Friday, 4 October 2013

Sự Tu Tập Là Một Huân Tập Có Phương Pháp                                                                 
Sự Tu Tập Là Một Huân Tập Có Phương Pháp
Sự Tu Tập Là Một Huân Tập Có Phương Pháp
                                                                           
 

 

Khi chúng ta nói đến tôn giáo, kể cả Đạo Phật được phát triển ngày nay thì chúng ta thường nói đến phép lạ hay là sự màu nhiệm, và hầu như khi nói đến sự màu nhiệm và phép lạ thì đó là cái gì rất hấp dẫn của tôn giáo. Một người đang bịnh bỗng nhiên đi chùa lễ Phật hay vào nhà thờ cầu nguyện mà hết bịnh thì ta cho là phép lạ. Hoặc giả là con người gặp năm vận tháng hạn sui sẻo rồi đến chùa van vái tụng kinh niệm Phật cho nhiều tự nhiên mọi việc may mắn hanh thông trở lại thì chúng ta gọi là một phép lạ.
Dĩ nhiên người ta ca tụng phép lạ nhiều là bởi vì thường thường ở trong niềm tin của tôn giáo không có phương pháp. Không có phương pháp có nghĩa là chúng ta đem tâm thành và mong rằng sự thành tâm của chúng ta sẽ được Phật chứng và sẽ được cái này và được cái khác. Tuy vậy nếu chúng ta đọc kỹ những gì Đức Phật dạy trong kinh điển thì Đức Phật là một bậc đạo sư và con đường Ngài dạy cho chúng ta là con đường có phương pháp, phương pháp đó có sự bắt đầu, có những bước tiếp theo và có kết quả sau cùng. Nhiều người đã không lầm khi nói rằng Đức Phật là một nhà giáo dục bởi vì Ngài nói rất rõ là tâm tư của chúng ta có thể được chuyển hóa bằng phương pháp cụ thể.
Chúng ta lấy ví dụ, ngày xưa khi trời hạn hán có một người làm lễ cầu đảo và bỗng nhiên mưa xuống, từ hạn hán bỗng nhiên mưa xuống làm hết hạn hán người ta gọi đó là phép lạ. Nhưng nếu ngày hôm nay chúng ta nhìn thấy một khối sắc một vật thể khổng lồ như chiếc Airbus 380 hay chiếc Boeing 747 từ từ cất cánh ra khỏi phi đạo với trọng lượng. nặng như vậy mà có thể cất cánh bay đi một quãng đường xa thì đó không phải một phép lạ mà là một kỹ thuật rất tân tiến. Ngày nay ở trong Anh ngữ người ta dùng Technique of Art để chỉ cho một nghệ thuật ở mức độ cao đến đỗi chúng ta phải thán phục. Nhưng tất cả nhũng Technique of Art đó tất cả những thành tựu lớn đó không phải là thứ phép lạ mà tôn giáo thường ca tụng mà là một kết tinh, sự kết tinh của những hiểu biết những nghiên cứu những sự chuẩn xác chính xác của kỹ thuật của khoa học ngày hôm nay cho phép chúng ta làm việc đó. Ngay cả chúng ta ngồi trước máy computer ở tại đây Sư Trưởng giảng một bài các Phật tử ở năm châu bốn biển có thể nghe được gần như là đồng thời, và chúng ta có thể có những lớp giảng Phật Pháp mỗi ngày mà người ở đầu non kẻ góc biển, nói đầu non góc biển còn xa, người ở địa lục này kẻ ở địa lục kia vẫn có thể truyền đạt nói chuyện với nhau. Những điều đó nếu bình thường thì chúng ta nói là thần thông nhưng ở đây nó là kỹ thuật là phương pháp.
Đức Phật là một bậc đạo sư nói rất sớm về phương pháp của sự tu tập, không may là theo đà phát triển thì một bộ phận của Phật giáo đã trở thành một thứ tín ngưỡng nhân gian và người ta thường đề cao phép màu, họ đề cao sự màu nhiệm, họ đề cao thần thông. Thậm chí có một phương pháp thiền của Phật giáo Bắc Truyền ở trong thiền tông, thường người ta gọi là thiền đốn ngộ, cũng bị hiểu lầm, khi người ta nói "thoát nhiên tỏ ngộ" thì nghĩ rằng sự giác ngộ tự nó đến thôi chứ mình không cần làm gì hết và do vậy thường người ta đem cái đốn giáo để đả phá tiệm tu. Nhưng thật sự hiểu như vậy không đúng. Sự giác ngộ không phải là phép màu ở trên trời rớt xuống, sự giác ngộ không phải là một cái gì của sự đãi ngộ Đức Phật dành cho chúng ta. Rất may mắn cho người Tây Phương khi họ đến với thiền Zen qua một vài cây viết như Alan Watts chẳng hạn, thì người ta hay xem thiền Zen là một phương pháp để tiếp cận, là một phương pháp để nhìn vào sự việc. Chúng tôi lấy ví dụ như là nhiều người rất thích cái chế tác của Iphone hay của McIntosh. Người ta cho rằng đó là một cái gì ảnh hưởng từ Đạo Phật từ bản thân của người tạo ra nó là ông Steve Jobs là một Phật tử và ông là người thích cách dùng trực tiếp của Zen. Như vậy xem nó là một phương pháp, một phương pháp đơn giản trực tiếp không phải qua bao nhiêu cái cầu kỳ. Nưng mà người ta vẫn hiểu sai. Có nhiều người nói Zen là thoát nhiên tỏ ngộ là không cần tu gì hết. Thật ra ở Việt Nam của chúng ta hay đem đốn giáo để đả phá tiệm tu. Tiệm tu họ nói là tu chậm, còn đốn giáo là tu tắt. Thí dụ như vậy. Chúng ta nói như vậy thì chúng ta không thấy được cái giá trị, như thỉnh thoảng Sư Trưởng nhắc đến tác phẩm "Pháp bảo đàn kinh" chẳng hạn. Thì Đạo Phật nói chung và đặc biệt là đạo Phật Nguyên Thủy nói rằng những trạng thái như tâm từ, trạng thái vô nhiễm, trạng thái thanh tịnh hoặc tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tất cả là sự thành tựu của sự huân tu chứ không phải là một phép lạ ở trên trời rớt xuống hoặc ở dưới đất chun lên mà chúng ta đạt được điều đó. Và kinh điển của Đạo Phật ở trong cơ sở sâu xa nhất, dầu đó là Nguyên Thủy, dầu đó là Đại Thừa, dầu đó là mật tông, thì đều nhắc đến công phu tu tập, không phải một đời mà nhiều đời, không phải chỉ là sự cầu nguyện mà còn là một hành trình tu tập. Tu tập là một hành trình và nói một cách khác nó là sự huân tu.
Trong bài kinh này Đức Phật đưa ra hình ảnh của nhà nông, chúng ta đến từ xứ nông nghiệp, có lẽ hình ảnh này tương đối rất gần, nhưng đặc biệt với những người đến từ nông thôn thì chúng ta thấy thí dụ này gần hơn bao giờ hết. Mảnh đất đó là mảnh đất phì nhiêu nhưng nó chỉ mang lại cho chúng ta sự thịnh vượng giàu có khi nào chúng ta biết canh tác biết trồng trọt. Chúng ta muốn canh tác thì phải có phương pháp, phải có nông cụ. Nông cụ đó ngoài cái cày, con trâu con bò, chúng ta còn cần một thứ khác là lúa giống phải tốt, và phải biết cách dọn đất. Đức Phật cho chúng ta những thí dụ rất gần với đời sống hàng ngày để chúng ta thấy được sự việc và những thứ Đức Phật đề cập đến ở đây là trí tuệ, là đức tin, là tinh tấn v.v.... tất cả những điều đó đều là những thứ có thể phát triển có thể làm cho lớn mạnh, và chẳng những lớn mạnh mà trở thành một bộ phận không thể không có ở trong hành trình tu tập của chúng ta. Do vậy bài kinh này cũng giống như nhiều bài kinh khác một lần nữa khẳng định cho chúng ta một điều là kết quả của sự tu tập hay là cứu cánh, không phải là một phép lạ nếu chúng ta hiểu phép lạ có nghĩa là đưa tay ra từ không có biến thành cá, biến thành rượu, biến thành bánh mì, chúng ta nghĩ đó là phép lạ. Hay một người cả đời bị bịnh tại vì lý do này lý do khác bây giờ mình chỉ đưa tay ra là hết bịnh cái đó gọi là phép lạ. Những thứ phép lạ như vậy thường là không có chỗ đứng ở trong hành trình tu tập của người Phật tử. Đạo Phật không nói rằng ở trên đời hoàn toàn không có phép lạ, phép lạ có thể do Chư Thiên, phép lạ có thể do phước. Nhưng đó không phải là sự truy cầu của người Phật tử. Người Phật tử truy cầu là cái kiến văn, kiến thức. Sự hiểu biết về phương pháp tu tập và hành trình của người Phật tử là hành trình của sự chuyển hóa qua phương pháp giáo dục. Trước nhất là sự giáo dục bản thân của mình và sự giáo dục đó có lớp lang có thứ lớp chứ không phải là ở trên trời rớt xuống là chúng ta có tất cả. Ngày xưa chúng ta cũng hay có ảo tưởng như vầy; khi còn ở Việt Nam nghĩ rằng mình được vượt biên đến nước ngoài là tự nhiên giàu có. Thật sự chúng ta dễ có ảo giác bởi vì đơn giản thôi, một người không có kiến thức gì hết mà ra nước ngoài có thể gửi năm bảy trăm hoặc một ngàn dollars về thì tự nhiên tiền ở đâu ra, tiền đó là ở trên trời rớt xuống cho mình. Nhưng kỳ thật không phải như vậy. Chúng ta ra xứ người thì chúng ta hiểu đó là một đất nước mở rộng có nhiều cơ hội, có nhiều công ăn việc làm, và người ta trả công sức của chúng ta một cách tương xứng do vậy chúng ta làm ra tiền để giúp đỡ cho thân nhân ở bên nhà. Nhưng tuyệt đối không phải chúng ta ngồi đó mà chúng hưởng của gia tài. Không có.
Chúng ta trở lại với câu chuyện ngày hôm nay. Trước nhất nói về giòng tộc Bharadvaja là một giòng tộc Balamon rất phổ thông, thật ra giòng tộc này giống như họ Nguyễn họ Trần là những giòng tộc lớn ở trong những họ của chúng ta, do vậy có rất nhiều nhân vật ở trong kinh điển tên là Bharadvaja. Kasi thường được chỉ chung cho vương quốc nằm kế Ma kiệt Đà và thuộc về Ma Kiệt Đà và có kinh đô là Varanasi. Nhưng Kasi ở đây chỉ cho một người Bà la môn rất giàu có. Trong bài kinh chúng ta được biết rằng ông chuẩn bị 500 lưỡi cày. Thật ra thì con số 500 này là một con số hư từ, ý chỉ cho con số rất nhiều hàng mấy trăm thì trong tiếng Phạn gọi là 500. Trong lúc ông chuẩn bị cày cấy thì ông phân phát thực phẩm, chúng ta gọi là mang cơm cho những người thợ cày làm công cho ông. Ngày hôm đó Đức Phật nhận thấy ông có duyên lành thì trên đường đi khất thực Ngài cũng đến đứng ở đó, và trong lúc ông đang phân phối thì Ngài đứng một bên. Hình ảnh của Đức Phật thật ra nếu chúng ta nhìn lại thì chúng ta rất xúc động, Ngài là một bậc Thiên Nhân chi Đạo Sư, Ngài là một bậc mà cả vương quốc Ma Kiệt Đà không biết bao nhiêu là đệ tử, từ vua Pasenadi đến những người tín nữ như Visakha, như ông Cấp Cô Độc, nhưng hình ảnh bậc Đạo Sư buổi sáng cầm y bát đi vào trong làng khất thực cho thấy đời sống của Ngài rất giản dị. Và Ngài đã đến đứng gần chỗ ông Balamon Bharadvaja đang phân phối thực phẩm thức ăn trong ngày cho những người thợ cày. Phải nói rằng ông rất hãnh diện về sự thành công giàu có của mình, và ông rất hãnh diện là cái gì ông có là do bàn tay ông làm ra. Do vậy ông nhìn thấy Đức Phật trẻ tuổi khỏe mạnh đứng đó, ông đã nói lên một câu rằng "khi ta cày, ta gieo, thì ta ăn", ông cũng khuyên Đức Phật nên làm như vậy. Thật ra lời khuyên của ông là một lời khuyên rất đơn giản, chúng ta không biết tâm ý ông như thế nào nhưng ông nói:
"Này Samon, ta cày ta gieo, sau khi cày sau khi gieo ta ăn."
Rồi ông khuyên Đức Phật:
"Này Samon, hãy cày và hãy gieo, sau khi cày sau khi gieo thì Samon ăn." Nói nôm na theo ngôn ngữ của chúng ta bây giờ đó là tay có làm thì hàm mới nhai.
"Vậy thì ông hãy cố gắng làm đi.
"
Đức Phật Ngài cũng trả lời bằng câu:
"Này Balamon, ta cũng cày và cũng gieo, sau khi cày sau khi gieo ta ăn."
Đó là ngôn ngữ của ông Balamon đã nói với Đức Phật và Đức Phật trả lời y hệt như vậy. Và ông Balamon này nghe Đức Phật nói như vậy ông đã đặt vấn đề thẳng:
."Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày hay lưỡi cày, hay cây gậy thúc, hay trâu bò của Tôn Giả Gotama, vậy mà Tôn Giả Gotama nói: "này Balamon, ta có cày và ta có gieo, sau khi cày sau khi gieo ta ăn."
Câu chất vấn đó của ông rất đơn giản đối với Đức Phật; Ngài nói làm ruộng thì Ngài phải có nông cụ, Đức Phật Ngài nói làm ruộng thì phải có trâu có bò, có cày có bừa nhưng ở đây Ngài không có cái gì ngoài cái y và bình bát trên người và Đức Phật Ngài trả lời bằng bài kệ này:
Đức tin là hột giống,
Khổ hạnh là cơn mưa,
Trí tuệ đối với Ta
Là ách và lưỡi cày,
Xấu hổ là cán cày,
Ý là sợi dây buộc,
Và niệm đối với Ta
Là lưỡi cày, gậy thúc.
Khi chúng ta đọc bài kệ này thì có một vài từ phải định nghĩa cho rõ. Chúng tôi lấy ví dụ như Đức Phật Ngài nói lòng tin là hạt giống, khi nói lòng tin là hạt giống thì chúng ta phải minh định một điều là Đức Phật Ngài nói về hành trình tu tập của Ngài từ khởi thủy ban đầu. Có thể hôm nay những điều này rất khác với một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng cuộc hành trình của Ngài từ lúc mới tu tập cho đến Chánh Đẳng Chánh Giác thì Ngài đã xử dụng những điều này. Niềm tin là hạt giống, niềm tin là chủng tử, niềm tin là sự khởi đầu, là cái manh nha, là cái phôi thai. Nếu chúng ta làm một việc gì đó, chúng ta bắt tay vào làm một việc gì mà chúng ta không có niềm tin hay niềm tin không có căn bản thì mai hậu sẽ dần dà bị hoại đi, bởi vì chúng ta biết là mình muốn trồng cái gì, đầu tiên cái mầm nó định đặt cái gì thì nó ra cái đó, thí dụ hạt giống là cải thì nó ra cây cải, hạt giống đậu thì nó ra cây đậu, hạt giống của hoa thì ra hoa. Nhưng chúng ta nói ở đây là cái hạt cái đức tin ban đầu đừng coi thường nó, có nhiều người nghĩ rằng mình vào trong chùa mình tin cái gì cũng được hết, tin cái gì rồi từ từ rồi lớn lên mình sẽ đến gần với đạo, thật ra có những thứ nó từ cái phôi thai ban đầu đã có một định hình, đã quyết định tính, nó không thể nào khác hơn được.
Chúng tôi lấy ví dụ chúng ta sanh vào lòng mẹ thì tại thời điểm thụ thai chúng ta là một vật thể rất nhỏ bé nhưng trong cái nhỏ bé đó đã có tính quyết định là mình đến nơi mình sẽ ra sao, những nhiễm thể X, nhiễm thể Y của cha của mẹ hợp lại với nhau chúng ta sẽ là người Việt Nam, màu tóc là như vậy, mắt là như vậy, da là như vậy, thừa hưởng những đặt tính di truyền là như vậy. Hay là qúi vị nào trồng trọt thì biết rằng hạt cải khác với những hạt khác, nó khác với hạt é, hay hoặc giả là hột bắp khác với hột đậu, hay đậu ván nó khác với đậu hoà lan chẳng hạn, cái mầm ban đầu, cái hạt giống ban đầu ảnh hưởng về sau rất nhiều, thậm chí nhà nông họ còn nói như vầy; nếu chúng ta trồng bắp thì chúng ta phải lựa hạt giống tốt, không phải là khi nó lên cây bắp thì cây nào cũng giống nhau hết, hạt giống tốt thì cây sau này nó sẽ mạnh. Do vậy cái yếu tính ban đầu rất quan trọng đó là niềm tin, niềm tin đó là chúng ta có chánh kiến hay không. Chúng tôi để ý thấy một điều rằng có nhiều vị ở trong chùa ba bốn chục năm vẫn sống nặng về một cái gì đó, nhưng có những vị tu không lâu nhưng đời sống tu tập họ đặt đúng chỗ thì sự khác biệt là niềm tin ban đầu.
Khi nãy chúng tôi có đề cập với quí vị là đôi khi tôn giáo người ta nói như là một cảnh giới mà trong đó cho chúng ta nhiều phép lạ, nhưng nhiều người xem tôn giáo xem Đạo Phật như là một cách sống, cách sống đó Đức Phật Ngài cho chúng ta những hướng dẫn cụ thể làm thế nào để thay đổi cuộc sống của mình, và khi từ khởi điểm ban đầu bằng đức tin tốt gọi là có chánh tín thì ảnh hưởng về sau rất nhiều. Một điểm rất đáng tiếc là nhiều người tu tập không đặt nặng về vấn đề xây dựng niềm tin của mình, niềm tin của mình được chân chánh, niềm tin mình được xác thực xác đáng, thì thế giới của chúng ta sống chung quanh đều sáng sủa rõ ràng. Nhưng nếu niềm tin của chúng ta mờ mịt hư ảo thì đời sống của chúng ta u u minh minh và mờ mờ ảo ảo chứ nó không có cái gì gọi là thật sự rõ ràng, cái hạt giống là quan trọng, không có một người Phật tử nào trong sự tu tập thiếu chánh tín mà đi xa hết, nếu qúi vị hỏi tất cả Chư Tăng ở trong chùa. Thật ra thì đơn giản thôi, đi chùa lâu tiếp xúc với Chư Tăng nghe pháp nhiều nhưng không có chánh tín thì đa số những thứ khác đều hỏng. Cái niềm tin rất là mạnh. Và đối với chúng ta niềm tin nghĩa là thắp nhang thường, cúng thường, sự thành khẩn là đức tin, niềm tin đó không phải là niềm tin ở tại đây, niềm tin không có nghĩa là sự tin tưởng và những điều khó tin tưởng mà chúng ta gọi là chánh tín trong đạo Phật.
Niềm tin ở đây nói đúng ra trong tiếng Anh là "Faith" hơn là "Belief." Niềm tin ở đây là lấy ví dụ như bây giờ qúi vị tin rằng mình muốn tu tập là phải có phương pháp cái đó là "Faith." Nhưng giả tỉ nếu có người nói rằng mình lạy Phật cho nhiều, niệm Phật mấy trăm câu, lạy Phật mấy ngàn lạy thì mình sẽ được cái gì đó thì cái đó là "Belief" chứ không phải là "Faith." Có nghĩa là chúng ta nói rằng niềm tin ngay ban đầu nó phải cho chúng ta một cái nhìn xác đáng, một cái nhìn xác thực, cái xác đáng xác thực đó dựa trên chánh tín của mình, và niềm tin là hạt giống. Một người không có chánh tín thì mai hậu cái gì họ làm, cái gì họ cố gắng nó chỉ là một sự tô màu vẽ vời cái ở bên ngoài. Do vậy chúng tôi ở gần rất nhiều vị tôn túc các vị thường ca ngợi rằng một người có thể hư hỏng một vài việc nhưng mà họ có đức tin chánh kiến chánh tín thì chánh tín chánh kiến đó nó cũng giúp cho họ nhiều hơn là một người họ rất tinh tấn tốt nhưng mà niềm tin lại tà vại, niềm tin rất quan trọng. Do vậy Đức Phật Ngài đặt để đức tin là hạt giống. Chúng ta tưởng tượng là không có nhà nông nào làm ruộng hay làm vườn làm rãy mà xử dụng hạt giống xấu mà có huê lợi cao, hạt giống tốt rất là quan trọng.
Khổ hạnh là cơn mưa.
Chữ khổ hạnh ở đây là chữ phải minh định rõ, chữ khổ hạnh này không có cái nghĩa là thực hành khổ hạnh của Balamon giáo, chữ khổ hạnh ở đây đúng ra là sự thanh hạnh tức là đời sống giản dị, đời sống thanh bần, đời sống ít nặng về khuynh hướng ở bên ngoài và nhờ như vậy sẽ cho chúng ta cái giá trị cuộc sống tinh thần. Thật ra về điều này là một yếu tố tốt, trong nghệ thuật sống hàng ngày một con người ăn uống quá thừa thãi thì thường thường họ ăn không ngon, tại vì dư thừa quá, đời sống con người mình có quá nhiều tiện nghi có quá nhiều sự hưởng thụ thì tinh thần mình bị trì trệ. Chúng ta nói như vầy là hễ được cái này thì lại mất cái kia, về vật chất nếu chúng ta có những thành tựu lớn, về vật chất nếu chúng ta sung túc, về vật chất nếu chúng ta nặng quá thì về tinh thần kém. Một thí dụ cụ thể nhất là chúng tôi có nghe Chư Tăng nói ở Việt Nam thời khổ sở về kinh tế như thời 75 đến 85, 10 năm đó là 10 năm đất nước rất đen tối, kinh tế lụi bại, chùa chiền rất khổ, thì thời gian đó có nhiều vị tăng nhiều vị sư học được tu được và về sau này có thể làm được nhiều việc. Nhưng về sau này khi kinh tế khá nhất là bây giờ Việt kiều về nước nhiều hơn, những người ở trong nước làm ăn khá hơn, hay chùa được xây cất qui mô lớn hơn, thì hình thức có phát triển nhưng chư tăng về nội điển thì lại kém. Hay chúng tôi so sánh Thái Lan và Miến Điện thành thật mà nói vị sư Thái đời sống về vật chất thoải mái hơn, phương tiện ăn ở Phật tử lo đầy đủ, đi khất thực ít có bao giờ tại Thái Lan mà không đủ ăn, chỗ ở thì chư tăng mỗi vị có một cái cốc và có đầy đủ tiện nghi, chúng tôi về Bangkok hay về các vùng xa thì cốc của Chư Tăng xây trên bên dưới có nhà vệ sinh nhà tắm và được xây cất với một huy hoạch rõ ràng, nhưng chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng nếu nói về số trung bình thì Chư Tăng Miến Điện học và tu nhiều hơn, tại vì đời sống vật chất hạn chế hơn, đất nước Miến Điện rất nghèo. Bao giờ cũng vậy nếu được cái này thì mất cái kia. Người ta nói khi thị giác của chúng ta yếu như một người bị khiếm thị hoặc không có thị giác chẳng hạn thì tai bén nhạy hơn. Và nếu chúng ta muốn đời sống tinh thần của chúng ta được sung mãn thì vật chất đừng có phát triển nhiều quá, phải nói thời nào mà về vật chất phát triển mạnh thì thời đó tâm linh không phát triển mạnh, chúng ta không thể nào có một lúc cả hai. Thành ra khi chúng ta nói sự khổ hạnh ở đây được hiểu theo cách của Đạo Phật đó là đời sống về vật chất không bận rộn nhiều không hưởng thụ nhiều thì cuộc sống tinh thần sẽ phát triển.
Trí tuệ là ách là lưỡi cày.
Cái lưỡi cày có thể lật đất lên, nó cắt vào lòng đất, cái khả năng chuyên chú cái khả năng sắc bén, cái khả năng có thể chọc thủng có thể đoạn tận thì khả năng đó là khả năng trí tuệ, trí tuệ có vai trò hết sức đặc biệt. Thì ở đây Đức Phật Ngài dùng hình ảnh một nhà nông, chúng ta cứ tưởng tượng là mặt đất mênh mông như vậy mà để lật lớp đất lên để cho đất được tốt thì thật ra nếu không có lưỡi cày thì rất là khó để chúng ta làm việc đó, cái lưỡi cày đặc biệt là bén và nó có khả năng làm cho đất lật lên đó là kinh nghiệm xưa nay của nhà nông là như vậy, thì Đức Phật Ngài thí dụ như trí tuệ là lưỡi cày. Có một tông phái của Phật giáo gọi là Kim Cang Thừa họ hay dùng chữ Kim Cương Trí hay kim cang trí, trí tuệ giống như kim cương. Người ta nói trong tất cả những khoán chất của thiên nhiên thì kim cương là cứng nhất và có thể cắt mọi thứ, ngay cả ngày nay người ta làm các mũi khoan phải dùng kim cương để chống lại sự bào mòn. Thì cái sắc nhất bén nhất của đời sống nội tâm đó là trí tuệ, và nếu pháp nào giúp cho chúng ta có khả năng đoạn diệt được thì đó là trí tuệ.
Xấu hổ là cán cày.
Thật ra ở đây chữ xấu hổ là tàm và qúi, cái cán cày làm cho lưỡi cày thẳng không đi lệch. Tàm và qúi là cái tâm ghê sợ và hổ thẹn với tội lỗi với những điều ác quấy. Thì tàm và qúi khiến cho đời sống của chúng ta khẳng định là cái gì mình làm, cái gì mình không làm, cái gì nên làm, và cái gì không nên làm, do vậy chúng ta có thể đi thẳng như cán cày giúp cho luống cày được thẳng, giống như bánh lái của con tàu.
Ý là sợi giây buộc. Tâm ý là sợi giây buộc.
Niệm đối với ta là gây thúc.
Trong sớ giải thì nói khi chúng ta làm việc gì thì chúng ta đặc biệt là phải có cái tâm, chúng ta làm việc gì thì chúng ta cũng phải có sự gắng bó, nhưng trong sự gắng bó của tâm của ý thì niệm chính là cây gậy thúc, niệm làm cho chúng ta áp sát và dán chặt. Các vị thiền sư thường nhắc chữ "nương nhớ và biết mình" và khi mình nói đến phóng dật là quên mình. Dĩ nhiên qúi vị chấp nhận Phật Pháp, chúng ta chấp nhận một lối sống, chấp nhận một số giá trị nào đó, nhưng thiếu chánh niệm thì chúng ta không có được sự bền bỉ, thiếu chánh niệm thì chúng ta rất dễ lơ là, thiếu chánh niệm thì như con trâu cày không có cái gì để thúc đẩy nó. Chúng tôi không biết là từ bao giờ nhưng ở miền quê người cày ruộng thường hò hét con trâu là "thá" là "ghí", rồi có khi họ lấy cây gõ vào mông. Thì chúng ta tưởng tượng là con trâu hay con bò cày từ giờ này qua giờ khác, từ luống cày này qua luống cày khác, từ thửa ruộng này qua thửa khác, nó sẽ không tập trung được nếu không có cây gậy thúc, không có cái roi để thúc, không có tiếng hô của người cày chẳng hạn. Đời sống của chúng ta có những việc làm mà được xem là kéo dài trong thời gian, cho dù chúng ta có lòng đi nữa thì một lúc chúng ta sẽ lơ là, như vậy chúng ta phải có niệm. Chánh niệm nó thường xuyên nhắc chúng ta trở lại là chúng ta đang làm gì. Do vậy đối với người tu tập một điều đáng sợ nhất là quên mình và một điều đáng hoan hỉ nhất là khả năng chánh niệm, khả năng nhắc nhở, nhắc nhở giờ phút đó mình đang ở đâu, mình đang làm gì, thân mình như thế nào, tâm mình như thế nào, và có thể chúng ta tưởng tượng bằng cách theo dõi hơi thở, đây là hơi thở ra, đây là hơi thở vào, thở ra dài thở vô dài, thở ra ngắn thở vô ngắn, những điều đó trả chúng ta về cái hiện thực cái gì đang xảy ra đối với thân và tâm của mình. Và chánh niệm có khả năng ở đây như gậy thúc là nhắc chúng ta không quên mình.
Chúng tôi ở gần một người mà người này không biết bị bịnh gì mà hay nói lớn mà nói ào ào dù là một người hay là có khách đến cũng vậy, đã có tính hay nói mà lại còn nói lớn, lâu lâu chúng tôi ở trong phòng có khách đến chúng tôi nghe vị này nói chuyện rổn rảng, nói từ đầu tăng xá đến cuối tăng xá cũng nghe được, thì chúng tôi ra nhắc là hoan hỉ nói chuyện nhỏ lại một chút tại vì có người nghe, thì nếu chúng tôi nhắc thì một ngày mấy chục lần cũng không hết, tại vì nhắc được một vài lần rồi sau đó cũng trở lại nói lớn, thí dụ như là nói mấy câu đầu nói lớn khi nhắc thì vị đó nói nhỏ lại, thậm chí sau này vị đó nói với chúng tôi rằng khách thì khách mình nói chuyện đâu có sao đâu. Nhưng thật sự điều đó là điều quên mình, người có chánh niệm là người biết cái gì vừa phải. Thí dụ mình có tật là hay nói về bản thân của mình, đúng ra mình nói chuyện với ai mình cũng than ngắn thở dài cũng nói bản thân của mình cái đó cũng là một sự thất niệm. Mình có chánh niệm thì mình hiểu là nói cái gì vừa phải cái gì cần thì nói, không cần thì thôi chứ không nên ngồi đó nói những chuyện thừa thãi, đó là làm mất thì giờ người khác.
Nhưng nói chung thì chánh niệm đặc biệt được Đức Phật Ngài đề cập đến đây là giống như cây gậy thúc hay cây roi. Và từ chỗ Đức Phật đề cập đến nông cụ và hạt giống thì Ngài bước qua một đoạn khác ở trong đoạn này Ngài nói về một mảnh đất sẵn sàng để gieo trồng, mảnh đất đó phải được dọn sạch cỏ hoang, mảnh đất phải được cày sới, mảnh đất đó phải sẵn sàng đủ tốt để gieo trồng:
Với thân khéo phòng hộ,
Với lời khéo phòng hộ,
Với món ăn trong bụng,
Biết tiết độ, chế ngự,
Ta tác thành chơn thực,
Ðể cắt dọn cỏ rác,
Sự giải thoát của Ta
Thật hiền lành nhu thuận.
Chúng ta lấy một ví dụ như vầy nếu mình có tật là mình hay nói chia rẽ người khác, ngoài chuyện đó ra chuyện gì cũng tốt hết, chỉ có chuyện hay nói chia rẻ, đem chuyện người này nói cho người kia, làm người này bất hoà người kia, có nhiều người có tật như vậy đó là lời nói không khéo phòng hộ, thì chúng ta nghĩ rằng đó chỉ là cái tật thôi, nhưng điều đó khiến cho những thiện pháp khác không sanh khởi được, tại vì chúng ta còn có vấn đề vướng mắc tại đó, và việc đó phải thay đổi.
Với thân khéo phòng hộ,
Với lời khéo phòng hộ,
Với món ăn trong bụng,
Biết tiết độ, chế ngự,
Thật ra câu: "với món ăn trong bụng" nghe chúng ta hiểu lầm, nhưng đại khái là tiết chế trong ẩm thực.
Với tinh cần tinh tấn,
Ta gánh chịu trách nhiệm,
Ta tự mình đem lại
An ổn khỏi khổ ách.
Như vậy, Ta đi tới,
Không trở ngại thối lui,
Chỗ nào Ta đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn
Ở đây Đức Phật gọi là hành tướng của bậc tu tập. Qúi vị nhớ đoạn thứ nhất là Đức Phật Ngài giảng về các nông cụ hạt giống, đoạn thứ hai Đức Phật Ngài nói về quét dọn là sự dọn sạch miếng đất để sẵn sàng gieo trồng bằng phòng hộ thân, phòng hộ lời nói, và tiết độ trong sự ăn uống. Bây giờ nói hành trạng của một người tu tập là "với tinh cần tinh tấn ta gánh chịu trách nhiệm, ta tự mình đem lại an ổn khỏi khổ ách, như vậy ta đi tới không trở ngại thối lui, chỗ nào ta đi tới chỗ ấy không sầu muộn." Một người tu tập là người một cách tối hậu là nhận chịu trách nhiệm về cái thanh tịnh và không thanh tịnh, về cái vui và cái buồn của bản thân. Chúng ta để ý một điều như vầy, một người có tu tập thì không hay trách móc cưộc đời, một người có tu tập thì người đó tự biết mình làm cái gì cần làm hơn là đòi hỏi ở người khác. "Ta gánh chịu trách nhiệm, ta tự mình đem lại an ổn, và khỏi khổ ách, như vậy ta đi tới không trở ngại thối lui, chỗ nào ta đi tới chỗ ấy không sầu muộn." Ở đây đề cập đến một cái đời sống tự tại đời sống bất thối một đời sống có trách nhiệm đối với chính bản thân của mình đó là chúng ta nói hành trạng.
Đoạn sau cùng Đức Phật kết luận như vầy:
Cày bừa là như vậy,
Ðược quả là bất tử,
Sau cày bừa như vậy,
Mọi khổ được giải thoát
Khi Đức Phật nói "cày bừa là như vậy được quả là bất tử", như chúng ta nói huê lợi là sự thu hoạch là quả bất tử đó. "Sau cày bừa như vậy mọi khổ được giải thoát" ở đây chỉ cho một thí dụ rất ngắn. Và với bốn bài kệ Đức Phật Ngài cho một bản đồ mà bản đồ đó phát hoạ hành trình của người tu tập cần có những trang bị gì cho mình, cái mảnh đất tâm linh thì nên dọn dẹp thế nào và cái hành trạng của người đó cái biểu tướng của người đó sống như thế nào và sự cứu cánh và sự thành tựu của người đó ra sao. Nếu như chúng ta thấy dù rằng chúng ta có mơ hồ không rõ ràng về những điều này thì mình phải nhìn nhận rằng qua lời dạy của Đức Phật cuộc tu hay là hành trình giải thoát nó là cái gì có lớp lang , là cái gì cần đến tuần tự lui tiến , nó là cái gì có phương pháp chứ không phải chỉ là một phép lạ như nhiều người nghĩ.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy với cháo sữa dâng Đức Phật và thưa:
- Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!
Phải nói rằng ông Balamon này có túc duyên rất tốt với Phật Pháp, chỉ bốn bài kệ tương đối ngắn chứ không phải là một pháp thoại dài như chúng ta có hôm nay, chỉ bốn bài kệ ngắn ông hiểu được và ông thấy được giá trị về đời sống của Đức Phật, giá trị về hành trình của Đức Phật, giá trị về sự thành đạt của Đức Phật và ông đã nhất tâm tán thán cúng dường bằng lời nói rằng: "Tôn giả là người đi cày, và Tôn giả là người đi cày quả bất tử." Thì ông quả thật là một người chúng ta nói có túc duyên rất lớn. Đức Phật Ngài dạy như vầy:
Ta không hưởng vật dụng,
Do tụng kệ đem lại,
Ðây không phải là pháp,
Của bậc có chánh kiến
Chư Phật đều bác bỏ,
Tụng hát các bài kệ,
Khi pháp có hiện hữu,
Truyền thống là như vậy.
Ở đây có một điều rất quan trọng. Đức Phật Ngài thuyết pháp cho ông, ông đem cúng dường Đức Phật không nhận tại vì pháp Đức Phật Ngài dạy cho ông không phải là vì một ít thức ăn đó mà Đức Phật Ngài dạy cho ông, cái giá trị của Pháp nó khác, và vì tư cách của một vị Phật tư cách của người chánh kiến là không có đem pháp bất tử đem pháp cao qúi để đổi lấy thức ăn tầm thường. Thời của chúng ta ngày hôm nay đôi khi vì vật chất chúng ta bày ra đủ thứ chuyện buôn thần bán thánh kể cả đem những giá trị cao siêu để đổi lấy những thứ phù phiếm, chúng ta đang làm một việc giống như là một đứa con nhà giàu khi khánh tận rồi thì đem những bảo vật trong gia đình đổi những thứ không đáng gì hết. Chúng tôi nhớ sau năm 75 có thời người ta nghèo quá cái gì đổi được ra tiền ra thức ăn là đổi đôi khi ra ngòai chợ trời thấy những món rất đắc tiền rất qúi mà họ đổi lấy số tiền rất nhỏ, có một lần chúng tôi thấy một bộ sưu tầm của Nam Phong tạp chí bán với giá rẻ mạt trên đường Trần Hưng Đạo lúc đó thật sự bộ Nam Phong tạp chí mà sưu tập đầy đủ thì là một bộ rất có giá trị, giá trị đối với tài liệu mà giá trị đối với một thời văn hóa của Việt Nam đang trong buổi giao thời chuyển mình sang giai đoạn mới, nhưng nghèo quá đem bán được bao nhiêu thì bán để đổi lấy cơm ăn áo mặc. Chúng ta ngày nay cũng vậy, nhiều khi chúng ta không thấy cái giá trị của Phật Pháp, chúng ta không học được tư cách của Đức Phật, một người mà quí đạo qúi Phật thì ở trong hoàn cảnh nào đi nữa thì cũng trọng đạo trọng Phật Pháp chứ không phải vì mình nể nang một người hay vì một chút quyền lợi một chút lợi nhuẫn mà chúng ta đem đổi. Ở đây không phải là một lần mà có rất nhiều lần rất nhiều đoạn ở trong kinh điển Đức Phật Ngài thấy một vị Balamon đang cúng tế, Ngài đến dạy đạo Ngài chuyển hóa và vị này đem những vật cúng tế để cúng dường Đức Phật, Ngài không nhận.
Ta không hưởng vật dụng,
Do tụng kệ đem lại,
Ðây không phải là pháp,
Của bậc có chánh kiến
Chư Phật đều bác bỏ,
Chỉ những người thấy được giá trị của chánh pháp thì mới không làm những việc như vậy, ngày nay thì chúng ta chẳng những bán rẻ chánh pháp mà còn bán rẻ chính mình, thật ra một người cho dù nghèo tới đâu đi nữa thì nếu chúng ta thấy được giá trị cao qúi của Phật Pháp một giá trị thật sự thì chúng ta không đánh đổi một cách rẻ rún. Chúng ta đọc kỹ đoạn này thì chúng ta rất là hoan hỉ. Đức Phật Ngài cho biết rằng bản thân của Ngài là một bậc đã đoạn tận các lậu hoặc, Ngài chính là thửa ruộng cho ai cầu phước. Nhưng trong trường hợp này thì Ngài không nhận tại vì Ngài có lý do, Ngài giải thích như vậy. Lúc bấy giờ ông Balamon hỏi là nên đem thực phẩm cúng dường cho ai thì Đức Phật Ngài cho biết rằng Ngài không thấy ai trong thế gian này ngoại trừ Đức Phật và các đệ tử Phật có thể tiêu hóa được thực phẩm như vậy. Trong kinh kể là khi một người đem đồ cúng dường lên Đức Phật hay các đại để tử Phật có thần thông thì đôi khi Chư Thiên cũng đặt thực phẩm của Chư Thiên vào đó, mà thực phẩm của Chư Thiên và thực phẩm của người hợp với nhau thì chỉ có Đức Phật và các đại đệ tử có thần thông mới có khả năng tiêu hóa, còn ngoài ra bình thường ngay cả Chư Thiên cũng không dùng được tại vì có pha với thực phẩm của loài người, và loài người cũng không hưởng thụ được tại vì có pha với thực phẩm của Chư Thiên trong đó.
"Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja đem nhận chìm cháo sữa ấy vào nước không có sinh vật. Cháo sữa ấy khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Ví như một lưỡi cày, phơi cả ngày dưới ánh nắng, được đem quăng xuống nước, lưỡi cày ấy sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Cũng vậy, cháo sữa ấy, khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên."
Ở Việt Nam thì có lẽ qúi vị không thấy điểm này nhưng mà nếu qúi vị đem lưỡi cày ở tiểu bang Arizona hay ở Ấn Độ mùa nóng thì nóng ghê lắm. Lưỡi cày phơi nắng để xuống nước thì nó bốc khói.
"Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja hoảng hốt, rợn tóc gáy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn: - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp, qui y chúng Tỷ-kheo. Mong rằng con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới."
Ông Bà-la-môn Kasibhàradvàja này rất giàu, đồng ruộng cò bay thẳng cánh, nhiều thợ cày ruộng nhưng khi nghe Đức Phật thuyết pháp cảm nhận được cái vi diệu cái cao cả của Đức Phật thì ông đã phát tâm xuất gia, không phải qui y không mà là xuất gia.
"Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja được xuất gia với Sa-môn Gotama, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu, do vì mục đích gì, bậc thiên nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú cứu cánh Phạm hạnh ấy. Vị ấy thắng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa ". Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán."

Chúng ta đã đọc qua một bài kinh ở trong bài kinh này nói về một giai thoại hoàng hóa của Đức Phật và ở trong lời dạy của Đức Phật Ngài đã chuyển hóa một con người mà do lời nói có tánh cách trịnh thượng, có tánh cách như chất vấn của vị này nhưng từ chỗ đó Đức Phật Ngài đã khai tâm cho ông Balamon thấy rằng cái nhìn của ông chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện, ông chưa biết rõ tất cả câu chuyện ông chỉ thấy con đường trồng trọt thu hoạch huê lợi của một nông gia, nhưng ông chưa thấy là hành trình của sự giác ngộ cũng là một hành trình đòi hỏi khổ công, nhưng cái khổ công này đem lại quả thiện bất tử, và từ cái vị thế của một nông gia hiểu rất rõ công việc của mình ông lại thấy được con đường giác ngộ giải thoát đó là một con đường mà ở đó bản thân của ông có thể đem kinh nghiệm của một nhà nông qua lời dạy của Đức Phật để biến sự cứu cánh giác ngộ trở thành những thu hoạch hiện thực chứ không phải là xa vời, và chúng ta thấy rằng vị này quả là có túc duyên lớn chẳng những phát tâm quy ngưỡng Phật mà tu tập thọ đại giới và trở thành một vị thánh tu lậu giải thoát./. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.4/10/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment