Phát Triển Lòng Từ.
Vài người bạn của tôi nói rằng, tình thương và lòng Từ bi rất tốt đẹp và kỳ diệu, nhưng chúng không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta, nơi mà lòng sân hận và thù hằn là một phần của con người, và như vậy chúng ta luôn bị sân hận làm chủ. Điều này tôi không đồng ý…
Con người chúng ta hiện hữu với hình hài này trong khoảng gần một trăm ngàn năm nay. Tôi tin rằng trong khoảng thời gian đó, nếu tinh thần chúng ta bị sân hận làm chủ thì dân số của con người đáng lý phải bị giảm đi.
Nhưng cho đến hôm nay, mặc dù đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dân số thế giới vẫn không ngừng gia tăng. Điều này chứng tỏ rằng, tình thương và lòng Từ bi vẫn chiếm ưu thế.
Vì vậy, những việc làm từ bi trong đời sống hàng ngày trở nên tất nhiên, và phần lớn ít ai để ý đến.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, sự thăng bằng về mặt tinh thần và cơ thể mạnh khoẻ có mối liên hệ mật thiết. Sự kích động và tức giận dễ làm chúng ta nhiễm bệnh. Ngược lại, nếu tinh thần yên tịnh và tràn đầy những ý nghĩ tốt lành thì cơ thể ít có nguy cơ bị bệnh tật tấn công.
Muốn được hạnh phúc chân thật thì cần phải có một tinh thần an lạc, và để tinh thần được an lạc, cần phải có lòng Từ bi. Làm sao để chúng ta phát triển được lòng Từ? Chỉ nghĩ đến lòng Từ bi thôi thì chưa đủ, chúng ta phải làm sao để chuyển hoá tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày.
Trước hết, chúng ta phải biết rõ Từ bi nghĩa là gì. Lòng Từ bi cũng có nhiều hình thức và lắm lúc người ta dễ lẫn lộn nó với sự bám víu và lòng ham muốn. Chẳng hạn, tình thương của cha mẹ dành cho con cái thường có liên quan đến những nhu cầu tình cảm của riêng họ, vì vậy tình thương đó không hoàn toàn là Từ bi.
Cũng vậy, trong hôn nhân, tình thương giữa hai vợ chồng, nhất là giai đoạn mới kết hôn – lúc mà cả hai chưa rõ những cá tính sâu sắc của nhau – tình thương ấy dựa váo sự bám víu rõ hơn là lòng thương yêu. Vì dục vọng của chúng ta quá mạnh nên người hôn phối dù có tính xấu, dưới mắt ta lúc bấy giờ người ấy cũng trở nên hoàn hảo. Hơn nữa, ta lại có khuynh hướng khuếch trương những điều tốt nho nhỏ.
Do đó, khi mà tính tình một trong hai người thay đổi thì người kia cảm thấy thất vọng vì chính tính tình họ cũng có đổi thay. Đây là điều cho ta thấy tình yêu được thúc đẩy bởi những nhu cầu của cá nhân hơn là vì thương yêu một cách thực sự.
Lòng Từ bi chân thật không phải là một thứ tình thương có qua có lại, mà là một sự cam kết chắc chắn dựa trên trí tuệ. Vì vậy, cho dù kẻ nhận được sự cư xử không tốt, một hành động từ bi thật sự sẽ không hề thay đổi. Dĩ nhiên là phát triển lòng Từ bi chân thật sẽ không phải là một việc dễ dàng. Lúc bắt đầu thực tập, chúng ta nên nhìn vào những điểm sau đây:
Dù người đẹp hay người xấu, người dễ thương hay kẻ phá hoại, chúng ta đều là con người như nhau cả. Và vì là con người nên chúng ta đều muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Hơn nữa, mỗi người có quyền tự do riêng để tránh đau khổ và hưởng sung sướng. Bây giờ bạn chấp nhận là tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc, và vì vậy bạn sẽ tự dưng cảm thông được với mọi người và cảm thấy gần gũi họ hơn.
Thực tập điều này sẽ làm cho tinh thần của bạn cảm nhận được tình vị tha, và bạn sẽ phát triển được lòng tôn kính nơi mọi người chung quanh: muốn giúp họ bớt khổ đau. Vì là con người nên ai cũng phải trải qua những kinh nghiệm vui, buồn, sung sướng và đau khổ, vì vậy không lý do gì bạn lại không thương được những người có những hành động ích kỷ.
Trong khả năng của chúng ta, để thực tập và phát triển lòng từ bi, chúng ta cần phải có kiên nhẫn và thời gian. Tận trong tiềm thức của chúng ta, lúc nào cái “tôi” cũng chiếm ưu thế, và vì cái “tôi” đó mà lòng Từ bi của chúng ta bị giới hạn.
Thực ra, lòng từ bi chân thật được thể hiện khi mà cái “tôi” bị diệt bỏ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không làm gì được, cái gì cũng có bắt đầu, thực tập và tiến triển, đó là điều mà mỗi chúng ta đều có thể làm được. Bạn hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, ngay trong từng suy nghĩ, lời nói và việc làm của mình.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.30/7/2014.
No comments:
Post a Comment