Câu truyện dưới đây kể về Đức Đại Mục Kiền Liên, là một đệ tử giác ngộ của Đức Phật Thích Ca, một nhân vật lịch sử, du hành đến một thái dương hệ xa xôi và đến một hành tinh gồm những cư dân khổng lồ, tại đó cũng có một vị Phật cùng những đệ tử đang tụ tập theo sự hướng dẫn của vị Phật này. Câu truyện này làm người ta nhớ lại truyện Gulliver Phiêu Lưu Ký tại xứ người khổng lồ, và câu truyện rất đặc biệt về nhiều phương diện. Đức Phật và Đại Muc kiền Liên, cả hai đều sống vào khoảng thế kỷ thứ năm hay thứ sáu trước Tây Lịch. Tại Tây Âu, cho đến thời Galileo (1564-1642), hầu hết những người có học đều nghĩ rằng toàn thể vũ trụ đều quay chung quanh trái đất và bao gồm một mặt trời cùng bảy hành tinh. Họ không nhận thức được rằng các ngôi sao cũng là những mặt trời khác. Câu truyện dưới đây cho thấy cách đây 2500 năm, các Phật tử đều biết vũ trụ rộng lớn có vô số mặt trời, vô số hành tinh và sự sống của loài hữu tình. Hiện nay, những người thiên về khoa học thường có khuynh hướng bác bỏ, cho rằng những vũ trụ quan không phải của Tây Phương đều là giới hạn, sơ khai, với những huyền thoại bị bóp méo theo ý nghĩa tiêu cực. Trong câu truyện này, chúng ta được giới thiệu về một hệ thống vũ trụ có vẻ gần gũi với cái nhìn khoa học đương thời về vũ trụ vật lý hơn là gần với hệ thống Vũ trụ của Tây Phương trong thời tiền Galileo. Dĩ nhiên những xác quyết về năng lực tâm linh của Đức Phật và Đại Mục Kiền Liên cùng kích thước của loài người ở tại hành tinh xa xôi đó không dễ dàng dung hợp được với đầu óc vật chất khoa học hiện nay.
Trong câu truyện này, Đại Mục Kiền Liên cố gắng tìm biết về phạm vi âm thanh của Đức Phật khi ngài nói Pháp. Ở đây, Đại Mục Kiền Liên không phải muốn nói về âm thanh vật lý di chuyển thành sóng âm thanh trong không khí. Điều Đại Mục Kiền Liên thích thú tìm hiểu là phạm trù ngày nay chúng ta gọi là âm thanh thần cảm, âm thanh mà nếu được huấn luyện đúng đắn, chúng ta có thể nghe trực tiếp từ tâm mình.
Câu truyện này cũng là câu truyện để nhắc nhở. Một mặt nó cảnh cáo chúng ta về sự nguy hiểm của lòng kiêu ngạo về khả năng và hiểu biết của chúng ta. Qua tiến trình sự việc xảy đến, Đại Mục Kiền Liên đã nhận thức được giới hạn của chính mình, đồng thời nhận thức được sự rộng lớn bao la của lòng từ bi, trí tuệ và năng lực của Đức Phật. Mặt khác, Đức Phật của thế giới kia đã dạy các đệ tử của Ngài rằng, mặc dầu Đại Mục Kiền Liên có vẻ nhỏ bé và vô hại đến mức khôi hài đối với họ, nhưng Đại Mục Kiền Liên có những khả năng mà họ không thấy được, và rất đáng được họ tôn kính. Do đó câu truyện này cũng nói lên những thành kiến hời hợt và sự nhạo báng những kẻ có vẻ khác với chúng ta. Ở đây, chúng ta có một bài học, bài học xưa mấy ngàn năm, rằng những người thuộc những nền văn hóa và chủng tộc khác đều xứng đáng được chúng ta tôn trọng, và không những thế, ngay cả những người ngoài hành tinh từ các thế giới khác cũng xứng đáng được tôn trọng như vậy. Tôi nhấn mạnh những chủ đề này không phải bởi vì chúng tạo thành thông điệp cốt tủy của câu truyện về phạm trù âm thanh không thể nghĩ bàn của Đức Phật, mà bởi vì những điểm này dễ dàng bị bỏ sót khi cứu xét sự đa dạng của chủ đề chính.
Bản dịch dưới đây là một phần nhỏ trong Kinh Đại Bảo Tích, là một tập hợp những giáo pháp Đại Thừa đa dạng đã được dịch sang tiếng Trung Hoa lần đầu tiên vào năm 280 sau Tây Lịch và sau đó được dịch sang tiếng Tây Tạng. Bản Ấn ngữ nay không còn hiện hữu. Phần được chọn để dịch ở đây là một phần trong phẩm mang tên Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, phần này cũng được lưu hành như một bản kinh biệt lập [2]. Chủ đề chính của phần này là những đặc tính không thể nghĩ bàn của thân thể, thinh âm và tâm lượng của chư Phật.
Kinh Văn:
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ [3] lại nói với Bồ-tát Tịch Ý: ��Tôi xem khắp trên trời và trong thế gian, các Ma Vương, Phạm Thiên, Sa Môn, Phạm Chí, chư Thiên và loài người đều không thể ước tính được âm thanh của Như Lai vang xa đến đâu��
Tại sao vậy?
Như chính tôi nhớ lại lúc Thế Tôn ở tại núi Linh Thứu cùng với chư Bồ-tát quyến thuộc vây quanh. Có hội thuyết pháp tên là Tịnh Âm Tràng do Bồ-tát Từ Thị (Di Lặc) kiến lập, Thế Tôn rộng vì chúng sanh mà ban bố pháp âm. Lúc ấy tôn giả Đại Mục Kiền Liên trong lòng tự nghĩ: ��Ta muốn thử xem âm thanh của đức Như Lai vang đến bao xa.��
Liền đó Ngài Đại Mục Kiền Liên từ chỗ ngồi bỗng biến mất. Ngài hiện trên đỉnh núi Tu Di nhưng vẫn nghe âm thanh của Như Lai như ở gần trước mắt. Ngài bèn dùng thần lực bay đến phía ngoài cùng của ba ngàn Đại Thiên thế giới, vượt qua cả các núi Thiết Vi thuộc những vùng bao quanh núi Tu Di. Đứng trên đỉnh Đại Thiết Vi tột mé ngoài, ngài nghe tiếng Như Lai như cũ không khác, vẫn như gần chứ chẳng phải xa.
Lúc đó, đức Phật nghĩ rằng: ��Ông Đại Mục Kiền Liên muốn thử phạm vi Tịnh Âm của Như Lai. Ta phải dùng thần túc thông để giúp ông ấy��. Ngài bèn vận thần túc thông và lúc đó ngài Đại Mục Kiền Liên nương vào trợ lực của Phật, dù thế giới Phương Tây rất xa, nhưng ngài vẫn có thể vượt qua chín mươi chín Hằng hà sa số nước Phật. Đến nơi ấy có thế giới Phật tên là Quang Minh Phan và có đức Phật tên là Quang Minh Vương Như Lai chí chơn Chánh đẳng Chánh giác, hiện đang thuyết pháp. Ngài Đại Mục Kiền Liên đến đó mà vẫn nghe âm thanh của đức Như Lai Thích Ca Mâu Ni như tiếng nói của người đối diện.
Trong nước Phật tên Quang Minh Phan này, ánh sáng vô cùng rực rỡ. Thân Phật nước đó cao bốn mươi dặm [4]. Thân hình các vị Bồ-tát cũng cao hai mươi dặm. Còn bình bát các Bồ-tát cao một dặm. Sau khi ngài Đại Mục Kiền Liên đi vòng trên vành bát, các Bồ-tát bạch Thế Tôn Quang Minh Vương rằng: ��Bạch Đại Thánh! Con trùng này từ đâu đến, mình nó mặc y phục Sa môn đang đi trên vành bát."
Đức Phật ấy bảo rằng:
��Các Thiện nam tử, cẩn thận, chớ sanh lòng khinh khi hiền giả này. Tại vì sao? Vì người này là đại đệ tử trong hàng Thanh Văn của đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở thế giới Ta Bà, tên là Đại Mục Kiền Liên, có thần thông bậc nhất."
Đức Quang Minh Vương Phật bảo ngài Đại Mục Kiền Liên: " Chư Bồ-tát và Thanh văn ở cõi nước chúng ta thấy thân ông nhỏ bé nên sanh lòng khinh khi. Ông nên nương oai đức của Phật Thích Ca Mâu Ni mà hiển bày thần thông để họ xem."
Lúc bây giờ, Ngài Đại Mục Kiền Liên đến trước đức Phật Quang Minh Vương, đảnh lễ dưới chân, đi quanh phía phải bảy vòng rồi lùi lại trước mặt Phật và bạch rằng: ��Con muốn thân này ngồi kiết già. Liệu nơi này có đủ lớn để chứa vừa thân con không?
Đức Phật nói: ��Cứ tùy ý��. Ngài Đại Mục Kiền Liên liền bay vọt lên hư không cao bảy trăm triệu thước. Tại bảo xứ đó tạo một chiếc giường báu và tự ngồi kiết già trên đó.
Từ giường báu ấy rủ thòng ức trăm ngàn triệu xâu chuỗi bửu châu. Mỗi viên bửu châu trên mỗi chuỗi phóng trăm ngàn tia sáng. Mỗi tia sáng đều có hoa sen báu. Trên tất cả hoa sen báu đều hiện có Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi, tuyên thuyết kinh điển. Pháp âm thanh tịnh ấy đồng như đức Phật Thích Ca Mâu Ni (ở thế giới Ta Bà) không khác. Đại Mục Kiền Liên hiện thần thông xong, lại trở về trước mặt đức Phật Quang Minh Vương.
Đức Phật Quang Minh Vương bảo ngài Đại Mục Kiền Liên rằng: "Ông đừng nên thử âm thanh của đức Như Lai vang xa đến đâu, âm vang này vô cùng tận, không có xa gần. Đâu có thể muốn là thử được chừng hạn của nó. Ông thật là lầm to. Này Mục Kiền Liên, dù cho ông dùng thần túc đi mãi về phương tây qua Hằng hà sa kiếp đi chăng nữa cũng chẳng biết được chừng hạn âm vang của Như Lai. Âm vang chư Phật Thế tôn xa rộng vô tận, siêu tuyệt vô lượng không thể diển tả được."
Ngài Đại Mục Kiền Liên sụp lạy dưới chân đức Thế Tôn sám hối rằng: "Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, con thiệt kém sáng suốt. Âm thanh của Phật vô lượng, mà con lại ngang bướng sanh lòng muốn biết chừng hạn xa gần."
Đức Phật Quang Minh Vương bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên: "Ông đi quá xa, vượt qua khỏi chín mươi chín hằng hà sa thế giới mà đến cõi nầy."
Ngài Đại Mục Kiền Liên bạch: "Bạch đức Thế Tôn! Rất xa rất xa. Nay thân con quá nhọc mệt chẳng thể trở về được."
Đức Phật nói: "Ý ông nghĩ thế nào, phải chăng ông tự dùng thần lực mà đến được đây? Ông chớ quan niệm như vậy. Phải biết đó là do oai đức của Phật Thích Ca Mâu Ni nên ông mới có thể đến được đây. Ông phải hướng Phật Thích Ca Mâu Ni đảnh lễ, oai thần của đức Phật ấy sẽ đem ông về đến bổn quốc. Giả sử ông tự dùng thần lực, dầu đi suốt một kiếp cũng về không đến. Lúc ông về đến sẽ không kịp thấy Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt. Ông nghĩ thế nào, ta đang ở hướng nào: đông, tây, nam hay bắc?��
Ngài Đại Mục Kiền Liên thưa: "Bạch đức Thế Tôn! Con quên mất phương hướng, thiệt chẳng biết bổn quốc ở chỗ nào, ở hướng nào."
Đức Thế Tôn dạy: "Đức Thích Ca Mâu Ni Phật ở về hướng Đông."
Liền lúc ấy, Ngài Đại Mục Kiền Liên quỳ gối phải, chắp tay hướng về phương Đông, kính lễ đức Thích Ca Mâu Ni Phật, rồi nói kệ rằng:
Đấng Tôn quý trời người
Ban trải lòng thương xót
Oai đức lớn vòi vọi
Trời người đều cung kính
Âm vang Phật vô lượng
Trí huệ không ngằn mé
Xin hiện cõi Ta Bà
Con muốn về bổn quốc.
Oai đức lớn vòi vọi
Trời người đều cung kính
Âm vang Phật vô lượng
Trí huệ không ngằn mé
Xin hiện cõi Ta Bà
Con muốn về bổn quốc.
Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: "Âm thanh của chư Phật Thế tôn không có biên giới, không thể nghĩ lường được."
Lúc ấy tại núi Linh Thứu, các Ngài Xá Lợi Phất v.v... nghe tiếng xướng kệ của Ngài Đại Mục Kiền Liên đều rất ngạc nhiên.
Ngài A Nan bước lên bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Ai tuyên kệ quy lễ đức Thế Tôn như vậy?"
Đức Phật nói: "Này A Nan! Đó là Đại Mục Kiền Liên ở tại thế giới Quang Minh Phan của đức Phật Quang Minh Vương Như Lai chí chơn cách cõi nầy chín mươi chín hằng hà sa thế giới về phương Tây. Ông ấy muốn trở về đây nên tuyên kệ kính lễ.
Ngài A Nan lại hỏi: "Bạch đức Thế Tôn! Duyên cớ gì mà Ngài Đại Mục Kiền Liên đến cõi nước Phật đó?"
Đức Phật nói: "Nầy A Nan! Chờ Đại Mục Kiền Liên về tới, ông sẽ hỏi ý ấy."
Đại chúng đều bạch đức Phật: "Bạch đức Thế Tôn! Chúng con muốn được thấy thế giới Quang Minh Phan và đức Quang Minh Vương Như Lai chí chơn Chánh đẳng Chánh giác. Chúng con cũng muốn được thấy Ngài Đại Mục Kiền Liên đi nơi cõi ấy. "
Đức Phật biết lòng khao khát của chúng hội, liền từ tướng bạch hào [5] giữa chặng mày phóng ra tia sáng lớn tên Câu Thọ, chiếu suốt qua chín mươi chín hằng hà sa thế giới đến cõi Quang Minh Phan. Chúng hội đều thấy thế giới Quang Minh Phan và đức Quang Minh Vương Như Lai chí chơn.
Ngài Đại Mục Kiền Liên thấy tia sáng của đức Phật liền gieo mình kính lễ.
Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni bảo Ngài Đại Mục Kiền Liên nương tia sáng ấy để trở về bổn quốc.
Ngài Đại Mục Kiền Liên nương theo tia sáng của đức Phật, trong khoảnh khắc về đến núi Linh Thứu, đảnh lễ chân đức Phật, đi quanh bảy vòng, quỳ chắp tay ăn năn tự trách: "Bạch đức Thế Tôn! Con tự mê lầm. Âm vang của đức Như Lai chẳng có hạn lượng mà con lại muốn thử. Con đi mãi xa. Đến đâu cũng vẫn nghe âm thanh của đức Như Lai y như ở gần bên, như nhau không khác. Âm vang của đức Như Lai thật mênh mông không ngằn mé."
Đức Phật nói: "Đúng như lời ông nói. Thanh âm của đức Như Lai suốt đến xa không lấy gì ví dụ được. Muốn biết thanh âm của đức Như Lai vang đến xa gần thì cũng như là đo hư không muốn biết ngằn mé. Tại sao vậy? Như hư không cùng khắp vô biên, tiếng nói của đức Như Lai vang suốt không ngằn mé. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.27/7/2014.
No comments:
Post a Comment