Sunday, 23 March 2014

KINH HIỀN NGU - XUẤT GIA CÔNG ĐỨC .               
                       
  


XUẤT GIA CÔNG ĐỨC

Chính tôi được chứng kiến
Chuyện này của Thích Ca
Tại kinh thành Vương Xá
Của nước Ma Già Đà.

Lúc ấy Ngài thuyết pháp
Về xuất gia, qui y,
Rằng suốt nghìn vạn kiếp
Với chúng sinh, không gì,

Không gì quí và tốt
Bằng con người xuất gia
Để một lòng theo Phật,
Tâm và trí yên hòa.

Có một ông trưởng giả,
Tên Thi Lợi Bí Đề,
Vừa đúng một trăm tuổi,
Hôm ấy cũng đứng nghe.

Ông nghĩ, ta trăm tuổi,
Như thế đã là già,
Đang bị vợ con ghét.
Sao ta không xuất gia?

Rồi ông đến Tịnh xá
Xin gặp Đức Thế Tôn.
Ngài lúc ấy đi vắng,
Nên ông thấy rất buồn.

Tôn giả Xá Lợi Phất
Thấy ông yếu, lại già,
Từ chối không chịu nhận
Cho làm người xuất gia.

Ông buồn, ra Vườn Trúc
Khóc, than thở một mình.
Bỗng ngước lên và thấy
Chính Đức Phật hiện hình.

“Có chuyện gì phải khóc,
Hỡi Thi Lợi Bí Đề?”
“Bạch Thế Tôn,” ông đáp,
Nước mắt vẫn dầm dề.

“Bao nhiêu người hạ tiện,
Kẻ nói dối, gian tà,
Cả những tên tội phạm
Đều được phép xuất gia.

Thế mà con, trăm tuổi,
Sống lương thiện suốt đời,
Sao con không được phép
Xuất gia như mọi người?”

Phật lựa lời an ủi,
Làm ông thấy yên lòng,
Nhận ông vào Tịnh Xá,
Cho người giúp đỡ ông.

Người đó là tôn giả
Mục Kiền Liên đại tài.
Tôn giả không thích lắm,
Nhưng không dám hỏi Ngài.

Trong Tịnh Xá Vườn Trúc,
Ông Thi Lợi Bí Đề
Dù đã rất cố gắng
Vẫn thường bị cười chê.

Nhất là tỳ khưu trẻ,
Thấy ông yếu, lại già,
Làm cái gì cũng chậm,
Và họ thường kêu ca.

Cuối cùng không chịu nổi
Cảnh người khác khinh mình,
Một hôm ông quyết định
Sẽ liều mình quyên sinh.

Đúng lúc ông sắp nhảy
Từ mõm núi xuống sông,
Mục Kiền Liên nhìn thấy
Bằng thiên nhãn thần thông.

Tôn giả bắt ông lão
Bám chặt áo của mình,
Rồi chỉ trong nháy mắt
Bay vút lên trời xanh.

Rồi một nháy mắt nữa,
Mục Kiền Liên đưa ông
Tới một hòn đảo vắng
Giữa biển trời mênh mông.

Ngài chỉ cho ông thấy
Một núi xương đen sì.
“Bạch hòa thượng,” ông hỏi.
“Núi xương này là gì?”

Mục Kiền Liên liền đáp:
“Tồn tại đã nghìn đời,
Đấy là cá Ma Kiệt,
Một tiền kiếp của ngươi.

Có nhân thì có quả,
Ở hiền sẽ gặp hiền.
Ở ác sẽ gặp ác.
Vạn sự có nhân duyên.”

*
Rồi ngài kể câu chuyện
Rằng cách đây rất lâu,
Có một ông vua tốt,
Kinh và giới thuộc làu.

Ông luôn dùng chính pháp
Để xua cái tối tăm.
Yên bình, ông trị nước
Đã hơn hai mươi năm.

Một hôm, vua vui vẻ
Chơi bài với cận thần.
Vừa lúc có người nọ
Bị ghép tội sát nhân.

Quan tòa vào, cúi hỏi
Nên xử tội thế nào.
Vua mải chơi, bèn đáp:
“Cứ xử thật nặng vào.”

Xử thật nặng, theo luật,
Là phải đem chém đầu.
Khi chơi xong, vua hỏi:
“Người phạm tội ấy đâu?”

“Tâu bệ hạ, người ấy
Đã chết, theo lệnh ngài.
Ngài đã ra lệnh chém
Khi đang ngồi chơi bài.”

Vua nghe xong, hốt hoảng:
“Thế là ta giết người.
Ta sẽ bị đầy đọa
Trong bể khổ muôn đời.”

Rồi ông bỏ lên núi,
Chăm kinh kệ hàng ngày,
Cố tu nhân tích đức
Để thoát nghiệp chướng này.

Nưng theo luật nhân quả,
Ông chết, phải suốt đời
Làm con cá Ma Kiệt
Quằn quại giữa trùng khơi.

Bị đói, bị truy bức,
Con cá ấy khổng lồ
Chịu đau đớn, và chết,
Thành một núi xương to.

*
“Ông vua tốt bụng ấy
Chính là ngươi ngày nay.
Tốt, nhưng giết người khác,
Cũng chịu nghiệp báo này.”

Mục Kiền Liên nói thế
Với pháp tử của mình.
Tiếp đến ngài giảng thuyết
Về các giới và kinh.

Bí Đề nghe chăm chú,
Nghe như uống từng lời,
Rồi chứng A La Hán,
Và được lên cõi trời.

“Giờ ngươi là La Hán,
Vậy hãy bay theo ta.
Không còn như lần trước
Phải bám áo cà sa.

Nói đoạn, nhún một cái,
Tôn giả Mục Kiền Liên
Lao tít lên trời thẳm,
Vun vút như mũi tên.

Bí Đề, A La Hán,
Cũng xé gió bay sau,
Như chim con, chim mẹ
Đang thi bay với nhau.

Một chốc họ đã đến
Vườn Trúc Ca Lan Đà.
Hai thầy trò cúi lạy
Trước Đức Phật Thích Ca.

Ngài hoan hỉ hỏi chuyện,
Rồi ngỏ lời khen ông:
“Sống đến một trăm tuổi,
Vẫn xuất gia thành công.

Vậy sao người trẻ tuổi
Không theo ông già này
Để ân đức nhiều kiếp
Ngày một đắp thêm dày?”

Các chư tăng, đệ tử,
Cả tôi, A Nan Đà,
Hoan hỉ nghe Ngài nói,
Rồi cúi đầu, lui ra.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.24/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment