Wednesday 19 March 2014

13 Vị Tổ Tịnh Độ: Ngũ Tổ Thiếu Khang Đại Sư và Lục Tổ Vĩnh Minh Đại Sư

 
Từ buổi sơ sanh, ngài im lặng không nói. Năm bảy tuổi nhân lễ trai hội, ngài theo mẹ vào chùa lạy Phật. Bà chỉ tượng Phật hỏi đùa rằng: "Con có biết đó là ai chăng?" Ngài bỗng ứng tiếng đáp: "Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn!". 
 


5- Đường Liên Tông Ngũ Tổ Tân Định Ô Long Thiếu Khang Đại Sư
 
Thiếu Khang đại sư họ Châu, người đời nhà Đường, ở vùng núi Tiên Đô xứ Tấn Vân. Từ buổi sơ sanh, ngài im lặng không nói. Năm bảy tuổi nhân lễ trai hội, ngài theo mẹ vào chùa lạy Phật. Bà chỉ tượng Phật hỏi đùa rằng: "Con có biết đó là ai chăng?" Ngài bỗng ứng tiếng đáp: "Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn!". Biết con mình có duyên lành với Phật pháp, cha mẹ ngài liền cho đi xuất gia. Căn cơ linh mẫn, đến mười lăm tuổi ngài đã thông suốt được năm bộ kinh.
 
Niên hiệu Trinh Ngươn năm đầu, Đại sư đến viếng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương. Thấy chỗ để sách trong đại điện phóng quang, ngài lại tìm xem, thì áng sáng phát xuất từ tập văn Tây Phương Hóa Đạo của Thiện Đạo Hòa Thượng, ngài liền khấn rằng: "Nếu tôi có nhân duyên với Tịnh độ, nguyện tập văn này phóng quang một lần nữa!" Vừa dứt lời, ánh sáng lại càng chiếu ra rực rỡ, trong ấy ẩn hiện hình dạng các hóa Bồ Tát. Ngài chấp tay nói: "Kiếp đá có thể mòn, nguyện này thề không dời đổi!".
 
Nhân đó, Đại sư đến Trường An, chiêm lễ di tượng của Thiện Đạo Hòa Thượng. Đang khi lễ, tượng của Nhị Tổ bỗng bay lên, bảo ngài rằng: "Ông nên y theo lời dạy của ta mà phổ độ chúng sanh, ngày kia công thành, sẽ sanh về Cực Lạc!". Đi ngang qua Giang Lăng, ngài gặp một Sư cụ bảo: "Ông muốn hoằng hóa, nên sang xứ Tân Định, cơ duyên ở nơi đó!" Nói xong bỗng biến mất. Sau thời gian ấy, Đại sư, đến Tân Định, thấy người xứ này chưa biết niệm Phật là gì. Dùng phương tiện, ban sơ ngài quyên tiền dẫn dụ trẻ con niệm Phật. Nếu đứa nào niệm Phật được một câu; ngài liên thưởng cho một đồng tiền.
 
Như thế hơn một năm, rồi không cần thưởng tiền, chúng nó cũng niệm. Tập quán lần quen, về sau lúc gặp đại sư ở trong nhà hay đi chơi ngoài đường, chúng cũng vẫn niệm. Từ đó, nam nữ, già trẻ, hễ thấy ngài đều niệm: A Di Đà Phật! Nhân sự việc này, dân chúng vùng ấy lần lượt phát tâm thờ cúng niệm Phật rất nhiều. Thấy cơ duyên đã có phần thuần thục, Đại sư thành lập Tịnh độ đạo tràng ở Ô Long Sơn, xây đàn tam cấp.
 
Cứ đến ngày trai, thiện nam tín nữ đều họp nơi đó để niệm Phật nghe pháp. Thường thường số người họp có trên ba ngàn. Mỗi khi thăng tòa, ngài chấp tay to tiếng niệm Phật, thì đại chúng ở dưới đều xướng niệm hòa theo. Có lúc Đại sư xưng một câu Phật hiệu, hội chúng thấy một đức Phật từ miệng ngài bay ra. Niệm đến mười câu, trăm, ngàn câu đều có mười, trăm, ngàn, ngàn vị Phật bay ra, liên tiếp như xâu chuỗi.
 
Đại sư bảo: "Qúi vị đã được thấy Phật, chắc chắn đều sẽ vãng sanh!" Mọi người nghe nói đều có cảm niệm vui mừng an ủi. Năm Trịnh Ngươn thứ hai mươi mốt, vào tháng 10, Đại sư họp hết hàng đạo tục đến dặn bảo rằng: "Các vị nên phát tâm chán lìa cõi ta bà ác trược, ưa thích miền Tịnh độ an vui, mà cố gắng tu hành tinh tấn. Giờ phút này ai thấy được quang minh của ta, kẻ ấy mới thật là hàng đệ tử". Nói xong, ngài phóng vài tia sáng lạ đẹp dài, rồi ngồi yên lặng mà tịch. Đại chúng xây tháp ngài ở Đài Nham, tôn hiệu là Đài Nham Pháp Sư.
 
6- Đường Liên Tông Lục Tổ Hàng Châu Vĩnh Minh Diên Thọ Đại Sư
 

Diên Thọ Đại sư, tự Xung Huyền, người đời Tống, con của họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa, cảm đến bầy dê quỳ mọp nghe kinh. Lớn lên, Xung Huyền được Văn Mục Vương tuyển dụng, cho làm quan trông nom về thuế vụ. Nhiều lần ngài lấy tiền công qũy đến Tây Hồ mua cá trạnh phóng sanh. Việc phát giác ra, bị Pháp ty thẩm định, xử ngài vào tội tử hình. Lúc sắp đem đi chém, Văn Mục Vương bí mật cho người rình xem, nếu thấy ngài nhan sắc thản nhiên, không tỏ về buồn rầu lo sợ, thì phải đem về trình lại. Thấy ngài trước sau vẫn an điềm.
 
Sứ giả trao sắc chỉ cho quan Giám trảm, rồi dẫn về diện kiến vua. Khi Vương hỏi duyên cớ, ngài đáp: "Tôi tự dụng của công, đáng tội chết. Nhưng toàn số tiền đó, tôi dùng mua cứu được muôn ức sanh mạng, thì dù thân này có chết, cũng được vãng sanh về cõi Liên Bang, vì thế nên tôi không lo sợ".
 
Văn Mục Vương nghe qua cảm động, ra lịnh tha bổng. Ngài xin xuất gia, Vương bằng lòng. Sau đó, ngài đến quy đầu với Thúy Nham thiền sư ở Tứ Minh. Kế lại tham học với Thiều Quốc Sư ở Thiên Thai, tỏ ngộ tâm yếu, được Quốc sư ấn khả, ngài từng tu Pháp Hoa Sám ở chùa Quốc Thanh. Trong lúc thiền quán thấy đức Quán Thế Âm Bồ Tát rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại. Do túc nguyện muốn chuyên chủ về Thiền hoặc Tịnh mà chưa quyết định, ngài đến thiền viện của Trí Giả đại sư, làm hai lá thăm: một lá đề Nhất tâm Thiền định, còn lá kia là: Trang nghiêm Tịnh độ.
 
Kế lại chí tâm đảnh lễ Tam Bảo sám hối, cầu xin gia bị. Đến khi rút thăm, luôn bảy lần đều nhằm lá Trang Nghiêm Tịnh Độ. Từ đây ngài nhất ý tu về Tịnh nghiệp. Năm Kiến Long thứ hai đời Tống. Trung Ý Vương thỉnh ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh, tôn hiệu là Trí Giác thiền sư. Ngài ở đây trước sau mười lăm năm, độ được một ngàn bảy trăm vị Tăng. Đại sư lập công khóa, mỗi ngày đêm hành trì một trăm lẻ tám điều và hai điều đặc biệt trong đó, là tụng một bộ kinh Pháp Hoa, niệm mười muôn câu Phật hiệu. Ban đêm khi ngài qua gộp núi khác niệm Phật, những người ở gần nghe tiếng loa pháp cùng thiên nhạc trầm bổng du dượng. Về kinh Pháp Hoa, trọn đời ngài tụng được một muôn ba ngàn bộ. Đại sư thường truyền giới Bồ Tát, mua chim cá phóng sanh, thí thức cho qủi thần, tất cả công đức đều hồi hướng về Tịnh độ. Ngài có trứ tác một trăm quyển Tông Cảnh Lục, hội chỉ thú dị đồng của ba tông: Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Duy Thức. Đại sư lại soạn ra tập Vạn Thiện Đồng Quy.
 
Trong đây lời lẽ chỉ dạy về Tịnh độ rất thiết yếu, đại lược như sau: Hỏi: Cảnh duy tâm Tịnh độ đầy khắp mười phương, sao không hướng nhập, mà lại khởi lòng thủ xả, cầu về Cực Lạc gởi chất ở đài sen. Như thế đâu hợp với lý vô sanh, và đã có tâm chán uế ưa tịnh thì đâu thành bình đẳng? Đáp: Sanh duy tâm Tịnh độ là phần của các bậc đã liễu ngộ tự tâm, chứng được pháp thân vô tướng. Tuy nhiên, theo kinh Như Lai Bất Từ Nghị Cảnh Giới, thì những bậc chứng Sơ địa vào Duy tâm độ, cũng nguyện xả thân để mau sanh về Cực Lạc.
 
Thế thì biết ngoài tâm không pháp, cảnh Cực Lạc đâu ngoài Duy Tâm? Còn về Phần "Lý vô sanh mà môn bình đẳng" tuy lý thuyết là như thế, nhưng kẻ lực lượng chưa đủ, trí cạn tâm thô, tập nhiễm nặng, lại gặp cảnh trần lôi cuốn mạnh mẽ, dễ gì mà chứng nhập được. Những kẻ ấy cần phải cầu sanh Cực Lạc, nhờ cảnh duyên thắng diệu ở đó, mới mau chứng vào Tịnh độ duy tâm và thực hành Bồ Tát. Thập Nghi Luận cũng nói: "Bậc trí tuy liễu vô sanh, song vẫn hăng hái cầu về Tịnh độ, vì thấu suốt sanh thể như huyễn không thể tìm được. Đó mới thật là chân vô sanh. Còn kẻ ngu không hiểu lý ấy, bị nghĩa sanh ràng buộc nghe nói sanh thì nghĩ rằng thật có tướng sanh, nghe nói vô sanh lại tưởng lầm là không sanh về đâu cả. Do đó, họ mới khởi niệm thị phi chê bai lẫn nhau gây thành nghiệp tà kiến báng pháp. Đáng thương thay!
 
Hỏi: Kinh luận nói: "Ngoài tâm không pháp, Phật không khứ lai". Nhưng sao người tu Tịnh độ lại thấy Thánh tướng và việc Phật đến rước là như thế nào? Đáp: Kinh Bát Chu nói: "Như người nằm mơ thấy bảy thứ báu, hàng thân thuộc đều cùng vui mừng. Đến lúc thức tỉnh nghĩ lại, chẳng biết cảnh sang giàu ấy ở đâu? Sự việc niệm Phật cũng như vậy". Thế thì biết các cảnh đều như huyễn, do duy tâm hiện, tức có mà không, tuy hiện tướng khứ lai song thật không có đến đi.
 
Cho nên, thánh cảnh tuy như huyễn, song chẳng phải không có huyễn tướng, việc đến đi tuy không thật, song chẳng ngại gì có tướng khứ lai. Đó là lý trung đạo. Huyễn sắc tức chân không chính huyễn sắc, có và không đều vô ngại. Tất cả sự và cảnh chúng sanh đang sống ở thế gian này, cũng đều như thế. Thật ra, chân cảnh của duy tâm, không có đông tây cùng phương hướng, không có đến đi qua lại, cũng không có một pháp nào ngoài tâm. Nhưng với bậc đã dứt trừ nghiệp hoặc, chứng vô sanh nhẫn, vào thật tướng của pháp thân, mới dám đương sánh huyền lý trên đây. Còn hàng sơ tâm mới tu, chớ nên lầm tự nhận. Hỏi: Theo Quán kinh thì phải nhiếp tâm vào định, quán y báo chánh báo cõi Cực lạc rõ ràng, mới có thể về Tịnh độ. Tại sao kẻ chưa vào định, tu môn Trì danh cũng được vãng sanh?
 
Đáp: Chín phẩm sen ở Cực lạc gồm nhiếp tất cả công hạnh thấp cao, song không ngoài hai điểm: Định tâm và Chuyên Tâm. 1. Định tâm hay định thiện, là những vị tu tập quán pháp thành công, hoặc trì danh hiệu được vào tam muội. Các vị này sẽ sanh về thượng phẩm. 2. Chuyên tâm hay tán thiện, là những người chỉ niệm danh hiệu chưa được vào tam muội, hoặc tu các công đức lành khác trợ giúp, rồi phát nguyện hồi hướng. Hạng người này cũng được dự vào các phẩm thấp hơn. Nhưng cần phải trọn đời quy mạng Tây phương và chuyên cần tu tập. Lúc ngồi nằm thường xây mặt về Tây phương. Khi niệm Phật, lúc phát nguyện, phải chí thành không xao lãng. Tâm niệm khẩn thiết ấy ví như kẻ bị gông xiềng tù ngục cầu mau thoát ly; người lâm cảnh lửa cháy, nước trôi, hoặc giặc cướp rượt đuổi mong được thoát khỏi nạn. Lại phải vì sự sống chết, phát lòng Bồ đề, cầu sanh Tây Phương, mau thành Thánh đạo để đền đáp bốn ân, nối thạnh Tam Bảo, độ khắp muôn loài. Chí thành như thế, quyết chắc sẽ được kết qủa.
 
Trái lại, nếu lời và hạnh không hợp nhau, sức tín nguyện yếu kém, tâm không chuyên nhất, sự tu hành không tương tục thì khó hy vọng thành công. Bởi kẻ biếng trễ như thế e khi lâm chung bị nghiệp chướng trở ngăn, chẳng gặp bạn lành, lại thêm thân thể đau nhức, tâm thức hôn mê, không thành chánh niệm.
 
Vì sao? Bởi hiện tại là nhân, khi lâm chung là qủa. Cần phải nhân cho chắc thật, qủa mới không hư luống, như tiếng hòa nhã thì vang dịu dàng, hình ngay tất bóng thẳng vậy. Nếu muốn khi sắp chết mười niệm thành công, thì ngay lúc hiện tại phải một lòng chí thiết tinh tấn tu hành, tất không còn điều chi lo ngại. Đại khái, chúng sanh bởi tâm chia thiện ác, nên báo có khổ vui. Do nơi ba nghiệp tạo thành, mới khiến sáu đường luân chuyển. Nếu tâm sân hận, tà dâm, đó là nghiệp Địa ngục. Tâm tham lam, bỏn xẻn là nghiệp Ngạ qủy. Tâm ngu si, tà kiến là nghiệp Súc sanh. Tâm ngã mạn, tự cao là nghiệp Tu la. Giữ bền Ngũ giới, là nghiệp người. Tiến tu Thập Thiện là nghiệp Trời. Chứng ngộ nhân không, là nghiệp Duyên giác. Tu trọn Lục độ, là nghiệp Bồ Tát. Chân từ bình đẳng là nghiệp Phật. Nếu tâm thanh tịnh niệm Phật, thì hóa sanh về Tịnh độ, ở nơi bảo các hương đài.
 
Như ý mê tối đục nhơ, tất bởi chất cõi uế bang, nương cảnh nổng gò hầm hố. Cho nên lìa được tự tâm không còn biệt thể, muốn được qủa tịnh, phải chủng nhân mầu. Như tánh nước chảy xuống, tánh lửa bốc lên, lý thế tất nhiên, có chi mà ngờ vực! Đại sư lại vì người đương thời còn phân vân giữa Thiền và Tịnh, chưa biết tu môn nào được kết qủa chắc chắn, nên làm kệ Tứ Liệu Giản để so sánh sự lợi hại như sau: Có Thiền không Tịnh độ Mười người, chín lạc lộ. Ấm cảnh khi hiện ra Chớp mắt đi theo nó.
 
Không Thiền có Tịnh độ Muôn tu muôn thoát khổ. Vãng sanh thấy Di Đà Lo gì chẳng khai ngộ? Có Thiền có Tịnh độ Như thêm sừng mãnh hổ. Hiện đời làm thầy người Về sau thành Phật, Tổ. Không Thiền không Tịnh độ Giường sắt, cột đồng lửa! Muôn kiếp lại ngàn đời Chẳng có nơi nương tựa. Niện hiệu Khai Bảo thứ tám, ngày 26 tháng 2 vào buổi sáng sớm. Đại sư lên chánh điện đốt hướng lễ Phật. Lễ xong, ngài họp đại chúng lại dặn dò khuyên bảo, rồi ngồi kiết già trên pháp tòa mà thị tịch, thọ được bảy mươi hai tuổi. Về sau, có vị Tăng từ Lâm Xuyên đến, trọn năm kinh hành lễ tháp của Đại sư.
 
Có người hỏi duyên cớ, vị Tăng đáp: Năm trước tôi bị bịnh nặng, thần thức vào cõi u minh, thấy bên tả đại điện có thờ tượng một vị Hòa thượng. Minh Vương đang cung kính lễ bái tượng ấy. Tôi thưa hỏi nguyên do, mới biết đó là tượng Diên Thọ thiền sư ở chùa Vĩnh Minh tại Hàng Châu. Ngài đã vãng sanh về phẩm Thượng thượng nơi cõi cực Lạc. Minh Vương trọng đức nên kính thờ". Theo truyện ký, vào thời Ngô Việt Vương, tại Hàng Châu có Hòa thượng Hành Tu, trụ trì chùa Pháp Tướng.
 
Ngài vốn con nhà họ Trần ở Tuyền Nam, sanh ra có tướng lạ, hai tai dài chấm tới vai, đến bảy tuổi vẫn không nói. Một hôm có người đùa hỏi, ngài bỗng ứng tiếng đáp: "Nếu không gặp bậc tác gia, nói cho lắm chỉ xô phá lầu khói mà thôi!". Sau ngài xuất gia ở chùa Ngõa Quan tại Kim Lăng, tham phỏng với Tuyết Phong thiền sư, ngộ được tâm ấn. Từ đó mãnh thú gặp ngài đều thuần thục, từng nổi tiếng là ông Tăng có nhiều sự phi thường, linh dị. Có một Đại đức hỏi: "Thế nào ý nghĩa của đôi tai dài?" Ngài không đáp, chỉ kéo dài hai tai mà biểu thị. Lại hỏi: "Chót núi phương Nam có khó đến chăng"?". Ngài đáp: "Chỉ tại chưa từng đi đến". Hỏi: "Sau khi đến rồi như thế nào?.
 
Đáp: "Một mình nằm nghỉ đỉnh non cao". Ngô Việt Vương nhân khi đến chùa lễ Phật, có hỏi ngài Vĩnh Minh: "Bạch tôn đức! Thời nay có bậc chân Tăng nào khác chăng?" Đại sư đáp: "Có Hòa thượng Hành Tu, đôi tai dài, chính là Phật Định Quang ứng thân đấy!". Vương tìm đến ngài Hành Tu cung kính đảnh lễ, tôn xưng là Định Quang Như lai ra đời. Ngài bảo: "Vĩnh Minh Đại sư thật khéo nhiều lời. Ông ta cũng chính là Phật A Di Đà ứng thân đó". Nói xong, ngồi yên mà hóa. Ngô Việt Vương vội vã trở về chùa Vĩnh Minh định gạn hỏi hết, thì Đại sư cũng đã thị tịch. Do đó, người đương thời truyền nhau: Vĩnh Minh đại sư là Phật a Di Đà ứng hóa. Và hàng Tăng tục mới lấy ngày sanh nhật của Đại sư ngày 17 tháng 11 là lễ vía kỷ niệm Phật A Di Đà.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.20/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment