Wednesday, 18 June 2014

KHÔNG VÀ TƯỚNG.

 
KHÔNG VÀ TƯỚNG
Ajahn Sumedho .
* * *
Khi tâm trong trạng thái tĩnh lặng, chú tâm lắng nghe, bạn có thể cảm nhận ra âm thanh rung động của nó ‘âm thanh của sự im lặng’. Âm thanh đó là gì? Phải chăng đó là âm thanh được cảm nhận qua tai bình thường hay đến từ bên ngoài? Âm thanh đó xuất phát từ tâm hay từ hệ thần kinh của bạn, hoặc từ một cái gì đó khác? Dù âm thanh đó là gì, nó vẫn luôn hiện hữu ở đó, và nó có thể được ứng dụng trong thiền định như một phương tiện để chúng ta hướng vào bên trong.
Khi chúng ta đã nhận biết rằng mọi biểu hiện của tâm khi khởi lên rồi sau đó sẽ mất đi, đây cũng là lúc chúng ta bắt đầu nhận ra mọi niệm tưởng sẽ không còn khởi lên nữa, nhưng nó vẫn không mất đi mà vẫn luôn hiện hữu. Nếu bạn bắt đầu khởi nghĩ về âm thanh, gán cho nó một tên gọi, và bằng mọi cách để có được nó, như thế bạn đã ứng xử sai về nó. Âm thanh đó không phải là một tiêu chuẩn để bạn tham cứu nếu bạn muốn vươn tới chỗ uyên áo của bản tâm, nó không là mục đích cuối cùng của tâm để chúng ta quán sát. Từ cách nhìn đó, chúng ta chỉ quan sát nó mà thôi. Bạn có thể nghĩ và nghe được âm thanh đó (nếu bạn cẩn trọng ứng xử với nó), nhưng một khi bạn đắm chìm trong niệm tưởng, bạn sẽ quên nó và không còn nghe nó nữa. Cho nên, khi niệm tưởng khởi, bạn cần nhận biết bạn đang mống niệm, hãy định tâm lại và quay về với âm thanh, hãy chú tâm lắng nghe nó một lúc. Khi bạn cảm xúc hay tâm trí bị ám ảnh, hoặc bất cứ chướng ngại nào nổi lên, bạn nên ứng xử một cách nhẹ nhàng và kiên nhẫn quán xét tâm mình, quán mọi cảm xúc khi nó đến, và xem tất cả trạng thái đều là vô thường, không thỏa mãn và vô ngã, sau đó bạn hãy buông xả và để cho nó ra đi. Mọi cảm xúc và ám ảnh trong bạn sẽ ra đi một cách nhẹ nhàng và vi tế mà bạn không cần phải chống đối. Cho nên, thái độ ứng xử và cách nhìn sáng suốt của bạn rất quan trọng. Bạn không cần phải giải thích gì cả khi cảm nhận âm thanh trong trạng thái tĩnh lặng. Nhiều người thường tỏ ra phấn khích và nghĩ rằng mình đang khám phá hay đạt được một điều gì đó, và đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người khi họ đối diện với trạng thái tĩnh lặng của tâm. Hãy tập ứng xử một cách khôn ngoan và tâm của bạn sẽ cảm nghiệm được sự tươi mát, không nên để tâm rơi vào trạng thái phấn khích; bạn cần phải ứng xử hết sức khôn ngoan và tế nhị, sau đó hãy buông xả và để cho mọi sự ra đi, không ôm giữ và tự cho mình đã được một trạng thái nào đó! Hành giả sẽ gặp chướng ngại trong thiền định nếu họ nghĩ rằng họ đã đạt được một điều gì đó từ âm thanh của sự tĩnh lặng.
Đây là cơ hội để bạn quán xét mọi trạng thái của thân và tâm, tập trung kiểm soát mọi trạng thái và cảm nghiệm nó, chẳng hạn tập trung cảm nhận tay hoặc chân của bạn rung động như thế nào, hoặc chú tâm vào bất cứ điểm nào đó trên cơ thể của bạn. Cảm nhận lưỡi khi nó chạm vào bên trên khoan miệng, vào môi trên, môi dưới hoặc sự ướt át trong miệng của bạn ra sao, sức ép của quần áo lên bên trên cơ thể. Bằng những cảm nhận vi tế đó chúng ta sẽ không còn phải lo lắng trong lúc tập trung. Khi quán xét những xúc chạm vi tế như vậy, đòi hỏi tâm bạn phải tập trung, và thân bạn phải thực sự thư giãn. Thân là đối tượng để chúng ta chú tâm. Khi tập trung, tâm cần nhẹ nhàng và bình thản, nhưng nếu bạn cảm thấy thiếu tập trung và chán ghét thân mình, cũng chính là lúc thân bạn cảm thấy bất ổn. Hãy thức tỉnh và tập sống như thế trong quãng đời còn lại của bạn. Tập sống và ứng xử với thân mình bằng thái độ ứng xử tử tế. Có thể bạn sẽ nghĩ: “Ôi, cái thân này nó không là gì cả, nó đáng nhàm chán, rồi nó sẽ già, bệnh và sẽ chết đi. Thân này không giá trị gì, tâm mới là cái quan trọng.” Đây là thái độ thường có ở hầu hết Phật tử! Cần phải kiên nhẫn làm việc với thân mình là điều hết sức cần thiết thay vì quan tâm đến những chuyện phù phiếm khác. Xem thường thân mạng là thái độ hoàn toàn sai lầm, bạn phải luôn thức tỉnh tập trung vào thân và ứng xử với thân bằng thái độ khôn ngoan nhất. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta tỏ ra quan trọng với cái ngã của chúng ta, mà đó là thái độ và là tình cảm thiện chí, thể hiện mối quan tâm của chúng ta đối với thân mình hiện có- dù biết rằng thân này là giả tạm.
Cho nên thiền định là tập trung vào quán năm thức của thân và cái trống rỗng của tâm. Quán sát mọi trạng thái cho đến khi bạn thực sự hiểu được nó, quán từ lúc nó khởi lên cho đến lúc nó tự mất đi, khi đó chúng ta mới thấy được bản chất của nó. Khi người ta không còn chấp thủ vào bất cứ điều gì và cũng không nhận thấy cái của riêng mình, chính là lúc bạn thực sự hiểu được vì sao cái thân này tồn tại dưới lớp vật chất, và tự giải phóng chính mình ra khỏi sinh tử.
Con đường để đến với minh triết không có nghĩa là tập trung cao độ vào những trạng thái của định, thể nhập vào những cảnh giới khác nhau, hoặc từ bỏ tất cả mà điều quan trọng là bạn cần phải thành tâm với những định hướng của mình. Thiền định không có nghĩa là quay lưng chối bỏ mọi sự vật của thế gian. Cũng không phải cố gắng để đạt được một trạng thái nào đó bằng cách loại bỏ mọi suy tưởng. Pháp hành để đem lại cho chúng ta trí tuệ thực ra rất nhẹ nhàng, hãy để cho mọi niệm tưởng xấu tự do phát khởi, rồi sau đó hãy buông bỏ tất cả. Bạn không cần phải chế ngự tâm mình mà hãy dành cho nó một lối thoát, cũng như một cái valve an toàn mà bạn cần phải mở ra khi bên trong đường ống chứa quá nhiều áp lực. Thông thường khi bạn có nhiều mong ước thì những mong ước đó sẽ được giải tỏa trong giấc ngủ của bạn. Nhưng sự minh triết không đến từ những điều mong ước. Vấn đề ở đây cũng giống như một con vật không có trí khôn, bạn cần phải huấn luyện cho nó một thói quen, khi nó mệt lã vì sự huấn luyện của bạn, nó sẽ gục ngã, khi nó tỉnh lại, bạn lại tiếp tục huấn luyện, và nó lại gục ngã. Nhưng con đường để đến với sự minh triết là phải biết quán xét sự vật một cách xuyên suốt, nhìn thấy những giới hạn của thân và tâm đang chết dần đi. Đây là lúc bạn cần phát huy năng lực chuyển hóa của mình để đối trị với những định kiến hạn cuộc của tâm và cảm nhận nó đang chết đi trong bạn.
Bạn đang phá tung mọi ảo tưởng trong tâm mình, cũng chính là lúc những niệm tưởng điên đảo trong bạn đang chết đi- Tôi không muốn nói bạn là một sinh vật bất tử vì e rằng bạn sẽ chấp vào ý niệm đó! “Bản chất đích thực của tôi là cái vô cùng uyên áo, là chân lý tuyệt đối. Tôi và Thượng đế chỉ là một. Bộ mặt thật của tôi là cái bất tử, thường lạc, không giới hạn bởi thời gian.” Nhưng bạn cũng cần nên lưu ý khi đức Phật đề cập đến cái chân lý tối hậu này, Ngài không dùng những lời lẽ truyền cảm như trong thơ ca để biểu đạt, vì Ngài không muốn chúng ta rơi vào sự mê chấp, chúng ta có thể cảm nghiệm được chân lý tối hậu hoặc đồng nhất cùng với Thượng đế, hoặc sự an lạc vĩnh hằng trong một ngày nào đó. Có thể nói rằng khi bạn cảm nghiệm được cái trạng thái ấy, bạn có cảm giác như mình đang bay bổng và tràn ngập những cảm xúc vô cùng mới lạ. Đây là trạng thái vi tế, khó đặt tên, và người khác cũng khó cảm nghiệm khi biểu đạt bằng ngôn từ. Bạn cần phải cẩn trọng và thực sự tỉnh táo với trạng thái trải nghiệm đó, nếu không, bạn sẽ thất vọng.
Nếu bạn buông bỏ trạng thái trải nghiệm đó, thì ngay sau đó nó sẽ biến mất. Chắc chắn khi ấy bạn sẽ có cảm giác hối tiếc và tội lỗi, vì trạng thái phấn khích kia trong bạn không còn nữa. Nhưng bạn hãy bình tĩnh, hãy buông xả và để cho nó ra đi.
Bạn nên biết rằng người tu thường hướng vào bên trong và luôn quán tâm mình, nên tâm họ thường tĩnh lặng. Ngay cả những tín đồ Thiên Chúa giáo cũng có niềm tin mạnh mẽ, họ cũng có khả năng định tâm rất cao. Những người khi tâm của họ đạt được như thế, ở họ toát ra một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Chính tôi cũng phải thừa nhận điều đó khi người ta bước vào trạng thái tâm hoàn toàn tĩnh lặng, trông vẻ bề ngoài của họ thật vô cùng an lạc và toát lên một sức mạnh vô cùng ấn tượng. Trong đạo Phật, trạng thái như vậy người ta gọi là “cuồng thiền” -(sannavipallasa)- “meditation madness”- Một vị thầy có nhiều kinh nghiệm tâm linh, khi nhận ra trạng thái đó ở người học trò, ông ta thường tách người học trò đó ra sống riêng tại một am tranh hoang vắng ở trong rừng và dặn dò người học trò đó không nên giao tiếp với bất cứ ai cả! Tôi nhớ năm đầu tiên thọ giáo tu học với ngài Ajahn Chah tại Nong Khai, tôi đã trải qua trạng thái đó, tôi nghĩ rằng tôi đã đạt được trạng thái giác ngộ hoàn toàn, tôi sống tách biệt trong một am thất dành riêng cho mình. Tâm trí tôi vô cùng sáng suốt và thấu triệt mọi sự trên cuộc đời này, và… Nhưng tôi không có ai để chia sẻ điều mình chứng nghiệm. Tôi không biết tiếng Thái, cho nên tôi không thể đến gặp những tu sĩ người Thái để chia sẻ với họ. Nhưng rồi vào một ngày nọ, một vị lãnh sự người Anh từ thủ đô Vientiane Lào quốc ghé vào thăm thiền viện, nơi tôi đang tu học, và một người trong tu viện đã đưa ông ta đến am thất của tôi… thế là tôi đã có người để giải bày những gì tôi đã chứng nghiệm, nhưng vị lãnh sự kia hoàn toàn không hiểu tôi muốn nói gì cả! Ông ta có mặt tại am thất của tôi với một tâm trạng vô cùng sửng sốt, là một người Anh nên ông tỏ ra rất lịch sự, và cứ mỗi lần ông ta có ý định đứng lên muốn cáo lui thì tôi lại ngăn ông ta nán lại. Tôi không ngừng nói với ông về trạng thái tôi đã cảm nghiệm, tâm tôi lúc ấy như cái thác nước Niagara, cuồn cuộn tuông ra một nguồn nước vô cùng mạnh mẽ mà chính tôi cũng không thể ngăn được nguồn nước đó. Cuối cùng, vị lãnh sự kia cũng rời khỏi am thất của tôi, ông ta ra đi như một người chạy trốn: Sau này, tôi không có dịp gặp lại ông ta lần nào nữa, và tôi cũng không hiểu vì sao?!
Khi trải nghiệm qua trạng thái như thế, vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta cần phải nhận biết nó. Trạng thái đó không có gì nguy hiểm cả nếu chúng ta hiểu rõ về nó. Chúng ta cần phải kiên nhẫn, đừng vội tin vào điều mình vừa trải nghiệm, cũng đừng tỏ ra quá phấn khích. Bạn cũng nên biết rằng những tu sĩ Phật giáo không bao giờ đi đây đó để nói về ‘khả năng chứng nghiệm’ của mình- nếu họ có nói ra đi nữa thì cũng chẳng liên quan gì đến trạng thái mà họ đã trải nghiệm.
Một khi có ai đó đến nhờ chúng ta hướng dẫn về thiền, chúng ta không dạy cho họ về những điều chúng ta trải nghiệm mà thường dạy cho họ về pháp Tứ Diệu Đế, một phương tiện để đưa họ đến với sự giác ngộ. Ngày nay, có nhiều người tự tuyên bố họ là những người đã giác ngộ hoặc tự xưng họ là hiện thân của Phật Di Lặc, một đấng đã liễu ngộ (avatar) nhằm mục đích lôi kéo đông đảo tín đồ đến với mình; thường những người đến với họ là những người nhẹ dạ cả tin! Đức Phật cũng đã từng khuyến cáo rằng hãy cân nhắc để nhìn rõ tính chất của vấn đề như thế nào thay vì vội vàng đặt niềm tin vào những điều người khác nói ra hoặc khuyên bảo. Đây là cách nhìn nhận vấn đề một cách khôn ngoan, trí tuệ, qua đó chúng ta sẽ khám phá và nhận ra được những giới hạn của bản tâm. Hãy quán xét mọi hiện tượng đều là vô thường (sabbe sankhara anicca), và tất cả pháp đều là vô ngã (sabbe dhamma anatta).
* * *
(Dịch từ tác phẩm: Mindfulness: The Path to the Deathless/ Chánh Niệm: Con Đường Dẫn Đến Sự Bất Tử).
Ghi chú của dịch giả: Sinh năm 1934 tại Seattle, Washington, Hoa Kỳ. Ajahn Sumedho đã thế phát như một Tăng sĩ Nam tông tại Thái Lan năm 1966. Ông đã dành mười năm để tu thiền với ngài Ajahn Chah, một vị đại sư duy trì theo lối tu  truyền thống ở trong rừng như thời của đức Phật. Năm 1976 Sumedho được Giáo hội Tăng già Anh quốc mời đến nước Anh, thời gian sau đó, ông đã thành lập hai trung tâm thiền viện chính tại đất nước này- thiền viện Chithurst và Amaravati- và một số chi nhánh nhỏ khác. Ông được bầu làm Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Anh quốc vào năm 1984.
 
HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.19/6/2014.

No comments:

Post a Comment