Tâm biết tùy hỷ.
Trong thời đại phát triển kinh tế thị trường bề bộn, cuộc sống sau những giây phút đua chen, giành giựt để tìm miếng ăn, thức uống, ta rất cần được nghỉ ngơi và thư giãn. Tùy hỷ là biết vui theo với niềm vui của người khác, ta bày tỏ lòng hân hoan, vui tươi, phấn khởi khi thấy họ thành công hay làm lợi ích cho nhân loại.
Trong kinh Phật dạy, người biết hoan hỷ vui theo khi thấy người khác gieo trồng phước đức, giúp đỡ sẻ chia người bất hạnh qua cơn khốn khó, người làm phước và người tán thán vui theo đều có công đức bằng nhau.
Một vị tỳ kheo mới thắc hỏi Phật, “tại sao có chuyện lạ lùng như vậy?” Phật dạy, “người biết bố thí cúng dường, sẻ chia, giúp đỡ sẽ được phước báu giàu có, nhiều tài sản. Người tùy hỷ vui theo sẽ được công đức vì không ganh ghét, tật đố”. Phật đưa ra một ví dụ, “như có một ngọn đèn đang cháy, được mòi cho trăm ngọn đèn khác nhưng vẫn cháy sáng bình thường”.
Tâm niệm của chúng sinh thường hay tham lam, ganh ghét, tật đố, nên dễ dẫn đến nhiều oan gia trái chủ mà tàn sát, giết hại lẫn nhau. Ta chỉ nên tùy hỷ với những việc làm tốt đẹp, có lợi ích trong hiện tại và mai sau. Ta không nên tùy hỷ với những việc làm xấu ác, có tính cách hại người hại vật. Thí dụ như mình thấy một người đang vô cớ giết hại nhiều con ốc, vì chúng bò tràn lan chung quanh nhà. Khi thấy họ giết, ta không đủ can đảm khuyên răn họ thì thôi, chớ nên tán đồng theo. Phật dạy, “người cố ý giết, xúi bảo người khác giết thì tội bằng nhau. Việc hoan hỷ thấy người khác giết cũng có tội, vì tâm hoan hỷ là tâm có cố ý, tội sẽ thành khi ta có tâm cố ý.
Cho nên, tâm hoan hỷ với việc làm tốt của người khác giúp ta chuyển hóa được thói quen ganh ghét, tật đố, từ ganh ghét sẽ dẫn đến thù hằn, từ thù hằn sẽ sinh tâm giết hại.
Khi Phật thành đạo, Ngài giáo hóa rộng rãi, nên nhiều người tu theo, hành trì có lợi lạc thiết thực. Số người theo Phật bắt đầu đông, nên ngoại đạo bị mất lợi dưỡng, sinh tâm thù hằn, ghét bỏ. Chúng dùng mọi mưu mô xảo quyệt để làm hại Phật không được. Cuối cùng, chúng đánh ván cờ quyết định nhằm tẩy chay Phật luôn, bèn bày mưu cho một cô gái đẹp thường xuyên đến Tịnh xá nghe pháp, để nhiều người biết đến. Một đêm nọ, chúng mướn người giết cô gái, rồi chôn trong Tịnh xá của Phật. Chúng báo cáo lên vua quan việc cô gái bị mất tích, và nhờ mở cuộc điều tra, tìm ra tông tích. Sáng hôm đó, vua quan, ngoại đạo cùng tìm kiếm và họ phát giác cô gái bị giết chôn trong Tịnh xá. Tang chứng vật chứng rõ ràng, mọi người đều bàng hoàng, sững sốt trước một sự thật không thể ngờ được.
Nhờ ông vua là Phật tử thuần thành, nên ông âm thầm cho người theo dõi, tìm kiếm kẻ hại Phật. Lệnh giới nghiêm được thi hành nơi lầu xanh, bọn chúng đang vui vẻ nhậu nhẹt, vì không ăn chia đồng đều nên có sự tranh cãi dữ dội. Âm mưu đã bị lộ tẩy, chúng khai có người mướn giết cô gái để hại Phật.
Qua câu chuyện trên, ta rút ra một bài học thiết thực của cuộc đời. Sự không hoan hỷ với người khác sẽ dẫn đến tâm thù hằn, ghét bỏ, và cuối cùng bản án nhân quả đã kết liễu đời mình trước; nhất là cô con gái cuồng đạo phải bị giết trước, rồi những người chủ mưu cũng bị đưa ra ánh sáng từ từ.
Một điều đặc biệt ta phải khâm phục và quý kính đức Phật là, trước cảnh tượng vu oan giá họa động trời như vậy, Phật vẫn sáng suốt, bình tĩnh, không minh oan, giãi bày, mà tự để cho luật nhân quả tác động, đem lại ánh sáng cho sự thật.
Cho nên, vui theo với việc làm tốt của người khác, giúp ta mở rộng tấm lòng yêu thương, nhờ vậy tâm được bình yên, hạnh phúc, mà không dấy khởi các tạp niệm xấu ác, do đó không gây tạo tội lỗi.
Thế gian chúng ta đang sống bây giờ rất nhiều vụ án do ganh ghét, thù hằn mà con người đành lòng giết hại lẫn nhau không thương tiếc. Ẩn ác, dương thiện hay tán thán công đức, tìm những cái hay, cái tốt, cái đẹp của người để tán dương khen ngợi. Tinh thần ẩn ác, dương thiện không có nghĩa là bao che, giấu diếm với người sai phạm, đó là thói quen của những người mê muội, chấp trước. Thay vì phê bình, chỉ trích quá thẳng thắn, làm đối phương cảm thấy tự ái trước mặt mọi người, nhất là những người có quyền hành, họ lúc nào cũng bảo vệ sĩ diện bản ngã, thì ta chỉ góp ý nhẹ nhàng, kín đáo, tránh để nhiều người biết đến.
Ta góp ý, giúp đỡ một cách chân thành như vậy thì họ sẽ biết ơn mà không hại ngược lại mình. Bởi tâm phàm phu hay chấp ngã nặng, nên dễ tự ái, có khi phản phé ngược lại, vì không dằn được cơn nóng giận.
Chúng ta tùy hỷ vui theo, khen ngợi việc làm thiện của họ, là đang học theo hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Có một số quan niệm cho rằng, vui theo với việc làm phước của người khác, thì ta cũng được hưởng phước như người bố thí, nghĩ như vậy thì không đúng. Người làm phước được quả nhiều tiền của, người tùy hỷ vui theo được phước không ganh ghét, tật đố, nên không có tâm niệm hại người. Chính thái độ ganh tị, vạch lá tìm sâu là chủ nghĩa cá nhân, là kẻ thù của mọi niềm vui. Tán dương, khen ngợi để khích lệ cho người có thêm tinh thần cầu tiến, là nghệ thuật giúp ta càng thêm gắn bó, sống với nhau bằng tình yêu thương chân thật nhiều hơn.
Chúng ta không nên chia vui với những việc làm xấu ác, như thấy người giết hại, thấy người say xỉn, thấy người trộm cướp, thấy ngưởi mê tín và còn vô số sự tai hại khác. Bởi khi vui theo với những điều ác, thì mình cũng đã đồng tình với việc làm đó, rồi lâu ngày trở thành thói quen, khiến chính mình trực tiếp làm ác như vậy.
Cho nên, tùy hỷ với việc làm tốt của người khác giúp ta dần hồi tập thói quen chia sẻ, giúp đỡ, do đó từng bước chuyển hóa thói quen ganh ghét, tị hiềm. Nhờ vậy, mình không làm tổn hại cho ai.
Có một cô bé ăn mày, nhờ hoan hỷ với việc làm thiện của nhiều người nhân mùa an cư kiết hạ của chư Tăng. Nhờ vậy, cô tự chiêm nghiệm lại kiếp sống nghèo hèn của mình, chắc do nhiều đời không biết làm việc phước thiện nên bây giờ phải chịu ăn xin khổ sở như vậy. Nghĩ như vậy xon, cô phát tín tâm, nguyện trong ngày hôm nay, nếu xin được gì thì đều dành hết để cúng dường chư Tăng. Ngày đó, cô chỉ xin được hai đồng tiền xu, và dùng số tiền đó mua bịch muối, nhờ người nấu ăn trong chùa chia đều cho mọi người.
Với sự tùy hỷ khi thấy người khác làm thiện, cộng với lòng thành, nên sau này cô được làm Hoàng hậu. Khi được làm Hoàng hậu, cô càng tin sâu nhân quả hơn nữa, nên khuyên nhà vua giúp đỡ hạt giống cho người làm ruộng, cấp vốn cho người trồng trọt hoa màu, giúp đỡ người bất hạnh, xây chùa chiền, mở trường học, khích lệ mọi người tích cực tăng gia sản xuất bằng đôi bàn tay và khối óc, khuyên nhủ người giàu chia sớt, giúp đỡ kẻ nghèo, và khích lệ toàn dân quy hướng Tam Bảo, giữ gìn năm điều đạo đức. Nhờ vậy, từ trên vua quan cho đến thứ dân bần cùng đều sống an vui, hạnh phúc, theo tinh thần chia vui sớt khổ, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
Hạnh tùy hỷ vui theo việc làm tốt của người khác giúp cho ta ý thức được sự sống là phải nương nhờ lẫn nhau, nên có trách nhiệm, bổn phận yêu thương, đùm bọc, san sẻ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Cô bé ăn mày kia nhờ niệm tùy hỷ vui theo việc làm tốt của người khác mà biết quay về chiêm nghiệm, soi sáng lại chính mình, nên biết rõ nguyên nhân gốc nghèo khổ là không biết bố thí, cúng dường, giúp đỡ, sẻ chia. Từ đó, cô phát khởi tín tâm tin kính Tam Bảo mà hướng về Phật pháp để học đạo hiền Thánh, sẵn sàng vui vẻ giúp đỡ người bất hạnh, khổ đau, hoặc cúng dường người tu hành chân chính với tâm thành kính của mình.
Nhờ vậy, một thời gian sau, cô đã chuyển được kiếp ăn mày nghèo đói của mình, nhờ một ông quan nhân hậu nhận cô làm con nuôi, cho ăn học, dạy dỗ đàng hoàng; rồi cuối cùng, cô được làm Hoàng hậu với phước báu vô lượng, vô biên, và càng có điều kiện hơn để giúp dân chúng an cư, lạc nghiệp theo tinh thần Phật dạy.
Ý thức được sự sống của muôn loài là quan trọng và cao quý, nên ta phải biết gieo trồng phước đức, để ổn định đời sống gia đình cho đủ ăn, đủ mặc, ăn ở được dư dã một chút. Nhờ vậy, gia đình biết kính trên nhường dưới, sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, anh chị em thuận thảo, sống vui vẻ với nhau. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.BAT CHANH DAO.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.AUSTRALIA,SYDNEY.29/7/2014.
No comments:
Post a Comment