QUAN ĐIỂM VỀ ĂN CHAY
CỦA ĐẠO
PHẬT
Trong phần đầu quyển sách chúng tôi đã lần
lượt trình bầy quan điểm về ăn chay của người Hoa Kỳ nói riêng và của người Tây
phương nói chung. Trong phần kế tiếp, chúng tôi sẽ trình bầy về quan điểm của
những người Phật giáo thuộc hai truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy và Đại Thừa
về vấn đề này.
Trước tiên phải nói rằng có rất nhiều
quan điểm khác biệt về vấn đề ăn chay giữa những người Phật giáo từ xưa cho đến
nay và thật khó mà san bằng những dị biệt vì truyền thống của mỗi trường phái
khác nhau và tập quán của mỗi cá nhân khác nhau. Vì thế chúng tôi cố gắng trình
bầy những lý lẽ hay là quan điểm của những ai tin rằng ăn chay là điều cần thiết
cho người Phật tử và những ai tin rằng không cần thiết để mỗi người tùy vị trí
riêng của mình, tùy sự hiểu biết của mình mà có thể nhận định đúng hay sai và
chọn cho mình một hướng đi.
Ngày nay ai cũng nói rằng những người Phật
giáo Đại Thừa ăn chay và những người Phật giáo Nguyên Thủy ăn thịt. Điều nhận
định này hoàn toàn không đúng hẳn. Thông thường Phật Giáo Nguyên Thủy không có
những cấm đoán về ăn thịt cá mặc dầu vẫn có những vị sư và cư sĩ Phật tử ở Tích
Lan ăn chay, như Hòa Thượng Narada Maha Thera, tác giả quyển sách nổi tiếng
"Ðức Phật và Phật Pháp" đã trường trai thuần tuý (strict vegetarians), và có
những người khác không ăn thịt nhưng ăn cá. Tại Việt Nam có nhiều vị sư danh
tiếng thuộc truyền thống Nguyên Thủy.
Người viết, nhân dịp tham dự lễ khánh
thành Thích Ca Thiền Viện ở thành phố Riverside, California, một tu viện Việt
Nam thuộc Phật Giáo Nguyên Thủy, đã chứng kiến khoảng hơn năm trăm cư sĩ Phật tử
thuộc cả hai trường phái Đại Thừa và Nguyên Thủy thọ trai bằng cơm chay và quý
thầy Tỳ kheo thọ trai bằng cơm mặn do ban tổ chức thiết đãi và cúng dường.
Những tu sĩ Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa
và Việt Nam đều ăn chay thuần túy và nhiều cư sĩ Phật tử cũng cố gắng theo gương
họ mặc dầu cũng có một số không ăn chay.
Dầu là Đại Thừa Phật Giáo, một số tu sĩ
Nhật Bản và Tây Tạng cũng không ăn chay. Có dư luận cho là dưới thời Minh Trị
Thiên Hoàng, do sức ép của nhà vua, một số tu sĩ đã phải hoàn tục và sinh sống
như dân thường, có gia đình và không còn ăn chay nữa, mặc dầu vẫn trụ trì chùa.
Còn Tây Tạng thì do điều kiện thiên nhiên ác nghiệt quanh năm sống trên đỉnh núi đá cao, ít đất đai trồng trọt, lại cần nhiều nhiệt lượng, nên thói quen ăn thịt không từ bỏ được. Đấy là những nguồn dư luận nên cũng xin viết ra đây, tùy ý độc giả thẩm định.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.14/3/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.
No comments:
Post a Comment