Tuesday, 18 March 2014

Quyển Thứ Mười Một
--- oOo ---
Hỏi: - Nếu đếm chỉ đến ba hay bốn thì có gì không tốt?
Ðáp: - Nếu hơi thở bị thúc ép thì khó điều khiển được tâm, như trong chuồng có quá nhiều bò đang chen chúc lấn ép nhau thì chúng sẽ phá chuồng để ra. Nếu đếm đủ mười thì thân thể thoải mái như chuồng rộng rãi. Chuồng rộng thì bò được nuôi dưỡng dễ dàng.
Hỏi: - Nếu đếm đến tám, chín thì có gì không tốt?
Ðáp: - Không làm cho nhầm lẫn nhưng sinh tâm phân vân, hoặc cho rằng ta được thiền vị, nên sinh tâm mê hoặc. Với lỗi lầm như vậy, ông hãy từ bỏ. Nếu đếm hơi thở mà đếm rõ chậm rãi từ từ từng số, thì như người đong ngũ cốc, đầu tiên đổ vào cho đầy rồi mới đếm một, sau đó mới đong phần ấy sang. Nếu có cỏ đất thì ông ta nhặt vứt bỏ ra, khi đổ vào đầy và đếm hai (rồi mới đong), tuần tự đong như vậy cho đến mười. Tỳ kheo tọa thiền đếm số (trước) hơi thở ra vào cũng như vậy.
Nếu đếm nhanh thì như mục đồng đếm bò. Ðếm như thế nào?
Mục đồng có trí, tay cầm roi, ngồi ngay trên trụ cửa chuồng, dùng viên...làm số (sakkaram khipitvà) (để đếm) và lùa bò ra ngoài. Khi lùa bò ra thì ông ta bắt đầu đếm một, hai,ba, bốn, năm... đến mười con.
Tại sao đếm như vậy? Có lúc bốn đại không đều hòa, hơi thở vào ra nhanh thì tùy theo sự vào ra của hơi thở mà đếm nhanh 1. 2. 3. 4. 5; 1.2.3.4.5. Khi đếm bò, người chăn đứng ngay cửa mà đếm, không đếm bò đang ở trong hay ngoài cửa. Nhờ theo dõi số đếm mà tâm được định. Vì sao? Như người đi thuyền ngược dòng nước chảy xiết (candasota), dùng cây sào chống một, hai, ba, bốn, năm làm cho con thuyền được vững vàng (để đi lên). Thở vào thở ra cũng vậy. Vì sao? Tâm ví như chiếc thuyền, hơi thở vào ra như cây sào chống, (thuyền) tâm trôi chảy theo (sông) năm dục mà được hơi thở vào thở ra chế ngự làm tâm ổn định. Nếu hơi thở vào mà tâm theo vào, như chất bổ vào thân làm cho no đầy. Nếu thở ra mà tâm tùy theo ra, làm pháp quán bị rộng lớn (phân tán). Do phân tán rộng nên tâm khó được điều phục. Trừ hai pháp này, vị ấy chỉ trụ tâm tại chỗ hơi thở tiếp xúc (chóp mũi hay đầu môi trên) thì sau đó sẽ đắc định. Thế nên trong luật bản nói: Không được đếm theo hơi thở ở trong hay ngoài.
Vậy đếm đến bao giờ mới ngưng? Nếu tâm không còn loạn mà vẫn biết rõ hơi thở ra vào thì không cần đếm nữa. Như vậy là đã bằng phương tiện đếm mà được tùy niệm (an trú niệm).
Thế nào là tùy niệm? Biết rõ hơi thở ra vào, không cần nhờ vào sự đếm nữa mà vẫn biết rõ và an trú niệm trên ba chỗ (hơi thở ra đi). Nếu thở ra thì bắt đầu là rốn, giữa là tim, cuối là chóp mũi (Nàbhi àdi hadayam majjham hàsikà poriyosàham). Nếu thở vào thì bắt đầu ở chóp mũi, giữa là tim và rốn là cuối. Nếu tâm đi theo hơi thở thì tâm không định. Do tâm không định thì tâm bị dao động. Thế nên trong luật nói: Nếu tâm đi theo hơi thở ra, hơi thở vào thì bên trong tâm không định và trong tâm ngoài thân đều dao động. Do dao động nên không đắc định. Nếu đi theo hơi thở vào và ra là như vậy. Thế nên không được theo hơi thở vào và ra ở giai đoạn giữa và sau, chỉ chú tâm ở chóp mũi, bám chặt vào đó và ghi nhận hơi thở ra vào. Nếu từ bỏ sự đếm số thì tâm ghi nhận tự vào định. Như có người bị què trông giữ em bé bằng cách đặt em bé trong cái nôi treo ở giữa nhà, ngồi một chỗ, lắc cái nôi qua lại mà (người ấy) vẫn ở một chỗ chứ không phải di chuyển bằng tay. Tỳ kheo tọa thiền cũng vậy. Lại nói: Ví như người giữ cửa, không cần hỏi trước với những người ra vào, chỉ hỏi khi họ đến ngay cửa, cũng không hỏi họ từ đâu đến và cầm những vật gì, chỉ biết họ có ra vào mà thôi. Tỳ kheo tọa thiền cũng vậy, không cần biết trước và nghĩ lấy thở ra vào. Như vậy, ông hãy tự biết lấy.
Phật dạy: -Ai biết rõ ba pháp thì tâm được định.
Ba pháp ấy là:
Một, ưa thích vào.
Hai, phương tiện.
Ba, được tăng trưởng.
Như cây gỗ lớn được đặt vững trên mặt đất. Có người muốn xẻ cây này, trước tiên xem xét vỏ cây, sau đó dùng cưa xẻ ra, tâm luôn chuyên chú nhìn (chỗ) răng lưỡi cưa (tiếp xúc với gỗ), làm cho nó đi thẳng đường chứ không nhìn lưỡi cưa qua lại. Quán hơi thở ra vào cũng vậy. Tư duy về pháp thiền đang hành trì, với phương pháp hoàn bị như cây gỗ lớn vững trên đất. Quán sát kỹ chung quanh cây, như tâm khéo tư duy về pháp thiền. Hơi thở ra vào cũng như lưỡi cưa qua lại. Tâm chú ý vào lưỡi răng cưa, như chú ý vào đầu mũi. Tỳ kheo tọa thiền nên hiểu ví dụ này, với thiền định trong hiện tại, với phương tiện hoàn bị thì đật đến chỗ tăng thượng.
Hỏi: - Thế nào là thiền định?
Ðáp: - Thân tâm tinh tấn và thành tựu nhuần nhuyễn là thiền định.
Hỏi: - Thế nào là phương pháp (payoga) hoàn bị?
Ðáp: - Với dũng mãnh tinh tấn làm tiêu trừ phiền não và diệt tận suy nghĩ.
Hỏi: - Thế nào là đạt đến chỗ tăng thượng?
Ðáp: - Bằng dũng mãnh tinh tấn làm tiêu trừ kiết sử (samyojana).
Ba pháp (tướng, thở vô, thở ra) không phải được thành tựu chỉ do nhất tâm quán sát mà cũng phải nhờ biết rõ ba pháp ấy. Và tâm không dao động là nhờ vào pháp thiền định trong hiện hành, phương pháp hoàn bị thì đưa đến chỗ tăng thượng. Khi đắc được như vậy rồi, sau đó tâm dán chặt vào A-na-ba-na thì gọi là thành tựu. Tỳ kheo nào thực hành pháp niệm A-na-ba-na thì vị ấy làm sáng chói thế gian như mặt trăng ra khỏi mây.
Trong thiền định này, có người mới làm thì có tướng lành xuất hiện, có người nhờ sổ-tức mà hiện ra tướng lành.
Tướng lành ấy thế nào? Tỳ kheo này ngồi dưới đất hay trên giường, không có tọa cụ, mà (có cảm giác) chỗ ngồi ấy lại mềm mại như bông gòn. Vì sao? Vì đã sổ-tức nên làm cho thân thể nhẹ nhàng thoải mái, và tuần tự, hơi thở ra vào thô bị diệt, thân tâm nhẹ nhàng vô cùng, như ở giữa không trung. Khi hơi thở trở nên vi tế thì như có như không. Như người đánh khánh thì (âm thanh phát ra) trước lớn sau nhỏ. Tỳ kheo tọa thiền sổ tức cũng vậy. Thế nên trong luật nói trước to lớn sau nhỏ dần.
Pháp sư nói: - Thiền định sổ tức này khác với những thiền định khác. Những thiền định khác thì trước vi tế sau thô. Tỳ kheo nào vào thiền sổ tức này mà thiền tướng không hiện rõ thì không nên đứng dậy mà nên yên tâm ngồi ngay thẳng và tư duy. Tư duy như thế nào? Khi đã biết thiền tướng không hiện rõ, vị ấy nên tự nói: hơi thở vào hơi thở ra này nơi nào có nơi nào không, có với ai, không có với ai. Và tự nói rằng người đang ở trong thai mẹ, không có hơi thở ra vào, khi đang lặn trong nước không có hơi thở ra vào, chư thiên ở cõi Trường Thọ cũng không có hơi thở ra vào, nhập vào thiền thứ tư cũng không có hơi thở ra vào, thây chết cũng không có hơi thở ra vào, sắc hay vô sắc giới cũng không có hơi thở ra vào, diệt tận định cũng không có hơi thở ra vào.
Sau khi suy nghĩ như vậy rồi, hành giả tự chê trách thân mình: Ngươi là người trí tuệ, không phải đang ở trong bụng mẹ, không ở trong nước, không ở cõi trời sắc và vô sắc giới, không phải đang vào định diệt-tận, không phải đang ở cõi trời Trường Thọ, chẳng phải là thây chết, cũng không phải đang ở cõi thiền thứ tư. Ngươi đang có hơi thở ra vào rất vi tế mà không thể biết được, hãy chú tâm lại. Nếu với người có mũi dài, thì đặt tâm ở lỗ mũi (nàsàputa). Nếu người có mũi ngắn thì chú tâm trên đầu môi trên. Thế nên phải giữ chặt ở vị trí này.
Như trong kinh có nói: Phật bảo các Tỳ kheo, người nào hay quên, không tỉnh giác chú tâm được thì không thể nhập thiền định A-na-ba-na. Không chỉ riêng thiền định A-na-ba-na mà đối với các thiền định khác cũng vậy. Nếu ai chánh niệm được thì thiền định sẽ hiện rõ. Thiền định A-na-ba-na này rất trọng yếu. Chư Phật, Bích-Chi-Phật, đại A-la-hán (Buddhapahà) đều dùng pháp niệm A-na-ba-na này làm nền móng và sau đó mới được đắc đạo, tùy niệm đưa đến cực tịnh. Thế nên trong định này tùy niệm phải được tăng trưởng cùng trí tuệ.
Như may trên tấm vải rất mỏng thì phải dùng kim chỉ rất nhỏ. Kim ví như tùy niệm, chỉ như trí tuệ, liên kết với nhau không gián đoạn, nhờ vào hai pháp này, không cho quên mất hơi thở vào và hơi thở ra. Như người cày ruộng, khi con bò đã mệt và người cày cũng mệt thì thả cho bò nghỉ ngơi. Sau được thả ra, bò đi vào rừng. Nghỉ ngơi xong, người kia lại đi tìm bò nhưng không cần tìm theo dấu chân bò, mà đi thẳng vào rừng, đến nơi bò thường đi lại uống nước và nằm hoặc ngồi chờ cho bò uống nước xong, dùng dây xỏ mũi bò và cầm gậy tiếp tục lùa nó trở lại cày ruộng. Cũng như vậy, Tỳ kheo thiền định về thở ra thở vào khi quá mệt thì tạm thời ngừng lại và nghỉ ngơi, không theo dõi hơi thở ra vào nữa mà chỉ đặt (niệm) ở chóp mũi, chú ý và đếm hơi thở ra vào với chánh niệm ví như sợi dây (cột mũi bò) và trí tuệ ví như cây gậy và cứ tiếp tục chú ý đến (chỗ) hơi thở vào ra.
Nếu làm được như vậy thì không bao lâu thiền tướng (nimitta) sẽ hiện rõ (trở lại) và thân thể khoan khoái như tiếp xúc với bông gòn, thân cảm thấy mềm mại. Có người thấy như chạm vải kiết bối, có người thấy như chạm luồng gió mạnh, có người thấy như các vì sao, có người thấy như chuỗi ngọc, có người thấy như ngọc trắng bị vung vãi, có người thấy như (chạm) phải hạt hoa kiết bối, có người thấy như sợi dây, có người với sự tiếp xúc thô cứng, có người thấy như ánh lửa, có người thấy như con khỉ, có người thấy như mây nổi, có người thấy như hoa sen, có người thấy như bánh xe, có người thấy như trăng tròn.
Vì sao? Như trong kinh nói: Các Tỳ kheo tập họp tụng kinh nhưng mỗi người lại thấy điềm lành khác nhau. Có người thấy như núi non, như dòng sông, như cây rừng, tuy rằng với sự bắt đầu như nhau.
Hỏi: - Với núi non, dòng sông và cây rừng, do đâu mà có sự khác nhau này?
Ðáp: - Từ tâm tưởng mà có. Do ý tưởng của từng người khác nhau nên sinh ra tướng khác nhau. Có người quán về hơi thở ra, có người quán hơi thở vào, có người quán thiền tướng (Nimittàranamana). Nếu không quán như vậy thì cũng không phát minh được pháp A-na-ba-na (anapana-sati) và không thành pháp sơ thiền. Nếu có ba pháp này thì thành tựu thiền định.
Tỳ kheo tọa thiền nếu có xuất hiện tướng như vậy nên đi thưa với thầy: Con thấy tướng trạng như vậy.
Thầy đáp rằng là tướng thấy chứ không nói là tướng thiền nhưng cũng không nói chẳng phải tướng thiền.
Sau khi dạy như vậy, vị thầy nói: - Trưởng lão! Thầy hãy gia tâm thêm.
Pháp sư nói: - Vì sao vị thầy không nói đó là thiền tướng hay chẳng phải thiền tướng?
Ðáp: - Nếu nói với vị ấy cụ thể riêng từng phần, đấy là thiền tướng thì (vị ấy) sinh tâm giải đãi (vì kiêu căng nên bỏ phế); nếu nói không phải thiền tướng thì (vị ấy) thối tâm. Do đó không nói từng phần mà chỉ ân cần dạy bảo, thì thiền tướng tự hiện.
Xưa có bài kệ:
Dán tâm nơi pháp quán
Sẽ hiện ra nhiều tướng,
Nếu người có trí tuệ,
Giữ tâm tiếp tục niệm
Ở hơi thở ra vào,
Tinh cần không tán loạn.
Khi thiền tướng xuất hiện, thì các triền cái bị quản thúc, các phiền não lặng yên tự ngưng lại. Nhờ hai pháp này mà tâm được an trụ và trở thành định, hoặc đắc sơ địa, hoặc đắc trừ phiền não địa, hoặc nhờ vào sự xuất hiện các thiền chi mà đắc sơ địa (cận hành định). Ðây là đang đắc sơ định địa.
Hỏi: - An trú vào định (an chỉ định) và sơ định (cận hành định) là khác hay giống nhau?
Ðáp: - Khác nhau, sơ định - cận hành định - là tâm đã thuần thục, đi vào chỗ an trú của tâm (Bà-bàn-già - Bhavanga, hữu phần: chỗ tâm yên nghỉ). An trú vào định - an chỉ định - là tâm trong cảnh giới này luôn cả ngày đã thuần thục không còn tùy thuộc vào Bà-bàn-già. Hai pháp này khác nhau như vậy.
Nếu thiền tướng đã hiện rõ, do quán sắc hoặc quán tướng mạo thì phát triển thêm. Như vua Chuyển Luân còn ở trong thai, được cha mẹ yêu mến bảo hộ, ở nơi điều hòa ấm mát và dùng các thức ăn thích hợp. Nếu khéo nuôi dưỡng thì sẽ được kết quả tốt đẹp.
Tỳ kheo hộ trì thiền tướng cũng vậy, nếu không hộ trì luôn thì bị mất. Vậy hộ trì như thế nào?
Một: Ở trú xứ thích hợp.
Hai: Khu vực đi lại (khất thực) thuận tiện.
Ba: Thân cận người thiện.
Bốn: Thực phẩm thích hợp.
Năm: Khí hậu điều hòa.
Sáu: Chọn uy nghi đi, đứng, ngồi, nằm thích hợp.
Bảy: Tránh xa sự ồn ào và nhất là ăn uống.
Nhờ bảy pháp này hộ trì thì thiền tướng được an trú kiến cố.
Tuần tự, thiền tướng tăng trưởng và hiện rõ rồi, các căn được rất thanh tịnh nhu nhuyến thì đối với tâm, nếu muốn thì có thể giữ lại hay buông thả, sinh khởi hay điều phục, hoan hỷ hay xả một cách dễ dàng, gần gũi người đắc thiền tướng và tránh xa người chưa đắc thiền tướng, chí tâm đối với thiền và biết rõ thiền tướng. Ðối với mười pháp này người trí khéo an trú tâm vào, không được biếng nhác, nên tinh cần tu tập, nên suy nghĩ rằng ta hãy an trú vững vào định và xả bỏ tâm Bà-bàn-già (hữu phần) mà khởi lên ý muốn hướng tâm (manadvàvajjanam uppajjati) trụ trong một sát na rồi diệt, lại khởi lên bốn hay năm (4,5) xà-bà-na (javana - tốc hành tâm).
Năm tâm này gồm có: 1- Tâm tác động; 2- Tâm học (cận-hành); 3- Tâm tùy thuận; 4- Tâm trung gian; 5- Tâm an trú.
Nếu gom năm tâm này thành bốn, thì: 1- Tâm tác động cận hành; 2- Tâm tùy thuận; 3- Tâm trung gian; 4- Tâm an trụ. Tâm thứ tư này cũng gọi là tâm thứ năm, không có thứ sáu và thứ bảy.
Những tâm trước thuộc dục giới, tâm thứ năm (an trụ) này thuộc sắc-giới. Nhờ vào tâm này nên diệt năm chi (triền cái) và phát sinh năm thiền chi (tầm, từ, hỷ, lạc, nhất tâm), đầy đủ mười tướng (đặc tính) tốt đẹp cả ba (giai đoạn) và đắc thiền thứ nhất rồi, thì tư niệm trong pháp quán này hoàn toàn bị diệt và đắc thiền thứ hai, diệt tướng này luôn thì chứng thiền thứ ba, đến thứ tư. Huấn luyện tâm và vượt lên trên.
Pháp sư nói: - Ðây là nói lược, nếu nói rộng thì hãy xem trong Thanh-tịnh-đạo (visuddhimagga).
Tỳ kheo đã đắc thiền thứ tư rồi, khéo ghi nhận và làm cho tăng trưởng. Nếu muốn đạt đến chỗ hoàn toàn chân thật thì thiền thứ tư này có năm điều tốt đẹp. Một, tâm trú; hai, nhập vào; ba, sắc (quyết định); bốn; xuất ra; năm, quán sát trở lại. Nhờ năm pháp này mà đạt đến chỗ chân thật.
Tỳ kheo này đã tụ tập thông suốt (pháp thiền này) có thể bắt đầu quán sát với sắc, hoặc bắt đầu với vô sắc. Quán sắc và vô sắc rồi lại tu tập tăng lên với pháp Tỳ-bà-xá-na (Vipassana, niệm xứ). Tăng lên như thế nào?
Tỳ kheo xuất khỏi thiền thứ tư rồi, vẫn nắm vững thiền chi (Jhànanga). Sau khi nắm vững thiền chi này trong tâm, tâm y vào bốn đại chủng (Cattàibhutani) mà quán sát thân bốn đại. Từ thiền chi này mà nói thì bắt đầu là phi sắc (tâm) xứ. Do pháp sắc, phi sắc (tâm) này mà thấy (tâm) thức. Bắt đầu với bốn đại chủng mà có sắc cộng với các sắc tâm thức không phải sắc. Nếu xuất khỏi định và (trở lại) thở vào thở ra thì thân và tâm là nhân của nó. Như ống bệ bằng da của người thợ rèn, nhờ sức chuyển động nên có hơi gió vào. Hơi thở ra vào cũng vậy, nhờ vào thân tâm nên thở ra vào. Tỳ kheo này thấy hơi thở ra vào nên thấy thân, thấy sắc tâm sở.v.v... cùng với các pháp phi sắc tâm này. Nhờ thấy rõ danh sắc như vậy, lại quán sát thấy rõ nhân duyên làm cho danh sắc nối tiếp mãi không ngừng trong ba đời.
Do danh sắc nối mãi nên sinh hoài nghi. Sau khi đoạn trừ nghi ngờ (kankhà) rồi thì quán sát ba tướng (của danh sắc là khổ, vô thường, vô ngã), sau khi quán ba tướng rồi, lại quán sát sự sanh diệt. Nhờ quán sát sanh diệt nên trước tiên thấy ánh sáng và xa lìa mười phiền não thuộc Tỳ-bà-xá-na (dasavipassanùpakilesa). Sau khi xa lìa (mười phiền não trên) vị ấy phát sinh trí tuệ về đạo (patipadà-nàna, hành đạo tri kiến). Sau khi vượt qua pháp đã phát sinh, lại thấy rõ pháp sanh diệt (udayam pahàya bhangànupassanam patvà) và các niệm kế tục nhau bị tiêu diệt. Nếu hai trí này (đạo trí và hoại diệt trí) đã phát sinh thì đối với ba cõi, hành giả sinh (tâm) nhàm chán (sabbasankhàresunibbindanto). Và tuần tự đắc bốn đạo như vậy, hành giả đạt đến quả A-la-hán. Có 19 trí quán sát (ekùnavísatibhedassapacavekkhan ànànassa pariyatappatto sadevakassa lokassa aggadakkhineyyo hoti) biết rõ (các pháp) đến cùng tận, và vị này trở thành bậc ruộng phước vô thượng cho ba cõi gồm cả phạm, ma, Sa-môn, Bà-la-môn.
Ðây là pháp niệm hơi thở vào hơi thở ra. Và đã giải thích xong bốn câu đầu của phần thứ nhất (bốn đề tài niệm về thân).
Bốn câu trong ba phần còn lại cùng với các thiền khác không khác. Thế nên, tôi sẽ giảng giải.
Giác là đang cảm giác về hỷ: (trong đề tài) tôi đang (cảm giác) hít vào thở ra rõ ràng với hỷ. Ðược cảm giác hỷ nhờ vào hai việc. Ðó là:
1- Ðối tượng quán.
2- Không mê mờ.
Thế nào là có cảm giác hỷ đối với đối tượng quán? Khi vào hai thiền thì có hỷ. Ở trong thiền này, khi muốn được (hỷ thọ) với trí tuệ thì với đối tượng quán, tự nhiên được cảm giác hỷ thọ. Thế nên nhờ vào đối tượng quán mà được cảm giác hỷ thọ.
Thế nào là nhờ không mê mờ mà có cảm giác hỷ thọ? Hai thiền đều có hỷ, sau khi nhập và xuất thiền này thì trí tuệ quán sát hỷ ấy (sẽ bị) tiêu diệt nơi thiền quán, thấu suốt tướng của nó (tướng quán) không bị mê mờ; nhờ không mê mờ nên đạt đến cảm giác hỷ thọ.
Trong kinh Bà-trí-tam-tỳ-bà (patisambhidà - vô ngại giải) nói: Bằng hơi thở vào hơi thở ra mà đạt được nhất tâm. Tâm không tán loạn thì biết tỉnh thức rõ ràng. Nhờ biết tỉnh thức rõ ràng mà có cảm giác hỷ thọ. Nhờ thở ra dài nhờ thở vào ngắn mà cảm giác được toàn thân, cảm giác được sự diệt của thân. Nhờ thở vào thở ra thành tựu nhất tâm mà biết rõ. Nhờ hai pháp này mà cảm giác phát sinh.
Do an tâm nên có cảm giác hỷ thọ, nhờ biết rõ, nhờ pháp quán, quán ngược xuôi làm tâm ổn định lại, chí tâm giữ tinh tấn mà phát sinh hiểu biết, tâm tập trung ổn định biết rõ với trí tuệ, cái cần phải biết thì biết rõ, cái cần phải xả bỏ thì xả bỏ, cái cần phải quán sát thì quán sát, cái hiện rõ (tu tập) thì hiện rõ và đưa đến cảm giác hỷ thọ. Như vậy là đạt được cảm giác hỷ thọ. Các câu sau ý nghĩa cũng theo như vậy. Trong ba thiền định có điểm khác vì có cảm giác lạc còn ở bốn thiền định là cảm giác tâm hành (cittasànkhàrapatisamvedita- cảm giác tâm hành)
Hỏi: - Tâm hành là gì?
Ðáp: - Thọ và tưởng ấm (vedanàdayo duve khandhà) là tâm hành.
Cảm giác lạc đây thuộc về thiền tuệ Tỳ-bà-xá-na. Lạc có hai: một là lạc thuộc thân; hai là lạc thuộc tâm. Trong Vô-ngại-giải có nói: Diệt tâm hành tức là ổn định tâm hành thô và diệt nó (olàrikam cittasankhàram passambhanto nirodhento ti attho) cũng gọi là định chỉ. Nếu nói rộng thì được giải rõ trong phần thân hành, hãy tự nghiên cứu (yasankhàra). Hỷ trong câu nói (cảm giác hỷ) về thọ là thuộc hành. Nếu chọn lấy lạc thì thuộc cảm thọ. Cả hai trường hợp cảm giác trên trong câu tâm hành (cảm giác tâm hành) thì gồm cả tưởng và thọ tâm sở (sanna vedanà cetasika - tưởng thọ tâm sở). Hai pháp này không rời tâm, nếu chọn lấy tâm hành thì bao gồm cả tưởng và thọ. Bốn câu trong phần này là nói xong về quán cảm thọ, hãy tự nghiên cứu.
Câu cảm giác về tâm trong bốn câu thuộc pháp thứ ba (niệm tâm) là thuộc về cả bốn thiền định.
Cảm giác về tâm (abhippamodaya-citta) nghĩa là gì? Cảm giác tâm hoan hỷ, hoan hỷ hoàn toàn, tâm rất hoan hỷ, tôi đang cảm giác thở ra, thở vào. Có hai mặt hoan hỷ, đó là nhờ vào định và nhờ vào tuệ quán.
Thế nào là nhờ định? Có cảm giác hỷ và đi vào hai thiền định và khi đã vào rồi cũng có hỷ, trong một sát na tâm cùng với hỷ.v.v.. hân hoan vào trong tâm và rất hoan hỷ.
Thế nào là nhờ tuệ quán mà nhập vào hai thiền định? Có hỷ (thay đổi) theo thiền định (nhập vào) và xuất, và nhờ thấy hỷ có thể bị tiêu diệt nên luôn tiếp xúc với thiền hỷ (bằng tuệ). Như vậy, tuệ quán Tỳ-bát-xá-na (vipassanàkkhana) luôn luôn hoạt động với hỷ rong từng sát na là nhờ vào tuệ quán mà tâm có hỷ như vậy, tùy theo tâm mà có hân hoan.
Tôi đang hít vào thở ra với tâm hoàn toàn ổn định. Nhờ vào thiền định thứ nhất, đặt tâm hoàn toàn ổn định trên đối tượng quán, (hoặc là) sau khi đã nhập và xuất thiền, hành giả thấy tâm thiền định bị diệt theo từng pháp trong tuệ quán Tỳ-bát-xá-na này. Tâm định trong một sát na do hiện-quán vượt qua tưởng. Tâm định khởi lên trong một sát na ấy là nhất tâm định. Và tâm hoàn toàn an trụ trong tuệ quán này.
Câu " Tôi cảm giác (hít vào thở ra) với tâm giải thoát"
Nghĩa là giải thoát khỏi phiền não, thoát ly tư và niệm (tầm và tứ) ở thiền thứ hai, thoát ly hỷ ở thiền thứ ba, thoát ly khổ và lạc ở thiền thứ tư, giải thoát theo tuần tự như vậy. Sau khi (nhập) và xuất khỏi thiền, thấy rõ tâm diệt theo từng pháp trong thiền tuệ Tỳ-bà-xá-na này. Khi hành giả thấy vô thường thì xả bỏ pháp thường, thấy pháp khổ thì xả bỏ tưởng về lạc, thấy vô ngã thì xả bỏ tưởng về ngã, tâm không còn tham đắm. Do không tham đắm nên quán sát ly dục, từ nơi dục mà quán diệt tưởng, từ chỗ sinh tưởng mà quán xả bỏ (chấp thủ), từ chấp thủ mà tâm được giải thoát. Thế nên, trong luật nói: (quán) hơi thở vào hơi thở ra thì tâm được giải thoát. Trên đây là (giải thích) câu thứ tư trong phần quán tâm.
Trong bốn câu ở phần thứ tư thì quán vô thường là tưởng vô thường, nên biết rõ về quán vô thường, nên biết rõ về sự quán liên tục về vô thường.
Hỏi: - Cái gì vô thường?
Ðáp: - Năm ấm vô thường.
Hỏi: - Tại sao năm ấm vô thường?
Ðáp: - Vì chúng là pháp sanh diệt.
Hỏi: - Sanh diệt như thế nào?
Ðáp: - Là pháp biến đổi tướng trạng, vì biến đổi nên các pháp đã sinh (bị biến đổi) không có tướng cố định trong từng sát na sát na. Ðây gọi là quán vô thường. Bắt đầu là quán về sắc. Quán sắc vô thường là quán sắc luôn luôn vô thường. Quán sát nhân (của sắc) là do bốn đại chủng nên có hơi thở ra hơi thở vào, chúng là pháp hoại diệt, nên gọi là quán vô thường.
(Ðề tài) quán ly ái dục.
Có hai loại quán ly ái dục là: Một, quán tiêu trừ ái dục. Hai, quán hoàn toàn không còn ái dục.
Hỏi: - Thế nào là tiêu trừ ái dục?
Ðáp: - Các pháp bị diệt trong từng sát na (sát na diệt)
Hỏi: - Thế nào là hoàn toàn không còn ái dục?
Ðáp: - Quán hoàn toàn không còn ái dục là Niết-bàn.
Nhờ hai pháp này mà đạt đến chỗ thấy đạo; nhờ thấy đạo mà thấy được pháp Tịch diệt.
Thấy tịch diệt rồi thì quán xả ly. Nhờ quán tuệ Tỳ-bà-xá-na mà xả ly phiền não, chuyển hướng về Niết-bàn.
Như vậy, đây là (giải thích) phần cuối của pháp niệm hơi thở.
Hết phần niệm hơi thở (ànàpànasatisamàdhikathà nitthìtà).
 
Khi ấy, Thế Tôn ... là nói lược về đoạn: Khi ấy đức Thế Tôn dạy pháp niệm hơi thở cho các Tỳ kheo. Nhân vì các Tỳ kheo quán bất tịnh mà cùng nhau tự sát. Do sự việc này, đức Thế Tôn tập họp chúng tăng lại và quở trách: - Này các Tỳ kheo, vì sao giúp nhau tự sát, lại nhờ sa-môn Lộc-Trượng giết các Tỳ kheo...
Sau khi quở trách các Tỳ kheo. Như Lai kết giới Ba-la-di thứ ba: Tỳ kheo nào giết người... Bắt đầu là như vậy vì các đệ tử Thanh-văn có cả thánh và phàm nên không thể mắng các Tỳ kheo với lời lẽ như: người ngu si, người vô tích sự (moghapurisa). Sau khi qui định ở phần căn bản của giới này rồi, sau đó lại kết thêm mà bắt đầu là (cấm sự) khen ngợi về sự chết và dạy bảo họ chết.
Pháp sư nói: - Tôi sẽ trình bày về phần căn bản. Như vậy là Phật chế định giới này xong.
Dục trói buộc (patibaddhacitta) là dục phát sinh trói buộc tâm.
Khen ngợi sự chết như nói rằng: Ông ở đời thì bị nhiều khổ não. Ông đã làm các công đức nên chết được sinh thiên.
Ðã làm thiện... như nói ông đã làm nghiệp thiện thì chết phải sinh thiên, không còn nghi ngờ gì nữa.
Không gây nghiệp ác... như nói rằng ông không sát sinh, không nói dối, không làm bất cứ nghiệp ác nào mà ông đang bị bệnh cực khổ, vậy sống làm gì. Vì ông đã tạo nghiệp thiện, nếu ông chết khỏi nơi này, sẽ sinh trên trời, hưởng thụ năm dục lạc.
Nghiệp ác là khuyến khích cho mau chết.
Người bệnh vì nghe lời nói của Tỳ kheo ấy nên tự sát. Như vậy gọi là giết.
Biết đó là chúng sinh, ta muốn làm cho họ chết với sự quyết tâm không do dự nữa.
Chúng sinh ở đây chỉ cho con người từ khi còn ở trong thai cho đến khi chết.
Tâm ban đầu của con người nghĩa là tâm vừa thọ thân (người).
Lời nói này chỉ cho cảnh giới năm dục, nên gọi là tâm ban đầu. Tâm cùng ba ấm vô sắc (thọ, tưởng, hành) hợp nhau tạo thành (thai).
Sắc ca-la-la (kalarùpa) đây là giai đoạn đầu tiên của thân người.
Ngay trong sắc ca-la-la này, nếu là tướng nam hay nữ thì có 30 sắc, thân tướng hoàng môn có 20.
Hỏi: - Thế nào là sắc ca-la-la của nam nữ?
Ðáp: - Khi ca-la-la mới được tạo thành như giọt dầu trong suốt trên đầu sợi lông dê.
Có bài kệ:
Như giọt dầu rất nhỏ,
Trong suốt không có cặn
Ca-la-la mới thành,
Màu sắc cũng như vậy.
(Thân loài người) bắt đầu với (sắc) rất vi tế như vậy. Loài người trong quá khứ có tuổi thọ hai ngàn năm. Ca-la-la tuần tự trưởng thành theo như vậy cho đến lúc già chết. Khi ấy, gọi là chấm dứt một thân người.
Ðối với ca-la-la, dùng chuyên môn bằng tay để đập vào, hoặc ma sát, hoặc dùng thuốc, với nhiều phương pháp làm cho thai ca-la-la không thể sinh ra được thì gọi là giết chết.
Hai cách sinh. Một là sinh ở (cõi) sắc; hai là sinh ở (cõi) vô sắc. Trong các sắc, sinh (ở cõi) vô sắc thì không thể bị giết, sinh ở (cõi) sắc có thể bị giết, sắc bị giết thì vô sắc cũng bị giết. Tại sao? Vì vô sắc y chỉ vào sắc.
Hỏi: - Giết sắc là giết sắc ở quá khứ, hiện tại hay vị lai?
Ðáp: - Có bài kệ:
Sắc quá khứ không phải là hiện tại
Sắc tương lai chẳng phải là hiện tại
Sắc hiện tại tiếp tục sanh mãi
Bỏ sắc khứ, lai, lấy sắc hiện tại
Giết sắc hiện tại là sát sinh.
Hỏi: - Thế nào là hiện tại?
Ðáp: - Là (thời gian) không gián đoạn trong một sát na.
Hỏi: - Sát na là gì?
Ðáp: - (thời gian) vừa sinh liền diệt.
Pháp sư nói: - Nếu như vậy thì không thành giết. Tại sao? Vì tự sinh và tự diệt, không tùy thuộc vào sự gián đoạn (giết chết làm cho diệt)
Hỏi: - Làm sao biết được?
Ðáp: - Hiện tại đang tiếp diễn mà quá khứ chưa bị diệt. Như từ ngoài trời nóng, người kia đi vào nhà ngồi yên thì hơi nóng bị diệt mất và sự mát mẻ phát sinh tiếp nối không gián đoạn. Tâm cũng như vậy, phát sinh từ quá khứ tiếp diễn đến hiện tại không gián đoạn, nếu làm cho (tâm thức) gián đoạn thì thành sát sinh. Vì (mạng sống trong hiện tại ) là nhân để sống tiếp tục trong tương lai.
Pháp sư nói: - Phải biết rõ về chúng sinh, biết rõ về sự giết chết mạng sống của chúng sinh, biết rõ về phương cách (để giết).
Hỏi: - Thế nào là biết rõ về chúng sinh?
Ðáp: - Người đời gọi nhau với giả danh là chúng sinh nhưng kỳ thực chỉ là hơi thở đang sống.
Hỏi: - Thế nào là biết rõ về sự giết chết mạng sống của chúng sinh?
Ðáp: - Làm chấm dứt hơi thở đang sống và không cho sống nữa.
Hỏi: - Thế nào biết phương cách (để giết)?
Ðáp: - Có sáu phương cách (chappàyoga).
1- Tự mình (sàhatthika)
2- Bảo người (ànattiya)
3- Ném, bắn... (nissaggiya)
4- An trí (thàvara)
5- Chú thuật (vijjàmaya)
6- Dùng thần lực (Iddhimaya).
Hỏi: - Thế nào là tự mình?
Ðáp: - Tự mình giết.
Hỏi: - Thế nào là bảo người?
Ðáp: - Bảo người khác giết: - Ngươi hãy giết như vậy...
Ném, bắn nghĩa là bắt đầu với cung tên.v.v... với các khí cụ để bắn ném làm cho chết.
An trí nghĩa là đặt chông nhọn, mũi nhọn, đào hố, thuốc độc.v.v...một nơi nào đó, nếu tiếp xúc thì bị chết.
Chú thuật có hai loại:
a) A-tháp-bà-ny-da (Àthabbanika).
b) Số.
Hỏi: - A-tháp-bà-ny-da nghĩa là gì?
Ðáp: - Nước kẻ địch hay giặc dùng chú thuật (trù ếm) làm cho đầu, bụng đau đớn và gây các chứng bệnh khác làm cho chết.
Số nghĩa là dựa vào câu chú, (đọc) từ mười, hai mươi cho đến trăm lần (cho họ chết).
Thần lực là dùng năng lực thần thông như Long-vương, Ca-lưu-la, Dạ-xoa, Trời, vua người (Nàga, supanna, yakkha, deva, Ràjan) giết hại chúng sinh bằng cách trợn mắt nhìn hay cắn, phun độc làm cho chết.
(Chim) Ca-lưu-la có khả năng mổ giết trong phạm vi ba mươi tầm. Rồng, dạ xoa, trời, vua người tùy theo các khả năng phương tiện của mình mà (có thể) làm cho chúng sinh chết.
Cùng với binh khí: với những vật như các loại binh khí cho đến dao nhỏ, giúp cho họ tự sát. Và nói rõ rằng bạn sống thật vô ích không bằng hãy chết đi. (Sau khi nói ), người này đặt các dụng cụ tự sát như chùy sắt, đá, cây, dây, thuốc độc.v.v... bên cạnh người kia và khuyến khích rằng khi ở đời ông đã tạo các công đức nên chết phải được sinh thiên, hưởng lạc thú cùng chư thiên ngọc nữ trong vườn nan-đà (Nandanavana - vườn hoan hỷ), vậy tại sao phải chịu đau khổ trong đời sống này.
Hoặc bảo người nhảy xuống ghềnh đá. Ghềnh đá là nơi hai bờ núi giữa có vực sâu. Hoặc dạy người đi vào địa ngục.
Pháp sư nói: - Dạy người tự sát như vậy thì phạm tội Ba-la-di. Ðây chỉ cho trường hợp giết người, nếu giết chúng sinh khác thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Vì sao đức Thế Tôn chế đầy đủ về giới này? Vì Tỳ kheo ác trong đời tương lai vậy. Những câu tiếp theo sau dễ hiểu.
Nếu giết bằng các dụng cụ như thuốc độc, đâm, chém... nhưng không chết ngay mà sau đó mới chết (vì nguyên nhân trên), Tỳ kheo này cũng bị tội Ba-la-di.
Tôi sẽ nói về bốn trường hợp về dê (elaka - dê):
1- Thấy dê đang ngủ ở chỗ nọ, một Tỳ kheo nghĩ rằng tối đến ta sẽ giết dê này. (Sau đó) dê ấy đi ngủ chỗ khác mà tại chỗ dê đã nằm có cha, mẹ hoặc A-la-hán đến và trùm y phục nằm ngủ. Ðến nơi vì trời tối, Tỳ kheo không biết ấy là người nên bảo là dê và dùng dao chém. Làm chết cha, mẹ hay A-la-hán thì bị nghịch tội Ba-la-di. Vì ban đầu có tâm giết dê nhưng khi chém dao xuống lại sinh ý nghĩ rằng bất luận là dê hay người nào, ta phải giết cho chết. Do đó người này bị nghịch tội Ba-la-di.
Có một Tỳ kheo đến nằm ngủ vào chỗ dê ở. Người giết nói hãy giết người (ngủ) này thì người giết bị phạm Ba-la-di chứ không phạm nghịch tội.
Dạ xoa, quỉ thần đến chen vào chỗ dê ở. Người giết nói hãy giết (kẻ ở) chỗ này thì phạm Thu-lan-dá, không bị tội ngũ nghịch. Nếu giết dê thì bị tội Ba-dạ-đề. Nếu có tâm muốn giết cha, mẹ hay A-la-hán thì tuần tự bị phạm nghịch tội Ba-la-di.
Biết rõ cha đang ở trong đội quân ấy mà nhắm vào đội ấy bắn, nếu cha bị trúng chết thì phạm nghịch tội Ba-la-di. Nếu người chết không phải là cha thì người bắn chỉ bị tội Ba-la-di.
Bảo giết người cao mà họ giết người thấp, bảo giết người áo đỏ mà họ giết người áo trắng, người bảo không bị tội trọng (Ba-la-di), người giết bị Ba-la-di. Nếu người sai (giết) nói rằng gặp ai giết nấy thì bất kỳ ai chết, người sai đều bị Ba-la-di.
Người sai bảo giết trong hôm nay, người nhận lời lại giết vào ngày sau. Người sai bảo giết ngày sau, người nhận lại giết ngay trong ngày ấy. Người sai bảo giết vào buổi sáng, người giết lại giết vào buổi chiều. Người giết bị tội Ba-la-di, người sai thoát tội trọng. Nếu người sai bảo giết lúc nào cũng được thì khi giết xong, người sai bị tội trọng.
Người sai bảo rằng nếu có người đến chỗ này, ông hãy giết nó. Khi người kia chưa đến, người sai lại đi đến đấy, người nhận lời không biết phân biệt (là ai) nên giết nhầm (người sai) thì phạm tội Ba-la-di. Tuy chết, nhưng người sai bị tội Ðột-cát-la vào lúc sai (người khác giết).
Tỳ kheo này sai Tỳ kheo khác (giết người). Tỳ kheo nhận lời (lại) suy nghĩ rằng ta nên giết người gần trước. Khi chém dao xuống giết đúng người (muốn giết), người giết và người sai đều phạm tội trọng. Nếu giết do sai chuyền nhau thì phạm như trước đã nói, đúng lúc hay không đúng lúc cũng như ở trước.
Nếu Tỳ kheo sai Tỳ kheo giết Tỳ kheo. Khi sai thì người bị giết chưa đắc đạo nhưng khi sắp giết thì vị ấy chứng quả A-la-hán. Người sai và người giết đều phạm nghịch tội Ba-la-di.
Không vắng cho là vắng, nghĩa là mắt không chú ý nên không thấy (nên) cho là vắng.
Khi cúng dường mà có Tỳ kheo thù oán ở trong số Tỳ kheo đến dự, lại bị các vị ngồi trước che khuất nên không biết vị ấy có đến, lại nói lớn lên rằng người tên... tại sao không bị giặc giết đi, tại sao không bị rắn độc cắn đi, tại sao không bị nguời dùng thuốc độc giết đi, ý tôi rất vui khi kẻ ấy bị chết. Nói như vậy gọi là không vắng mà nói như là vắng.
Vắng mà nói là không vắng nghĩa là Tỳ kheo này đến ngồi nơi cúng dường. Tỳ kheo vừa rồi bị trù rủa biết có Tỳ kheo này đến. Khi Tỳ kheo này đi rồi (mà Tỳ kheo kia) không biết nên cho rằng vẫn còn đang có mặt và trù rủa Tỳ kheo ấy. Ðây gọi là vắng mặt mà nói như là không vắng mặt.
(Ai) nói những lời trù rủa cho họ chết như trên, đều bị tội Ðột-cát-la.
Pháp sư nói về khen ngợi sự chết: Ðem thân ra để khen ngợi nghĩa là tùy theo sự hiểu biết của người kia, hoặc đưa dao, gậy, thuốc độc hoặc dây... hoặc bảo nhảy xuống ghềnh đá, với cái chết như vậy, chết rồi sẽ được vật chất, hoặc được (tái sinh) với tài sản vô cùng, hoặc được sinh lên trời. Ðây là đem thân ra khuyên bảo, hoặc (bằng cách) vẫy tay, hoặc rung chân, hoặc đảo mắt.
Gọi lên nghĩa là mở miệng nói ra lời dạy người khuyến khích theo ý mình để họ chết.
Khi người này biết người kia khen ngợi sự chết thì người khen bị tội Ðột-cát-la. Người làm theo lời khuyên tự tử bị rất đau đớn nhưng không chết, người kia bị tội Thu-lan-dá. Nếu người nghe chết thì người khen bị tội Ba-la-di.
Nếu người này không hiểu lời khen (chết) mà người khác lại hiểu nên nói rằng ta chết phải được sinh lên trời. Và do đó người kia chọn lấy cái chết thì người khen vô tội. Nếu người khen cho cả hai người, ai chết thì họ cũng bị tội Ba-la-di.
Nếu tâm không nhắm vào ai mà chỉ khen ngợi chung (với mọi người) về sự chết, nếu có người vì thế mà chết, bị tội Ba-la-di.
Nếu sai người đến khen ngợi khuyến khích người A chết, vừa nói ra thì bị tội Ðột-cát-la, đến nơi nói xong làm người kia (làm theo mà) chịu đau khổ thì bị tội Thu-lan-dá, người kia bị chết thì bị tội Ba-la-di.
Sứ giả nghe khen ngợi rằng chết được sinh thiên mà không nói với người kia, lại nói với bạn bè thân tộc. Nếu có người vì vậy mà chết, sứ giả bị tội Ba-la-di, người dạy bị tội Ðột-cát-la.
Nếu sứ giả nghe nói được sinh thiên nên tự sát, người dạy bị tội Ðột-cát-la. Nếu viết thư đưa sứ giả mang đi, sứ giả không biết nội dung thư mà người nhận thư chết, người sai phạm tội Ba-la-di, sứ giả vô tội.
Nếu viết thư nhưng không chỉ cụ thể cho ai, mà làm cho người nhận thư chết, nếu người chết là cha thì người giết phạm nghịch tội Ba-la-di.
Nếu có tâm giết, tự giả tạo các loại kinh sách để khen ngợi cái chết, có người đọc kinh sách này, thấy trong kinh khen ngợi chết được sinh thiên, người kia làm theo các cách chết trong sách kinh ấy hướng dẫn và bị chết, người viết sách bị tội Ba-la-di.
Nếu cha mẹ bị chết thì người viết bị nghịch tội Ba-la-di.
Nếu sau đó hối hận, đốt kinh sách ấy (khi chưa làm cho ai chết) thì chỉ bị tội Ðột-cát-la (vì viết kinh ấy).
Nếu nhiều Tỳ kheo cùng nhau viết sách kinh khen ngợi việc chết, mà có người đọc kinh ấy nên chết, các Tỳ kheo đều phạm tội Ba-la-di, nếu làm cho cha mẹ chết thì phạm nghịch tội Ba-la-di.
Nếu viết kinh khen ngợi việc chết, có người trộm lấy đọc nhân đó mà chết, Tỳ kheo viết sách bị tội Ba-la-di.
Nếu gặp bùn trơn bị rơi (sách) có người nhặt được kinh sách bị rơi ấy và làm theo nên bị chết, Tỳ kheo soạn kinh bị tội Ba-la-di.
Pháp sư nói: - Sẽ trình bày về việc thứ nhất của sự giết chết mạng sống.
Tỳ kheo nào có cố ý giết, đào đất làm hầm để cho người A rơi xuống chết, đang đào đất thì bị phạm tội Ðột-cát-la; nếu họ bị rơi xuống hầm chịu đau đớn thì phạm Thu-lan-dá; nếu họ bị chết thì phạm tội Ba-la-di; nếu người khác rơi xuống chết, Tỳ kheo kia vô tội.
Làm hầm hại mọi người, bất kỳ ai chết, Tỳ kheo ấy đều phạm Ba-la-di. Nếu làm cho cha mẹ chết, Tỳ kheo ấy phạm nghịch tội Ba-la-di.
Nếu hầm sâu, người mang lương thực bị rơi vào hầm nhưng không chết ngay, sau đó ăn hết lương thực chắc phải chết (đói) không thể nào thoát ra được. Khi họ vừa rơi vào hầm, người đào hầm đã phạm Ba-la-di.
Làm hầm với dự tính giết người, người không đến mà chính mình bị rơi vào hầm và chết, khi đào thì phạm tội Ðột-cát-la. Có người rơi vào hầm bị gãy tay chân nhưng không chết ngay và thoát ra được nhưng sau đó vì thế mà chết, người làm hầm phạm tội Ba-la-di. Nếu họ chết vì lý do khác thì không phạm.
Pháp sư nói: - Bảo người khác làm hầm, phạm tội không phạm như trước đã nói.
Nếu làm hầm bắt quỷ thần, khi vừa làm hầm và khi quỷ thần bị rơi vào chịu đau khổ, người làm bị tội Ðột-cát-la, nếu chết thì bị tội Thu-lan-dá. Nếu người và súc sinh rơi vào chết thì không phạm. Nếu sau đó hối hận, lấp hầm lại mà họ bị hại vì lý do khác thì người làm hầm không phạm tội.
Nếu làm những dụng cụ để gây cho người chết, phạm tội không phạm tội như ở trước đã nói. Nếu không cố ý làm, hoặc làm hầm vì lý do khác mà người khác rơi xuống thì không phạm.
Nếu giảng thuyết về khổ, vô thường, quán bất tịnh, có người nghe nên tự sát thì không phạm.
Phần trên nói rộng về luật bản, và về nhân duyên giới sát. Nếu hành động phát sinh từ thân với tâm hoặc từ miệng với tâm thì bị tội, hoặc cả thân, tâm và miệng cũng bị tội. Ðây là tánh tội. Thân nghiệp và khẩu nghiệp có (câu hữu với) tâm hại nên chịu khổ.
Từ bi, nghĩa là thấy có một Tỳ kheo bị bệnh nặng, các Tỳ kheo với tâm từ bi nói rằng: - Trưởng lão, ngài giữ giới đầy đủ, vì sợ chết nên phải chịu khổ thế này. Nếu ngài chết thì sao lại không được sinh thiên?
Nghe nói như vậy, với ý nghĩ các Tỳ kheo đều khen ta giữ giới đầy đủ, chết chắc chắn sinh thiên, nên Tỳ kheo bệnh tuyệt thực mà chết. Người khen chết bị tội Ba-la-di.
Thế nên, Tỳ kheo có trí tuệ đến thăm Tỳ kheo bệnh, cẩn thận chớ khen ngợi sự chết mà có thể nói rằng: Trưởng lão giữ giới đầy đủ, chớ nên luyến tiếc trú xứ và các y phục, vật dụng, người quen biết, bạn bè... chỉ nên niệm Tam Bảo và niệm thân bất tịnh, sống trong ba cõi này chớ nên biếng nhác, dù mạng sống ngắn hay dài.
Nếu nghe khen như vậy mà Tỳ kheo bệnh qua đời tức là do nghe thuyết pháp mà chết, Tỳ kheo nói không có tội.
Khi muốn ngồi, các Tỳ kheo nên đặt tay lên chỗ ngồi trước rồi sau đó mới ngồi.
Pháp sư nói: - Chỗ ngồi nào phải đặt tay lên mới ngồi, chỗ ngồi nào không phải đặt tay mà được ngồi?
Ðáp: - Nếu trên đơn có trải chiếu thì không cần đặt tay trước. Nếu (trên đơn) có nệm bằng lông, nỉ, len... thì phải đặt tay lên trước rồi mới ngồi. Nếu Tỳ kheo đến trước, sau đó thí chủ mới trải tấm nệm nỉ len... thì không cần phải đặt tay nữa.
Nếu thí chủ nói rằng chỗ pháp sư ngồi đây thì Tỳ kheo được ngồi vào mà không cần đặt tay trước.
Nếu đã có Tỳ kheo ngồi sẵn thì Tỳ kheo đến sau được ngồi mà không cần phải đặt tay trước.
Câu cối đá (udukkhalavatthu) nghĩa là trong vườn cối đá (vườn đá tảng hay cối đá?)
Không cố ý làm nghĩa là không có tâm cố giết.
Câu cối đá ý nghĩa dễ hiểu không cần giải thích.
Xuất gia già cả (Buddhapabba-jitavatthu) có ba câu:
Câu thứ nhất: con nói với cha: - Ðừng để chúng tăng chờ đợi, hãy mau mau đi đến. Và cậu ta đẩy tới (làm cho cha) ngã xuống đất mà chết. Do đó vô tội.
Câu thứ hai: - Tại sao mong cho cha chết? Vì ngay giữa tăng, chúng tăng hỏi rằng con ai?
Ðáp: - Ðây là con của ông già (Ma-hallaka).
Nghe nói như vậy nên xấu hổ, người con ông già liền cố hất cha rơi xuống nên chết. Do đó bị tội trọng.
Câu thứ ba: Ðúng là bị tội Thu-lan-dá.
Từ đây lại có ba câu, dễ hiểu, không cần giải thích.
Trong phần khất thực có ba câu.
Một: Tỳ kheo khất thực này lấy pháp làm trọng, thế nên khi được thức ăn liền chia cho bạn đồng học trước, không có tâm giết hại (mà họ bị chết) nên vô tội.
Từ thượng tọa cho đến hạ tọa đều chết hết. Các câu khác dễ hiểu.
Câu thứ hai: Nếu khất thực được thức ăn từ nhà ngoại đạo, gặp thức ăn quá tinh khiết thơm ngon thì đừng nhận.
Nếu đã nhận rồi thì không được đem cho hay tự ăn mà âm thầm vứt bỏ đi, cũng không đem cho súc sinh.
Người làm thử thì phạm Thu-lan-dá. Vì sao? Vì chỉ muốn thử. Nếu biết rõ (đối tượng) phải bị chết mà vẫn cứ làm thì bị tội trọng.
Ba câu tiếp theo sau dễ hiểu.
Trong câu dâm dục làm loạn tâm nghĩa là suốt bảy ngày đêm luôn suy nghĩ cách chế ngự tâm dục của mình nhưng không diệt được, Tỳ kheo này suy nghĩ rằng ta đã giữ giới đầy đủ, lẽ nào lại xả giới hoàn tục vậy ta nên tự tử. Do đó, vị này lên bờ đá ở núi Kỳ-xà-quật và nhảy xuống tự sát. Khi ấy, dưới núi có người đang chặt cây, Tỳ kheo rơi xuống, đập vào và làm chết người đang chặt cây, vì không có tâm giết nên vô tội.
Phật bảo các Tỳ kheo: Không nên tự sát, người tự sát cho đến tuyệt thực đều phạm tội Ðột-cát-la.
Nếu Tỳ kheo bệnh nặng, thấy chúng tăng và Tỳ kheo nuôi bệnh chăm sóc cho mình quá cực khổ, nên suy nghĩ rằng: các vị này chỉ vì ta mà khổ cực đến như vậy.
Nếu vị ấy tự quán sát mạng sống không còn bao lâu nên không ăn, không uống thuốc nữa thì được.
Lại có Tỳ kheo (nghĩ rằng) ta bệnh quá khổ cực, mạng sống của ta cũng hết, ta đã biết rõ đạo tích như (thấy) trong bàn tay. Nếu thấy như vậy mà vị ấy tuyệt thực cho chết thì vô tội.
Tỳ kheo nào nhập thiền định muốn được đắc đạo nên không đi vào làng khất thực, nên không nhịn ăn (vì không có thức ăn) thì cũng được.
Trong câu về đá, Tỳ kheo không được đào đá, không chỉ là đá mà cho đến đối với cỏ, cây, đất cũng vậy.
Nếu vì xây tường chùa tháp, phải đào phá đá thì được, cho đến sửa sang phòng ở (mà phá đá) cũng được.
Sau bữa ăn (trưa) ném thức ăn lên cho chim (ăn) cũng được.
Nếu có thú dữ đến muốn hại, nên dùng đá đất ném cho chúng đi chỗ khác thì được.
Câu nói về thông dâm thì có ý nghĩa dễ hiểu.
Có thai do gian dâm ; Chồng của cô này đi xa, vợ thông dâm với người khác nên có thai. Khi thai lớn ra, cô ta đến Tỳ kheo để xin thuốc trục thai.
Câu cùng với người vợ, dễ hiểu. Theo câu này thì người đàn bà ấy nói với Tỳ kheo rằng làm sao phá được thai?
Tỳ kheo đáp: - Cô hãy bóp vào thì thai tự chết và ra ngoài.
Theo lời Tỳ kheo thì bóp chết nhưng cô ta lại dùng hơi nóng để trục thai nên Tỳ kheo vô tội.
Tỳ kheo bảo tự bóp chết mà cô ta nhờ người khác bóp chết, Tỳ kheo vô tội.
Nếu Tỳ kheo dạy người bóp vào thai cho chết thì họ tự bóp hay bảo người khác bóp cho thai chết, Tỳ kheo đều bị tội trọng.
Câu cô gái không con: Tất cả người nữ đều phải thọ thai vậy sao gọi là không có con? Khi bắt đầu thọ thai, nếu người nữ nào có gây nghiệp tội thì chúng sinh vào thai trong chốc lát sẽ bị chết ngay, nên không có con. Nếu người nữ mà bốn đại không điều hòa, bị phong động (thai liền chết) hoặc thai ở chỗ có trùng ăn nên chết mất, vì vậy gọi là không con.
Tỳ kheo này không biết như vậy nên cho thuốc để giữ thai nhi lại. Cô ta uống thuốc ấy vào thì chết. Tỳ kheo bị tội Ðột-cát-la. Thế nên, trong tương lai các Tỳ kheo không được làm thầy thuốc. Ai làm thầy thuốc bị tội Ðột-cát-la. Nếu làm thuốc cho người xuất gia như Tỳ kheo, Tỳ kheo ny, thức xoa ma na, sa di, sa di ny thì vô tội. Ðược pha chế cho bạn đồng học đã có thuốc sẵn, họ không có thuốc thì cho. Nếu mình không có thì có thể đến xin ở nhà thí chủ. Nếu xin thuốc ở đó không có thì xin ở nhà khác. Lại có năm nơi có thể cho thuốc là: cha, mẹ, người nuôi dưỡng cha mẹ, tịnh nhân của mình, bạn đầu-ba-la-sa.
Hỏi: - Bạn đầu-ba-la-sa là gì?
Ðáp: - Thiện nam tử muốn cầu xuất gia nhưng chưa có y bát, muốn sống trong chùa.
Nếu cha mẹ giàu có đủ thuốc tốt thì thầy thuốc không cần phải pha chế. Nếu cha mẹ (vị kia) ở địa vị vương gia, có bệnh thì không thể không pha chế thuốc (cho họ).
Nếu cha mẹ nghèo hèn, khi bệnh, tùy lúc nên đưa vào chùa để chăm sóc.
Khi tắm rửa cho mẹ, cẩn thận chớ xúc chạm thân thể. Khi ăn uống được tự tay đưa cho cha như sa di không khác. Rửa tay, thoa dầu (cho cha mẹ) được phép dùng tay của mình và nuôi dưỡng cho đến khi hết bệnh.
Ðối với tịnh nhân, thuê người vào rừng chặt cây lấy củi, nếu họ bị bệnh mà chưa về nhà được, Tỳ kheo nên cấp thuốc men. Nếu họ đã về nhà, Tỳ kheo không nên cấp thuốc. Nếu có người thiện nam y chỉ Tỳ kheo để giúp việc họ bị bệnh thì Tỳ kheo cấp thuốc. Lại có mười hạng người mà Tỳ kheo được cho thuốc: anh, em, chị, em gái, cô, dì, chú, bác, cậu, cậu bác (anh mẹ). Những người này đã có thuốc thì Tỳ kheo pha chế cho, nếu không có thì cho mượn. Sau này, nếu họ trả lại thì tốt, không trả thì chớ đòi. Như vậy, có thể tính đến bà con trong bảy đời, Tỳ kheo có thể xin thuốc của họ, chế thuốc cho họ mà không phạm giới (tăng-tàn) gây tiếng xấu ở nhà người (ô-tha-gia).
Nếu em dâu hay anh rể có bệnh, có thể đưa thuốc cho chị và em gái, bảo họ đưa cho em dâu hay anh rể.
Nếu không có em trai hoặc chị, thì có thể đưa cho cháu bên ngoại (hoặc đệ tử) và bảo: Hãy đưa thuốc cho cha mẹ của ngươi.
Nếu cha, mẹ của hòa thượng đang bị bệnh và ở trong chùa thì đệ tử cũng được phép làm thuốc điều trị cho những người ấy.
Nếu hòa thượng không có thuốc mà cha mẹ có thuốc thì tốt. Nếu hòa thượng không có đệ tử mà cha mẹ có thuốc thì tốt.
Nếu hòa thượng không có đệ tử mà cha mẹ có thuốc thì tự mình làm thuốc cho cha mẹ: hòa thượng săn sóc đệ tử cũng như vậy.
Nếu người khác có bệnh, hoặc giặc, hoặc quân nhân mang vũ khí đi vào chùa (uy hiếp), Tỳ kheo nào có thân quyến thì đến xin thuốc của thân quyến mà cho họ. Nếu không có thân quyến, mà có cận sự nữ tốt thì xin thuốc rồi cho họ cũng tốt.
Nếu có thí chủ cúng dường chúng tăng như cha mẹ, nhưng khi thí chủ có bệnh, chúng tăng cũng không được làm thuốc cho họ, hay cho thuốc.
Lại nữa, khi thí chủ chỉ hỏi rằng: Ðại đức... có bệnh, làm sao chữa trị, chế thuốc như thế nào?
Nên đáp: - Dùng thuốc này thì hết bệnh.
Nếu chúng tăng trả lời như vậy thì tốt. Nếu thí chủ lại hỏi Tỳ kheo rằng: - Thưa đại đức! Mẹ con bị bệnh, xin đại đức cho toa thuốc trị bệnh thì Tỳ kheo không được cho toa thuốc. Tỳ kheo ấy nên tạo phương tiện hỏi đại đức bên cạnh rằng: Tỳ kheo... có bệnh đã điều trị bằng thuốc gì?
Ðáp: - Trưởng lão ấy dùng thuốc... thì hết bệnh.
Nghe hai Tỳ kheo nói như vậy rồi, thí chủ theo cách ấy mà bốc thuốc cho cha mẹ mình.
Nếu Tỳ kheo nói như vậy thì không có tội.
Khi ấy, hoàng hậu Bà-Sa-Bà (Vasa-bha-ràjan) bị bệnh nên sai một cung nữ đến hỏi đại đức Ma-ha Ba-Ðầu-Ma (Mahà Padumatthera). Ðại đức này im lặng không đáp nhưng tạo phương tiện bằng cách nói chuyện với Tỳ kheo bên cạnh (về cách trị liệu này).
Nghe hai Tỳ kheo nói chuyện xong, cung nữ trở về làm thuốc theo như vậy và hoàng hậu hết bệnh.
Sau khi hết bệnh, hoàng hậu làm tam-y và 300 đồng tiền (kahàpana - ca-lị-sa-bàn) và một bình thuốc đầy, với y phục vật dụng đem đến đặt trước đại đức và thưa rằng: Phu nhân nhờ vào thuốc này (hết bệnh) nên cúng dường đại đức chi phí về hoa hương.
Ba-Ðầu-Ma suy nghĩ: Hương này thuộc phần của thầy thuốc.
Tôn giả nhận lấy vật ấy với sự thanh tịnh và đem cúng dường.
Pháp sư nói rằng: - Người trí tuệ như vậy có thể làm lợi ích cho chúng sinh mà mình cũng vô tội. Hành động như vậy là tốt.
Nếu người bạch y nói rằng: Xin thỉnh đại đức đặt ra kệ cầu an (paritta) cho người... thì Tỳ kheo không được làm.
Nếu họ thưa rằng thỉnh đại đức tụng kệ cầu an, thì được tụng.
(Khi ấy) Tỳ kheo nên suy nghĩ rằng người bạch y này không biết Phật pháp, nếu ta không chú nguyện thì họ sinh ý nghĩ ác, vậy nên tụng kệ chú cho họ.
Lấy dây nước để sái tịnh đưa cho họ, nếu tự làm nước sái tịnh và dây thì bị tội Ðột-cát-la (bát nước để rưới trong nhà thí chủ trong lễ cầu an và kèm sợi dây cột theo bát nước đến tay các vị Tỳ kheo hành lễ - người dịch).
Nếu vua hay đại thí chủ trong làng có bệnh, sai người đến chùa thỉnh Tỳ kheo chú nguyện cho họ, thì nên tụng kinh A-thát-na-đà (Atànà-tiyasutta kinh cầu an) cho họ.
Ðược phép đến chỗ người bệnh mà nói pháp hay truyền giới. Nếu thí chủ nói rằng gặp lúc đưa quốc vương..., thí chủ... đi tống táng, xin thỉnh ngài đưa đi.
Tỳ kheo không được đưa đi (vì tuân theo lời họ) mà phải có ý nghĩ rằng ta nên đến nơi tống táng để quán sát vô thường và nhân đó ta sẽ được đạo quả.
Nếu đi như vậy thì vô tội.
Phân vệ thực là thức ăn khất thực, được phép cho và không được cho. Ðược phép cho cha mẹ mà không được cho người khác. Có thể đưa cho người khác một tiền để nuôi dưỡng cha mẹ, được đưa cho tịnh nhân, được đưa cho người chuẩn bị xuất gia (Bàn-đầu-bà-la-sa pandupa-làsa). Tỳ kheo được cho những người ấy, được đưa cho giặc cướp đến đòi.
Hỏi: - Ðưa cho ai cần phải hỏi rõ, đưa cho ai không cần phải hỏi?
Ðáp: - Nếu có người đến chùa, bất luận sang hèn hay giặc cướp, đến phải hỏi rõ với họ. Nếu họ có yêu cầu vật gì thì được phép cho vật riêng của mình. Nếu là vật của chúng tăng, phải thưa trước và chúng tăng hòa hợp cho phép thì được đưa.
Nếu kẻ ác có sức mạnh (quyền thế) đến đòi lấy vật, người giữ vật thì muốn bảo tồn trú-xứ (chùa) thì được tùy ý cho.
Sau khi họ đã cho, chúng tăng không được la trách mắng người ấy với lời lẽ như: Ðây là do ngươi tự ý đem vật giao cho kẻ ác.
Vì sao? Vì họ muốn bảo vệ chùa.
Pháp sư nói: Tôi sẽ chứng minh việc ấy. Bấy giờ, tạo đảo Sư tử có nước tên A-nậu-la-đà (Anuràdhapura). Trong nước có giặc A-bà-da (abhaya) gồm 500 tên. Chúng cùng nhau tụ tập chiếm cứ một nơi lập thành đồn trại và cướp bóc những khu vực chung quanh cách trại chừng một do-tuần.
Câu cách lị (ngăn cách) dễ hiểu. Bị tội, ông hãy xem trong kinh Khuất-đà-ca (Khuddaka-nikàya).
Hoặc nâng lên hoặc đè xuống, nhóm thập thất quần Tỳ kheo 17 vị thấùy nhóm sáu Tỳ kheo chỉ có một vị. Một vị trong nhóm (17 vị) đoạt lấy bát của vị kia và sáu vị khác cùng giở vị kia lên và ném ngã ra đất và lần lượt cùng nhau ngồi trên (vị kia). Do đó vị Tỳ kheo già (trong nhóm lục quần) bị chết.
Bị kết tội như trong luật đã nói.
Trị quỷ: giết quỷ dạ xoa; dạ xoa này hay bắt người, Tỳ kheo tụng kinh chú bảo nó đi nhưng nó không nghe theo. Tỳ kheo bảo rằng nếu ngươi không tuân theo thì ta sẽ giết ngươi.
Dạ xoa cũng không bỏ. Do đó, Tỳ kheo dùng bột gạo hay đất sét nặn thành hình quỷ dạ xoa, rồi tụng chú làm gãy tay chân và tay chân (tượng quỷ) liền bị gãy và dạ xoa bị chết. Vì vậy, Tỳ kheo phạm tội Thu-lan-dá.
Không chỉ riêng cho dạ xoa, mà giết Thiên Ðế-Thích cũng bị tội Thu-lan-dá.
Câu dạ xoa ác, có một dạ xoa ác trú ngụ trong một chùa nọ. Tỳ kheo này không biết trong phòng ấy có dạ xoa ác nên sai một Tỳ kheo vào phòng để vị ấy được ở an ổn (nên đưa đến cái chết cho vị ấy) do đó vô tội. Nếu vì tâm ác mà sai vị ấy vào phòng cho bị chết thì bị phạm tội trọng, không chết thì phạm Thu-lan-dá.
Không riêng gì dạ xoa ác mà đối với nơi có rắn độc cọp sói.. cũng (xem) như dạ xoa ác, phạm tội không phạm thế nào như đã nói ở trên.Câu hiểm nạn, đối với chỗ hiểm nạn, có nhiều giặc, nhưng người sai đi không biết thì vô tội. Nếu biết rõ (tình hình nơi làm cho) người kia chết, người sai đi phạm trọng tội, không chết phạm Thu-lan-dá.
Giết đúng người là câu thứ nhất. Có một Tỳ kheo cùng một Tỳ kheo có thù oán nhau. Tỳ kheo này muốn giết Tỳ kheo mà mình thù oán, nên suy nghĩ rằng ta giết kẻ kia vào ban ngày thì mọi người biết rõ, vậy đợi tối hãy giết.
Với suy nghĩ như vậy, Tỳ kheo này đến xem xét chỗ ở (của vị kia) rồi trở về và khi tối đến thì đến chỗ Tỳ kheo kẻ thù. Trong lúc vị kia đang có nhiều bạn. Trong đêm tối, Tỳ kheo này tìm kiếm và nghi là kẻ thù nên giết đúng vị kia (kẻ thù) thì phạm trọng tội.
Tỳ kheo nghi người này mà giết nhầm người kia: Chỗ ở của Tỳ kheo bị oán thù này có nhiều bạn bè cùng đang ngủ trong chỗ tối. Tỳ kheo kia tìm kiếm và nói rằng đây là kẻ thù và giết nhầm người khác.
Có Tỳ kheo nói giết người này mà giết người kia, nói giết người kia và giết chết đúng người kia. Giết chết người với những trường hợp như vậy, đều phạm trọng tội.
Câu phi nhân, câu thứ nhất: Muốn cho quỷ xuất ra, dùng gậy đánh Tỳ kheo bệnh (quỷ nhập) chẳng may vị này chết, nên vô tội.
Hỏi: - Nếu muốn quỷ xuất ra thì phải làm thế nào?
Ðáp: - Dùng lá cây Ða-la hay vải lụa cột tay chân giữ người bệnh lại, tụng kinh La-đa-na (Ratanasutta kinh Tam bảo) sau đó bảo với nó rằng ngươi không được quấy phá người trì giới, ngươi hãy đi đi.
Ðược thuyết pháp, pháp sư nói rằng câu này dễ hiểu.
Pháp sư nói: - Câu chặt cây, có những nghĩa khác nhau về chi tiết. Nếu khi bị cây này ngã đè nhưng Tỳ kheo không chết. Trong tay có cầm dao bén, nhưng Tỳ kheo này thà chết chứ không chặt cây đào đất để thoát chết. Vì nếu đào đất chặt cây thì phạm tội Ba-dạ-đề. Phạm tội Ba-dạ-đề thì gọi là vượt qua lời dạy của thánh nhân (tội vượt pháp). Do đó, người có trí tuệ thà giữ giới mà chết chứ không phạm giới để được sống. Nếu có người khác đào đất chặt cây để cứu mình thoát ra thì tốt. Nếu có phương tiện thì cũng được. Phương tiện ở đây như là có cây chết khô, các Tỳ kheo dùng để bẫy cây (đang đè) lên thì tốt.
Nếu Tỳ kheo bị rơi xuống hang hố, Tỳ kheo khác được dùng dây thả xuống để kéo lên, không được tự chặt cây, được phép bảo người thế tục hay sa di chặt cho.
Câu phóng hỏa, có nghĩa khác, có người đốt lửa cháy lan gần đến chùa. Vì bảo vệ chùa, Tỳ kheo được phép phát cỏ, đào đất để dập tắt lửa, không phạm tội.
Câu phóng hỏa thiêu đốt, lại có nghĩa, nếu có ý nghĩ ta đốt cháy tất cả chúng sinh thì trong đám cháy ấy, có chúng sinh nào bị chết, Tỳ kheo ấy mắc các tội như ngũ nghịch, Ba-la-di, Thu-lan-dá, Ba-dạ-đề. Nếu nói: Tôi chỉ đốt cỏ, phạm Ba-dạ-đề; bảo người khác đốt, phạm Ðột-cát-la; chỉ được đốt lửa để bảo vệ trú xứ. Tại sao? Vì đức Phật cho phép.
Câu: nước sửa chua nghĩa là sữa lạc, sữa lạc chua, sữa lạc chín.
Hỏi: - Nước tô-tỳ-la (suviraka) là gì?
Ðáp: - Trước tiên lấy (trái) A-ma-la-ha-la-lặc-tỳ-ê-lặc (haritahàmalakavibhitaka).
Cốc có bảy loại, thứ nhất là cám gạo, cam tiêu tử, các loại trái cây, thịt, cá, măng, mật, đường cát, muối hạt, hòa lại với nhau, để trong vò hay bình nhỏ, đậy nắp kín và đắp bùn ở trên, để ba đến bốn năm đợi nó chín. Khi chín nó có màu như mật, dùng trị các bệnh như phong, hủi.v.v...
Dùng thuốc này khi ăn uống, cần thêm vị béo, tất cả các loại thuốc khác không hơn thuốc này, rất hiệu nghiệm. Tỳ kheo nào bệnh khi dùng thuốc này được phép dùng sau bữa trưa. Nếu không bệnh thì được phép hòa với nước để dùng.
(Hết phần giới Ba-la-di thứ ba)
Thế Tôn biết bốn đế
Dạy trọng giới thứ tư
Nay xin phân biệt rõ
Gọi là Ba-la-di.
Khi ấy đức Phật ở nước Tỳ-xá-ly. Ý nghĩa này đã giảng rõ ở trước, không nói lại. Sau đây xin nói đến những việc chưa nói đến.
Bị bạch y (người thế tục) sai khiến: hoặc cày ruộng hay làm vườn rừng cho người bạch y (và nói rằng): Chúng tôi sẽ làm tất cả những việc ấy.
Ðối với những việc ấy, Tỳ kheo không nên làm mà nên bảo người bạch y làm như trong luật đã nói.
Sứ giả: Làm sứ giả cho thế tục, hành theo pháp thánh lợi là pháp vô thượng trong loài người, cũng gọi là pháp thượng nhân, cũng gọi là pháp phạm, cũng gọi là pháp Niết-bàn. Pháp này là pháp của chư Phật, Bích-Chi-Phật và A-la-hán.
Bắt đầu là sự việc Tỳ kheo này đắc thiền thứ nhất. Các Tỳ kheo cùng nhau tính toán như vậy sau đó nói với người bạch y rằng: Có Tỳ kheo tên Phật-Ðà-Lặc-Khí-Ða chứng sơ thiền; Ðàm-Vô-Lặc-Khí-Ða chứng nhị thiền; Tăng-Già-Lặc-Khí-Ða chứng tam thiền. Và nói với người bạch y như vậy cho đến tứ thiền, tam đạt-trí, lậu tận A-la-hán. Dù người bạch y có hỏi hay không, các Tỳ kheo cũng tâng bốc nhau với họ. Ðược những người bạch y cúng dường, nhan sắc các Tỳ kheo tươi nhuận vui vẻ và sức lực sung mãn. Vì các Tỳ kheo này được cúng dường rồi, được ăn uống các món thơm ngon thì phóng túng chơi đùa, cũng không tọa thiền nữa. Do đó, nhan sắc của họ tươi nhuận vui vẻ.
Bờ sông Bà-cầu, các Tỳ kheo an cư bên bờ sông Bà-cầu nên gọi là Tỳ kheo sông Bà-cầu.
Câu: Phật hỏi các Tỳ kheo rằng: Các ông cư trú hòa hợp an lạc không? Nghĩa là Ngài hỏi các Tỳ kheo rằng thân thể (với tứ chi và chín lỗ) có an lạc, có mệt nhọc không?
Sau khi an ủi, Thế Tôn chê trách các Tỳ kheo ở sông Bà-cầu rằng: - Các ông hành động như vậy chính là loại giặc cướp lớn.
Nhân sự việc này, đức Phật ngăn cấm các Tỳ kheo trong tương lai không được có hành động như vậy. Do đó, trong luật có nói: Phật bảo các Tỳ kheo rằng:- Trên đời này có năm loại giặc lớn.
Nhiều người tụ tập, từ một hai trăm người cho đến năm trăm nguời cùng nhau cướp bóc thành phố, làng xóm, đào tường phá vách. Ðây là giặc cướp lớn trong thế gian.
Cũng như vậy, có Tỳ kheo phạm tội Ðột-cát-la, Ba-dạ-đề và tuần tự theo đó phạm Ba-la-di mà nhận sự cúng dường, tôn trọng, khen ngợi, chắp tay lễ bái của người khác... Ðời này, hạng Tỳ kheo ác này từ bỏ thầy và bạn đồng tu để kinh doanh kiếm lợi dưỡng, được lợi dưỡng rồi phóng túng ăn uống, thân thể béo mạnh, khí lực sung mãn, cùng nhau chơi giỡn, hoặc nói về sự thơm ngon của thức ăn, hoặc nói về sự dâm dục, hoặc bàn luận về sự giàu sang vui sướng của đất nước làng xóm, hoặc nói về các vườn chơi với thức ăn ngon ngọt, suy nghĩ đủ các thứ, bàn luận với những lời thô tục, phóng túng tâm ý không biết chế ngự, đưa đến phá giới. (Có hạng) hưởng thụ y phục, thức ăn, thuốc thang, chỗ ở, chăn màn bàn ghế của các thí chủ có lòng tin đem cúng dường bố thí, chúng chẳng phải Thích tử chân chánh lại tự xưng là Thích tử, không có phạm hạnh lại tự xưng phạm hạnh. Những kẻ hưởng thụ của cúng dường như vậy gọi là giặc cướp lớn thứ nhất.
Hết Quyển 11.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment