Monday, 10 June 2013

Vấn: Bạch Ngài, Ngài đã giải được sự thắc mắc của tôi từ bấy lâu nay. Nhưng xin Ngài vui lòng chỉ bảo đại cương phận sự của người tu Phật cho tôi hiểu.Tôi nhận thấy rằng: Phật Pháp là một triết lý cao sâu mầu nhiệm, người mà còn ham mê trần dục như tôi, nhứt là trong lúc tuổi đã về chiều như tôi, thì làm gì hiểu thấu được?

Ðáp: Phật pháp thật là sâu rộng vô lượng vô biên, nhưng đại khái là dạy chúng sanh bỏ dữ về lành. Tám muôn bốn ngàn pháp môn của Phật có thể tóm lại trong câu kệ này:
SABBAPÀPASSA AKARANAM
KUSALASPASAMPADÀ
SACITTAPARIYOPANAM
ETAN BUDDHÀ-NASÀSANAM
Hán dịch:
Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo.
Ta dịch như vầy:
Tiêu trừ tất cả nghiệp ác.
Tập làm các điều lành.
Trau tâm ý sạch.
Chư Phật dạy rành.
(Lời giáo huấn của chư Phật trong Tam thế).
Có chỗ dịch:
Không làm các điều dữ,
làm các việc lành,
rửa lòng trong sạch,
ấy Phật dạy rành.

Vấn: Bạch Ngài, câu này tôi nghe từ lâu, nó là một trong những điều tôi lấy làm nghi ngờ, vì không làm dữ thì gọi là làm lành rồi. Tại sao đức Thế Tôn dạy phải làm lành? Vậy hai ý niệm dữ lành không lẫn lộn nhau sao? Hay có ẩn ý như thế nào, người ít trí như tôi không hiểu thấu cái lý ấy?

Ðáp: Câu kệ "Không dạy làm các điều dữ" tức là bảo chúng sanh hãy nghiêm trì giới luật. Khi người nghiêm trì giới luật thì không bao giờ làm những điều tội lỗi xấu xa như sát sanh, trộm cướp v.v... Ðược như vậy, là chỉ mới không làm những điều ác thôi, chớ chưa làm được việc lành: tâm tham lam, bỏn xẻn vẫn còn, vì tâm này nên không thể bố thí, hoặc cúng dường, hay giúp đỡ quyến thuộc được và cúng không thể tham thiền rải lòng Từ bi cho nhân loại được.
Có lắm người tưởng rằng không làm ác tức là làm lành. Nhưng sự thật thì khác, không làm ác là chẳng qua là thái độ tiêu cực, mà làm lành lại là thái độ tích cực. Ðây tôi xin ví dụ cho ông dễ hiểu.
Có một người kia ráng trì giới thật là trong sạch, một con kiến cũng không giết, một lời vô ích cũng không bao giờ nói, tóm lại là rất trong sạch. Ngày nọ có một hành khất đến nhà xin một bữa ăn. Người ấy không cho lại đuổi người hành khất ấy đi. Vì quá đói người hành khất lại nhiễm gió độc mà chết, sau khi vừa ra khỏi nhà của người giới đức ấy.
Như vậy người có giới đức ấy có phạm giới sát sanh hay không? Ta phải nhìn nhận rằng: Không. Ta có thể nói rằng người giới đức ấy là người ác không? Trăm lần không. Nhưng chúng ta có thể nói rằng: Người ấy không có làm lành, không có làm phước thiện, thiếu lòng Từ bi. Nhân cớ ấy, nên đức Thế Tôn dạy rằng: Không nên làm những điều ác, nhưng phải làm thêm việc lành.

Vấn: Bạch Ngài, Ngài còn dạy rằng: Không làm các điều dữ là trì giới, vậy những em nhỏ sơ sanh không có làm điều dữ, chúng nó có trì giới không?

Ðáp: Những đứa nhỏ ấy không có giới hạnh chi hết.

Vấn: Bạch Ngài, tại sao vậy? Ðứa em ấy có làm những gì dữ đâu, cả ngày chỉ nằm ngo ngoe vậy thôi.

Ðáp: Ðành rằng chúng nó không có làm những điều dữ thật, song ông hãy nghĩ thêm rằng: Người có giới đức là người cố tâm lánh xa những điều tội lỗi và phát nguyện không làm những điều tội lỗi, mà họ có phương tiện làm được dễ dàng. Còn đứa bé kia không biết chi hết, không có ý niệm dữ, lành chi hết, không biết giới là gì.

Vấn: Còn như người nhà giàu, có tôi tớ cần gì phải sát sanh, đâu thiếu thốn mà phải trộm cướp, có vợ đẹp cần gì phải tà dâm và nói dối, như thế ta có thể gọi là người có giới đức được không?

Ðáp: Người cố lánh những điều ác vì sợ tội lỗi và hổ thẹn vì tội lỗi gọi là người có giới. Còn người giàu có bạc triệu, họ có thể không tham bạc đồng, nhưng khi họ gặp cơ hội thuận tiện được bạc triệu thì chưa chắc họ không tham số bạc lớn. Vậy đã tham là phạm giới; người có giới đức vì ghê sợ cái quả của nghiệp nên mặc dầu có của nhiều đến đâu, gái đẹp đến bậc nào họ cũng không bao giờ dám nghĩ đến, nghĩ đến mà thôi chớ đừng nói chi trộm của hay là trộm dâm. Vì người ta trông thấy cái tội của sự phá giới.


Vấn: Giới là gì?

Ðáp: Người cố lánh bảy điều ác trong Thập ác (bỏ ba điều ác thuộc về ý ra), hay là người cố thật hành theo bảy điều thiện, hoặc người cố ý xa những điều ác hay là không tà kiến, tham lam, oán thù, gọi là người có giới.

Vấn: Bạch Ngài, ý nghĩa của Giới ấy ra thế nào?

Ðáp: Giới theo tiếng ta có nghĩa là "phòng bị", "răn dè" và "câu thúc". Tiếng Phạn gọi là SÌLA có nhiều ý nghĩa khác nhau. SÌLA có nghĩa là khuôn khổ giữ cho thân, khẩu của con người được thanh tịnh vắng lặng không tỏ ra những cử chỉ khả ố.
Còn có nghĩa Sìla là nâng đỡ các pháp thiện, vì khi ta có giới hạnh được trong sạch rồi, quả của giới ấy làm cho tâm ta được an tịnh có thể tham thiền được dễ dàng. Có nhiều nơi dạy rằng: Sìla nghĩa là cao thượng, hướng đạo, mát mẻ, đáng hành theo.

Vấn: Bạch Ngài, tại sao Giới lại có những nghĩa là cao thượng, hướng đạo, mát mẻ và đáng thật hành theo.

Vấn: Giới có nghĩa là cao thượng vì một khi người có giới hạnh rồi, như các bậc xuất gia, thì có nhiều người kính trọng, dầu cho đức vua cũng lễ bái cúng dường: cũng vì một lẽ nữa, là sau khi được sanh về cõi trời thì người có giới hạnh được cao thượng hơn các vị chư Thiên khác đủ mọi phương diện. Giới có nghĩa là hướng đạo vì nhờ giới dắt dẫn con người đi từ chỗ tội lỗi đến nơi toàn mỹ, toàn thiện, đi từ chỗ đau khổ đến cõi an vui. Giới là hướng đạo vì nhờ giới hướng dẫn các pháp lành khác phát sanh lên, chẳng hạn như nhờ có giới mà tâm an vui, nhờ có an vui mới tham thiền được dễ dàng, nhờ có tham thiền mới sanh trí tuệ v.v... Giới có nghĩa là mát mẻ, vì nhờ giữ giới ta tránh được sự nóng nảy do trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, ẩm tửu gây ra.
Giới có nghĩa là đáng thật hành theo, vì ta sẽ cảm thấy được nhiều hạnh phúc nhứt là không sợ kẻ nào làm hại ta vì thù oán, bởi ta không làm phiền lòng người khác.

Vấn: Bạch Ngài "Giới " có nhiều ý nghĩa như thế, vậy còn "Tướng" của nó ra sao? "Vị" của nó ra thế nào?" Thật tướng của nó ra sao? Nền tảng của nó ra thế nào?

Ðáp: Mặc dầu Giới có khác nhau ở chỗ nhiều và ít từ bực Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập giới và Cụ túc giới, sự thọ trì các giới tức là Tướng của Giới.
Sự ngăn cản người phá giới bằng các đức lành, hay là sự cải tạo người ác thành ra người thiện ấy là VỊ CỦA GIỚI. Còn sự nhận thấy Thân, Khẩu, Ý được thanh tịnh, là QUẢ của giới và tức là thiệt tướng của giới.
Sự hổ thẹn và ghê sợ những điều hung ác và xấu xa không bao giờ dám nghĩ tới cũng như người sợ rắn độc và gớm phẩn không dám chạm đến, đó là NỀN TẢNG CỦA GIỚI.
Người biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi thì mới cố tâm xa lámh những điều tội lỗi, mà người xa lánh tội lỗi là người có GIỚI.
Có giới mà thêm biết ghê sợ và hổ thẹn tội lỗi đó là nguyên nhân và nền tảng làm cho giới thêm trong sạch và bền chắc.

Vấn: Bạch Ngài, khi chúng ta thọ trì giới hạnh được trong sạch thì sẽ được hưởng phước báu như thế nào?

Ðáp: Trong bài kinh MAHÀPARINIBBÀNA thuộc tạng Kinh của bộ DÌGHANIKÀYA, đức Thế Tôn có dạy các người thiện nam xứ PÀTALIGRAMA rằng: Giới là nguyên nhân sanh lên năm điều hạnh phúc là:
1/ Tiếng tốt đồn đi khắp mọi nơi.
2/ Dầu vào hội kiến với nhà vua hay các vị Hoàng tộc hoặc các vị Bà La Môn cũng vẫn giữ được thái độ tự nhiên không biết kinh sợ, vì chính người có giới biết mình là người không có tội lỗi.
3/ Lúc sắp lâm chung không si mê, hoặc sợ hãi.
4/ Sau khi chết được sanh về nơi nhàn cảnh.
5/ Có một khối tài sản vĩ đại là sự không dễ duôi (làm điều tội lỗi) đó là một công đức cao thượng.
Một nơi khác, đức Thế Tôn có dạy chư Tăng rằng: Nếu thầy Tỳ khưu muốn cho mình trở nên người mà bạn xuất gia kính nể thương yêu sùng bái, hoan nghinh, thì phải cố thọ trì giới hạnh cho trong sạch.
Trong bộ kinh MAJJHIMANIKÀYA MÙLAPANNÀSAKA, bài kinh ÀKANKHEYYA có dạy rằng: Người có giới hạnh trong sạch vẫn được người người yêu mến tin tưởng, người ta có thể giao phó cho những của cải, vì người ta tin rằng người ấy không bao giờ gian lận. Ðức Thế Tôn có khen quả báu của người có giới hạnh ở nhiều nơi. Nói tóm lại, người tu theo giáo pháp của đức Thích Ca mà bỏ giới luật ra, thì không còn biết nương nhờ vào đâu nữa, mà cũng không thể bảo đó là người tu theo Phật. Không ai có thể phỏng đoán được rằng quả báu của giới nhiều tới một độ nào. Năm con sông khổng lồ của Ấn Ðộ là GANGA, YAMUNÀ, SARABHÙ, ACIRAVATÌ, MAHÌ, người ta cho rằng năm con sông ấy có phép huyền diệu, có nguồn nước chảy hoài không dứt. Nhưng những con sông ấy không thể nào rửa hết vi trần trong lòng của chúng sanh được; chỉ có nước của con sông GIỚI mới có thể rửa sạch được vi trần, là phiền não, trong tâm của chúng sanh.
Có nhiều thứ nước hoa đắt giá, nhưng những nước hoa ấy không thể rửa hay làm sao cho con người phá giới được tiếng thơm và được người yêu chuộng.
Người ta thường nói rằng có thứ ngọc tên là NHƯ Ý BỬU CHÂU; người nào có được viên ngọc ấy muốn gì cũng đều được như ý. Nhưng viên ngọc ấy không thể nào làm cho người phá giới được an vui, nhứt là khi lâm chung không thể sanh về cõi an vui. Chỉ có giới mới làm cho tâm người được an vui trong kiếp này và đời vị lai. Giới ví như cây thang bắt lên cõi trời và Niết Bàn.

Vấn: Bạch Ngài, khi giới trong sạch là do nhờ hai pháp: tu tâm khiến người biết ghê sợ và hổ thẹn trước tội lỗi, còn giới bị nhơ đục là do nơi một nguyên nhân nào?

Ðáp: Giới bị nhơ đục là do bảy nguyên nhân, tiếng Phạn gọi là: METHUNASAMYOJANA.
1/ Thầy Sa Môn hay Bà La Môn tự cho mình là người hành đạo cao thượng, tránh giới tà dâm nhưng vẫn còn trang điểm như đeo đồng hồ, cà rá, nói chung là đồ của người cư sĩ hoặc của phụ nữ đặc cách phụng sự.
2/ Dầu lòng không tà mà vẫn thích sự giễu cợt với phụ nữ.
3/ Thích liếc xem mặt phụ nữ, thích liếc mắt đưa tình với phụ nữ.
4/ Thích nghe tiếng nói, cười, khóc của phụ nữ ở bên ngoài vách hay ngoài rào.
5/ Hằng nhớ đến câu chuyện dĩ vãng đã nói với phụ nữ.
6/ Thấy người đời giàu có đầy đủ sự sung sướng về ngũ trần, rồi mong muốn.
7/ Ðã hành đạo mà không mong sanh về Niết Bàn, lại muốn sanh vào một cõi trời nào trong Dục giới, Sắc giới, hoặc Vô sắc giới.
Giới bị nhơ đục là do bảy nguyên nhân vừa kể trên. Mặc dầu thiện nam hay tín nữ cũng phải giữ sao cho khỏi bị ảnh hưởng của bảy điều ấy, khỏi làm cho giới hạnh bị nhơ đục. Như vậy giữ giới mới được trọn lành, gọi là hành đạo cao thượng.

Vấn: Bạch Ngài, ngoài ra hai pháp Ghê sợ và Hổ thẹn tội lỗi là pháp làm cho giới được trong sạch, còn có pháp nào khác nữa không, thưa Ngài?

Ðáp: Ngoài hai pháp ấy còn có những pháp như là: Không cố thù, không quên ơn người, không ganh tỵ, không bỏn xẻn, không khoe khoang, không bợ đỡ, không cứng đầu, không ngã mạn, không tự phụ, không khi người, không ngạo mạn, không dễ duôi, cố tâm tri túc, mài giũa phiền não. Những pháp kể trên đều là nguyên nhân làm cho giới được trong sạch. Sở dĩ người tu giữ giới được trong sạch, phần lớn là nhờ trông thấy tai hại của sự phá giới, và trông thấy quả báu của sự trì giới trong sạch.

Vấn: Bạch Ngài, cái hại của sự phá giới như thế nào?

Ðáp: Phá giới có năm điều hại là:
1/ Người không có giới hạnh hay có mà không được trong sạch hằng bị sự tốn hao tài sản.
2/ Tên tuổi xấu xa truyền đi khắp nơi.
3/ Vào nơi hội họp hằng kinh sợ và hổ thẹn tội lỗi của mình đã làm.
4/ Lúc sắp lâm chung tâm hằng xao động.
5/ Sau khi chết bị đọa vào ác đạo.
Theo lời Phật dạy thì người không có giới hạnh hay là có mà không được trong sạch, thì chư Thiên và các bạn đồng đạo không bao giờ nhắc nhở người ấy về sự tu tập; người ấy hằng bị những điều bực bội khổ tâm, vì lẽ họ bị người đời chê bai khinh bỉ, hoặc vì lẽ thấy người ta sùng kính người cùng hành đạo như mình; người ấy có vẻ buồn bực, và tiều tụy. Rồi người hằng thân cận với người ấy cũng trở nên người giãi đãi nếu không muốn nói là phá giới.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment