Thursday, 26 June 2014

Đức Phật đản sinh - Niềm vui vô tận.

Đạo Phật bắt nguồn từ Ấn độ, lưu truyền không gián đoạn ở thế gian này hơn 2500 năm, một khoảng thời gian thật dài so với vô số kiếp người vào sanh ra tử, đã bao lần chết đi sống lại và đầu thai muôn vạn kiếp, theo nghĩa sanh diệt trong từng sát na vô thường và cũng rất là bất biến trong bản thể hằng sống của pháp tánh tịch nhiên. Tuy nhiên, trong dòng chảy hữu biến hay bất biến, thời gian cũng đã cho chúng ta thấu suốt và khẳng định rằng, lời dạy của đức Phật mang tới cho chúng sanh chỉ có một vị đó là an lạc và giải thoát cùng nghĩa là an lạc tự thân chứng đắc, hay giải thoát ngay đây và bây giờ. Vị giáo chủ của đạo Phật hiện nay thánh hiệu là Thích Ca Mâu Ni, nhưng giáo chủ cũng chỉ là một danh xưng trong ngôn lệ khoa học tôn giáo, chứ chưa từng có trong giáo lý giải thoát, chúng ta chỉ tìm thấy hình ảnh của đức Phật dạt dào trong kinh điển như là một vị thầy dẫn đường, một đạo sư chơn chất. Trước khi chưa thành Phật, Ngài là một thái tử tên hiệu Tất Đạt Đa, con đức vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma gia, thuộc dòng tộc Sakya, ở vương thành Ca Tỳ La Vệ.
 
 Thời điểm từ khi đản sinh của Thái tử Tất Đạt Đa, đã là một niềm vui lớn, cho đến khi phát tâm xuất gia rồi giác ngộ thành bậc chánh đẳng chánh giác, hiệu Thích Ca, đó là thời gian trải dài hạnh phúc nhất của hoàng tộc Sakya nói riêng và dân chúng Ấn độ và nhân loại nói chung. Niềm vui và hạnh phúc đó đã chuyển tải đầy đủ những cung bậc đạo đời, hòa quyện trong suối nguồn tình yêu thương nhân loại giữa thế - đạo. Niềm vui và hạnh phúc đó chuyển tải tất cả những chất liệu bí ẩn, hàm chứa trong hiện thực sinh động, bởi tấm chắn đời sống vô minh được mở toang bằng ánh sáng giác ngộ tỏ chiếu. Niềm vui và hạnh phúc đó chuyển tải trong suốt một đạo lý sự thật và minh định chân lý bất di dịch của tạo hóa, bất cứ ai để tâm cầu học chắc chắn sẽ hưởng được vị ngọt tức thời, tựa như người nào vừa ăn xong một chén chè, vị ngọt của nó sẽ có ngay trong vị xúc, thấm diệu thật tự nhiên, theo tự tính nhân quả.
 
Có rất nhiều trang kinh, một lần nữa minh định sứ mạng của chư Phật ba đời thị hiện: “Ta ra đời vì hạnh phúc cho chúng sanh, cho số đông, cho chư thiên và loài người…”. Cũng thế, đức Phật Thích Ca đã từng trả lời cho những người muốn biết về con người thật của Ngài, rằng: “Ta không phải là chúng sanh, cũng không phải là trời, không phải là thiên sứ, không phải là dạ xoa, cũng không phải là càn thát bà…” Ta chính là một con người, một chúng sanh đã giác ngộ. Giác ngộ lẽ vô thường của vạn pháp, giác ngộ sự hủy diệt và thiêu đốt của bản ngã, giác ngộ ra mọi sự nhận thức mê lầm đã dẫn chúng sanh lên xuống trong sáu nẻo luân hồi, và giác ngộ tính chất duyên sanh, không thật có của vũ trụ bao la, mà tất cả chúng sanh đang luân chuyển trong đó .
 
Trang kinh Pháp hoa, minh định sáng tỏ hơn tâm nguyện lực thị hiện của Ngài: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến” tạm hiểu nghĩa là mở bày cho chúng sanh thấy và chứng được tri kiến Phật. Tri kiến Phật, chính là trí tuệ giải thoát. Trí tuệ này không phải có được từ một rừng kiến thức, không phải gặt hái được từ tinh hoa chữ nghĩa của nhân loại, càng không phải là sự khám phá mới lạ giữa vô vàn học thuyết. Tri kiến Phật là sự bừng ngộ tự tâm hiểu và chứng chân lý duyên sanh của vạn pháp, đạt được sự bất động tịch nhiên, không bị thôi thúc sanh khởi từ các pháp và an lạc giải thoát thật sự.
 
Thật vậy, không có một sự đau khổ nào bằng sự ngu dốt, người xưa đã nói: “ngu dốt là kẻ thù lớn nhất của đời người”. Ngu dốt ở đây nên hiểu là không phải thiếu chữ nghĩa, kiến thức, mà chính là không hiểu được chánh pháp, không hiểu rõ chân lý khổ tập diệt đạo những sự thật giữa đời. Người có nhiều chữ nghĩa vẫn bị đau khổ nung đốt khi không làm chủ lấy vận mệnh của mình, không vượt thoát được mọi cám dỗ hào hoa, không thoát khỏi được lưới ma sanh tử, và không nhận ra tính chất huyễn hóa tạm bợ của các pháp đối đãi. Ngu dốt vì không minh đạt được đâu là thiện và ác, đâu là thật và giả, đâu là phương tiện và cứu cánh, đâu là bản thể nhất như của vạn pháp, luôn hằng chuyển và luân lưu. Cũng thế, hạnh phúc và đau khổ có hay không bắt đầu từ ý niệm và ý thức, mà niệm-ý thức đó chính là tâm sanh khởi liên tục của con người. Niềm vui lớn của mỗi người chính là thấy được mấu chốt đó, và ngộ nhập ngay giữa cuộc đời, hạnh phúc là sống ý không bị trói buộc của các cám dỗ vật chất, và không bị kiềm tỏa thôi thúc bởi tinh thần.
 
Hạnh phúc của đạo lý giác ngộ là hoa trái niềm vui đã gặt hái được từ sự tu tập và cầu thoát ly khỏi những tranh đấu giữa ta và người; Hạnh phúc thật sự của con người là sống được trong tình yêu bao la không hận thù và tranh chấp lẫn nhau, muốn có được hạnh phúc đó thì phải biết kiểm soát lấy mình và hiểu được con đường giải thoát ra khỏi những trói buộc của thế gian. Hạnh phúc không bao giờ mất chính là hạnh phúc biết cho người khác, sống không phải chỉ vì mình mà luôn mang tâm niệm phục vụ, thuận theo chiều hướng lợi tha.
 
Thái tử Tất Đạt Đa không vì lợi ích và hạnh phúc của cá nhân mình, do vậy Ngài đã phát tâm dõng mãnh, quên mình, cần cầu giáo pháp giải thoát để tìm ra con đường giác ngộ để phục vụ tha nhân. Nhân loại hôm nay, cũng như bao nghìn năm trước được xoa dịu, và tưới tẩm trong bình an để tồn tại, bên cạnh những cạnh tranh gay gắt của chiến tranh và hận thù, của tham ái và khát khao chiếm hữu không biết nhàm chán, bên trong cũng như bên ngoài, chính là sự đóng góp tích cực của lời dạy đức Phật. Tuy rằng, đức Phật không còn hiện hữu giữa cuộc đời này, trong báo thân kết tụ đầy đủ trí tuệ và phước đức, nhưng pháp thân hằng hữu của Ngài chính là những lời dạy và hành động thiết thực của người con Phật đóng góp trong sự kiến tạo hạnh phúc tại thế gian. Ứng hóa thân Phật là những ẩn hiện nhiệm mầu thường xuyên có mặt giữa cuộc đời, để nhắc nhở chúng sanh, hồi đầu tu tập. Đức tính từ bi và năng lực trí tuệ là những ứng hóa thân luôn ẩn hiện giữa người này và người khác, mà chúng ta thường gọi là Tâm Phật, tuy nhiên rất nhiều khi chúng ta không hề hay biết. Tâm Phật không đâu xa chính là cung cách ứng xử thích hợp của mỗi người qua cuộc sống. Không mang tâm tranh chấp, bảo thủ, luôn giữ tâm hỷ xả chính là nguồn năng lực vô biên để kiến tạo hạnh phúc của mọi loài. Niềm vui lớn chính là những điều thiện nhỏ nhoi được làm từ mỗi người mà chính chúng ta nhiều khi không trân trọng, như nước nhỏ giọt sẽ tràn đầy bình chứa một ngày nào đó, khi hội đủ điều kiện nhân duyên. Một ý niệm sống có tương trợ cho tha nhân, biết bảo vệ hạnh phúc của mình và người chính là năng lực tương tác để cho cuộc đời này thêm tươi sáng. Người cho và người nhận cũng đồng thọ nhận một niềm vui, bởi chính sự cho đi mà không có mưu lợi, người và người có ý thức không làm khổ đau cho nhau chính là niềm vui lớn. Niềm vui này không có nơi nào sản xuất ra được, mua bán đổi chác được, chỉ có sự hiểu biết khôn ngoan và ý thức vạn pháp đều do tâm tạo và biết chỉnh lý tâm, thì niềm vui sẽ đến.
 
Bao nhiêu sự kiến tạo cho sự phúc lợi và hạnh phúc của nhân loại hôm nay, chính là sự tập trung năng lực tìm kiếm một hướng đi mới, trong từng ngày mới để có ra được phương pháp hữu hiệu làm giàu thêm cách sống. Một sự sáng tạo hạnh phúc mà không đề cập đến sự tương quan nhân quả giữa tâm và cảnh, giữa vật chất và tinh thần, giữa thế học và đạo học, thì mọi ước mơ đó sẽ sụp đổ. Hạnh phúc và niềm vui vẫn còn ở đâu xa, nếu chỉ quan tâm để cải tạo môi trường sống theo chiều hướng cung cấp và hưởng thụ vật chất. Bởi lẽ, vật chất dù có thể đáp ứng đầy đủ cho cơ thể, thỏa mãn những cảm giác tham muốn, nhưng không làm sao có thể để nuôi dưỡng tinh thần, mà tinh thần là cội gốc để sản sinh niềm vui trong cuộc sống. Vật chất có thể cung cấp được niềm vui tạm bợ, chứ không thể cung cấp được niềm an lạc lâu dài. Đạo lý giải thoát là chất liệu để cung cấp cho sự tìm kiếm một niềm vui lâu dài. Như trong thực tế, lời dạy của đức Phật cho đến hôm nay, thế giới văn minh đón nhận và được tôn vinh như là chất liệu duy nhất cần và đủ để cung ứng cho sự an toàn trong cuộc sống.
 
Như vậy, người con Phật phải làm gì, khi chúng ta nói rằng hạnh phúc thay giáo pháp cao minh? Lời dạy của đức Phật từ xưa đến nay, có thực sự giá trị hay không chính là sự tu tập của mỗi người con Phật, và hơn thế nữa cần phải xiển dương giáo pháp này ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Sở dĩ, đạo Phật cho đến hôm nay có mặt khắp nơi, đến đâu cũng được tiếp nhận và trao truyền chính là sự cố gắng truyền thừa không ngừng nghỉ của bao nhiêu thế hệ người con Phật tiền bối. Để có được niềm vui vô tận theo tâm nguyện của chư Phật ba đời không gì hơn chính là tự thân ngọn đèn giác ngộ phải được đốt sáng và mang ngọn đèn chánh pháp đi thắp sáng muôn nơi, như chúng ta đã từng học được lời pháp thoại chứa đựng tính chất hoằng pháp của người con Phật: “Ông Duy Ma Cật bảo: Này các cô! Có pháp môn tên là:”Vô tận đăng”, các cô hãy siêng năng tu học. Vô tận đăng có nghĩa là cây đèn vô tận. Ví như một ngọn đèn đem mồi thêm ra cả trăm ngọn đèn, khiến cho chỗ tối được sáng, sáng rộng và sáng mãi mà ngọn đèn nguyên thủy chẳng hao mòn chút ánh sáng nào. Cũng như vậy, thưa các cô! Bồ Tát có thể dạy dỗ cho trăm, ngàn chúng sanh khiến cho họ phát tâm vô thượng Bồ Đề mà đạo tâm và đạo hạnh của Bồ Tát chẳng có giảm sút. Ví như ngọn vô tận đăng ấy! Các cô dù ở cung ma xử dụng pháp “Vô tận đăng” khiến cho chư Thiên tử, thiên nữ phát tâm vô thượng Bồ Đề, thì chính các cô đã đền đáp thâm ân Phật”.

Chỉ có học hỏi chánh pháp và tu tập theo chánh pháp thì niềm vui đó sẽ được nhân lên từng ngày, niềm vui xa lìa ngũ dục và không bị ngũ dục chi phối chính là niềm vui không bao giờ bị đánh cắp dù chỉ phân hào, tựa như ngọn đèn chánh pháp được lưu truyền mãi thì ngọn đèn đó mỗi ngày chỉ sáng lên chứ không bao giờ hao hụt.
 
Cũng thế, thiết nghĩ rằng để đền đáp ơn Phật trong muôn phần, không gì hơn, người con Phật chúng ta hãy phát tâm hơn nữa, làm lợi ích cho mình cho người, đem niềm vui đến cho người, thì chính mình đã có được niềm vui, dù đang sống trong đời quá nhiều ô nhiễm và não loạn. Sự nhàm chán cõi thế tục là một sự giác ngộ chính đáng, nhưng không vì đó mà tiêu cực trong nếp sống thường ngày, cần phải tích cực hơn nữa để dấn thân tịnh hóa Phật độ. Bồ đề không thể tìm ngoài phiền não, hạnh phúc không thể tìm ngoài cuộc sống hiện tại, và niềm vui chính là thoát khỏi đống bùn nhơ của thân và tâm thức ô nhiễm.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.27/6/2014.

No comments:

Post a Comment