KIẾN TẠO BÌNH AN.
KIẾN TẠO BÌNH AN.
* * *
Bình an là điều mà ai cũng mong ước, nhưng không phải ai cũng biết “gốc tích” của bình an. Thế nên, có nhiều khi, đối với nhiều người nghĩ rằng đang đi tìm bình an nhưng lại là đang đi về hướng của bất an, của nỗi khổ niềm đau…
Kiến tạo, không phải là xin xỏ
Vâng, kiến tạo có nghĩa là ta phải nghĩ-nói-làm, tạo ra nhân bình an để đưa tới quả bình an. Giống như việc mình muốn gặt lúa thì mình phải canh tác, trồng lúa vậy; mình không thể trồng đậu, trồng cà lại ước mong thu hoạch được lúa. Không có chánh nhân thì không thể đưa tới kết quả, và như thế, không những ta không đạt được điều mình muốn mà còn mất thêm những điều mình đang có.
Tìm kiếm bình an bằng cách cầu xin là phương pháp mà đa số người thực hiện vì nghĩ rằng, có ai đó, một vị thần linh hay một đấng toàn năng có thể nghe được lời khấn xin, cầu nguyện của mình mà ban phước, cho mình có được sự bình an trong cuộc sống. Nếu hiểu rằng, bình an là một cái gì đó có thể cầm nắm và ban phát từ một ai đó và nó có thể được sử dụng như một món đồ nào đó mà mình vẫn thường sử dụng thì mình đã hiểu không thật đúng về giá trị tinh thần-tâm linh này. Thực ra, bình an nó là một cảm thọ có tính chất tương đối, không giống nhau đối với từng người và không phải ai cũng dễ dàng cảm nhận được sự bình an trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy mà ta vẫn thường thấy người ta than khổ, than buồn, than chán… nhiều hơn là mỉm cười, yên an trong cuộc sống.
Nếu là Phật tử mà ta chỉ biết xin Phật, Bồ-tát cho mình có bình an, và cứ mãi xin thôi thì mình sẽ biến thành một tín đồ ngoại đạo, dẫu mình mang danh-sắc (tướng và tên gọi) Phật tử. Bởi vì, có thể mình chỉ tin mà chưa hiểu Phật, nghĩa là chưa thấm cốt tủy lời Phật dạy. Đức Phật dạy về việc kiến tạo an lạc, hạnh phúc… chính là việc mình phải thực tập – thay đổi ba nghiệp (ý-khẩu-thân) theo hướng thiện lành.
Trong mỗi phái quy y mình nhận được từ bổn sư khi mình phát nguyện thọ trì Tam quy, Ngũ giới đều có thi kệ: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”, nghĩa là “Chớ làm các việc ác. Siêng làm các việc lành. Giữ tâm ý thanh tịnh. Là lời chư Phật dạy”. Rõ ràng, chỉ bốn câu kệ này đã diễn bày một con đường tu tập của người bắt đầu bước vào học Phật, làm theo lời Phật dạy, là chìa khóa để mở cửa bình an, vào đạo.
Chớ làm các việc ác, có nghĩa là đoạn ác. Khi chưa biết Phật, chưa quy y Tam bảo thì mình không biết nhân-quả, cũng như chưa được đánh thức những hạt giống thiện lành trong mình hay nói cách khác là khi ấy “nồng độ” của tam độc (tham-sân-si) trong mình còn quá đậm đặc, khiến mình mê mờ, ám muội trong tạp niệm xấu ác, những việc làm không đúng Chánh pháp cứ thế được mình tác tạo trong ý-ngữ-thân thường xuyên mà mình nghĩ là đúng. Từ đó, đưa tới khổ đau triền miên, ngập ngụa trong vòng quẩn quanh đau khổ, cho đến khi chạm vào cùng cực khổ đau và may mắn gặp bạn lành, thầy tốt, thấy hình tượng Tam bảo thảnh thơi, an lạc… mình mới bắt đầu quay trở lại, tìm hiểu, học hỏi, sửa mình.
Thực ra, đó mới chính là con đường đưa tới an lạc, và bình an đã có mặt ngay khi mình thấy và đi trên con đường đó. Chính vì thế, thiền sư nói “hạnh phúc là con đường”.
Thấy Phật ở đây có nghĩa là thấy nhân quả, nghiệp báo, xấu hay tốt vốn đều bắt nguồn từ bản thân mình để rồi nguyện thọ nhận những quả không tốt mà mình đã gieo, cũng như thực tập những điều lành theo tinh thần của lời Phật dạy để thay đổi cuộc sống, định hướng tương lai cho một hướng đi tử tế, an lạc. Khi hiểu rằng, mọi khổ đau, ách nạn là kết quả của quá trình tác tạo nhân-duyên trong quá khứ hoặc hiện tại đời này thì mình sẽ nhẹ nhàng, à một tiếng, rồi mỉm cười chào những oán đối, bệnh tật, khổ đau, ách nạn… đó, vì nó là “người xưa” mà mình đã từng “tặng” cho ai đó, cho cuộc đời này. Cái à, nhận ra một cách hiển nhiên, là “lẽ đương nhiên” ấy sẽ giúp mình chấp nhận và đứng lên từ chính nỗi đau hiện tại, vững bước đi theo lời kệ “tự tịnh kỳ ý”. Làm thanh tịnh thân-tâm, chính là biết nhận chân sự việc mà bình thản, không loay hoay lý giải hay quy chụp vào một vài duyên cớ trước mắt, hay đổ lỗi cho người khác, cho ông trời thiếu công bằng, thần linh không linh…
Nếu thực sự hiểu Phật thì ngay cả khi đó là lỗi của người, là con Phật, là đệ tử của Đức Thế Tôn mình cũng sẽ à lên một tiếng, vì mình biết giá trị của việc oan trái người ta gây tạo dành cho mình chính là để mình vững chãi hơn trên bước đường tu-học, như một thứ thuốc thử để xem mình đạt tới đâu rồi trong lời Phật dạy, đi tới chỗ nào trên lộ trình “theo gót Như Lai”. Đồng thời, đó cũng là chất xúc tác giúp mình đạt đến độ rắn chắc cần thiết, bước vào những cái ngưỡng cần thiết, như một bước ngoặt trong cuộc đời tu – học của mình. Nghĩ thế, mình sẽ nhẹ hều mà đón nhận mọi khổ đau, ách nạn, vẫn có thể bình an mà cười mỉm dù có thể đối với người chưa biết gì về Phật pháp thì đó là điều thật quá kinh khủng, quá sức dung chứa, quá sức chịu đựng.
Bây giờ và ở đây…
Có nghĩa là “an trú trong hiện tại”. Ta vẫn thường hay chạy về quá khứ cũng như mơ tưởng tương lai mà bỏ quên hiện tại, vốn là giây phút mà mình có thể chạm vào để biết “ta là ai”, thấy “khuôn mặt” của bình an.
Ta là vô thường, là cát bụi và cũng là bất sinh bất diệt. Nếu thấy ta là một thực thể thân-tâm kết tạo từ sự mượn vay tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thì tất nhiên nó vô thường, nghĩa là nó sanh-trụ-dị-diệt trong từng sát-na, không thật là nó, mà nó thay đổi theo ý-ngữ-thân của mình. Vì thế, nó biểu hiện thế nào, nó sanh, già, bệnh, chết gì mình cũng thấy nhẹ nhàng, không cưỡng cầu cũng là cơ hội để bình an hiện diện. Và tất nhiên, nếu xả báo thân này thì sẽ “trở về cát bụi”, nhưng Phật tánh thì thường hằng, dẫu bị lấp che bởi đủ thứ râu ria với những hình tướng, lý luận kiểu của thế gian.
Nếu chạm vào được Phật tánh đó và sống với chân thật tâm ấy, bắt đầu xốc xới lại từ, bi, hỷ, xả trong mình thì ta sẽ có thể có bình an. Đó là trạng thái tĩnh lặng, thấy rõ thật tướng của mọi biểu hiện đều là quá trình vần xoay của nhân-duyên-quả, rồi xả buông, không nắm bất kỳ điều gì, kể cả con đường giúp mình đến bờ giác.
Thực tập “an trú trong hiện tại” chính là một pháp môn giúp mình định tâm, trong từng hơi thở vào ra đều nhận biết, để nhận biết được mọi thứ (tuệ). Niệm-định-tuệ (Tam vô lậu học), Phật tử phải thực hành bằng hơi thở vào-ra chứ không phải chỉ là hiểu và dừng lại, bởi như thế sẽ chẳng thể nào thấy được bình an thực sự. Chính vì thế mà mới có câu “ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”, cũng như “ai uống nước thì mới biết nước nóng hay lạnh”. Sự trải nghiệm này là một thực chứng, bắt đầu bằng dừng lại, tiếp xúc với hiện tại, với chính mình, với Phật thông qua việc thở vào – tôi biết mình đang thở vào, thở ra – tôi biết mình đang thở ra…
Khi đó, mình sẽ thấy, kiến tạo bình an có nghĩa là đoạn ác, làm lành, là tiếp xúc với hiện tại, là học-hành lời dạy của Đức Thế Tôn chứ không phải là xin Ngài ban cho mình sự bình an một cách dựa dẫm thường tình, thậm chí mua chuộc như một số người vẫn nghĩ và thường làm trong những buổi cúng sao, dâng sớ… vào mỗi mùa lễ lạt cũng như chỉ đi chùa tháng vài lần, ăn chay tháng vài ngày là coi như xong, coi như đã đủ rồi!.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.26/6/2014.
No comments:
Post a Comment