ĐỨC NHẪN VỚI TÁM ĐIỀU NHẪN TRONG GIÁO LÝ PHẬT GIÁO .
Truyền thống Phật giáo, qua giáo lý giải thoát, nhẫn nhục là một pháp tu cần thiết và hiệu quả để vô hiệu hóa tham sân si. Chính tam độc chướng ấy, nó làm nên tổ hợp ngũ uẩn, hình thành cái ngã tướng, ngã chấp, đầu mối của nỗi khổ niềm đau trong kiếp nhơn sinh.
Bài kệ:
“Nhẫn nhục đệ nhứt đạo.
Tiên tu trừ ngã nhơn
Sự lai vô sở thọ
Tức chơn Bồ đề tâm”
(Nhẫn nhục đạo thứ nhất
Trước tu trừ ngã nhơn
Việc đến lòng không nhận
Ấy thật chánh giác tâm).
Nói lên ý tưởng, nhẫn nhục không phải là nhịn để chịu nhục, mà nhịn để được những điều đối phương làm nhục mình.
Nếu nhịn mà còn cảm thấy nhục, thì đâu có nhẫn gì! Chẳng qua là mới có sự nín chịu - cắn răng mà chịu - lòng vẫn không an lạc, như vậy không phải là đạo nhẫn.
“Sự lai vô sở thọ, tức chơn Bồ đề tâm”, việc đến mà lòng an ổn không khởi niệm cảm thọ thì mới là tâm chơn thật giác ngộ.
Đức Huỳnh Giáo chủ dạy:
“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc
Đợi cho người hết giận ta khuyên”
Người ta nghiệt ngã mình mà vì lòng từ bi thương mà không giận, nên giả điếc, chớ không có điếc và cũng không phải ngán sợ họ rồi làm lơ.
Trong quá trình tu tâm dưỡng tánh lành “hành giả nuôi giống tình thương ngày một lớn hơn tạo nên nguồn năng lượng từ bi đủ ôm ấp những bất xứng ý” và “nghịch lòng”. Chính sự hiểu biết trên giác tính, nó nãy sinh tình thương yêu. Thương nên không giận (hiểu biết Þ thương yêu Þ không sân hận = an nhẫn Bồ đề).
Đức nhẫn trong thuyền thống tu tập của Phật giáo được thiết lập trân nền tảng trí tuệ và lòng yêu thương vô hạn, cho nên nhẫn không phải là sự đè nén, ép uổng. hành giả đủ khôn ngoan hiểu biết một cách thấu đáo chân tướng sự vật, sự việc rồi dùng năng lượng từ bi (qua quá trình tu tâm dưỡng tánh) mà xả ly không vướng mắc và chấp chước vào sự vận hành của sự sự việc việc trong đời sống. Chữ nhẫn được hình thành và thể hiện kiến tạo tâm tưởng yên vui tỉnh tại giữa chốn bụi trần.
Trong Sấm Thi của Đức Huỳnh Giáo Chủ có ghi 8 câu thơ đề tựa: Bát Nhẫn. Xin trình bày ở đây để chúng ta cảm nhận lý nghĩa chữ nhẫn trong Bát Nhẫn mà để ứng cơ phổ độ, tùy bịnh cho thuốc Đức Thầy đã dạy 8 điều nhẫn để chúng sanh làm theo hầu liễu đạt tâm lành, hoàn sinh giác ngộ giữa trời chiều Nguơn hạ.
Bát Nhẫn
Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền
Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên
Nhẫn giả hương lân hòa ý hỷ
Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên
Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc
Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền
Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự
Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên.
Để diễn tả rộng xa cho dễ, nhận biết Đức Thầy viết thêm Bát nhẫn trong bài Giác Mê Tâm Kệ, tức quyển giảng thứ tư:
Chữ thứ nhất nhẫn năng xử thế
Là người hiền khó kiếm trong đời
Lập thân danh tuần trải nơi nơi
Chờ thời đại mới là khôn khéo
Chữ nhẫn giái trì tâm trong trẻo
Khuyên dân thường giữ phận làm đầu
Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu
Trên cùng dưới điều hòa ý hỹ
Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau
Nhịn xóm chòm cô bác mới cao
Nhẫn tâm nọ ngày ngày an lạc
Nhịn tất cả những người tuổi tác
Nhẫn tánh lành yên tịnh dài lâu
Cứ một lòng hiều hậu mới mầu
Quanh năm cũng bảo toàn thân thể
Chữ nhẫn đức kể ra luôn thể
Thì trong đời vạn sự bình an
Chữ nhẫn thành báu quí hiển vang
Khắp trăm họ được câu hòa nhã
Câu đạo đức bay mùi thơm lạ
Muốn nếm thì phải rán suy tầm.
Đọc qua lời giáo huấn trên, 8 điều nhẫn và được diễn giải cụ thể dễ hiểu, ta cảm nhận được tính phổ cập thiết thực và xác đáng trên ý hướng hóa chúng cứu đời của Đức Thầy, Huỳnh Giáo chủ.
Như đã trình bày ở phần đầu, Đức nhẫn trong truyền thống Phật giáo đưa hành giả tu Phật đến đỉnh cao của sự giác ngộ. Vì nhẫn nhục Ba la mật là sự đột phá nhân tướng, ngã tướng, hóa giải vạn pháp giai không, sống được với tâm giác ngộ an lạc Bồ đề thanh tịnh. Nhưng, để từng bước tiến tu, nhất là công hành của người cư sĩ tại gia Phật giáo Hòa Hảo học Phật tu Nhân, thì Phật Thầy xưa và ngày này Đức Thầy Huỳnh Giáo chủ dạy tu nhẫn theo hoàn cảnh sống an nhẫn giữa cuộc đời. Thế nên giáo pháp Bát nhẫn được thiết lập như một phương tiện khả thi tối ưu vậy.
“Chữ thứ nhất nhẫn năng xử thế
Là người hiền khó kiếm trong đời
Lập thân danh tuần trải nơi nơi
Chờ thời đại mới là khôn khéo”
Nhẫn nhịn hòa ái với nhau giữa cuộc nhơn sinh người tu Phật giáo Hòa Hảo xử sự ở đời lấy chữ nhận làm công hạnh lập đức. Chữ nhẫn ứng dụng trong tất cả các mặt ở đời sống chan hòa bao dung tương thân tương ái, xuất xử hợp thời tiến thói khôn ngoan một cung cách ứng xử đẹp đẽ biết nhường nhau, sẽ sánh danh bậc hiền nhơn đạo đức, nhân cách cao vời tinh thanh khả kính.
“Chữ nhẫn giái trì tâm trong trẻo
Khuyên dân thường giữ phận làm đầu”
Dằn lòng an nhẫn để giữ gìn giới hạnh của đạo cho thật tinh anh (trong trẻo) và xem đó là hàng rào phải có để ngăn ngừa điều sai quấy tội lỗi và nó là việc đầu tay giữ phận tu hành.
“Nhẫn hương lân cùng khắp đâu đâu
Trên cùng dười đều hòa ý hỷ”
Vì đời sống một cư sĩ, người tu Phật giáo Hòa Hảo phải hòa quang đồng trần, đi giữa cuộc đời, vừa tu vừa giúp nước vùa dân. Vì họ cảm thấy mình còn mang nợ tứ ân thâm trọng phải lo đền đáp. Do đó, phải lấy chữ nhẫn để lập hạnh, khắp cùng làng sớm hương thôn lân lý phải nhẫn hòa vui vẻ. với người trên kẻ dưới, ấy là cách xã giao hòa mục vui đẹp xóm làng.
“Nhẫn phụ mẫu gọi trang hiền sĩ
Phận xướng tùy chồng vợ nhịn nhau
Ở trong nhà người cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo sử dụng đức nhẫn với người thân của mình, đây là một việc ứng tu không đơn giản, vì quen dễ sanh lờn, vì thân dể sanh tư ái … rất khó nhẫn!
Với cha mẹ là phải nhẫn tuyệt đối rồi, vì với đấng sanh thành biển trời ơn nghĩa. Nhưng cũng có khi gặp bậc làm cha mẹ không đủ đức hạnh phận làm con phải an nhẫn để hiếu thảo, việc ấy khá cam go, nhưng phải nhẫn cho được để xứng danh hiều sĩ vậy.
Còn vợ chồng với nhau. Nếu không an nhẫn thì canh không lành canh không ngon. Nói gì đến hạnh phúc và sự vô nghì lỗi đạo sẽ xảy ra. Rồi con rồi cháu nương cậy vào đâu mà thảo hiền hiếu nghĩa?! Thế nên, trong gia đình chữ nhẫn sẽ là chất thuốc thần trị bịnh nhiễu loạn kỷ cương, tan nhà nát cửa. muốn tu tỉnh giải thoát khổ đau, Đức Thầy dạy bổn đạo mình phải an nhẫn kiến lập thái hòa hữu hảo trong mỗi gia đạo an lành hạnh phúc.
“Nhịn xóm chòm cô bác mới cao
Nhẫn tâm nọ ngày ngày an lạc
Nhịn tất cả những người tuổi tác
Nhẫn tánh lành yên tịnh dài lâu”
Nhịn xóm chòm và người tuổi tác là nhẫn hương lân đã trình bày trước, ở đây Ngài nói cái giá của nó, “mới cao” là rất khó và khi hành được thì đúng là cao cả vậy. Điều ấy, nói lên đức hạnh đáng trân trọng và đã tiến khá xa trên lộ tình tu tỉnh, bởi vì để đạt được sự nhẫn hòa khắp người trên kẻ dưới, chốn hương lân xóm chòm thì hành giả đã nhẫn được tâm tánh mình, tự tâm đã an hòa thanh tịnh, đã phá vỡ hoàn toàn tự ngã nhỏ nhen vốn dĩ do vô minh xui khiến làm nên. Và khi tâm tánh đã an nhẫn thì muôn pháp yên tịnh an lạc miên viễn dài lâu vậy.
Tóm lại, Nhẫn ba la mật là một trong sáu con đò Bồ tát hạnh đưa chúng sanh từ bờ mê sang bến giác. Đức Phật đã khuyên dạy chúng sanh và với Đức Thầy đã ân cần khuyến tấn bổn đạo, trên đường về Phật quốc, phải nuôi dưỡng và phát hiện cho được, rồi đem thực hành trên thiệt tế để mang lại cái phúc lợi cho mình và khắp cả chúng sanh ấy là ý tưởng xác thực nhất của sự hành đạo.
Từ đó suy ra, đức nhẫn là hạnh tu cơ bản tối cần mà mỗi người tu Phật phải chăm chắm thực hành để tự lòng an lạc hạnh phúc đồng thời xây dựng cho y báo quanh mình một khung trời hiền thiện vui tươi như sự giáo huấn của Đức Thầy:
“Tánh hiền lương vẻ mặt vui tươi
Vậy mới đáng tín đồ Phật giáo
Nay ta đã qui y cầu đạo
Gây gổ là trái thuyết từ bi”HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ),GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.7/3/2014.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment