Tuesday, 24 June 2014

GÓP NHẶT CÁT ĐÁ.

 
GÓP NHẶT CÁT ĐÁ
 * * *
Một Tách Trà
Nanin, một thiền sư Nhật sống vào thời Minh Trị (1868, 1912), tiếp một giáo sư đại học đến hỏi về Thiền.
Nanin mời trà. Ông đã rót đầy tách của khách nhưng vẫn tiếp tục rót thêm.
Vị giáo sư ngồi nhìn trong tách tràn ra cho đến khi không kiềm mình được nữa:- Đầy quá rồi. Xin đừng rót nữa.
- Ông giống như cái tách này.
Nanin nói:
- Ông cũng đầy ắp những quan niệm, những tư tưởng của ông. Làm sao tôi có thể bày tỏ thiền cho ông được, trừ phi ông cạn cái tách của ông trước?
 * * *
Được Viên Kim Cương Trong Con Đường Lầy
Gudo là sư phụ của hoàng đế. Tuy nhiên, Gudo thường rong chơi một mình như một tên ăn mày lang thang.
Một hôm Gudo đang trên con đường đến Edo, trung tâm văn hóa và chính trị của một thủ phủ, Gudo đến một làng nhỏ tên là Takenaka. Trời chiều và mưa rơi nặng hạt, Gudo bị ướt như chuột lột. Đôi dép rơm của Gudo tả tơi. Gudo để ý có bốn năm đôi dép trong cửa sổ một nông gia ở gần làng và định mua một đôi.
Thiếu phụ dâng dép cho Gudo, thấy Gudo bị ướt quá, mời Gudo nghỉ lại nhà trong đêm đó. Gudo nhận lời, cảm ơn nàng. Gudo bước vào nhà, đọc kinh trước bàn thờ gia đình. Rồi thiếu phụ giới thiệu mẹ và các con nàng với Gudo, thấy cả nhà đều buồn, Gudo hỏi có việc gì quấy, thiếu phụ đáp:
- Ông chồng tôi là một người đánh bạc và nghiện rượu. Khi ăn, anh ấy uống rượu và trở thành thô lỗ. Khi thua, anh ấy mượn tiền của nhiều người khác.
Đôi khi say quá, anh ấy không về nhà nổi. Tôi có thể làm được gì bây giờ?
Gudo nói:
- Tôi sẽ giúp chồng chị. Đây là một ít tiền. Chị hãy mua cho tôi một hủ rượu và một ít đồ ăn ngon. Rồi chị có thể đi nghỉ. Tôi sẽ thiền định trước bàn thờ.
Vào khoảng nửa đêm người đàn ông về, say mèm, hắn kêu lè nhè:
- Nè bà ơi, tôi đã về nè. Bà có gì cho tôi ăn không?
Gudo nói:
- Tôi có món cho anh. Tôi bị mưa ướt không đi được, vợ anh tử tế mời tôi ở lại đây đêm nay. Đáp lại, tôi mua một ít rượu và cá này, anh có thể dùng được..
Người đàn ông vui mừng. Hắn lập tức uống rượu và ngã dài xuống nền nhà thiếp đi. Gudo ngồi thiền định bên cạnh hắn.
Sáng hôm sau, khi người chồng thức dậy, hắn quên mọi chuyện đêm qua. Hắn hỏi Gudo:
Ông là ai? Ông ở đâu tới đây?
- Gudo vẫn thiền định đáp:
Tôi là Gudo ở Kyoto và tôi đến Edo.
Người đàn ông rất hổ thẹn. Anh ta cung kính xin lỗi vị thầy của hoàng đế.
Gudo mỉm cười giảng giải:
Mọi sự ở đời đều vô thường. Đời người chóng vánh. Nếu anh tiếp tục cờ bạc và uống rượu, anh sẽ không còn thời giờ để làm được việc gì, và anh còn gây khổ cho gia đình nữa.
Người chồng chợt tỉnh dậy như trong cơn mộng. Anh ta nói:
Ngài dạy chí phải. Làm sao tôi đền đáp được lời dạy kỳ diệu của ngài! Hãy để tôi mang đồ tiễn ngài một đoạn đường.
Gudo chấp thuận:
Nếu anh muốn.
Hai người bắt đầu đi. Sau khi họ đi được ba dặm đường, Gudo bảo anh ta quay trở về. Anh ta xin Gudo:
Xin cho đi năm dặm nữa.
Hai người tiếp tục đi. Gudo nhắc:
Bây giờ anh có thể trở về.
Anh ta đáp:
Xin mười dặm nữa.
Khi mười dặm đã qua, Gudo bảo:
Bây giờ anh hãy về đi.
Tôi sẽ theo ngài trọn quảng đời còn lại của tôi, anh ta tuyên bố.
Trong những thiền sư hiện đại ở Nhật, một bậc thầy nổi bật trong truyền thừa là người hắc đạo của Gudo. Danh hiệu ông là Munan (Vô Quy), người không bao giờ trở về.
 * * *
Thế À?
Thiền sư Hakuin được những người xung quanh ca tụng là người sống một cuộc đời trong sạch. Một gia đình người Nhật có tiệm bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở, có một cô con gái đẹp. Bất ngờ, một hôm cha mẹ cô gái khám phá cô có thai.
Việc này làm cha mẹ cô gái nổi giận. Cô gái không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau bao nhiêu là phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.
Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ cô gái đến ngay vị thầy này, Hakuin chỉ thốt lên vỏn vẹn hai tiếng:
- Thế à? Rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm cho Hakuin buồn. Hakuin chăm sóc đứa bé rất tử tế, Hakuin xin sữa của những người mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết cho bé.
Một năm sau, cô gái không chịu đựng được nữa. Nàng nói thật với cha mẹ nàng rằng người cha thật của đứa bé không phải là Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
Lập tức cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin xin Hakuin tha lỗi, chuyện xin lỗi dài dòng và xin đem đứa bé về.
Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt ra hai tiếng:
- Thế à.
 * * *
Vâng Lời
Những buổi nói chuyện của Bankei không những chỉ có những Thiền sinh mà còn có cả những người thuộc các cấp bậc và các môn phái khác theo dõi.
Bankei không bao giờ trưng dẫn kinh điển hay đắm mình trong những tranh luận có tính học giả. Thay vì, những lời Bankei nói ra trực tiếp từ tâm ông đến tâm những người lắng nghe ông nói.
Số cử tọa to lớn của Bankei khiến một tu sĩ môn phái Nichiren nổi giận bởi vì những đệ tử đã bỏ ông để theo nghe Bankei giảng thiền. Tu sĩ Nichiren này bèn đến thiền viện của Bankei với tư tâm định tranh luận với Bankei.
Tu sĩ kêu lên:
- Này, Thiền sư! Xin chờ một chút. Bất cứ ai kính trọng ông cũng nghe theo lời ông cả, nhưng một người như tôi không kính trọng ông đâu. Làm sao ông có thể khiến tôi theo lời ông được?.
Bankei nói:
- Hãy đến đây, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.
Một cách kiêu hãnh, tu sĩ xô vẹt đám đông để lấy đường đến Bankei.
Bankei mỉm cười:
- Hãy qua bên trái tôi.
Tu sĩ vâng lời.
Bankei nói:
- Không, nếu anh sang bên phải tôi, chúng ta có thể nói chuyện hay hơn. Hãy bước sang đây.
Tu sĩ kiêu hãnh bước sang bên phải Bankei. Bankei nói:
- Anh thấy không, anh đang nghe theo lời tôi và tôi nghĩ rằng anh là một người rất hiền ngoan. Bây giờ, anh hãy ngồi xuống đó nghe đi.
 * * *
Nếu Yêu Hãy Yêu Công Khai
Hai nhà sư và một Nanin có tên là Eshun, theo thực tập Thiền định với một thiền sư nọ.
Mặc dù đã cạo trọc và y phục tầm thường nhưng Eshun vẫn rất xinh đẹp.
Nhiều nhà sư thầm yêu Eshun, một người trong bọn họ viết thư tỏ tình với Eshun, hẹn gặp mặt riêng.
Eshun không trả lời. Ngày hôm sau, sau khi thiền sư giảng bài cho mọi người xong. Eshun đứng dậy, hướng về người đã viết thư cho mình nói:
- Nếu thật anh yêu tôi nhiều lắm thì hãy đến ôm tôi đi.
 * * *
Không có yêu thương tử tế
Một bà lão Trung Hoa giúp đỡ một nhà sư hơn hai mươi năm. Bà dựng cho nhà sư một căn lều và nuôi ông ấy ăn uống đầy đủ trong thời gian ông thiền định. Cuối cùng bà muốn biết nhà sư Thiền đã tiến bộ như thế nào trong suốt thời gian qua. Muốn biết rõ ràng, bà lão đến nhờ một cô gái giàu dục vọng. Bà bảo cô gái:
- Hãy đến ông ta rồi bất ngờ hỏi ông:
Gì nào?
- Cô gái đến viếng nhà sư và vuốt ve nhà sư một cách rất tự nhiên rồi hỏi nhà sư đối xử với mình như thế nào.
Nhà sư đáp một cách thơ mộng:
Một cây cổ thụ mọc trên núi đá lạnh lẽo vào mùa đông, không nơi nào là không ấm áp.
Cô gái trở về kể lại tất cả những gì nhà sư đã nói.
Bà lão giận dữ than:
Nghĩ ta đã nuôi dưỡng hắn hai chục năm trời! Hắn không thèm chú ý tới sự đòi hỏi của cô, hắn không có ý định cắt nghĩa điều kiện của cô. Hắn không cần đáp ứng sự đam mê, nhưng ít nhất hắn cũng tỏ ra phải có một chút từ tâm chứ.
Lập tức bà lão đến đốt trụi căn lều của nhà sư.
 * * *
Thông Báo
Vào ngày cuối cùng của đời mình, Tanzo viết sáu chục tấm thiệp, bảo một đệ tử gởi đi. Rồi ông qua đời. Thiệp viết:
Tôi đang rời bỏ trần gian này. Đây là lời cáo phó của tôi.
 
 * * *
Đại Lãng (Sóng Lớn)
Một tay đô vật nổi danh tên là Onami (Đại lãng) sống vào đầu thời Minh Trị.
Onami mạnh vô cùng và biết thuật đấu vật. Trong những cuộc đấu riêng tư anh ta đã đánh bại luôn cả thầy, nhưng anh ta lại bị những học trò mình ném xuống đài trong cuộc đấu công khai. Anh ta cảm thấy xấu hổ vô cùng.
Onami thấy cần sự giúp đỡ của một thiền sư.
Hakuin, một thiền sư lang thang, đang dừng bước tại một ngôi đền nhỏ gần đấy, vì thế Onami đến viếng Hakuin và nói cho Hakuin nghe chuyện buồn của mình, Hakuin khuyên:
- Tên anh là Đại Lãng, vậy tối nay hãy ở lại đây. Hãy tưởng tượng anh à những con sóng to lớn đó. Anh sẽ là một tay đấu vật không sợ hãi nữa. Anh sẽ là những con sóng khổng lồ đó, đang đùa quét hết tất cả mọi vật trước mặt, đang nuốt chửng tất cả con đường của chúng. Hãy làm như thế và anh sẽ là một tay đấu vật vô địch trên đất này.
Hakuin rút lui. Onami ngồi tâm tư, cố gắng tưởng tượng mình là những con sóng. Onami nghĩ đến nhiều vật khác. Rồi anh từ từ chuyển sang cảm giác thấy sóng càng lúc càng lớn. Chúng quét sạch tất cả những bông hoa cắm trong những chiết độc bình. Ngay cả tượng Phật trên bàn thờ cũng bị ngập lụt.
Trước khi trời sáng, ngôi đền chỉ còn là một cơn thủy triều dâng lên của biển cả mênh mông.
Sáng hôm sau, Hakuin tìm thấy Onami còn đang thiền định, trên mặt anh thoáng nhẹ một nụ cười. Hakuin đập nhẹ vào vai nhà đô vật:
- Bây giờ thì không còn gì để quấy rầy anh được nữa. Anh là những con sóng đó. Anh sẽ quét sạch những gì trước mặt anh.
Ngay hôm đó, Onami vào cuộc đấu trắc nghiệm. Anh ta đã thắng. Sau đó, ở Nhật không ai đánh bại được anh ta.
 * * *
Người ta không thể ăn cắp mặt trăng
Ryuokan một thiền sư sống cuộc đời đơn giản nhất trong một căn lều nhỏ dưới chân một hòn núi.
Một buổi chiều, một tên trộm viếng lều của Ryuokan lục soát để lấy đồ.
Ryuokan về bắt gặp hắn đang lục soát, nói:
- Có lẽ anh từ xa đến đây để viếng tôi. Vô lẽ anh trở về tay không sao. Hãy lấy quần áo của tôi để làm một món quà.
Tên trộm ngạc nhiên. Hắn lấy quần áo của Ryuokan rồi tẩu thoát. Ryuokan ngồi trần truồng trước mặt trăng thơ mộng:
- Hỡi người bạn nghèo khổ! Ước gì ta có thể cho anh mặt trăng đẹp này.
 * * *
Bài Thơ Cuối Cùng Của Hoshin
Thiền sư Hoshin sống ở Trung Hoa nhiều năm.
Rồi Hoshin trở về miền đông bắc Nhật Bản, ở đây Hoshin dạy nhiều đệ tử. Khi thấy mình đã già lắm rồi, Hoshin kể lại cho đệ tử một câu chuyện mà Hoshin đã nghe được lúc Hoshin còn ở Trung Hoa. Câu chuyện như thế này:
Vào ngày 25 tháng chạp một năm nọ, Tokufu thấy mình đã quá già rồi, và biết mình đã sắp chết, Tokufu nói với các đệ tử:
- Ta không sống đến sang năm, vậy các anh hãy cư xử tốt với ta trong năm nay đi.
Các đệ tử tưởng ông nói đùa, nhưng Tokufu là một bậc thầy có tấm lòng đại độ, nên mỗi người trong bọn họ thay phiên nhau đãi tiệc Tokufu vào những ngày cuối năm.
Vào một buổi chiều năm mới, Tokufu kết luận:
- Các con đã đối đãi tốt với ta. Ta sẽ giã từ vào chiều mai, khi tuyết rơi.
Các môn đệ của Tokufu đều cười, cho rằng Tokufu đang đóng trò và nói chuyện vô lý bởi vì đêm nay trời đất quang đãng, làm gì có tuyết rơi. Vào ngày kế các đệ tử không tìm thấy Tokufu ở đâu cả. Họ chạy vào thiền phòng.
Tokufu đã qua đời tại đó.
Hoshin, người đã kể lại câu chuyện này nói với các đệ tử của mình:
- Một thiền sư không cần phải nói trước việc từ giã cõi đời mình, nhưng nếu ông ta thật sự muốn làm thế, ông ta có thể làm được.
Một đệ tử hỏi:
- Thầy làm được?
Hoshin đáp:
- Được. Ta sẽ nói cho các con biết những gì ta có thể làm được trong bảy ngày sắp tới kể từ hôm nay.
Không một đệ tử nào tin lời Hoshin. Hầu hết họ đã quên mất câu chuyện hôm trước khi Hoshin gọi họ đến quanh mình. Hoshin nhắc:
- Bảy ngày đã qua. Thầy đã nói thầy sẽ giã biệt các con. Theo thường lệ, thầy phải viết một bài thơ để vĩnh biệt, nhưng thầy không phải là thi sĩ cũng không phải là người viết chữ đẹp. Vậy một trò nào trong các con hãy viết lại những lời cuối cùng của thầy.
Các đệ tử cho rằng Hoshin đùa, nhưng một người trong bọn họ bắt đầu viết:
Hoshin hỏi:
- Con sẵn sàng chưa?
Người viết đáp:
- Vâng, bạch thầy.
Rồi Hoshin đọc:
- Ta đến từ tánh sáng. Và trở về với tánh sáng. Tánh sáng là gì?
- Bài thơ là một dòng ngắn gồm bốn hàng như thường lệ, vì thế người đệ tử nói:
Bạch thầy, chúng con là một dòng ngắn.
Hoshin hét lên một tiếng:
Kaa! như tiếng gầm của con sư tử đã chiến thắng, rồi ra đi.
 * * *
Câu Chuyện Shunkai
Tuyệt đại mỹ nhân Shunkai, có môt tên khác là Suzu, bị bắt buộc phải lập gia đình trái với ý muốn của nàng khi Shunkai còn nhỏ tuổi quá. Sau này, khi cuộc hôn nhân đã kết thúc, Shunkai theo học triết học tại một trường đại học.
Nhìn thấy Shunkai là phải yêu nàng. Luôn luôn và bất cứ nơi nào nàng bước chân đến là có kẻ yêu nàng, và chính nàng cũng yêu nhiều người. Tình yêu đã đến với Shunkai ở đại học và sau này, khi triết học không làm Shunkai thỏa mãn, Shunkai đến viếng một ngôi đền để học thiền, nhiều thiền sinh yêu nàng.
Toàn thể cuộc đời Shunkai đẫm ướt tình yêu. Cuối cùng đến Kyoto, Shunkai mới thành một Thiền sinh thật sự. Những sư huynh, sư đệ của Shunkai ở một ngôi đền phụ thuộc của đền Kennin đã ca ngợi lòng chân thành của Shunkai.
Một người trong bọn họ đã chứng tỏ tinh thần đồng chí hướng với Shunkai bằng cách đã giúp đỡ Shunkai trong việc nắm vững căn bản thiền học.
Sư trưởng của đền Kennin, Mokurai có nghĩa là Im Lặng Sấm Sét là một người nghiêm khắc. Mokurai tự giữ giới luật rất nghiêm trang và muốn các đệ tử cũng làm như mình.
Ở nước Nhật hiện thời, dù bất cứ nhiệt tâm nào dường như các tu sĩ đã đánh mất tinh thần Phật giáo, vì họ có vợ. Mokurai thường xách chổi đuổi những người đàn bà khi ông trông thấy họ ở bất cứ nơi nào trong ngôi đền của ông.
Nhưng Mokurai càng quét đuổi nhiều bà vợ đó chừng nào thì dường như họ càng trở lại nhiều chừng ấy.
Trong ngôi đền đặc biệt này, bà vợ của tu sĩ trưởng nổi ghen với sự chăm chỉ và sắc đẹp của Shunkai, bà vợ của tu sĩ trưởng thấy ngứa ngáy khó chịu. Cuối cùng bà phao đồn tùm lum về việc Shunkai với một người bạn Shunkai. Vì thế, anh ta và Shunkai bị trục xuất ra khỏi đền.
Shunkai nghĩ:
- Có thể ta đã gây ra một lỗi lầm về chuyện yêu đương, nhưng bà ấy sẽ không thể ở lại ngôi đền đó được, nếu bạn ta bị đối xử bất công như thế. Đêm đó, Shunkai mang một thùng dầu hỏa châm lửa đốt rụi ngôi đền đã xây được hai mươi lăm năm này.
Sáng hôm sau, Shunkai bị cảnh sát bắt giữ.
Một luật sư trẻ thích Shunkai và cố gắng giữ nàng được nhẹ tội. Nhưng Shunkai bảo vị luật sư rằng:
- Đừng, đừng giúp tôi làm gì, biết đâu tôi lại quyết định làm một việc gì khác rồi tôi lại ngồi tù nữa, vô ích.
Cuối cùng, Shunkai bị tuyên án bảy năm tù. Shunkai lại được một cai tù sáu mươi tuổi thả vì ông cũng thích say mê nàng.
Nhưng bây giờ người ta xem nàng như một con chim Tù. Không ai còn muốn kết giao với Shunkai. Cả đến các thiền nhân, những người được cho là giác ngộ ngay trong đời này và với thân này, tất cả đều tránh nàng. Shunkai đã nhìn thấy thiền là một việc và những kẻ theo thiền là một việc khác hẳn hoàn toàn.
Những người thân thuộc của Shunkai cũng không còn gì với nàng. Shunkai trở thành một người bệnh tật, nghèo nàn và yếu đuối. Shunkai gặp một tu sĩ Shinshu dạy nàng niệm danh hiệu của đức Phật A DI ĐÀ và Shunkai đã tìm được nơi đây một chút an ủi và thanh bình của tâm hồn. Shunkai qua đời khi nàng còn đẹp tuyệt trần và chưa đầy ba mươi tuổi.
Shunkai đã viết lại câu chuyện đời nàng trong một sự cố gắng hữu ích để hỗ trợ cho chính nàng. Một phần nhỏ câu chuyện được nàng kể cho một người đàn bà khác ghi lại. Vì thế câu chuyện đã đến tai những người dân Nhật. Những người đã từ chối Shunkai, những người đã phỉ bán và oán ghét Shunkai, bây giờ đọc lại chuyện đời Shunkai với những giọt lệ ăn năn.
 * * *
Người Trung Hoa Hạnh Phúc
Bất cứ kẻ nào đến Chinatowns ở Mỹ châu cũng sẽ chú mắt đến những thần tượng một người béo phệ mang một chiếc bị vải bự. Những người thương gia Trung Hoa gọi ông là người Trung Hoa Hạnh Phúc hay ông Phật Cười.
Vị Hotei này sống vào đời Đường, ông không muốn tự gọi mình là thiền sư cũng không muốn thu nhận đệ tử. Thay vì ông bước đi lang thang trên đường phố với một cái bị vải lớn mà trong đó ông đựng những món quà như kẹo, trái cây hay hạt dẻ. Ông tặng những món quà này cho những đứa trẻ con vây quanh ông để vui đùa. Ông đã tạo những đường phố thành một khu vườn trẻ.
Bất kỳ lúc nào ông gặp một người hiến mình cho thiền, ông cũng chia tay ra, nói:
- Hãy cho tôi một xu.
Và có kẻ nào ngỏ ý mời ông về một ngôi đền để dạy cho những kẻ khác, ông bèn đáp:
- Hãy cho tôi một xu.
Một lần nọ, ông đang bận việc vui đùa, một thiền sư khác bất ngờ theo hỏi ông:
- Ý nghĩa của thiền là gì?
Lập tức người Trung Hoa Hạnh Phúc này đưa chiếc bị vải lên vai rồi tiếp tục bước đi.
 * * *
Một Ông Phật
Tokyo vào thời Minh Trị có hai thiền sư nổi bật với hai cá tính trái ngược hẳn nhau. Một người tên là Unsho, một đại sư ở Shingon, Unsho giữ giới luật của Phật một cách nghiêm chỉnh. Unsho không bao giờ uống rượu dù chỉ một giọt nhỏ, cũng không bao giờ dùng cơm sau mười một giờ vào buổi sáng. Một người khác tên là Tanzan, là một giáo sư triết học ở đại học Hoàng Gia Nhật, Không bao giờ để ý đến giới luật. Khi nào thích ăn, Tanzan ăn và khi nào thích ngủ, Tanzan ngủ.
Một hôm Unsho đến thăm Tanzan, Nhằm lúc Tanzan đang uống rượu, mặc dù lưỡi của một Phật tử thì không được nhiễm một giọt nhỏ nào từ cái thứ nước độc hại đó.
Tanzan mừng đón Unsho:
- Ồ, chào sư huynh, anh uống rượu không?
Unsho nghiêm giọng phàn nàn:
- Tôi không bao giờ uống rượu.
Tanzan nói:
- Một người không biết uống rượu không phải là người.
Unsho nổi sùng kêu lên:
- Anh muốn bảo tôi bất nhân. Đúng, bởi vì tôi không dầm mình trong những thứ nước độc ấy! Rồi nếu tôi không phải là người, tôi là cái gì?
Tanzan tươi cười đáp:
- Một ông Phật.
 * * *
Đường Lầy
Một lần nọ, Tanzan và Ekido cùng thong dong bước xuống một con đường lầy.
Cơn mưa nặng hạt vẫn cứ rơi.
Đến khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh xắn trong chiếc áo Kimono và chiếc khăn quàng cổ bằng lụa đang đứng bên lề đường vì không thể băng qua ngã tư đường lầy được.
Lập tức Tanzan bảo:
- Đi này, cô bé.
Tanzan đưa tay nhấc bổng cô gái lên và đưa qua quảng đường lầy.
Ekido từ đó không buồn nói một tiếng nào cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi đền. Rồi không còn chịu được nữa, Ekido lên tiếng nói với Tanzan:
- Chúng ta là những nhà sư không được phép gần đàn bà, nhất là với những người đàn bà trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm. Sao anh lại làm vậy?
 Tanzan mỉm cười đáp:
- Tôi đã bỏ nàng chỗ đó rồi. Anh còn mang theo nàng đấy sao?
 * * *
Shoun và Mẹ
Shoul là một Thiền sư của Soto. Cha Shoun qua đời khi Shoun còn là một đệ tử, để lại cho Shoun phải chăm sóc bà mẹ già.
Bất cứ khi nào đến thiền phòng Shoun cũng đem mẹ theo. Vì mẹ Shoun cùng đi với Shoun nên khi Shoun viếng các tu viện không thể ở chung với các nhà sư khác được. Vì thế, Shoun phải dựng một ngôi nhà nhỏ để ở và chăm sóc mẹ ở đó. Shoun chép thuê những kinh điển và những bài kệ để lấy tiền sinh sống và nuôi dưỡng mẹ già.
Khi Shoun mua cá cho mẹ, người ta chế giễu Shoun vì một nhà sư không được ăn cá. Nhưng Shoun không quan tâm. Tuy nhiên, mẹ Shoun đau đớn khi nghe những người khác chế giễu con mình. Cuối cùng bà bảo Shoun:
- Mẹ nghĩ mẹ nên làm một ni cô. Mẹ cũng có thể là người ăn rau đậu được. Bà trở thành một ni cô và hai mẹ con cùng nhau học tập.
Shoun thích âm nhạc và là một nhạc sư đàn tỳ bà, thứ đàn mà bà mẹ Shoun cũng chơi được. Vào những đêm trăng tròn hai mẹ con cùng hòa đàn với nhau. Một đêm kia, một thiếu phụ có việc đi ngang qua nhà Shoun, dừng lại nghe nhạc. Quá xúc động, thiếu phụ mời Shoun đến viếng mình vào chiều hôm sau để chơi nhạc. Shoun nhận lời. Vài ngày hôm nay, Shoun gặp thiếu phụ trên đường và cám ơn nàng đã tiếp đãi mình tử tế. Người ta chế giễu Shoun vì việc viếng chơi nhà một thiếu phụ ở thành phố. Một hôm, Shoun phải đến một ngôi đền ở xa để giảng dạy. Một tháng sau Shoun trở về nhà thấy mẹ mình đã chết. Bạn bè không biết Shoun ở đâu mà tìm, vì thế đám tang cử hành.
Shoun bước tới gõ đầu thiền trượng vào quan tài, nói:
- Thưa mẹ, con về.
Rồi Shoun trả lời thay mẹ:
- Con ơi, mẹ mừng thấy con đã trở về.
Shoun đáp:
- Vâng, thưa mẹ con cũng mừng lắm.
Rồi Shoun bảo những người xung quanh:
- Nghi lễ đám tang đã xong. Các người có thể chôn được rồi.
Khi Shoun già và biết cái chết sắp đến với mình. Vào một buổi sáng, Shoun gọi các đệ tử tụ họp quanh mình. Shoun bảo với mọi người rằng mình sắp ra đi vào lúc trưa. Shoun đốt hương trước hình mẹ và người thầy cũ của mình, viết một bài thơ:
Năm mươi sáu năm ta sống hết sức ta trong cõi trần gian này. Bây giờ mưa đã hết, mây trời đã quang đăng. Bầu trời xanh có một mặt trăng tròn.
Các đệ tử tung kinh cầu nguyện và Shoun đã ra đi trong tiếng kinh cầu.
 * * *
Không xa Phật Thánh
Một sinh viên đến viếng Gasan và hỏi:
- Thầy đã đọc Thánh Kinh Kytô chưa?
Gasan bảo:
- Chưa, hãy đọc cho ta nghe.
Sinh viên mở Thánh Kinh ra và đọc sách Thánh Matthew:
- Còn phần quần áo, các ngươi lo lắng làm chi? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào; chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng ta phán cùng các ngươi, dẫu vua Salomon sang trọng đến đâu, cũng không mặc được áo tốt như một hoa nào trong giống đó… Vậy chớ lo lắng chi cho ngày mai, vì ngày mai sẽ lo về việc ngày mai.
Gasan nói:
- Ai nói những lời đó, tôi cho là một người đã giác ngộ.
Sinh viên đọc tiếp:
- Hãy xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp; hãy gõ sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai tìm thì sẽ gặp; ai gõ sẽ được mở.
Gasan phê bình:
- Thật là tuyệt. Ai nói điều đó không xa Phật Tánh.
 * * *
Hà Tiện Lời Dạy
Một thầy tu sĩ trẻ ở Tokyo tên là Kusuda gặp một người bạn đang nghiên cứu Thiền. Vị y sĩ trẻ này hỏi bạn:
- Thiền là gì?
Người bạn đáp:
- Tôi không thể bảo bạn nó là gì, nhưng một điều chắc chắn, nếu bạn hiểu Thiền, bạn không sợ chết nữa.
Kusuda nói:
- Hay. Tôi thử coi. Tôi tìm thầy ở đâu bây giờ?
Người bạn đáp:
- Hãy đến thầy Nanin.
Vì thế Kusuda đến viếng thầy Nanin. Anh ta mang theo một thanh kiếm dài hai tấc rưỡi để xem thầy Nanin có sợ chết hay không cho biết.
Chợt thấy Kusuda, Nanin kêu lên:
- Ồ; chào anh. Anh khỏe không? Chúng ta lâu lắm rồi không gặp nhau!
Việc này khiến Kusuda bối rối, anh ta đáp:
- Trước ta chưa bao giờ gặp nhau mà.
Nanin đáp:
- Tôi đã lầm anh với một y sĩ khác đã theo học Thiền ở đây.
Việc bắt đầu như thế, Kusuda mất cơ hội thử thầy, anh ta xin Nanin học Thiền một cách hết sức miễn cưỡng.
Nanin bảo:
- Thiền không khó. Nếu anh là y sĩ hãy chữa trị tử tế cho bệnh nhân. Đó là Thiền.
Kusuda đến viếng Nanin ba lần. Mỗi lần Nanin đều bảo:
- Một y sĩ không được phí thì giờ ở đây. Hãy về chăm sóc bệnh nhân đi.
Thật là tối mù mù với Kusuda, làm sao một lời dạy như thế làm cho ai hết sợ chết được. Vì thế trong lần thứ tư anh ta phàn nàn:
- Bạn con bảo rằng một người học Thiền sẽ không sợ chết. Mỗi khi con đến đây thầy đều bảo về chăm sóc bệnh nhân. Con hiểu điều đó lắm. Nếu cái điều đó là cái được thầy gọi là Thiền, con không viếng thầy nữa đâu.
Nanin mỉm cười vỗ nhẹ y sĩ:
- Ta xử với anh có hơi nghiêm khắc. Để ta cho anh một công án. Nanin giới thiệu cho Kusuda công án không của Thiền sư Triệu Châu để vượt qua. Nó là vấn đề giác ngộ tâm đầu tiên trong một cuốn sách gọi là Vô Môn Quan.
Kusuda suy tư về công án không này trong hai năm. Sau cùng anh ta nghĩ rằng mình mình đã đạt được cái tính chắc chắn của tâm. Nhưng Nanin phê bình:
- Con chưa làm được. Kusuda tiếp tục chú tâm trong một năm rưỡi nữa. Tâm anh ta trở nên yên tĩnh. Các vấn đề được hóa giải. Cái Không trở thành chân lý. Kusuda phục vụ bệnh nhân tử tế, và không có ngay cả việc hiểu nó nữa, Kusuda thoát khỏi sự lo âu sống chết.
Rồi Kusuda viếng ni. Ông thầy già của Kusuda chỉ mỉm cười.
 * * *
Một Ngụ Ngôn
Phật kể một truyện ngụ ngôn trong kinh:
Một người đàn ông băng qua một cánh đồng gặp một con cọp giữa đường.
Anh ta chạy trốn, cọp đuổi theo. Đến một vực sâu, anh ta nắm được rễ nho và đu mình sang bên kia. Cọp ở trên dọa anh ta. Sợ hãi, người đàn ông nhìn xuống dưới xa, một con cọp khác đang đợi anh ta. Giúp anh ta chỉ có dây nho.
Hai con chuột, một trắng một đen, từ từ bắt đầu gặm rễ nho. Người đàn ông nhìn thấy một trái dâu thơm ngon gần đó. Một tay nắm dây nho, một tay thò hái trái dâu. Ôi, trái dâu ngon ngọt làm sao!
 * * *
Đệ Nhất Đế
Khi một người bước chân đến đền Obaku ở Kyoto, nhìn thấy trên cổng đền bằng gỗ có chạm mấy chữ Đệ Nhất Đế. Chữ chạm to lớn lạ thường, và những ai thích chữ đẹp đều luôn luôn chiêm ngưỡng như là một kiệt tác. Những chữ này do Kosen vẽ hai trăm năm về trước.
Kosen vẽ trên giấy và người thợ chạm theo đó mà chạm lớn hơn vào gỗ.
Trong lúc Kosen phát họa trên giấy, một chú đệ tử nhỏ can đảm của Kosen đã mài mực cho Kosen đến mấy bình để viết cho đẹp mới thôi, và chú luôn luôn phê bình tác phẩm của thầy chú. Chú nói với Kosen sau lần cố gắng thứ nhất của ông:
- Cái đó không đẹp.
- Cái này thế nào? Kosen hỏi. Chú đáp:
- Tệ. Xấu hơn cái trước.
Kosen kiên nhẫn viết từ tấm này đến tấm khác đến tám mươi bốn tấm. Đệ Nhất Đế chồng chất lên nhau thành đống, vẫn không thấy chú học trò mình đồng ý.
Rồi chú bé bước ra ngoài. Kosen nghĩ:
- Bây giờ là lúc ta tránh được con mắt sắc bén của nó, và Kosen viết nhanh với cái tâm không lo lắng:
- Đệ Nhất Đế.
Chú bé bước vào reo lên:
- Một kiệt tác.
 * * *
Lời Khuyên Của Mẹ
Juin, một giáo sư của Shingon, là một học giả Phạn ngữ nổi tiếng ở thời đại Tokugawn. Khi còn niên thiếu, Juin thường hay diễn thuyết cho bạn bè nghe.
Mẹ Juin nghe được chuyện này, viết thư cho Juin:
- Con, mẹ không nghĩ rằng con là người hiến mình cho Phật, bởi vì con còn muốn trở thành một quyển từ điển biết đi cho những kẻ khác không ngớt lời trình báo và phê bình, vinh quang và danh dự. Mẹ muốn con chấm dứt việc diễn thuyết của con đi. Con hãy ngậm miệng im lặng trong một ngôi đền xa xôi hẻo lánh trên một hòn núi nào đó. Hãy dâng cả thì giờ của con vào việc thiền định và chỉ bằng cách này con mới đạt được sự chứng ngộ chân thực.
 * * *
Âm Thanh Của Một Bàn Tay
Kennin là Mokurai, Im Lặng Sấm Sét, Mokurai có một chú bé hầu cận tên là Toyo. Toyo chỉ mới mười hai tuổi. Toyo thấy những đệ tử khác mỗi sáng và chiều vào phòng thầy để thụ giáo tham thiền (hay là sự chỉ dẫn từng người nhận công án để chận đứng sự lang thang của tâm thức). Toyo cũng tham thiền.
Mokurai bảo:
- Hãy đợi ít lâu. Con còn nhỏ lắm. Nhưng chú bé quyết ý, vì thế cuối cùng Mokurai phải làm vừa lòng chú.
Một buổi chiều, bé Toyo vào giờ riêng, đến cửa phòng tham thiền của thầy.
Chú đánh chuông báo hiệu sự có mặt của mình, chú cung kính cúi đầu đánh lễ ba lần ngoài cửa rồi bước vào phòng im lặng kính trọng ngồi trước mặt thầy.
Mokurai hỏi:
- Con nghe được âm thanh của hai bàn tay vỗ vào nhau. Bây giờ con hãy chỉ cho thầy âm thanh của một bàn tay.
Toyo cúi đầu bái chào thầy rồi về phòng riêng của chú soi xét việc này. Từ cửa sổ của phòng chú nghe tiếng nhạc của các Geisha xa xa bên ngoài. A! Ta có rồi, chú reo lên.
Chiều hôm sau, Mokurai bảo chú mình giải âm thanh của một bàn tay. Toyo bắt đầu chơi nhạc của các Geisha.
Mokurai bảo:
- Không, không. Cái đó không bao giờ đúng. Đó không phải là âm thanh của một bàn tay. Con chưa được chi cả.
Nghĩ rằng như thế sẽ chấm dứt chơi nhạc. Toyo rời chỗ ở đến một chỗ khác.
Chú lại trầm tư:
- Cái gì có thể là âm thanh của một bàn tay?
Chợt chú nghe được tiếng róc rách của nước chảy. Chú nghĩ:
- Ta được rồi! Khi Toyo đến gặp thầy, chú bắt tiếng róc rách của nước chảy.
Mokurai hỏi:
- Cái gì thế? Đó là tiếng nước chảy. Không phải là âm thanh của một bàn tay.
Hãy cố nữa.
Vô ích. Toyo trầm tư suy nghĩ âm thanh của một bàn tay. Chú nghe tiếng thở dài của gió. Nhưng âm thanh này cũng bị từ chối.
Chú nghe âm thanh của chim cú. Âm thanh này cũng lại bị từ chối.
Âm thanh của một bàn tay không phải là âm thanh của những con châu chấu.
Hơn mười lần Toyo viếng thăm Mokurai với những âm thanh khác nhau. Tất cả đều không phải.
Gần một năm trời Toyo suy tự lung lắm về âm thanh của một bàn tay, có thể là cái gì.
Cuối cùng Toyo bước vào sự thiền định thật sự và siêu việt với tất cả các âm thanh. Sau đó chú giảng giải:
- Ta không còn sưu tập nữa vì ta đã đạt được âm thanh không âm thanh.
Toyo đã chứng ngộ được âm thanh của một bàn tay.
 * * *
Tim Tôi Bừng Cháy Như Lửa
Soyen shaku, Thiền sư đầu tiên đến Mỹ châu nói:
- Tim tôi bừng cháy như lửa nhưng mắt tôi nguội lạnh như tro tàn. Soyen shaku đã tạo ra những quy luật sau đây để áp dụng trong suốt đời mình:
- Buổi sáng trước khi mặc quần áo, hãy thắp hương và thiền định.
- Hãy nghỉ vào giờ nhất định. Hãy ăn vào giờ nhất định. Hãy ăn điều độ và đừng bao giờ ăn đến mức thỏa mãn.
- Hãy tiếp khách cùng một thái độ như ở nhà một mình. Khi ở một mình giữ y thái độ như khi tiếp khách.
- Hãy giữ gìn lời nói và nói bất cứ điều gì phải làm theo lời nói.
- Khi cơ hội đến đừng để nó qua mất, hãy luôn luôn nghĩ hai lần trước khi hành động.
- Đừng tiếc nuối quá khứ. Hãy nhìn về tương lai.
- Hãy có thái độ không sợ hãi của một anh hùng và trái tim yêu thương trẻ thơ.
- Lúc ngủ hãy ngủ như đã bước vào giấc ngủ cuối cùng. Lúc dậy, hãy tức khắc rời bỏ giường lại đằng sau như vứt bỏ một đôi giày cũ.
 * * *
Cái Chết Của Eshun
Khi Eshun, một thiền ni, sáu mươi hai tuổi và sắp từ giã trần gian này, Eshun bảo vài nhà sư chất củi thành đống quanh sân.
Rồi Eshun ung dung bước vào ngồi vững vàng giữa giàn hỏa và bảo đốt lửa xung quanh giàn.
Một nhà sư la lên:
- Sư bà, ở đó không nóng sao?
Eshun đáp:
- Việc như thế này chỉ có ngu như ngươi mới sợ hãi mà thôi.
Ngọn lửa dâng cao và Eshun qua đời.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.25/6/2014.

No comments:

Post a Comment