Monday, 10 June 2013

Vấn: Ngài giải làm tôi hiểu rõ và không thắc mắc nữa. Tôi mảng hỏi xa xăm quanh quẩn mà không tìm cách hành đạo trong hiện tại.
Bạch Ngài, xin Ngài dạy tôi phải làm sao cho tròn phận sự của người tại gia cư sĩ. Phải thờ ai? Làm cách nào?

Ðáp: Người tín đồ Phật giáo chân chánh chỉ thờ một chân dung của đức Phật Tổ Thích Ca mà thôi, ngoài ra không thờ tượng Thần thánh nào khác.

Vấn: Bạch Ngài, vậy bàn thờ Tổ tiên mình đều phải dẹp hết chăng?

Ðáp: Không, Tổ tiên, cha mẹ, ta vẫn phải thờ.


Vấn: Bạch Ngài thế thì khó quá và bà bạn tôi đây còn thờ bà Mẹ sanh; còn riêng tôi, tôi còn thờ ông độ mạng, ngoài ra còn ông Táo, ông Thổ Thần nữa, vậy chúng tôi phải làm sao? Chúng tôi thấy không đủ can đảm để bỏ, vì đã thờ lâu năm lắm rồi.


Ðáp: Việc này khó giải quyết thật, vì ông và bà cũng như phần đông thiên hạ đều cúng nhiều vị Thánh thần và có thể bất bình nếu lòng tin tưởng bị va chạm. Nếu ông không phiền thì tôi xin giải.


Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài cứ an lòng giảng giải, tôi không dám hờn giận chi Ngài cả, vì Ngài có phận sự thay mặt đức Từ Phụ để dẫn đường giải thoát cho chúng sanh. Lẽ cố nhiên, thuốc đắng thì người bịnh không ưa, cây cong ghét làn mực tàu. Vả lại Ngài có phận sự dạy lẽ phải, còn tin hay không lại là quyền của tôi; nếu tôi nhận thấy rằng lời của Ngài dạy là chí lý, chơn chánh, là con đường giải thoát, thì tôi không dại gì mà không hành theo. Xin Ngài yên trí và coi tôi là một tín đồ của Ngài.

Ðáp: Quý hóa biết mấy! Vậy trước khi vào đề, tôi xin ông và bà giải cho tôi biết rằng sanh nghĩa là gì.

Vấn: Bạch Ngài, sanh nghĩa là đẻ.

Ðáp: Thế thì bà Mẹ sanh nghĩa là bà mẹ đẻ ta, người đã tạo ra ta chớ không phải vị nào khác. Theo tôi tưởng thì các bậc tiền nhân khi xưa dạy ta thờ phụng bà mẹ đẻ của chúng ta chớ không phải thờ các bà chúa mà các bà thờ hằng ngày đây.
Trong kinh đức Phật có dạy rằng công ơn cha mẹ không thể đo lường được, đức Phật có ví dụ công đức cao dày của cha mẹ như vầy. Có một người kia có trăm cái đầu, mỗi cái đầu có một trăm cái miệng, rồi người ấy cứ ngồi đếm một, hai, ba, v.v... cho đến một trăm năm, số đếm ấy nhiều vô lượng, nhưng cũng chưa bằng một phần tỷ của công đức cha mẹ. Vì vậy đức Thế Tôn dạy rằng bổn phận làm con phải phụng dưỡng cha mẹ bằng năm phápa`
1/ BHATO NESAM BHARISSÀMI: nuôi dưỡng cha mẹ.
2/ KICCAM NESAM KARISSÀMI: làm việc giúp đỡ cha mẹ.
3/ KULAVAMSAM THAPESSÀMI: duy trì thể thống gia tộc.
4/ DÀYAJJAM PATIPAJJÀMI: tỏ ra xứng đáng trong việc thừa hưởng gia tài.
5/ DAKKHINAM ANUPPADASSÀMI: hồi hướng phước báu đến cha mẹ đã quá vãng.

Vấn: Bạch Ngài, bấy lâu nay bà bạn tôi đinh ninh rằng thờ bà mẹ sanh là đúng, mà bỏ quên bà mẹ ruột của mình. Nếu hôm nay không gặp Ngài thì đến bà thân sinh của bạn tôi từ trần, chúng tôi cũng không biết lo đáp đền công ơn sanh dưỡng. Hôm nay tôi thấy rõ rằng bấy lâu nay chúng tôi không thờ Phật trong nhà mà đi thờ Thích Ca ngoài đường. Chúng tôi nguyện rằng, sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ hết lòng phụng dưỡng mẹ già, hầu mong đền đáp công ơn sanh dưỡng trong muôn một.

Vấn: Bạch Ngài, còn Ông độ mạng là ông chi? Xin Ngài vui lòng giải luôn cho.

Ðáp: Ðộ mạng nghĩa là phò hộ ta cho được mạnh giỏi, phải không ông?

Vấn: Bạch Ngài phải.

Ðáp: Người Âu, Mỹ không có thờ Ông độ mạng như ta mà họ cũng vẫn mạnh giỏi như thường, còn hùng cường, giàu sang hơn chúng ta. Vậy ông thử nghĩ coi ai độ mạng cho họ? Vả chăng ông Quan Công mới ra đời trong thời Tam Quốc, rồi chết đi, thì từ ấy mới có chuyện Ông độ mạng; vậy trước thời kỳ ấy ai độ mạng cho thiên hạ? Cho nên sở dĩ người ta thờ đức Quan Thánh là người ta thờ đức Trung, Cang, Nghĩa, Khí để làm gương, chớ không phải để được hộ mạng.

Vấn: Bạch Ngài, những lời Ngài hỏi tôi không hiểu rõ, nên không thể đáp được. Vậy xin Ngài vui lòng giải cho.


Ðáp: Theo sự hiểu biết của tôi, thì trong khi chúng ta bị quân Tàu đô hộ, chúng ta phải chịu ảnh hưởng của họ từ văn chương đến tôn giáo; mà tôn giáo của người Tàu thời phong kiến thì có khuynh hướng về đa Thần giáo, tuy đồng thời họ sùng bái Phật giáo. Khi truyền sang nước Tàu thì Phật giáo đã bị thay đổi một phần lớn, là đã bị Ấn giáo (Bà La Môn) lẫn vào, rồi lại bị ảnh hưởng của Lão giáo và Khổng giáo. Vì vậy mới có chuyện thờ các vị thần, chẳng hạn như ông Quan Công.

Vấn: Bạch Ngài, nếu theo lời Ngài dạy thì sự thờ phượng ấy không có lợi ích thiết thực, chẳng qua đó là một sự cổ tục của người Tàu; thế tôi xin hứa với Ngài rằng tôi cương quyết dứt bỏ. Nhưng bạch Ngài chúng ta bỏ cái tập tục thờ Quan Công, để rồi sang tập tục khác, là phải thờ Phật nữa sao?

Ðáp: Chúng ta thờ Phật, vì Ngài là đấng đã hoàn toàn giải thoát, trọng Phật vì Ngài là đấng Ðại từ, Ðại bi. Ta thờ chân dung của Ngài là để ta thường trông thấy và luôn luôn nhớ tưởng đức hạnh cao cả của Ngài để ta hành theo: rủi ra ta làm điều quấy hay nghĩ điều ác, chân dung của đức trọn lành làm cho lòng ta hổ thẹn tội lỗi, rồi khiến ta cố diệt trừ những điều quấy ấy.

Vấn: Bạch Ngài, tôi có xem nhiều đoạn kinh nói rằng: đức Phật chiến thắng Ngũ Ma. Cái chi là Ngũ Ma? Xin Ngài vui lòng giảng cho.

Ðáp: Ngũ Ma ấy tiếng Phạn gọi là PANCAMÀRA. Ngũ Ma ấy là:
1/ KHANDHAMÀRA: Ngũ uẩn Ma vương.
2/ KILESAMÀRA: Phiền não Ma vương.
3/ ABHISANKHÀMÀRA: Pháp hành Ma vương.
4/ DEVAPUTTAMÀRA: Chư thiên Ma vương.
5/ MACCUMÀRA: Tử thần Ma vương.
Ðức Thế Tôn đã thắng năm hạng Ma vương này khi Ngài ngự dưới cội Bồ đề.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài giải năm hạng Ma vương này cho chúng tôi rõ, chớ Ngài chỉ kể tên không, chúng tôi không hiểu gì cả.

Ðáp: Tiếng Ma vương có lẽ là từ tiếng Phạn MÀRA mà ra, nghĩa là sự gì phá hoại những hạnh phúc của chúng sanh.
1/ Ngũ uẩn Ma vương: Chúng ta sanh ra có thân Ngũ uẩn này, nên mới có sự buồn thương đau khổ, chúng ta phải mang cái thân đau khổ này mãi mãi, không thể tự mình tìm ra được một lối giải thoát; chỉ có đức Phật mới tìm thấy con đường giải thoát, hay nói cho đúng là Ngài thắng Ngũ uẩn Ma vương, nghĩa là Ngài không còn phải khổ vì thân Ngũ uẩn này nữa.
2/ Phiền não Ma vương: Tham lam, sân hận và si mê v.v... là phiền não, là nguyên nhân làm cho tâm ta nhơ đục. Phiền não là nguồn cội của tội lỗi, làm cho ngưng trệ sự giải thoát và gây ra sự trầm luân. Một khi ba điều phiền não ấy thâm nhập trong tâm thì các đức tánh lần lần bị tiêu diệt. Dưới cội Bồ đề đức Thế Tôn dùng trí tuệ đoạn tuyệt tất cả phiền não.
3/ Pháp hành Ma vương: Ðây là chỉ sự hành động của ta kiếp trước và kiếp này tạo ra những nguyên nhân gọi là cái nghiệp; tức là Pháp hành Ma vương. Thiện nghiệp sẽ đưa ta thọ sanh nơi nhàn cảnh. Ác nghiệp sẽ xô ta sa đọa vào khổ cảnh. Vì đó mà chúng sanh cứ lẩn quẩn trong ba đường sáu nẻo, không giải thoát được.
4/ Chư thiên Ma vương: Là hạng chư Thiên ghét những người làm điều lành, như lúc đức Thế Tôn ngự tại cội Bồ đề sắp thành đạo, Ma Vương đến khuấy rối. Ðức Thế Tôn toàn thắng được nhờ quả của sự bố thí Ba La Mật của Ngài.
5/ Tử thần Ma vương: Tức là sự chết. Sự chết hằng ám ảnh con người, đặc biệt là trong lúc lâm chung. Lúc ấy tâm người luyến tiếc của cải, lợi danh, tình nghĩa, khiến người khổ não vô cùng.
Tóm lại có thể chia Ma vương làm hai loại:
a) Ngũ uẩn Ma vương là Ma vương ở trong thân ta.
b) Còn bốn hạng Ma Vương kia là Ma vương bên ngoài.

Vấn: Bạch Ngài, nếu chúng ta muốn thoát khỏi sự hành hạ của Ngũ Ma ấy, chúng ta phải làm cách nào? Phải hành làm sao?

Ðáp: Sanh vào cõi người, chúng ta bị dính lưới mắc bẫy của Ma vương, bây giờ muốn giải thoát, phải xé lưới phá bẫy của Ma vương mới ra khỏi được.

Vấn: Bạch Ngài, xin Ngài vui lòng chỉ thế nào gọi là lưới, bẫy của Ma vương?


Ðáp: Lưới của Ma vương mà tôi nói đây không phải là lưới bằng nhợ, bằng gai của ngư ông, mà là lưới vô hình của NGŨ TRẦN bao bọc chúng ta, khiến tâm chúng ta hằng ưa thích, quyến luyến không chịu rời ra trong gang tấc, nó giam hãm ta trong vòng sanh tử luân hồi, trong rừng sầu biển khổ ví như chim, cá, hươu, nai bị mắc trong lưới của ngư ông trong bẫy của lạp hộ.

Vấn: Theo lời giảng giải của Ngài thì một khi muốn tu cho thoát khỏi luân hồi, người ta phải ráng thoát khỏi " Tay" của Ma vương hay là phải tránh xa hoặc phá hủy lưới và bẫy của Ma vương?

Ðáp: Chiếu theo Phật ngôn thì phải thoát ra khỏi bẫy, lưới của Ma vương, chớ không phải tay của Ma vương.

Vấn: Bạch Ngài, tại sao đức Thế Tôn lại dạy cách hành để thoát khỏi lưới của Ma vương, mà không dạy hành để thoát khỏi tay của Ma vương.

Ðáp: Phiền não là tham, sân, si hằng làm cho tâm ta nhơ đục. Ðiều nhơ đục ấy ví như Ma vương là nguyên tố làm bế tắc và phá hoại nguồn cội của các điều lành trong tâm ta. Còn NGŨ TRẦN là sắc, thinh, hương, vị, xúc hằng làm cho tâm ta mê say. Ðó là lưới của Ma vương hằng bủa vây ta một cách chặt chẽ. Nếu ta không mê theo ngũ trần thì lưới của Ma vương không bao trùm được ta và không thể hành hạ ta được. Khi ta không bị sa trong lưới của Ma vương, thì ta được tự do mà làm điều phước thiện, ấy là ta đã giải thoát khỏi lưới của Ma vương. Ðức Thế Tôn là đấng hoàn toàn Giác ngộ, trông thấy các pháp giải thoát, nên Ngài dạy cố giải thoát cho khỏi lưới của Ma vương. Nếu chúng ta thoát khỏi lưới của Ma vương, nghĩa là chúng ta đã khỏi vòng luân hồi rồi.

Vấn: Bạch Ngài, người muốn giải thoát khỏi lưới của Ma vương phải hành thế nào?

Ðáp: Phải thu thúc ba căn là:
1/ INDRIYASAMVARA: Thu thúc lục căn.
2/ MANASIKÀRAKAMMATTHÀNA: Niệm đề mục, thiền định.
3/ VIPASSANÀ: Minh sát (Nghĩa là quán tưởng vạn vật là vô thường, khổ não và phi ngã).

Vấn: Bạch Ngài, tại sao gọi là luân hồi? Luân hồi ấy do nơi đâu mà phát sanh ra?

Ðáp: Luân hồi nghĩa là xoay vần không ngừng nghỉ, theo lý là sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, cứ quanh quẩn như thế trong ba cõi sáu đường.
LUÂN HỒI do nhân PHIỀN NÃO, NGHIỆP và QUẢ. Chúng sanh vì phiền não nên khi làm một việc gì, việc ấy tạo ra một hệ quả gọi là Nghiệp: Việc thiện thì nghiệp thiện, việc ác thì nghiệp ác. Nghiệp này tồn tích từ kiếp trước đến kiếp này qua kiếp sau, khiến ta hưởng phước hay là đền tội, tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp: phước hay tội, đó là cái quả của nghiệp quả này là nhân sanh ra ta, rồi cái ta ấy không trọn lành, do phiền não sai khiến, lại tạo thêm nghiệp mới; rồi nghiệp mới gây thêm quả mới và quả mới tạo ra nhân mới, cứ tuần hoàn xoay chuyển như vậy mãi.
Hễ con người chưa giải thoát được thì cái vòng luân hồi này không thể nào chấm dứt được, và con người ví như con kiến bò quanh miệng chén, cứ bò mãi không có lối nào để thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn. Cái vòng luân hồi ví như bánh xe lăn không biết lăn từ bao giờ mà đến bao giờ mới chấm dứt.

Vấn: Khi chúng ta nói chết, bạch Ngài cái chi chết?


Ðáp: Phật ngôn có dạy rằng:
Cái chết có ba trường hợp khác nhau là:
1/ SAMMATTIMARANA: Chết theo quan niệm thông thường của con người khi hơi thở ra vào đã dứt và phải lìa bỏ xác thân.
2/ KHANAKAMARANA: Chết trong một sát na, chết trong tâm hồn: khi tâm suy nghĩ một chuyện gì rồi lại bỏ chuyện ấy đi vì lẽ đã thật hành xong, hay là bỏ không biết đến nữa, mà buông trôi qua, như vậy là trạng thái của tâm đã diệt mất rồi; đức Thế Tôn bảo rằng đoạn tâm ấy đã chết rồi.
3/ SAMUCCHEDAMARANA: Chết rồi không trở lại trong cõi luân hồi này nữa. Ðây là trường hợp của các bậc Thánh nhân như A La Hán, Ðộc Giác Phật, Chánh đẳng Chánh giác Phật, khi bỏ xác thân này rồi nhập Niết Bàn và không còn trở lại sanh vào cõi đời này nữa.
Cái chết do bốn nguyên nhân là:
1/ ÀYUKHAYENA: Chết vì hết tuổi thọ. Ví như chư Thiên trong một cõi nào của sáu cõi trời Lục giới, tuy phước báu vẫn còn nhưng số tuổi hạn định đã hết nên phải chết, rồi sanh lại vào cõi ấy hay là vào cõi cao hoặc thấp hơn, tùy theo phước còn dư lại. Ðó trường hợp của đức Ðế Thích, Ngài đã hết tuổi thọ, nhưng phước báu của Ngài vẫn còn, nên sau khi chết Ngài lại sanh làm Ðế Thích như cũ nữa.
2/ KAMMAKHAYENA: Chết vì hết nghiệp của một kiếp sống. Chúng ta sanh ra đây để thọ và hưởng quả do nghiệp Thiện hay Ác của ta đã tạo ra. Ví như chúng ta có phước được sanh vào cõi Tứ đại Thiên vương là cõi chúng sanh có thể sống được đến năm trăm tuổi, nhưng vì phước không thể cho ta hưởng trọn đến số tuổi ấy, chúng ta lại chết sau khoảng ba hay là bốn trăm tuổi như thế là chết vì mãn nghiệp.
3/ ÀYUKAMMAKHAYENA: Chết vì hết tuổi và hết cả nghiệp. Ví như ở trong một cõi trời nào có hạn định tuổi thọ một vị chư Thiên tuổi phải thoát sanh mà cũng vừa hết phước, vị chư Thiên ấy chết. Vậy chết vì hết tuổi và hết nghiệp.
4/ UPACCHEDAMARANA: Chết vì nghiệp nặng chen vào. Ðó là cái chết của đức Vua Suppabuddha (Thiện Giác), cha của bà Da Du Ðà La, nhạc gia của Thái tử Sĩ Ðạt Ta, vì lòng oán ghét đức Phật, đã ngăn đường đi khất thực của Ngài, bảy ngày sau bị đất sụp chết, rồi phải bị đọa vào A Tỳ địa ngục.
Chết có thể xảy đến trong hai cảnh ngộ:
1/ AKÀLAMARANA: Chết không phải thời, nghĩa là chết trong khi còn mạnh giỏi bỗng dưng bị tai nạn như xe đụng, xe cán, sét đánh v.v...; chết như vậy chúng ta nói rằng chết bất đắc kỳ tử.
2/ KÀLAMARANA: Chết phải thời, nghĩa là chết vì bịnh, mặc dầu hết sức thuốc thang nhưng không thể cứu được.

Vấn: Bạch Ngài, khi chúng ta chết thì cái xác thân trước đã tiêu diệt mất; chừng luân hồi sống qua kiếp khác, người ta lại có xác thân, vậy xác thân sau đây do nơi đâu mà có? Hai xác thân trước và sau có liên hệ với nhau không?

Ðáp: Xác thân sau này mà có là do xác thân trước. Ví như hột lúa ta gieo thành mạ, khi mạ nhổ đem cấy thì lại thành cây lúa, sau lại trổ bông. Thân trước như hột lúa giống vậy. Thân trước tạo nghiệp, nghiệp ấy kết thành quả cho có thân sau; thân sau và thân trước không khác nhau cũng như hột lúa trước và hột lúa sau vậy.

Vấn: Bạch Ngài, theo lời Ngài dạy thì xác thân này ví như cây lúa hiện tại, nó đã nhờ hột lúa quá khứ mà mọc lên, bạch Ngài có phải vậy không?

Ðáp: Sự thật là vậy.

Vấn: Bạch Ngài, nếu vậy, ta sanh ra là do cái nghiệp hay là do nơi cha hoặc mẹ?

Ðáp: Nếu nói một nguyên nhân nào cũng không được, phải có đầy đủ ba nguyên nhân, không thể thiếu một nguyên nhân nào. Ví như hộp quẹt máy, nếu có đá lửa, nhưng không có bánh xe, thì cũng không tạo ra lửa, nếu có đá lửa và bánh xe cọ nhau, nhưng không có mồi bắt lửa thì cũng không cháy được. Phải nhờ có mồi, có đá lửa và bánh xe mới phát lửa được. Con người sanh ra phải có đủ ba nguyên nhân là:
1/ RÀGASANNIPÀTA: Ái dục (tình dục) hội hiệp. Nghĩa là sự hòa hợp của cha và mẹ.
2/ UTUSANNIPÀTA: Cha và mẹ đều mạnh, nhứt là mẹ phải có kinh kỳ đúng.
3/ OKANTISANNIPÀTA: Duyên nghiệp khiến sanh vào bào thai.

Vấn: Ngài dạy thế, tại sao tôi thấy nhiều cặp vợ chồng mạnh khỏe lại không con?

Ðáp: Vì không có chúng sanh đồng một nghiệp với cặp vợ chồng ấy.

Vấn: Sau khi hai người ấy ly dị, mỗi người lập lại gia đình thì lại có con.

Ðáp: Ðể cho dễ hiểu, đây tôi xin nhắc cho ông một tích trong kinh Pháp Cú (DHAMMAPADA). đức vua BODHIRÀJA làm lễ thỉnh Phật trong tòa lầu cực kỳ nguy nga tráng lệ của Ngài. Nhưng Ngài là nhà vua không con, Ngài muốn thử coi nghiệp của Ngài có con hay không, Ngài mới trải tấm vải trắng từ nấc thang lầu cao nhất xuống tới chân thang và thầm phát nguyện rằng: "Nếu Trẫm sẽ có con, xin đức Thế Tôn ngự đi trên tấm vải này".
Khi đức Thế Tôn ngự đến nơi, đức vua hết lòng kính cẩn khẩn cầu đức Thế Tôn ngự lên tòa lầu của Ngài; vua thỉnh ba lượt mà đức Thế Tôn vẫn đứng lặng thinh và ngó đức A Nan Ða. Ðức A Nan Ða hiểu ý nên xin đức vua hãy cuốn dẹp tấm vải trắng phủ thang lầu. Khi vải cuốn xong, đức Thế Tôn mới ngự lên tòa lầu ấy.
Sau khi trai Tăng xong, đức vua mới bạch hỏi đức Thế Tôn rằng: "Bạch đức Thế Tôn, tại sao đức Thế Tôn không ngự lên trên tấm vải trắng ấy để đi lên lầu?".
Ðức Thế Tôn mới hỏi lại rằng: "Tại sao hoàng thượng lại trải tấm vải trắng ấy?".
Ðức vua mới tỏ bày nguyện vọng của mình. Ðức Thế Tôn mới dạy rằng: "Vì thấy Hoàng thượng không thể có con được, nên Như Lai không thể đi trên tấm vải ấy".
Ðức vua lấy làm kinh ngạc bạch hỏi đức Thế Tôn: Tại sao Ngài lại không con?
Ðức Thế Tôn mới nhắc lại tiền kiếp của đức vua như vầy: Kiếp quá khứ có hai vợ chồng người kia làm công cho một người lái buôn; lúc thuyền ra giữa biển bị đắm, người trên thuyền đều bị chết sạch, riêng hai vợ chồng của người làm công ấy còn sống sót, nhờ ôm một miếng ván rồi trôi giạt vào một hải đảo hoang vu. Cả hai đều không có chi để ăn, ban sơ bắt lấy chim ăn, sau ăn đến trứng, đến chim con, ăn như thế cho đến ngày lâm chung. Vì nghiệp sát sanh ấy nên sau khi chết họ bị đọa vào bốn đường ác. Nhờ trong khi luân hồi gặp được các bậc tri thức có giới đức dạy làm lành như bố thí, trì giới v.v..., nên hôm nay họ được sanh lại làm vua tức là đức vua BODHIRÀJAKUMÀRA đây. Vì cả hai vợ chồng kiếp trước đều phạm vào tội sát sanh, nên bây giờ không thể có con được. Ví như trong hai kiếp trước, trong hai người có một người nào không phạm giới ấy, hay có phạm mà nhờ tu hành, làm lành, như bố thí chẳng hạn thì sẽ được con như ý nguyện. Sau khi thuyết tích này xong đức Thế Tôn có dạy câu kệ rằng:
ATTÀNANCE PIYAM JANNÀ RAKKHEYYANAM SURAKKHITAM
TINNAM ANNATARAM YÀMAM PATIJAGGEYYA PANDITO.
Nghĩa: Người thiện tri thức nên biết rằng: Ta phải yêu ta, thì ta phải bảo tồn thân ta cho chu đáo, phải biết yêu thương thân ta trong ba thời kỳ bất câu trong một thời kỳ nào. (Ðời người phân làm ba thời kỳ: ấu niên, trung niên, lão niên.)
Trong lời kệ, đức Phật ngụ ý dạy rằng: Phải ráng tu hành để tạo cho thân sau một nguồn hạnh phúc hơn thân này. Theo sự tích trên đây thì chúng ta hiểu rằng: Nếu hai vợ chồng không con ly dị nhau rồi mỗi người lập lại đời mới của mình với người bạn trăm năm khác, mà cả hai đều có con với người bạn mới thì có thể do hai bạn mới có tu hành hay đều làm phước thiện trong một thời kỳ nào.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.10/6/2013.THICH NU CHAN TANH.MHDT.

No comments:

Post a Comment