Tuesday, 17 September 2013

Ai thấy pháp người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy pháp.

 

Trong tôi lúc nào cũng là mùa xuân, nhưng làm thế nào để biểu lộ cái tình xuân đó cho người khác hiểu, với tôi là một vấn đề rất khó. Mặc dù là vậy, nhung Thầy Đồng Văn, trụ trì chùa Tâm Giác vùng Munchen ở Đức vẫn nhờ tôi viết bài báo xuân cho chùa, lòng rất ngại nhưng không dám chối từ, sợ rằng viết ý xuân mà thành ý đông khiến người đọc lạnh giá, hoặc thành mùa hè nóng bức khô khan. Để tránh trường hợp này, do vậy tôi mượn đề tài này thay cho lời xuân ý xuân. Mong rằng Thầy và Phật tử của chùa không vì thế mà phiền lòng.
Nội dung mà chúng ta sẽ thảo luận trong bài viết ngắn này là “Ai thấy pháp là người ấy thấy Phật, ai thấy Phật người ấy thấy pháp”. Thật ra chủ đề này không phải tác giả tự đặt mà vốn là lời Phật dạy, được tìm thấy nhiều nơi trong kinh A hàm hay Nikaya.
Nguyên nhân đức Phật nói bài pháp này, vì Tôn giả Vakkali ở nhà thợ gốm, đang bị bịnh nặng, sắp lâm chung, nhưng lòng rất muốn diện kiến dung nhan đức Thế Tôn và đảnh lễ Ngài lần cuối trước khi nhắm mắt lìa đời, nhưng không thể nào đến nơi ở của Thế Tôn được, cho nên Tôn giả Vakkali đã cho thị giả đến cung thỉnh đức Thế Tôn đến nơi mình ở. Vì lòng từ mẫn đức Thế Tôn đã thân hành đến thăm Tỷ kheo Vakkali. Sau khi đến đức Thế Tôn hỏi:
- Này Vakkali, nếu ông không có gì trách mình về giới luật, vậy có gì phân vân hay hối hận không ?
Tôn giả Vakkali thưa rằng:
- Đã từ lâu, bạch Thế Tôn, con muốn đến để được thấy Thế Tôn, nhưng thân con không đủ sức mạnh để được đến thấy Thế Tôn..
Đức Thế Tôn dạy rằng:
- Thôi vừa rồi, này Vakkali, có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này. Này Vakkali. Ai thấy pháp, người ấy thấy Ta, Ai thấy Ta, người ấy thấy pháp.[1].

Trên đây là đoạn đối thoại giữa Thế Tôn và Vakkali. Qua mẫu đối thoại này, nó gợi ý cho chúng ta hiểu rõ một vài vấn đề căn bản trong Phật pháp. Vấn đề trước tiên mà chúng ta cần xác định nơi đây là. Đức Phật và Tỷ kheo Vakkali đứng hai vị trí khác nhau. Tỷ kheo Vakkali đứng từ góc độ tình cảm, có lòng kính ngưỡng, muốn đảnh lễ và tận mắt nhìn dung nhan đức Phật lần cuối trước khi về chốn vĩnh hằng. Thế nhưng, đức Thế Tôn không đứng từ góc độ tình cảm đơn giản để an ủi Vakkali. Ngược lại Ngài với tư cách là một vị Đạo sư đến thăm Vakkali lần cuối và tiếp tục chỉ dẫn Tôn giả Vakkali nhận ra được chân lý để giác ngộ và giải thoát, cho nên Ngài đã dạy: ‘có gì đáng thấy đối với cái thân hôi hám này’ . Theo tôi nội hàm ý nghĩa của lời nói này thật sâu sắc mang hai ý nghĩa. Thứ nhất, Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng, Ngài cũng là con người bình thường như bao nhiêu con người khác, do vậy thân thể của Ngài cũng giống như bao nhiêu thân thể khác, cần có sự ăn uống ngủ nghỉ, cũng có trạng thái bịnh hoạn ốm đau và bài tiết. Những chất được bài tiết ra từ thân thể Ngài cũng có mùi tanh hôi giống như sự bài tiết của người khác. Không nên có suy nghĩ ngây thơ cho rằng, đức Phật không còn những hiện tượng này. Nếu chúng ta có cho rằng, Phật và chúng sanh khác nhau, sự khác nhau đó cũng chỉ là sự khác biệt giữa nhận thức, tức là sự khác biệt giữa người đã giác ngộ (Buddha) và chưa giác ngộ. Người đã giác ngộ không còn những loại khổ về mặt tâm lý, nhưng những loại khổ về mặt tự nhiên vẫn còn, như nóng lạnh, bịnh hoạn.v.v...Còn người chưa giác ngộ, có cả hai loại khổ tự nhiên của vật lý và tâm lý. Thật ra nổi khổ lớn nhất của con người là nổi khổ về tâm lý, không phải vật lý. Thứ hai, Ngài muốn nói rằng, Vakkali là người sống quá nặng nề về tình cảm, quá chú trọng về mặt hình thức bên ngoài của Như Lai, không thấy cái giá trị đích thực từ bên trong mà Ngài đã chứng được dưới cội cây Bồ đề. Cái giá trị của đức Thế Tôn là chân lý không phải là 32 tướng tốt hay 80 vẻ đẹp. Thế thì Vakkali muốn diện kiến cái thân tướng của Thế Tôn để làm gì ? có ích gì cho sự thuyên giảm cơn bịnh trầm trọng mà ông đang gánh chịu ? có giúp gì cho cái chết sắp cận kề mà Vakkali đang đối mặt ? Trước nổi đau khổ này, chỉ có giáo pháp mà Thế Tôn đã chứng mới có thể làm chấm dứt hay tối thiểu cũng làm giảm bớt sự đau khổ của Vakkali, cái pháp đó, chân lý đó Vakkali cần phải diện kiến thấy được trước khi qua đời, nếu không sống đời sống xuất gia vô ích, không có lợi gì cho mình huống gì là làm lợi lạc chúng sinh.
Thế thì chân lý mà Ngài chứng được dưới cội cây Bồ đề là gì ? Đó là đạo lý duyên khởi (pratiya-samutpada), nguyên lý vận hành của con người và vũ trụ, trên thế gian không có một vật, một người nào sinh tồn hay biến mất mà không theo nguyên tắc này. Đây chính là ý nghĩa mà đức Phật trình bày trong “Kinh Tạp A hàm” với nội dung như sau:
“Pháp duyên khởi chẳng phải do ta làm ra, chẳng phải do người khác làm ra. Dù Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện ở thế gian, pháp này vẫn tồn tại. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành đẳng chánh giác...”[2]
Giáo lý mà đức Phật giác ngộ dưới cội cây Bồ đề là duyên khởi mà duyên khởi là nguyên tắc vận hành của cuộc đời, không phải do đức Phật tự mình sáng tạo ra mà nó là nguyên tắc vận hành của con người và vũ trụ, không có một cái gì một người nào lại vận hành ngoài qui luật này, cho nên giáo lý duyên khởi được gọi là chân lý. Từ chân lý trong nhà Phật được mang ý nghĩa như vậy, không phải là lời nói hồ đồ, thiếu cơ sở. Căn cứ từ giáo lý duyên khởi này, đức Phật chỉ ra bản chất con người không có cái gì gọi là ngã (atmam) hay linh hồn trường cửu, các sự vật luôn luôn ở trong trạng thái thay đổi chuyển dịch, sự chuyển dịch đó đức Phật gọi là vô thường (anitya), không có một pháp nào đứng yên cố định. Sắc đẹp, sự giàu sang, địa vị.... dù chúng ta có cố giữ đến đâu, rồi cũng phải chịu đổi thay ở một lúc nào đó. Sự khác biệt giữa người trí và kẻ ngu chính là sự nhận thức đúng hay sai, có nghĩa là thái độ của chúng ta như thế nào về thực trạng này. Người trí chắc chắn không cưỡng ép làm một việc gì trái với qui luật, do vậy khi sự vật vô thường chuyển dịch, người trí không vì vậy mà sinh buồn rầu lo âu hay có thái độ chống đối, chỉ có kẻ ngu mới muốn bắt sự vật đứng yên theo ý mình. Muốn mà không được là nguyên nhân sinh ra đau khổ.
Vì lòng thương chúng sanh trầm luân trong đau khổ, đức Phật tùy theo căn cơ và trình độ khác nhau của mỗi loại chúng sanh, dùng mọi phương tiện khác nhau chỉ cho chúng sanh thấy được chân lý này, để họ được giác ngộ và giải thoát mà hình thành Tông phái, phân chia có Tiểu có Đại. Từ điểm này nó gợi ý cho chúng ta hiểu, Pháp duyên khởi, vô thường, vô ngã là chân lý, những phương tiện hay những hình thức giáo dục khác nhau, nó không phải là chân lý, vì nó chỉ có giá trị, và phù họp với một đối tượng cụ thể và nhất định nào đó, không thể là cái chân lý chung cho mọi con người và mọi xã hội khác nhau, cho nên không được gọi là chân lý. Ở đây tôi muốn mọi người nên chú ý một điều rằng, Lòng ngưỡng mộ đó rất tốt và rất cần, nhưng chúng ta không nên lẫn lộn lòng ngưỡng mộ này đồng nghĩa sự hiểu biết về Phật pháp. Xuất phát từ lòng ngưỡng mộ tôn sùng đó, chúng ta đã phát ngôn rất bừa bãi, đôi khi có thương tổn đến Phật pháp. Ví dụ chúng ta thường nói rằng, Phật pháp là chân lý, trong khi đó chúng ta giới thiệu một số quan điểm về Phật pháp, nó hoàn toàn không liên hệ có giá trị gì với đời sống con người, đôi khi lại có hại cho cuộc sống. Trong khi đức Phật nổ lực giới thiệu, làm cho con người thấy rõ được chân lý để được giác ngộ và giải thoát thì chúng ta làm ngược lại giới thiệu với con người xã hội với những quan điểm mù mờ, đen tối, thiếu cơ sở, thiếu ánh sáng của khoa học. Thế thì những quan điểm đó làm sao gọi là chân lý được ? Có thể điều đó đúng và họp lý cho một phần tử nào đó trong xã hội, nhưng không phải là tất cả, cho nên không thể gọi là chân lý. Đó chính là lý do tại sao đức Phật dạy: Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta. Hoạt động của khối óc và con tim là hai lãnh vực khác nhau, cả hai đều cần cho sự sống của con người, nhưng không thể thay thế cho nhau. Trái tim mà thay cho khối óc suy nghĩ sự việc thì cuộc đời sẽ xuất hiện biết bao sự lộn xộn và rối rắm; Khối óc mà thay thế cho trái tim làm việc thì cuộc sống của con người chẳng khác nào như sinh hoạt của tòa án, cho nên chúng ta không nên lẫn lộn giữa khối óc và con tim. Theo tôi, nên sống với nhau bằng trái tim và nên làm việc bằng khối óc.
Qua sự trình bày trên nó giúp chúng ta lý giải câu: Ai thấy pháp, người ấy thấy Ta, Ai thấy Ta, người ấy thấy pháp. Ở đây khái niệm Ta chỉ cho đức Phật, như vậy câu này được hiểu là Ai thấy pháp, người ấy thấy Phật; Ai thấy Phật, người ấy thấy pháp. Pháp ở đây chỉ cho giáo pháp duyên khởi. Ai thấy được pháp duyên khởi, người ấy cũng thấy được trạng thái vô thường, vô ngã của vạn vật và ngay cả bản thân mình. Ai đã thấy được vô thường vô ngã thì người ấy không thể chấp: “Cái này là của tôi là tôi là tự ngã của tôi”, như vậy, được giác ngộ và giải thoát. Ở đây, khái niệm giác ngộ và giải thoát là khái niệm mô tả về kết quả của sự thấy và biết, từ trong nhà Phật thường dùng là trí tuệ, chính là kết quả sự tu tập của đức Thế Tôn dưới cội cây Bồ đề. Sự giác ngộ này đã làm cho chính Ngài thoát khỏi mọi sự ràng buột khổ đau, cho nên gọi là giải thoát. Bất cứ ai giác ngộ như Ngài cũng sẽ có những sự giải thoát như Ngài không cao không thấp. Đương thời cũng đã có nhiều người của nhiều giai cấp khác nhau thực hành lời dạy của Ngài, cũng đã được giác ngộ giải thoát. Sau khi sống trong giáo pháp của Ngài, được giác ngộ giải thoát, họ mới cảm thấy rằng, sự khác biệt giữa đường lối tu tập của đạo Phật và các tôn giáo truyền thống Ấn độ rất xa. Đức Phật thì khuyên con người “Đến đạo Phật để thấy và biết, giải quyết khổ đau, chứ không phải để tin” còn các tôn giáo khác thì đặt nặng niềm tin niệm chú và cầu nguyện. Đó chính là lý do tại sao có nhiều người sau khi nghe đức Phật nói pháp bèn phát biểu:
“Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích.”[3]
Như vậy, điểm nổi bật của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là sự giác ngộ giải thoát, không phải là 32 tướng tốt hay 80 vẻ đẹp, nguyên tắc để trở thành bậc giác ngộ giải thoát chính là thấy được pháp duyên khởi vô thường vô ngã. Như vậy, ai muốn thấy Phật thì người ấy phải thấy được pháp. Cũng vậy, ai đã thấy được pháp duyên khởi vô thường vô ngã cũng có nghĩa là người ấy đã thấy Phật, vì khái niệm Phật với khái niệm pháp chỉ cho người thấy chân lý và chân lý.
Như vậy, tỷ kheo Vakkali nếu muốn diện kiến đức Thế Tôn cần nên diện kiến sự giác ngộ và giải thoát, nếu như Vakkali muốn tỏ lòng ngưỡng mộ đức Thế Tôn thì Vakkali nên thực hành giáo pháp của Ngài, nếu như Vakkali muốn đoạn trừ những nổi khổ đau cho mình thì Vakkali chính mình phải giác ngộ lý duyên khởi vô thường và vô ngã., còn nếu như Vakkali muốn hóa độ chúng sanh thì trước tiên Vakkali phải giác ngộ chân lý. Đó là nội dung và ý nghĩa câu: “Ai thấy pháp, người ấy thấy Phật; Ai thấy Phật, người ấy thấy pháp” khi Ngài khuyên tỷ kheo Vakkali lúc lâm bệnh.
Dẫu rằng, đây là lời dạy của Thế Tôn cho Tỷ kheo Vakkali trong quá khứ. Tôi tin rằng, nội dung và ý nghĩa của nó vẫn còn có giá trị thiết thực cho Phật giáo ngày nay. Phải chăng chúng ta đang cố tô son phết vàng ca ngợi 32 tướng tốt của đức Phật nhưng chúng ta lại vô tình hay cố ý quên đi giáo pháp mà Ngài đã giác ngộ ? Phải chăng với lòng kính ngưỡng chúng ta dùng mọi lời tán dương, giới thiệu tính siêu việt của hệ thống triết lý nhà Phật, nhưng chúng ta quên rằng thế hệ tuổi trẻ ngày hôm nay là thế hệ được được trưởng thành trong xã hội tiến bộ về khoa học kỷ thuật, và được đào tạo trong hệ thống giáo dục tiên tiến, có trình độ chuyên môn cao, chúng sẽ khó chấp nhận những quan điểm mù mờ thiếu cơ sở khoa học. Trong khi đó phần lớn của con người trong xã hội ngày nay, quan tâm đến những vấn đề có liên quan đến con người và xã hội mà họ đang sinh tồn, không phải là những vấn đề mang tính triết lý siêu hình.
Tôi tin rằng, giáo lý mà đức Phật giác ngộ là giáo lý cho con người, đối tượng mà đức Phật giáo dục là con người. Dẫu rằng hệ thống giáo lý đó đề cập giải quyết những vấn đề cụ thể trong quá khứ, đôi khi không còn phù họp cho con người và xã hội ngày nay, nhưng ngang qua những hình thức giào dục đó, nó vẫn ẩn chứa một nguyên lý tinh thần giáo dục mà đức Phật muốn gởi cho các thế hệ sau không cùng xã hội và lãnh thổ. Nguyên lý đó, tinh thần đó có giá trị tuyệt đối, áp dụng cho mọi thời đại và con người. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.17/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment