Monday, 10 March 2014

ĐẠO Ở ĐÂU?

***
I NHẬP ĐỀ:
            Chữ Đạo trong tâm ý người Đông phương hay cụ thể hơn ở tâm thức mọi người Việt Nam trưởng thành là dùng để chỉ cho cái gì đáng tôn kính, mang tính chất thờ phụng, cúng bái với lòng tin, với thành kính. Như đạo ông bà là thờ kính ông bà, kính cẩn sau khi ông bà chết, nghĩ rằng vong hồn các vị đâu đó, theo dõi phù hộ con cháu. Đó là cửa ngõ đi sâu vào lòng tin tôn giáo, vì tôn giáo như đạo Phật chính là Đạo, là một nhu cầu đáp ứng nỗi khát khao cái gì cao cả bên trên, là một ánh sáng dẫn dắt đời sống bình thường này khiến cho đời sống ấy có cái gì cao quý bên trong. Còn như thường nói đạo cha con, đạo làm người thì chữ đạo ấy bao hàm nghĩa thủ bổn phận một cách nghiêm túc trong xã hội. Đạo ấy cũng tuân theo một lẽ hướng thượng, làm nền tảng cho nhân luân, tạm cái an vui thuận chiều hài hòa trong xã hội. Đạo là một cơ sở tín ngưỡng của tôn giáo thì ở đạo nào cũng bao gồm các sự tướng tiêu biểu về tăng lữ, về phương diện hành đạo, về giáo lý. Đạo Phật thì cụ thể là Tam Bảo với chùa chiền, với Tăng Ni, với kinh sách. Và đi hành đạo cụ thể là cúng bái, tụng niệm với chuông mõ, đèn hương, hoa trái thành kính, xướng tụng danh hiệu Phật, thần chú, cách thờ phụng, các nghi thức cho mỗi vấn đề, mỗi mùa mỗi năm. Ngoài ra, Đạo còn biểu hiện bằng những Phật học viện, những am, thất, tịnh thất, những công tác từ thiện, những công tác cứu trợ, những việc bố thí gạo thuốc nơi này, nơi khác. Mọi sinh hoạt nghe pháp, lễ bái, hành trì, ăn ngọ, đắp đường làm cầu, phụng sự tiện ích cho mọi người đó cũng là Đạo bao gồm tu phước là đem mọi tiện nghi vui vẻ cho ai nấy, tu huệ là thực hành lời Phật dạy làm cho tâm ý mình sáng ra, thấu ngộ được mọi hiện tượng trong đời đều không có cái gì kiên cố mãi mãi nên không cố chấp, không bám víu quá nặng vào nó, mà là lúc nào cũng mở rộng lòng khoan dung, từ ái với bất cứ ai. Và, chỗ sâu sắc cuối cùng của đạo là bản tâm ngời sáng của ta. Đạo hiện ra ngay chỗ chúng ta cắt bỏ được một tâm tham sân, ngu tối, như thiếu tỉnh sáng, gặp một việc ta nổi quạu lên, giận dữ, chợt biết mình là Phật tử, ta xuống thang cơn giận, thì ngay chỗ xuống thang cơn giận ấy là có ánh sáng của Đạo xuất hiện trong tâm ta. Sự tỉnh sáng ấy là đạo cao cả nhất vì có tỉnh sáng thì làm mọi việc ta biết mình làm, việc làm, nói vậy có tính chất thanh tịnh, giải thoát. Ta phải thấy rõ Đạo chính là ánh sáng tỉnh hồn mà mình nhớ lấy mãi mãi đó. Chợt quên ta lại nhớ vì trong chỗ sâu kín của tâm thức, ta đã tự nói với mình ta cài vào tâm mình sự tỉnh sáng. Thế  nên chợt quên thì cũng rất dễ chợt nhớ đến nó, nó là Đạo. Người không có định hướng trong suốt ấy thì không dễ tỉnh nhớ, mà là gặp việc tham sân thì cứ lao vun vút tâm ý mình vào sự việc, chừng biết ngừng thì đã tạo nhiều ác nghiệp rồi. Tỉnh sáng là Đạo.
II. THÂN BÀI: Đạo ở đâu?
            A- Tìm thấy Đạo từ sự đến lý, từ cạn đến sâu.
                        a) Đạo là sự biểu lộ lòng tin, tôn thờ ở mỗi người về cái gì cao quý bên trên đời sống bình thường. Trong Phật giáo, Đạo được biểu lộ cụ thể bằng Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Về nghi lễ, nó được biểu lộ bằng cúng bái tụng niệm kinh kệ, thần chú phát nguyện, sám văn, sám hối hồng danh, cầu an cầu siêu, tịnh độ công phu, tu bát quan trai, trai tăng, an vị Phật, khánh thành chùa tháp, niệm Phật đường, đại lễ giới đàn, an cư kiết hạ, giải hạ. Ngoài ra trong đạo Phật Đại thừa, mọi pháp khí quen thuộc cũng nhắc nhở, khêu gợi cho người ta nhớ Đạo như đại hồng chung, chuông gia trì lớn nhỏ với khi gióng lên, đánh lên, khánh, đầu, linh lắc, tràng phan, bảo cái, bình hương nhang trầm, bông hoa cây trái và mọi pháp khí cây trái trang trí nôi chỗ thờ từ chỗ Phật ngồi cho đến các nơi khác. Hình chư Phật, Bồ tát thì bao gồm Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Dược Sư, Phật Mẫu Chuẩn Đề, Phật Bà Quán Thế Âm, Bồ tát Quán Âm ngàn tay ngàn mắt, Bồ tát Thế Chí, Địa Tạng vương, Văn Thù, Phổ Hiền, các Thánh Tăng Ca Diếp, A Nan, các vị thiên thần hộ pháp. Chư Tổ, hầu hết các chùa ở Trung Quốc, Việt Nam nơi bàn thờ Tổ thường thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài được coi là người đem đạo Thiền truyền vào Trung Quốc với tư cách là một thiền chính thống có sự nối tiếp từ Phật Thích Ca trở xuống. Tiếp theo là các chùa thờ tổ khai sơn và các vị kế tiếp. Kinh thì có kinh để tụng, kinh để thờ. Nói chung, toàn bộ nghi thức thờ cúng Phật Pháp Tăng đều là Đạo..
                        b) Nhưng chỗ Đạo có ý nghĩa sâu sắc hơn, sâu kín hơn chính là cõi trong sáng thanh tịnh của tâm hồn. Đạo Phật có mục đích khác hơn các đạo khác, trên căn bản là nhằm vào con người, nhằm vào chấm dứt mọi sự ngu tối, mọi khổ lụy của con người để họ có đời sống có giá trị cao là thấy được chân tâm ngời sáng của mình. Việc làm cho ông Phật mù nơi mình được sáng ra là việc làm chỉ mình phải thực hành ráo riết, chí cốt, không ai làm cho bản tâm mình sáng ra được cả. Thế nên Đạo phải được nuôi sống bởi nguồn tâm thanh tịnh, lắng dần mọi tham đắm, sân giận, cố chấp bưng bít tù hãm. Đạo là phương thuốc trị tâm bịnh của con người, nên con người phải uống nó mới mong có hiệu nghiệm, uống đúng thuốc, siêng năng uống thì bệnh mối hết. Hết bệnh, tâm hồn mạnh khỏe là tâm hồn không còn đen tối hom hem trong ngã chấp, trong cận thị không biết tính biến chuyển mau tàn của mọi vật. Bao nhiêu lời dạy cao quý sáng tỏ của chư Phật tổ nếu ta không nỗ lực ham mê thực hiện ở ngay tự tâm bằng cách tỉnh sáng, nhới mãi làm theo thì ta như kẻ đói cứ đi xin cơm mà thực sự ta đang có kho lúa quá đầy nơi mình. Chỉ cần chuyển đổi lối sống, phóng ngoại quá nhiều, làm hao tốn thần lực ta, mà trở lại với đời sống bên trong nhiều hơn là cứ suy xét, nghĩ lại tâm ý mình thì ta có một đời sống quý giá thanh cao, ta thấy được nguồn tươi mát, an lạc nơi mình. Đó là ta thấy Đạo.
                        c) Đạo là chỗ cho tâm hồn mỗi người nương tựa.
            Không có chỗ cho tâm hồn nương tựa thì đời sống có nhiều hoang mang tổn hại. Vì khi tâm hồn có Đạo để tôn thờ, để nhắm tới với phấn đấu làm cho tâm ý càng trở nên lương thiện hơn thì đời sống ngày càng có giá trị, nó đem hữu ích thật sự cho ai nấy xung quanh. Như thế là tốt đời đẹp đạo, vì trước khi làm tốt cho đời sống xung quanh, ai nấy bằng hành vi biểu lộ từ ái, dễ kính mến, thì người ấy đã phải thực sự có an lạc tứ ái bên trong tâm hồn họ. Cái đó là kết quả của một lòng biết sống ngoài, nhưng còn biết hướng tâm ý vào đạo là tiếng nói, là ánh sáng cao qúy bên trong. Ai cũng phải có lý tưởng để thao đuổi, để chỉ lái cho thuyền đời của mình. Người Phật tử không còn hoang mang đi làm lý tưởng ở đâu nữa mà là lý tưởng định hướng đã có sẵn, là sống một đời hướng đến thanh tịnh giải thoát, gỡ mình ra khỏi mọi trói buộc nặng nề của lo toan, bận bịu khổ lụy chập chồng. Đời sống Phật tử là biết sống với chí nguyện làm cho tâm hồn mình an lạc ngay đây với lòng tin Tam Bảo, với lòng tin nhân quả, với ý chí chấm dứt khổ lụy tái sinh trong luân hồi. Giáo pháp của Phật là chiếc bè tối ưu cho ta chèo chống qua dòng sông thói quen đầy cá sấu ngu tối, cố chấp mà đến bến bờ kia với trời mai bình yên nghìn thuở an vui, buông bỏ tham đắm, sân hận. Thế nên, đạo, giáo pháp với sự cám thấy cái hay của nó, mà ai nấy biết lấy đó làm tiếng gọi đầy quyền uy ngăn chận ta làm bậy, là kè đê giữ linh hồn ta khỏi sự tấn công của những tâm ý ác ma não hại, không có Đạo, giáo pháp dính trong lòng làm lửa sáng, làm nơi cho tâm hồn nương tựa, chực sẵn thì ý thức chống giữ của ta rất yếu trước sự tấn công của ác tâm, ác hạnh. Do đó, người Phật tử phải tha thiết nuôi ánh sáng của Đạo nơi lòng mình.
b- Nuôi Đạo cần nuôi dưỡng lòng tin vững chắc:
                        a) Nuôi đạo là nuôi lòng tin vào chánh pháp, nhận thức sâu sắc ý nghĩa vô thường trong vạn pháp mà ta có tâm hồn vượt lên trên mọi biến đổi, tan mất, không còn bị cái giả tướng ấy làm lung lay, cấy đau khổ vào tim mình. Cắt bỏ dần mọi ham hố vô tận về biến dạng của đời sống kích thích bởi tiêu thụ của 5 trần dục. Người Phật tử hiểu đạo, thấy Đạo phải lo tu Đạo bằng cách bớt lo chuyện đời. Có những chuyện ta cứ lo nó cứ xảy ra, và cuối cùng nỗi tan biến vẫn xảy đến, ta lo vừa phải. Sách Nho nói con người sống chưa đầy một trăm tuổi nhưi phóng cái lo nghĩ của mình đến ngàn năm. Ca dao Việt Nam cũng nói: Một mình lo bảy lo ba, Lo cau trổ muộn lo già hết duyên. Đời sống công nghiệp càng phát triển, con người càng bị liệng vào lo nghĩ. Lo nghĩ thành cơn bệnh ghiền của thời đại. Lo đẻ ra lo, lo nghĩ trở thành bản ngã của con người. Nó thay thế cho đời sống thật của mọi người, lấy lo nghĩ làm đời sống, ăn thì không yên, vừa ăn vừa lo bao chuyện khác. Và bao chuyện khác cũng cùng cung cách ấy. Lo và nghĩ dẫn ta bước, tiếp theo là con rắn sợ, lo sợ siết cổ ta, dẫn ta đi mãi cho đến một hôm tắt thở, là điểm hẹn cuối bi thảm nơi nghĩa địa, tha ma. Người Phật tử là người có nhiều may mắn thấy Đạo, biết Đạo cho nên khôn ngoan để biết, để nhìn mọi vật với cốt lõi của nó mà không u tối bị nó lôi đi, mà la khôn ngoan biết lo cho cái lo cần thiết. Đó là lo chuẩn bị mãi mãi tư lương lên đường bất cứ khi nào là tịnh nghiệp, là buông lìa nghiệp cho thật vững mạnh. Mọi nhớ thương từ gia tộc, hệ cảm gia tộc cho đến mọi của cải, ta không bao giờ có thể đem theo được trong giây phút phải ra đi. Thế nên bây giờ ta tập tự trở về lo cho cái chỗ sâu sắc nhất của mình là sự thảnh thơi, bớt lo, bớt nhớ, bớt đắm đuối vào mọi thứ. Ai cũng có một nghiệp riêng. Cùng trong luân hồi mà đắp đổi làm cha con, chồng vợ. Thấy Đạo, thấy tâm là tự nhiên bớt ló mọpi cái khác mà quay về lop cho chính mình, ấy là tập thao tác kỹ thuật viễn ly, nghĩa là ta có lúc thình lình như mình ra đi, ta thử trút hết mọi nhớ nghĩ lo thương. Nếu không thực tập trút từ bây giờ thì làm sao có nếp quen trong trong ý nghĩ mà làm được khi thật sự ra đi? Tinh tấn trong đạo Phật là siêng năng ráng gỡ từng hồi, từng chút cái bận bịu cái lo cái nghĩ quá nhiều, và bao phiền muộn khác để cho ánh sáng của tâm, của đạo hiện ra, có chỗ đứng trong tâm hồn. Việc gỡ bớt mọi đeo níu, bám víu là sinh lộ tuyệt đối cho ta.
                        b) Không may, không gặp giáo lý quá hay của Đạo Phật dạy về chỗ cốt lõi của đời sống cuả thân này thì ta cứ làm mọi điều bám víu, đeo níu lún sâu trong nghiệp dữ thì ta cứ chìm hụp trong dóng trôi thênh thang vô tận của luân hồi. Nay khi tiếp xúc, đi sâu vào chánh pháp, hiểu Đạo, hiểu Phật, ta thấy nó cao quý, đó là ta có phước duyên hiếm có từ quá khứ. Phải biết cái quý báu ấy mà gắng sức phát triển Đạo trong ta. Chạy theo một kiếp ham hố dương trần rồi ra, ta lỗ vốn một chuyến đi buôn qua dương trần. Khôn ngoan phải biết và đi buôn cho có lời. Đó là biết bỏ cái rác rưởi  mà chọn lấy cái cao giá, đó là biết lo cho huệ mạng, lo cho nghiệp xả ly ngày càng trong sáng, đưa đời mình đến bờ an lạc từ đây cho đến cuối kiếp, đến vô sinh vĩnh tịch. Không biến mọi giá trị đời sống của mình thành củi khô đun lò lửa tham đắm.
                        c) Người Phật tử thấy Đạo, hiểu Đạo là gì thì ắt phải tự tạo lập một pháp hành vững chắc cho mình. Như vậy hoặc chọn pháp tu Thiền, hoặc chọn pháp tu Tịnh độ cho dứt khoát. Ra khỏi luân hồi có nhiều cửa, tức có nhiều lối tu. Tu Thiền thường là dành cho các vị có căn cơ cao, có điều kiện tốt không bận bịu lắm với đời sống hằng ngày. Tối hậu của tu Thiền là bừng ngộ khai phá ra bản tâm sáng ra ngay đây, trong đời này. Khi bừng ngộ thì ta an nhiên ra khỏi mọi trói buộc, mọi lo nghĩ sầu tư. Nó trở thành bản ngã, từ đó giữ vững ánh sáng bứng ngộ ấy mà tiến lên mãi và vinh quang nhất là biết trước giờ phút mình bỏ xác phàm này. Không còn cái nhân nào để mọc trở lại trong sinh tử luân hồi. Đó là chỗ tuyệt diệu của đời tu tập. Ngoài ra, gắng công tu tập buông bỏ mọi lo nghĩ, mọi bám víu quá nặng, ta cũng có thgần thái an lạc đắp nối cái ánh sáng, con đường an lạc thảnh thơi đó, ta cũng tu Thiền. Nói một cách cụ tthể hơn về phép tu Thiền thì đời sau. Đều dùng công án là một đề mục, như chữ Không để thu hút hết sức lực tâm ý vào đó, như nam châm hút sắt vậy. Ngài Đại Huê Thiền sư nói: “Hãy kiên trì công án trong suốt cả bình sanh. Nếu một niệm khởi lên thì đừng cố ý dẹp xuống mà cố giữ công án cho được hiện tiền mãi với tâm. Dù đi, đứng, nằm, ngồi đều chú tâm như nhất không cho gián đoạn. Cho đến khi thấy nó không có hương vị gì hết thì ấy là thời cơ quyết định đang đến, đừng để nó vuột mất”.  Tâm ý ta trôi nổi như trái banh vô cùng khó giữ yên, cho nên cột nó bằng công án, công án như sợi dây. Cột như vậy là phải có đại chí nguyện, không còn nghĩ đến cái khác ngoài công án. Cơ bừng ngộ chính nhờ cái huyết tâm dữ dội ấy. Tu Tịnh độ là pháp tu vốn ít mà lời nhiều, là chỉ niệm câu Nam Mô A Di Đà Phật mà được thoát luân hồi. Người ta nói đến Thiền đốn ngộ, Tịnh độ đốn tu nghĩa là tu Thiền đưa đến giác ngộ bản tâm ngay đây, còn tu Tịnh độ là phép tu thẳng, đi ngay ra khỏi luân hồi bằng đường tắt. Bất cứ người trí, kẻ ngu đều tu được. Nhưng nói cho nghiêm chình, thì theo kinh Di Đà, muốn vãng sanh về cõi cực lạc phải: Nhất tâm bất loạn, ý bất điên đảo, như nhập thiền định, nghĩa là tâm không bung túa nghĩ lung tung, ý không chao đảo, trụ tâm ý như nhập thiền mới vãng sanh được. Tu Tịnh độ có một mục đích là vãng sanh về cõi cực lạc của Phật A Di Đà, như tu Thiền có mục đích giác ngộ bản tâm ngay đây. Như vậy tu Tịnh độ cũng không đơn giản như chỉ nói niệm mười câu là được vãng sanh. Phải luyện tập buông bỏ cái tâm ham hố cõi Ta bà mới được. Nếu còn cái tâm ham hố ở cõi Ta bà này thì niệm Phật cầu vãng sanh khác gì đổ nước vô cái thùng lủng đáy, không bao giờ đầy. Khi ta ở xóm nào, thấy nó có nhiều bất như ý, bực bội vì nhiều chuyện, do người xung quanh thiếu hiểu biết gây ra, thì ta chán ngán, ta có ý muốn bán nhà nơi đó, dôn đi nơi khác. Có chán nơi ấy, ta mới hăng hái bằng mọi cách để thoát khỏi xóm tăm tối ấy. Tu Tịnh độ mong về cõi cực lạc cũng vậy. Nếu không chán cõi Ta bà này quyết liệt lập chí ra đi, thì ta không về cực lạc được. Kinh nói  Ái bất trọng bất sinh Ta bà là vậy, nghĩa là cái tâm quyến luyến tơ tưởng không còn mạnh nữa thì không sinh trở lại cõi Ta bà mà về cực lạc được. Do vậy tu Tịnh độ cũng phải lập nguyện buông bỏ cõi Ta bà, chỉ nhằm cõi Cực lạc với thiết tha vô hạn như kẻ tha hương chí cốt muốn về yên nghỉ nơi cố hương. Ngài Thân Loan, Tổ Tịnh tông tông Nhật Bản là vị chứng đắc, viết nhiều sách về Tịnh độ,nhưng cuối cùng Ngài đem đốt hết trước khi viên tịch, Ngài bảo: Ta thấy một câu Nam Mô A Di Đà Phật là quá đủ rồi, không cần nói cái gì khác. Ngài nói chính câu Nam Mô A Di Đà Phật là thường trụ khắp mọi thời trong ta, không có giờ phút lâm chung, không có đời sống nào khác. Đối với con người chỉ là một chuỗi những khoảnh khắc chỉ kéo dài giữa hơi thở ra và hơi thở vào, và vì vậy, mỗi một sát na tâm là mỗi giờ phút tối hậu cùa sự sống. Như vậy, mỗi sát na tâm là giây phút tối hậu, đó là mỗi giây phút vãng sanh. Chỉ có Phật hiệu A Di Đà Phật, không có người niệm, cái danh hiệu được niệm. Mọi cái đều bao gồm trong câu A Di Đà Phật rồi, quên hết mọi cái gì khác ngoài A Di Đà Phật… Ta phải tập cho quen với niệm Phật với định tâm cao cả như vậy mới có kết quả chắc ăn bây giờ và cả đời.
            C- Kiến đạo, tu đạo là tối cần thiết cho đời sống, ta phải nổ lực hơn nữa:
                        a) Ta suy nghĩ để thấy nhờ thân này, được gặp chánh pháp là may mắn từ vô lượng kiếp, thế thì không nên để cơ hội quý báu vuột trôi qua. Phải lập chí tu tập giải thoát kiếp này. Đợi chờ kiếp khác thì vô cùng gian nan. Coi như cơ may chỉ đến một lần trong đời này, ta phải chăm bón nuôi lớn cơ may này bằng ý chí tu tập chào vĩnh biệt luân hồi.
                        b) Trong động tác tu tập ấy, vấn đề siêng năng tiết kiệm thời giờ là quan trọng. Không thể lãng quên để tháng ngày trôi qua, không đào luyện tâm ý, vì cơn lũ lụt chết mất của vô thường không hẹn mà đến. Không ỷ y mà luôn luôn có trong tay một vali tư lương hành lý tốt, đó là siêng năng ghi nhớ tâm, không thả đắm, không bám víu, ấy là khôn. Vì bám víu là dại, là vướng kẹt bi thảm, lộn kiếp tái sinh chẳng hạn, ta sih lại trong gia đình chẳng hạn, lại làm con cháu gì đó. Ta nào có biết. Cho nên phải coi như đời sống may mắn này là chuyến xe cuối cùng ta ra đi trong hoàng hôn tàn tạ, không để mình bị kẹt lại trong bến trạm luân hồi. Ta chào vĩnh biệt luân hồi lần đầu tiên trong vô lượng kiếp là ta ra đi thảnh thơi, không phải như bao lần ra đi khác, ta ra đi bàng hoàng, bấn loạn nên bị hút vào vòng xoay của tái sinh. Nay ta ra đi biết nơi mình đến,ơi là tuyệt diệu. Trong tu tập, những khuyến tấn của pháp lữ rất cần, nhờ nương cậy pháp lữ mà ta sung mãn tinh thần, ngoài ra tu Tịnh độ được gom vào trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà che chở rất yên ổn. Ngài luôn phóng ánh sáng đến nhiếp thọ ta.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.12/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment