KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN – QUYỂN VI, PHẨM TẾ ĐỘ TỲ KHEO DIÊM ĐÊ RA THỨ MƯỜI MỘT.
KINH CHUẨN ĐỀ BỔN TÔN
QUYỂN THỨ VI
PHẨM TẾ ĐỘ TỲ KHEO DIÊM ĐÊ RA THỨ MƯỜI MỘT
Lúc bấy giờ Phật Mẫu Chuẩn Đề cùng với bốn bộ chúng an trú trong Mật Định Tam Muội Tổng Trì vào lúc giữa đêm. Tỳ Kheo Diêm Đê Ra thân thể đầy máu, các vết thương trên người ông quá nặng té xuống ngất xỉu giữa pháp hội. Ngài Chiết Độc Hành Giả đỡ Tỳ Kheo Diêm Đê Ra, rồi dùng sức thần thông phương tiện thu hết máu độc và truyền vào người ông một luồng dương khí cực thịnh khiến cho ông lần hồi tỉnh lại. Tỳ Kheo Diêm Đê Ra thấy thân mình chẳng có một chút máu thì vô cùng kinh ngạc. Đức Phật Mẫu Chuẩn Đề dạy rằng:
- Ông nên tạ ơn ngài Chiết Độc Hành Giả, vừa rồi người đã cứu ông thoát khỏi tai nạn hiểm nghèo ấy.
Tỳ Kheo Diêm Đê Ra quỳ lạy Chiết Độc Hành Giả rồi bạch cùng đức Phật rằng:
- Kính bạch đấng Thánh Huệ Thế Tôn! Con là người vô trí, vì nghe lời Tỳ Kheo Sim Sum Pa nên đã gây ra vô lượng tội ác. Hôm nay con quỳ trước Thế Tôn và đại chúng cầu xin sám hối, sau là cầu Phật dùng hình phạt để nghiêm trị kẻ tội đồ. Rất mong Phật vì đệ tử chúng con mà chỉ dạy cho phương pháp tu hành thoát khỏi sự trằn trọc khổ đau trong kiếp sống hiện tại.
Phật Mẫu Chuẩn Đề ôn tồn dạy bảo:
- Này Tỳ Kheo Diêm Đê Ra! Trước kia ông ở trong pháp hội của Như Lai, Như Lai đã vì ông chỉ dạy cho những thiện pháp. Sau khi ông rời khỏi pháp hội để làm những ác nghiệp, nhưng thân tâm ông không chịu làm. Hôm nay ông trở về đây chính là để cầu thiện pháp vi diệu của Như Lai.
- Này Tỳ Kheo Diêm Đê Ra! Trước, sau và hôm nay ba thời này cũng không có gì thay đổi. Tại sao ông cầu Như Lai làm pháp nghiêm trị. Như Lai đã sẵn lòng đại bi thương xót chúng sanh như con một. Như Lai là chổ nương nhờ rộng lớn không có gì sánh kịp. Như Lai hay cứu hộ tất cả chúng sanh không chán mỏi. Như Lai ví như vị Đại Lương Y gỡ mũi tên độc tham, sân, si cho chúng sanh mà chẳng bao giờ nghĩ đến công lao. Như Lai hay ban pháp vô úy giải thoát Cam Lộ cho chúng sanh được giải thoát. Như Lai hay đánh thức cơn mê mờ của chúng sanh từ nay đến vô lượng ức kiếp. Như Lai là bậc đạo sư của cả thảy chúng sanh ứng cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như Lai đã bỏ tất cả những món đồ chơi hung hiểm của Thế Gian. Như Lai đã dứt trừ tất cả những tư tưởng điên đảo, thù oán, ganh ghét, khôn ngu, tỵ hiềm, trách móc, đua đòi, thắng bại, phải trái v.v… Như Lai đã thành tựu những pháp khó tu khó học mà Trời Người không làm được. Thế gian hết sức ca ngợi, tôn trọng cúng dường, tán thán kinh Chuẩn Đề Đệ Nhất Bổn-Tôn này. Kinh này là tạng báu trong các kinh, được chư Phật mười phương ủng hộ và phân thân đến nghe pháp. Nếu chỗ nào có ánh sáng của Viên Minh Bố Liệt Phạn Thơ Đồ phải biết chổ đó có phân thân của chư phật mười phương. Chư Bồ-Tát thường bao vệ đó, ủng hộ giúp sức cho người trì tụng kinh này được đầy đủ bổn nguyện công đức. Nếu có pháp sư diễn nói kinh này có chỗ bị quên mất, chư Phật vì kinh này khiến cho vị pháp sư ấy được lưu thông giảng nghĩa đầy đủ, pháp âm thâm diệu. Chúng sanh nghe pháp vui ưa phát tâm tu tập theo con đường chơn lý của Giáo Môn Mật Tông. Cõi hư không đại địa do sức thâm nhập thân chú đại Tổng Trì Chuẩn-Đề Tối Thắng Tôn Đà Ra Ni này, khiến cho vạn vật đều sanh mầm phước thiện hoan hỷ. Bông hoa cây trái xanh tươi, cỏ nước, vườn, rừng, ao tắm, đất đai, núi non, sông, biển tự nhiên phát sanh vật báu và các bậc Thượng Sĩ Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Các loài sanh vật trở nên hiền hậu thuần hóa dứt sự khủng bố của các loài mạnh mẽ hơn nó. Cõi đất muôn hoa đua nở, cung điện, lâu đài bỗng nhiên xuất hiện. Quốc độ tự trang nghiêm và thấy các Phật quốc cũng lại như thế. Trong gió hư không lại có tiếng vang vi diệu như ngàn nhạc âm, khiến cho thân tâm của chúng sanh tín ngưỡng tu hành, lễ bái, trì niệm đắc nhập các môn tam muội. Đó là do sức mạnh thuần hậu của Như Lai đã trãi qua vô lượng thế giới thành tựu pháp môn Bí-Mật Bổn Tôn Chuẩn Đề Đà Ra Ni chú:
Khể thủ qui-y Tô Tất Đế
Đầu diện đãnh lễ Thất Cu Chi
Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn-Đề
Duy nguyện từ bi thùy gia hộ
Nammô tát đa nẫm tam miệu tam bồ đề cu chi nẫm đát diệt tha. Án chiết lệ chủ Lệ Chuẩn-Đề Ta bà ha.
Bấy giờ phật Mẫu Chuẩn-Đề muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
1. Đấng Siêu Thắng Tự Tại
Bi, Nguyện vượt thế gian
Trong nghìn muôn ức cõi
Ta bỏ công khổ nhọc
Quên cả sự chết chóc
Mà tu tập kinh này
Dùng mãnh lực thiện pháp
Hóa giải các phiền phược
2. Như Lai Chơn Mật Giác
Tánh thể rất kinh lạ
Xưa nay chưa từng có
Mở nhẹ tạng Bí-Yếu
Chuyển động bánh xe pháp
Rung động đến mười phương
Luân chuyển rất êm dịu
Làm vui đẹp lòng chúng
Dạo đi khắp cõi nước
Sáu điệu đều vang động
Danh đồn, tiếng khen thảy
Bực nhứt của ba cõi
Thầy dạy khắp Trời, Người
Thành tựu chơn Mật Pháp
Món Bí-Pháp Tam Muội
Ẩn sâu niệm Tổng Trì
Đà la đại thần chú
Tóm thâu Tối Mật Môn
Pháp nghĩa rộng diễn nói
Trước sau, thượng trung hạ
Lời lẽ rất trong sáng
Nhiếp phục lòng chúng sanh
Đạo đức được hưng thạnh
Phát huy đường chánh giác
Tứ chúng đều hoan hỷ
Nương theo Phật Pháp Tạng
Thủ trì giới, định, huệ
Xa lìa sự chơi cười
Im lặng tâm bền bỉ
Lúc móng tâm, tịnh tâm
Hoặc động hoặc thanh tịnh
Oai nghi là cấm giới
Tánh lặng như hư không
Ít nói lòng an ổn
Nghiệp thức liền chấm dứt
3. Đấng Đạo Sư Đẳng Huệ
Diễn nói bốn nghĩa đế
Dạy chúng sanh vào đạo
Đoạn lìa cả hai bên
Thiện ác đã thuần thục
Mà nhơn quả chẳng sanh
Ta nói pháp xuất thế
Thành vô thượng Bồ Đề
Bấy giờ Tỳ Kheo Diêm Đê Ra lại bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Cớ sao ngài không tổ chức ra Giáo Hội để cho việc tu hành được mở mang rộng lớn hơn. Thế Tôn lại để cho Tỳ Kheo Sim Sum Pa thành lập Giáo Hội dùng nhiều thế lực nguy hiểm hãm hại đức Thế Tôn như thế. Cúi mong Phật từ bi rộng lớn chỉ dạy cho hàng hậu học chúng con những pháp chưa hiểu biết được sáng tỏ thuần thục.
Phật Mẫu Chuẩn-Đề mĩm cười chỉ dạy cho ông Tỳ Kheo Diêm Đê Ra rằng:
- Này các Tỳ Kheo! Các ông chớ nên nói rằng Như Lai đã sáng lập ra Giáo Hội Du Già để cho bực hiền thánh chê ta là người vô trí tham danh cầu thực. Cái danh ấy chỉ để cho người đời ca tụng. Còn việc tu hành của Như Lai không cần ai biết đến, có như vậy pháp tu của Như Lai mới được tồn tại nơi thế gian. Các ông chớ nên nói Như Lai dùng hình luật để nghiêm trị kẻ tội đồ như ông. Như Lai đã tự nghiêm trị nơi bản thân mình rất khắc nghiệt, và đã bỏ thân mạng để cầu chánh pháp. Vào thời Hiền Kiếp, ta đã vì người cần ánh sáng mà hiến cho đôi mắt, đã vì người cần thịt mà cắt bỏ thân mình, đã vì hổ đói mà thí thân, đã vì cha mẹ mà lấy máu trị bệnh cho song đường, đã vì vua mà chết thế cho bực minh quân v.v… Đó là những việc làm hiếm có khó được mà trong thế gian Trời, Người, Rồng, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỉ, Súc Sanh không ai làm được.
- Này các Tỳ Kheo! Không phải ở trong hiền kiếp Như Lai mới làm việc bố thí thân mạng, mà thực sự Như Lai đã bỏ thân trãi qua ba A Tăng Kỳ Kiếp trong vô số kiếp làm những việ khó làm, tu những pháp khó tu như thế. Vì vậy Như Lai tuyên bố giữa pháp hội rằng: Như Lai chẳng có tổ chức Giáo-Hội để nghiêm trị kẻ tội đồ. Như Lai là đấng Chánh Giác hay giác ngộ cho kẻ lỗi lầm biết con đường tu hành giải thoát. Như Lai không bị gàn buộc bởi tánh hiếu kỳ của Thế gian và Xuất Thế gian. Như Lai không bị sự phân biệt làm ô nhiễm và cũng chẳng bị pháp vô phân biệt làm nhiễu loạn. Như Lai là bực Tịnh Trụ Đà Ra Ni thành tựu đầy đủ Mật Giáo môn tam muội ở nơi pháp nhất nghĩa, nhất cú, nhứt môn, nhất pháp, nhất âm, nhất trụ, nhất tướng, nhứt vị v.v… tiến thẳng đến quả vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Ông Tỳ Kheo Diêm Đê Ra nghe lời Phật dạy, sanh lòng Hoan Hỷ Đà Ra Ni, tâm lành nẩy nở, sức cung kính và tinh tấn vượt lên làm cho ngài phát tâm đại Bồ-Đề thọ trì thần chú Chuẩn Đề theo đúng con đường tu tập của giáo môn Mật Tông. Ông Tỳ Kheo Diêm Đê Ra lại bạch Phật rằng:
- Thế Tôn! Chúng con đã bị mũi tên sanh tử ghim chặt vào người rất là sâu nặng, vết thương bị nhiễm độc trãi qua vô lượng kiếp khó bề chữa trị. Rất may mắn thay có đấng Đại Pháp Vương sáng chế thuốc lành chữa tâm bệnh cho chúng con. Hôm nay con nghe lời Phật chỉ dạy khiến cho tội lỗi biến mất, thân tâm an ổn dường như nhổ được mũi tên sanh tử của nhiều đời nhiều kiếp đã qua.
- Thế Tôn! Rất mong người từ bi chỉ dạy cho chúng con biết cái lỗi của sanh tử, và nguyên nhân nào sanh ra vô minh. Ngưỡng mong Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con phương pháp nào sống trong vô minh mà chẳng bị vô minh lôi cuốn, và phương pháp nào sống trong sanh tử khổ đau mà thân tâm chẳng bị gàn buộc?
Phật Mẫu Chuẩn Đề mĩm cười ôn tồn chỉ dạy:
- Này các Tỳ Kheo! Cái lõi của sanh tử từ xưa đến nay chẳng bao giờ có. Sở dĩ mà có là bởi tập nhiễm theo tánh xấu của Thế gian. Các Tỳ Kheo hãy quan sát quá trình sống của con người từ khi còn tấm bé sanh ra lớn dần đến mười ba tuổi, trong tuổi ấu thơ nó chẳng biết tạo tội là gì và thiện ác là gì? Này các Tỳ Kheo? Khi nó ở tuổi mười bảy cho đến già, do tập nhiễm thói quen xấu của thế gian nên cái lỗi sanh tử từ đó mà sanh ra. Nếu có người trí thiện căn đầy đủ thấy rõ ác tâm ưa phát sanh nơi bổn tánh thanh tịnh của mình, lòng muốn xa lìa tầm Thiện Trí Thức xuất gia tu theo đại đạo.
- Này các Tỳ Kheo! Tội lỗi có hai thứ: một là nặng hai là nhẹ. Những kẻ làm ác biết sợ quả báo hay lo tu hành đoạn trừ nghiệp lậu gọi là tội nhẹ. Những kẻ làm ác, chuyên chủ phá hoại Tam Bảo, ăn cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu, giết người lòng chẳng sợ sệt gọi là tội nặng.
- Này các Tỳ Kheo! Những người làm lành có hai hạng: một là làm lành mà tâm chẳng lành, làm tốt mà tâm chẳng tốt, cử chỉ nghiêm trang mà tâm bất hiếu bất kính. Giới luật tinh thông mà tâm hay tạo tội lỗi gọi là tội nặng. Hai là những người làm lành thấy rõ tội lỗi của phiền nảo lòng muốn xa lìa, theo đường thiện đạo, phát khởi phương tiện tầm tu giải thoát, gần gủi bạn lành, theo chân Thiện Tri Thức rèn luyện ý chí phá hoại ác Ma thu phục phiền nảo gọi là tội nhẹ. Người này học hỏi biết được các món Ma: Phiền nảo Ma, Ám Ma, Độn Ma, Trừng Ma, Khảo Ma, Cảnh Ma, Dục Ma, Si Ma, Bạo Ma, Tham Ma, Ảo Ma, Cảm Xúc Ma, Thọ Ma, Tưởng Ma, Ngũ Ấm Ma, Nghịch Ý Ma, Thuận Ma, Thiên Ma, Chướng Ma, Nhu Nhược Ma, Dụ Dỗ Ma, Âm Thanh Ma, Ru Ngủ Ma, Hắc Ám Ma, Vương Giả Ma, Vật Báu Ma, Thúc Dục Ma, Chiêu Cảm Ma, và vô lượng các món Ma khác nhau rất khó phân biệt. Các thứ Ma như thế rất đa dạng hay làm mất công hạnh của những hàng Thanh Văn, Duyên Giác mới tu mới học rất dễ dàng. Các Tỳ Kheo nên quan sát cho thấu đáo phiền nảo ác tâm cho thật chính chắn để khỏi lầm lẫn với bọn Ma Quân trong một đường tơ kẻ tóc, mà mỗi người tu hành đều phải hiểu rõ điểm này. Đây gọi là sống trong sanh tử mà chằng bị sanh tử làm hại, sống trong vô minh mà chẳng bị vô minh lôi cuống. Bấy giờ Đức Phật muốn tóm lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
1. Đức Phật thuở quá khứ
Cùng vị lai hiện tại
Đều nương theo Mật Pháp
Thành tựu Đại Tổng Trì
Mật chủ Án Ma Pháp
Nhập vào Vô Gián Môn
Khởi sức đại dõng mãnh
Tu hành nơi số kiếp
Không chuyển chẳng thay đổi
Lòng kiên cố bền vững
Như ngọn Tu Di Sơn
Các phiền nảo nhiễu loạn
Như số bụi vi trần
Đến đi trong chốc lát
Không hại và vô hại
Nhờ tu tập kinh này
Thẩm sâu nơi Mật Định
Xác xuất các Tam Muội
Chuyển vời Ác Ma Pháp
Xóa đêm tối vô minh
Mà chẳng ai hay biết
Bằng hành động thực tế
Đắp y và mang bát
Cử chỉ nhẹ êm dịu
Im lặng ít nói năng
Dường như vào đại định
2. Hạnh Bồ Tát bất thối
Trãi qua vô số kiếp
Trồng các cội công đức
Như số bụi vi trần
Thời gian thoáng qua mau
Xem như đang dừng lại
Tịch tỉnh lòng thanh thoát
Chẳng động cũng chẳng chuyển
Chẳng được cũng chẳng mất
Chẳng có cũng chẳng không
Phải trái chẳng vin động
Chiều hướng chẳng có tên
Bí quyết khó lường được
Tạo thành chơn Mật-Pháp
Phiền nảo tuy thạnh hành
Thoáng chốc hóa thành không
Tuy không mà lại có
Bổn phận của phiền nảo
Gieo chủng tử ác khổ
Trải qua sa số kiếp
Ở từ đời vô thỉ
Không có chỗ ngừng nghĩ
3. Do đó Phật phương tiện
Dùng sức Siêu Mật Pháp
Trãi qua ức tăng kỳ
Nơi vô lượng số kiếp
Hàng phục chúng Ma quân
Thành ra là đạo bạn
Pháp nghịch chuyển thành thuận
Niệm ác quy niệm thiện
Đảo lộn pháp Thế gian
Phật chế Y Ca Sa
Viên thành pháp xuất thế
Từ bi vô chướng ngại
Ăn uống khác phàm phu
Đi đứng rất chậm rãi
Chẳng ngó liếc phi thời
Mà ngó vào tâm tánh
Xa lìa các sắc dục
Ngồi thiền hoặc kinh hành
Không có chỗ gián đoạn
Đời sống rất giản dị
Tam y và nhất bát
Tùy thân đi bốn phương
Gieo duyên cùng khai đạo
Tịnh tu các phạm hạnh
Thanh tịnh phát trí huệ
4. Bồ Tát hành như thế
Mà chẳng thấy đạo hành
Bồ Tát tu như thế
Mà chẳng thấy pháp tu
Dường như trụ hư không
Chẳng mến tiếc vật, pháp
Chẳng vin động tưởng niệm
Xa lìa nội ngoại pháp
Gọn nhẹ chẳng chấp chặt
Tâm rỗng lặng hồn nhiên
Bỏ mục đích Tối-Thượng
Thành chánh đẳng chánh giác
Nên gọi đó là Phật
Trang nghiêm cả quốc độ
Khiến Trời, Người thức tỉnh
Đến cúng dường nghe pháp
Rãi hoa hoặc xông hương
Dùng các cách trang điểm
Ngợi khen cùng tán thán
Những công hạnh khó làm
Qui-y giữ tịnh giới
Vâng hành các phạm hạnh
Đèn nến đốt cúng dường
Trái cây cùng hoa quả
Cúng Phật Hiền Thánh Tăng
5. Kinh Phật Mẫu Chuẩn-Đề
Đứng đầu trong các kinh
Sức mạnh đại tự tại
Oai đức vô cùng cực
Khó nói khó nghĩ bàn
Diệu linh ứng tùy chỗ
Lúc ta thành Phật đạo
Quán sát các chúng sanh
Căn cơ quá thấp kém
Chẳng phải chỗ truyền thừa
Nên đem pháp giáo hóa
Mật truyền cho Bồ-Tát
Giử gìn bổn kinh này
Lưu bố khắp mười phương
Chỗ của Phật Vô-Động
Hoặc nơi cõi Ta Bà
Thích Ca Mâu Ni Phật
Trợ pháp rất mạnh mẽ
Được chúng sanh ưa chuộng
Tu tập càng tinh tấn
Đắc nhập các tam-muội
Thành vô thượng Bồ-Đề.
Khi Phật Mẫu Chuẩn Đề thuyết xong bài kệ pháp, ngài im lặng vào bản tánh Chơn Như Đà Ra Ni của Tối Đại Minh chú, an trụ mạnh mẽ như Tu Di Sơn. Bồ-Tát Kim Cang Mật Tích cùng các chúng Bồ-Tát, A La Hán trong pháp hội sanh lòng cung kính, nhiễu Phật ba vòng cúng dường tán thán đủ mọi cách. Sáu ngàn Thánh Chúng Bồ-Tát được Pháp Luân thường chuyển Đà Ra Ni. Các bực đại A-La-Hán đợc pháp Vô Sanh Nhẫn Đà Ra Ni. Năm vạn thính giả phát Bồ-Đề tâm ủng hộ chánh pháp. Pháp Hội Chư Phật, Bồ-Tát, Hiền Thánh Tăng được chư thiên, Nhơn rãi hoa cúng dường, tất cả đều hoan hỷ tín thọ phụng hành.
Nam mô Chuẩn-Đề Hội Thượng Phật Bồ-Tát (3 lần)
No comments:
Post a Comment