Wednesday, 26 March 2014

Nghi thức tụng kinh Đại thừa.
 
 
 
 
            Tôn giáo nào cũng có những nghi thức hành lễ, đạo Phật không thoát ra ngoài thông lệ đó.
Vì sự phong phú của các tông phái và pháp môn trong đạo Phật, nghi thức hành lễ cũng rất đa dạng và tùy thuộc tông phái người hành trì. Một Phật tử Thiền tông Nhật theo nghi thức khác với một Phật tử Tây tạng, cũng không giống một Phật tử Thái lan tụng kinh Cầu An, lại càng khác một Phật tử Việt nam ngồi niệm Phật... Ngay cả những Phật tử tự xem cùng một dòng phái Lâm Tế chẳng hạn, mà một Phật tử Việt “Lâm tế chánh tông” theo Tịnh độ hành trì không thấy giống một Thiền sinh Rinzai Mỹ chút nào.
Trong phạm vi bài này, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa Nghi thức tụng niệm đang phổ biến nhiếu nhất tại Việt nam (và Trung hoa), tức Nghi Thức Thống Nhất, hiện được số đông hành trì, không những vì phối hợp các pháp môn khác nhau, thỏa mãn nhu cầu tông phái khác biệt, mà còn vì sự uyển chuyển dễ dàng thích ứng yêu cầu cụ thể, cũng như sự sắp xếp hài hòa và đầy đủ các kinh Đại thừa không thể tìm thấy trong các nghi thức khác.
 
Bố cục một nghi thức tụng kinh 
Một buổi tụng kinh là một nghi lễ, và như mọi nghi lễ, có phần chào hỏi, làm lễ, và cáo lui, nói rõ là ba phần của bất cứ một nghi thức nào:
1-      Đảnh lễ.
2-      Tụng kinh.
3-      Tự quy & Hồi hướng.
Ta sẽ tìm hiểu từng phần, và ghi nhớ rằng trên thực tế có rất nhiều khác biệt giữa một buổi tụng kinh một mình ở nhà và một buổi lễ hiệp kỵ với nhiều tăng ni nơi công cộng, song thật ra chỉ là những hoa lá thêm thắt như chuông trống, tán tụng... mà thôi.
Trước tiên, cần trả lời ngay câu hỏi rất nhiều người vẫn chưa biết “Tại sao lại gọi là Tụng Kinh, vì tôi có thấy Kinh gì đâu?” Trả lời: “Một buổi tụng kinh đúng nghi thức chính thực là một buổi Tụng Kinh, rõ ràng với Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, và những Kinh khác” Chúng ta sẽ đi vào chi tiết này trong phần tìm hiểu dưới đây.
 
Phần 1: Đảnh lễ
 
Phần này gồm nghi thức nhập pháp giới (làm sạch sẽ ba nghiệp, thỉnh các ngài về, tán dương, nói lời cầu nguyện và đảnh lễ). Lần lượt có:
Niêm Hương
Tịnh Pháp giới Chân ngôn
Cúng Hương & Tán Phật
Kỳ nguyện (xen giữa Cúng Hương và Tán Phật)
Quán Tưởng
Đảnh Lễ
…Tán Lư Hương 
Trước khi tụng kinh, tức là vào nghi thức hành lễ, thường phải tắm rửa sạch sẽ, hoặc lau chùi, xông hương ướp hoa (trừ khi thọ bát quan trai vì phạm giới), ngày xưa còn đốt trầm cho thơm; còn phải đánh răng, súc miệng, mặc áo chùng, ngoài đời gọi là áo thụng (có nơi gọi là áo tràng, do chữ trường đọc trại, từ chữ Tàu xường xám) rồi đốt hai cây đèn hoặc nến (pháp học và pháp hành, tức từ bi và trí tuệ).
Về áo chùng (tràng) thì không bắt buộc phải mặc, trừ khi chủ lễ cho đại chúng, vì nhiều lý do:
-          không phải ai cũng có.
-          không cùng một kiểu áo, màu áo…
-          không có áo đúng cỡ
-          không muốn mượn mặc vì trái phép vệ sinh…
Tuy nhiên, nếu có mặc và không nề hà thì hay hơn, dù không có công đức gì hơn người không mặc áo chùng.
 
Bắt đầu vào nghi thức, người tụng kinh, hay chủ lễ cho đại chúng, ngồi (ở nhà) hoặc đứng (ở chùa) chắp hai tay trước ngực (ấn hoa sen), hay kiết ấn tùy theo câu chú nếu biết cách, rồi niệm chú (mật niệm, là nói khẽ) Tịnh Pháp Giới (án lam sóa ha) để làm cho đạo tràng được trong sạch, và Tịnh Tam Nghiệp (án ta phạ bà phạ thuật đà ta phạ đạt ma ta phạ bà phạ thuật độ hám) để cho ba nghiệp thân, miệng, ý được trong sạch, đôi khi thêm chú Tịnh Khẩu Nghiệp (tu lị tu lị ma ha tu lị tu tu lị ta bà ha) để sạch khẩu nghiệp. Có nơi còn thêm chú Án Thổ Địa (nam mô tam mãn đa một đà nẫm, án độ rô độ rô địa vĩ ta bà ha) để chào hỏi chủ đất, và Phổ Cúng Dường (án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng) để cúng dường mọi chúng sinh. Riêng trong nghi thức tụng Kinh Kim Cang, còn thêm phần Phụng Thỉnh Bát Kim Cang và Tứ Bồ Tát (là các ngài Kim Cang mật tích theo mật tông).
 
Đạo tràng và thân mình trong sạch rồi, người tụng kinh mới đôt ba nén hương (giới, định, tuệ) đặt ngang trán, quỳ ngay thẳng đọc bài Cúng Hương, thường là Nguyện thử diệu hương vân... (nguyện đem lòng thành kính, gửi theo đám mây hương...), song cũng có thể là Giới hương Định hương dữ Huệ hương... theo các vị lớn tuổi. Ý nghĩa bài này ở ngay lời khấn, đọc lên là rõ. Hương là thức ăn của nhiều quỷ thần, cũng là cách bày tỏ lòng quý kính; ngày xưa, thời vua chúa, khi nhận lệnh vua phải đốt hương quỳ nghe. Nay theo thông lệ ở bàn thờ: hương đăng trà quả (hương, đèn, trà, trái cây), không thể thiếu, song bàn thờ Phật thì thay trà bằng nước lã.
 
Sau khi Cúng Hương, người chủ lễ tiếp tục cầm hương ngang trán quỳ đọc lời Kỳ Nguyện (cầu nguyện) là nói lên mục đích buổi lễ, làm gì, muốn gì, cầu xin điều gì... thường là:
Như Lai đức tướng nan tận tán dương (Đức tướng Phật khen không sao xiết). Kim hữu Phật tử ... (Nay có Phật tử tên gì...) kim nhật cung tựu Phật tiền thành tâm thiết lễ ... (hôm nay cùng tụ trước đài Phật tâm thành làm lễ gì [cầu an, cầu siêu, an vị Phật... ] nói ra). Nguyện thập phương thường trú Tam Bảo, bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Tiếp Dẫn Đạo sư A Di Đà Phật ... (và các vị khác tùy dịp, như Đại Bi Linh Cảm Ứng Quan Thế Âm Bồ Tát nếu tụng kinh cầu an, hoặc Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát nếu tụng kinh cầu siêu, hoặc thêm Quan Thế Âm và Đại Thế Chí nếu tụng kinh tịnh-độ...) từ bi gia hộ đệ tử (thương xót cho con, tên gì... hoặc thêm chúng đẳng nếu tụng kinh chung) phiền não đoạn diệt, nghiệp chướng tiêu trừ ... (dứt mọi phiền não, tiêu tan nghiệp chướng... và các việc khác tùy theo bài kinh tụng). Khi dứt thì kết bằng hảo tướng quang trung, phủ thùy minh chứng (xin chứng giám lòng thành chúng con).” 
Sau khi đọc Kỳ Nguyện để nói mục đích buổi lễ, sẽ nhắc lại trong bài Phục Nguyện trước khi dứt, thì đọc bài Tán Phật ngợi khen công đức các Ngài: Pháp vương vô thượng tôn, tam giới vô luân thất... (Đấng Pháp vương vô thượng, ba cõi chẳng ai bằng...). Hiện nay, nhiều chùa đọc bài Tán Phật này ngay sau bài Cúng Hương rồi mới đọc lời Kỳ Nguyện, không có gì nghịch.
 
Xong, người chủ lễ đứng dậy, cắm hương vào bát (ở nhà) hay lên lư hương (ở chùa); trong buổi lễ lớn, nhiều vị cùng niêm hương thì thường có người tiếp lấy đem cắm lên hộ. Rồi đứng ngay thẳng đọc bài Quán Tưởng để nhập quán vô ngã (quán giới phân biệt) và nói ý nghĩa đảnh lễ: Năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghì... (Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng, Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn...).
 
Đảnh Lễ là lạy đầu sát đất (đảnh hay đỉnh là chóp đầu) để vinh danh Tam Bảo mười phương ba đời; thường lạy ba lần sau khi đọc lời vinh danh, tức nam mô theo tiếng Phạn (nama nghĩa là tên, tức là xưng tên các ngài mà mình cầu nguyện, giống như đạo Cơ đốc đọc chữ nhân danh, vì cùng nguồn gốc đạo Phật mà ra, vấn đề này xin nói ở dịp khác). Trong nghi thức thống nhất, lạy lần thứ ba là lạy Phật Di Đà và thánh chúng, nên không phải chỉ dành riêng các người tu tịnh-độ, vì ý nghĩa Đảnh Lễ là lạy tất cả Tam Bảo vốn từ gốc không, như vừa nói trong bài Quán Tưởng.
Đảnh lễ xong, có nơi đọc thêm bài Tán Lư Hương: Lư hương sạ nhiệt, pháp giới mông huân... (Lư hương vừa ngún chiên đàn, khắp xông pháp giới đạo tràng mười phương...) không khác nhiều bài Cúng Hương nên nhiều chỗ không đọc bài này, vì chỉ nhấn mạnh ý đã nêu.
Suốt phần trên, chuông mõ chưa được sử dụng trong buổi lễ lớn mà chỉ có linh (chuông nhỏ cầm tay lắc), khánh (chuông nhỏ gắn ở đầu que, đánh bằng thanh sắt nhỏ), đẩu (giống như cái chảo đồng nhỏ úp ngược, đánh bằng que tre bẻ cong đầu), trống, có khi thêm kèn và đàn dây, còn ở nhà thì dùng chuông để nhịp lạy thôi.
Sau rốt, có nơi đọc bài Khai Kinh Kệ, nhưng theo đúng cách thì nên đọc trước khi vào bản kinh ở phần sau.
 
Phần 2: Tụng Kinh
 
Bây giờ đến phần Tụng Kinh chính thức.
Tụng ở nhà, nếu biết đánh chuông gõ mõ thì ngồi ngay thẳng đánh ba tiếng chuông, gõ một hồi mõ, giống như nhạc sĩ thử kèn, không nên chấp nê mà lúng túng không yên.
Ở chùa thì bắt đầu Vô Chuông Mõ tức là gióng chuông gõ mõ để khởi sự tụng kinh, mục đích cũng chỉ như trên, song có thêm phần ý nghĩa nhắc nhở đại chúng trang nghiêm. Các chùa có những cách Vô Chuông Mõ khác nhau, và các thày cũng có những giải thích khác nhau (lôi tam, đả tứ...), nên học để biết và thích nghi với nơi mình tụng kinh. Xong, tụng chú Đại bi.
Phần tụng kinh bao giờ cũng khởi sự bằng Chú Đại Bi và kết thúc bằng Bát Nhã Tâm Kinh theo nguyên tắc vào đại bi, ra bát nhã, ngoại trừ khi tụng có chú Lăng Nghiêm thì Đại Bi phải tụng sau, vì chú Lăng Nghiêm, tức chú Bạch Tán Cái (Sitatapatram) là vua các bài chú (Thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu), tỷ như trong nghi thức Công phu khuya hay An vị Phật.
 
Chú Đại Bi là bài Tổng Trì của ngài Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Ý nghĩa tổng trì Đại Bi là phát tâm Từ Bi; vì thế nên các Tổ xưa đã cặp đôi Đại Bi với Bát Nhã, tức từ bi và trí tuệ. Chú nên tụng nhanh vì tụng chậm dễ buồn ngủ. Các cách chia làm 82 hay 86 câu không quan trọng vì so với bản chữ Phạn thì các cách trên không đúng phép ngắt câu văn phạm.
Tụng xong thì tùy theo ý nghĩa buổi lễ mà có các bài kinh, chú, sám, tán khác nhau. Tựu chung thì nếu tụng kinh bản, như A Di Đà, Phổ Môn, Dược Sư, Pháp Hoa, Niết Bàn, Địa Tạng ... thì tụng bài Khai Kinh Kệ trước: Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp, bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, ngã kim kiến văn đắc thụ trì, nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa (Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu, trăm nghìn muôn kiếp khó tìm cầu, con nay thấy nghe nên trì tụng, nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu) để ca tụng công đức. Đôi khi, chữ chân thật trong câu cuối được đổi theo ý kinh tụng sau này, như tụng giới thì đổi thành “nguyện giải Như Lai tỳ ni nghĩa”, tỳ ni nghĩa là giới luật. Tương truyền bài kệ này là của bà Võ Tắc Thiên, tức Võ Hậu, viết trong bài tựa Kinh Hoa Nghiêm sớ.
 
Kinh tụng theo nhịp mõ. Nếu tụng ở nhà thì có thể khỏi gõ mõ, khi ấy gọi là trì kinh, hoặc gõ nhịp đôi (hai tiếng vào một nhịp mõ) cho đỡ mệt, nhưng nên tụng cho đủ, không nhảy tiếng để lấy hơi. Điểm này khác với khi tụng chung, là tính mỗi tiếng một nhịp, khi nghỉ lấy hơi thì lướt qua những tiếng người khác đang tụng, tránh động chúng mà người ta cũng đã tụng qua rồi. Nên theo dõi trong quyển kinh, đừng nên biểu diễn đến tụng sai vì không nhớ đúng câu, trừ khi đã thuộc lòng. 
Đánh chuông gõ mõ ở nhà, hay đi cúng đám cần di động, nên dùng mõ (hoặc khánh) và chuông nhỏ để có thể đánh nhanh mà đỡ mệt.
Tụng ở chùa thì chuông mõ đều lớn nên khi đánh chuông thì cầm dùi chuông thẳng đứng, đánh lướt ngang miệng chuông để tiếng chuông được ấm và ngân đều, vì miệng chuông là chỗ dày nhất, trong khi bụng chuông mỏng hơn, đập ngang nghe chát mà có thể vỡ chuông. Khi chuông còn đang ngân mà người chủ lễ đứng lên hoặc bắt đầu tụng thì phải nhập chuông, tức là ấn dùi vào miệng chuông để hãm chuông lại. Đánh chuông trước khi lạy từ hai đến năm tiếng tụng, tùy theo chùa, thường thì đánh càng sớm khi đại chúng càng đông. Gõ mõ lớn thì nắm dùi mõ (búp sen) sát ngoài cán, gõ bằng cổ tay như người kéo vĩ cầm, cho tiếng mõ được ấm và dùi mõ tự nẩy lên cho đỡ mỏi. Khi muốn gõ nhanh, như tụng chú, thì nắm dùi gần đầu (búp sen) và ấn ngón trỏ lên cán mới gõ được nhanh. Trước khi lạy hoặc dứt câu một tiếng thì gõ hai nhịp nhanh thay vì một nhịp thường (giống như hai nốt móc thay vì một nốt đen). 
 
Tụng Chú thì đọc nhanh hơn vì đọc chậm dễ buồn ngủ và tụng sai. Chú là phiên âm chữ Phạn (Sanskrit) nhưng khi viết thì dùng chữ Tất Đàm (hay Tất Đàn, tức Siddham). Người thường hay hiểu lầm chú là những lời bí mật có quyền phép như bùa chú thế gian, nhất là khi thấy pháp sư kết hợp chú và ấn ra vẻ bí ẩn mầu nhiệm, ban ơn giáng họa gì đây. Thật ra, Chú trong Đạo Phật, cũng như Ấn quyết, là Tổng Trì, tức là tóm thâu toàn bộ một bài kinh, một kiến thức, vào một câu xem ra vô nghĩa cho kẻ không am tường. Đó cũng ví dụ như những câu thiệu (mnemonics) mà sinh viên tạo nên để nhớ cho dễ thuộc bài, song đối với người thường thì mơ hồ vô nghĩa. (Sinh viên Việt nam ban Khoa học nhiều người biết câu Khi thi vì cấm tự vị mà thành thử phải xìn hàng, nghe thấy ngô nghê nhưng chính thực là câu thiệu giúp nhớ 12 dây thần kinh não [cranial nerves] theo đúng thứ tự từ số 1; khi = khứu giác, thi = thị giác, vì = vận động chung ... Sinh viên Pháp cũng có câu tương tự O Oscar, ma petite théière me fait à grand peine six grogs).
Các chú thường tụng là chú Chuẩn Đề (nam mô tát đa nẫm tam miệu tam bồ đà câu chi nẫm đát điệt tha, án chiết lệ chủ lệ chuẩn đề sa bà ha) là chủ của Phật mẫu Chuẩn Đề, tượng trưng toàn bộ chư Phật, song đối với người theo pháp môn trì chú Chuẩn Đề thì họ trì chú vào kính đàn và giữ bí mật không cho ai thấy, còn mình tụng chú thường thì không hề gì, cũng không cần phải bắt ấn Chuẩn Đề. Thất Phật Diệt Tội Chân Ngôn (ly bà ly bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà la ny đế, ny ha ra đế, tỳ lê nễ đế, ma ha dà đế, chân lăng càn đế, ta bà ha) để cầu an giải nghiệp. Tiêu Tai Cát Tường (nam mô tam mãn đa mẫu đà nẫm, a bát ra để hạ đa xá, ta nẵng nẫm, đát điệt tha, án khư khư ...) cũng để cầu an. Lục Tự Đại Minh (án ma ni bát di hồng) là chú của ngài Quan Thế Âm, thường tụng 108 biến (lần). Chú Vãng Sanh (nam mô a di đa bà dạ đa tha dà đa giạ ...) của Phật Di Đà... Ngoài ra còn hàng ngàn các câu chú tùy theo Kinh và nghi thức tụng.
 
Bài Tán thường tụng chậm, kèm sau Kinh tụng, như Tán Phổ Môn, Tán A Di Đà, Tán Dược Xoa, Tán Kim Cang, Tán Phật trong Công Phu khuya ... để khen ngợi kinh.
Các bài Sám tụng chậm, thường phải quỳ, là các bài văn của các Tổ làm sẵn để cầu nguyện hay nhắc nhở một việc gì, như Sám Nhất Tâm, Sám Khể Thủ, Sám Phát Nguyện của tịnh-độ, Sám Quy Mạng của thiền sư Di Sơn thường tụng trong Công Phu Khuya, Sám Phổ Hiền nói về mười hạnh nguyện của Phổ Hiền, Sám Quan Âm ... Bài Thị Nhật là bài sám khuyến tu thường tụng buổi chiều: thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc... (ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nghĩ có gì vui...).
Ngoài ra còn có Niệm Phật, Kinh Hành hoặc đi nhiễu, tùy theo nghi thức và tùy theo chùa.
 
Sau rốt, tụng Tâm Kinh, còn gọi Bát nhã Tâm kinh, Bổ khuyết Tâm kinh, theo bản dịch của ngài Huyền Trang, gồm 260 chữ nho, là bản thâu tóm bộ Kinh Bát Nhã 600 quyển, nên khi tụng Tâm Kinh cũng như tụng trọn bộ Bát Nhã. Vì thế, Tâm Kinh rất được trân trọng, không ai dám sửa lời, đổi chữ, thậm chí khi dịch sang tiếng địa phương vẫn cố giữ đúng 260 âm, nên khi Phật tử Đại thừa tụng Tâm Kinh nghe rất đều và hòa hợp. Ngay đến các Phật tử Thiền tông, không tụng kinh chú, song bao giờ vẫn kết thúc khóa thiền bằng bài Tâm Kinh. Ở Việt nam, dù có vô số bản dịch tiếng Việt, nhưng người Phật tử Đại thừa vẫn theo bản tụng âm, giữ nguyên 260 chữ, vì sự kính trọng này.
Các chùa thường tụng thêm ba lần bài Thiên A Tu La để cảm tạ quỷ thần đến đạo tràng nghe kinh, xin các ngài ủng hộ.
 
Phần 3: Tự Quy & Hồi Hướng
 
Kết thúc buổi lễ là Phục Nguyện, Tự Quy và Hồi Hướng.
Phần này xem đơn giản song lại rất quan trọng trong nghi thức Đại thừa. 
Phục Nguyện là nhắc lại mục đích, lý do buổi lễ, giống như bài Kỳ Nguyện ở trước. Trong các buổi lễ lớn, hay đi cúng đám, bài này dài hơn nhiều, thêm các phần riêng cho buổi lễ đó, như cầu an cho thí chủ, cầu siêu cho hương linh, gia đình được hạnh phúc, hoặc làm ăn may mắn, mua may bán đắt như lễ động thổ, khai trương... song bao giờ cũng kết thúc bằng bài Phổ nguyện: âm siêu dương thái, hải yến hà thanh, pháp giới chúng sanh, tình dữ vô tình, tề thành Phật đạo
Tam Tự Quy là quy y tam bảo, ngồi tụng không cần lạy nếu ở nhà, còn tụng với đại chúng thì nên lạy theo họ để tỏ lòng tôn kính tam bảo. Đây là ba câu kinh rút từ Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Tịnh Hạnh, nên tượng trưng cho toàn bộ Kinh Hoa Nghiêm. Tụng ba câu này cũng như tụng toàn bộ Hoa Nghiêm, vì thế Phật tử Đại thừa rất trân trọng ba câu này dù họ tụng theo kiểu nào, ngồi tụng hay đứng lạy. Trích Kinh Hoa Nghiêm, Hán bộ quyển 14, phẩm 11 “Tịnh hạnh”, Văn Thù Sư Lợi chỉ dạy Bồ-tát Trí Thủ cách dụng tâm để được các công đức tối thắng. Lời dịch có khác nhau chút ít, song ý kinh vẫn giữ nguyên:
“… Con quy Phật rồi
nguyện cho chúng sinh
cùng theo đạo cả
mở lòng tuyệt vời.
Con quy Pháp rồi
nguyện cho chúng sinh
hiểu thấu nghĩa kinh
trí tuệ như biển
Con quy Tăng rồi
nguyện cho chúng sinh
hợp đạo đồng tình
không gì trở ngại…”
 
Nguyên văn chữ Hán:
 
tự quy ư phật
đương nguyện chúng sinh
thiệu long phật chủng
phát vô thượng ý
tự quy ư pháp
đương nguyện chúng sinh
thâm nhập kinh tạng
trí tuệ như hải
tự quy ư tăng
đương nguyện chúng sinh
thống lý đại chúng
nhất thiết vô ngại
 
自歸於佛
當願眾生
紹隆佛種
發無上意
自歸於法
當願眾生
深入經藏
智慧如海
自歸於僧
當願眾生
統理大眾
一切無礙 
Hồi Hướng là bốn câu kệ lấy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nên khi tụng bốn câu Hồi Hướng này cũng như tụng trọn bộ Pháp Hoa, vì thế Phật tử Đại thừa không bao giờ bỏ bốn câu này, tuy rằng đôi khi được tụng trước Tâm Kinh. Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, quyển Ba, phẩm Bảy “Hóa thành dụ”, đoạn 10: năm trăm muôn ức Phạm Thiên Vương tung hoa cúng dường xong đem cung điện dâng lên Đức Phật mong Phật nạp ở:
            “… Nguyện đem công đức này
            Hướng về khắp tất cả
            Đệ tử và chúng sanh
            Đều đồng thành Phật đạo”
 
            Nguyên văn:
 
nguyện dĩ thử công đức
phổ cập ư nhất thiết
ngã đẳng dữ chúng sanh
giai cộng thành phật đạo
 
願以此功德
普及於一切
我等與眾生
皆共成佛道 
Tóm lại, tụng kinh theo nghi thức Đại thừa quả thật là một buổi tụng kinh, nghĩa là tụng các kinh Đại thừa, ít nhất là Bát Nhã, Hoa Nghiêm và Pháp Hoa dù cho nghi thức có ngắn gọn cách mấy. Bố cục nghi thức rất hợp lý, khởi từ Tịnh pháp giới, Cúng hương Tán Phật, Kỳ nguyện, Quán tưởng và Đảnh lễ trước khi tụng, qua phần tụng Đại bi Bát nhã nhắc nhở từ bi và trí tuệ, rồi các bài sám, tán, tụng, chú, kết thúc bằng Tự quy và Hồi hướng là tóm lược hai bộ kinh lớn Đại thừa.
Nghi thức này hiện phổ biến trong các nước Phật giáo Đại thừa, nếu có bị thay đổi thì chẳng qua để thích ứng phong hóa địa phương, song chẳng ai dám bỏ Đại Bi, Tâm Kinh, Tự Quy và Hồi Hướng. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.26/3/2014.THICH NU CHAN TANH.

No comments:

Post a Comment