Wednesday, 18 June 2014

TÌM HIỂU VỀ ÐỊNH – CÁC VÔ SẮC XỨ (Aruppa-Niddesa).

 
TÌM HIỂU VỀ ÐỊNH – CÁC VÔ SẮC XỨ
(Aruppa-Niddesa)
* * *
1. KHÔNG VÔ BIÊN XỨ (Akàsànantàyatana)
Sau khi hành giả tu tập 4 phạm trú đắc được các cấp thiền ở Sắc giới, tiếp tục tiến sâu hơn nữa vào cõi định, sẽ thấy rằng cõi sắc giới, vẫn còn có hàng ngàn thứ nguy hiểm, do thế hướng tâm về Không vô biên xứ thuộc cõi Vô sắc để tu tập. Hành giả tác ý đến khoảng Không vô biên ấy bằng cách thầm nhủ “Khoảng không, khoảng không”. Khi hành giả vận dụng tầm, tứ tác ý đến cảnh giới ấy nhiều lần, thì những triền cái dần dần được chế ngự, niệm được an trú và tâm hành giả trở nên định tĩnh trong cận hành định, như bản luận nói: “Với sự hoàn toàn vượt qua sắc tưởng, với sự biến mất những chướng ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, hành giả biết rằng “Hư không là vô biên”, chứng và trú “Không vô biên xứ. ” (Vbh. 245)
Hoàn toàn nghĩa là về mọi phương diện.
Vượt qua sắc tưởng nghĩa là vượt qua, siêu việt các thiền chứng đã đạt được ở cõi sắc giới, Với sự biến mất những chướng ngại tưởng: Chướng ngại tưởng hay đối ngại tưởng là những tưởng khởi lên do căn tiếp xúc với trần tương ứng, như các tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc, đó là những đối ngại tưởng. Không tác ý các tướng sai biệt: Một người chưa đắc định, mà có tưởng về ý giới và ý thức giới, đó gọi là “Các tướng sai biệt”.
Hư không vô biên nghĩa là biên giới sinh và diệt của nó không thể biết được. Cái khoảng không còn lại sau khi rời bỏ đề mục (biến xứ) tu tập gọi là “hư không”. Không vô biên xứ: Cái gì không có giới hạn trong không gian thì gọi là hư không vô biên. Hư không vô biên nầy được xem như một “xứ” hay một khái niệm mà Thiền giả dùng để an trú. Nghĩa là tâm thiền giả lúc nầy tương ứng với một khoảng không bao la. Ðó là những giải thích về đề mục thiền Không vô biên xứ.
2. THỨC VÔ BIÊN XỨ
Sau khi đạt được thiền chứng về Không vô biên xứ, hành giả lại khám phá rằng thiền chứng nầy vẫn còn có những mối nguy hiểm, nên tác ý đến Thức vô biên xứ, xem đây như là đối tượng an tịnh hơn. Rồi hành giả vận dụng tầm và tứ tác ý đến “xứ” ấy nhiều lần như “Thức là vô biên, thức là vô biên”.
Khi hành giả hướng tâm thiền nhiều lần trên tướng ấy như vậy, những triền cái được từ bỏ, niệm được an trú, tâm trở nên định tĩnh trong cận hành định, như kinh văn mô tả: “Vị ấy hoàn toàn vượt qua Không vô biên xứ, biết rằng Thức là vô biên, chứng và trú Thức vô biên xứ”. (Vbh. 245)
Thức là vô biên: Hành giả tác ý đến khoảng không được biến mãn bởi thức, mà thức ấy thì bao la vô giới hạn, nên gọi là Thức vô biên. Hoặc là hành giả tác ý đến cái thức đã biến mãn hư không ấy. Thức vô biên xứ: Thức nầy là “xứ” hay môi trường, vì nó là nền tảng mà thiền giả đang hướng tâm tu tập.
3. VÔ SỞ HỮU XỨ
Khi hành giả muốn tu tập vô sở hữu xứ trước hết cần phải thành tựu sự thiện xảo theo 5 cách trong thiền chứng về Thức vô biên xứ. Thế rồi, thiền giả thấy được tính chất nguy hiểm trong Thức vô biên xứ như sau: “Thức này có Không vô biên xứ là kẻ thù gần của nó, và nó không được an tịnh như vô sở hữu xứ”. Do đó, hành giả vận dụng tầm và tứ hướng đến vô sở hữu xứ tác ý nhiều lần như sau: “Không có gì cả”, hoặc “Không, không”, và liên tục quán sát nó.
Khi hành giả hướng tâm đến tướng ấy một cách thiện xảo, thì những triền cái bị áp đảo, niệm được an trú, và tâm hành giả tập trung ở cận hành định, như kinh văn nói: “Vị ấy hoàn toàn vượt qua Thức vô biên xứ, biết rằng “Không có gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ”. (Vbh. 245)
Vô sở hữu xứ: “xứ” ở đây có nghĩa là chỗ trú, như “chư thiên xứ” là chỗ trú của chư thiên; do vậy, đây là một trú xứ không có sở hữu, nên gọi là vô sở hữu. Nó nói lên ý nghĩa Thức thuộc về không vô biên xứ đã biến mất.
4. PHI TƯỞNG PHI PHI TƯỞNG XỨ
Sau khi chứng đạt về định Vô sở hữu xứ, hành giả tiếp tục tư duy sâu hơn nữa, lại thấy rằng pháp định nầy còn có những nhược điểm, nhu sau: “Thiền nầy có Thức vô biên xứ là kẻ thù gần của nó, và nó không được an tịnh như Phi tưởng phi phi tưởng xứ”.
Sau khi đã từ bỏ bám víu vào Vô sở hữu xứ, hành giả vận dụng tầm và tứ tác ý đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ, xem cảnh giới nầy là an tịnh, bằng cách thầm nhủ “an tịnh, an tịnh”.
Khi hành giả hướng tâm nhiều lần đến tướng ấy, thì những triền cái bị áp đảo, niệm được an trú, tâm trở nên tập trung trong cận hành định, như kinh văn mô tả: “Bằng cách vượt qua hoàn toàn Vô sở hữu xứ, hành giả chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ”. (Vbh. 245)
Phi tưởng phi phi tưởng: Vì ở đây vắng bóng những tưởng thô, nhưng có mặt những tưởng vi tế. Hơn nữa, tưởng ở đây không phải là tưởng, vì nó không đủ sức mạnh để làm nhiệm vụ của tưởng, nhưng nó cũng không phải là không hẳn, vì nó còn hiện diện trong một trạng thái vi tế, như một hành còn sót lại, nên gọi nó là Không phải tưởng cũng không phải không có tưởng. Ở đây không những Tưởng mới có tính chất như vậy, mà Thọ cũng là phi thọ phi phi thọ, kể cả Thức và Xúc cũng thế.
Ðể làm sáng tỏ vấn đề trên, ở đây cần nêu một ví dụ như sau: Ví như một cái bát đựng đầy dầu vừa mới trút ra, nếu bảo cái bát ấy không có dầu thì không đúng, vì nó vẫn còn dính dầu. Nhưng nếu bảo cái bát ấy có dầu cũng không ổn, vì dầu ấy không thể sử dụng vào việc gì được.
TỔNG QUÁT
Trong 4 pháp thiền cõi Vô sắc nầy, Không vô biên xứ đầu tiên là do vượt qua những tướng về sắc pháp. Thức vô biên xứ thứ hai là do vượt qua Không vô biên xứ; Vô sở hữu xứ thứ ba là do vượt qua Thức Vô biên xứ và Phi tưởng phi phi tưởng thứ tư là do vượt qua Vô sở hữu xứ, nghĩa là do sự biến mất của Thức lấy hư không làm đối tượng. Ở đây nên nhớ rằng mỗi thiền Vô sắc nầy chỉ có 2 thiền chi là xả và nhứt tâm mà thôi. Tuy chỉ có 2 thiền chi trong cả bốn Vô sắc, nhưng phải hiểu rằng mỗi thiền kế tiếp bao giờ cũng vi tế hơn là bậc thiền trước nó.
Ðến đây cũng cần mượn một ví dụ để trình bày vấn đề: Ví như có một cái lều dựng trên một chỗ dơ dáy. Rồi một người đi đến nhờm gớm sự nhơ uế, nên tựa 2 tay vào túp lều. Người thứ hai đi đến, liền dựa vào người ấy. Người thứ ba đi đến và nghĩ, cả 2 người kia không an toàn, vì nếu túp lều sụp đổ thì chúng sẽ gặp nguy hiểm, do vậy ta nên đứng ở ngoài. Thế rồi, một người thứ tư đi đến, thấy sự bất ổn của 2 người đầu, và nghĩ rằng người đứng ở ngoài an toàn hơn, nên y đứng dựa vào người ấy.
Cái khoảng không mà biến xứ đã dời bỏ, ví như căn lều dựng chỗ dơ uế. Thức thuộc Không vô biên xứ, lấy không gian làm đối tượng, do chán ghét các sắc vi tế, là giống như người đầu bám vào cái lều vì nhờm gớm đồ dơ. Thức thuộc Thức vô biên xứ, mà sự sinh khởi nương vào Thức thuộc Không vô biên xứ, là ví như người tựa vào người bám cái lều. Thức thuộc Vô sở hữu xứ, thay vì lấy cái thức thuộc Không vô biên xứ làm đối tượng, lại lấy sự phi hữu của thức ấy làm đối tượng, ví như người thứ ba sau khi xét thấy bất ổn nơi hai người trước, không dựa vào người thứ hai, mà đứng ở ngoài. Thức thuộc Phi tưởng phi phi tưởng xứ phát sinh nương nơi thức thuộc Vô sở hữu, cái thức ra ngoài, nghĩa là ở nơi phi hữu của thức trước đấy, ví như người đứng dựa vào người thứ ba, sau khi đã xét thấy bất ổn ở hai người đầu, và nghĩ rằng người đứng ngoài là khéo đứng.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.19/6/2014.

No comments:

Post a Comment