Tuesday 29 July 2014

Đương thể tức không      Essence des phénomènes est Vacuité        當體即空    
Tất cả các pháp hữu vi không cần phải đợi đến khi nó hoại diệt sự thể mới gọi là Không, mà ngay khi sự thể nó đang hiện hữu đây đã là Không rồi. Bởi vì các pháp hữu vi do nhân duyên mà sinh, nó như giấc mộng, như trò ảo thuật, không có thật tính. Khi quán chiếu như vậy thì thấy các pháp là Không ngay nơi thực tại, gọi là Thể không quán.
Tính chất của các pháp hữu vi là KHÔNG: không có tự thể riêng biệt, không tồn tại độc lập, không tồn tại mãi mãi, bởi vì các pháp đều do nhân duyên kết hợp mà có, nương vào nhau mà tồn tại và luôn thay đổi.
Ví dụ: Đám mây là không. Dù cho đám mây đang bay trên bầu trời, thì nó vẫn đang là không như thường chứ không phải chờ cho mây tan rồi mới nói là không. Không như vậy không có nghĩa là 'không có đám mây', mà bởi vì đám mây tự nó không có tự tánh riêng biệt, nó không tự sinh ra, mà nó có mặt do nhân duyên, tức do hơi nước gặp không khí lạnh mà có.
Đại đức      Vénérable    Venerable     大德    Bhadanta
Đức lớn. Từ tôn xưng những người có đạo đức lớn. Trước đây chỉ dùng để tôn xưng Phật, Bồ tát và các bậc Cao tăng trưởng lão đắc đạo, sau này dùng để chỉ chung cho tất cả các thầy tỳ kheo tu tập phạm hạnh thanh tịnh.
1. Từ tôn xưng Phật, Bồ-tát, Cao tăng hoặc Tỳ-kheo trưởng lão. Luật Tứ phần giới bổn ghi: 'Tì-bà-thi, Thi-khí, Tì-xá, Câu-lưu-tôn, Câu-na-hàm mâu-ni, Ca-diếp, Thích-ca văn, Chư vị Thế Tôn Đại đức này đã nói cho Ta những việc như vậy'.
Hữu bộ Tì-nại-da tạp sự ghi: 'Thầy Tỳ-kheo trẻ tuổi phải gọi các bậc Trưởng lão là Đại đức, Thầy Tỳ-kheo Trưởng lão gọi Thầy Tỳ kheo trẻ tuổi là Cụ thọ' (người đã thọ giới đầy đủ).
Trong các bộ luật ghi chép, khi đối diện trước đại chúng gồm những Tỳ-kheo thì gọi là 'Đại đức tăng'; đối trước đại chúng gồm những Tỳ-kheo ni thì gọi là 'Đại tỉ tăng'.
2. Tôn xưng bậc Cao tăng. Ở bên Tàu người ta không tôn xưng Phật, Bồ-tát là Đại đức, mà tôn xưng các bậc Cao tăng là Đại đức. Như Tục cao tăng truyện ghi: 'Bấy giờ, vua sắc chiếu phong hiệu Đại đức cho sáu người, Huệ Viễn là một trong sáu người đó'.
Đến đời Tuỳ, Đường thì người ta dùng từ Đại đức để tôn xưng những vị dịch kinh. Như truyện Đại Đường đại từ ân tự tam tạng pháp sư ghi: 'Vào niên hiệu Trinh Quán thứ 19 (645 TL), tháng sáu Huyền Trang đến chùa Hoằng Phúc dịch kinh, Đại đức làm việc chứng nghĩa có 12 vị, Đại đức làm việc sửa chữa kinh văn có 9 vị, Đại đức đảm trách chữ nghĩa có 1 vị, Đại đức đối chiếu chứng nghĩa với bản tiếng Phạn có 1 vị...'.
Đại bi      Grande compassion    Great compassion    大悲    mahākaruṇā
Bi nghĩa là thương xót và cứu giúp những người đau khổ. Chư Phật và Bồ tát thấy chúng sanh đau khổ lòng xót thương vô hạn, không nở để chúng sinh chìm đắm trong sinh tử, bị muôn thứ khổ đau bức bách, nên liền phát nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh, gọi là Đại bi tâm. Kinh Niết bàn nói: 'Ba đời chư Phật đều lấy đại bi làm gốc, nếu không có tâm đại bi thì không thể gọi là Phật'.
Tâm đại bi mẫn của Phật và Bồ-tát (đại bi mẫn tình thương xót vô cùng to lớn).
Đại bi là một trong 18 năng lực đặc biệt của Phật (xem mục Bất cộng pháp).
Đại bi cũng chính là Bi tâm trong Bốn tâm vô lượng (Tứ vô lượng tâm từ - bi – hỷ - xả), như trong Kinh Hoa nghiêm nói : ‘có 10 loại tâm đại bi’ ; Kinh Bảo vũ cũng nói : ‘Phật có 32 tâm đại bi’.
Đại bi có các nghĩa sau đây :
Luận Đại tỳ-bà-sa nói : ‘Nhổ sạch những gì làm tăng tưởng nỗi khổ nạn của chúng sanh thì gọi là Đại bi ; nghĩa là, bạt trừ mọi khổ đau từ trong cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, khiến cho giải thoát ra ngoài, an trí chúng ở vào cảnh giới trời người hưởng thọ an vui.
Lại nữa, kéo chúng sanh ra khỏi bùn lầy gọi là Đại bi ; nghĩa là, chúng sanh hữu tình đang bị chìm đắm trong bùn lầy phiền não, Phật đưa cánh tay chánh pháp kéo chúng sanh ra khỏi bùn lấy ấy, rồi đem chúng an trí vào trong Thánh đạo để chứng Đạo quả.
Lại nữa, trao cho chúng sanh hữu tình nghĩa và lợi gọi là Đại bi ; nghĩa là, Phật dạy chúng sanh đoạn ba ác hạnh, tu ba diệu hạnh, gieo trồng hạt giống tôn quý, giàu sang, hạnh phúc thì gặt hái được hoa trái đại tôn quý, đại giàu sang, hạnh phúc, hình sắc xinh đẹp, mọi người ai cũng ưa nhìn, da dẻ mịn màng, tươi sáng và thanh tịnh, hoặc làm Luân vương, hoặc làm Đế thích, hoặc làm Phạm vương, hoặc làm Phạm chí, cho đến có thể sanh lên trời Hữu đảnh, hoặc lại gieo trồng hạt giống Tam thừa, dẫn đến Bồ-đề Niết-bàn… Tất cả mọi việc làm trên đều nhờ vào oai lực của Tâm đại bi.
Gọi là Đại bi vì tình thương này có năm thứ to lớn sau đây :
1. Tài sản lớn : Vì tâm này lấy sự thành tựu đại phước đức, đại trí tuệ làm tư lương.
2. Hạnh tướng lớn : Vì tâm này có năng lực ở trong ba thứ khổ mà bạt trừ hết mọi thống khổ.
3. Sở duyên lớn : Vì tâm này lấy chúng sanh trong ba cõi làm đối tượng thương yêu.
4. Bình đẳng lớn : Vì tâm này xa lìa ý niệm phân biệt oán thân, thương yêu và làm lợi ích trùm khắp chúng sanh hữu tình.
5. Thượng phẩm lớn : Tâm này là tâm tối thượng.
Tâm đại bi và Tâm bi có 8 loại khác nhau :
1. Tự tánh khác : Tâm đại bi lấy vô si (tức trí tuệ) làm thể ; Tâm bi lấy vô sân làm thể.
2. Hạnh tướng khác : Hạnh tướng của Tâm đại bi là ba thứ khổ ; hạnh tướng của Tâm bi là khổ khổ.
3. Sở duyên khác : Tâm đại bi lấy ba cõi làm đối tượng ; Tâm bi chỉ có ở Dục giới.
4. Y địa khác : Tâm đại bi nương vào Tứ thiền, Tâm bi nương vào Tứ tĩnh lự.
5. Y thân khác : Tâm đại bi nương vào thân Phật ; Tâm bi nương vào thân Nhị thừa.
6. Chứng đắc khác : Tâm đại bi lìa phiền não hoặc ở trời Hữu đỉnh mà chứng đắc ; Tâm bi lìa phiền não hoặc ở Dục giới mà chứng đắc.
7. Cứu tế khác : Tâm đại bi có năng lực cứu tế thành tựu mọi việc ; Tâm bi chỉ hy vọng là cứu tế được mà thôi.
8. Ai mẫn khác : Tâm đại bi là tâm thương yêu bình đẳng ; Tâm bi chỉ cứu giúp chúng sanh hữu tình đau khổ ở Dục giới.
Đại chúng      Grande Assemblée    Great Assembly    大眾     Mahāsaṃgha
Số đông các tỳ kheo, tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, chư thiên... tập họp ở một nơi để tu tập, nghe pháp, tụng kinh, bố tát...
Đại giác      Grand Eveil     great enlightenment    大覺    
Chỉ sự giác ngộ của Đức Phật. Cũng gọi là Chính giác, Đại ngộ. Phàm phu thì chẳng có giác ngộ. Thanh văn, Bồ tát có giác ngộ, nhưng sự giác ngộ đó chưa lớn. Duy chỉ có Phật là giác ngộ được thật tướng của các pháp, triệt để thấy suốt nguồn gốc của các pháp, cho nên gọi là Đại giác.
Mặt khác, Thanh văn tuy có thể tự mình tu tập đạt được giác ngộ (tự giác), nhưng không thể giúp người khác giác ngộ (giác tha); Bồ tát có tự giác và cũng có khả năng giác tha, nhưng chưa đạt đến viên mãn; duy chỉ có Phật là tự giác, giác tha đều đạt đến viên mãn, cho nên gọi là Đại giác.
Đại phạm thiên      Maha-brahma    great brahman heaven    大梵天    Mahā-brahma
Tên gọi khác: Đại phạm thiên vương, Đại phạm thiên, Phạm thiên, Phạm vương... Có khi còn gọi là Ta-bà thế giới chủ (chúa tể của thế giới Ta-bà), Thi-khí, Thế chủ thiên (Thiên chúa của của đời).

Đại phạm thiên vương là vua của chư thiên cõi Sơ thiền Sắc giới. Sơ thiền có ba tầng trời là Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên và Đại phạm thiên. Đại phạm thiên làm chủ cả ba tầng trời này.

Trong triết học Bà-la-môn giáo tại Ấn độ, Đại phạm thiên là đấng tạo vật của thế giới này, là Thiên chúa tối cao của đạo Bà-la-môn.

Nhưng trong Phật giáo, Đại phạm thiên chỉ là một trong những chúng sanh ở cõi trời, có lòng kính tin Tam bảo và là một hộ pháp đắc lực. Theo kinh Đại tập, trong quá khứ, chư Phật đã từng giao sứ mạng bảo hộ Bốn thiên hạ cho Đại phạm thiên và Đế-thích thiên. Ngoài ra, theo kinh Đại bi ghi chép, khi Đức Thế tôn sắp nhập Niết-bàn, Ngài đã phá trừ tà kiến cho Đại phạm thiên, để ông trở thành một đệ tử của Phật. Đức Thế tôn cũng giao trọng trách bảo hộ ba ngàn đại thiên thế giới và bảo vệ Phật pháp cho Đại phạm thiên. Do đó, trong kinh sách Phật giáo, Đại phạm thiên và Đế-thích thiên là hai vị thiên thần hộ trì Phật pháp và giữ gìn sự lợi ích cho nhân dân trong ba ngàn đại thiên thế giới.
Đại từ      Amour universel    Great kindness    大慈    mahā-maitrī
Từ có nghĩa là ban tặng niềm vui, cho người khác niềm vui. Đại từ là tình thương rộng lớn, mong muốn ban cho tất cả chúng sanh niềm vui.
Đại Thế Chí Bồ Tát       Bodhisattva Mahasthamaprapta        大勢至菩薩    Mahā-sthāma-prāpta
Bồ tát Đại thế chí là vị Bồ tát có nhân duyên rất lớn đối với chúng sanh trong thế giới Ta bà. Ngài là vị Bồ tát đã thành Phật trong kiếp quá khứ, nhưng vì tình thương chúng sanh bao la mà thừa nguyện tái lai, thị hiện làm thân Bồ tát để trợ giúp Phật A di đà giáo hoá và tiếp dẫn chúng sanh khổ đau trong mười phương thế giới.

Bồ tát Đại thế chí còn gọi là Đắc đại thế Bồ tát, Đại tinh tấn Bồ tát, Vô biên quang Bồ tát... Đại thế chí Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sanh trong mười phương thế giới thoát khổ, thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề. Ngài có hạnh nguyện đại hùng, đại lực, đại từ bi, dùng hạnh nguyện này để ở trong thế giới Ta bà, điều phục và tiếp độ hạng chúng sanh cang cường khó độ. Ngài cũng có sức tinh tấn vĩ đại, điều phục các phiền não và giáo hoá chúng sanh không bao giờ mệt mỏi. Thân Bồ tát có màu vàng tử kim chiếu khắp mười phương thế giới, chúng sanh nào có duyên thấy liền được thấy ánh quang minh tịnh diệu của vô lượng chư Phật ở khắp mười phương thế giới cho nên Ngài còn có hiệu là Vô biên quang Bồ tát.

Bồ tát thường đứng bên tay phải của đức Phật A di đà đối diện với Bồ tát Quán thế âm, để biểu thị Ngài là một trong các vị thượng thủ trong chúng hội Bồ tát.

Bồ tát Quán thế âm biểu thị cho tinh thần đại bi, Bồ tát Đại thế chí biểu thị cho tinh thần đại trí, qua đó nhằm nói lên ý nghĩa người tu hành cần phải có bi trí viên mãn mới thành tựu được Phật đạo.

Theo kinh Quán Vô lượng thọ, vô lượng hằng sa kiếp về trước thời Phật Bảo tạng, Ngài là thái tử Ni ma và Bồ tát Quán thế âm là thái tử Bất huyền con của vua Vô tránh niệm. Bấy giờ vua Vô tránh niệm cùng với hai vị thái tử đến đạo tràng cúng dường Phật Bảo tạng. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, vua cùng hai vị thái tử phát Bồ đề tâm... được Phật thọ ký tương lai sẽ thành Phật.

Vua Vô tránh niệm tương lai sẽ thành Phật hiệu là A di đà Như lai ở thế giới Tây phương cực lạc, thái tử Bất huyền sẽ thành Phật hiệu là Biến xuất nhất thiết quang minh công đức sơn vương Như lai, còn thái tử Ni ma sẽ thành Phật hiệu là Thiện trụ công đức bảo vương Như lai.

Theo chương Niệm Phật viên thông trong kinh Thủ lăng nghiêm, Bồ tát Đại thế chí khi còn ở nhân địa tu hành, do chí tâm niệm Phật mà được nhập vào Vô sanh pháp nhẫn, cho nên nay dẫn dắt chúng sanh niệm Phật ở thế giới Ta bà về Tây phương tịnh độ.

Lý tưởng tu hành của Bồ tát là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”. Muốn thành tựu lý tưởng cao cả đó, trên bước đường tu hành chư vị Bồ tát đều phát thệ nguyện.

Bồ tát Đại thế chí thệ nguyện độ chúng sanh tội chướng cực nặng trong mười phương thế giới, bất cứ chúng sanh nào trì niệm thánh hiệu Ngài sẽ được Ngài hiện thân cứu độ và khi lâm chung Ngài sẽ hiện thân đến tiếp dẫn vãng sanh Tây phương, đây là thể hiện lòng thương xót chúng sanh đặc biệt của Bồ tát.
Đại thừa      Grand Véhicule    Great Vehicle    大乘    Mahāyāna
Thừa (yāna), là công cụ vận chuyển như xe cộ, thuyền bè... Đại thừa dụ cho giáo pháp của Đức Phật như chiếc xe lớn, có khả năng chuyên chở chúng sanh từ bờ phiền não đến bờ giải thoát.
Trong các Kinh A hàm, Đại thừa là từ dùng để tôn xưng những lời dạy của đức Phật.
Sau khi Phật nhập Niết-bàn một thời gian, Phật giáo ở phương bắc Ấn độ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt nên tự xưng là Phật giáo Đại thừa, hay Phật giáo phát triển; trong khi đó, để chỉ cho Phật giáo ở phương nam Ấn độ, vốn sinh hoạt khép kín trong cộng đồng tăng lữ, ít đổi mới và không hoà nhập với thời đại, người ta gọi là Phật giáo Tiểu thừa, hay Phật giáo nguyên thuỷ. Đứng về phương diện phát triển của tư tưởng sử mà nhận xét, thì Tiểu thừa là nền tảng của tư tưởng Đại thừa.
Đẳng giác      Parfaitement éveillé    Perfectly illuminated    等覺    Sammāsam
Cũng gọi là Đẳng chánh giác. Một trong 10 tôn hiệu của Phật. Đẳng giác nghĩa sự giác ngộ chân chính bình đẳng, tức giác ngộ chân lý hoàn toàn. Chỉ cho sự giác ngộ của chư Phật.
Đệ nhất nghĩa đế      Aspect de la pure ainsité     Absolute truth    第一義諦    paramārtha-satya
Gọi tắt: Đệ nhất nghĩa. Cũng gọi Thắng nghĩa đế, Chân đế, Thánh đế, Niết bàn, Chân như, Thực tướng, Trung đạo, Pháp giới.
Chân lý nhiệm mầu, chân lý tối cao, chân lý hoàn toàn, chân lý duy nhất không còn ý nghĩa nào cao hơn nữa.
Cũng chỉ cho cảnh giới giác ngộ đã đạt được trí tuệ cứu cánh viên mãn.
Kinh Đại phương đẳng đại tập ghi: Nếu còn dùng ngôn ngữ thì còn vướng mắc, nếu còn vướng mắc thì còn ở trong cảnh giới của ma. Nếu pháp nào không cần dùng tất cả mọi ngôn ngữ để biểu thị, diễn bày thì pháp đó mới không còn bị vướng mắc. Pháp nào không thể dùng ngôn ngữ để nói? Đó là pháp Đệ nhất nghĩa. Trong Đệ nhất nghĩa không có văn tự chữ nghĩa, nếu Bồ tát có thể thực hành Đệ nhất nghĩa đế, thì đối với tất cả các pháp không có pháp nào là không thực hành đến viên mãn, đó là Bồ tát đã vượt qua được cảnh giới của ma".
Kinh Đại bát niết bàn nói: Chân lý ở thế gian gọi là Thế đế. Dùng phương tiện khéo léo để tuỳ thuận chúng sinh cho nên mới nói hai loại chân lý. Nếu nói chân lý vượt lên trên hoặc vượt ra khỏi chân lý thế gian thì gọi là Đệ nhất nghĩa đế".
Địa ngục      enfer    hell    地獄    naraka
Một trong Ngũ thú (Ngũ đạo, năm đường chúng sinh đi đến) hay Lục thú (Lục đạo, sáu đường chúng sinh đi đến), hay Thập giới (mười cõi chúng sinh tồn tại). Là nơi chịu đau khổ của chúng sinh tạo các nghiệp ác, như giết hại, trộm cướp, gian dâm...
Theo kinh Trường A hàm quyển 19 và phẩm Nê lê (nê lê là đọc theo tiếng Phạm, có nghĩa là địa ngục) trong kinh Đại lâu thán quyển 2, thì địa ngục ở chung quanh biển lớn, ở khoảng giữa núi Đại kim cương và núi núi Đại kim cương thứ hai.
Kinh Địa tạng còn cho biết trong núi Thiết vi cũng có địa ngục.
Định      Contemplation, Fixation        定    samādhi
Một trong ba môn học của Phật giáo (Giới – Định – Tuệ).
Dịch âm là Tam-muội, Tam-ma-địa hoặc Thiền-na.
1. Chỉ tâm chuyên chú vào một đối tượng mà phát sinh tác dụng tinh thần không tán loạn. Luận Câu-xá coi tâm sở Định là một trong Mười đại địa pháp; Duy thức tông xem tâm sở Định là một trong Năm tâm sở biệt cảnh.
2. Chỉ cho người do tu hành hoặc do nghiệp báo mà đạt được Định. Tông Câu-xá phân biệt có hai loại Định là Hữu tâm định và Vô tâm định.
- Vô tâm định có hai loại là Vô tưởng định và Diệt tận định.
+ Vô tưởng định là Định của phàm phu và ngoại đạo, do nhận thức sai lầm trạng thái vô tưởng là niết-bàn chân thật, nên họ tu tập Định này.
+ Diệt tận định là Định của bậc Thánh, vượt xa trạng thái Vô tưởng định, đạt đến cảnh giới hoàn toàn tịch diệt, gọi là Vô dư niết-bàn giới.
- Hữu tâm định gồm Tứ tĩnh lự và Tứ vô sắc, gọi chung là Bát định.
Định của Tứ tĩnh lự và Tứ vô sắc là ngay tại nơi cõi Dục tán loạn này mà tu tập, lần lượt đoạn trừ hạ địa phiền não, đạt được Định tâm, nhờ đó sanh lên trời Tứ tĩnh lự ở Sắc giới hoặc trời Tứ vô sắc, gọi là Sanh tĩnh lự.
Trong mỗi Định tĩnh lự đều có Cận phần định làm tiền phương tiện cho nó, tức là giai đoạn chuẩn bị vào Định. Tứ tĩnh lự và Tứ vô sắc gọi là Định căn bản. Còn trong Cận phần định thì, Cận phần của Sơ tĩnh lự (trước khi vào Sơ thiền) gọi là Vị chí định (tức là chưa vào Định), bảy giai đoạn chuẩn bị vào Định còn lại thì gọi là Cận phần định.
Ngoài ra, giữa Cận phần định của Sơ tĩnh lự và Đệ nhị tĩnh lự có giai đoạn trung gian, gọi là Trung gian tĩnh lự hoặc Trung gian định; người nào tu tập Định này thì được sanh lên Trời Đại phạm.
Như vậy, nói một cách tổng quát thì Định gồm có: Tứ tĩnh lự, Tứ vô sắc (tám Định căn bản), 7 Định cận phần, Vị chí định và Trung gian định.
Phật giáo căn cứ vào sự có mặt hay không có mặt của hai tâm sở Tầm và Tứ mà phân chia thành ba loại Định:
1. Tam-ma-địa có Tầm có Tứ: Vị chí định và Sơ tĩnh lự.
2. Tam-ma-địa không Tầm có Tứ: Trung gian định.
3. Tam-ma-địa không Tầm không Tứ: Nhị thiền trở lên.
Căn cứ vào tính chất của Định, người ta phân ra ba loại Định như sau:
1. Vị định (āsvādana-samādhi, āsvādana-samāpatti): sự thưởng thức các vị ngọt của các định, còn gọi là Vị đẳng chí. Vị đẳng chí, là khi định có vị ngọt. Nghĩa là, hành giả đam mê trạng thái hỷ lạc của định mà mình chứng đắc, bị ngưng trệ trong đó, không tiến lên được.
2. Tịnh định (samāpatti): Là định tâm không bị chi phối bởi vị ngọt, nên hành giả có thể tiến lên các cấp cao hơn, còn gọi là Tịnh đẳng chí, là Định tương ưng với tâm thiện hữu lậu mà khởi.
3. Vô lậu định (anāsrava-samāpatti): còn gọi là Vô lậu đẳng chí, là Định của bậc Thánh nương tựa, đắc được Vô lậu trí, có tác dụng đoạn trừ phiền não rất mạnh. Vô lậu đẳng chí, là định mà các Thánh giả vận dụng để diệt trừ hoặc nhiễm.
 

Đối trị      Antidote    Antidote     對治    Pratipakṣa
Nguyên ý là phủ định, ngăn dứt.
Trong Phật giáo, đối trị là chỉ cho việc dùng đạo để đoạn trừ phiền não, trong đó, đạo là năng đối trị, phiền não là sở đối trị.
Luận Câu xá nêu lên bốn pháp đối trị:
1. Yếm hoạn đối trị: Cũng gọi là Yếm hoại đối trị, tức là dùng phương pháp Quán bất tịnh để đối trị tâm tham dục, nhàm chán nỗi khổ sinh tử...
2.Đoạn đối trị: Quán lý Tứ diệu đế để đoạn trừ phiền não.
3. Trì đối trị: Dùng Trạch diệt giác chi (1 pháp trong 7 giác chi) để lựa chọn pháp tu đúng chính pháp, đúng chân lý để duy trì sự đoạn trừ phiền não.
4. Viễn phần đối trị: Tiếp tục quán xét lý Tứ đế để xa lìa các phiền nao đã bị đoạn trừ.
Theo Luận Đại trí độ, trong phần trình bày về Bốn Tất đàn, thì Đối trị tất đàn là: Quán bất tịnh để đối trị tham dục, quán từ bi để đối trị sân hận, quán nhân duyên để đối trị ngu si.
Tựu trung, pháp của Phật là để đối trị những tâm lý phiền não, khổ đau, đưa chúng sinh đến chỗ giác ngộ, giải thoát.

Đốn giáo      Enseignement merveilleux    Marvellous method of education    頓教    
1. Về nội dung nói pháp: Giáo pháp giúp hành giả chứng được quả vị Phật một cách nhanh chóng mà thành tựu bồ-đề, hoặc là giáo pháp khiến người tu hành vượt lên liền đến quả Phật, gọi là Đốn giáo.
2. Về hình thức nói pháp: Đối với căn cơ đốn ngộ, thì ngay từ đầu, nói thẳng vào giáo pháp sâu xa vi diệu, gọi là Đốn giáo.
Độc ảnh cảnh                  
Độc ảnh cảnh là chỉ có hình ảnh mà thôi. Thế giới trong giấc mơ là thế giới độc ảnh.
Độc ảnh cảnh là cảnh giới do năng lực phân biệt mạnh mẽ của tâm năng duyên thứ sáu (tức ý thức) biến hiện ra chứ không có bản chất, nó không có thực thể, nó chỉ là bóng dáng do kiến phần của ý thức biến hiện ra mà thôi. Cảnh giới này, đứng về mặt khách quan mà nói thì nó hoàn toàn không tồn tại, nó chỉ là ảnh tượng đơn độc được biến hiện ra do sự điên đảo, suy diễn của ý thức chủ quan.
Độc ảnh cảnh trái ngược hoàn toàn với tính cảnh, và nó được sinh ra từ cùng một chủng tử với tâm năng duyên, không có thật thể, thực dụng. Ví dụ như thức thứ sáu duyên lấy các cảnh lông rùa, sừng thỏ, hoa đốm giữa hư không ; lại giống như cảnh trong giấc mộng… các cảnh này không phải là pháp thật được sinh ra từ chủng tử thật, nó hoàn toàn không có bản chất, nó chỉ là những hình ảnh do ý thức vẽ vời ra.
Độc ảnh cảnh có hai loại, hữu chất và vô chất. Những hình ảnh vừa nói trên là vô chất độc ảnh. Còn có một loại độc ảnh nữa, gọi là hữu chất độc ảnh. Dù nói có bản chất, nhưng bởi vì cái bản chất này không thể sinh ra các pháp, cho nên tướng phần không thể nương vào nó để sinh khởi. Chẳng hạn, thức thứ sáu duyên lấy pháp vô vi, vô vi là pháp không sinh không diệt, không thể sinh khởi tướng phần, nhưng do thức thứ sáu dùng vọng tâm phân biệt, biến kế thành tướng phần tương tợ để duyên lấy nó, cho nên cũng gọi nó là độc ảnh.
Độc ảnh cảnh có ba loại tuỳ tâm :
1. Tính tuỳ tâm : Cảnh và tâm năng duyên cùng một tính.
2. Chủng tuỳ tâm : Cảnh và tâm năng duyên cùng một chủng tử sinh ra.
3. Hệ tuỳ tâm : Cảnh và tâm năng duyên cùng một giới hệ.
Đới chất cảnh              帶質境    
Đới chất cảnh là cảnh giới mà tâm năng duyên chủ quan (tức chủ thể nhận thức) duyên lấy cảnh sở duyên (tức đối tượng nhận thức), dù rằng có bản chất, nhưng chỉ là bản chất vay mượn chứ không phù hợp với tự tướng của nó. ‘Đới’ có hai nghĩa, một là dính một chút hay mang theo một chút, hai là giông giống. Lúc tâm năng duyên (chủ thể nhận thức) duyên lấy bản chất của cảnh thì nó chỉ lấy một chút hoặc một phần tương tự của cảnh ấy rồi biến chế, phân biệt thành một tướng khác, hay nói cách khác là chủ thể nhận thức y vào tự lực rồi biến hiện ra một cảnh giới mà cảnh giới ấy không còn phù hợp với tự tướng của nó nữa. Cảnh giới được biến hiện ra đó gọi là Đới chất cảnh.
Nói dễ hiểu hơn nữa, tâm thức nương theo tánh cảnh mà tạo ra một hình ảnh khác với thực chất sự vật và cho đó là thực tại, gọi là Đới chất cảnh. Đới chất cảnh là hình ảnh méo mó về thực tại, là một cảnh giới mang theo một chút ít bản chất của tánh cảnh nhưng không phải là tánh cảnh.
Ví dụ, thức thứ bảy lấy kiến phần thức thứ tám làm bản chất rồi biến khởi ra tướng phần ngã, pháp ; cái bản chất mà thức thứ bảy duyên lấy đó hoàn toàn không phải là ngã và pháp, nhưng bởi vì nó không có đổi khác, không gián đoạn, nó vô thường nhưng cùng một loại tương tục nên nhìn thấy như là nó thường hằng, cho nên thức thứ bảy tương ưng với vô minh, nhận thức sai lầm, cho rằng nó là ngã và pháp rồi chấp chặt vào đó.
Cái cảnh giới như vậy thực sự là có mang theo một chút ít bản chất, chứ không phải hoàn toàn do tâm năng duyên phân biệt sinh ra, bởi vậy cảnh giới này không giống như Độc ảnh cảnh ; nhưng chút ít bản chất mà nó mang theo đó, tuy là có thật thể của tính cảnh, nhưng tướng phần khởi lên đó không phù hợp với tự tướng của nó, bởi vậy cảnh giới này cũng không giống như tính cảnh.
Đàn na      Don / Donateur - Dana    Donate    檀那    Dāna
Bố thí. Cúng dường. Còn gọi là Đàn việt. Người bố thí, người cúng dường, tức Thí chủ.
Người làm việc bố thí, cúng dường sẽ vượt qua biển nghèo cùng, nên Đàn na còn gọi là Đàn việt. Trong chữ Đàn việt, thì đàn là tiếng Phạm của chữ đàn na; việt là tiếng Hán, có nghĩa là vượt qua. Đàn việt là nhờ bố thí mà vượt qua nghèo khổ, đạt đến giải thoát.
Sinh tâm xả bỏ có thể diệt trừ được tính bỏn sẻn, tham lam, gọi là Đàn na.
Điên đảo tưởng      Pensée irréaliste    Unrealistic thought    顛倒想    
Suy nghĩ những điều điên đảo, nghĩ tưởng những chuyện viễn vong, điên cuồng, không thực tế làm khổ đau, phiền não cho chính bản thân mình, cho tha nhân và tất cả chúng sanh.
Ưu bát la      Lotus bleu    Blue lotus    優鉢羅    Utpala

Hoa sen xanh.

HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.30/7/2014.

No comments:

Post a Comment