Wednesday, 30 October 2013

Chương VII-a
BẢY GIÁC CHI(Bojjhaṅga)

Danh từ Bojjhaṅga bao gồm hai phần: Bodhi + aṅga.
Bodhi ám chỉ chứng ngộ, giác-ngộ, nói một cách chính xác và rốt ráo là: Thông-đạt bốn chân lý tối thượng: chân lý về khổ, chân lý về nhân sanh khổ, chân lý về sự diệt khổ, chân lý về con đường đưa đến sự diệt khổ.
Aṅga nghĩa là yếu tố, thành-phần.
Bojjhaṅga nghĩa là thành-phần đưa đến sự giác-ngộ, chứng-đạt bốn sự-thật, thường được dịch là giác-chi.
Có sớ giải rằng:
Caṭu saccadhamme suṭṭhu bujjhaṭī’ṭi sambodhi aṅgo = sambojjhaṅgo."Các thành-phần dẫn đến sự thấu đáo đúng đắn về bốn pháp sự-thật gọi là giác-chi".
Chữ sambodhi còn được gọi là giác-ngộ vì hiểu biết (bodhi) đúng (sam) bốn sự-thật, hay hiểu biết hoàn toàn về bốn sự-thật.
Sambodhi ám chỉ cho tuệ-đạo, những yếu tố nào dẫn đến tuệ-đạo siêu-thế gọi là giác-chi hay giác-phần.
Trong Tương-ưng kinh có ghi rằng:
Có vị tỳ-khưu đi đến chỗ Ðức Thế-tôn ngự, sau khi đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên bạch hỏi rằng:
-Bojjhaṅga! Bojjhaṅga! được gọi như thế, bạch Ðức Thế-tôn, xin Ngài từ bi chỉ dạy, lời này có thể được áp dụng đến mức như thế nào?.
Ðức Phật dạy rằng:
"Bojjhaṅga samvaṭṭanṭīṭi kho bhikkhu ṭasmā bojjhaṅgā’ ṭi vuccaṭi..."."Do dẫn đến giác-ngộ, vì lẽ ấy, này tỳ-khưu được gọi là bojjhaṅga (giác-chi)...".
Ðó là lời dạy mở đầu, tiếp theo Ngài giảng cho vị tỳ-khưu ấy về bảy giác-chi.
Theo Aṭṭhakaṭhā, sambojjhaṅga có bốn ý-nghĩa:
1- Là chi phần của người giác-ngộ chân-chánh (là chánh giải-thoát đối nghịch với tà giải-thoát).
2- Là pháp đồng sanh đưa đến giác-ngộ chân-chánh.
3- Là pháp làm cho tỉnh-ngộ, thoát ra sự si-mê, u-ám.
4- Là pháp giúp thành-tựu thông suốt bốn Diệu-đế.
Ðược gọi là giác-chi, vì liên-hệ đến viễn-ly, liên-hệ đến ly-tham, liên-hệ đến từ bỏ, liên-hệ đến đoạn-diệt.
Viễn-ly (xa lìa) cái gì? Xa lìa những trói-buộc ở bên ngoài như hội-chúng, danh-xưng, quyền-lợi, lợi-đắc ... trước khi thành-đạt giác-ngộ bốn pháp sự-thật.
Từ bỏ cái gì? Từ bỏ năm pháp chướng-ngại của tinh-thần.
Ðoạn-diệt cái gì? Ðoạn-diệt những nguyên-nhân dẫn đến luân-hồi.
Nói rõ hơn: viễn-ly -ly-tham (virāga) là tạm thời trừ (ṭadaṅgappahāna) những phiền-não, uế-trược ở vùng triền.
Từ bỏ là áp chế trừ (vikkhambhanappahāna) những phiền-não cấu uế, chủ yếu là năm pháp chướng-ngại ở vùng triền.
Và đoạn-diệt là trừ-tuyệt (samucchedappahāna) bằng đạo-tuệ ở vùng tùy-miên.
Ở đoạn khác, đức Phật dạy rằng:
"Này chư tỳ-khưu! Ví như các cây đà, cây kèo của ngôi nhà nóc nhọn, tất cả cây đà, cây kèo đều thiên về, hướng về, xuôi về nóc nhọn.
Cũng vậy, này chư tỳ-khưu! vị tỳ-khưu tu-tập bảy giác-chi, làm cho sung-mãn bảy giác-chi, thiên về, hướng về, xuôi về Níp-bàn".


Chim Kim-xí vương (supanarāja) có oai lực, tung hoành giữa hư không, khi vỗ cánh phát ra luồng gió mạnh, ảnh hưởng đến một vùng không gian rộng lớn. Trước khi Kim-xí điểu được lớn mạnh như thế, nó phải thoát ra khỏi bụng mẹ dưới hình-thức là cái trứng, rồi nó phải thoát ra khỏi cái trứng bằng cái mỏ nhọn của chính nó, khảy bể vỏ trứng. Nó ẩn náu trong tổ, được chim mẹ nuôi dưỡng cẩn thận, nó dần dần lớn mạnh. Và lần cuối cùng nó thoát ra tổ, tung cánh vào không trung lộng gió, nó muốn đến đâu tùy thích, đều được như-ý.
Cũng vậy, người tìm đạo giải-thoát, trước tiên phải thoát ra vùng tăm-tối khổ-não, như chim thoát ra bụng mẹ, vùng tăm-tối khổ-não ví như si-mê, ngu dốt, là sự không học hỏi những điều thiết-thực để thực-hành đi đến sự thoát khổ. Ẩn trú trong vỏ trứng an-toàn là: phòng-hộ môn quyền. Trong vòng phòng-hộ môn quyền, tích lũy ba thiện hạnh của thân -ngữ -ý (ám chỉ giới), để rồi lần thứ hai thoát ra những trói-buộc thô-thiển bên ngoài là: sắc, thinh, khí, vị, xúc bằng niệm (ví như thoát ra khỏi trứng bằng cái mỏ con chim). Ẩn trú trong tổ ví như hành bốn niệm-xứ, được nuôi dưỡng vật-thực để lớn mạnh ví như có tác-ý đúng. Cuối cùng thoát ra khỏi tổ, tung mình vào hư không rộng lớn, ví như hành-giả đã thành tựu bảy pháp giác-chi, được giải-thoát hoàn toàn.
Ðây là những ví dụ minh họa cho những trình-tự các pháp dẫn đến thành-tựu bảy giác-chi theo lý Duyên-sinh.
Những pháp trình-tự hình thành bảy giác-chi này, do ai giảng và có ở nơi đâu? Chính do Ðức Thế-tôn thuyết-giảng khi Ngài trú ở Sākeṭa trong rừng Ancana, cho du sĩ Kundali, du sĩ này có tên là Kundali vì có đeo vòng ở tai (kundali là người có đeo bông tai). Ðại ý như sau:
Du sĩ Kundali hỏi Ðức Thế-tôn:
- "Tôn giả Goṭama sống với lợi-ích gì?
- Này Kundali! Như-lai có lợi-ích là quả của minh và giải-thoát (vijjāvimuṭṭi phalānisamsam).
- Thưa tôn giả Goṭama! Minh và Giải-thoát được viên-mãn nhờ tu-tập pháp gì?.
- Này Kundali! Bảy giác-chi được tu-tập, được làm cho sung-mãn khiến Minh và Giải-thoát được viên-mãn.
- Thưa tôn giả Goṭama! Những pháp nào được tu-tập, được làm cho sung-mãn, đưa đến bảy giác-chi được sung-mãn.
- Này Kundali! Là bốn Niệm-xứ...
- Thưa tôn giả Goṭama! Bốn Niệm-xứ được viên mãn do nhờ tu-tập, được làm cho sung-mãn nhờ những pháp gì?
- Này Kundali! Là ba thiện-hạnh.
- Thưa tôn giả Gotama! Ba thiện hạnh được viên-mãn do nhờ tu-tập, được làm cho sung-mãn nhờ những pháp gì?
- Này Kundali! Là phòng-hộ môn-quyền".

Tiếp theo Ðức Thế-tôn giảng về cách phòng-hộ môn quyền, ba thiện-hạnh, bốn Niệm-xứ, bảy giác-chi một cách tóm tắc (Tương-ưng kinh). Theo Chú giải, du sĩ Kundali nghe xong thời giảng này chứng-đắc Dự-lưu quả, trở thành vị Thánh đệ tử.
Hành-giả cũng nên ghi nhận rằng: trong phần tu-tập bảy giác-chi có sự liên-hệ gắn liền với năm pháp chướng-ngại. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự liên-hệ gắn bó giữa năm pháp chướng-ngại và bảy giác-chi ở phần sau.
Có một nghi vấn khác là: Bảy giác-chi này ai có thể làm hiển-lộ được? Và xây-dựng trên nền-tảng nào? "Bảy giác-chi được hiển-lộ qua trí của đấng Chánh-giác và được xây-dựng trên nền-tảng là giới-luật của bậc Thánh".
Ðức Thế-tôn khẳng định như thế, rằng:
- "Này các tỳ-khưu! Có bảy giác-chi chưa khởi lên, nếu được tu-tập, làm cho sung-mãn, có thể khởi lên. Nhưng không thể không có sự hiện-hữu của Như-lai, bậc A-la-hán Chánh-đẳng-giác. Thế nào là bảy giác-chi?...
- Này các tỳ-khưu! Có bảy giác-chi chưa khởi lên nếu được tu-tập, làm cho sung-mãn có thể khởi lên nhưng không thể không có giới-luật của bậc Thiện-thệ". (Tương-ưng kinh)

Giới-luật của bậc Thiện thệ hay giới-luật của chư Phật, của bậc Thánh là gì? Giới-luật ấy được gói gọn trong lời giáo-giới giải-thoát (ovādāpāṭīmokka) tóm tắt là:
"Sabbapāpassa akaranaṃ
Kusalassa upasampadā
Saciṭṭapariyodapanaṃ
Eṭaṃ buddhāna sāsanaṃ.
Không tất những điều ác
Làm tất cả điều lành
Giữ tâm cho trong sạch
Lời chư Phật dạy rành". (Pháp Cú 183)

Tóm lại, người có đức-tin nơi Tam-bảo, sẽ có sự suy-tư sâu xa và chân-chánh. Thoát ra khỏi vùng si ám, mê-muội như con chim thoát ra bụng mẹ qua hình-thức cái trứng.
Người ấy có sự thu thúc môn quyền (là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), như cái trứng được gìn-giữ không cho bị hư hoại, bể vụn trước khi con chim thành hình. Con chim hình thành ví như giới được hình thành qua sự gìn-giữ ba thiện-hạnh là: Thân hành-thiện, ngữ hành-thiện và ý hành-thiện.
Khi trì-giới tốt đẹp, hành-giả phát-triển sự tu-tập cao hơn bằng pháp niệm ví như con chim thoát ra khỏi vỏ trứng bằng cái mỏ nhọn của chính nó.
An-trú trong tổ ví như an-trú trong bốn Niệm-xứ, con chim được nuôi dưỡng tốt sẽ lớn mạnh. Cũng vậy, hành-giả an-trú trong bốn Niệm-xứ tu-tập bảy giác-chi bằng vật-thực là tác-ý đúng, khi bảy giác-chi sung-mãn, hành-giả thoát ra khỏi khổ-não luân-hồi ví như con chim lìa bỏ tổ, tung cánh tự-do trong không gian vô tận, tùy theo ý thích.
Bảy giác-chi là:
Niệm giác-chi (saṭi sambojjhaṅga).
Trạch-pháp-giác-chi (dhammavicaya sambojjhaṅga).
Tấn giác-chi (vīriya sambojjhaṅga).
Hỷ giác-chi (pīṭi sambojjhaṅga).
Tịnh giác-chi (passaddhi sambojjhaṅga).
Ðịnh giác-chi (samādhi sambojjhaṅga).
Xả giác-chi (upekkhā sambojjhaṅga).
Hành-giả muốn tu-tập bảy giác-chi, cần phải biết được nhân sanh của nó.
Nhân sanh-khởi của giác-chi hoặc làm cho giác-chi tăng-trưởng lớn mạnh có điểm chung là: tác-ý đúng phương-pháp. Và A-la-hán đạo là nhân làm cho giác-chi sung-mãn.
Riêng mỗi giác-chi đều có nhân sanh, nhân làm cho sung-mãn khác nhau, tùy theo đặc-tính cùng công-năng của mỗi giác-chi.
Tác ý: Manasikāra = Manasi + kāra. Theo nghĩa từng chữ là: "việc làm trong tâm".
Phận-sự chánh của tác-ý là hướng tâm cùng các sở-hữu đồng sanh về một đối-tượng, nó giống như bánh lái của chiếc tàu, tâm không có manasikāra như tàu không có bánh lái. Nếu như nó hướng dẫn tâm hướng về điều thiện gọi là yoniso manasikāra: tác-ý đúng, tác-ý chân-chánh. Nếu nó hướng dẫn tâm về điều xấu, ác, ô-nhiễm, gọi là tác-ý không đúng, tác-ý sai lệch (ayoniso manasikāra). Chính tác-ý không đúng là nhân cơ-bản, là vật-thực cần thiết cho năm pháp chướng-ngại sanh lên và tăng-trưởng.
Vì thế, trong Tương-ưng kinh, Ðức Thế-tôn có dạy rằng:
"Này các tỳ-khưu! Do phi như-lý tác-ý (ayoniso manasikāra) tham-dục chưa sanh được sanh lên, đã sanh-khởi đi đến tăng-trưởng, quảng đại. sân ... hôn-trầm, thụy miên ... trạo-hối ... nghi-hoặc chưa sanh được sanh lên, đã sanh-khởi đi đến tăng-trưởng, quảng đại.
Và niệm giác-chi chưa sanh không sanh, niệm giác-chi đã sanh bị đoạn-diệt, trạch-pháp giác-chi... tấn giác-chi... hỷ giác-chi... tịnh giác-chi... định giác-chi... xả giác-chi chưa sanh không sanh, xả giác-chi đã sanh bị đoạn-diệt.
Và này chư tỳ-khưu! Do như-lý tác-ý (yoniso manasikāra) dục-tham chưa sanh không sanh-khởi, dục-tham đang sanh bị đoạn-diệt, sân... hôn-trầm, thụy miên... trạo-hối... nghi-hoặc chưa sanh không sanh-khởi, nghi-hoặc đang sanh bị đoạn-diệt.
Này chư tỳ-khưu! Do như-lý tác-ý, niệm giác-chi chưa sanh được sanh-khởi, niệm giác-chi đã sanh-khởi nhờ tu-tập đi đến viên-mãn..."

Ðoạn kinh trên cho chúng ta thấy sự đối chiếu của hai loại tác-ý, cùng kết quả sanh lên từ chúng.
Tác-ý đúng đưa đến sanh-khởi và làm tăng-trưởng bảy giác-chi đồng thời hủy diệt năm pháp chướng-ngại. Tác-ý không đúng dẫn đến năm pháp chướng-ngại sanh-khởi và tăng-trưởng đồng thời hủy diệt bảy giác-chi. Các vị Luận-sư tạng Thắng-pháp nói rằng:
Ở khía cạnh khác, manasikāra có nghĩa là "sự chú ý", nó ví như người đánh xe đang điều khiển cổ xe song mã hay cổ xe tứ mã, người đánh xe chú đến những con ngựa phi sãi, điều khiển chúng chạy song song, giúp cho cổ xe luôn vững vàng.
Trên phương diện tu-tập, tác ý và niệm gần như gắn liền nhau, tức là "chú ý ghi nhận". Giống như người thợ cưa, luôn luôn chú ý đến lưỡi cưa, khi đang cưa khúc gỗ qua lằn mực chuẩn định, khi lưỡi cưa sắp đi lệch hay đã lệch lằn mực, y điều chỉnh lưỡi cưa trở lại lằn mực ngay. Nếu y không có sự chú ý (tức là tác-ý không đúng) lưỡi cưa sẽ đi sai lầm, khiến khúc gỗ kia trở thành vô dụng, y mất đi lợi-ích.
Nhưng tác-ý như thế nào gọi là tác ý đúng? Tức là, hướng tâm như thế nào là hướng tâm đúng? Là hướng tâm đến thiện-pháp, hướng tâm đến xa lánh ác pháp, hướng tâm đến không đắm-nhiễm (virāga) trong các trần-cảnh, hướng tâm đến từ bỏ dục-lạc, hướng tâm đến trừ diệt nhân sanh khổ (là ái-dục).
Theo sớ giải tạng Abhidhamma, các Ngài Luận-sư giải về sở-hữu tác-ý (manasikāra ceṭasika) như sau:
Āramaṇaṃ manasi paṭipādāyaṭī’ṭi = Āramaṇapādako: làm thành cảnh cho tâm, gọi là tác-ý thành cảnh.

Vậy thì tác-ý đúng về cảnh ra sao? Tức là, tâm phải lấy chi làm đối-tượng? Tâm lấy pháp làm đối-tượng (làm cảnh).
Ở đây, chính pháp thiện làm cảnh cho tâm, tâm hướng về pháp thiện, lấy pháp thiện làm đối-tượng, tâm sẽ trở nên tốt đẹp. Ðức Phật có dạy rằng:
"Này chư tỳ-khưu! trong khi vị Thánh đệ tử lấy pháp làm đối-tượng (aṭṭhiṃ kaṭvā), tập trung tất cả tâm ý (sabbaceṭaso sammannāhariṭvā), lắng nghe pháp, trong khi ấy năm pháp chướng-ngại không có trong vị ấy và bảy giác-chi trong khi ấy nhờ tu-tập, đi đến viên-mãn". (Tương-ưng kinh)

Trong lãnh-vực tu-tập để dẫn đến giác-ngộ, xuất khỏi luân-hồi. Giai-đoạn đầu của sự tu-tập, pháp chướng-ngại vẫn xuất hiện, vì thế, giữa hai pháp: chướng-ngại và giác-chi có sự đối nghịch nhau. Nên Ðức Thế-tôn thuyết-giảng về pháp giác-chi, Ngài đề cập đến năm pháp chướng-ngại.
Khi nói về năm pháp chướng-ngại, đức Phật dạy rằng:
"Này chư tỳ-khưu! năm pháp chướng-ngại tác thành si ám, tác thành mù lòa (vô nhãn), tác thành vô trí, đưa đến tổn hại (vighāṭapakkhiṭā) không đưa đến Níp-bàn. Thế nào là năm pháp chướng-ngại...
Này chư tỳ-khưu! bảy giác-chi tác thành mắt, tác thành trí, tăng-trưởng trí, đưa đến Níp-bàn, thế nào là bảy giác-chi?...". (Tương-ưng kinh)

Trong năm pháp chướng-ngại của pháp giác-chi, tham-dục là pháp quan trọng nhất, nó ngăn che sự xuất ra khỏi cõi dục, đồng thời hỗ-trợ đắc lực cho oán hận. Tham-dục quyến-rũ tâm đắm-nhiễm vào sắc đẹp, tiếng du dương, mùi thơm, vị ngon, thân đụng chạm khoái-lạc, gọi chung là tịnh-tướng của cảnh trần, cùng với pháp đáng yêu, đáng thích, đáng hài lòng của tâm.
Nhưng khi tâm không đạt được điều hưởng-thụ, nó trở nên bực dọc, khó chịu ... Vì thế, đức Phật có dạy: "Vật-thực làm cho tham-dục tăng-trưởng là tịnh-tướng, vật-thực làm cho oán hận lớn mạnh là chướng-ngại tướng (paṭighanimiṭṭa)". (Tương-ưng kinh)

Hành-giả khi tu-tập bảy giác-chi, cần phải có tác ý đúng trong sự tránh xa năm trần-cảnh quyến-rũ. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc với năm trần-cảnh ấy thì cần phải tỉnh táo để không rơi vào đắm-nhiễm.
Thật ra, tịnh-tướng chẳng phải là nguy hại, sự nguy hại là do tâm đắm-nhiễm dính mắc vào nó. Tịnh-tướng là kết quả của thiện-nghiệp đã được tích lũy, là kết quả của việc thiện đã làm, tâm đắm-nhiễm dính mắc vào đó, tâm mới bị giam hãm, bị trói-buộc và nó trở thành một chướng-ngại, khiến tâm không thể thoát ra thế giới của dục-lạc. Ví như con nhện bị giam hãm, nằm trong mạng lưới của chính nó tạo ra.
Qua sự hành thiện, sự tu-tập được tích lũy, hành-giả càng lúc càng nhận được kết quả kỳ diệu của sự tu-tập, một trong những kết quả ấy là năm trần-cảnh tốt đẹp phát-sanh. Nếu không tỉnh táo, hành-giả sẽ không thể xa lánh, không thể tránh khỏi dính mắc vào nó, cuối cùng rơi vào nắm giữ (upādāna) lấy nó. Ðồng nghĩa là bị nó nắm giữ, điều khiển tâm.
Sự xa lánh trần-cảnh là bước đầu của sự tu-tập, hành-giả nên suy nghĩ trong tâm rằng: "Ta nên lánh xa những gì có thể đưa ta đến nguy hại, suy vong. Năm cảnh trần là một trong những điều ấy, chúng rất nguy-hiểm, mang đến tổn hại cho những ai thân-cận với chúng. Cho dù hiện giờ ta không rơi vào quyền lực của chúng, nhưng gần gũi, thân-cận với chúng, ta cũng bị ảnh hưởng không tốt. Ví như người không uống rượu, nhưng ngồi chung với những kẻ uống rượu, y cũng bị gọi chung là "bợm nhậu", hay tuy là kẻ vô tội nhưng đi chung đường với những tên trộm, cướp khi quan quân bắt giữ bọn trộm, cướp cũng bắt giữ luôn kẻ ấy. Vậy tốt hơn hết ta nên xa lánh nó".
Khi tiếp xúc với năm trần-cảnh khả-ái, khả-hỷ, khả ý, khả-lạc, cần phải tỉnh táo trước chúng, để không bị đắm-nhiễm, bằng cách: "có sự ghi nhớ mình".
Chính Ngài Ānanda bạch hỏi Ðức Thế-tôn rằng:
- Bạch Thế-tôn! chúng con phải cư xử với nữ nhân như thế nào?
- Này Ānanda! Chớ có nhìn ngắm.
- Bạch Thế-tôn! Nếu phải nhìn ngắm, thì phải làm sao?
- Này Ānanda! Chớ nói chuyện.
- Bạch Thế-tôn! Nếu phải nói chuyện thì phải xử trí như thế nào?
- Này Ānanda! Phải ghi nhớ mình (saṭi upaṭṭhāpeṭabhā’ṭi = an-trú Chánh-niệm). (Kinh Ðại bát-Níp-bàn)

Một số người ít hiểu biết cứ nghĩ rằng: "Những trần-cảnh chỉ là những gì thuộc vật-chất vô tri", cần phải hiểu rằng: "Trần-cảnh bao gồm vật-chất vô tri lẫn chúng-sanh, khi nó làm đối-tượng (cảnh) cho tâm".
Có người quí trọng con vật nuôi trong nhà hơn cả con người, chỉ vì con vật ấy xinh đẹp, khi bị mất con vật ấy, y "tiếc ngẩn, tiếc ngơ", đôi khi phát-sanh bệnh. Ðó là sự đắm-nhiễm trong trần-cảnh, ở đây đối-tượng là những chúng-sanh khả-ái, khả ý (đáng yêu thích, đáng hài lòng).
Câu hỏi trên của Ngài Ānanda, chúng ta cần phải mở rộng vấn đề qua sự suy-ngẫm. Ngài Ānanda, ở cương vị là bậc sa-môn tỳ-khưu, Ngài có bốn pháp hoan-hỷ là: bất kỳ hàng tứ chúng nào, tỳ-khưu, tỳ-khưu ni, cận sự nam hay cận sự nữ, được yết kiến Ngài Ānanda sẽ hoan-hỷ, được nghe Ngài Ānanda thuyết-pháp sẽ hoan-hỷ. Ngài Ānanda im lặng thì thất vọng.
Vì Ngài có pháp mang đến sự hoan-hỷ cho hàng tứ chúng, lại là thị giả của đức Thế-tôn, nên Ngài thường bị nữ nhân quấy rầy, điển hình là tỳ-khưu ni Koliyā. Và đây cũng là nhân là duyên có câu hỏi ấy.
Câu hỏi được mở rộng trong phạm vi, đưa đến nhận-thức rằng: nữ nhân là đối-tượng đắm-nhiễm của nam nhân và ngược lại. Trong Tăng-chi kinh, nơi phẩm sắc (rūpavagga) Ðức Thế-tôn dạy (tóm lược) như sau:
- "Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy một sắc nào xâm chiếm ngự-trị tâm người nam như sắc người nữ.
Như-lai không thấy một tiếng nào... một hương... một vị... một xúc nào xâm chiếm, ngự-trị tâm người nam như xúc người nữ.

Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy một sắc nào xâm chiếm ngự-trị tâm người nữ như sắc người nam, một tiếng... một hương ... một vị... một xúc xâm chiếm, ngự-trị tâm người nữ như xúc người nam".
Hành-giả cần nhận-định rõ ý-nghĩa trên và cần hiểu rằng: sự tiếp xúc với năm trần-cảnh đáng thích ý, đáng hài lòng trong thời hiện-tại là điều khó tránh khỏi.
Thời hiện-tại là thời vật-chất tăng thịnh, những phương tiện vật-chất phục vụ cho con người được phát-triển sung-mãn, càng lúc càng tăng thêm phần quyến-rũ.
Những vật-chất ấy có phải là tội-lỗi không? Không, nó không tội-lỗi cũng không thánh thiện, đơn giản nó chỉ là phương tiện của con người, thế thôi. Nhưng tác hại hay không là do tâm, cái tâm đắm-nhiễm, cái tâm không được điều-phục, cái tâm bị hướng dẫn không đúng mới là tác hại. Chính vì những phương tiện đáng hài lòng, đáng thích ý ấy mà biết bao người phạm vào tội-lỗi, phạm vào tội ác, để rồi nhận lãnh hậu quả đau-khổ như tù tội ... trong hiện-tại.
Dĩ nhiên, không thích-hợp khi nói rằng: "Người này ác, người này tội-lỗi, người này đáng khinh". Nói thích-hợp là nói rằng: "Người này hành động ác, hành động tội-lỗi, hành động đáng khinh".
Ðức Phật dạy rằng: "Thân-hành ác, ngữ nói ác, ý thiên về ác hay thân-hành thiện, ngữ nói thiện, ý thiên về thiện". Ngài không nói "Con người là ác, con người là thiện". Cũng vậy, không hợp lý khi nói rằng: "Tịnh tướng của năm trần-cảnh là tội lỗi" nói hợp lý là: "Tịnh tướng có thể dẫn dắt chúng-sanh rơi vào tội-lỗi", bản chất là khác, hành động là khác.

Nếu phân-tích sâu hơn, sẽ thấy rằng: "hành động dẫn dắt tâm" của tịnh-tướng chỉ là sự thụ-động, chính tâm dính mắc vào nó, chứ nó không dính mắc vào tâm. Nó chỉ có thể phô bày sự tốt đẹp, đáng ưa thích, đáng hài lòng mà thôi. Còn tâm bị dụ dỗ, bị quyến-rũ hay không là do "tác ý" của tâm. Mức độ tác hại nhẹ nhất của tâm đắm-nhiễm vào tịnh tướng là: "bị ngự-trị", nói rõ hơn là: tâm bị nô-lệ bỡi những tịnh-tướng ấy. Ðơn cử một ví dụ như sau:
Trước đây không có ánh sáng đèn điện, con người sống với ánh sáng của lửa, của đèn dầu, tâm không hề cảm thấy khó chịu. Giờ đây quá quen thuộc với ánh đèn điện, do một nguyên-nhân nào đó, bị mất điện, lập tức có sự hoãng loạn, bất ổn xảy ra ngay trong tâm và mức độ nhẹ nhất đối với cái tâm thiếu hay không có sự kiểm-soát là: khó chịu, bực bội. Ðiều này nói lên cái gì? Nói lên ý-nghĩa "tâm bị nô-lệ" ánh sáng đèn điện.
Ðó là một trong vô số ví dụ điển hình về ý-nghĩa tâm bị xâm chiếm, bị ngự-trị bởi năm tịnh-tướng quyến-rũ của năm trần-cảnh vật chất.
Hành-giả khi tiếp xúc với trần-cảnh phải điều-phục tâm, qua các cách như sau: (theo lời dạy của Ðức Thế-tôn đối với những câu hỏi của trưởng-lão Ānanda):
- Ðừng ngắm nhìn là đừng lưu-ý đến.
- Nếu phải ngắm nhìn (tức là bắt buộc phải tiếp cận, gần gũi) nên có sự ghi nhớ mình.
Ðó là phương thức điều-phục tâm trước những tịnh-tướng của năm trần-cảnh.
Ví dụ trên cũng chứng tỏ rằng: tâm bực bội, khó chịu là do chạm phải bất tịnh-tướng (paṭighanimiṭṭa), tức là tâm đang thụ-hưởng điều nó hài lòng, bị mất đi nó trở nên khó chịu, khó chịu được phát-triển trở thành giận dữ (byāpāda) đôi khi hiển-lộ ra thân hay lời nói như mắng nhiếc hoặc đập phá ...
Thế là, chúng ta có hai kết luận nhỏ bé:
- "Tâm không hiểu biết, thiếu hiểu biết trở thành nô-lệ cho tịnh-tướng của năm trần-cảnh".
- "Tham-dục là duyên khiến oán hận (sân-độc) sanh lên và phát-triển".

Hành-giả có sự ghi nhớ mình hay có chánh-niệm (saṭi upaṭṭhāpeṭabhā’ṭi) là người có sự điều-phục tâm. Ðức Thế-tôn dạy trong Aṅguṭṭara-nikāya rằng:
"Này chư tỳ-khưu! Tâm được điều-phục, được hộ trì, được phòng-hộ, được bảo vệ, đưa đến lợi-ích lớn".


Như đã nói, dục-tham là chướng-ngại mạnh nhất của giác-chi trong lãnh-vực giác-ngộ. Hành-giả phải có tác-ý đến bất tịnh-tướng trong tịnh-tướng để dục-tham chưa sanh không sanh, dục-tham đang sanh bị đoạn trừ.
Ðức Thế-tôn có dạy:
"Này chư tỳ-khưu! Tâm này là sáng chói, nhưng bị ô-nhiễm bởi cấu uế từ bên ngoài vào.
Này chư tỳ-khưu! Tâm này là sáng chói và tâm này được gọt sạch những cấu uế từ bên ngoài vào". (Tăng-chi kinh)

Nói chung, năm chướng-ngại là cấu uế của tâm, những cấu uế này từ bên ngoài đưa vào, cấu uế ấy được gọt sạch bằng tác-ý đúng.
1- Niệm giác-chi (saṭi sambojjhaṅga).
Niệm là yếu tố đầu tiên của sự giác-ngộ, đó là phương tiện hữu hiệu nhất trong sự điều-phục tâm, làm chủ tâm. Bất luận người nào có duyên lành, khi hành pháp niệm một cách đúng đắn là người tìm ra con đường đưa đến giải-thoát.
Chi pháp bản thể thực-tính của niệm là sở-hữu niệm (saṭi ceṭasika), tùy theo công-năng của nó ở lãnh-vực nào, nó có tên gọi theo lãnh-vực ấy như:
- Khi an-trú niệm vào bốn nơi: thân, thọ, tâm, pháp nó có tên gọi là bốn Niệm-xứ.
- Trong lãnh-vực quản trị, kiểm-soát các pháp đồng sanh hướng về sự trú-vững, nó có tên gọi là Niệm-quyền.
- Trong lãnh-vực có sức mạnh, không rung động trong sự dể-duôi, khinh suất (panāda), nó có tên gọi là Niệm-lực.

- Trong lãnh-vực dẫn đến giác-ngộ, nó được gọi là Niệm giác-chi.
- Trong lãnh-vực đưa đến sự chứng-đắc Níp-bàn, nó được gọi là Chánh-niệm.
Niệm là một đức-tính vô cùng quan trọng, người thiếu niệm không thể thành-tựu việc gì đáng kể. Ngay trước giờ viên-tịch lời di huấn tối hậu của Ðức Thế-tôn là:
"Vayadhammā saṅkhāra appamādena sampadeṭha: Các pháp hữu-vi là vô-thường, hãy kiên-trì nỗ-lực chớ có khinh suất (dể-duôi)".


Và lời dạy cuối cùng của Ngài Sārīpuṭṭa vị thánh Thượng-thủ đệ nhất trí-tuệ của đức Phật cũng dạy, cùng ý-nghĩa ấy:
"Sampādeṭha appamādena esa me anusāsanā: Hãy kiên-trì chuyên niệm, đó là lời khuyên của ta".


Trong cả hai lời dạy ấy, đức Phật và đức Sārīpuṭṭa đều dùng một từ rất quan trọng là Appamādena, nghĩa là ghi nhận liên tục, ghi nhận không ngừng nghỉ, ghi nhận không gián đoạn.
Xuyên qua Tam-tạng kinh-điển Pāli, danh từ appamāda được dùng theo nghĩa saṭi, nhưng appamāda mang tính đậm đặc hơn saṭi, saṭi chỉ là sự ghi nhận bình thường, còn appamāda hàm ý "theo dõi sự ghi nhận". Nó giống như người quản đốc theo dõi sự làm việc của người thợ, nếu người quản đốc nhìn người thợ đang làm việc, y ghi nhận rằng: người thợ đang làm việc, đó là Sati, còn y biết rõ sự tiến triển công việc qua sự làm việc của người thợ ví như Appamāda.
Luôn luôn có sự ghi nhớ biết mình là trạng-thái của thức-tỉnh (sampajaññā), hành-giả không thể giữ được sự ghi nhận, nếu không có tỉnh-thức để biết rõ, biết đầy đủ hành động của thân, lời nói cùng ý nghĩ trong từng giây, từng phút.
Chỉ khi nào có được tỉnh-thức, hành-giả mới biết rõ những diễn tiến của thân, ngữ, ý. Khi ấy mới phân biệt được "đây là thiện, đây là bất-thiện", đây là đúng, đây là sai. Mà có được sự tỉnh-thức ấy, phải luôn luôn có sự biết mình, tức là không dể-duôi (appamāda).
Ðức Phật dạy:
"Này chư tỳ-khưu! Như-lai không thấy một pháp nào khác có thể đưa đến lợi-ích lớn, đó là không dể-duôi (appamāda). Không dể-duôi, này chư tỳ-khưu, đưa đến lợi-ích lớn". (Aṅguṭṭara-nikāya)


Trong Tương-ưng kinh, đức Phật cũng dạy:
"Appamāde mahaṭo aṭṭhāya sanvaṭṭaṭi: Không dể-duôi dẫn đến lợi-ích lớn".


Ðây là sự phát-triển tâm linh ở mức độ cao, trạng-thái tâm thường xuyên tỉnh-thức (sampajaññā).
Chữ sampajaññā là sự hiểu biết xuyên qua yên-lặng, thật yên-lặng, một sự yên-lặng thật trong sạch của tâm, thường được dịch là tỉnh-giác hay tỉnh-thức.
Mặt nước giao động sóng sánh, khi để yên, nó trở nên yên-lặng, nhưng khi có ngọn gió nó lại giao động, bao giờ nước tâm vẫn yên-lặng dù có bao nhiêu đợt gió thổi đến, nó vẫn y nhiên không giao động, đó là ý-nghĩa của tỉnh.
Ví như hồ nước trong sạch, khi yên-lặng, người có mắt nhìn thấy rõ ràng một vật hiện-hữu dưới đáy hồ, đó là ý-nghĩa của thức -giác. Nghĩa là sự biết rõ xuyên qua vùng tâm trong sạch đang tĩnh-lặng tuyệt đối trước những ngọn gió trần-cảnh: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
"Ví như, này các tỳ-khưu! một hồ nước trong suốt, không bị khuấy đục. Người có mắt đứng trên bờ có thể thấy ốc, sò, hòn sỏi ... vì cớ sao? vì nước không bị khuấy đục.
Người ấy biết được lợi-ích của mình, biết được lợi-ích của người, biết được lợi-ích cả hai. Sẽ chứng ngộ được pháp thượng-nhân, tri-kiến thù thắng". (Aṅguṭṭara-nikāya).

Tâm bị khuấy đục (āvilaṭṭā) là ám chỉ tâm bị che lấp, bao phủ bởi năm chướng-ngại, nên trí-tuệ không thể thấy sự-thật về tướng hữu-vi pháp, không thấy rõ vô-thường tướng, khổ tướng và vô-ngã tướng.
Tham-dục ví như nước có chứa nhiều màu sắc: xanh, vàng, đỏ... khiến người ta không thể nhìn xuyên qua để có thể thấy những gì ở bên dưới. Sân-độc ví như nước luôn luôn sôi sục, làm méo mó, lệch lạc hình ảnh vật ở dưới, khiến không thể nhận rõ ràng. Trạo-hối ví như nước dợn sóng bởi các ngọn gió. Hôn-thụy ví như nước dấy bùn. Hoài-nghi ví như nước có rong xanh trôi phập phều, lúc phô bày vật dưới nước, rồi che lấp ngay, rồi phô bày ra rồi che lấp lại.
Chúng là chướng-ngại của giác-ngộ vì ngăn che ba tướng vô-thường, khổ, vô-ngã, trong đó tham-dục và sân-độc có sức mạnh hơn cả. Chúng làm duyên cho nhau sanh-khởi.
Ðức Phật dạy rằng:
1- Pemā pemaṃ jāyaṭi: Luyến ái sanh từ luyến ái.2- Pemā doso jāyaṭi: Sân sanh từ luyến ái.
3- Doso pemaṃ jāyaṭi: Luyến ái sanh từ sân.
4- Dosā doso jāyaṭi: Sân sanh từ sân (Tăng-chi kinh)
Con đường đưa chúng-sanh thoát ra mọi đau-khổ luân-hồi, con đường ấy chỉ có một, đức Phật gọi là con đường duy nhất (ekayāno maggo). Muốn thoát ra khỏi luân-hồi khổ, chúng-sanh phải đi trên con đường đó, khởi đầu là bốn niệm-xứ, đoạn cuối con đường là bát-chánh-đạo, tận cùng của bát-chánh-đạo là Níp-bàn cứu cánh giải-thoát khổ. Không thể giải-thoát nếu không có sự chú niệm liên tục (appamādena).
Appamādaraṭo bhikkhu
Pamāde bhayadassi vā
Abhabbo parihānāya
Nibbānass’eva sanṭike.
"Vị tỳ-khưu thích-thú trong chuyên cần chú niệm, sợ-hãi trước sự dể-duôi.
Vị ấy không còn rơi xuống, vị ấy đối diện với Níp-bàn". (Pháp Cú 32)

Ý kệ-ngôn này là: "Người luôn luôn gần gũi với sự ghi nhớ mình bằng tâm tỉnh-giác (saṭimā), với nỗ-lực tinh-cần, vượt lên trên trạng-thái buông-lung (pamaṭṭo hay pamāda), người ấy tiến gần đến Níp-bàn, giải-thoát khổ".
Vì sao trong bảy giác-chi, Ðức Thế-tôn thuyết-giảng Niệm giác-chi trước tiên? Vì rằng: khi có niệm, tâm không phóng túng, lừng lẫy cũng không quá thối giảm lui sụt.
Trong Sammohavinodanī có giải rằng: "Ðức Thế-tôn thuyết-giảng Niệm giác-chi đầu tiên, vì đó là pháp tiếp trợ cho mọi giác-chi khác".
Có Phật-ngôn như vầy:
"Tesu saṭiñca khvāhaṃ bhikkhave sabbaṭhi-kaṃ vadāmi.
Này chư tỳ-khưu! Niệm giác-chi là lợi-đắc cho tất cả giác-chi
". (Samohavinodanī)
Nhân sanh Niệm giác-chi: Ngoại-trừ nhân sanh căn-bản là tác ý đúng cho mọi giác-chi thì nhân sanh và làm tăng-trưởng Niệm giác-chi có bốn:
1) Giác-niệm (saṭi pajānāṭi): biết mình trong bảy giai-đoạn tiến hành của tâm (xem phần tiểu oai-nghi, tỉnh-giác).
2) Không thân-cận với người hay quên (thất-niệm).
3) Thân-cận với người có niệm vững mạnh, là người có trí nhớ chính xác.
4) Chú tâm vào sự ghi nhận và ghi nhớ mọi diễn tiến trong mỗi oai ghi.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.30/10/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment