Monday, 30 June 2014

Luận Phá Tướng
Luận rằng:  
Ví có người hỏi: Nếu muốn cầu đạo phải tu cách nào cho chóng tắt nhất?  
Đáp:  Chỉ có pháp quán tâm nhiếp hết các pháp là chóng tắt nhất.
Hỏi:  Vì sao một pháp nhiếp được hết các pháp?
Đáp:  Vì tâm là nguồn cội của vạn pháp, hết thảy pháp đều từ tâm sanh.  Nếu tỏ được tâm thì vạn pháp đều đủ.  Cũng như cây to, cành lá hoa quả sum suê đều từ gốc cây.  Khi trồng cây phải chú ý săn sóc ở gốc thì cây mới được sanh sôi.  Đốn cây cũng cứ đốn ở gốc thì toàn thân cây đều chết.  Nếu tỏ tâm mà tu thì dụng lực ít mà thành công dễ; chẳng tỏ tâm mà tu phí công vô ích.  Nên biết tất cả thiện ác đều từ tâm, lìa tâm mà tìm Đạo là việc luống công.
Hỏi:  Vì sao quán tâm gọi là cứu cánh?
Đáp:  Bực Đại Bồ-Tát khi thâm nhập vào pháp đại trí huệ, biết được tứ đại vốn rỗng không vô ngã.  Thấy được tự tâm khởi dụng hai mặt khác nhau: một là tâm nhiễm, hai là tâm tịnh.  Hai mặt tâm pháp này tự nhiên vốn đầy đủ.  Tuy nhờ duyên hợp, nhưng hai tướng vẫn làm nhân đối đãi cho nhau.  Tâm tịnh thích làm nhân lành, tâm nhiễm thường ưa nghiệp ác.  Nếu chẳng thọ nhiễm thì gọi là thánh, thoát ly các khổ, chứng cái thật yên vui.   Nếu đọa vào tâm nhiễm thì tạo nhiệp chịu trói buộc, gọi là phàm; trôi lăn trong ba cõi, chịu muôn điều thống khổ.  Vì sao thế?  Vì tâm nhiễm trái chướng với thể Chơn Như.  Nên kinh Thập Ðịa nói: Trong thân chúng sanh có tánh Phật Kim Cang tròn sáng như mặt trời, rộng lớn không bờ mé.  Vì bị mây năm ấm che khuất như đèn bị chậu úp, sáng không hiện được.  
Lại trong kinh Niết Bàn có nói: Hết thảy chúng sanh đều có tánh Phật, vì bị vô minh che khuất nên chẳng được giải thoát, tánh Phật tức là tánh giác đó!  Chỉ tự giác và làm cho kẻ khác giác ngộ.   Giác ngộ rõ suốt thì gọi là giải thoát. 
Nên biết tất cả việc thiện đều lấy "giác" làm gốc.  Nhờ giác mới có thể hiển hiện các cội công đức, đức quả Niết Bàn cũng nhân đây mà thành tựu.  Quán tâm như thế gọi là "liễu".
Hỏi:  Như trên đã nói, tánh Phật chơn như, tất cả công đức đều nương nơi giác làm gốc, chẳng hay cái tâm vô minh lấy đâu làm gốc?
Đáp:  Cái tâm vô minh tuy có 84.000 phiền não tình dục và hà sa các điều ác đều nhân ba độc làm gốc, ba độc là tham sân si đó.  Cái tâm ba độc này tự nó đủ tất cả khả năng làm ác; cũng như cội cây to chỉ có một, nhưng có biết bao cành lá.  Căn cội của ba độc, trong mỗi một cái rễ sanh ra các nghiệp ác vô lượng vô biên không thể tỷ dụ.  Tâm ba độc như thế từ trong bản thể ứng hiện ra sáu căn, cũng gọi là sáu kẻ giặc, tức là sáu thức đó!  Do sáu thức nầy ra vào các căn tham đắm trần cảnh, tạo thành nghiệp ác trái chướng với nhơn thế, nên gọi là sáu kẻ giặc.
Tất cả chúng sanh đều bị ba độc và sáu kẻ giặc nầy làm mê loạn thân tâm, chìm đắm trong sanh tử, luân hồi trong sáu nẻo chịu các đều đau khổ.  Cũng như sông rộng mênh mông, bắt nguồn từ khe suối nhỏ chảy mãi không ngừng, lần ra đến sóng cuộn ba đào, mịt mờ muôn dặm.  Nếu có người lấp được tận nguồn thì dòng suối đều dứt.  Người cầu giải thoát nếu có thể chuyển ba độc làm ba tụ tịnh giới, chuyển sáu kẻ giặc làm sáu Ba-la-mật, tự nhiên lìa dứt tất cả nghiệp khổ.
Hỏi:  Sáu nẻo ba cõi rộng lớn mênh mông, nếu chỉ quán tâm làm sao thoát khỏi biển khổ vô cùng?
Đáp:  Ba cõi nghiệp báo chỉ từ tâm sanh, nếu được vô tâm, tuy ở trong ba cõi nhưng liền thoát ly ba cõi.  Ba cõi tức là ba độc đó.  Tham là cõi Dục, sân là cõi Sắc, si là cõi Vô Sắc, nên gọi là ba cõi.  Từ ba độc này tạo nghiệp nhẹ nặng, thọ báo chẳng đồng, chia ra sáu nẻo nên gọi là sáu thú.
Hỏi:  Sau gọi là nhẹ nặng chia làm sáu nẻo?
Đáp:  Chúng sanh chẳng rõ nhân chánh, quên tâm, tu nghiệp thiện vẫn chưa khỏi ba cõi, sanh về ba nẻo nhẹ.
Hỏi:  Sao gọi là ba nẻo nhẹ?
Đáp:  Vì là mê lầm tu mười điều thiện, vọng cầu khoái lạc chưa khỏi cõi tham, sanh về đường Trời.  Mê giữ năm giới, vọng  khởi ghét yêu, chưa khỏi cõi sân nên sanh về đường người.  Mê chấp theo hữu vi, tin tà cầu phước, chưa khỏi cõi si, nên sanh về nẻo A-tu-la.  Ba loại như thế gọi là đường nhẹ.  
Hỏi:  Sao gọi là ba đường nặng?
Đáp:  Nghĩa là từ tâm ba độc, chỉ tạo nghiệp ác bị đọa vào ba đường nặng. Nếu nghiệp tham nặng thì đọa vào đường ngạ quỷ, nghiệp sân nặng thì đọa vào đường địa ngục, nghiệp si nặng thì đọa vào đường súc sanh.  Ba đường nặng này thông đồng với ba đường nhẹ, cộng thành sáu đường.  Nên biết tất cả nghiệp khổ đều từ tâm sanh.  Nếu có thể nhiếp tâm, lìa tất cả ác thì cái khổ trong ba cõi sáu đường tự nhiên tiêu diệt, lìa khổ là được giải thoát.
Hỏi:  Như chỗ Phật nói: Ta ở trong ba vô lượng kiếp tu vô lượng khó nhọc nay mới thành Phật; đây Ngài chỉ nói quán tâm, chế ngự ba độc thì gọi là giải thoát là tại làm sao?
Đáp:  Lời Phật nói thật không ngoa.  Ba vô lượng kiếp tức là ba độc đó.  Trong cái tâm ba độc này có vô số niệm ác, trong mỗi niệm ác đều là một kiếp cho nên nói ba vô số kiếp.  Tánh chơn như đã bị ba độc che khuất, nếu chẳng siêu cái tâm có ba vô lượng ác độc ấy thì sao gọi là giải thoát!  Nay nếu có thể chuyển cái tâm ba độc này làm ba giải thoát, thế gọi là đã vượt qua được ba vô lượng vô số kiếp. 
Chúng sanh đời sau ngu si căn độn, chẳng rõ cách nói bí mật của Như Lai bèn cho rằng việc thành Phật không thể tin được.  Như thế há chẳng là làm cho người tu nghi lầm thối chuyển đạo Bồ-Đề đó sao!
Hỏi:  Bực đại Bồ-Tát do giữ ba tụ tịnh giới, sáu Ba-la-mật mới được thành Phật.  Nay ngài bảo người tu chỉ quán tâm chẳng tu giới hạnh làm sao thành Phật?
Đáp:  Ba tụ tịnh giới tức là chế ngự cái tâm ba độc đó.  Chế ngự ba độc thành vô lượng pháp thiện tụ.  Chữ tụ gom lại; vô lượng pháp thiện đều tụ nơi tâm nên gọi là ba tụ tịnh giới.  Còn nói sáu Ba-la-mật nghĩa là tịnh sáu căn; vì sáu căn thanh tịnh chẳng nhiễm sáu trần tức là qua được sông phiền não đến bến Bồ Ðề, nên gọi là sáu Ba-la-mật.
Hỏi:  Như kinh nói: Ba tụ tịnh giới là: Nguyện dứt tất cả nghiệp ác; nguyện tu tất cả việc thiện; nguyện độ tất cả chúng sanh.  Nay chỉ nói chế ngự cái tâm ba độc há chẳng không hợp đó sao?
Đáp:  Phật nói điều gì đều là chân thật, bực Đại Bồ-Tát trong nhân tu hành của quá khứ là đối ba độc phát ba thệ nguyện giữ tất cả tịnh giới. 
Đối với tham thì nguyện dứt các điều ác, thường tu các điều thiện.  Ðối với sân thì nguyện độ tất cả chúng sanh, nên thường tu huệ.  Ðối với si nhờ hành trì ba pháp tịnh Giới Định Huệ ấy nên có thể siêu ba độc mà thành Phật.  Các ác tiêu diệt gọi là đoạn.  Vì hay giữ được ba tu tịnh giới thì các thiện đều đủ, gọi đó là tu.  Vì hay dứt ác tu thiện thì vạn hạnh thành tựu, mình người đều lợi, giúp khắp quần sanh, nên gọi là giải thoát.  Thế mới biết giới hạnh để tu ấy chẳng lìa tự tâm. 
Nếu tự tâm thanh tịnh thì tất cả cõi Phật đều thanh tịnh.  Nên kinh nói: Hễ tâm dơ bẩn thì chúng sanh dơ bẩn, hễ tâm trong sạch thì chúng sanh trong sạch.  Muốn được cõi Phật phải tịnh cái tâm, tùy cái tâm tịnh thì cõi Phật tịnh, ba tụ tịnh giới tự nhiên thành tựu.
Hỏi:  Như kinh nói: Sáu Ba-la-mật cũng gọi là sáu độ.  Nay nói sáu căn thanh tịnh gọi là Ba-la-mật, vậy chỗ dung thông phải như thế nào?
Đáp:  Muốn tu sáu độ phải tịnh sáu căn, trước hàng phục sáu kẻ giặc.  Hễ xả được giặc mắt, đừng đắm theo sắc thì gọi là Bố thí.  Ngăn được giặc tai, đừng đắm theo âm thinh thì gọi là Giữ giới.  Phục được giặc mũi, không đắm theo mùi thì gọi là Nhẫn nhục.  Chế được giặc miệng, không tham theo vị, không đắm theo giọng, không buông lung theo nói năng tạp loạn thì gọi là Tinh tiến.  Hàng được giặc thân, chẳng đắm theo xúc dục, rỗng rang  chẳng động gọi là Thiền định.  Điều phục được giặc ý, chẳng thuận với vô thường, thường tu trí huệ, gọi là Trí Huệ.   Độ nghĩa là chuyên chở.  Sáu độ ví dụ cũng như đò, có thể đưa chúng sanh qua bờ sông bên kia nên gọi là sáu độ.
Hỏi:  Kinh nói đức Thích Ca khi còn làm Bồ-Tát đã từng uống ba đấu sáu thăng sữa mới thành Phật (ba đấu sáu thăng: hơn ba lít rưỡi).  Trước nhờ uống sữa rồi sau mới chứng quả, há chỉ quán tâm mà được giải thoát ư?
Đáp:  Đúng thế!  Đúng thế!  Phải trước uống sữa rồi sau mới thành Phật. Nhưng phải biết sữa có hai thứ.  Thứ sữa Phật uống đây không phải sữa trâu, sữa bò, sữa dê của thế gian đâu, mà là "thanh tịnh pháp nhũ" đó!  Ba đấu tức là ba tụ tịnh giới, sáu thăng là sáu độ.  Thành Phật phải nhờ uống thứ sữa pháp thanh tịnh như thế mới chứng được quả.  Nhưng phải biết đây là cách nói kín.  Nếu hiểu Như Lai uống các thứ sữa vật chất thế gian thì lầm lắm!  Chân Như vốn tự là pháp thân vô lậu bất hoại, lìa hẳn tất cả các cái khổ thế gian, há lại phải nhờ vật chất bất tịnh thế gian để khỏi đói khát!  Trong kinh có nói: Thứ bò nầy chẳng ở cao nguyên, chẳng ở đất thấp, chẳng ăn lúa cám, chẳng cùng loại bò bô nhập bầy, màu lông vàng ánh tía.  Chữ bò ở đây để ám chỉ cho Phật Tỳ Lô Giá Na, vì lòng từ bi rộng lớn thương xót tất cả chúng sanh, nên từ trong pháp thể thanh tịnh xuất hiện ra thứ sữa pháp ba tụ tịnh giới và sáu độ vi diệu như thế để nuôi dưỡng cho tất cả những ai cầu giải thoát.  Cái nghĩa bò và sữa thanh tịnh như thế không những Như Lai uống vào là được thành đạo, mà dẫu cho ai uống vào cũng đều được đạo Vô Thượng Bồ-Đề cả.
Hỏi:  Trong kinh nói: Phật dạy chúng sanh cất chùa, đúc vẽ hình tượng, thắp hương đèn, rải hoa, ngày đêm sáu thời quanh tháp hành đạo, ăn chay lễ bái; làm hết thảy công đức ấy đều được thành đạo.  Nếu chỉ quán tâm nhiếp hết các hạnh, như thế té ra bao nhiêu chuyện kinh nói đều thành hư luống sao?
Đáp:  Phật có nói điều gì đều là vô lượng phương tiện vì tất cả chúng sanh ngu tối, căn cơ thấp kém chẳng tỏ nghĩa lý sâu  mầu, nên mới mượn việc thế gian hữu vi để mà thí dụ.  Nếu chẳng lo tu hạnh ở trong, chỉ chạy ra ngoài mà cầu hy vọng được phước thì thật vô lý. 
Nói chùa cũng như nói nơi thanh tịnh.  Nếu dứt trừ ba độc, thường tịnh sáu căn, thân tâm rỗng lặng, trong ngoài thanh tịnh, đó là nghĩa cất chùa. 
Còn nói đúc vẽ hình tượng là nói tất cả chúng sanh mong cầu đạo quả; các hạnh giác để tu là phỏng theo chân dung diệu tướng của Như Lai, chớ đâu nói chuyện hữu vi vật chất!  Cho nên người cầu giải thoát phải lấy thân làm lò, dung pháp làm lửa, dùng trí huệ làm thợ khéo, ba tụ tịnh giới sáu độ là khuôn.  Ung đúc chơn như tánh Phật trong thân cho vào khuông giới luật. 
Còn nghĩa thắp hương cũng vậy; là thứ hương Chánh pháp vô vi, xông lên để tẩy sạch các uế nghiệp ác vô minh, hết thảy đều tiêu diệt.  Hương chánh pháp có mấy thứ: 
Một là hương Giới, nghĩa là ý nói hay dứt các ác, hay tu các điều thiện.  
Hai là hương Định, nghĩa là tin sâu Đại thừa, tâm không thối chuyển.  
Ba là hương Huệ, là thường quán sát trở vào trong tự thân tâm.  
Bốn là hương Giải thoát, là dứt hết cả vô minh trói buộc.  
Năm là hương Giải thoát tri kiến, là xét xoi thường tỏ, thông suốt không ngại.  
Năm thứ hương như thế là hương Tối thượng, thế gian không sánh được.  
Phật ở thế gian bảo các đồ đệ dùng lửa trí huệ đốt thứ hương vô giá này để cúng dường mười phương chư Phật.  Chúng sanh ngày nay chẳng hiểu nghĩa chơn thật của Như Lai, chỉ dùng lửa ngoài mà thắp các hương vật chất thế gian để mong cầu  phước báo  làm kết quả. 
Còn nghĩa rãi hoa cũng vậy, là nói công đức đem Chánh pháp mà giảng dạy lợi ích chúng sanh, thấm nhuần khắp tánh Chơn Như, bố thí trang nghiêm. Thứ hoa công đức nầy Phật thường khen ngợi, cứu cánh hằng còn không bao giờ héo tàn.  Nếu ai rải hoa như thế sẽ được phước báo vô lượng.  Nếu nói Phật dạy chúng sanh cắt xén bông hoa, tổn thương thảo mộc cho được hoa để rải thì thật là vô lý.  Vì sao thế?  Vì người giữ giới thanh tịnh thì tất cả sum la vạn tượng trong trời đất cũng không xúc phạm.  Khi lầm phạm còn có ăn năn huống chi là dạy cố phá tịnh giới, tổn thương vạn vật để cầu phước báo; muốn lợi lại thành hại, há có như thế sao?  
Lại nữa, nói luôn luôn đốt đèn sáng là ý nói cái  tâm Chánh giác tỏ suốt ví cũng như đèn sáng.  Cho nên ai muốn cầu giải thoát phải lấy thân làm đài, tâm là tim, các giới hạnh làm dầu, trí huệ tỏ suốt làm lửa.  Thường thắp đèn Chơn chánh giác, chiếu phá tất cả vô minh ngu tối, hay dùng pháp nầy lần lượt khai thị lẫn nhau tức là một ngọn đèn mồi ra trăm ngàn ngọn; cứ như thế mãi mãi vô cùng, nên gọi là Vô Tận Đăng. 
Xưa có Phật tên là Nhiên Ðăng, ý nghĩa Nhiên Ðăng là thế. 
Chúng sanh ngu si chẳng rõ lối nói phương tiện của Như Lai, luống làm theo sự, đắm chấp việc hữu vi; bèn dùng các thứ đèn, dầu thế gian đốt lên luống soi nhà trống, rồi bảo làm đúng theo kinh, há chẳng lầm lắm sao?  
Vì sao thế?  Vì Phật phóng một đạo hào quang trắng  ở giữa hai chơn mày, có thể chiếu suốt mười tám ngàn cõi nước phương Đông, há đợi nhờ đèn dầu thế gian leo nheo như thế để làm lợi ích!  Gẫm xét cái lý phải chẳng thế sao! 
Lại nữa sáu thời hành đạo nghĩa là nói nơi sáu căn luôn luôn thực hành Phật đạo, tu các hạnh giác.  Điều phục sáu căn, mãi mãi không hở, gọi là sáu thời.  Còn quanh tháp hành đạo, chữ tháp nơi đây làm ám chỉ cho thân tâm đó!  Nghĩa là thường sanh giác huệ tuần sát thân tâm luôn luôn chẳng hở, gọi là quanh tháp.  Các bực Thánh đã qua đều nhờ thực hành cách ấy mà được Niết Bàn.  Người đời nay chẳng rõ lý nầy, chẳng thực hành nơi tâm, chỉ chấp trở ra mà tìm, đem cái thân chướng ngại đi quanh tháp thế gian ngày đêm lũ lượt, luống uổng nhọc công, đối với Chơn tánh không chút lợi ích. 
Còn nói ăn chay phải càng thêm để ý, nếu chẳng rõ lý nầy thì càng nhọc công vô ích.  Chữ chay ở chữ Hán là chữ Trai, mà chữ Trai lại từ chữ Tề mà biến, nhưng chữ Tề cũng như nghĩa chữ Bình.  Nghĩa là tề bình thân tâm, chẳng để tán loạn.  Chữ ăn nơi đây cũng như nghĩa chữ giữ.  Nghĩa là giữ các giới hạnh, đúng pháp tu hành.  Ở ngoài phải ngăn ngừa sáu tình, ở trong phải chế ngự ba độc, siêng giác sát, tịnh thân tâm, biết rõ nghĩa nầy mới gọi là ăn chay.
Lại nữa, chữ ăn ở đây có năm nghĩa:
1.      Một, ăn là vui với pháp, nghĩa là giữ y chánh pháp hoan hỷ vâng làm.
2.      Hai, ăn là vui với Thiền định, nghĩa là trong ngoài lặng suốt, thân tâm vui đẹp.
3.      Ba là ăn bằng suy nghĩ, nghĩa là thường nghĩ chư Phật lòng miệng như nhau.
4.      Bốn là ăn bằng nguyện, nghĩa là đi đứng nằm ngồi thường cầu nguyện lành.
5.      Năm là ăn bằng giải thoát, nghĩa là tâm thường thanh tịnh, chẳng nhiễm tục trần.
Năm nghĩa ăn nầy gọi là ăn chay.  Nếu ai chẳng nhận năm nghĩa chay tịnh nầy mà tự hào là ăn chay đều là làm việc vô lý.  Cần nhất phải dứt cho được cái ăn mê muội.  Nếu phải va chạm gọi là phá trai.  Nếu đã phá trai sao gọi là được phước?  Đời có người mê chẳng rõ lý này, thân tâm phóng túng theo các nghiệp ác, tham dục buông tình, chẳng biết xấu hổ.  Chỉ ăn được ba thứ rau cải rồi tự hào là ăn chay thì thật là phi lý. 
Còn nói lễ lạy theo phép thì ở trong phải tỏ thông lý thể, ở ngoài thì tùy sự quyền thông.  Lý có khi phải hiện, có khi phải ẩn.  Biết được nghĩa như thế mới gọi là y theo pháp.  Vả chăng, lễ nghĩa là kỉnh, lạy nghĩa là phục.  Nghĩa là cung kỉnh chơn tánh, hàng phục vô minh; đó là lễ bái.  Nếu có thể dứt trừ lòng ác, thiện niệm hằng giữ; tuy chẳng hiện tướng, nhưng đó mới thật là lễ lạy.  
Tướng là pháp tướng, Thế Tôn muốn làm cho người đời tỏ lòng khiêm tốn cũng dạy lễ lạy.  Nên ở trong khuất phục, ngoài hiện khiêm cung; nêu cái bên ngoài để rõ bên trong, tánh tướng như nhau.  Nếu không căn cứ trên lý pháp, chỉ chấp tướng bề ngoài mà cầu, trong thì mở cửa ba độc, thường làm nghiệp ác, ngoài làm ra tướng ghê gớm, trá hiện oai nghi, chẳng khỏi luân hồi, há thành công đức?
Hỏi:  Như kinh Ôn Thất nói: Tắm gội chúng tăng phước đức vô lượng.  Đó rõ ràng dựa vào sự pháp mới thành công đức; nếu là quán tâm có thể tương ưng được sao?
Đáp:  Nói tắm gội chúng tăng cũng chỉ là một thứ ẩn ngữ, chớ phải đâu bảo làm theo sự tướng thế gian!  Đức Thế Tôn thường vì các đệ tử mà giảng kinh Ôn Thất để cho thọ trì phép tắm gội, nên mượn việc thế gian để ví dụ.  Mật nói công đức của cúng dường sau đây: 1 là nước trong, 2 là nhúm lửa, 3 là xà phòng (chất tẩy), 4 là bàn chải, 5 là phấn bột, 6 là dầu ướp, 7 là áo lót.  Dùng 7 việc này để ví dụ cho 7 pháp.  Tất cả chúng sanh theo 7 pháp tắm gội trang nghiêm này, thì có thể trừ được tâm độc vô minh dơ bẩn.  Bảy pháp ấy là:
1.      Dùng tịnh giới gội rửa mê lầm, cũng như dùng nước trong gội rửa bụi bặm.
2.      Dùng trí huệ quán sát, trong ngoài sáng suốt cũng như nhúm lửa nấu nước trong.
3.      Lừa lọc các điều ác, cũng như xà phòng rửa sạch dơ bẩn.
4.      Chơn thật dứt trừ vọng tưởng, cũng như bàn chải hay làm sạch miệng hôi.
5.      Chánh tín quyết định không nghi cũng như phấn bột dùng để xoa trong ngoài thân có thể ngăn ngừa các chứng phong ngoại cảm.
6.      Nhu hoà nhẫn nhục, cũng như dầu ướp là thông nhuậm mặt da.
7.      Biết hổ thẹn ăn năn các nghiệp ác, cũng như áo lót mình để che khuất bớt các chỗ bất tiện trong cơ thể.
Hạng tỳ kheo lúc đó thông minh lanh lợi đều ngộ ý nhanh, theo chỗ nói mà tu hành, công đức thành tựu, đều chứng quả thánh.  Chúng sanh đời nay không rõ tự sự, đem nước thế gian để tắm rửa cái thân tứ đại mà tự cho làm theo kinh, như thế há chẳng lầm lắm sao!  Vả lại, tánh Phật chơn như đâu phải thứ có hình; phiền não bợn nhơ bổn lai không tướng.  Há có thể đem nước vật chất để gội rửa cái thân vô vi được sao?  Trên sự chẳng tương ưng làm sao ngộ được đạo!
Hỏi:  Kinh nói chỉ chí tâm niệm Phật tất được vãng sanh về cõi Cực Lạc, chỉ một môn nầy là được thành Phật, đâu cần phải quán tâm để cầu giải thoát?
Đáp:  Niệm Phật nghĩa là phải niệm chánh.  Nghĩa rốt ráo mới là nghĩa chánh, chẳng rốt ráo là tà.  Nếu niệm chánh tất được vãng sanh, niệm tà làm sao đến được! 
Phật nghĩa là giác, nghĩa là giác sát thân đừng để khởi ác.  Niệm nghĩa là nhớ, nghĩa là giữ giới hạnh, đừng vọng tinh tiến.  Cần rõ nghĩa như thế mới gọi là niệm.  Nên biết niệm ở nơi tâm, chớ chẳng phải ở miệng, mượn ngôn ngữ để cầu ý, được ý phải quên lời. 
Đã nói niệm danh hiệu Phật cũng phải biết cái đạo niệm Phật.  
Nếu tâm không thật, miệng niệm danh hiệu suông, ba độc lẫy lừng, chấp mình chấp người cả bụng; dùng cái tâm vô minh vọng cầu thấy Phật luống uổng tốn công. 
Ðến như tụng với niệm cũng khác nhau.  Ở miệng gọi là tụng, ở tâm gọi là niệm.  Nên biết niệm từ tâm khởi, gọi là môn giác hạnh.  Còn tụng ở miệng là tướng âm thanh, chấp tướng cầu lý thì thật là không phải. 
Phải biết các Thánh xưa tu hành đều không phải nói bên ngoài, mà luôn luôn phải lấy tâm làm chủ, vì tâm là nguồn cội vạn pháp, tâm là chủ của muôn đức, vắng lặng thường vui đều bởi ngừng vọng. 
Ba cõi luân hồi cũng từ tâm khởi, tâm là cửa của cuộc  đời, tâm là bờ giải thoát.  Biết được cửa tâm rồi lo gì khó thành!  
Người nay thấy biết nông nổi, chỉ biết sự tướng làm công, hao phí của cải, tốn thương vạn loại.  Luống công xây đắp, gom nhóm vật liệu, vẽ vời rằn ri đem hết tâm lực, tốn mình mê  người, chưa biết tỉnh ngộ có đâu sợ khó!  Hễ thấy việc hữu vi thì nôn nao mê đắm, còn nói đến vô tướng thì trơ trơ như mê.  Chỉ tham kết quả nhỏ nhen hiện tại, chớ  biết đâu cái  khổ biển cả sau này.  Tu học như thế luống công nhọc sức, trái chánh theo tà, vọng nói được phước.  Nếu chỉ có thể nhiếp tâm soi trở vào trong, giác sát ở ngoài cho tỏ, dứt trừ ba độc, đóng hết sáu cửa giặc đừng cho nhiễu loạn; tự nhiên vô lượng công đức, bao thứ trang nghiêm, vô số pháp môn đều được thành tựu, siêu phàm chứng thánh, tận mặt sát một bên, ngộ trong giây lát, đâu đến nỗi khó khăn! 
Môn chơn thiệt nhiệm mầu đâu thể nào trình bày hết.  Nơi đây chỉ thuật sơ về quán tâm, nói rõ ra chút ít vậy thôi.
[ Kệ rằng: ]
Ta vốn cầu tâm tâm tự gìn,
Cầu tâm chẳng được để tâm minh.
Tánh Phật chẳng từ ngoài tâm được,
Tâm sanh chính là lúc tội sanh  

Ta vốn cầu tâm chẳng cầu Phật
Rõ biết ba cõi rỗng không suốt.
Nếu muốn cầu Phật chỉ cầu tâm,
Chỉ tâm này, tâm này là Phật   .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.1/7/2014.

No comments:

Post a Comment