Wednesday 26 March 2014

CHẨN TẾ và BẠT ÐỘ
CHẨN TẾ .
            Y nghiã của việc cúng thí thực cô hồn:
 Nghĩa của hai chữ thí thực là bố thí thức ăn, về quan niệm ăn của Phật Giáo như sau:
 
a. Ðoạn thực:  thức ăn cứng, có thể chia thành phần như cơm, cháo, rau, canh, thịt, cá v.v. & các thức vật có hương vị làm xúc cảm tâm thức.  Tóm lại là những thức ăn thông thường mà các chúng sanh trong cỏi Trời, Người và súc vật thường ăn, ăn bằng miệng và tiêu hóa được.
 
b. Xúc thực: Ăn với thức quan hay biết mùi vị, tức là cách ăn của Quỷ, Thần thọ hưỡng hương vị mà thôi.
 
c. Tư thực: ăn với sự kiện thần giao tư tưởng, là phép ăn của bậc Thiên trên cỏi sắc giới, ăn với phương thức thuyền duyệt tức là không chủ về vật phẩm ăn mà chỉ thọ hưỡng hơi hương, luôn luôn xem việc ăn là đạo vị, thanh tịnh.
 
d. Thức thực:  ăn qua sự giao cảm của thức thứ 8, phép ăn nầy bậc Thánh, Phàm có khác nhau, bậc Thánh hưỡng thụ một cách hồn nhiên không phân biệt, còn bậc phàm phân biệt là ngon, dở; do chỗ phân biệt mà có tham muốn rồi khởi lên tư tưởng tham ăn đến bị vào vòng sinh tử, luân hồi.
Vì vậy mà khi mình ăn thì bậc Thánh cũng thọ hưỡng cho đến các loài ngạ quỷ, súc sanh đều thọ dụng.  Do đó mà các bậc tu hành, khi ăn trước hết phải cúng dường lên Phật, lên Tổ rồi làm phép Thí thực cho khắp thập loại chúng sanh, cô hồn, hai chữ cô hồn là nói chung tất cả những hương hồn bơ vơ, cô độc, không nơi nương tựa, không nơi thờ cúng, không ai ghi nhớ. . . Nhưng theo kinh sách thì gọi là Thí Thực Ngạ quỷ tức là ban phát thức ăn cho các loài quỷ đói, do đó những hương hồn bơ vơ, không nơi nương tựa cũng trở thành ngạ quỷ.  Vậy thí thực cô hồn cũng là Thí thực Ngạ quỷ.
 
 Cúng thí thực cô hồn là một khoa nghi cứu độ cho các oan hồn uổng tử, không nơi nương tựa đã có tự ngàn xưa. Phát xuất từ hồi Phật còn tại thế. Trong kinh Phật thuyết Diệm Khẩu Ngạ quỷ Ðà la ni có ghi lại: Một hôm ngài A Nan đang tịnh tu, có một con quỷ mặt mày quái dị đến nói với ngài trong ba ngày nữa ngài sẽ chết. Ngài đem chuyện ấy bạch lại với đức Phật. Phật dạy khắp trong ba cõi đều có các loài ngạ quỷ cần cứu độ. Phật còn dạy cho ngài A Nan những chú nguyện cần thiết và bảo lấy gạo nấu cơm cháo để cúng thí. Từ đó về sau mỗi lần thọ trai, các đệ tử của Phật thường sớt lại phần ăn để bố thí chúng sanh và ngạ quỷ. Mãi về sau, việc cúng thí được chư Tổ sắp xếp theo thứ lớp: Cúng Phật, Cúng Tổ, thí thực ngạ quỷ cô hồn trước khi chư Tăng thọ trai. Tại chùa, cúng thí thực như là một phần hành trì thiết yếu hằng ngày sau công phu chiều. Ở Việt nam, ngày trước cứ mỗi lần trong nhà có lễ: quan, hôn, tang , tế đều có cúng thí thực. Ðơn giản một mâm lễ nhỏ, một nồi cháo trắng gọi là cúng cháo, hay thông thường gọi là cúng Mông sơn thí thực.
            Nguyện nhân đời nhà Tống, Cam lồ Pháp sư lập một trai đàn cúng thí thực trên đỉnh Mông sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, phần khoa nghi dựa theo kinh chú Phật thuyết và lời cầu nguyện tóm tắc như sau:
 
1/ Trình bày tất cả do tâm tạo, qua kệ Hoa Nghiêm: Nhược nhơn dục liễu tri, Tam thế nhất thiết Phật, Ứng quán pháp giới tánh, Nhất thiết do tâm tạo.
 
2/ Nguyện xa lìa cảnh ác thú bằng cách tập trung tư tưởng phá tan mọi phiền não, sám hối tội lỗi, giải sạch oan khiên qua chú: Phá địa ngục chơn ngôn, Phổ triệu thỉnh chơn ngôn, Giải oan kết chơn ngôn.
 
3/ Cung thỉnh : Mười phương Tam bảo, Thích Ca, Quán Âm, Ðịa Tạng, và A Nan Ðà giáng lâm tác chứng.
4/ Hướng dẫn chúng san
h quy y Tam bảo: Quy y Phật lưỡng túc tôn, Quy y Pháp ly dục tôn, Quy y Tăng chúng trung tôn.
 
5/ Sám hối: Nhất thiết Phật tử, Hữu tình, Cô hồn giai sám hối. Nói chung cả người cúng lẫn kẻ thọ (cô hồn) phải thành tâm sám hối mới có lợi lạc. Kẻ cúng không bị đọa lạc, người hưởng (cô hồn) mới thọ dụng được pháp vị.
6/ Phát đại nguyện: Chúng sanh thệ nguyện độ, Phiền não thệ nguyện đoạn, Pháp môn thệ nguyện học, Phật đạo thệ nguyện thành. Chính người có phát tâm mới có giao cảm giữa người cứu độ và người cầu độ, mới gặt hái được kết quả lợi lạc.
 
7/ Diệt tội:Thành tâm sám hối, phát đại nguyện, hành giả tụng các thần chú diệt tội mới có linh cảm: Diệt định nghiệp chơn ngôn của ngài Ðịa Tạng .
Diệt bất định nghiệp chơn ngôn của ngài Quán Âm.
 
8/ Tuyên thuyết định giới: thần chú khai yết hầu chơn ngôn và tam muội da giới chơn ngôn. Ðể cho chúng sanh diệt trừ chướng ngại, mở rộng yết hầu, thọ hưởng pháp thực; thọ xong , giữ giới để thoát khỏi phiền não.
 
9/ Biến thức ăn thành pháp vị: Biến thực chơn ngôn, Cam lồ thủy chơn ngôn, Nhất tự thủy chơn ngôn, Nhủ hải chơn ngôn; khiến cho chúng sanh thọ hưởng được sung mãn.
 
10/ Niệm Phật: Ðể cho hành giả và chúng sanh tạo duyên lành gây chủng tử Phật.
 
11/ Kết nguyện: Thần chú gia trì tịnh pháp thực, tất cả Phật tử, hữu tình, cô hồn đã no đủ, xã hết tham dục mau thoát cảnh u đồ vào tịnh độ. Trì chú:”vô giá thực chơn ngôn” phá tang sự ngăn ngại thánh phàm, tăng tục, bình đẳng thọ hưởng cam lồ vị.
 
12/ Hồi hướng: Cầu cho tất cả chúng sanh an lành vãng sanh cực lạc.
Khoa này có ba điểm cốt lõi: Tâm thành, kinh chú, thân khẩu y thanh tịnh.
 
Cách lập bàn cúng Thí thực:
 Thông thường là phải có 2 (hai) bàn: một bàn cao và một thấp hơn (gọi là bàn thượng và bàn hạ) :
_  Bàn thượng:  Tôn trí tượng Phật, hay tượng Bồ Tát, nhưng thông thường là tượng ngài Tiêu Diện Ðại Sĩ ( hóa thân của ngài Quán Thế Âm), lư hương, đèn, hoa, quả, ly nước trong.
_  Bàn hạ (bàn đồ ăn) cũng trang trí: lư hương, đèn, bông, trái, ly nước trong, ly đề pha nước trà, một bình trà cúng.  Phía sau dãy đồ thờ là một mâm cơm cúng gồm đủ đồ ăn như cúng linh, ngoài ra còn có một nồi cháo thật lõng ( cháo thánh), một dĩa lớn hoặc một khay gồm: muối hột, gạo, đường thẻ.  .  . đây là thành phần chính yếu, nếu có thêm các thứ khác như : bắp, khoai lang, củ mì, bánh tráng, trái cây v.v. . . càng nhiều càng tốt.
*Nếu có điều kiện và khả năng thì lập thêm một bàn nữa phía trước bàn đồ ăn.  Bàn nầy cao hơn bàn đồ ăn, nhưng thấp hơn bàn Tiêu Diện một chút.  Trên bàn nầy tôn trí tượng ngài Ðịa Tạng, lư hương, đèn, bông, trái như các bàn khác.
Tóm lại, hai bàn thượng là bàn Phật, Bồ Tát nên trang trí đơn giản, trang nghiêm và không để đồ ăn.
Lưu ý:
a) Bàn thí thực luôn luôn lập ngoài nhà, trước cửa chính, nhìn vào bàn Phật trong nhà, tín chủ lạy hướng từ trong nhà lạy ra, cách thức lạy như lạy linh.  Thí thực được cúng tại tư gia sau khi có lễ cầu an, cầu siêu hoàn mãn.
b) Bàn thí thực Cô hồn không được lập gần cây thạch lựu, hoặc cây đào vì Quỷ sợ loại cây nầy.
 
c) Trước bàn thí thực phải dành một khoảng trống; ít nhất là bằng một chiếc chiếu để quí vị Quỷ Thần, Cô hồn có chỗ lễ bái chư Phật và thọ thực không bị chướng ngại.  Khi hương đã thắp lên rồi thì không nên đi qua, lại trong vùng nầy, mà chỉ nên đi hai bên.  Chủ lễ Cư sĩ nên đứng sau chiếu dành cho các vị Quỷ Thần và Cô hồn.  Nếu trai đàn chẫn tế, lược khoa thì khoảng trống nầy ở trước bàn Giác Hoa, và nên dùng loại dải vải vàng để làm ranh giới khu vực nầy.
 
2-  Thực phẩm cúng:  Nếu có cúng rau; nên cúng rau chín như rau luộc hoặc nấu canh, không được cúng rau sống.  Cháo thánh phải nấu thật lỏng (nhiều nước, nhưng ít gạo).  Không nên lấy cơm rồi cho nước vào để làm cháo.
 
3-  Ban Nghi lễ và người tham dự:
 
a)  Trong suốt thời gian cung hành nghi lễ, tất cả mọi người không được ăn hay uống bất cứ món gì.  Ngoại trừ thời gian nghỉ ngơi đã được qui định trong nghi thức.
 
b)  Phải hành lễ theo đúng thứ tự mà nghi thức đã qui định, không được đảo lộn như : thỉnh Cô hồn trước rồi thỉnh chư Phật và Bồ Tát sau.  Tuy nhiên được phép thay đổi các bài thỉnh, nhưng nội dung vẫn không khác.
 
c)  Vị phụ trách hương đăng phải cắm hương sau mỗi lần thỉnh vào đúng lư hương của chư Bồ Tát hay Cô hồn như lời cung thỉnh.
 
d)  Nếu có Ðiệp văn nên tuyên đọc sau diên trà thứ nhì.
Trên đây là những điều rất căn bản, tầm thường.  Nhưng chính vì sự tầm thường đó mà chúng ta hay phạm phải và xem nhẹ; trong khi chính mình đang làm công việc đó và là người chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi hậu quả.  Do đó chúng tôi viết lên những dòng chữ nầy với một ước nguyện duy nhất là: mong quí vị Cư sĩ đang có trách nhiệm nghi lễ để duy trì mạch đạo và bảo tồn một phần truyền thống văn hóa của dân tộc hãy lưu tâm, hầu ứng phú hửu hiệu trong mọi hoàn cảnh.           
 Cao hơn cả là chẩn tế cô hồn, chú trọng đến siêu độ cho các âm linh oan hồn uổng tử, bất đắc kỳ tử, bất định nghiệp, chiến sĩ trận vong không nơi nương tựa. Không những thí thực mà còn một lòng mong cứu độ cho chư vị thoát khỏi cảnh khổ nghiệp ác của cõi ngạ quỷ cô hồn. Một khoa nghi nhiều lợi lạc nhất nhưng rất khó thực hiện, vì phải đòi hỏi tinh thông cả hai mặt, kinh điển và mật điển. Mật điển của khoa Du Già là Tam Mật đồng tu: Thân kiết ấn, Khẩu trì chú, Ý quán tưởng. Ấn là Pháp thân, Chú là Báo thân, Kinh văn là Hóa thân. Thành tâm cầu nguyện thập phương Tam bảo gia hộ, tam nghiệp thanh tịnh, phát khởi tam tâm: từ bi, hỷ xã, bình đẳng độ thoát địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh tam đồ khổ não, chúng sanh đồng sanh an dưỡng. Có thể nói đây là một pháp hành trì mà âm cảnh và dương gian đồng lợi lạc.
            Phần nghi lễ thường do một số thầy thuần thục khoa nghi Du già ngồi đàn
 
Cung trần pháp đàn chẩn tế :
            Ðàn tràng tiếng Phạn là Mạn đà la, có nghĩa là một chỗ ngồi, một cuộc đất, lại còn có nghĩa là Luân viên cụ túc. Tức là lập một cái đàn bằng đất cao, vuông hoặc tròn đặt chư tôn lên đó mà cúng tế. Trên đàn tập trung đầy đủ chư tôn, chư đức, tạo thành một đại Pháp môn, một bánh xe tròn trặn, lại còn có nghĩa nơi tụ hội của thánh hiền, muôn đức đều quay về. Vậy cung trần pháp đàn chẩn tế là bày biện, sắp xếp vị trí hành lễ chẩn tế tròn đầy trang nghiêm theo khoa nghi. Thứ tự từ trong ra như sau:
1/ Bàn Phật: Cung thỉnh tượng Phật Thích Ca.
2/ Bàn kinh: Kinh sách, chuông mõ, pháp khí.
3/ Tham lễ Giác Hoàng: Chủ sám vào bạch Phật, đội nón Tỳ Lư
            Nón Tỳ Lư: tỳ Lư là tên gọi tắc của Tỳ Lư Giá Na tên chung của Pháp thân Phật tức là đức Ðại Nhật Như Lai của Mật giáo. Vị Tăng thủ tọa đội nón Tỳ Lư đứng làm đức Phật Tỳ Lư Giá Na (Ðại Nhật Như Lai) tụng kinh thí thực trong lễ Vu Lan. Do đó nón này các gia trì sư đội trong các lễ trai đàn chẩn tế, bạt độ và tang lễ của Phật giáo Việt nam
4/ Màn Sư tử toà: Sư tử tọa là chỗ ngồi của Phật.
Phật là bậc oai đức hơn tất cả chúng sanh. Cũng như sư tử dõng mãnh hơn tất cả các thú. Chớ chẳng phải là Phật ngồi trên mình con sư tử. Cho nên dù Phật ngồi bất cứ ở đâu, dù trên ghế, hòn đá, gốc cây hay mặt đất... thì những chỗ đó đều gọi là sư tử tòa. Vậy bức màn sư tử tòa là bức màn có hình con sư tử được vẽ rất oai nghiêm, dõng mãnh treo sau lưng vị gia trì sư, tượng trưng chỗ ngồi của Phật.
5/ Bảo tọa: Chỗ ngồi của gia trì sư, khi ngồi vào đây là đại diện chư Phật vì chúng sanh, đặc biệt là cô hồn mà tuyên dương chánh pháp. Theo khoa nghi trước khi vị chủ sám vào chỗ ngồi phải cung hành một nghi thức mật pháp rất nghiêm trang. Sau khi cung thỉnh ngũ phương Phật xong, vị chủ sám đến trước bàn Giác Hoa. Vị tả kim đài 1 đứng vào vị trí ở bàn kim đài, hai tay nâng thủ lư cung thỉnh sám chủ đăng bảo tọa để thuyết giới cho cô hồn. Vị chủ sám đáp lời và xin phép chư Phật cho đăng bảo tọa. Vị tả kim đài 1 ra lệnh cử chuông trống Bát Nhã để cung nghênh bằng động tác vổ thủ xích, chuông trống Bát Nhã cử hành, sám chủ quay về trái thượng bảo tọa. Kinh sư vào vị trí bàn kim đài.
6/ Màn song khai: Trước bảo tọa là bức màn phân làm đôi, được đóng lại hoặc mở ra tùy theo quy định trong khoa nghi.
7/ Bàn kim đài: Kinh sư ngồi hai bên tả hữu, mỗi bên ba hay bốn người. Thứ tự tính từ trong ra ngoài. Có đội nón Tỳ Lư hay không và xử dụng pháp khí (tan hay đẩu) tùy theo địa phương.
8/ Bàn giác hoa: Giác Hoa Ðịnh Tự Tại Vương Như lai, một đức Phật ở cõi Ta bà, hồi đời quá khứ cách nay không biết bao nhiêu kiếp. Ngài có tuổi thọ bốn trăm ngàn vạn ức a tăng kỳ kiếp. Về đời tượng pháp của đức Phật ấy có mọt cô gái Bà la môn, nhân mẹ vừa khuất, đến chiêm lễ tượng Phật Giác Hoa Ðịnh Tữ Tại Vương tại chùa cầu cho biết hồn mẹ ở chốn nào, ngài liền khiến thần thức của cô gaí ấy đến cõi địa ngục. Nơi đây quỷ vương cho biết nhờ phước đức cúng Phật và bố thí của thánh nữ, hồn bà được thoát cảnh địa ngục mà lên cảnh tiên. Cô gái ấy tức là tiền thân của Ðịa Tạng Bồ Tát.
Bên ngoài có các bàn ngũ phương:
Ngũ phương Phật là một hệ thống phối trí chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ  pháp hết sức thâm diệu của Phật giáo Mật tông; và là sự phối hợp giữa ngũ phương, ngũ trí, ngũ Phật, ngũ bộ và ngũ hành trong Thai tạng Mạn đà la và Kim Cang Giới Mạn đà la. Do đó đàn tràng ngũ phương cũng được lập hai cách khác nhau:
a/ Lập theo trung khoa Du Già:
 
1/ Trung ương:  
Tỳ Lô Giá Na (Ðại Nhật Như Lai) Hiển thân sắc màu vàng, đối diện bàn Giác Hoa.
 
2/ Phương Ðông: A Súc Phật (Bất Ðộng Như Lai) Hiển sắc màu xanh, trở mặt vào bàn trung ương.
 
3/ Phương Tây: Phật A Di Ðà. Hiển sắc màu trắng, trở mặt vào bàn trung ương.
 
4/ Phươmg Nam: Bảo sanh Phật. Hiển sắc màu đỏ, trở mặt vào bàn trung ương.
 
5/ Phương Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật. Hiển sắc màu đen, trở mặt vào bàn trung ương.
 
b/ Lập theo Kim Cang Giới Mạn Ðà La:
1/ Trung ương:Tỳ Lô Giá Na Phật- Phật bộ.
Pháp giới thể tánh trí, thân sắc màu trắng.
2/ Phương Ðông: A Súc Phật- Kim Cang bộ.
Ðại viên cảnh trí, thân sắc màu xanh hoặc màu lam.
3/ Phương Tây: A Di Ðà Phật- Liên Hoa bộ. Diệu quan sát trí, thân sắc màu đỏ.
4/ Phương Nam: Bảo Sanh Phật- Bảo bộ.
Bình đẳng tánh trí, thân sắc màu vàng.
5/ Phương Bắc: Bất Không Thành Tựu Phật- Yết Ma bộ.Thành sở tác trí, thân sắc màu lục
            Sở dĩ có sự khác biệt về thân sắc của ngũ phương Phật là do nhiều nguyên nhân như: Truyền bá đến các nước Phật giáo bằng nhiều đường khác nhau, ảnh hưởng truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc, tiến trình kết cấu và phát triễn Mạn Ðà La.v.v...Ngoài ra ấn tướng của chư Phật trong ngũ phương cũng có khác nhau theo sự phát triễn không ngừng của triết học Mạn Ðà La. Nhưng đây chỉ là những dị biệt nhỏ về hình thức, còn nội dung và mục đích tu chứng hoàn toàn không có gì thay đổi
            Phía sau Ngũ phương Phật là:
1/ Bàn Ðịa Tạng (đồng hướng và cao như bàn Trung ương)
2/ Bàn hộc thực (thấp hơn, để đồ cúng)
3/ Bàn Tiêu Diện (cao hơn bàn Ðịa Tạng)
            Ngũ phương, Ðịa Tạng và Tiêu Diện là bảy vị Phật độ cô hồn nhập đàn tràng thọ hưởng pháp lạc. Thường tại chùa hay tư gia có thờ Phật, chỉ lập đàn tràng từ màn Sư tử tòa đến bàn Tiêu Diện trên rạp tiền chế.
            Nếu không đủ sứ chẩn tế thì cúng lược khoa: phần kinh chú nhẹ hơn, phần đàn tràng khỏi lập ngũ phương.
 

 

 

BẠT ÐỘ

 
            Giải oan Bạt độ có nghĩa là cỡi bỏ oan khiên trói buộc, nhổ sạch phiền não đưa hương linh qua sông mê về bến giác.Lễ giải oan Bạt độ mang một tính cách vô cùng quan trọng là ta luôn nghĩ đến những oanhồn uổng tử, những bất đắc kỳ tử trong thân thuộc giòng họ đang chơi vơi nơi cảnh ngạ quỷ cô hồn chưa được siêu thoát mong được hoá giải cứu độ.
            Trong hành lễ, Sám chủ xử dụng ấn chú và cây Tích trượng trong hình thức giải oan:( Triệu thỉnh, Phá địa ngục, Giải tội khiên, Sám hối, Quy y ).
            Cây Tích trượng còn có tên là Thanh trượng, Minh trượng, Trí trượng hay Ðức trượng.
            Hiển giáo dùng làm gậy khi đi khất thực và đuổi trùng thú. Theo Tích trượng kinh: -Tích trượng của Phật Ca Diếp có hai gọng và 12 vòng tượng trưng cho hai đế (chơn đế và tục đế) và thập nhị nhân duyên.
                        -Tích trượng của Phật Thích Ca có 4 gọng và 12 vòng tượng trưng cho tứ đế và thập nhị nhân duyên
            Mật giáo thì cho đó là cây Thập Pháp Giới do 5 đại tạo thành, là hình Tam Muội Da của đức Ðịa Tạng có 6 vòng tượng trưng lục độ, trên đầu gậy có 5 bánh xe tượng trưng Bảo tháp. Hình thức dẫn độ hương linh qua cầu từ bến mê về bờ giác, bẽ gảy chiếc cầu giữa đôi đường mê giác, ân cần nhắc nhở chư hương linh đoạn tuyệt với quá khứ xấu xa, chuyên tâm tu hành thánh đạo:” Ðoạn nhất thiết ác, tu nhất thiết thiện, độ nhất thiết chúng sanh”.
            Hơn nữa, trong kinh Pháp Cú, Phật cũng đã dạy:”Tâm dẫn đầu, tâm làm chủ các trạng thái tâm lý và hành vi”.Nếu con người hành động hay nói năng với một tâm ác xấu thì khổ não sẽ lê bước theo sau người ấy như bánh xe lần theo dấu chân của con bò kéo xe. Ngược lại nếu con người hành động bằng tâm thiện lành thì hạnh phúc sẽ đuổi theo người ấy như bóng không rời hình”
            Với tâm thiện lành từ đây chắc hẳn âm linh thoát khỏi cảnh khổ phiêu bồng, chúng ta cũng không còn dây dưa với nghiệp cảm ấy nữa.
            Ngoài ra chúng ta còn có những cách bạt độ khác thuần túy như: quy y linh, vớt vong, thuyết linh.v.v...                                                                          
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.26/3/2014,THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment