Thursday, 26 June 2014

Những phương thức thực hành tâm từ bi.

 
Tâm từ bi phải bắt nguồn từ chính đời sống thực mà chúng ta sống. Phải rất rõ ràng. Đầu tiên, hãy bắt đầu với chính bản thân mình. Tiếp đến với tất cả những người và môi trường xung quanh. 
tu bi
Một trái tim biết yêu thương chân thành thực sự dựa trên trí tuệ hiểu biết hoàn cảnh đúng như nó đang là
Tất nhiên có rất nhiều cách để bắt đầu loại bỏ rác thải. Sáu Ba-la-mật là con đường Đức Thế Tôn đã dạy để chứng đạt giác ngộ. Không chỉ bao gồm thiền định và trí tuệ, mà bắt đầu với các yếu tố thực tiễn rất cơ bản như bố thí, nhẫn nhục và khoan dung, các giới nguyện đạo đức dựa trên tư tưởng không làm tổn hại chúng sinh và cần một sự nhiệt huyết, tinh tiến để chuyển hóa đời sống này. Tất cả những phẩm chất đó rất quan trọng, giúp chuyển hóa nội tâm bởi vì không thể thay đổi thế giới bên ngoài trước khi thay đổi được chính mình. Thế giới bên ngoài là sự phản ánh tâm những con người trong xã hội. Xã hội chỉ là một sự phản ánh tâm những con người trong xã hội đó. Cũng không thể đổ lỗi cho các chính trị gia và các doanh nhân được. Ai mang lại cho họ quyền lực? Ai là người bầu lên họ? Ai mua sản phẩm của họ? Nếu như vào ngày mai, tất cả mọi người từ chối mua các sản phẩm thì nền kinh tế sẽ sụp đổ. Khi ấy đó các doanh nhân sẽ phải suy nghĩ  khác. Nhưng chúng ta vẫn phải mua sản phẩm và như vậy các doanh nghiệp phát triển thịnh vượng. Xã hội này chính là chúng ta. Cho đến trước khi chúng ta thay đổi tâm mình thì xã hội không thực sự thay đổi nhiều. Mỗi con người đều có bổn phận của mình. Xã hội không chỉ là những tập đoàn kinh tế khổng lồ ngoài kia, mà xã hội còn có nghĩa là gia đình, rất nhiều và rất nhiều các gia đình, rất nhiều mối quan hệ, các doanh nghiệp và các cửa hàng. Đây là mới chính là xã hội. Nếu một người biết làm thế nào chuyển hóa tâm mình, thì các mối quan hệ gia đình, nơi làm việc, những người mà họ gặp gỡ hàng ngày cũng sẽ được thay đổi. Mỗi người hãy có trách nhiệm chuyển hóa bản thân từ trong nội tâm mình.
Có thể bắt đầu từ một phạm vi nhỏ. Khi bàn về tâm từ, có nhiều phương pháp thiền định cụ thể cho việc phát triển phẩm hạnh này. Trong các truyền thống khác nhau, có nhiều phương pháp thực hành khác nhau. Nhưng nếu không cẩn trọng, thiền định trở nên rất trừu tượng. Chúng ta ngồi đó trên tọa cụ, ban trải tình thương yêu tới muôn phương, cho tất cả chúng sinh, toàn bộ pháp giới tràn ngập tình thương yêu nhưng khi con trẻ đi vào và nói: “Này, con muốn bật tivi”, chúng ta tức giận và mắng: “Đi ra ngoài ngay! Không được làm phiền! Ta đang thiền định về tâm từ”!
Tâm từ bi phải bắt nguồn từ chính đời sống thực mà chúng ta sống. Phải rất rõ ràng. Đầu tiên, hãy bắt đầu với chính bản thân mình. Tiếp đến với tất cả những người và môi trường xung quanh. Nếu chúng ta không thể, thậm chí khai triển tâm từ và sự hiểu biết với bản thân, thì có nghĩa cái nhìn của chúng ta về bản thân còn rất tiêu cực. Thái độ này không đem lại lợi lạc gì về mặt tinh thần cả.
Một số người lập luận rằng bởi vì Phật giáo đề cao tư tưởng phá vỡ sự nuông chiều bản thân, nếu chúng ta cảm thấy thư giãn, trân quý bản thân, thì có nghĩa, chúng ta đang làm một việc xấu bởi đó là sự bám chấp bản ngã. Một sự hiểu lầm rất lớn.
Đức Tịch Thiên (Shantideva), nhà triết học Ấn Độ thế kỷ thứ VII, đã chỉ ra trong bộ luận Nhập Bồ tát hạnh rằng, có một sự khác biệt lớn giữa niềm tự hào và sự kiêu ngạo – một cảm giác nuông chiều, chăm chút cho cái tôi và của tôi với cảm giác “tôi thật tuyệt vời”, một sự tự tin, một cảm giác thân thuộc, thư giãn và trân quý bản thân. Ở phương Tây, chúng ta thường cắt xén chính mình trong mọi lúc bởi vì chúng tôi không tin tưởng nơi chính mình.
Lần đầu tiên tôi hạnh ngộ Đức Karmapa đời thứ 16, ở Calcutta vào năm 1965, ngài đã dạy cho tôi trong mười phút đầu tiên, “Vấn đề của con là không có sự tự tin. Con không tin tưởng nơi bản thân mình. Nếu không tin tưởng nơi bản thân thì lấy ai là người sẽ đặt niềm tin nơi con?” Đó là một chân lý. Chúng ta phải thân thiện và đối xử tốt lành bản thân mình. Nếu chúng ta có xu hướng để tâm tới những lỗi lầm của mình, chúng ta có thể thừa nhận rằng mình đã mắc lỗi, tất nhiên, nói chung mọi người ít hay nhiều đều mắc lỗi lầm, nhưng đồng chúng ta cũng phải thừa nhận và khích lệ những điều thiện lành trong ta. Bởi nếu bị lãng quên, chúng sẽ tàn lụi, giống như cây xanh không nhận được ánh sáng mặt trời. Chúng ta có thể nghĩ rằng: “Vâng, tôi thực sự đã tức giận nhưng thực ra tôi cũng khá hào phóng.” Bây giờ, nếu chúng ta chỉ nói “Tôi là một người sân giận” hoặc “Tôi sân giận, ghen tị” và cứ để cảm giác này ở đó, thì trong tâm ta chỉ tràn đầy những cảm giác tiêu cực về bản thân. Nhưng ngay cả những người xấu xa nhất vẫn có những phẩm chất tốt đẹp và phẩm chất đó cần phải được khuyến khích và thừa nhận.
Đức Phật dạy rằng, có bốn loại năng lực. Trước hết, những năng lực chữa lành các phẩm chất tiêu cực đã phát sinh và những khuynh hướng tiêu cực sẽ phát sinh trong tương lai. Thứ hai, nhận ra các phẩm chất thiện lành nơi mỗi người và nuôi dưỡng chúng phát triển. Vì vậy, cần phải nhận ra những phẩm chất thiện lành cũng như những tiêu cực trong chúng ta. Đối với những người khác cũng vậy, ngay cả những người mà ta không ưa thích thì họ vẫn có những phẩm chất thiện lành.
Mọi người đều mong cầu hạnh phúc. Chúng ta có thể định nghĩa hạnh phúc theo nhiều cách – mỗi người có những ý tưởng riêng về hạnh phúc và một số người có những ý tưởng rất đặc biệt về hạnh phúc – tuy nhiên, tất cả chúng ta, về cơ bản, đều mong cầu hạnh phúc và một cảm giác mãn nguyện.
Chẳng có mấy ai khi thức dậy vào buổi sáng lại nghĩ rằng, “Ngày hôm nay tôi sẽ thật sự khổ đau và làm thế nào để ngày hôm nay sẽ gây đau khổ nhiều nhất cho mọi người? “. Hầu hết mọi người, nếu được lựa chọn, đều mong có được hạnh phúc. Vì vậy, khi gặp gỡ ai đó, chúng ta nên ghi nhớ rằng, “người này đang mong muốn được hạnh phúc”. Về cơ bản, đó là tất cả những gì họ mong muốn. Hầu hết mọi người sẽ tôn trọng một nụ cười hơn là một cái cau mày; hầu hết mọi người, chẳng ai ưa thích sự thô lỗ mà đều coi trọng thái độ lịch sự.
Vì vậy, hàng ngày, với mỗi người mà chúng ta gặp gỡ, cho dù đó là một người rất gần gũi, vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em ruột hay đồng nghiệp tại nơi làm việc, hay người lạ trong một cửa hàng, hay bất kỳ  ai dù gặp thoáng qua, hãy khởi suy nghĩ, “Tất cả đều mong cầu được hạnh phúc”, vậy “làm thế nào, trong lúc này, tôi có thể làm điều gì đó mang lại đôi chút niềm vui hay niềm hoan hỷ trong đời sống của họ? ” Với mỗi chúng sinh khi gặp, hãy thể hiện thiện chí, có thể nói hoặc giữ trong tâm những mong nguyện tốt lành: “Nguyện quý vị mạnh khỏe và an lạc”, cho dù người đó có là người mà ta ưa thích hay không, người đó có vẻ bề ngoài đẹp hay xấu, già hay trẻ, hãy ban trải từ tận đáy lòng “Nguyện quý vị có sức khỏe và niềm an lạc”.
Một vị Bồ Tát nguyện nhận lấy sự khổ đau của thế giới chúng sinh, nhưng các ngài luôn thị hiện nụ cười an lạc. Điều này là do bởi  tâm từ bi của các ngài đi liền với trí tuệ hiểu biết. Rất quan trọng giữ trong tâm nguyện lực đó dù cho bên ngoài chúng ta có thể thịnh vượng và thành công hay không. Nếu quán xét một cách tinh tế phía dưới chiếc mặt nạ mà tất cả mọi người đeo, ta sẽ thấy những nỗi đau, sự bất an và sợ hãi đang hiện diện. Bởi vậy hãy ban trải lòng từ bi rộng lớn tới cho những con người đó.
Một trái tim biết yêu thương chân thành thực sự dựa trên trí tuệ hiểu biết hoàn cảnh đúng như nó đang là; không phải là dạng cảm xúc nhất thời. Cũng không phải chỉ là một loại hưng phấn của một thứ tình yêu giả tạo, trốn tránh khổ đau và tuyên bố rằng tất cả mọi thứ đều là niềm hoan lạc. Không phải như thế. Một trái tim biết yêu thương chân thành là một trái tim thực sự rộng mở và biết lắng nghe những khổ đau của thế giới, và phải đi kèm với trí tuệ. Có một nghịch lý là, càng hướng tới sự đau khổ của bản thân, chúng ta càng khổ đau nhưng nếu có thể suy nghĩ, thấu cảm đau khổ của người khác, và mong nguyện tìm cách đối trị chúng, chúng ta càng dần đi tới một cảm giác hoan hỷ và mãn nguyện nội tâm. Ở đây tôi không có ý nói là chúng ta vui mừng trước nỗi đau khổ của người khác, nhưng rõ ràng là chúng ta đã mở rộng được lòng mình khi để tâm tới nỗi đau khổ của mọi người.
Những người có bệnh tâm thần thường bị ám ảnh về bản thân. Họ nói chuyện và suy nghĩ về bản thân mình trong mọi lúc. Nếu ai đó cố gắng đưa ra một chủ đề tổng quát hơn, họ sẽ đưa trở lại chủ đề về bản thân, bởi vì đó là tất cả những gì họ quan tâm. Họ bị ám ảnh về bản thân, về nỗi khổ đau, về đời sống và những ký ức của họ. Giống như họ đang hoàn toàn bị khóa chặt vào bản thân vậy. Và họ phải chịu khổ đau. Những người hoàn toàn tỉnh táo và nội tâm cân bằng luôn biết giành sự quan tâm tới người khác. Họ vẫn chăm sóc bản thân, nhưng mối quan tâm chính là mang lại hạnh phúc và an vui cho mọi người. Và trong suy nghĩ về hạnh phúc và niềm an vui của tất cả những người khác, và không chỉ cho riêng mình, họ trở thành người tốt lành và an lạc!
Vì vậy, xã hội thường sai lầm khi cho rằng hạnh phúc phụ thuộc vào việc đáp ứng những nhu cầu và mong muốn của riêng mỗi người. Đó là lý do tại sao trong xã hội lại có nhiều khổ đau như vậy. Chúng ta là một xã hội bao gồm các cá nhân, tất cả luôn bị ám ảnh phải nỗ lực để đạt hạnh phúc cho bản thân. Do đó, chúng ta đã cắt bỏ ý tưởng tương tác với mọi người; chúng ta cắt bỏ thực tại. Bởi vì trên thực tế, tất cả đều có mối liên hệ, tương hỗ. Ngay khi trái tim bị đóng khép lại, chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến lợi ích bản thân mình, rồi tiêu cực hơn, hạ thấp bản thân, cho bản thân thật thấp kém, xấu xa, si mê và thật vô giá trị, rồi cứ dằn vặt với câu hỏi làm sao lại cứ luôn thất bại như vậy. Một trái tim khép kín là như vậy đấy.
Một trái tim khép kín sẽ mang lại cho bản thân và mọi người rất nhiều khổ đau. Nếu tâm chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để có được sự hài lòng – “những gì làm hài lòng cho tôi là tốt đẹp cho phần còn lại của thế giới bởi vì nó làm hài lòng tôi và là tất cả những gì tôi quan tâm. Còn mọi thứ xấu xa là thuộc về mọi người. Họ có thể tự mình giải quyết việc của riêng họ, tôi sẽ làm phần việc của tôi “- một tâm thức như vậy sẽ mang lại rất nhiều khổ đau; không phải là một tâm an lạc.
 Chỉ khi chúng ta biết làm thế nào mở rộng trái tim mình, mong nguyện mang tới lợi lạc cho mọi người thì khi đó những khoảng trống bên trong tâm, những cảm giác thiếu thốn và trống vắng sẽ có thể được lấp đầy.
Vì vậy, hãy bắt đầu từ nơi  ta đang hiện hữu và từ những gì ta đang có. Chẳng có gì tốt đẹp khi chối bỏ bản thân và cứ mong muốn trở thành một người khác; chẳng có gì tốt đẹp khi cứ tưởng tượng giá như sự việc sẽ là như thế này thế kia, giá như ta có thể trở thành như thế nay hay thế kia. Chúng ta phải bắt đầu ngay từ đây và bây giờ, với năng lực, điều kiện của bản thân. Và chúng ta phải làm việc với những người đang sống cùng, đang làm việc cùng và những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời sống thực. Đó là thách thức. Đôi khi chúng ta tránh hoàn cảnh hiện thực của bản thân, nghĩ rằng qua năm tháng, chắc chắn sẽ gặp được hoàn cảnh tuyệt hảo ở một nơi nào đó. Nhưng sẽ chẳng bao giờ có một thời gian hay nơi chốn lý tưởng bởi vì chúng ta vẫn còn mang cái tâm thức đó đi khắp mọi nơi. Vấn đề không phải là ở bên ngoài mà vấn đề bắt nguồn từ trong tâm. Vì vậy, cần nuôi dưỡng sự chuyển hóa nội tâm này. Một khi đã nuôi dưỡng được những chuyển hóa trong tâm, thì dù cho chúng ta có ở bất kỳ đâu, môi trường bên ngoài cũng không thể ảnh hưởng tới chúng ta.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA.SYDNEY.26/6/2014.

No comments:

Post a Comment