người chúng ta thường tạo nên những quan hệ có tính cách bi kịch và cũng là hài kịch, con người đôi khi sống để thương nhau, để hại nhau, hoặc để bám víu với nhau, trong cuộc sống mình bị người làm hại và mình cũng làm hại người và Ngài hỏi rằng:
Lợi ích gì người ấy?
Hay con cháu người sanh?
Hãy bỏ người ấy đi,
Người làm hại nhiều người.
Hay con cháu người sanh?
Hãy bỏ người ấy đi,
Người làm hại nhiều người.
Ý Ngài muốn nói một điều là ở trong chuyện con người cột trói con người bằng hai nghĩa; nghĩa đen và nghĩa bóng. Con người làm hại người khác hoặc là tự mình bị hại, tất cả đều là một cái diễn tình của sự quan hệ của đời sống, nó chẳng lợi ích gì, nó chẳng đẹp gì, nó chẳng hạnh phúc gì để làm như thế. Nhưng chúng ta ở đời lại thường làm như vậy, cột vào nhau, bám víu vào nhau, tự mình làm hại người và tự mình là nạn nhân bởi người khác, và vòng sanh tử cứ như vậy tái diễn và tái diễn tạo thành một cuộc luân hồi vô tận. Ngài cảm nhận được nỗi khổ và trong nỗi khổ Ngài thấy được sự vô nghĩa, sự bất nghĩa của những con người làm khổ người khác, những con người reo rắc hệ lụy cho người khác.
Và thưa qúi vị, chúng ta thấy ở trong câu chuyện này, ở trong một chút đường tơ kẽ tóc, đã có được hai thứ:
Một là lòng đại bi cảm nhận nỗi đau khổ của chúng sanh khác, dù là con nai con, con nai mẹ, dù là một nạn nhân bị hành hình hay là kể cả kẻ đang làm khổ người khác như bọn cướp, thì kẻ đó cũng đang bị khổ, cái khổ đó nó khổ quá, cái khổ đó nó ngự trị cả hai bên, người đang chịu khổ và người đang làm khổ người khác.
Thứ hai là đại trí, Ngài thấy rằng ở trong cuộc đời này những bi kịch xảy ra đa phần là một hệ lụy tự nhiên của kiếp sanh tử. Ngài khai triển thiền quán và thành tựu được chánh trí nhờ vào sự suy nghiệm.
Và chúng ta cũng được biết rằng khi Ngài đắc chứng đạo quả ngay tại nơi đó thì những tên cướp đã nghe lời Ngài và đã quy y xuất gia theo Ngài. Dĩ nhiên đây là câu chuyện rất đẹp của một vị Tôn Giả đệ tử Phật nhìn thấy khổ cảnh của đời sống và Ngài dùng làm đề tài để quán niệm để rồi tự mình cởi trói lấy mình và tự mình khiến chúng sanh khác được giải thoát./. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/10/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment