Wednesday, 18 June 2014

ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ TRONG THIỀN TẬP.
 
* * *
Trước hết hành giả phải phát nguyện quyết chí cầu đạo, giữ gìn giới luật trong sạch, tìm nơi vắng vẻ thích hợp cho tu tập và thường tự sách tấn chính mình. Hãy dựa nơi sức mạnh chính mình, không lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời giảng huấn của Đức Phật sẽ làm ngọn đuốc soi sáng dẫn đường cho hành giả, không cần lệ thuộc vào những lời giảng huấn nào khác nữa.
Phương pháp tu tập: Ngồi kiết già hay bán già, lưng và đầu thẳng, miệng khép kín, mắt nhìn xuống ngay sóng mũi, để niệm trước mặt và nhiệt tâm tinh cần quan sát rõ biết hơi thở ra vào, chánh niệm tỉnh giác. Hành giả tinh cần nhiệt tâm quan sát rõ biết như lời Phật dạy:
1. Hơi thở vào dài, tôi biết rõ hơi thở vào dài
Hơi thở ra dài, tôi  biết rõ hơi thở ra dài
2. Hơi thở vào ngắn, tôi biết rõ hơi thở vào ngắn
Hơi thở ra ngắn, tôi biết rõ hơi thở ra ngắn
3. Cảm giác thân hành, tôi sẽ thở vô
Cảm giác thân hành, tôi sẽ thở ra
4. An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra.
meditation-thoughts
Hành giả phải nhiệt tâm quan sát rõ biết hơi thở ra vào, không để cho gián đoạn và tập nhiếp phục khiến thân an tịnh, giữ niệm tỉnh giác. Nếu thân, tâm có trạng thái gì sinh khởi thì hành giả phải biết ngay và sau khi biết rõ, hãy tiếp tục quan sát rõ biết hơi thở vào, ra. Hành giả cũng có thể quán tánh sinh khởi, tánh đoạn diệt trên thân, giữ tâm không chấp thủ, an trú chánh niệm khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm… Hành giả quan sát rõ biết mình đang đi, đang đứng… đang làm việc… và giữ chánh niệm tỉnh giác, không chấp trước bất cứ một vật gì trên đời.
Tu tập quan sát rõ biết hơi thở vô, hơi thở ra, là “chìa khóa giác ngộ để mở cánh cửa giải thoát, là Thánh trú, là Như Lai trú”. Tu tập hơi thở sẽ đạt được các quả vị an lạc, giải thoát ngay trong kiếp sống hiện tại tùy thuộc vào ý thức và khả năng tinh tấn tu tập ở mỗi người.
Theo dõi hơi thở là tập niệm lực, luôn an trú tâm. Việc theo dõi hơi thở này phải nhạy bén, sáng suốt nhiệt tâm tinh cần. Quán sát thân hành (đường hơi thở và cả toàn thân) đòi hỏi phải chăm chú nhiệt tâm mãnh liệt, một sự ngưng trụ tâm mạnh hơn. Việc thực tập này cần phải công phu liên tục, kiên định và rõ biết để nhiếp phục thân và tâm. Nếu thân và hơi thở đã điều hòa, hẳn nhiên thân, tâm hành sẽ được an tịnh. Đến đây hành giả khéo tu tập quan sát rõ biết để chuẩn bị bước vào định và định sâu hơn, chứng đạt các tầng thiền.
Điều quan trọng tiên quyết là “tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác để chế ngự những tham ưu ở đời,” hành giả luôn ghi nhớ và thực tập viên mãn bước căn bản này.
“Tinh cần” sẽ xua đi những tâm lý mệt mỏi, thụ động, xua tan hôn trầm. “Chánh niệm tỉnh giác” là giữ tâm thức không rơi vào tham, không rơi vào sân, không rơi vào si, tâm an trú trong sự tỉnh giác rằng các pháp là vô ngã, vô thường và khổ không. Nhờ giác tỉnh như vậy mà tâm hành giả ngăn được các tham ưu đã sinh, khiến chúng ngưng khởi, ngăn được các tham ưu chưa sinh sẽ không sinh. Nhờ giác tỉnh các pháp không thật mà tâm sinh nhàm chán, ly tham, các tham tâm và ưu tâm biến mất. Đây là cách loại trừ năm triền cái để đi sâu vào thiền định.
meditation-mantras
Do điểm quan trọng của hành thiền là chỗ tinh cần, chánh niệm, tỉnh giác và nhiếp phục những tham ưu ở đời, nên hành giả thực tập chánh niệm trong mọi oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, nói, làm…. Có những lúc tâm thức chìm xuống, khó phát khởi tinh tấn, hành giả cần quán chiếu lý vô thường của thân, tâm và cuộc sống. Nhớ kỹ rằng đời người chỉ sống qua hơi thở mong manh, tự khắc tâm tinh tấn tu tập phát khởi. Có những lúc tâm thức dao động, tham tâm dấy khởi, mơ ước đủ điều cho tự thân, lúc bấy giờ hành giả cần quán sát thân bất tịnh nơi chính mình, nơi tha nhân, sự bất tịnh trong cuộc sống, tham tâm sẽ đoạn diệt, tức tâm ly dục sinh khởi. Có những lúc tâm thức nặng nề, những ưu tư về tự thân làm tâm dao động, bất an. Trong trường hợp này, hành giả cũng thực tập pháp Quán bất tịnh của ba mươi hai thứ bất tịnh trong thân (từ lòng bàn chân lên đến tóc). Quán sát thật kỹ để thấy rõ cái thân dơ bẩn, không thật, nó như một cái bọc đựng nhiều đồ ô uế. Rõ biết được như vậy hành giả liền bừng sáng về cái thân. Tại đây hành giả sẽ cảm thọ một niềm hân hoan, nhẹ nhàng, thanh thản. Khi phá vỡ được một số vướng mắc, hành giả tiếp tục quán tưởng về Mười hai Nhân duyên để thấy rõ vận hành của thân, tâm chỉ là tiến trình của duyên sinh duyên diệt. Nhờ thấy như vậy hành giả xa lìa sự bảo thủ, chấp trước, ly tham, ly sân, ly si, hướng đến “tri kiến và giải thoát”. Ở địa vị phàm phu, nhờ ly dục và tâm được an trú vào sơ thiền. Ở bốn thiền sắc giới nhờ ly tham, ly thủ, đắc Thánh quả. Ở địa vị hữu học, nhờ ly tham, ly thủ mà xa lìa vô minh, đoạn trừ các lậu hoặc. Ở giai đoạn này hành giả không Quán bất tịnh nữa, nên thực tập chuyên sâu về Quán nhân duyên, bốn đại không phải ta.
Giáo pháp của Đức Thế Tôn luôn mang lại lợi ích thiết thực cho người tinh tấn hành trì. Nhiều người cho rằng pháp môn Tứ Niệm Xứ quá đơn giản nên sinh tâm ngờ vực hiệu quả của pháp môn tu tập này. Hãy thực tập theo đúng hướng dẫn của Đức Thế Tôn, tinh cần thực tập thật nhuần nhuyễn sẽ chứng nghiệm các tầng thiền, tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Hành giả đừng bao giờ chờ đợi những sản phẩm tưởng tượng, những ảo giác của tâm, ngoại trừ tâm thức ly tham, ly sân và ly si. Hành giả cũng đừng quá trông mong ở một vị sư, thầy hướng dẫn các phương pháp đối trị các vọng tưởng, ảo giác, bởi vì tự thân của pháp môn “Tứ Niệm Xứ” đã là biện pháp đối trị đủ mọi thứ tâm bệnh rồi. Hành giả chỉ giữ quyết tâm thực hành nghiêm túc pháp môn “Tứ Niệm Xứ,” sớm hay muộn hành giả cũng sẽ bước vào các tầng định và đạt đến tâm giải thoát.
Meditation
Để thực tập được kiên định, trước tiên hành giả quán sát nhận chân rõ về tự thân và thế giới chỉ là tiến trình của duyên sinh duyên diệt, và phải luôn xa lìa tham ưu ở đời. Đấy mới là chánh kiến. Nhờ nhận biết rõ như vậy hành giả mới dốc tâm, tinh cần, luôn an trú chánh niệm tỉnh giác. Nếu hành giả còn ham muốn ưa  thích những tham ưu ở đời, tức phiền não chưa dứt, lậu hoặc chưa loại bỏ, thật khó cho hành giả có thể đạt được mục đích thực tập thiền quán. Dù nỗ lực thế nào đi nữa, hành giả không thể nào thành tựu tâm giải thoát ngược lại chỉ vô vọng, khổ đau. Hãy xa lìa mọi tham ưu ở đời để bước vào chân trời bình an tự tại.
Chớ sống đời phóng dật,
Chớ mê say dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Đạt được an lạc lớn.
(Kinh Pháp Cú, kệ 27)
* * *
Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt.
(Kinh Pháp Cú, kệ 113)
* * *
Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai!
(Kinh Pháp Cú, kệ 165)
* * *
Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền.
(Kinh Pháp Cú, kệ 380).HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.18/6/2014.

No comments:

Post a Comment