Friday, 4 October 2013

Ðừng Gây Tổn Thương Cho Đồng Đạo  .                                                             
Ðừng Gây Tổn Thương Cho Đồng Đạo
Ðừng Gây Tổn Thương Cho Đồng Đạo
                                                                           
 

 

Trong Anh ngữ có cụm từ "Conflict of interest" có nghĩa là "Va chạm quyền lợi." Con người của chúng ta trên cuộc sống thực tế thường có những va chạm đến những người gần với mình, vì sao vậy? Bởi vì quyền lợi, bởi vì sự tiếp xúc. Chúng ta có danh, có lợi, có khi bị mất mát tổn hại vì danh, vì bỏn xẻn, nên chúng ta có những thái độ không tốt với những người chung quanh mình. Những người chung quanh đó là ai? Những người chung quanh đó là những người trong gia đình mình, những người trong tổ chức của mình, những người đồng phạm hạnh, đồng tu, đồng đaọ với mình. Lý do rất đơn giản là những người ở xa thì không có những va chạm, nhưng ở gần thì lại có sự tranh dành hơn thua.
Người Tây Phương có câu nói như vầy: "con người thường rất tử tế với những người ở xa nhưng lại ít khi cư xử hoà nhã với những người ở gần mình." Có người rất sẵn rõ ràng để giúp đỡ cho những người ở xa khoản tiền lớn bởi vì không va chạm tới họ, nhưng họ thường gây gỗ với những người chung quanh và tạo nên một hình ảnh mà người ta thường nói rằng "chén chung rổ thì thường khua với nhau" hay hoặc giả người ta nói rằng "khôn ngoan đối đáp người ngoài gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau."
Nếu để ý thì chúng ta thấy rằng con người thường hay có những đấu tranh hơn thua với những người cùng trong một tổ chức, cùng trong một ngôi chùa, cùng trong một cộng đồng. Tại sao vậy? Là bởi vì những người gần với mình thường tạo cho chúng ta rơi vào tâm trạng hoặc ganh ghét vì họ hơn mình, hoặc bỏn xẻn vì mình cảm thấy quyền lợi của mình bị mất mát. Và nó tạo nên một bi kịch là mặc dù chúng ta cùng sống trong một đạo nhưng vẫn thường gây thương tổn cho những người đồng đạo. Mặc dù chúng ta thường sống trong một gia đình nhưng chúng ta vẫn thường có những va chạm với những người trong gia đình. Qúi vị để ý thấy một điều rằng những lý tưởng cao xa người ta thường đề ra và những lý tưởng đó đôi khi cho người ta hướng về một phương trời xa xăm nhưng người ta không sống với hiện tại này bằng tâm thái an lạc đối xử với người chung quanh bằng ánh mắt từ bi.
Chúng tôi nhớ Ngài Tangpula Sayadaw, Ngài HT bổn sư cho chúng tôi thọ giới, Ngài dạy rằng: "Một trong những điều kiện rất cần cho người tu thiền đó là gìn giữ tâm từ với những người gần mình những người chung quanh mình." Tại vì sao? Tại vì người ở xa thấy như vậy mà không làm cho chúng ta phiền não như những người ở gần. Chúng tôi lấy một ví dụ là những người cướp của giết người, độc tài độc đảng ở một vùng đất xa xôi nào đó chúng ta coi tin tức, thường thường chúng ta coi chỉ hờ hững thôi. Chúng tôi lấy ví dụ là qúi vị coi hình ảnh của chế độ độc tài ở Bắc Hàn chẳng hạn, vị lãnh tụ coi dân như những người nô lệ thì đôi khi chúng ta xem rất hờ hững chúng ta không thấy có chuyện gì phải bận lòng. Nhưng một người ở gần chúng ta mà những vị đó ăn bánh, mở hộp bánh ra không mời ai hết, hay hoặc giả là họ làm cái gì đó đụng chạm nhỏ đến chúng ta thì chúng ta đâm ra đố kỵ bực bội, đâm ra có những phản ứng rất mạnh mẽ. Sống trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, chúng ta cũng thấy rằng những tranh chấp những đụng chạm trong cộng đồng rất là lớn chuyện, chẳng những lớn chuyện mà nó làm cho cộng đồng quên mất hướng đi lâu dài của một cộng đồng sống tha hương. Tại vì sao? Tại vì chúng ta rất dễ bị cuốn hút vào những cái tầm thường gần với mình, ở kế bên mình. Vì vậy một người tu tập thì hiểu sự tự nhiên của các pháp là chúng ta phải khéo, nếu chúng ta không khéo thì dễ bị lôi kéo vào những tranh chấp những phiền lụy những chuyện không đáng giữa những người cùng trong một gia đình, cùng trong một giáo hội, cùng trong một đạo giáo, cùng trong một tổ chức. Và chẳng những chúng ta bị lôi kéo vào những chuyện tranh chấp như vậy mà chúng ta lại làm hỏng đi những giá trị cao qúi, do vậy Đức Phật Ngài dạy là nên gìn giữ Samon pháp.
Ở đây nếu qúi vị đọc câu chuyện của tỳ kheo Dhammika sống tại nơi sinh trưởng của mình, chúng ta gọi là quê hương của mình, nhưng khi vị này sống tại những nơi có những người cư sĩ hộ trì chư tăng thì vị này đã có những lời nói xúc phạm, mỉa mai châm biếm gây phiền não cho những vị đồng phạm hạnh, và do vậy những vị tỳ kheo khác đã rời khỏi những nơi này ra đi. Những vị cư sĩ hộ trì không chịu đựng nổi nữa và đã yêu cầu thầy tỳ kheo Dhammika phải rời bỏ trú xứ của mình. Câu chuyện này xảy ra không phải thời xưa mà ngày nay cũng vậy có xảy ra. Tỳ kheo Dhammika đã bảy lần đi mà bảy lần chuyện đó xảy ra vị này vẫn không tỉnh ngộ. Cuối cùng mới gặp được Phật. Đức Phật Ngài nói ba thí dụ, thì chúng ta nên hiểu rằng đây là một pháp thoại mà Đức Phật Ngài phải mất thì giờ, tại vì có những người tâm của họ rất cố chấp, có những người rất khó nói, khó dạy. Và trong trường hợp của tỳ kheo Dhammika này Đức Phật phải dùng chữ "Balamon Dhammika" để Ngài nhắc cho vị này thấy sự hành xử như vậy không phải là hành xử của một vị Samon, một vị tu sĩ, một vị tỳ kheo.
1) Thí dụ đầu tiên. Đức Phật nói với vị này rằng: Giống như những con chim đậu trên tàu buôn và khi tàu buôn ra xa thì nó tung theo gió bay đi tìm bờ bến, không tìm thấy bờ bến nó quay lại tàu.
Trong trường hợp của vị này đi vào cuộc đời sống có rất nhiều sai lầm đến nỗi không thấy nơi đâu là lối về, nơi đâu là bờ bến, thì vị này quay trở về với Đức Phật. Sự quay trở về với Đức Phật như một chỗ nương tựa do không tìm thấy được bờ bến, không tìm thấy một nơi nào khác. Hình ảnh của con chim đó tương tựa như một người sống trong cuộc đời này đôi lúc đến chùa lạy Phật, đôi lúc làm ra vẻ rất tội nghiệp, làm ra vẻ như là một người bị nhiều sự vô duyên tạp phận. Nhưng chính ra tại vì vị này không có căn bản điều mà Đức Phật gọi là Samon Pháp. Về điều này chúng ta thấy rất bình thường khi những con người thất bại hay bị phiền muộn trong cuộc sống họ hay tìm trở về với Đức Phật giống như những con chim bay đi tìm bờ bến rồi không thấy bờ bến nên phải trở lại với con tàu bởi vì giữa biển khơi trùng trùng như vậy. Sự tìm trở về đó do có thể họ không tìm thấy được bến bờ. Nhưng những người đó một lần nữa nói lên một điều rằng họ không xây dựng được một quan hệ lành mạnh đối với thế giới chung quanh và niềm tin trở về với Đức Phật cũng không phải là niềm tin lành mạnh trong sạch thật sự, mà tại vì họ không có sự lựa chọn nào khác nên quay trở về thôi. Con người sống có tu dưỡng thì người đó có thể tự mình trông cậy, tự mình nương tựa vào pháp của mình. Và ở đây Đức Phật đặc biệt dùng đến chữ Samon Pháp.
Có nhiều lần chúng tôi đề cập đến sự khác biệt giữa Samon và Balamon ở trong Phật giáo. Thời Đức Phật còn tại thế thì Balamon cũng là vị tu sĩ nhưng có ba đặc điểm khác với vị tu sĩ bình thường:
Thứ nhất Balamon là những vị tu sĩ bắt buộc phải sanh trong giòng Balamon thì mới làm Balamon được, những người sanh trong giai cấp Sát đế lỵ hay thương gia thì không thể làm tu sĩ Balamon, mà phải sanh trong giai cấp Balamon tức là do thọ sanh.
Thứ hai vị Balamon là vị phải thọ trì những nghi lễ những chú thuật, những pháp mà chúng ta gọi là mang tánh cách thù thế, mang tánh cách nhập thế, các vị Balamon thường họ ít có hướng cầu đến quả vị giải thoát.
Điều thứ ba, chúng ta thấy ở trong môi trường Balamon thường sống đời sống có thủ đắc tài sản, có gia đình, không phải từ bỏ tài sản, không từ bỏ đời sống gia đình như những vị Samon. Tức là giống như môi trường Phật giáo ở Việt Nam trước kia có hai vị thầy: là thầy cúng và thầy tu. Thầy tu thì có thể là từ bỏ tất cả để lo việc kinh điển và tu tập, còn thầy cúng thì lo về vấn đề nghi lễ như một phương tiện sống, nghi lễ như là điều kiện để lập chùa cao Phật lớn nhưng hình thức tu khác. Do đó thầy cúng, thầy tu trong giáo hội ví như Balamon với Samon.
Đức Phật khi Ngài dùng chữ Balamon Dhammika là một cách quở trách vị tỳ kheo không hành Samon pháp. Và một điều thú vị là Đức Phật Ngài dùng chữ Samon pháp. Căn bản của Samon pháp là gì? là sự nhẫn nại. Đời sống con người nhẫn nại là không trả thù, không trả đũa. Theo cách chúng ta nói là không ăn miếng trả miếng, chuyện ăn miếng trả miếng không phải là đời sống Samon. Con người của chúng ta dễ có chuyện hơn thua, dễ có chuyện thù hận, người ta nói mình một câu thì mình muốn nói lại năm bảy câu cho vừa lòng hả dạ. Hay mình nói ăn miếng trả miếng cũng không đủ, mà mình ăn một miếng trả lại nhiều miếng. Thì thái độ đó không phải là thái độ của vị Samon. Một vị Samon có Samon pháp căn bản của đời sống mà Đức Phật dạy là sự nhẫn nại. Chúng ta đọc rất nhiều bài kinh và trong những bài kinh này khi Đức Phật Ngài đặc biệt nói đến đời sống của một vị tu sĩ là đời sống Samon thì Đức Phật Ngài luôn luôn nhắn nhủ một điều rằng một trong những khí giới của vị Samon là sự nhẫn nại, cái trang sức của vị Samon là sự nhẫn nại, sức mạnh của vị Samon là sự nhẫn nại. Do vậy Samon pháp là đời sống có kham nhẫn đối với những trái ý nghịch lòng, không thù hận, không trả đũa, không ăn miếng trả miếng. Nói tóm lại, chuyện hơn thua không phải là chuyện của vị tu sĩ, chuyện hận thù cũng không phải chuyện của người tu sĩ, khi nào chúng ta bị lôi cuốn vào chuyện đó là chúng ta đánh mất Samon pháp. Bởi vậy Đức Phật trong trường hợp này gọi Dhammika là Balamon Dhammika vì vị này đã không thực hành Samon pháp.
Trong cuộc sống của chúng ta khi sống chung với những người trong gia đình, chung với người trong đạo, chung với người trong chùa, chung với người trong tổ chức nào, chúng ta hay đặt nặng về vấn đề thể diện, vấn đề hơn thua, vấn đề lời qua tiếng lại, và chúng ta không bao giờ nghĩ nên gìn giữ Samon Pháp hay thiện pháp làm căn bản cho mình. Ông bà của chúng ta thường nói một câu rất gần với ý nghĩa Đức Phật Ngài dạy ở đây là: "Một câu nhịn thì chín câu lành." Chúng ta thường dễ đụng chạm nhau trong đời sống vì thiếu kiên nhẫn. Chúng tôi nói như vậy là mình làm việc chung gặp nhau thì tay bắt mặt mừng vui vẻ nhưng khi làm việc chung thì hay có những đố kỵ, chúng ta hay giận người này, phiền người kia, làm việc chung với nhau rồi chúng ta hay thấy rằng mình hay có tâm ganh tỵ, bỏn xẻn. Ganh tỵ là không thích cái hay cái giỏi của người khác, bỏn xẻn là chúng ta không muốn chia xẻ quyền lợi của mình. Hai cái ganh tỵ và bỏn xẻn khiến cho chúng ta mất đi tánh kham nhẫn. Đức Phật khẳng định rất nhiều lần đó là một pháp tác thành Samon Pháp. Người ta chửi mình, mình không chửi lại, người ta mắng nhiếc mình, mình không mắng nhiếc lại, người ta hại mình, mình không hại lại thì gọi là Samon. Nhưng nếu người ta chửi mình, mình chửi lại làm sao cho ăn thua đủ thì việc đó người thế gian làm là chuyện bình thường, nhưng nếu một vị Samon làm thì là Balamon chứ không phải là Samon nữa. Do vậy Đức Phật Ngài đã ân cần nhắn nhủ với Dhammika và Ngài đã cho chúng ta một bài học là chúng ta phải gìn giữ Samon Pháp.
Có một điều là xã hội ngày nay ở nơi nào Phật pháp không thịnh người ta rất chú trọng về chuyện hơn thua, người ta xem chuyện hơn thua là một chuyện hay chuyện tốt, không có sự nhẫn nại. Ví dụ như mình sống ở nơi nào hễ người ta chửi mình một câu mình chửi lại thì người khác vỗ tay khen anh giỏi quá, chị giỏi quá, thầy giỏi quá. Nhưng giả sử như người ta chửi mình mà mình nhẫn nại không trả miếng lại thì nói sao mình ngu quá, sao mà dại quá, người ta nói sao không chịu nói lại, sao không trả đũa lại. Nhưng trên thực tế thì những chuyện lời qua tiếng lại chuyện hơn thua chỉ là điều rất tầm thường của thế gian này, điều đáng nói, điều đáng hoan hỉ đó là đời sống của chúng ta sống có Samon Pháp hay không. Một người sống mà có chuyện trả thù, trả đũa, lời qua tiếng lại, đố kỵ hiềm khích, những người đó không sống với Samon Pháp. Trong trường hợp này một vị tỳ kheo không sống với Samon Pháp thì không xứng đáng gọi là tỳ kheo, vị đó chỉ nên gọi là Balamon.
2) Trong thí dụ thứ hai. Đức Phật Ngài đề cập đến "Cây bàng."
Đây cũng là một thí dụ rất thú vị, bởi vì có những trường hợp chúng ta được biết ở trên thế gian này có những hiện tượng lạ lùng như là một vùng đất cho chúng ta nhiều màu mỡ, những loại cây cho chúng ta nhiều trái, biển cả cho rất nhiều hải sản, nhưng mà rồi con người sống không biết gìn giữ, không biết đúng theo pháp, thay vì những thứ đó mang lại lợi ích cho chúng ta thì nó lại tạo nên những điều mà chúng ta gọi là phiền não rồi đi đến chỗ hủy diệt. Trong trường hợp cây bàng này thì chúng ta thấy vị thọ thần tức là người sống trên cây bàng đó, đáng lẽ gìn giữ cây một cách tốt đẹp, vị thọ thần này đáng lẽ phải có ẩn nhẫn nhưng khi có người đến lấy trái đã phá đi một nhánh cây, vị thọ thần này tức giận và nói với người hái trái là sẽ khiến cho cây không sanh trái được. Cây không sanh trái đã khiến cho vị vua ở trong nước không hưởng được trái cây và đến trình với Thiên Chủ. Vị Thiên Chủ đã dùng thần thông của mình khiến cho cây bị trốc gốc và vị thọ thần không có chỗ ở. Đức Phật đưa ra thí dụ cây bàng, Ngài nói rằng nó có những tác động qua lại do những tác động qua lại tạo nên từ chuyện bé xé ra to, từ chuyện nhỏ tạo ra bao nhiêu phiền phức khác.
Đọc câu chuyện ngụ ngôn này không hiểu qúi vị có thấm thía hay không nhưng chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa, thường hay đi nhiều và làm việc ở ngoài chúng tôi thấy thường có những lời mà ta gọi là lời dị nghị, hay những lời dèm pha, những lời nói này kia. Con người do không kham nhẫn nên thường có lời dèm pha đối với người khác và làm hỏng đại sự, hỏng đi công việc chung, và do hỏng công việc chung thì tạo nên bao nhiêu phiền lụy cho nhau.
Chúng tôi nhớ rằng nhiều năm trước đây tại Houston có tổ chức đại lễ Phật Đản chung tức là nhiều chùa hợp tác để tổ chức lễ Phật Đản và trong đại lễ Phật Đản này thì có câu chuyện xảy ra như sau. Lúc đó chúng tôi là tổng thư ký của ban tổ chức lễ Phật Đản chung đó, chúng tôi nhớ là có một vị thí chủ đứng ra để cúng tiền mướn hội trường, rồi có một người làm việc trong ban tổ chức vì không được chức vụ mà họ muốn nên họ bực bội, họ đến gặp vị thí chủ đó và nói lời dèm pha với vị thí chủ đó là "mấy nhóm này không đáng để hợp tác, không nên hợp tác" và vị thí chủ sanh ra đổi ý không tiếp tục cúng dường tiền để thuê hội trường nữa. Thì khi đổi ý như vậy ban tổ chức bắt buộc phải tìm một người khác và không ngờ rằng người khác này lại là người phát tâm mạnh hơn, họ cúng dường chẳng những thuê hội trường mà lo luôn nhiều thứ kể cả bàn Phật. Về sau này lại thêm một chuyện là vị thí chủ trước trách móc chúng tôi là tại sao lúc đó không nói rõ để vị này tiếp tục làm cái việc mà rất là muốn làm, và khi chúng tôi hỏi ra câu chuyện thì mới biết rằng do một lời nói của một người cũng rất tầm thường và lời nói dèm pha đó không lớn nhưng lại tạo nên sự giận hờn giữa những người khác, và do tạo nên giận hờn người khác mà mất đi rất nhiều công đức của đời sống mình.
Khi mình làm việc không có ai lo lắng cho mình hết tất cả mọi thứ, bảo vệ cho mình hết tất cả mọi thứ, mình ra đời thì khôn nhờ dại chịu. Thí dụ như qúi vị đang làm việc trong một ngôi chùa mà nếu có người nào đó dèm pha qúi vị và qúi vị bỏ công việc chùa thì cái đó là sự tổn giảm, sự thiệt thòi của mỗi chúng ta. Không có ai mà bảo vệ hết cho chúng ta, tại vì sao vậy? Tại vì ở thế gian này có quá nhiều việc, có quá nhiều người, mà đi vào cuộc đời thì mạng ai nấy giữ chúng ta không thể nào lo hết tất cả mọi người. Nên chi đọc câu chuyện "cây bàng" thì chúng ta thấy được một việc đó là trong xã hội loài người có mọi điều phức tạp làm phiền não, người ta sống mà có sự bực bội vì thiếu kham nhẫn nên có những tác động xấu ảnh hưởng xấu tác động tới những người khác, và đôi khi tác động xấu đó làm hỏng nguyên cả đại cuộc, làm hỏng đi tất cả công việc chung quanh tại vì đơn giản chỉ có một sự bất mãn của một người thôi.
Như vậy Đức Phật Ngài nhắc đến việc gìn giữ chánh pháp, gìn giữ Samon Pháp đó là những giá trị căn bản. Lấy ví dụ như chúng ta đang sinh hoạt tại đây, cái gì làm cho chúng ta tiếp tục sinh hoạt được, không phải là tại vì vị này hay, vị kia giỏi và cũng không phải vì quyền lợi, ở đây không có quyền lợi gì hết, mà chỉ vì một lý do đó là Phật pháp, nhờ có Phật pháp do đó chúng ta mới tìm được mẫu số chung để cùng hợp tác với nhau, cùng sinh hoạt với nhau, nhờ có Phật pháp trong khi chúng ta xoá bỏ những khác biệt và trong Phật pháp đó thì Đức Phật Ngài nhấn mạnh đến một điều, đó là Samon Pháp, đó là sự kham nhẫn. Chúng ta không để ý đến điều này, chúng ta chỉ nghĩ là làm sao mà mình tìm được nơi thích hợp hoàn toàn, một nơi ai cũng tử tế, một nơi không có điều gì trái ý nghịch lòng. Không phải như vậy. Cuộc sống không có một nơi nào hoàn toàn lý tưởng, mà cuộc sống phải được đặt trên căn bản là chúng ta phải kham nhẫn. Trong trường hợp này Đức Thế Tôn đã nhấn mạnh một ý nghĩa gọi là Samon Pháp. Samon pháp đó là kham nhẫn. Không mắng chửi khi bị người ta mắng chửi, không làm tổn hại người khi người ta làm tổn hại mình, không trả đũa người khi những điều trái ý nghịch lòng, đó gọi là Samon pháp. Thật ra khi chúng ta nghe nói đến Samon Pháp như vậy thì chúng ta thấy rằng Samon Pháp đó không có điều gì gọi là đáng hoan hỉ thực hành hết, Samon Pháp chỉ đưa chúng ta đến chỗ chịu nhục hay bị thiệt thòi. Nhưng chính Samon Pháp là pháp bảo vệ trong đời sống chúng ta rất nhiều. Ngày hôm nay con người không chú trọng về chuyện thiện pháp, không chú trọng về sự kham nhẫn, không chú trọng về sự chịu đựng mà chỉ chú trọng đến là làm sao để hơn thua, chú trọng là làm sao để vượt qua người khác, chú trọng làm sao để cho người khác thấy rằng mình hay mình giỏi, nhưng cái hay cái giỏi đó chúng ta đánh hỏng cái căn bản của mình.
Trở lại một lần nữa thì trong câu chuyện "cây bàng" Đức Phật Ngài cho biết rằng vị thọ thần vì thiếu kham nhẫn nên đã có những tác động xấu tức là làm cho cây bàng không sanh trái nữa, rồi gây ra bao nhiêu phiền não. Do vậy đời sống con người tu tập là trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng phải gìn giữ cây pháp, bảo vệ pháp, không có Phật pháp thì tất cả đều hỏng hết. Chúng tôi nói như vầy là trong một ngôi chùa, hay trong một tổ chức, một sinh hoạt như sinh hoạt của chúng ta tại đây cái căn bản cũng là Phật Pháp thôi, nếu ngày nào Phật Pháp không được thắp sáng, nếu ngày nào Phật Pháp không được nói, không được nhắc, mà không được làm một giá trị để nhắc nhở giữa chúng ta thì ngày hôm đó chúng ta không có tồn tại trong sự an lạc được. Do vậy chúng ta phải đi từ thí dụ thứ hai và chúng ta phải gìn giữ cây pháp, phải gìn giữ chánh pháp, ai hộ trì chánh pháp thì người đó sẽ được chánh pháp hộ trì.
3) Trong ý nghĩa thứ ba Đức Phật Ngài giảng giải tại đây Ngài dùng hình ảnh của những vị giáo chủ ngoại đạo, những vị này có giới đức, có thành tựu về thiền định và có hội chúng đông đảo.
Đức Phật Ngài nói rằng ai không hoan hỉ với những vị giáo chủ ngoại đạo, những vị có giới đức thì sẽ rơi vào cảnh khổ, rơi vào ác thú, đã làm những việc tổn đức. Tại vì sao vậy? Tại vì người tốt mà mình phỉ báng, người tốt mà mình xúc phạm, một người tốt mà mình dèm pha thì mình phải chịu nhiều sự bất thiện. Ngày nay nguời ta không cẩn trọng lời nói hầu như muốn hủy báng ai thì hủy báng, muốn nói ai thì nói, không có khiếp sợ, bởi vì họ thấy rằng nếu người ta không kiện tụng mình, người ta không giết mình được mà thôi. Trong kinh Đức Phật Ngài thường dạy nếu mình hủy báng một người mà người đó không hủy báng lại mình, mình chửi bới một người thanh tịnh và đồng thời mình xúc phạm đến bậc có giới đức thì quả nghiệp rất nặng, đối với những vị giáo chủ ngoại đạo đã nặng rồi, còn đối với những bậc tu hành có giới đức cao trong giáo pháp này lại càng nặng hơn nữa ,và Đức Phật Ngài đã nhấn mạnh điều đó với tỳ kheo Dhammika là làm việc xúc phạm những người đồng phạm hạnh là một điều tạo ra những quả nghiệp rất xấu. Trên thực tế nếu chúng ta hiểu đạo thì một người không cần là vị tu sĩ có đạo hạnh mà là một người chỉ giữ ngũ giới thôi hay là người giữ bát quan trai giới thôi mà chúng ta có những lời xúc phạm hay có những điều tạo ra những phiền khổ cho những vị đó thì chúng ta đã tạo ra nhiều cái bất hạnh cho mình, do vậy một người sống trong chùa hay trong đạo một điều nên rất cẩn trọng đó là cẩn trọng trong lời nói của mình, chuyện gì cần có ý kiến thì nên có ý kiến về sự sai biệt nhưng không nên có những hủy báng, không nên có những chửi rủa, không nên có những phức tạp bởi vì cái đó tạo quả của nghiệp rất nặng. Chúng tôi nhớ Ngài Ajahn Chah thường nói con người sống với nhau trong một ngôi chùa thì đôi khi có những đụng chạm, nhưng một người sống trong trường thiền thì đôi khi có những bực bội, cái bực bội tạo cho chúng ta những điều gọi là phi công đức, ví dụ như một người khác tuy rằng họ nhỏ hạ hơn mình, rồi mình giận vì một lý do rất tầm thường và mình có những lời nói nặng nề với những người đó thì lúc đó chúng ta tạo cái nghiệp bất thiện rất lớn, do đó phải rất cẩn trọng với những người cùng sống trong một đạo giáo. Chúng tôi biết rằng nhiều khi người ta không sợ sự đụng chạm, nhiều khi người ta không ngại để sẵn sàng chống phá, sẵn sàng chỉ trích người khác, nhưng điều đó tạo nên nhiều tổn đức. Qúi vị cũng để ý một điều là khi chúng ta làm việc chung với nhau như vầy giả sử như chúng ta có rơom Phật Pháp Buddhadhamma rồi có một số Phật tử đến để hợp tác để làm việc công quả, những người đó công quả bằng tâm rất trong sạch nhưng vì mình không thích người đó bằng lý do này lý do khác mình chỉ trích, mình tạo ra sự phiền não thì điều đó là cái nghiệp của mình, trong một ngôi chùa Phật tử đến chùa với tâm rất trong sạch để hộ trì Tam Bảo để làm việc phước trong chùa mà mình chỉ trích họ, điều đó cũng tạo ra nhiều điều để tổn đức.
Do vậy một người hiểu Phật Pháp, một người hiểu đạo thì cực chẳng đã năm khi mười hoạ, nghĩa là chuyện đó hiếm hoi lắm thì chúng ta mới nên có những lời nói có tánh cách gọi là đụng chạm, đụng chạm bởi vì quá cần thiết không thể khác hơn được, còn những ý kiến bình thường, những lời nói như thị phi qua lại mình nên tránh. Qúi Phật tử để ý một điều khi người ta đi chùa không cẩn trọng người ta hay nói chuyện gì? Nói ông này thế này, bà kia thế khác, nói qua nói lại gây tổn thương cho những người đó thì thật sự là không tốt. Nói chung chúng ta phải gìn giữ cây pháp, chúng ta gìn giữ căn bản của pháp và chúng ta phải tránh đụng chạm với những người cùng một đạo cùng phạm hạnh với mình, chúng ta cố gắng đề gìn giữ Samon Pháp bằng cách gìn giữ sự kham nhẫn. Sự kham nhẫn mới nhìn ở bên ngoài thì nó tạo cho chúng ta nhiều cái thiệt thòi vì chúng ta không có cái gì để tự vệ hết ngoài sự nhẫn nại chịu đựng nhưng về lâu về dài thì chính sự nhẫn nại chịu đựng này nó giúp cho chúng ta tránh được những ác nghiệp. Nếu chúng ta đọc trong kinh điển thì nhiều vị tỳ kheo thời Đức Phật còn tại thế bị những quả rất nặng nào là đói khát rồi đôi khi bị thị phi là do đã có sự xúc phạm đến những vị Samon hay những vị tu sĩ ở trong nhiều kiếp quá khứ, chúng ta nên đọc những câu chuyện đó thì chúng ta thấy mới sợ. Qúi vị nào vào trong rơom sinh hoạt lâu có nghe ĐĐ Pháp Đăng hay kể những câu chuyện trích trong những câu chuyện Bổn Sanh quá khứ, dĩ nhiên có nhiều khi qúi vị nghe giống như nghe chuyện cổ tích mà thôi nhưng nếu qúi vị nghe nhiều những câu chuyện đó thì qúi vị hiểu rằng cuộc sống của chúng ta là một cuộc sống nhân quả trùng trùng, nhân này tạo ra quả kia, nhân kia tạo ra quả nọ, và một ở trong những điều gây cho chúng ta nhiều phiền phức đó là sự xúc phạm đến những vị giới đức, xúc phạm đến những vị đồng phạm hạnh.
Do vậy căn bản của cuộc sống tu tập là mình không biết người ta làm cái gì nhưng trước nhất xuyên theo lời nói hành động và ý nghĩ của mình đừng gây hại ai, đừng gây thương tổn ai, đừng nuôi ý tưởng trả thù trả đũa. Có những người họ sống suốt cuộc đời mà buổi sáng thức dậy là nghĩ đến chuyện hơn thua, cho đến trọn ngày còn lại thì nghĩ làm sao để hơn người này hơn người kia. Ngày nay qúi vị vào trong diễn đàn hay internet email qúi vị thấy vô số những chuyện đó, để làm gì, để rốt cuộc thì chúng ta kéo nhau vào trong một thế giới đầy hận thù, đầy hiềm hận, những điều đó thật sự không lợi ích cho đời sống của chúng ta và cái căn bản của chúng ta vẫn là Samon Pháp, chúng ta phải trở về sống ở trên căn bản đó cho tất cả sự phục vụ, cho tất cả hành hoạt của mình. Câu chuyện của tỳ kheo Dhammika nhắc cho chúng ta thấy ba điểm mà chúng tôi dùng ba điểm này như là kết luận của bài pháp thoại này.
Thứ nhất chúng ta rất dễ va chạm đến những người gần mình, những người gần mình là những người cùng trong gia đình, cùng trong chùa, cùng trong đạo với mình. Tại vì sống gần thì có va chạm về quyền lợi, sống gần có những va chạm lời ăn tiếng nói. Do đó chúng ta nên tâm niệm rằng chúng ta rất dễ đụng chạm với những người cùng trong nhà của mình, những người chung quanh mình, những người gần mình.
Thứ hai là căn bản của đời sống gọi là Samon Pháp là sự nhẫn nại, Đức Phật đã kêu gọi và nhắc nhở chúng ta nhẫn nại là không trả đũa, không hơn thua, không có ăn miếng trả miếng, nhất là không có tâm tư thù hận với người khác.
Điều thứ ba Đức Phật dạy tại đây là xúc phạm mắng nhiếc những người có giới đức là những điều làm thương tổn chúng ta rất nhiều, tránh đừng làm những việc đó, chúng ta cố gắng để hạn chế lại, ngày hôm nay đôi lúc chúng ta thấy là những lời nói nặng nề mà người ta nói ra được để chửi người này để hủy báng người kia họ xem lời nói rất là bình thường, bình thường giống như gió thổi mây bay, bình thường giống như chuyện đó không có gì đáng kể, nhưng mà đó là những điều tổn đức rất lớn. Vì vậy chúng ta sống trong một thời đại mà con người thường dùng vũ khí miệng lưỡi thì chúng ta nên tự nhắc chính mình rằng những sự xúc phạm mà chúng ta thấy nó không có gì đáng để nói đôi khi nó tạo cái nghiệp rất lớn, cái nghiệp đó về lâu về dài thì nó cho chúng ta nhiều quả xấu.
Do vậy từ bài kinh này thì chúng ta nhớ ba điểm rằng con người rất dễ sống tốt đẹp với những người ở xa nhưng ở gần chung quanh mình thì mình rất dễ đụng chạm. Thứ hai là pháp của vị Samon mà Đức Phật gọi là Samon quả là sự kham nhẫn không thù hận, không ăn miếng trả miếng. Điều thứ ba là những ai phỉ báng những người có giới đức thì người đó tạo nhiều sự bất hạnh cho mình. Tâm niệm được ba điều này chúng ta nên sống hoà ái và sống thật sự lấy căn bản là Phật pháp, sống một cách an lạc với những người chung quanh mình. Đó là vài điều mà chúng tôi muốn trình bày nhân bài kinh lời giáo giới của Đức Phật cho tỳ kheo Dhammika./. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/10/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment