Saturday, 28 June 2014

CÕI CỰC LẠC CỦA PHẬT A DI ĐÀ VÀ PHẬT DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG .

Lời Tụng nói:
Người nào tu tốt nhất,
Được vãng sanh Cực Lạc.
Phật Di Đà hộ trì,
Bồ đề không thoái chuyển.
Dùng tín nguyện mà nương vào Phật đạo là pháp môn nhờ vào tha lực và vui làm (lạc hành). Như trong kinh luận Đại thừa đã nói, pháp môn thì có rất nhiều, nhưng trong đó thù thắng nhất, được giới Phật giáo Trung Quốc đặc biệt coi trọng, không thể không nói là pháp môn Tịnh Độ xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà nguyện vãng sanh Cực Lạc tịnh độ. Cực Lạc thế thế giới ở ngoài mười vạn ức quốc độ tại Tây phương, có đức Phật A Di Đà hiện đang ở đó thuyết pháp giáo hóa. Chư Phật đều chung một đạo, công đức và nguyện lực không thể nói Phật nào hơn Phật nào. Vậy rốt cuộc cõi Tịnh Độ A Di Đà có gì thù thắng?
Trong sự bình đẳng nhất pháp giới, chư Phật chung một đường, nhưng cũng không ngại gì các Phật có sự thể hiện những nét thù thắng đặc sắc khác biệt nhau. Trong kinh Đại thừa tuy nói rộng mười phương Tịnh Độ, ca ngợi rất nhiều loại đạo dễ hành, nhưng thật ra phần nhiều tán thán Tịnh Độ A Di Đà. Đặc sắc của Phật A Di Đà là trong thời kỳ tu tập nhân địa(1)đã lập nên hai mươi bốn đại nguyện (hoặc làm thành bốn mươi tám nguyện), lấy công đức từ bi trí tuệ vô biên ấy hiện thành thế giới Cực Lạc, tuyên thuyết khẳng định rằng: Bất cứ người nào, chỉ cần tin tưởng ở nguyện lực Di Đà, nguyện sanh thế giới Cực Lạc, xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà không kể một ngày, hai ngày cho đến mười niệm (thập niệm)(2), làm được với tất cả lòng thành, chuyên tâm, thành kính, nhất tâm không rối loạn, thì có thể được Phật lực của Phật A Di Đà gia bị hộ trì, sau khi chết sẽ được vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Trong thế giới Cực Lạc ấy, tài vật của cải vô cùng phong phú nên không có cái gì cầu mong không được mà phải chịu khổ. Cùng ở với những người thượng thiện, tinh chuyên tu tập Phật đạo, nên không còn một ai phải oán ghét về sự phải cùng nhau chung tụ, không còn phải khổ não vì ân oán, biệt ly. Như hoa sen nuôi dưỡng hạt sen, trong đời này ắt sẽ được vô sanh pháp nhãn, cho nên cũng hết cái khổ của già, bệnh, chết. Vãng sanh Cực Lạc Tịnh độ, người có căn tính thượng phẩm ngay lúc mới thượng sanh lập tức được hoa nở thấy Phật, chứng ngộ pháp nhẫn vô sanh. Các hạng khác có căn cơ trung, hạ phẩm, tuy chưa liễu thoát sanh tử, nhưng có thể nói sanh tử đã xong, cũng ắt là liễu ngộ vô ngại(3). Tuy chưa đạt mức độ không thoái chuyển, nhưng có thể nói đã được mức không thoái.
Tóm lại, tu học ở nước Cực Lạc, không luận là thời gian dài ngắn, nhất định phải được liễu sanh thoát tử, không thoái chuyển ở vô thượng Bồ đề. Cho nên, nếu tự mình cảm thấy tâm tính khiếp nhược, đạo Bồ tát khó hành, sợ đọa lạc vào hàng Nhị thừa hoặc theo nghiệp lực mà trôi dạt, không thể hướng vào Phật đạo, vậy thì theo pháp môn Tịnh Độ xưng niệm hồng danh Phật A Di Đà là ổn đáng nhất! Đó cũng là phương tiện vi diệu để có thể nhiếp hộ chúng sanh mới phát tâm, khiến họ không đến nỗi thoái mất lòng tin.
Xưng niệm hồng danh Phật A Di Đà cũng cần lễ bái, tán thán, sám hối, khuyến thỉnh, tùy hỷ, hồi hướng. Trong năm môn, thứ lớp thành tựu dần dần như đã nói trong Tịnh Độ Luận, phải từ lễ bái, tán thán mà tiến vào chỉ, quán, hồi hướng; đó cũng là từ từ thành tựu trí tuệ, từ bi, phương tiện. Như vậy, sở dĩ có thể mau đạt mức không thoái chuyển nơi vô thượng Bồ đề, cũng như đã nói trong luận nghị của ngài Long Thọ, là vì: "Muốn đạt đến quả vị A Duy Việt Trí không chỉ ức niệm, xưng danh, lễ bái mà thôi.
Lời Tụng nói:
Không xả hiện pháp lạc,
Mà hướng vào Bồ đề.
Dược Sư đại bi nguyện,,
Hiện Tịnh độ Đông phương.
Trong cõi Tịnh độ của đạo dễ hành, Phật Thích Ca sau khi đã tuyên nói cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà, lại nói cõi Tịnh độ Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư ở phương Đông. Cõi Tịnh độ này lại thích ứng với một hạng căn tính khác. Pháp môn Tịnh độ Cực Lạc Phật A Di Đà là chán bỏ thế gian hiện tại. Bà Vi Đề Hi(4)cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ của thế gian này, không muốn tái sanh vào thế giới này nữa, nên đức Phật vì đó mà nói về cõi Cực Lạc. Đức Phật hoằng dương pháp môn Tịnh độ của Phật A Di Đà, cũng nói: "Không chán Sa Bà, không sanh Tịnh Độ". Do chán cõi nhân gian này nên đặc biệt chú ý cầu mong sau khi chết được vãng sanh. Nhưng cũng có những người căn tính thích nghi với đạo dễ hành, tuy vậy, đối với cuộc sống của cõi nhân gian - như thân thể khỏe mạnh, gia đình hòa thuận an lạc, xã hội phồn vinh, quốc gia phú cường, thiên hạ thái bình v.v... lại không có tâm chán bỏ. Vì để nhiếp hộ hạng người sơ học mà có nguyện "không muốn bỏ pháp lạc hiện tại", khiến họ có thể hướng tới Bồ đề, cho nên Phật Thích Ca lại dạy cho biết về cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư ở phương Đông, tượng trưng sự trường sanh, còn cõi Tịnh độ A Di Đà ở phương Tây tượng trưng cho sự quy tàng.
Giới Phật giáo Trung Quốc khi cầu siêu cho người chết thì xưng niệm Phật A Di Đà, còn cầu trừ tai giải họa, hưởng thọ lâu dài thì xưng niệm Phật Dược Sư. Điều đó thể hiện đầy đủ sự khác biệt sự an lạc của kiếp sau với pháp lạc trong cuộc sống hiện tại. Trong kinh nói: Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, trong thời kỳ tu tập nhân địa, với tâm nguyện đại từ bi, đã phát mười hai nguyện lớn, mục đích để mở mang trí thức, xúc tiến sự nghiệp, chữa trị cho người tàn phế, cứu giúp người nghèo khổ, ốm đau không nơi nương tựa, nguyện cho mọi người được giàu có, ăn mặc ấm no, hạnh phúc, không mê tín tà ma ngoại đạo, không vi phạm pháp luật, khỏi phạt chịu hình phạt, nam nữ bình đẳng, hết thảy chúng sanh đều thành Phật. Với đại hạnh như vậy, Phật Dược Sư Lưu Ly Quang đã làm cho hiện lên ở thế giới Đông phương cõi Tịnh độ gọi là Tinh Lưu Ly cũng thanh tịnh,trang nghiêm như thế giới Cực Lạc ở phương Tây. Phật Dược Sư dùng pháp môn Tịnh độ này để nhiếp hộ lòng tin của chúng sanh, khiến họ được tăng trưởng lợi ích ở cõi Nhân, Thiên cũng lợi ích được vãng sanh về cõi Tịnh độ, cuối cùng thành tựu vô thượng Bồ đề.
Ngày xưa, Ngọc Lân quốc sư, vừa đọc được kinh Dược Sư, liền xưng tụng pháp môn Tịnh độ này là phương tiện vô thượng. Bởi vì số người có tâm chán bỏ thế gian này quá ít, không tương ứng với cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Vậy có pháp môn Tịnh độ của Phật Dược Sư, những người không có tâm chán bỏ thế gian, chiếm số đông, cũng có khả năng vãng sanh Tịnh độ rồi từ đó mà thành Phật. Vì thế Ngọc Lân quốc sư xưng tán cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư là:
Nhân gian diệc hữu Dương Châu hạc,
Đản phạp Như Lai công đức thuyền.

Chốn nhân gian cũng có hạc Tiên ở Dương Châu,
Chỉ thiếu con thuyền công đức của Như Lai)
GHI CHÚ
(1) Nhân địa: Ngôi vị tu hành đạt đến bậc quả địa hoặc quả thượng.
(2) Thập niệm: Tức thập niệm vãng sanh, dù là hạng phàm phu lúc lâm chung mười lần niệm xưng danh hiệu Phật A Di Đà, lập tức được nhiếp thụ cho vãng sanh đến thế giới Cực Lạc.
(3) Vô ngại(Thuật ngữ): Tự tại thông suốt, không trở ngại.
(4) Vi Đề Hi: Phạn ngữ Vaidehi, hoàng hậu của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara), nước Ma Yết Đà (Magadha), mẹ của A Xà Thế (Ajatasatrou). Vua và hoàng hậu đều là người cùng thời khi Phật còn tại thế.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.29/6/2014. 

No comments:

Post a Comment