Wednesday, 18 September 2013

Phần Một : tìm hiểu nội dung và xuất xứ Thầp Ngưu Đồ
I ) Thập Ngưu Đồ do hòa thượng Khuếch Am, trụ trì Đỉnh Châu Lương Sơn
Thập Ngưu Đồ
Đệ Tứ: Đắc Ngưu (Được Trâu)
 
Tựa của Từ Viễn:
Cửu mai giao ngoại, kim nhật phùng cừ.Do cảnh thắng dĩ nan truy, luyến phương tùng nhi bất dĩ. Ngoan tâm thướng dũng, dã tính do tồn. Dục đắc thuần hòa, tất gia tiên sở.
 
Diễn ý:
Trâu kia lâu ngày nằm phục ngoài đồng xa, hôm nay rốt cuộc ta mới gặp được “hắn” (trâu/cái ta đi lạc). Con người vì bị bốn phương cảnh sắc xinh tươi quyến rũ nên không đuổi kịp trâu.Trâu kia cũng quá thích thú được ở giữa đồng cỏ thơm không dừng bước. Tâm hồn trâu hãy còn hung hãn, tính nết chưa hết hoang dã. Muốn cho trâu thuần thục, chắc chắn phải dùng đến roi vọt.   
 
Phụ chú:
Đắc ngưu: Buộc được giây vào trâu kéo đi.
Cửu mai giao ngoại:  Vì “cừ” (hắn) chỉ con trâu cho nên ở đây nói là trâu đã quen sống ngoài hoang dã. Chữ “mai” (chôn, nằm phục) sẽ thấy lại trong bài tụng thứ 10 Nhập triền thùy thủ.
Kim nhật phùng cừ: Chữ “cừ” còn có ý nghĩa rất sâu sắc nếu ta đọc bài kệ Quá Thủy (Lội qua giòng nước) của hòa thượng Động Sơn Lương Giới (807-869). Tương truyền khi Động Sơn giả từ thầy là Vân Nham Đàm Thạnh (780-841) để lên đường vân du, trong lòng hãy còn bất an. Một hôm đang lội qua một khúc sông, chợt nhìn thấy bóng mình trên mặt nước, cảm thấy như gặp được khuôn mặt thực sự của thầy mình (và hiểu được ý thầy). Hôm đó đối với ông là một ngày rất đặc biệt nên ông đã làm bài kệ Quá Thủy để ghi lại sự kiện nói trên: “Thiết kỵ tùng tha mịch, Thiều thiều ngã dĩ sơ. Ngã kim độc tự vãng. Xứ xứ đắc phùng cừ. Cừ kim chính thị ngã. Ngã kim bất thị cừ. Ưng tu nhậm ma hội. Phương đắc khế như như”[1]. Chỉ xin để ý đến 4 câu được gạch dưới: “Nay mình ta đi thôi. Nhưng đâu cũng gặp người. Người nay là ta đó. Dầu ta chẳng phải người”.
Do cảnh thắng dĩ nan truy: Chủ ngữ là “nhân”. Cảnh đẹp lôi cuốn nên người đi tìm không để hết tâm trí vào việc đuổi theo trâu.
Luyến phương tùng nhi bất dĩ: Chủ ngữ là “ngưu”. Trâu mãi mê với cánh đồng cỏ tươi xanh (phương tùng) nên đi mãi không ngừng.
Ngoan tâm:Dùng như chữ “ngoan bì đát” trong Chứng Đạo Ca, căng như roi da, nghĩa bóng là bản chất ngoan cố.
Dục đắc thuần hòa: Muốn làm cho dịu dàng ra, không còn ngoan cố hung hãn. Tiên là roi da, sở cũng có nghĩa là roi, hay trượng.
 
Tụng của Khuếch Am Tắc Hòa Thượng:
Kiệt tận tinh thần hoạch đắc cừ,
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ
Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng,
Hựu nhập yên vân thâm xứ cư. 
竭 盡 精 神 獲 得 渠
心 強 力 壮 卒 難 除
有 時 纔 到 高 原 上
又 入 煙 雲 深 処 居
 
(Bắt được trâu xong mệt bở người,
Trâu còn mạnh quá, khổ thân ôi.
Có khi tưởng đạt nơi cao vợi,
Vẫn thấy trong mây khói mịt trời). 
 
Họa của Thạch Cổ Di Hòa Thượng:
Lao bả thằng đầu mạc phóng cừ,
Kỷ đa mao bệnh vị tằng trừ.
Từ từ mạch tỵ khiên tương khứ,
Thả yếu hồi đầu thức cựu cư.
牢 把 繩 頭 莫 放 渠
幾 多 毛 病 未 曾 除
徐 徐 驀 鼻 牽 将 去
且 要 廻 頭 識 奮 居
 
(Cho “hắn” vào tròng, không thả đâu,
Vì chưng nếp cũ hãy ăn sâu.
Nhẹ nhàng nắm mũi lôi về trước,
Trâu nhớ đồng xưa lại ngoái đầu.)
 
Lại họa của Hoại Nạp Liên Hòa Thượng
Phương thảo liên thiên tróc đắc cừ,
Tỵ đầu thằng sách vị toàn trừ.
Phân minh chiếu kiến quy gia lộ,
Lục thủy thanh sơn tạm ký cư 
芳 草 連 天 捉 得 渠
鼻 頭 繩 索 未 全 除 
分 明 照 見 帰 家 路
緑 水 青 山 暫 寄 居
 
(Cỏ tiếp chân mây, bắt “hắn” rồi.
Mũi kia vẫn cột mối dây rời.
Chỉ cho rõ lối về chuồng cũ,
Nước biếc non xanh, hãy tạm thời)
 
Phụ chú:
Kiệt quệ tinh thần: Hết sức, hết nguyên khí. Có chỗ giảng là hết phép thần thông nhưng ý cũng chẳng khác bao nhiêu.
Tâm cường lực tráng tốt nan trừ: Trâu hãy còn quá mạnh mẽ chưa có thể chế ngự hoàn toàn (tốt nan trừ).
Hựu nhập yên vân: Trâu lại chạy trốn vào chỗ mây khói, muốn nằm phục ở cánh đồng xưa.
Lao bả thằng đầu: Đầu chỉ là một trợ từ. Thằng là dây. Ý nói mắc đầu trâu vào tròng.
Mao bệnh: Tiếng Hán cổ, nay có thể hiểu là thói xấu, khuyết điểm. Chữ dùng trong sách coi lông để biết tướng ngựa.
Mạch tỵ: Ngay đằng trước mũi. Tổ Đường Tập quyển 14 nói về Tăng Củng Huệ Tạng (thế kỷ 8/9) có viết: Một hôm Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), thầy ông, hỏi ông đang làm tác vụ gì thì ông cho biết đang dạy trâu (mục ngưu). Hỏi dạy trâu thế nào thì Tăng Củng trả lời rằng mỗi lần cho nó ăn xong một nắm cỏ thì nắm mũi nó mà kéo lại phía mình. Mã Tổ khen như thế là biết cách dạy trâu.
Thả yếu hồi đầu: trâu tự ý (thả yếu) quay đầu lại nhìn cánh đồng cỏ vì hãy còn luyến tiếc cuộc sống cũ, muốn vào chỗ mây khói mịt mùng. Thả yếu ở đây không giống nghĩa “À, nếu muốn thì cứ làm đi!” như thấy trong Lâm Tế Lục.
Phương thảo liên thiên[2]: Chữ đã thấy trong tắc 36 của Bích Nham Lục. Cũng đã thấy ở bài họa Tầm Ngưu của hòa thượng Thạch Cổ.Trong Hán văn, phương thảo tượng trưng cái đức đẹp đẽ của người quân tử, hấp dẫn được trâu làm trâu đi theo. Liên thiên là rộng rãi mang mang như “thiên võng khôi khôi” (lưới trời sưa sưa), chủ thể bị ngoại cảnh bao trùm.
Tỵ đầu: Chỗ quan trọng, chỗ hiểm, nơi trâu bị người dắt.
Phân minh chiếu kiến: Thơ Vương Xương Linh (bài Trường Tín Thu Từ) nói về mối hận lòng của nàng Ban Tiệp Dư khi bị vua ruồng bỏ, có câu:
Hỏa chiếu Tây Cung tri dạ ẩm,
Phân minh
phức đạo
[3] phụng ân thì.
火 照 西 宮 知 夜 飲
分 明 複 道 奉 恩 時
 
(Lửa rọi cung Tây, ai yến ẩm,
Đâu thời yêu dấu, rõ song đôi)
Trong kinh Bát Nhã có chữ “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”.
Quy gia lộ: Đường về nhà (chuồng), báo trước cho chương 6 Kỵ ngưu quy gia.
Lục thủy thanh sơn: Trong bài tựa của chương 9 Phản Bản Hoàn Nguyên, chép ngược lại là “thủy lục sơn thanh”.
Tạm ký cư: Trong kinh Pháp Hoa, Tín Giải phẩm, chữ dùng nhân khi nói về cái thảo am của đứa trẻ nghèo (cùng nhi) trong truyện Trưởng giả cùng nhi. Nghĩa là dù đã bắt dược trâu nhưng vì mới bắt xong nên chưa có thể coi như đã xong việc.
 
Lời bàn của Yanagida Seizan:
Đây là lúc trâu nằm trong tay ta.Không biết tập quán xỏ mũi trâu đã có từ lúc nào nhưng khi nói đến con vật bị xỏ mũi, người ta đều liên tưởng đến con trâu. Lịch sử nuôi trâu của loài người đã có từ lâu.Mới sinh ra, trâu đã được người nuôi, thế mà một ngày trâu bỏ trốn ra ngoài đồng và chẳng bao lâu, trở thành con vật hoang dã. Có thể xem như chủ đề của chương 4 Đắc Ngưu và chương 5 Mục Ngưu là “sự đấu tranh chống lại cái hoang dã trong quá trình tiến đến văn minh”. Nói cách khác, đó là sự xung đột giữa văn minh và hoang dã. Trong lời tựa của chương 6 Kỵ ngưu qui gia, Từ Viễn có viết “can qua dĩ bãi” (chiến tranh đã chấm dứt), làm ta hình dung được là trong hai chương 4 và 5, chắc đã có một cuộc tranh đấu ghê gớm.
Thiền sư Dôgen của Nhật Bản mở đầu quyển Shôbô Genzô (Chính Pháp Nhãn Tạng) của ông có nói rằng Sơn Thủy Kinh có nghĩa là sơn thủy như ta có ngày nay vốn thể hiện được đạo của chư cổ Phật và là nơi trú ngụ của pháp vị. Đề tài Sơn Thủy Kinh cho thấy sông núi và con người đều chứa đựng pháp vị và đấy là một ý kiến mới mẻ. Nó giúp ta hiểu rằng trong văn minh đã có sự hoang dã và trong cái hoang dã cũng ngầm chứa văn minh. Khi không thấy nữa phải cất công tìm về. Thế nhưng trong vật không còn thấy nữa ấy thật ra cũng đã chứa sẳn cái vốn có (bản lai) xưa nay.
Như đã trình bày không phần chú thích từ ngữ, Thập Ngưu Đồ có lẽ bắt nguồn từ một ý tưởng đã có trong kinh Pháp Hoa, phẩm Tín Giải, qua câu chuyện “Trưởng giả cùng nhi” (Đứa trẻ ăn mày con nhà giàu) như sau:
Có một đứa bé kia từ thuở nhỏ đã lìa nhà, lưu lạc nơi này chốn nọ và tính tình hoàn toàn trở nên hoang dã. Năm mươi năm sau, về qua trước cổng ngôi nà cũ, không biết là nhà cha mẹ mình giàu có ức vạn, đứa con kia chỉ bằng lòng xin một chén cơm thôi. Người cha thì lại biết ngay là đứa con mà mình đã tìm kiếm từ mấy chục năm trời nên mừng vui khôn xiết. Ông cụ cứ liền mời đứa con vào nhà. Thế nhưng đứa con đã quen thói ăn xin, nay thấy ông bố sang trọng rình rang thê thiếp, kẻ hầu người hạ, bà con quyến thuộc vây quanh thì lại sợ hãi, đồ chừng người ta sắp bắt mình để giết bèn vắt giò lên cổ chạy mau cho thoát khỏi ngôi nhà đó. Người cha mới nghĩ ra một kế là đi kêu anh ta về, mướn làm một tên đầy tớ chức phận hèn kém nhất và cho sống chung với lũ tôi tớ trong nhà. Từ đó, công việc mỗi ngày của anh ta là quét dọn trong dinh thự, đổ cầu tiêu hố xí. Thế rồi người cha mới cho dựng một túp lều con (thảo am) trong khuôn viên của dinh thự cho ông con tạm trú. Được như thế trong vòng hai mươi năm, ông con mới dần dần quen với khung cảnh trong nhà, được cất nhắc lên làm chức quản lý điền sản, đến lúc người cha lâm chung thì ông con mới có thể trở thành kẻ nối nghiệp.
Chủ đề của kinh Pháp Hoa là sự liên hệ giữa nhất thừa và tam thừa[4] nhưng điều đó không phải là vấn đề đặt ra ở đây bây giờ. Chuyện con trâu lâu ngày nằm phục (mai) ngoài đồng cỏ, tính tình đã trở thành hoang dã, nay trở về làm quen lại người chăn, nếu không có câu chuyện ngụ ngôn trong kinh Pháp Hoa này dẫn đường, khó lòng chúng ta hiểu được. Chữ mai là nằm phục trong cụm chữ “cửu mai giao ngoại 久埋郊外” của Từ Viễn khi nói về con trâu cũng là chữ mai của mai táng 埋葬, mai tàng 埋蔵, cho ta thấy đó là việc dấu diếm một cái gì quan trọng. Nếu không có ý thức về điều đó thì sẽ không có chuyện đắc ngưu hay mục ngưu.Cái chân tính sẳn có (bản cụ chân tính) nhờ sự rèn luyện, mài giũa mới có cơ hội tỏa sáng. Cũng như người cha từ lúc đầu dẫu biết đứa ăn mày là con mình cũng phải để cho lao khổ liên tiếp trong 20 năm. Nói khác đi, chính có khi vì biết đó là con mình nên mói thế. Có người bàn 20 năm đó tương đương với khoảng thời gian gọi là “thánh thai trường dưỡng”, tưởng cũng không phải là không có thâm ý.

 

[1] Người dịch không có bản chính nên chỉ tái lập văn bản từ cách đọc của Nhật nên có thể không hoàn toàn chính xác, Mong được chỉ giáo.
[2] Kiều: Phương thảo liên thiên bích. Lê hoa sổ điểm chi (Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa (Kiều).
[3] Hành lang đôi hay có hai tầng ở trong cung làm ra cho vua đi riêng.Lúc đó Ban Tiệp-Dư còn được vua sủng ái nên cho đi cùng.
[4] Thanh văn thừa và duyên giác thừa, hai thừa này hợp lại là tiểu thừa, còn bồ đề thừa là nhất thừa hay đại thừa.Cả ba thừa đều là những vật để chở hay phương pháp giúp con người tiến về lẽ đạo.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment