Thursday, 26 June 2014

61. Hỏi: Thế thì niệm thầm được chăng?
Đáp: Chỉ riêng mình niệm Phật, thì ra tiếng hay niệm thầm đều được. Nếu theo chúng đồng tu, nhất định phải niệm thành tiếng.
62. Hỏi: Có người cho rằng niệm sáu chữ là giữ được ý qui kính, niệm bốn chữ là gọi thẳng danh hiệu thì không được, vì bất kính. Phải vậy chăng?
Đáp: Từ xưa không có thuyết này, đây là thuận theo tri kiến thế gian mà lập, ý nghĩa xưng danh không thuộc vào điều này.
63. Hỏi: Lúc hôn trầm niệm Phật có được lợi ích chăng?
Đáp: Trong hôn trầm mà niệm Phật, chỉ là miệng niệm chứ tâm chẳng niệm. Cần phải tự mình cảnh tỉnh, chớ để thành thói quen hôn trầm niệm Phật.
64. Hỏi: Người thế gian thường cho rằng hàng tại gia niệm Phật, tụng kinh sẽ hiếm cháu con. Thật có điều này chăng?
Đáp: Làm thiện được phước, tạo ác gặp họa, đó là lẽ đương nhiên. Nay cho rằng niệm Phật tụng kinh sẽ bị tai ương. Như vậy niệm Phật tụng kinh là việc ác sao? Làm sao thông được lý này? Lại ở thế gian, người hiếm con cháu chẳng phải ít, đâu hẳn là người niệm Phật tụng kinh? Đó là luận theo pháp thế gian, nếu luận theo Phật pháp, thì con cháu là nghiệp duyên đã kết chặt đời trước. Nếu gặp con cháu hiền, tức đã kết nghiệp duyên thiện, nếu gặp con cháu kém hèn, là đã kết nghiệp duyên ác. Nên biết, pháp vô thường đều như mộng, huyễn, bọt, bóng.
65. Hỏi: Niệm nhanh chậm, tiếng lớn nhỏ, lúc ngồi đi, như thế nào mới hợp?
Đáp:  Niệm quá chậm thì lơi mà không có sức mạnh, niệm quá nhanh thì gấp mà không được tự tại. Hoà hoãn, không chậm không nhanh thì bình ổn mà trong sáng. Niệm quá lớn e tổn thương khí lực, niệm quá nhỏ thì dễ rơi vào hôn trầm, tản mác. Chẳng lớn chẳng nhỏ thì hòa hoãn, du dương. Khi ở trong đạo tràng cùng đại chúng tu tập thì đi niệm, hoặc ngồi niệm đều đã có thời gian nhất định. Nếu đã biết sơ lược qua rồi thì tự tại niệm Phật. Chỉ cần niệm Phật như pháp, chẳng cần phải theo một định lệ nào, mà nên dung thông. Đại khái nên ngồi nhiều, đi ít. Nhưng những lúc thanh sảng thì nên ngồi nhiều, lúc hôn trầm thì nên đi nhiều.
66. Hỏi: Gần đây có nghe nói trong kỳ hạn bảy ngày niệm Phật, vào buổi  chiều có pháp cầm hương vừa chạy vừa niệm Phật, gọi là Tranh đoạt Tây Phương. Vậy có pháp này chăng?
Đáp: Tôi mới nghe qua, bất giác vô cùng kinh hãi. Có thể tranh đoạt được Tây phương sao? Bởi không tin niệm Phật, khinh chê niệm Phật, thậm chí người có lòng tin cũng không chịu niệm Phật, nên đều bị lời vô căn cứ như thế lừa dối, không phát khởi đạo tâm, lại khiến cho người hiểu biết xa lánh. Ôi! Thật đáng kinh ngạc, đáng xót xa vậy!
67. Hỏi: Lại xin chỉ bày về Nhất tâm bất loạn!
Đáp: Tâm như mặt trăng tròn sáng, vằng vặc trên hư không, ánh sáng bao phủ muôn vật. Tâm đã chẳng tự là tâm thì tạp loạn từ đâu khởi. Nhưng nếu hướng về Đệ nhị môn, thì chẳng phải không có phương tiện. Thí như ở đời có người ưa thích một môn, hoặc là cầm kỳ thi họa, hoặc là ti, trúc, quản, huyền[9].. Tâm tha thiết nghĩ đến các việc ấy không lo gì đến tánh mạng. Đông chẳng biết lạnh, Hạ chẳng biết nóng, cũng chẳng biết mệt, chẳng biết đói khát. Tất cả các việc cần thiết đều buông bỏ. Nếu có người đến ngăn cản, quấy nhiễu thì rất giận dữ. Như nay việc niệm Phật cầu sanh Tây phương cũng hành như thế, tức là Nhất tâm bất loạn.
68. Hỏi: Người niệm Phật bị bệnh gì nặng nhất, mắc bệnh gì nhiều nhất?
Đáp: Một điểm linh minh trạm tịch, xưa nay chưa từng có bệnh. Bởi tình sanh nên trí mất, các bệnh liền sanh. Trong đó bệnh thiên chấp là lớn nhất, bệnh tham là nhiều nhất. Nhưng chẳng phải chỉ môn Niệm Phật mà tất cả các pháp môn khác đều như thế. Cho nên ngài Vĩnh Minh Diên Thọ soạn Tông cảnh lục một trăm quyển, Vạn thiện đồng qui tập sáu quyển, đều là thuốc hay để chữa bệnh thiên chấp.
69. Hỏi: Bệnh thiên chấp và bệnh tham, người ngu chắc chắn có, nhưng bậc hiền trí có lẽ không?
Đáp: Bệnh thiên chấp và tập khí tham, bậc hiền trí cũng đều có, nhưng rất vi tế. Nên biết, sự đấu tranh kiên cố đều do bệnh thiên chấp mà có. Phật pháp suy tàn đều do tham dẫn đến. Nhớ nghĩ đến điều này, ta bất giác rơi lệ.
70. Hỏi: Như muốn tránh ngọn sóng dữ vô thường ập đến, thì phải làm sao?
Đáp: Phải nhờ vào bậc đại nhân có năng lực, nghĩ nhớ đến ơn sâu dày của Phật, đồng thời nhờ mọi người giúp sức. Như thế kẻ hèn này dù không phước đức, cũng dám theo làm kẻ nô bộc.
71. Hỏi: Như nay xiển dương pháp môn Niệm Phật, nên lấy việc gì làm đầu?
Đáp: Nho giáo có câu: “Sự ắt phải học theo người xưa”. Lại nói: “Một, cần phải có nhân phẩm cao; hai, cần phải học phép tắc của người xưa”. Phật giáo chúng  ta tu tập cũng nên tuân theo lời này, chọn lấy người xưa làm phép tắc. Dẫu không hợp thời nghi, cũng đâu ngại tùy duyên sống qua ngày.
72. Hỏi: Chọn lấy người xưa làm phép tắc, xin chỉ cho biết là vị nào?
Đáp: Sự chỉ cần giản lược, công nhất định sâu xa. Nếu mênh mông nhiều lối, thì chỉ có danh mà không thật. Trong Phật môn chỉ có ba vị mà mọi người đều biết rõ, lại hay khảo cứu và y cứ là Vĩnh Minh Diên Thọ, đại sư Liên Trì và pháp sư Tỉnh Am mà thôi.
73. Hỏi: Trong Tịnh nghiệp, sách vở rất nhiều, cũng cần tìm cầu những bộ giản lược để mọi người dễ xem đọc. Đó là những bộ nào?
Đáp: Vân Thê pháp vị của đại sư Liên Trì, Diệu tông sao của pháp sư Tứ Minh Tri Lễ, Tỉnh Am pháp sư di thư của pháp sư Tỉnh Am là ba bộ cần thiết. Tuy Vạn thiện đồng qui tập không chuyên ròng về Tịnh Độ, nhưng người tu Tịnh nghiệp cũng không thể thiếu. Như Tông cảnh lục, văn nhiều nghĩa rộng, là bộ sách lớn nhất luận về tu đạo, tất cả cũng không thể bỏ qua. Còn Long Thư Tịnh Độ của cư sĩ Vương Nhật Hưu đời Tống, Tịnh Độ thánh hiền lục (bản hiệu đính) của cư sĩ Bành Nhị Lâm ở Ngô Trung đời Thanh cũng đều là phép tắc chân chánh cho người tu Tịnh nghiệp. Đó là hai vị cư sĩ tại gia niệm Phật, chí thành tha thiết tu trì, đều là thạch trụ của pháp môn. Gần đây có người vội khắc in Liên tông cửu tổ truyện lược, muốn cho chánh mạch Liên tông có nơi y cứ. Nhưng rất tiếc văn lại quá ngắn, quá giản lược.
74. Hỏi: Vì pháp vì người, vì điều gì trước?
Đáp: Trước nên vì mình, vì sao? Nếu trước chẳng vì mình, giúp chính mình thông đạt thì đâu thể vì người? Nếu chưa thông đạt, thì không chỉ không thể vì pháp vì người, mà còn dối pháp dối người và dối cả chính mình. Cần phải biết rằng việc lớn Phật pháp là việc vô cùng quan trọng, chẳng phải là việc đùa giỡn của trẻ con.
75. Hỏi: Muốn làm thầy của người, đó chẳng phải là ý xấu, vì sao có lỗi?
Đáp: Nói muốn làm thầy, thật ra là tự ý tự chuyên, chưa khai ngộ mà tự cho là khai ngộ, cho nên có lỗi.
76. Hỏi: Hàng xuất gia thọ giới thì không cần phải bàn, còn nam nữ tại gia muốn vào đạo thì thế nào?
Đáp: Đã phát chánh tín, chánh nguyện, trước cần thọ tam qui. Khi thực hành thuần thục rồi thì phát tâm lãnh thọ năm giới. Lại nên chọn một vị thầy xuất gia đủ đức hạnh để cầu thọ giới. Còn giới Bồ-tát thì y theo mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh trong kinh Phạm võng. Đó chính là giới tướng, tự mình phải thành kính phát tâm rộng lớn lãnh thọ. Nhất thiết không được bất chợt cao hứng, tùy tiện theo người thọ giới Phật. Lúc thọ giới, cần phải phát tâm khẩn thiết sâu nặng, phát tâm cung kính,  phát tâm Đại Bồ-đề, khởi nghĩ cho là nghìn đời khó gặp. Quyết không nên mới vừa nghe qua liền thúc giục người kia dẫn kinh nói luận. Đó đều là lời chẳng đúng lúc. Đến như giới Thức-xoa-ma-na thì từ chỗ hiểu biết lầm lẫn mà truyền thọ lầm lẫn[10]. Không có người chấn chỉnh, chỉ dạy. Thật đáng buồn vậy!
Kẻ hèn này cuồng ngôn như thế, chẳng phải là làm chướng ngại thắng duyên, thật ra là để giúp phát khởi thắng tâm, thành tựu đạo nghiệp.
77. Hỏi: Ví như chẳng thọ tam qui, có thể tu hành được chăng?
Đáp: Cũng có thể tu hành, nhưng cần phải biết rõ nguyên nhân chẳng thọ. Nếu đã hợp với chánh lý thì được. Nếu không thì trong Quán Kinh có ghi: “Thọ trì tam qui, đầy đủ năm giới, là chánh nhân của Tịnh nghiệp”. Kẻ hèn này lại có một lời rằng: “Nếu người nữ muốn thọ tam qui, ngũ giới cũng có thể thỉnh thầy về nhà, lập tòa cung kính lãnh thọ.
78. Hỏi: Các bộ Tịnh Độ thập yếuTây Phương hiệp luận, phần sau cùng có chép một thiên “Thuật mộng”, thật là việc rất kỳ dị. Ngài nghĩ thế nào?
Đáp: Chẳng cần nói kỳ hay không kỳ, chỉ cần ghi nhớ vài dòng cuối cùng sau đây:
- Trung lang nói: “Ta chẳng ngờ niềm vui cùng tột như thế. Ví như khi còn ở trên thế gian, ta nghiêm trì giới luật, thì còn chẳng dừng ở đây. Nếu giới và huệ đều gấp thì phẩm sanh về cao tột. Nếu giới gấp thì nơi sanh về rất an ổn. Nếu có huệ mà không có giới thì bị nghiệp lực kéo lôi, rơi vào tám bộ quỉ thần. Tôi đã thấy có người đồng tu như thế. Đệ có khí lực trí tuệ rất sâu, nhưng giới lực và định lực rất kém. Phàm ngộ lý mà chẳng thể sanh giới định thì chỉ là cuồng huệ mà thôi. Đệ trở lại thế gian, hãy ngay lúc thân thể khỏe mạnh mà thật tu thật ngộ, giữ gìn giới nguyện, siêng thực hành phương tiện, thương xót tất cả, không bao lâu sẽ có cuộc hội ngộ tốt đẹp. Chớ để một khi rơi vào đường khác, thật đáng kinh sợ. Nếu chẳng thể trì giới, thì pháp lục trai (sáu ngày trai) của ngài Long Thọ vẫn còn, hãy tuân theo đó hành trì. Giới sát rất nặng, ta có vài lời gửi bạn đồng học: ‘Chẳng thể nào ngày ngày vung đao, miệng tham vị tanh mà có thể sanh vào cõi thanh thái được. Dù có thuyết pháp trôi chảy như mây như mưa, cũng đâu có ích gì đến việc vãng sanh’. Đây là lời chân thật, có thể trợ giúp xiển dương giáo pháp, cần ghi nhớ!
79. Hỏi: Quán kinh dạy nên đọc tụng kinh Đại thừa, nhưng kinh Đại thừa quá nhiều, vậy nên chọn đọc những kinh nào là thiết yếu?
Đáp: Ngoài ba kinh Tịnh Độ, nên đọc các kinh Hoa nghiêm, Viên giác là cần thiết. Còn những bộ khác thì tùy theo khả năng.
80. Hỏi: Đang lúc tụng kinh, cần phải dừng lại để suy nghĩ thấu hiểu nghĩa lý hay tụng luôn.
Đáp: “Cư sĩ Bàng Uẩn có bài kệ:
Tụng kinh nên hiểu nghĩa
Hiểu nghĩa liền tu hành
Nếu y giáo liễu nghĩa
Liền vào thành Niết-bàn”.
Nhưng đang lúc đọc tụng, không cần phải dừng lại để giải nghĩa. Khi đọc tụng hãy chú ý đến việc thông thuộc, đợi lúc vắng lặng chọn một câu, một đoạn, suy nghĩ nghiên cứu ý nghĩa trong đó. Cũng có thể dùng những bản giải thích hay để tham khảo mà lãnh hội. Như thế lâu ngày tự có chỗ ngộ. Đó gọi là giải nghĩa. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.27/6/2014.

No comments:

Post a Comment