Wednesday, 25 June 2014

CỰC ĐOAN TÂM LINH – LỢI BẤT CẬP HẠI!

 
CỰC ĐOAN TÂM LINH – LỢI BẤT CẬP HẠI!
 
* * *
Trên cuộc hành trình tâm linh của Phật giáo (nói riêng; và các tôn giáo nói chung) tín tâm (tức đức tin) là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Tín – Nguyện – Hành; đó là nội dung cần và đủ những gì phải làm của một hành giả Phật giáo. Tíntư tưởng, đóng vai trò tiên khởi, trực tiếp dẫn đến (và qui định) hành vi (Nguyện, Hành). Nói vậy đủ thấy rằng: không có đức tin sẽ không có tu tập. Đương nhiên, theo suy luận logic, đức tin càng cao thì người tu tiến càng lẹ…
meditation
Không sai. Nhưng ấy là về mặt lý thuyết. Còn thực tế?
Nhìn toàn cảnh bức tranh Phật giáo (Việt Nam) đương đại, ta thấy nổi cộm lên một hiện tượng đáng lo. Là hiện tượng tiêu cực; nhưng, oái oăm thay, nó lại phát sinh ngay từ bộ phận tích cực của cộng đồng Phật giáo; tức các vị Tăng Ni, Phật tử có tín tâm cao, nhiệt thành với giáo pháp, với chúng sinh, mong chóng đến đích trên cuộc hành trình tiến đến giác ngộ – giải thoát…
Hiện tượng cực đoan tâm linh!
1. Cực đoan tâm linh – từ hiện tượng…
Cực đoan tâm linh biểu hiện bằng nhiều cách. Cách nào cách, cũng đều chung xuất phát điểm: Do tín tâm quá cao, quá nhiệt thành với giáo pháp! Về phía bản thân, các hành giả này – hoặc tu tập ép xác, bắt cơ thể chịu khổ hạnh một cách thái quá (để cầu mong mau chứng đắc) – hoặc chấp thủ giáo lý, giới luật một cách máy móc, cứng nhắc đến mức quay lưng, chống báng hoặc miệt thị cộng đồng thế tục và những quy ước, tập quán của đời sống thế tục! Chưa hết, một số hành giả còn do nhiệt tình thái quá cộng thêm phần hoang tưởng về năng lực và phước lực của bản thân nên nhắm mắt học theo gương các bậc Đại Bồ-tát trong kinh văn Phật giáo mà phát những đại nguyện… kiểu như một đời thành Phật! Và sau đó, cuồng nhiệt thực hiện các công hạnh được ghi trong kinh văn một cách không suy xét, bất chấp hậu quả cho bản thân và cộng đồng!
Ấy là chuyện đối nội. Còn đối ngoại; tức với đồ chúng, Phật tử hoặc các chúng sinh có cảm tình với Phật giáo, họ nhiệt tình thực thi “Bồ-đề tâm” bằng cách thúc đẩy mọi người mau mau bước chân vào con đường tu tập! Và phải “tu nhanh, tu mạnh” bằng nỗ lực, nhiệt tình và phương cách giống y như họ! Thực tình theo quan kiến Phật pháp, khuyến tu là một nỗ lực đáng quí, là Bồ-đề tâm để giúp chúng sinh thoát khổ và vun bồi công đức cho bản thân hành giả. Có điều ở đây – do nhiệt tình thái quá đến mức cực đoan – vô hình trung, gần như họ muốn mang cái mô hình “tu tập – chứng đắc” của mình mà áp đặt lên cả cộng đồng bất kể phản ứng hoặc dị biệt! Cộng đồng hưởng ứng thì họ hoan hỷ, tự hào (đôi khi manh nha biến tướng sang ngã mạn). Cộng đồng phản đối hoặc tránh né thì họ đổ ra phiền não; thậm chí sân si. Vô thức hoặc ý thức, họ hành xử với cộng đồng theo cung cách “ai không tu theo ta là kẻ thù ta”. Họ xem thường, chê bai, thậm chí miệt thị ngay cả các vị Tăng Ni đồng đạo không có cách nhìn, cách tu (cực đoan) giống họ. Tu vậy mà tu gì? Tu kiểu ấy chừng nào cho chứng? Đã đi tu mà không dám phát đại nguyện, hành đại hạnh, sẵn sàng xả thân vì đạo pháp, tu tập lừng chừng vậy thì xuất gia chi cho phí đời?
Vân vân…
69d69
2. … đến hậu quả
Tri kiến và hành xử của các hành giả cực đoan nói trên đã, dần dà, tạo nên những hiệu ứng rất xấu trong cộng đồng Phật giáo. Núp dưới cụm mỹ từ “niềm kiêu hãnh thần thánh”, cực đoan tâm linh gây tăng trưởng tâm lý ngã mạn, coi thường đồng đạo, kéo bè kéo cánh cho bản thân các hành giả cũng như nhóm Phật tử, đồ chúng tin theo họ. Ấy là trong nội bộ Phật giáo. Còn bên ngoài? Cũng y cung cách ấy; tức xem cộng đồng Phật giáo là “số một” về mặt tâm linh. Tự thị mình  là “cõi trên”, đứng cao hơn các cộng đồng tâm linh khác cũng như cộng đồng thế tục, họ tạo nên tâm lý chia rẽ – thậm chí xích mích, đối đầu – giữa nhóm của họ với cộng đồng thế tục mà nhiều khi “cộng đồng” ấy – không ai khác – chính là… cha, mẹ, vợ, chồng hoặc anh chị em ruột thịt của họ, giữa nhóm của họ với các nhóm Phật giáo không cùng hệ cũng như với các cộng đồng tâm linh (tôn giáo) khác trong đại cộng đồng! Về phía bản thân, lại cũng từ tâm lý ngã mạn, cực đoan, họ nhiệt thành bảo vệ Phật pháp theo kiểu “hiếu chiến”: Ai hở miệng nói ngược hoặc phê phán giáo pháp là họ lồng lên, chực “ăn thua đủ”, khỏi cần phân biệt đối tượng phát ngôn thành ý hay ác ý; và ý kiến trái chiều kia có đáng lưu tâm không? Đôi khi, các hành giả này có những cung cách, hành vi xử sự lạ kiểu (nhiều lúc đến mức quái gở!), không thèm lưu tâm đến pháp luật nhà nước cũng như các quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử của cộng đồng thế tục nơi họ sinh ra. Họ một mực tin chắc: Đi theo Phật thì mọi sự đã có Phật lo, không việc gì phải sợ (!?).
Nói khó tin, nhưng do là một Phật tử – thường hay lui tới các chùa chiền và cộng đồng Phật giáo – bản thân người viết đã phải chứng kiến nhiều chuyện dở cười dở khóc. Một vị ni sư chín mươi mấy tuổi, xuất gia từ thuở còn thơ, một đời đạo hạnh được cả cộng đồng nể trọng – một sớm mai bỗng đùng đùng tuyên bố: Hôm nay là ngày sư nhập diệt, về Tây phương Cực Lạc, yêu cầu đạo tràng thiết lập đàn tràng, tập trung niệm Phật tụng kinh trợ duyên cho sư được vãng sanh! Sư trưởng đệ tử tin sái cổ, vội vã thiết đàn tràng, tập trung đạo tràng cùng bỏ uống bỏ ăn tụng niệm trợ duyên vang trời theo đúng ý nguyện của lão sư. Tụng ròng rã một ngày. Rồi một đêm. Khản tiếng mềm người. Đến sáng hôm sau nhìn lại, thấy sư vẫn còn nguyên nơi cõi Ta-bà, không vãng đi đâu hết! Đành im lặng dọn dẹp đàn tràng, giải tán đồ chúng. Không ai nói gì, nhưng tiếng tăm của cái sự kiện bi-hài kia đã làm “xấu mặt” cộng đồng Phật giáo sở tại cũng như đánh mất niềm tin của Phật tử không ít!
Chuyện thứ ba là chuyện một cụ bà Phật tử – cư sĩ tại gia tu theo pháp môn Tịnh độ. Tu tinh tấn, không lúc nào rời chuỗi hạt và câu niệm lục tự Di Đà. Rồi một ngày cụ hớn hở tuyên bố: Đã thấy Đức Phật A Di Đà hiển hiện, hào quang chói sáng, hứa khả cho cụ khi mất sẽ được vãng sanh về Cực Lạc Tây phương! Từ bữa ấy, với con cháu trong nhà, cụ bắt đầu hành xử với cung cách rất chi khệnh khạng, “bề trên”. Cụ tuyên bố sát rạt: Đứa nào giờ nghe lời tao thì sau này tao “tiếp dẫn” để được vãng sanh; còn đứa nào không nghe, tao cho… đọa địa ngục hết! Nghe muốn… vỡ mật! Ông con trai (vốn cũng Phật tử thuần thành) thiếu nước cắn lưỡi, chắp tay kêu trời: Trời ơi! Phật pháp lấy từ bi làm gốc. Cụ tu hành kiểu chi mà thét rồi từ tâm mất sạch vậy là sao hở trời…
kundalini
3. …Và lợi bất cập hại!
Thật tình, cực đoan tâm linh không hẳn xấu. Lý thuyết về Đại Tín, Đại Nguyện, Đại Hạnh đưa hành giả mau chóng tiếp cận giác ngộ ghi trong giáo pháp không sai. Có điều, giáo lý Như Lai là một giáo lý siêu việt, sống động, không dễ nắm bắt và vận dụng! Có thể nói: Kinh văn, giới luật hữu ngôn (ghi chép bằng văn tự) là hình ảnh của giáo lý nhưng tinh thần thẳm sâu của giáo lý lại ẩn tàng đằng sau, hoặc vượt lên trên ngôn ngữ! Chính vì vậy mà tiếp thu, vận dụng giáo lý một cách máy móc, chấp kinh, chấp ngữ không suy xét thường đưa đến tai hại nhiều hơn lợi lạc. Đức Thế Tôn cũng đã từng thuyết: Kẻ nào tin Ta không suy xét tức đang phỉ báng Ta. Hiệu quả tiếp nhận và vận dụng giáo lý Như Lai như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào trí tuệphước lực của hành giả. Trở lại vấn đề cực đoan tâm linh, theo cách hiểu của tác giả, cực đoan tâm linh là một tố chất cần thiết – rất cần thiết – để mau chóng đạt tới chứng đắc trong những pháp tu thượng – tối thượng thừa của Phật giáo (như Kim Cang thừa – thuộc Phật giáo Mật tông chẳng hạn). Thế nhưng, đây không phải là những pháp tu dành cho đại chúng. Đối tượng đầu vào khả thi để tu các pháp này được chọn lọc rất nghiệt ngã. Muốn vượt qua thử thách, họ phải là những hành giả “đẳng cấp” về Trí, PhướcCông Đức Lực. Không nắm rõ “luật chơi”, không đủ trí tuệ và phước đức, không biết tự lượng sức, hoang tưởng về năng lực bản thân mà ham “leo cao” là mang họa ngay! Cái họa ấy, hình ảnh một chút, cũng có thể gọi là trạng thái “tẩu hỏa nhập ma” của người tu Phật…
luan-xa
Đến đây, chúng ta đã có thể tạm hình dung căn nguyên sâu xa vì đâu mà một số hành giả Phật giáo tín tâm, nhiệt tình cao, tâm nguyện, tư cách tốt; nhưng trên cuộc hành trình tâm linh cao thượng cuối cùng lại bị lạc đường, sa vào “ma đạo” mà không hay! Thực tình, xét nơi góc độ cá nhân, họ đáng thương nhiều hơn đáng giận. Có điều, hậu quả sai lầm của họ lại tác hại không hề nhỏ đến uy tín cũng như sự phát triển, tồn vong của cộng đồng Phật giáo!
Thời mạt pháp, ma chướng nhiều, nguy hiểm; và cực nguy hiểm lại chính là ma chướng núp bóng Phật môn và núp ngay trong bản thân mỗi hành giả! Mong sao trên hành trình về đất Phật, tất cả mọi hành giả đều luôn giữ được tỉnh giácchánh niệm trên từng bước chân…HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.26/6/2014.

No comments:

Post a Comment