Thursday, 26 June 2014

81. Hỏi: Kinh Kim cang được mọi người xem trọng, vì sao không xếp vào thường khóa?
Đáp: Người đời đọc tụng tu hành kinh này, phần nhiều đều hỏi như thế. Bởi do họ xem qua kinh Pháp bảo đàn rồi cho rằng Ngũ tổ dạy: “Người tụng đọc làu thông kinh Kim cang có thể minh tâm kiến tánh”. Nhưng xưa nay nhiều người tụng kinh, nhưng ít người thể hội được tâm. Vì sao? Theo kẻ hèn này biết thì không có gì khác, chỉ vì bị các chú giải làm lầm lẫn. Dẫu có ngộ, cũng là thức tình chấp trước suy lường, chẳng phải là chân tham thật ngộ. Đâu biết chỉ cần đọc tụng làu thông kinh Kim cang, bỗng nhiên sẽ thể hội, cuối cùng có chỗ vào. Nên Ngũ tổ mới nói như thế. Nhưng ý này cũng khó nói cho người biết!
82. Hỏi: Tất cả những chú giải của các kinh điển đều dối người hết sao?
Đáp: Ôi! Ông nói gì vậy? Mỗi mỗi đều có cơ nghi riêng, không thể gom thành một loại. Như kinh Hoa nghiêm thì có Hoa nghiêm sớ sao, Hoa nghiêm hiệp luận. Kinh Viên giác thì có Lược sớ của Khuê Phong, của Thanh Lương quốc sư. Đây là những bản sớ giải chân chính xưa nay. Nếu sợ văn rộng và dài thì đọc Hiệp luận, trong đó Lý trưởng giả (Lý Thông Huyền) đề xướng: “Thập trụ sơ tâm liền thành chánh giác” là xác thật. Thiền sư Khuê Phong soạn bộ Viên giác lược sớ thật giản lược mà rõ ràng thấu đáo, là một diệu pháp. Còn rất nhiều chú sớ các kinh khác, nhưng không thể nêu lên hết.
83. Hỏi: Niệm Phật vốn rất cần thuận duyên, bỗng nhiên có người vô cớ đến gia hại, hoặc gặp cảnh ngoài ý muốn đến xúc não, khiến phải khởi tâm sân hận. Lúc ấy phải làm sao?
Đáp: Lúc ấy nên nghĩ đến vô thường mà tự cảnh tỉnh, hoặc sợ chiêu cảm nghiệp ác, hoặc là mong giữ gìn chánh niệm. Hàn Sơn Tử thi tập có bài:
Sân là lửa trong tâm,
Đốt cháy rừng công đức.
Muốn hành đạo Bồ-tát,
Nhẫn nhục ngăn tâm sân.
Nếu được như thế thì tất cả nghịch cảnh đều tiêu trừ.
84. Hỏi: Niệm Phật vốn cần thoát ly ba cõi, bỗng nhiên có cảnh duyên vừa ý hiện đến trói buộc, kéo lôi, bấy giờ phải làm sao?
Đáp: Trước tiên phải chiếu phá tất cả các cảnh duyên vừa ý, xem chẳng phải là việc tốt đẹp gì, chỉ dối gạt giết người. Ta dùng Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà so sánh, thì cảnh kia đâu có ý nghĩa gì. Lúc ấy tất cả sẽ nhàm chán, ghét bỏ, đâu có gì đáng ưa thích.
85. Hỏi: Người xuất gia, nếu muốn được cảnh duyên thuận, chỉ cần nối tiếp làm hưng thạnh Phật pháp, chẳng đồng như người tại gia. Phải thế chăng?
Đáp: Nối tiếp làm hưng thịnh Phật pháp, việc ấy nào dễ dàng! Người có tâm thiện xuất gia hãy nên suy nghĩ thật kỹ, xếp đặt cho thật thỏa đáng các cảnh duyên thuận kia, chớ nhận định lầm lẫn nhân quả.
86. Hỏi: Người thế gian tạo nghiệp mưu sinh, nay qui y Tam bảo, e rằng chẳng  hợp. Vậy nên làm thế nào mới được?
Đáp: Việc này chỉ do nơi chính mình khéo léo điều tiết. Bởi hoàn cảnh mỗi người mỗi khác, khó có thể nói nhất định được. Tạo nghiệp hại mạng chúng sanh là nặng nhất. Nếu tạo nghiệp mưu sinh mà tích nhiều công đức thì không cần bàn đến. Nếu đã biết rõ mà cố phạm thì nghiệp ác chất chồng, tâm đâu thể an ổn? Nên thu gọn việc nhà, tìm một kế sinh nhai khác, đủ để khỏi đói rét, tức tránh được hai chữ “tạo nghiệp”, như thế há chẳng tốt sao? Giàu nghèo do mệnh trời, chẳng nên nghi ngờ. Niệm Phật là việc lớn sanh tử, chẳng thể lầm lẫn.
87. Hỏi: Xin cho một lời chỉ dạy thêm về việc niệm Phật chẳng được nhất tâm.
Đáp: Tôi thường thấy việc niệm Phật, chưa hẳn phải hành công phu sáu thời không gián đoạn. Chỉ cần trong một thời niệm hai, hoặc ba cây hương mà thôi. Ví như có các việc khác, nên sắp xếp ổn thỏa rồi mới niệm Phật. Trong tâm đã không lo thì vạn sự chẳng cần đoái hoài đến. Bấy giờ mới ngồi xuống bồ đoàn, phấn chấn tinh thần, khẩn cấp khởi một niệm chuyên chú nơi Phật. Từng câu, từng câu không gián đoạn. Như thế, đâu khó gì trong một hai cây hương mà không đạt được nhất tâm?
88. Hỏi: Lúc sinh hoạt bình thường niệm Phật cũng muốn được nhất tâm mà không thể. Xin Ngài cho vài lời chỉ dạy.
Đáp: Nhất tâm ở đây và nhất tâm đã nói ở trước khác nhau, vì sao? Việc trước chỉ cần tất cả đều chẳng đoái hoài thì liền được nhất tâm. Đây là nhất tâm của vô sự phân tâm. Nhưng con người đều có sự, có sự đâu thể không lo. Nếu sắp xếp an bài trước thì cũng chỉ là tạm gác qua, chứ đâu thể sắp xếp được mãi? Nếu có sự động niệm khiến chẳng được nhất tâm, vậy thì vĩnh viễn sẽ không được nhất tâm trong sinh hoạt bình thường. Há có lý này sao? Nên biết, chẳng phân hai tâm cũng là nhất tâm. Thế nào là chẳng phân hai tâm? Nghĩa là mặc tình muôn sự kéo đến, tất cả cứ khởi niệm đáp ứng, tính toán, sắp xếp, an bài. Nhưng tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ vẫn kiên cố dõng mãnh, chẳng động chẳng lay. Có sự cũng thế, không sự cũng thế, chẳng tăng chẳng giảm. Đó gọi là chẳng phân hai tâm, chẳng phân hai tâm chính là nhất tâm. Đây là nhất tâm của hữu sự phân tâm.
89. Hỏi: Trước đã được chỉ dạy, lòng rất vui mừng. Nhưng đó chỉ là nhất tâm mà có nhất tâm, chưa phải là nhất tâm mà không nhất tâm, hoàn toàn chẳng khế hợp với lý nhất tâm. Ý Ngài nghĩ sao?
Đáp: Nếu ông cho nhất tâm không nhất tâm là chân thật khế hợp với lý nhất tâm, thì ông đã rơi vào đoạn kiến. Ông há không biết: chấp có, chấp không, chấp cũng có cũng không, chấp chẳng có chẳng không đều là hý luận ư? Nay tất cả chẳng để ý đến có không, mà chỉ là niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Lại chẳng thấy có, chẳng thấy không, chẳng thấy chẳng có chẳng không, chẳng thấy cũng có cũng không. Ta chỉ thấy tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ rõ ràng bất khả đắc.
90. Hỏi: Chúng sanh căn tánh bất đồng làm sao cùng được về chánh đạo?
Đáp: Người học đạo phần nhiều đều có thầy hay bạn giỏi. Nhưng cần phải chọn bậc Tác gia (vị thầy kiệt xuất). Người xưa từng nói: “Đầu tiên chẳng gặp bậc Tác gia, đến già trở thành vô dụng”. Liên quan đến đạo nghiệp của một đời, chẳng phải cũng quan trọng lắm sao? Người xưa, khi gặp được bậc Tác gia, Tông tượng liền quên thân để nương gá, nên dễ trở về chánh đạo, dễ thành tựu công phu. Người đời nay xem thường thầy tổ, trọn không có tâm cầu đạo. Hễ thấy thuận theo việc làm thì còn qua lại tới lui. Nếu hơi trái ý một tí thì liền tránh xa. Cho nên ít người thấu tỏ được chánh đạo, nói gì đến công phu!
91. Hỏi: Tô Đông Pha hằng ngày thường mang tượng Đức Phật A-di-đà đi khắp nơi, có thể nói tâm niệm Phật rất tha thiết, vì sao không vãng sanh?
Đáp: Ngày xưa, Tô Đông Pha vẽ một tượng Phật A-di-đà, ai hỏi đều trả lời rằng: “Đây là công cứ Tây Phương của Thức”. Như thế cũng có thể thấy được tâm thiết tha cầu sanh Cực Lạc. Nhưng lúc lâm chung, có người hỏi về việc vãng sanh Tây phương. Tô Đông Pha liền đáp: “Tây phương chẳng phải không có, nhưng bây giờ dụng công không được”. Do đó mà không nghe nói ông vãng sanh.
Ôi! Chỉ ngay lúc cần phải dụng công, trái lại nói là dụng công không được. Cư sĩ lầm lẫn ư? Nếu xét theo tình thì Tô Đông Pha là một đại tài tử, đọc rất nhiều kinh sách Phật. Ông cho rằng nhất định mình sẽ được một pháp diệu viên mới được tôn là cao thủ. Nếu chân thật niệm Phật thì đâu khác gì với hạng nam nữ tầm thường, hình như ông ta chẳng cam lòng. Ngặt vì thường ngày không chịu thấu triệt pháp diệu viên kia, nên đến lúc này gượng gạo sắp xếp, chỉ biết: “Bây giờ không thể dụng công được”. Người niệm Phật, lúc lâm chung vẫn bình thản chân thật, nhất tâm niệm Phật là tốt nhất. Nếu thích kỳ diệu, thích thù thắng, thì đó gọi là muốn khéo hóa vụng. Tô Đông Pha có thể làm tấm gương để chúng ta soi xét.
92. Hỏi: Người niệm Phật lúc lâm chung không thấy tướng lành xuất hiện, tâm sanh nghi ngờ. Bấy giờ nên thế nào?
Đáp: Lúc lâm chung có điềm lành ứng hiện như tự biết giờ chết, thấy hoa sen, nhạc trời trong hư không, mùi hương lạ lan tỏa đầy phòng. Đó đều là do cảm ứng mà có. Nhưng hoặc là ẩn hoặc là hiển, không nhất định. Cần phải biết nhân thật thì quả thật, chẳng cần phải nghi ngờ. Bấy giờ chỉ nên buông bỏ tất cả tạp niệm, nổ lực nhất tâm niệm Phật. Lúc lâm chung niệm Phật mạnh mẽ không gián đoạn, người tạo tội thập ác còn được vãng sanh Tịnh Độ, huống gì người thường ngày đã phát nguyện tu tập niệm Phật?
93. Hỏi: Người tu Tịnh nghiệp có thể quyết định được lúc chết mình vãng sanh hay không vãng sanh?
Đáp: Cần phải xem hành nghiệp lúc còn sống của người ấy. Theo nhân mà bàn về quả, đây là phép tắc nhất định. Căn cứ vào cảnh giới lúc lâm chung mà quyết định. Nếu có điềm lành ứng hiện thì chẳng cần phải bàn, nhưng phải đúng với khế kinh nói. Nếu hỗn tạp không hợp, dù tốt cũng chẳng phải. Tóm lại người chánh niệm rõ ràng ắt có khí tượng thanh thản, tự tại làm chủ được. Nhất định không thấy trạng thái yếu mềm, không phấn chấn, lúc tỉnh lúc mê. Lúc bấy giờ chỉ thấy dáng vẻ siêu thoát, vô ngại, đâu giống như đèn hết dầu, le lói sắp tắt. Chính mắt kẻ hèn này thấy trạng thái kỳ diệu ấy nơi Hòa-thượng bổn sư lúc lâm chung.
94. Hỏi: Hành nghiệp lúc còn sống có trước sau, tốt xấu khác nhau, nên lấy đâu làm chuẩn?
Đáp: Chẳng cần bàn là trước tốt sau xấu, hay trước xấu sau tốt, chỉ lấy đoạn thời gian tu hành sau cùng làm chuẩn.
95. Hỏi: Pháp môn Tịnh Độ có gặp ma sự chăng?
Đáp: Há không có ma sự sao? Nhưng người tu hành bị nó mê hoặc thì ít, mà tự dối mình thì nhiều. Chẳng chịu lắng tâm tự xét, chẳng vì đạo mà thân cận người hiền. Bên trong thì chứa đầy lỗi lầm, bên ngoài gượng dáng vẻ tu hành. Tự dối mình như thế chính là ma sự.
96. Hỏi: Niệm Phật chắc chắn là một việc tốt, nhưng chẳng hợp với người nữ trẻ tuổi. Ngài nghĩ sao về điều này?
Đáp: Tu hành là việc chung của tất cả chúng sanh, chẳng có gì là không hợp. Đã nói “tất cả chúng sanh” là gồm cả chim thú, địa ngục, ngạ quỉ. Bồ-tát tùy loại hóa thân, thường sanh vào các loài chim thú, hoặc địa ngục, ngạ quỉ, để giáo hóa, khiến chúng đều thành Phật đạo. Há chẳng phải đã hợp tất cả sao? Chúng ta sanh trong loài người, hoặc là trai hoặc là gái, là tăng là tục, là già là trẻ đều phải nên sớm tu hành, vì sao? Vì hàng súc sanh, địa ngục… tội chướng sâu nặng, rất khó tu hành, còn loài người thì dễ. Nếu chẳng ở nơi dễ mà tu, lại để luống trôi qua thì thật đáng tiếc.
Nếu cho rằng người nữ trẻ tuổi không hợp với pháp môn tu hành này, thì chẳng đúng. Khi nêu ra thính chúng, trong kinh thường nói đến đồng nữ. Đồng nữ chẳng phải là người nữ trẻ tuổi sao? Phật đã cho là hợp, há chúng ta cho là không hợp sao? Phàm người tại gia tu hành, cần phải hành xử cho hợp chánh pháp, không nên vội nghe lời những kẻ ngu si, chạy theo cảnh duyên, luống uổng vô ích.
Tu tập pháp niệm Phật, trong nhà nên xếp đặt những kinh sách đã nêu trên, nếu người nữ không biết chữ, nên mời người đến giải thích. Tùy phần mà suy nghĩ nghĩa lý. Nên giữ thường khóa tu tập, luôn luôn phát nguyện vãng sanh. Bên ngoài nếu có bậc thật đức độ, nên thỉnh về nhà giảng giải. Phàm người có thật đức, họ chỉ vì pháp mà đến, nhất định không dối gạt người tu hành. Ví như nhà nghèo thiếu, thì ngay trong lúc bận rộn vì kế sinh nhai, hãy định ra giây phút rãnh rang để niệm Phật, luôn phát nguyện vãng sanh Tịnh Độ. Như thế chẳng luận là giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, già trẻ đều có thể niệm Phật và rất thích hợp.
97. Hỏi: Tụng kinh niệm Phật mà trong nhà không được an tỉnh, lại không thể tịnh khẩu được thì phải làm sao?
Đáp: Đối với người đời thì tiền tài là quan trọng nhất. Thí như một số tiền lớn có thể về tay mình, nhưng khi còn chưa nắm được trong tay, thì ngày đêm bất luôn an. Do chỗ bất giác không an tỉnh đó mà không còn nhớ nghĩ đến điều khác. Nay niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ thì sợ không an tỉnh, vì sao? Vì tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không tha thiết bằng tâm nghĩ đến tiền tài. Không nên như vậy! Hãy ngay nơi lúc không an tỉnh mà luôn luôn nhớ nghĩ niệm Phật, có gì không được? Còn như việc tịnh khẩu, thì lúc làm Phật sự như tụng kinh, lễ bái, sám hối… hoàn toàn không có cái lí không tịnh khẩu. Nay tu hành, hãy ngay lúc chưa được tịnh khẩu đó mà phấn chấn tu hành, tụng kinh niệm Phật, thì có gì lại không được? Đạo tâm chuyên nhất, dõng mãnh, nhìn thấu suốt thì có ai mà không được tịnh khẩu.
98. Hỏi: Lý Tam giáo đồng nguyên như thế nào mà người tại gia học Phật hay xiển dương?
Đáp: Ngày nay, người giỏi văn chương vừa phát tâm tin Phật, hễ mở miệng ắt nói Tam giáo đồng nguyên. Nhưng ba giáo, mỗi mỗi có môn phong riêng, mỗi mỗi có phép tắc riêng, có chí lý riêng, đâu thể nói là đồng? Nếu chí lý đồng, như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni lúc mới sanh ra liền đi bảy buớc, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói: “Trên trời, dưới đất chỉ có ta là tôn quí”. Nói: “Chỉ có ta tôn quí” thì biết rằng không có ai tôn quí bằng. Tức biết rằng chí lý của Phật, thật không có lý nào bằng. Đó là nói theo liễu nghĩa, chẳng phải bất liễu nghĩa. Nếu nói địa vị, thì Phật ở tại nguồn (nguyên), nghìn sông vạn suối đều xuất phát từ nguồn. Ông nên suy nghĩ thật kỹ điều này. Trở về một nguồn (nhất nguyên) mới có thể gọi là đồng.
Nay không cần phí lời như thế, kinh Lăng-nghiêm ghi: “Một môn siêu xuất, một con đường vi diệu trang nghiêm”. Hễ tu một môn thì nhất định từ một môn mà vào. Nay tu niệm Phật, nên từ môn niệm Phật mà vào, không cho xen một môn khác, huống gì ba giáo? Kẻ hèn này từng nói: “Hai giáo Phật và Nho, về đạo lý để học tập thì luôn hợp nhau, nhưng chí lý qui về thì có xuất thế gian và thế gian sai biệt”. Tôi lại nói: “Nghĩa Tam giáo đồng nguyên chưa hẳn đã không có, nhưng ông chỉ cần đến thế giới Cực Lạc, thì không cần nói Tam giáo, mà vô lượng thế giới trong mười phương, mỗi mỗi thế giới có vô lượng giáo môn, tất cả đều từ lỗ mũi của ông lưu xuất. Phật ta thật có chí lý như thế, chép đầy đủ trong các kinh, còn các sách khác thì không có.
99. Hỏi: Nói Tam giáo đồng nguyên, cũng chẳng tổn thương gì đến Phật đạo, cần gì phải khổ tâm, nhiều lời luận biện như thế?
Đáp: Huyền môn, ngoại đạo thường trộm lời Phật, mê hoặc người đời, thật là tai hại lớn. Nho và Phật, thì Phật có lợi ích cho Nho, mà Nho lại có công làm lợi cho Phật. Từ trí tuệ Phật mà xét, dù có phân chia hai đường riêng khác, chắn chắc cũng không ngăn ngại. Nhưng đối với những nhà Nho có tâm thích học Phật, trước thấy được lý Nho sâu xa, nay nghe câu “Tam giáo đồng nguyên”, liền cho rằng lý Phật giống như vậy. Thế là họ không chịu nghiên cứu, mất đi cơ hội tiến tu, cuối cùng trở thành mê muội, không thấu được nguồn chân của biển giáo, không thành tựu thắng duyên, bờ kia thành hư dối . Cho nên lời Tam giáo đồng nguyên lại dối gạt người. Vì thế bất đắc dĩ mới nói đến.
Hỗn độn của Nho gia, Tam tai của Phật giáo đồng là cảnh giới mờ mịt. Bởi khi Tam tai đến thì thế giới đều hoại, trống rỗng không còn gì. Bậc đại thánh đại hiền của Nho gia, thật chẳng phải là hàng phàm phu, mà chính là các thánh hiền ngoài ba cõi đến đây, tùy loại hiện thân để giúp người độ đời, vốn chẳng phải thật trầm luân. Cho nên chẳng thể vội nói là đọa lạc.
100. Hỏi: Đại ý của pháp môn Tịnh Độ niệm Phật vãng sanh, tôi đã được nghe trình bày như thế. Bây giờ xin ngài khái quát lại những điểm tinh yếu để hàng ngu trí thế gian đồng thấu hiểu, những người có mắt đều thấy biết.
Đáp: Thông thường thì tín, hạnh, nguyện là ba điều kiện thiết yếu của pháp môn Tịnh Độ. Nhưng theo quan điểm của tôi thì người xưa đề xuất hai môn ưa thích Tịnh Độ và nhàm chán Ta-bà là quan trọng nhất. Nhưng còn chưa đủ, nếu chưa nhận chân thì dù có ưa thích và nhàm chán cũng chỉ là nói suông mà thôi. Cho nên biết, đã ưa thích và nhàm chán lại thêm nhận chân, có thể nói là thiết yếu trong thiết yếu, mới đúng là điểm tinh yếu vậy. Vậy ưa thích những gì? Đó là ưa thích niệm Phật, ưa thích cõi Tây Phương. Nếu đã ưa thích thì tâm nhất định thiết tha mong cầu. Nhàm chán những gì? Đó là nhàm chán Ta-bà, nhàm chán sanh tử. Nếu đã nhàm chán thì tâm nhất định muốn xa lìa. Ưa thích ắt phải có nhàm chán, nhàm chán ắt phải có ưa thích. Không thể có nhàm chán mà không ưa thích, ưa thích mà không nhàm chán. Chỉ khi ưa thích và nhàm chán đã cùng tột, thì “tín” nhất định chân thật, “hạnh” nhất định chuyên ròng và “nguyện” nhất định tha thiết.
Nếu ưa thích và nhàm chán chưa cùng tột, dẫu có tín thì tín ắt cạn, dẫu có hạnh thì hạnh chẳng chuyên, dẫu có nguyện thì nguyện chẳng tha thiết. Cho nên muốn khuyên người phát lòng tin chân thật, tu hạnh chuyên, lập nguyện thật, trước nên chỉ bày môn ưa thích cùng tột việc niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nhàm chán cùng tột Ta-bà năm trược. Kế đó mới phát khởi chân tín, thuần thục chuyên hạnh, thành tựu thật nguyện. Sau cùng khuyên họ nhận chân việc tu tập. Niệm Phật như thế, chưa có ai không được vãng sanh. Lời này chẳng sâu xa, cũng chẳng thô lậu, đối với nghĩa lý cũng chẳng bí mật, cũng chẳng sai sót, trí ngu đều thấu hiểu, người có mắt đều thấy biết.
Đã hỏi đáp xong, chí tâm hồi hướng, cung kính nói kệ:
Con dùng tâm Đại bi
Xiển dương pháp niệm Phật,
Ngưỡng mong ba ngôi báu,
Từ bi gia hộ con.
Nhờ ánh đom đóm này,
Hóa thành đèn trí tuệ,
Chiếu sáng khắp thế gian
Dẫn người chuyên niệm Phật.
Niệm Phật nguyện vãng sanh,
Trở lại độ hữu tình,
Đạt đến Bất thoái chuyển,
Thẳng đến chứng Bồ-đề.



1 Tam tế, Lục thô: Tam  tế: Vô minh nghiệp tướng, năng kiến tướng, cảnh trí tướng. Lục thô: Trí tướng, tương tục tướng, chấp thủ tướng, kế danh tự tướng, khởi nghiệp tướng, nghiệp hệ khổ tướng. Đây là 9 tướng căn bản của tất cả vọng pháp do căn bản vô minh sanh khởi.
[1] Ngy 30 tháng chạp: ngày cuối năm, dụ cho lúc lâm chung.
[2] Sư Tử Lâm: tức thiền sư Thiên Như Duy Tắc.
[3] Thủy Vân đạo nhân: tức sa-môn Ngộ Khai.
[4] Ba tông: có hai thuyết: a. Pháp tướng, phá tướng, pháp tánh. b. Thật pháp, giả danh, viên giáo.
[5] Chánh thuyết: lập thuyết đúng, hoặc luận bàn chính xác, không sai tông chỉ.
[6] Ba bộ kinh Tịnh Độ: Kinh A-di-đà, kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ.
[7] Tam quán: Quán không, quán giả, quán trung là tam quán của tông Thiên Thai.
[8] Bốn thiền, Tám định: Bốn thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền là Tứ thiền thuộc cõi Sắc. Tám định: gồm 4 định cõi Sắc nêu trên và 4 định cõi Vô Sắc: Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
[9] Ti, trúc, quản, huyền: Ti là đàn dây tơ; Trúc, Quản là tiêu, sáo; Huyền là đàn.
[10] Thức-xoa-ma-na: giới của chúng ni xuất gia, nay cho người nữ tại gia lãnh thọ, nên nói là lầm lẫn.HET=NAM MO BON  SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.27/6/2014.

No comments:

Post a Comment