Saturday, 28 September 2013

(Tuyn tp nhng bài viết v Tnh Ð ca lão cư sĩ Lý Bnh Nam)
Trích dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Hạ tải:
 
MỤC LỤC
 
PHẦN THỨ NHẤT: NHỮNG ĐOẢN VĂN TRÍCH TỪ BỘ HOẰNG HỘ TỂU PHẨM
I. Phải nhận thức rõ hoàn cảnh hiện tại và đường lối tương lai
II. Phương pháp giải cứu nghịch cảnh, tai nạn, luân hồi
III. Phương pháp niệm Phật
IV. Trợ duyên để niệm Phật thành công
V. Những bậc tiền bối mô phạm và kinh điển nên tham khảo
VI. Hai loại tâm lý sai lầm thường gặp
VII. Giải đáp nghi vấn
VIII. Niệm phật tam đại lợi ích
IX. Phương pháp niệm Phật
X. Chưa chứng chân như thì đối với lý nhân duyên phải rất cẩn trọng
XI. Chẳng hiểu giáo tướng thì khó thể bàn chuyện có - không
XII. Tông phái
 
PHẦN THỨ HAI: KHAI THỊ PHẬT THẤT 
I. Khai thị tại Phật thất chùa Linh Sơn năm Nhâm Tý
II. Khai thị tại Phật thất chùa Linh Sơn năm Giáp Dần
III. Khai thị trong dịp kết thất niệm Phật đầu xuân Giáp Ngọ 
IV. Khai thị tại Phật thất chùa Linh Sơn năm Mậu Ngọ
V. Khai thị Phật thất tại chùa Linh Sơn năm Mậu Ngọ (lần thứ nhất)
VI. Khai thị Phật thất tại chùa Linh Sơn năm Mậu Ngọ (lần thứ hai)
VII. Khai thị trong Phật thất năm Tân Dậu
XIII. Lời trần tình của cụ tuyết tăng nhân dịp Phật thất năm Nhâm Tuất
IX. Dao bén cắt dứt mối tơ loạn
X. Khai thị tại Phật thất chùa Linh Sơn năm Ất Sửu
XI. Khai thị Phật thất năm Canh Thân tại chùa Linh Sơn  
Vi tính và trình bày: Ban biên tập  www.thondida.com
Cập nhật: Ngày 01 tháng 12 năm 2008 –  Tại Melbourne - Úc Châu
 
 
 
Thật vì sanh tử, phát Bồ Đề,
Dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật”.
Triệt Ngộ đại sư
***
“Như Lai sở dĩ hưng xuất thế,
Duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”.
Thiện Đạo đại sư
***
“Được vãng sanh hay không
đều do Tín, Nguyện có hay không,
Phẩm vị cao hay thấp
đều do hành trì sâu hay cạn”.
Ngẫu Ích đại sư
***
“Chỉ duy trì danh mà chứng thiệt tướng,

Không cần quán tưởng cũng thấy Tây Phương!”.
Ấn Quang đại sư
*** “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo,
chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi”.
Kinh Đại Tập
***
 
 

  PHẦN THỨ NHẤT

 I. Phải nhận thức rõ hoàn cảnh hiện tại và đường lối tương lai

          Có ai là không bị bệnh hoạn, già suy, thân thuộc sanh ly tử biệt, của cải mất mát, oán thù gia hại? Lại còn kẻ nghèo mong cầu tiền của, người không con cầu con, kẻ vô nghề nghiệp, chức vụ mong có nghề nghiệp, chức vụ; nhưng rốt cuộc rồi mấy ai được như ý? Những điều bất như ý ấy làm cách nào để giải quyết đây?  
Gió bão nổi dậy, địa chấn phát sanh, tường đổ nhà sập khiến lắm người bị tử thương. Lại còn không mưa thành đại hạn, mưa quá thành lụt, mất mùa khiến lắm người bị chết đói. Nước lớn tràn dâng, chìm ngập thôn trang. Lửa to bốc cháy, thiêu tan thành thị khiến lắm người bị tử thương. Những chuyện như vậy gần như năm nào cũng có. Lại còn có năm chẳng thái bình, có những quốc gia trên thế giới chẳng nghĩ gì đến lẽ nhân đạo luôn gây vạ chiến tranh. Lại còn phát minh những vũ khí giết người tối tân, nào là bom nguyên tử, nào là bom khinh khí, chỉ sợ là chẳng giết được thật nhiều người mà thôi. Còn bảo như vậy mới là thế giới tiến hóa, chứ nói trắng ra chỉ là một lò sát sanh lớn! Thử hỏi ai có biện pháp nào tránh khỏi những tai nạn như thế hay không?   
Rất đáng thương thay! Người chết chẳng phải là hết vì thân tuy chết đi, thần thức chẳng diệt. Có sáu cảnh giới là thiên, nhân, A tu la, súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ. Thần thức hoàn toàn chẳng thể vượt ra khỏi phạm vi của sáu cõi này. So trong lục đạo, cõi trời, cõi người còn khá, nhưng vẫn có sanh tử, xoay vần qua qua, lại lại; hốt nhiên mang thân trời, người, hốt nhiên sanh trong địa ngục, súc sanh. Ngàn lần sống, vạn lần chết, luân chuyển như thế; xương vùi cao như núi, lệ trào nhiều như biển, thật quá cực khổ! Thử hỏi ai có phương pháp nào trốn tránh sự luân hồi ấy ngõ hầu được trường sanh an tịnh chăng?
Trang 1
 
 
 

 II. Phương pháp giải cứu nghịch cảnh, tai nạn, luân hồi  

Sự khổ vui của mỗi người vốn là một thứ quả báo, phải vận dụng cả ba đời để quán sát. Nếu chẳng hiểu rõ đạo lý này, làm sao thông hiểu được? Hiện tại chúng ta gặp phải nghịch cảnh, mắc phải tai nạn, đương nhiên là có dính líu đến nhân quả. Cách để chuyển biến, tiêu trừ chúng nhanh nhất chính là Niệm Phật. Trong kinh từng nói chí tâm niệm Phật một câu, tiêu trừ được trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Nếu đã tiêu trừ được tội thì nào còn có nghịch cảnh, tai nạn gì nữa! Kinh còn dạy người niệm Phật A Di Ðà được vô lượng vô biên chư Phật ở bốn phương, thượng, hạ hộ niệm. Phật là bậc pháp lực vô biên vạn đức, vạn năng, đã được Phật gia bị thì còn sợ gì tai nạn cơ chứ?  
Ngoài lục đạo lại còn có cảnh giới nào khác thì thật là chuyện lạ. A! Lục đạo là cảnh phàm, nào biết còn có cảnh Thánh. Cảnh Thánh chính là cõi Phật. Trong các thế giới ở phương Tây, có thế giới Cực Lạc, là quốc độ của Phật A Di Ðà, hoàn toàn do bảy báu tạo thành, trang nghiêm thanh tịnh.
So với bất cứ cõi thiên cung nào, thế giới Cực Lạc cũng tốt đẹp hơn ngàn vạn vạn lần. Ðiểm tuyệt diệu nhất là thọ mạng vô lượng, chẳng giống như cõi trời, cõi người sanh tử chẳng ngừng trong lục đạo. Trong kinh có dạy: Nếu ai sanh về đó thân đều sắc vàng, quang minh chói lọi, thần thông đầy đủ, nghĩ đến áo liền có áo, nghĩ ăn liền có ăn, thọ mạng vô lượng, sống mãi đến khi thành Phật.
Phương pháp rốt ráo để sanh về đó là như kinh đã dạy: Niệm A Di Ðà đến Nhất Tâm Bất Loạn. Lúc lâm chung, nhất định A Di Ðà Phật đến rước đi.   
Những điểm tốt lành vừa được đề cập trong hai đoạn trên đều được chép trong kinh, vốn ngàn lần, vạn lần chân thật, chẳng cần phải nhọc công nêu chứng minh. Nhưng càng chứng minh nhiều thì tín tâm càng thêm kiên cố nên chẳng ngại dài dòng, nêu thêm mấy câu về “mười đại lợi ích của việc niệm Phật”. Nghĩa là người niệm Phật quyết định sẽ được mười điều lợi ích:  
1) Ngày đêm thường được hết thảy chư thiên, đại lực thần tướng ẩn thân thủ hộ người ấy.
2) Thường được hai mươi lăm vị đại Bồ Tát như Quán Âm bảo vệ, gia hộ.  
3) Ngày đêm thường được chư Phật hộ niệm, A Di Ðà Phật thường phóng quang minh nhiếp thọ người ấy. 
4) Hết thảy ác quỷ, dạ-xoa, la-sát đều chẳng hại được, chẳng bị trúng phải rắn độc, thuốc độc.  
5) Nước, lửa, oán tặc, đao binh, súng ống, gông, cùm, lao ngục... đều chẳng mắc phải.  
6) Những tội nghiệp đã tạo khi trước thảy đều tiêu diệt.  
7) Ðêm ngủ mộng thấy điềm lành, hoặc thấy thân sắc vàng thắng diệu của Phật A Di Ðà.  
8) Tâm thường hoan hỷ, vẻ mặt tươi tắn, khí lực sung mãn, việc làm tốt đẹp.  
9) Thường được hết thảy mọi người trong thế gian cung kính lễ bái giống hệt như kính Phật.  
10) Lúc lâm chung tâm không hãi sợ, chánh niệm hiện tiền. Tây Phương Tam Thánh dùng đài vàng tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Ðộ, liên hoa hóa sanh, hưởng sự vui thắng diệu.  
Xin quý vị chú ý: Trong mười điều lợi ích này, chín điều trước đều là những lợi ích chuyển hóa nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn. Ðiều lợi ích cuối cùng là thân sau thoát khỏi luân hồi.
Trang 2

 
 
 

 III. Phương pháp niệm Phật  

- Nam mô đại từ đại bi Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (niệm một lần, lễ một lạy, hoặc chỉ chắp tay).  
- Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật (niệm một lần, lễ một lạy, hoặc chỉ chắp tay).  
- Nam mô A Di Ðà Phật (không cần lễ bái, chỉ cung kính niệm. Quỳ niệm, ngồi niệm, đứng niệm đều được. Tối thiểu là trăm câu đến ngàn câu, vạn câu tùy theo công việc rảnh hay bận của mỗi người. Chỉ nên từ ít tăng lên nhiều, đừng từ nhiều giảm xuống ít).  
- Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát (một niệm, một lạy). 
- Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát (niệm một niệm, một lạy. Quán Âm, Thế Chí là hai vị hiệp sĩ [Bồ Tát thị giả thân cận] của đức A Di Ðà, thường gọi chung là Tây Phương Tam Thánh. Niệm Phật xong, lẽ đương nhiên nên lạy hai Ngài)  
- Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát (một niệm, một lạy. Cực Lạc thế giới có rất nhiều vị Bồ Tát, tương lai đều là thầy bạn của mình nên cũng nên lễ bái)
 
Nguyện đem công đức này,
Trang nghiêm Phật tịnh độ
Trên đền bốn ân trọng
Dưới cứu khổ ba đường
Nếu có ai thấy nghe,
Ðều phát tâm Bồ Ðề,
Hết một báo thân này.
Cùng sanh cõi Cực Lạc.
(Ðây là bài hồi hướng, cũng nói về nguyện lực niệm Phật của mình).
Lễ bái lui ra.
          Mỗi ngày sáng chiều hai lượt thực hành công khóa trên đây. Rửa tay, súc miệng, đối trước tượng Phật thắp hương, đảnh lễ, theo đúng pháp tụng niệm. Nếu không có tượng Phật hoặc chỗ mình ở không thuận tiện thì không đốt hương, không đảnh lễ cũng được, chỉ hướng mặt về Tây, trong lòng cung kính thì cũng có công đức tương tự. Ðừng niệm những chữ ghi trong dấu ngoặc.  
Cho đến hết một hơi, niệm dăm ba câu hoặc sáu bảy câu “Nam mô A Di Ðà Phật”. Niệm hết mười hơi như vậy bèn niệm bài hồi hướng một lượt, lễ bái lui ra.  
Cách này dành cho người cực kỳ bận rộn, chỉ tốn thời gian không quá năm phút. Ðiều trọng yếu nhất là mỗi ngày sáng chiều phải thực hành một lần. Vạn phần chẳng được gián đoạn. Có tượng Phật thì đối trước tượng Phật niệm tụng, không có tượng Phật thì hướng về phía Tây mà làm.
Hai cách niệm Phật vừa đề cập trên là dành cho người quá bận rộn. Nếu có lúc rảnh rỗi thì sau khi niệm “Nam mô đại từ đại bi A Di Ðà Phật”, tụng một quyển kinh A Di Ðà, tụng ba biến chú Vãng Sanh, tán Phật một lượt thì càng hay. Cách hành trì này tối đơn giản, hợp thực tế, quyết định thành công.  
Trang 3
 
 

 IV. Trợ duyên để niệm Phật thành công

Niệm Phật là chánh nhân, làm lành là trợ duyên, giống như chim có hai cánh mới có thể bay cao. Nhưng người đời thường chẳng nhận rõ giới tuyến giữa thiện ác. Chuyện lành vằng vặc chẳng hay là lành, điều ác rành rành nào hay là ác. Ở đây, tôi căn cứ theo kinh Thập Thiện Nghiệp Ðạo để nêu ra một tiêu chuẩn: nếu ngăn dè thì là thiện, nhược bằng trái phạm thì là ác. Ðể dễ hiểu, tôi dùng biểu đồ sau:  
 
3 nghiệp nơi thân
Sát sanh
Trộm cắp
Tà dâm
 
4 nghiệp nơi miệng
Nói dối (vọng ngữ)
Nói thêu dệt (ỷ ngữ)
Ác khẩu
Nói đôi chiều (lưỡng thiệt)
 
3 nghiệp nơi ý
Tham
Sân
Si
Phàm là động vật có sanh mạng, bất luận lớn hay nhỏ, cứ làm thương tổn chúng đều là “sát sanh”. Phàm là tài vật hay danh dự, dù nhiều, ít, lớn nhỏ, nếu chẳng phải là vật của mình, chưa được đối phương chấp thuận mà công khai đoạt lấy, hay trộm lén, cưỡng chiếm, lừa lấy thì đều là “trộm cắp”. Ngoài vợ chồng chánh thức, hễ hành dâm với hết thảy chúng sanh, chẳng luận vì lý do nào đều là “tà dâm”.
Ôm lòng khinh lừa, nói lời giả dối thì gọi là “vọng ngữ”. Chẳng luận là ngôn ngữ hay văn tự, đã viết ra, đã nói ra, tự mình đề xướng, hoặc hùa theo, tạo ảnh hưởng thương phong bại tục thì gọi là “ỷ ngữ”. Lời lẽ thô bạo, chửi mắng người thì gọi là “ác khẩu”. Khuấy động thị phi giữa hai bên, ly gián cảm tình người khác thì gọi là “lưỡng thiệt”.
Mê đắm các thứ vật dục chẳng bỏ, đã có lại mong có thêm là Tham. Có việc bất như ý, tâm nổi nóng, phát nộ khí thì là Sân. Không có lý trí, gặp việc mê hoặc; đối với đạo lý Phật nói, kinh sách thánh hiền đều chẳng nghe theo, lại chẳng tin nhân quả thì là Si.
Niệm Phật vãng sanh Cực Lạc là một phương pháp đặc biệt ngoài tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật, được gọi là “môn dư đại đạo” (đạo lớn nằm ngoài các pháp môn). Sự tuy đơn giản, lý thực thâm áo, chẳng thể dùng dăm ba câu trình bày tường tận được.
Cần phải biết là đức Phật đạo đức tối cao không ai bằng được, lời Ngài nói ra tuyệt không dối người. Chỉ nên tin thật có cõi Cực Lạc, niệm Phật được sanh về đấy. Ðó chính là yếu quyết thành công thứ nhất.
Lại phải chịu nhận rõ đời ác ngũ trược đây, phát khởi tấm lòng chân thật, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc. Ðấy chính là yếu quyết thành công thứ hai.
Ðã tín, nguyện rồi lại nên theo đúng phương pháp, mỗi ngày định giờ giấc thực hành công khóa. Ðấy chính là yếu quyết thành công thứ ba.
Trang 4
 
 

 V. Những bậc tiền bối mô phạm và kinh điển nên tham khảo 

Pháp môn Niệm Phật vốn phát xuất từ bi tâm độ sanh triệt để của đức Thích Ca. Pháp môn này giản tiện nhất, ổn thỏa, thích đáng nhất, cao siêu nhất. Nếu chẳng tu nổi pháp môn này thì đừng bàn đến phương pháp nào khác nữa. Ðiểm hay của pháp môn này là người học vấn càng rộng thì càng nghiên cứu, càng thấu hiểu cao sâu, mà người chẳng biết một chữ vẫn tu tập được. Chỉ tiếc cho những kẻ không hiểu rõ lý này, cứ cho là cách tu của mấy bà già lụm cụm, không khỏi là lầm lạc lớn lắm ư?
Xin hãy xem trên hội Hoa Nghiêm, hai vị đại thánh Văn Thù, Phổ Hiền đều khuyên tu. Hai vị đại Bồ Tát Mã Minh, Long Thọ của Ấn Ðộ đều soạn luận hoằng dương. Các bậc cổ đức Trung Hoa từ Huệ Viễn đại sư cho đến Ấn Quang đại sư, lịch đại tổ sư đa phần là tu các tông khác từ trước, sau đều quy hướng Tịnh Ðộ. Ðàm Loan đại sư được xưng tụng là hàng nhục thân Bồ Tát, Trí Giả đại sư là bậc truyền đăng trong nhà Phật đều hoằng truyền Tịnh Ðộ. Cận đại, Ðế Nhàn đại sư của tông Thiên Thai, Thái Hư đại sư của tông Duy Thức, Hoằng Nhất đại sư bên Luật tông, hai vị đại sư Hư Vân, Viên Anh bên nhà Thiền đều có trước tác hoằng dương Tịnh Ðộ.
Về phía cư sĩ, có các vị hiền giả như ông Lưu Lôi ở Lô Sơn đời Tấn, Bạch Lạc Thiên đời Ðường; Tô Ðông Pha, Văn Ngạn Bác đời Tống; Viên Hoằng Ðạo đời Minh, Bành Xích Mộc (Bành Tế Thanh), Dương Nhân Sơn... đời Thanh. Họ đều là bậc đại học vấn, ai nấy đều đặt tâm nơi Tịnh Ðộ. Những vị này ai cũng biết đến. Còn nhiều vị như thế, nhất thời chẳng thể nêu rõ hết, nên cũng không nói thêm nữa.
Chúng ta hãy tự vấn: trí huệ, đức năng của mình so với những bậc thánh hiền ấy, ai cao, ai thấp? Họ đều là bậc tu Tịnh, hoằng Tịnh. Trái lại, bọn ta lại xem thường. Tri kiến như vậy có thể nói là tri kiến chánh xác được chăng?
Tam Tạng kinh điển đâu đâu cũng chỉ dạy, quy hướng pháp môn Tịnh Ðộ, nhưng ai có thời gian nghiên cứu trọn hết, nên trước hết chỉ kể những kinh điển chuyên biệt.
Về kinh có A Di Ðà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh. Trong ba bộ này, tối thiểu là phải đọc kinh A Di Ðà mấy lượt. Nếu đủ sức, nên đọc kỹ bộ Tịnh Ðộ Thập Yếu đôi ba lượt ngõ hầu hiểu đại khái pháp môn Tịnh Ðộ. Nếu chẳng hiểu nổi thì những cuốn như Kỹ Lộ Chỉ Quy, Sơ Cơ Tịnh Nghiệp Chỉ Nam, Phật Pháp Ðạo Luận... là những cuốn sách nhỏ viết bằng thể văn bạch thoại để tiếp dẫn người sơ cơ.
Tịnh Ðộ Tam Yếu Thuật Nghĩa, Long Thư Tịnh Ðộ Văn là những tập sách nhỏ viết theo thể loại văn ngôn, tùy sức đọc vài lượt cũng hiểu được đại lược những điểm quan trọng. Ấn Quang Ðại Sư Văn Sao giống như một quyển ngữ lục của Tịnh Ðộ, An Sĩ Toàn Thư có những mẫu chuyện cũ khá hứng thú. Hai quyển này là có thể giúp người học khai phát trí huệ, chánh tri kiến.
Nếu có thể đọc hết các sách trên xong, xem thêm các kinh khác sẽ thấy dễ dàng hơn.
Trang 5
 
 

  VI. Hai loại tâm lý sai lầm thường gặp  

Tâm ai nấy đều đầy dẫy tham, sân, si, thân thường luôn gây tạo sát, đạo, dâm, vẫn cường điệu cố nói là tâm mình tốt, chẳng phải là lầm lạc đến mức cùng cực ư? Giả sử như có tâm tốt thật sự thì cũng chẳng ngoài mười thứ thiện nghiệp đã nói ở phần trên mà thôi. Ðấy chỉ đáng gọi là “tu phước”, kiếp sau sẽ hưởng tiểu quả nhân, thiên, chứ vẫn không thoát khỏi luân hồi. Chẳng đến được cõi Cực Lạc là do đi không đúng đường. Muốn vãng sanh Cực Lạc thì phải tu Huệ, mà tu Huệ chính là niệm Phật. Nhân thế nào, quả thế ấy. Phước là phước, huệ là huệ, phải phân biệt rõ ràng, chẳng thể coi là cá mè một lứa đến nỗi lầm lạc đại sự được.  
Niệm Phật chuyển biến nghịch cảnh, tiêu trừ tai nạn, sanh về Cực Lạc, còn sự nào lớn lao hơn pháp này nữa, nhưng lại xem rất thường. Phần nhiều người đời hay viện mấy lý do như quá bận rộn, không có thời gian để cự tuyệt pháp đại tiện nghi vạn kiếp khó được gặp gỡ này, thật đáng tiếc quá!
Có thật sự bận rộn hay chăng? Tôi chẳng thấy vậy. Niệm Phật thì đi, đứng, nằm, ngồi đều làm được; dù là sĩ, nông, công thương đều chẳng trở ngại gì. Nếu chẳng tin thì dưới đây tôi sẽ dẫn một bài ca ngắn để người đời đối với những sinh hoạt thường nhật có thể phân tích rõ ràng. Tôi tin rằng sau khi xem bài ca này xong, nhất định quý vị sẽ chẳng còn cười được nữa.
Bài ca chẳng nhàn
 
Biết ngài vốn chẳng bận,
Cứ cố nói chẳng nhàn,
Trong hai mươi bốn giờ,
Nằm ngủ mất tám giờ,
Ba bữa ăn ba tiếng
Lại uống trà, hút thuốc
Chải gỡ, đại tiểu tiện,
Phí mất khoảng một giờ,
Ði ra ngoài uống rượu
Về chuyện gẫu cùng vợ
Ít nhất vài ba giờ,
Lại e lòng bận bịu,
Thân mệt tính ngủ trưa,
Ngủ hai giờ chẳng đã,
Mất đi mười sáu giờ,
Uổng phí hơn quá nửa,
Trong tám giờ còn lại,
Chưa chắc đã bận thật.
Niệm Phật được nửa tiếng
Ðã kêu lâu lắm rồi
Hãy xem người xưa nay,
Mấy ai bảy mươi tuổi,
Ðừng đem khổ sanh tử,
Vất ra đằng sau ót,
Việc chân chánh của mình,
Vạn vạn lần khẩn cấp,
Xin hãy gấp tỉnh ngộ,
Mau trồng chín phẩm sen.
 
Yếu quyết niệm Phật: Trong lúc niệm Phật, hết thảy mọi sự trong tâm đều buông xuống hết, đừng nghĩ tưởng loạn xạ, chỉ còn quan tâm đến sáu chữ hồng danh từ tâm mình phát khởi, từ miệng mình vang ra, lọt vào chính tai mình, in sâu vào tâm. Phải tưởng cho rõ, niệm cho rõ, nghe cho rõ. Có như vậy thì mới cảm ứng được.
Trang 6
 
 
 

 VII. GIẢI ÐÁP NGHI VẤN

1) Có người nói: Chúng tôi là công chức, giáo chức, ở cư xá công cộng thì cúng Phật, lễ Phật, đương nhiên là bất tiện, niệm Phật cũng làm phiền người khác bất an, tôi chẳng biết làm sao?  
Ðáp: Chốn công cộng đúng thật là có nhiều nỗi bất tiện, nhưng việc gì cũng có cách để dung thông cả. Nếu như đã biết niệm Phật là đại sự thì cứ thành tâm thầm niệm, ắt có hiệu quả lớn. Bởi lẽ tâm niệm còn càng khẩn mật hơn miệng niệm, bất tất phải cúng Phật, lễ Phật ra tiếng.  
*** 
2) Có người nói: Niệm Phật tuy tốt, nhưng phải đến chùa, miếu, liên xã hay trai đường, tôi không có thời gian.
 Ðáp: Không nhất định phải đến những nơi đó, không có thời gian đi ra ngoài, nhưng chẳng lẽ ở nhà không có thời gian nào rảnh sao? Cứ ở nhà niệm Phật nào có trở ngại chi.  
*** 
3) Có người nói: Niệm Phật là việc của kẻ có tiền, tôi không có tiền bạc dư dả!  
Ðáp: Thế là lại càng lầm hơn nữa! Niệm Phật chẳng tốn tiền mấy. Ba cây nhang đáng giá là bao? Dù chẳng đốt lấy một cây nhang cũng chẳng quan hệ gì. Chỉ cốt sao trong tâm cung kính là đủ.  
*** 
4) Có người nói: Niệm Phật là phải ăn chay, tôi không làm được, cho nên tôi không thể niệm Phật?  
Ðáp: Tạm thời bất tất phải ăn chay, chỉ nên kiêng sát sanh thì cũng có công đức lớn. Có thể tập ăn ba thứ tịnh nhục, tức là: không vì mình mà giết, chẳng thấy con vật bị giết, chẳng nghe nó bị giết. Cá, thịt ngoài chợ làm sẵn rất nhiều, đủ để cho quý vị ăn rồi.
*** 
Trang 7
 
 

 VIII. NIỆM PHẬT TAM ÐẠI LỢI ÍCH (BA ÐIỀU LỢI ÍCH LỚN CỦA NIỆM PHẬT)  

1) Một câu Phật hiệu tiêu diệt trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử (thuộc về quá khứ)  
2) Một câu Phật hiệu tiêu diệt phiền não của nhân sanh, tiêu tai, diên thọ, hưởng phước huệ (thuộc về hiện tại)  
3) Một câu Phật hiệu khiến ta thoát khỏi lục đạo luân hồi, vãng sanh thế giới Cực Lạc, vĩnh viễn trường sanh bất diệt (thuộc về tương lai)  
Trang 8
 
 
 
 

 IX. PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

Hỏi: Niệm Phật không chỉ là dùng miệng niệm mà phải chú tâm đúng không? 
Ðáp: Có nhiều người miệng tuy niệm Phật nhưng chẳng để tâm vào đó, trong lòng toàn là suy xằng nghĩ loạn. Niệm như vậy cũng vô dụng. Miệng niệm Phật thì tâm phải tưởng Phật, tâm khẩu nhất như. Ngoại trừ một câu niệm Phật ra không còn nghĩ đến gì khác nữa, không còn có ý niệm nào khác khởi lên. Có vậy mới gọi là “Nhất Tâm Bất Loạn’, từ đó mới dễ thành công.
 *** 
Hỏi: Như vậy chẳng phải là khó lắm ư?
Ðáp: Xem kìa! Một mặt quý vị chê niệm Phật quá dễ dàng, một mặt lại sợ nó quá khó. Thật sự ra, một pháp Niệm Phật đây, bảo là dễ thì nó cực dễ, bảo là khó thì nó cũng cực khó. Chẳng qua là chẳng cần biết là khó hay dễ, chỉ đáng kể mình có thể bền lòng niệm được nhiều hay không. Lâu ngày chầy tháng, tự nhiên tâm chẳng loạn nữa. Lời tục thường nói: “Trên đời không có việc gì khó, chỉ sợ tâm chẳng chuyên”, chính là ý này.  
Lại có một cách niệm Phật như sau: mỗi lúc niệm Phật, mỗi chữ phải phát xuất từ trong tâm. Trong tâm tưởng thật rõ ràng, miệng niệm cho thật rõ ràng, tai nghe thật rõ ràng. Mỗi một chữ phát xuất từ trong tâm, thấu qua tai lọt vào tâm, một chữ cũng chẳng để lọt mất. Tu tập lâu dài như vậy, tâm tự nhiên chẳng còn tán loạn. Ðấy chính là một phương pháp khẩn yếu bậc nhất, ngàn vạn phần chớ quên.  
*** 
Hỏi: Nên niệm Phật vào lúc nào?  
Ðáp: Nên niệm Phật vào hai thời sáng tối, lập một công khóa nhất định, hạn định số câu niệm Phật nhiều ít: hoặc là mấy trăm câu, mấy ngàn câu, tùy theo hoàn cảnh mỗi người mà định số. Chẳng cần biết là rảnh hay bận, không niệm đủ số đó không được. Còn ngoài ra thì chẳng cần biết là lúc nào, đang ở chỗ nào đều niệm được cả. Càng niệm nhiều càng tốt. Thời gian niệm càng lâu càng hay.  
*** 
Hỏi: Vừa làm việc vừa niệm Phật được không?  
Ðáp: Lúc đang vác củi, gánh nước cũng niệm Phật được. Lúc đang cọ nồi, rửa chén cũng niệm Phật được. Lúc cày bừa, cuốc xới, cắt cứa cũng niệm Phật được. Chẳng luận là đi, ngồi, ngủ nghê, thậm chí lúc đang đại tiểu tiện cũng đều có thể niệm Phật. Nói chung, trừ lúc phải dùng trí óc làm việc, ngoài ra thì dù đang làm gì cũng chẳng trở ngại việc niệm Phật cả.
 *** 
Hỏi: Nên niệm Phật lớn tiếng hay là niệm nhỏ tiếng?  
Ðáp: Niệm lớn tiếng cũng tốt, niệm nhỏ tiếng cũng hay. Miệng không niệm nhưng tâm thầm niệm cũng tốt. Chỉ trừ lúc đang nằm trên giường hay đang ở chỗ không sạch sẽ thì nên thầm niệm trong tâm, chẳng được niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng là không cung kính. Nhưng lúc gặp chuyện nguy cấp, chẳng cần biết là đang ở chỗ nào, cứ việc niệm ra tiếng.
 *** 
Hỏi: Học Phật thì nên thờ hình Phật nào?  
Ðáp: Thờ một mình đức A Di Ðà Phật hoặc tượng Tây Phương Tam Thánh đều được (A Di Ðà Phật và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí gọi là Tây Phương Tam Thánh).
***
  Hỏi: Nên thờ tượng Phật ở chỗ nào?
 Ðáp: Nếu có phòng trống, dành riêng một phòng thờ Phật là tốt nhất. Nếu không có, thờ Phật ngay trong phòng mình ở cũng được. Nói chung là phải chọn nơi sạch sẽ. Trước tượng treo màn vải vàng, lúc không niệm Phật, buông màn xuống. Làm vậy để khỏi đến nỗi khinh nhờn. Tốt nhất là để tượng Phật hướng mặt về Ðông, người niệm Phật đối trước tượng Phật, hướng mặt về Tây. Nếu chẳng thể làm vậy được thì thờ tượng ở phương nào thuận tiện cũng được.
 *** 
Hỏi: Nếu không có chỗ nào thuận tiện, không thờ Phật có được không?
 Ðáp: Nếu thực sự không có chỗ nào thuận tiện, miễn sao tâm thành thì không thờ tượng Phật cũng được. Lúc niệm Phật hướng về Tây là ổn.
 *** 
Hỏi: Nên dùng những thứ gì để cúng dường Phật? 
Ðáp: Thông thường dùng hương, hoa, đèn, nước trong, trái cây v.v... Nếu không lo liệu được, thiếu một vài thứ hoặc không có thứ gì hết cũng xong. Nhưng tuyệt đối chẳng được cúng rượu hoặc đồ mặn cũng như đốt giấy tiền, vàng mã trước Phật.
 *** 
Hỏi: Nên hành lễ trước Phật như thế nào?  
Ðáp: Tùy ý. Hoặc là dập đầu lạy, hoặc là vái, hoặc khom mình, hoặc chắp tay; nhưng dập đầu lễ bái là cung kính nhất, có thể tiêu tội, tăng phước.
 *** 
Hỏi: Lúc niệm Phật có nên quỳ trước mặt Phật không?  
Ðáp: Chẳng nhất định. Quỳ niệm, đứng niệm, vừa đi vừa niệm đều được. Cốt yếu là phải thành tâm. Quỳ niệm rất tốt mà ngồi niệm cũng hay.  
***
Hỏi: Cụ nói hai thời niệm Phật sáng tối, phải lập một khóa trình, phiền cụ lập cho tôi một khóa trình có phải là hay hơn không?  
Ðáp: Khóa trình vốn là dựa theo thời gian, sức lực của chính mỗi người mà quy định. Ngài đã cầu tôi thì tốt nhất là tôi soạn ra một nghi thức thật đơn giản cho ngài vậy.  
Nếu như ngài có sức thì có thể hành trì thêm nhiều hơn, có thể thêm vào kinh Di Ðà, chú Vãng Sanh, kệ Tán Phật, văn Ðại Phát Nguyện. Những bài kinh ấy trong sách Thiền Môn Nhật Tụng có chép đủ cả, những chỗ lưu thông kinh Phật đều có. Khóa sáng thì lúc vừa ngủ dậy, khóa tối thì trước khi đi ngủ, rửa tay, súc miệng, đến trước tượng Phật, thắp nhang, dâng nước, chắp tay cung kính, rồi quỳ hoặc đứng, hoặc ngồi xếp bằng, dùng tâm chí thành niệm theo thứ tự sau:  
- Nam mô thập phương Thường Trụ Tam Bảo
(niệm một lần, lễ một lạy).
- Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
(niệm một lần, lễ một lạy).  

 
      - Nam mô Tây Phương Cực Lạc thế giới đại từ đại bi A Di Ðà Phật
(niệm một lần, lễ một lạy).   
         - Nam mô A Ðà Phật
(trăm câu, ngàn câu, hai, ba ngàn câu, càng nhiều càng hay. Tùy mỗi người rảnh hay bận mà định số, nhưng phải từ ít tăng lên nhiều, chẳng được từ nhiều giảm ít đi. Vô luận niệm nhiều hay ít, chẳng cần phải lạy)
.  
- Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát
(niệm một tiếng, lễ một lạy, hoặc niệm ba lần, lễ ba lạy). 
- Nam mô Ðại Thế Chí Bồ Tát
(niệm một tiếng, lễ một lạy, hoặc niệm ba lần, lễ ba lạy).


        - Nam mô Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát

(niệm một tiếng, lễ một lạy, hoặc niệm ba lần, lễ ba lạy). 
Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm Phật Tịnh Ðộ.
Trên đền bốn ân nặng.
Dưới cứu khổ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe.
Ðều phát lòng Bồ Ðề,
Hết một báo thân này,
Cùng sanh cõi Cực Lạc.

(lễ ba lạy)
 *** 
Hỏi: Khóa trình này rất hay, xin giảng thêm về chữ “thập phương Tam Bảo”.  
Ðáp: Tám phương, phương trên và phương dưới gọi là mười phương. Phật, Pháp, Tăng là Tam Bảo. Phật là Giáo Chủ. Pháp là kinh điển để tu nhân chứng quả do Ðức Phật giảng. Tăng là những pháp tử chiếu theo lời Phật dạy tu hành, đã chứng thánh quả Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, và các cao tăng đạo cao, đức trọng, hoằng pháp lợi sanh.
Phật, Pháp, Tăng đều gọi là Bảo (quý báu) vì có thể phát sanh, tăng trưởng pháp thân, huệ mạng của hết thảy chúng sanh, giống như của báu trong thế gian có khả năng nuôi sống thân mạng của con người. Phải hiểu rằng khi niệm Tam Bảo chính là biểu thị mình hoàn toàn lấy Phật, kinh điển Phật nói và các vị Bồ Tát, cao tăng tu hành đúng theo lời Phật làm thầy của mình. Mình từ những vị đó quy hướng trở thành tín đồ Phật giáo.  
*** 
Hỏi: Xin hỏi vì sao phải niệm Phật Thích Ca?
Ðáp: Là vì pháp môn Niệm Phật do chính Ngài dạy cho chúng ta. Niệm Phật lạy Ngài chính là chẳng dám quên bỏ nguồn gốc vậy.  
*** 
Hỏi: Tại sao lại còn phải niệm Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí Bồ Tát?
 Ðáp: Vì người niệm Phật lúc lâm chung, hai vị Bồ Tát này cùng với đức A Di Ðà Phật đồng thời đến tiếp dẫn về Tây Phương. Vì thế niệm Phật xong phải niệm danh hiệu và lễ bái hai vị Bồ Tát này.
 *** 
Hỏi: Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát là những vị Bồ Tát nào?  
Ðáp: Thanh Tịnh Ðại Hải Chúng Bồ Tát là tất cả những vị Bồ Tát trong thế giới Cực Lạc đều rất thanh tịnh. Ba chữ Ðại Hải Chúng ngụ ý các vị Bồ Tát ấy nhiều như nước biển. Sớm muộn gì ta cũng sẽ làm bầu bạn với các vị Bồ Tát ấy, vì thế cần phải niệm niệm lễ bái họ.  
*** 
Hỏi: Kệ Hồi Hướng có tác dụng gì?  
Ðáp: Công dụng của bài kệ Hồi Hướng rất lớn. Người tu hành bất luận là niệm Phật, hay niệm kinh, niệm xong, nhất định phải niệm kệ Hồi Hướng một lượt. Hồi Hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, niệm kinh gom về một nơi. Gom về nơi nào? Gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!  
Chẳng riêng gì niệm Phật, niệm kinh mới hồi hướng về Cực Lạc thế giới, mà bất luận làm việc lành nào cũng đều phải hồi hướng về Cực Lạc thế giới. Càng tích thêm được một phần công đức thì hy vọng được vãng sanh càng tăng thêm một phần. Nếu làm công đức nhưng chẳng hồi hướng cầu sanh về Cực Lạc thế giới thì chỉ sợ đời sau chỉ được hưởng báo ứng trong cõi trời, cõi người, vẫn cứ luân hồi trong lục đạo, chẳng được giải thoát. Phước báo càng lớn, càng dễ tạo tội, nên kiếp kế tiếp đó càng đáng sợ hơn.
Vì thế, người học Phật phải nên đem hết thảy công đức hồi hướng vãng sanh Tây Phương thì lúc lâm chung mới có hy vọng được sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nhưng niệm bài kệ Hồi Hướng cũng giống như niệm Phật, phải từng chữ, từng câu phát xuất từ nội tâm, chẳng thể niệm xuông nơi cửa miệng được.  
*** 
Hỏi: Xin cụ giảng qua ý nghĩa từng câu trong bài kệ Hồi Hướng.  
Ðáp: Câu thứ nhất và câu thứ hai nghĩa là ta đem công đức niệm Phật hỗ trợ cõi Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà khiến cho nó càng thêm tốt đẹp phi thường. Câu thứ ba nghĩa là lại đem công đức ấy trên là báo đáp bốn tầng ân đức: cha, mẹ, sư trưởng và đức Phật. Câu thứ bốn nghĩa là dưới thì dùng công đức cứu vớt những chúng sanh khổ não trong ba đường ác: súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ. Câu thứ năm và thứ sáu nghĩa là nếu có ai thấy, nghe người đang niệm Phật, niệm kinh sẽ đều phát khởi tấm lòng trên cầu Phật Quả, dưới độ chúng sanh. Câu thứ bảy và thứ tám nghĩa là sau khi cái thân báo ứng này đã hoàn toàn chấm dứt thì mọi người sẽ cùng vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Giải thích theo từng câu văn thì ý nghĩa của bài kệ Hồi Hướng là như vậy.  
Nói chung, tám câu kệ này lại có hai tầng ý nghĩa lớn.  
Tầng thứ nhất là: Chúng ta niệm Phật là để cầu sanh về Tây Phương, chứ chẳng phải vì cầu công danh, phú quý hay hết thảy những điều tốt đẹp của thế gian. 
Tầng thứ hai là: Chúng ta niệm Phật là để cứu độ hết thảy chúng sanh thoát ly khổ hải, chứ chẳng phải vì riêng bản thân mình. Ðã hiểu rõ tầng ý nghĩa thứ hai này rồi thì bất luận là niệm Phật, niệm kinh hay làm bất cứ điều lành gì đều luôn giữ tấm lòng như thế, hồi hướng như thế. Có như vậy mới là người học Phật phát Bồ Ðề tâm chân chánh.  
*** 
Hỏi: Khóa trình cụ vừa lập ở trên cố nhiên rất đơn giản, nhưng có người quá đỗi bận rộn, không lúc nào rảnh thì làm sao thực hiện được?  
Ðáp: Vẫn có biện pháp. Chẳng luận là đang ở đâu hay bất cứ lúc nào (niệm vào lúc sáng sớm tốt nhất), hướng mặt về Tây, lễ ba lạy, liền niệm sáu chữ “Nam mô A Di Ðà Phật” cho đến hết một hơi. Hơi dài thì niệm một hơi mươi câu càng hay. Hơi ngắn thì một hơi niệm vài câu cũng được. Tổng cộng niệm đủ mười hơi. Rồi niệm kệ Hồi Hướng. Niệm xong, hướng về Tây lạy ba lạy là xong. Ðây gọi là pháp Thập Niệm. Người rất bận mỗi ngày thành tâm chiếu theo phương pháp này mà niệm thì tương lai cũng có thể được sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới, là vì Ðức Phật A Di Ðà đã từng phát nguyện nên tự nhiên được vãng sanh không sai!  
***
Trang 9
 
 

 X. CHƯA CHỨNG CHÂN NHƯ THÌ ÐỐI VỚI LÝ NHÂN DUYÊN
PHẢI RẤT CẨN TRỌNG

Học Phật chú trọng “hạnh giải tương ứng”. Hiểu (giải) nhưng không hành giống như kể tên thức ăn, đếm của cải. Hành mà không hiểu dễ lạc ngõ rẽ. Cả hai đều mắc lỗi. Nay người tu Tịnh Ðộ chỉ nói là niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, chỉ biết bám víu theo quả, đến nỗi chẳng biết những điều mình niệm đó là đúng pháp hay không, cứ coi nhẹ, chẳng gia công xem xét. Bởi vậy thành ra mất cả nhân lực lẫn duyên lực, há chẳng phải là chẳng biết chăm lo cái gốc đó ư? Kinh dạy: “Nhân địa chẳng chân sẽ cảm quả cong vậy”. Kinh còn dạy: “Duyên là hết thảy công đức thiện căn, hỗ trợ liễu nhân, khai phát chánh nhân”. Ôi! Há có nên chẳng suy nghĩ kỹ càng chăng?
Nói đến Tịnh Ðộ là nói đến quả thanh tịnh, không phiền não nghịch ác. Niệm Phật là lấy cái tâm không nghịch ác, phiền não, thanh tịnh làm nhân. Thêm nữa, hành các điều thiện, vạn đức chính là trợ duyên cho nhân ấy. Nhân và duyên ví như hai cánh chim. Phải cùng nâng cả hai cánh mới có thể bay cao, bay xa, đạt tới chỗ mình hướng đến. Phải cùng tu cả nhân lẫn duyên thì mới thành tựu được quả.
Cổ đức biết rõ như thế nên khi dạy người không vị nào chẳng đề cao nhân, nào là “thanh tịnh ý mình”, nào là “tâm tịnh cõi nước tịnh” để hiển thị rằng: Muốn chứng tịnh quả, phải gieo tịnh nhân. Tuy bảo là “đới nghiệp vãng sanh”, nhưng nghiệp nói đó chỉ là nghiệp quá khứ vẫn còn ẩn tàng, chứ chẳng phải cứ tạo tội nghiệt mà vẫn được vãng sanh. Ðủ thấy, (chư cổ đức) chẳng chấp nhận (hành nhân gây tạo) lỗi mới. Hiểu rõ lẽ này thì vạn người tu, vạn người về. Hễ lầm lạc thì nhân lẫn lực chẳng đủ, mong chứng quả sao được?
Ba kinh Tịnh Ðộ đều trọng trợ duyên, cực lực khen ngợi phước đức. Kinh Tiểu Bổn (kinh A Di Ðà) dạy: “Chẳng thể dùng chút thiện căn, phước đức nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Kinh Ðại Bổn (kinh Vô Lượng Thọ) dạy: “Khiến cho bỏ ngũ ác, trừ năm sự đau đớn, lìa khỏi năm sự thiêu đốt”. Quán Kinh dạy: “Muốn sanh về cõi ấy nên tu ba thứ phước”. Kinh dạy rành rành, dù có nhân nhưng thiếu duyên, dễ đâu thành tựu!
Có kẻ bảo: “Niệm Phật một câu có thể tiêu trừ trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Nghiệp đã tiêu rồi thì cần gì phải nhọc công giảng giải, suy xét nhân duyên nữa cơ chứ?
Tôi bảo: “Một niệm sân tâm nổi, mở ra tám vạn chướng môn (ý nói phiền não chướng). Chướng môn đã mở thì nghiệp lại chẳng sanh khởi hay sao? Phần lớn những học nhân hiện thời, một mặt niệm Phật, một mặt tạo nghiệt, khác nào tay phải quét dọn, tay trái vẩy bụi. Hãy thử tự vấn mình siêng năng, lười nhác thế nào; nếu chẳng tự dối mình thì ắt sẽ câm lặng, hết còn cười được nữa! Bởi thế, người chắc thật, già dặn niệm Phật thì không một ai là chẳng kinh sợ nhân duyên. Nhân duyên bất tịnh, lại chẳng già dặn, chắc thật thì đối với Hạnh và Giải, có được thứ gì không? Cầu được vãng sanh kiểu đó chỉ là chuyện mơ tưởng, cầu may mà thôi”.
Trang 10
 
 

 XI. CHẲNG HIỂU GIÁO TƯỚNG THÌ KHÓ THỂ BÀN CHUYỆN CÓ - KHÔNG

Nhà Phật nói Không, nói Có, giống như bàn tay và nắm tay, vốn chỉ là một sự. Kinh dạy: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”. Truy đến cội nguồn, giáo thuyết này phát xuất từ Bát Nhã. Pháp môn này từ lúc Phật đản sanh mãi cho đến thời thuyết giáo thứ tư, Phật mới phu diễn; bởi lẽ giáo thuyết này chẳng dành cho kẻ sơ cơ, phải hiểu rõ như thế. Người không khéo học cứ khăng khăng chấp chặt một bề đến nỗi đường rộng thênh thang, nhưng vẫn đi lạc. Rườm lời loạn xị, càng tăng tranh cãi, lợi sanh ở chỗ nào?
Hữu là Diệu Hữu, tức là luận về Tướng. Không là Chân Không, tức là bàn về Thể. Do ThểKhông nên Hữu bất biến. Do Tướng là Có nên Hữu tùy duyên. Nhưng thực ra Tướng lại nương vào Thể mà khởi, Thể cũng nhờ vào Tướng để hiển lộ. Chẳng phải Quyền, chẳng phải Thật, là hai, là một. Nếu hiểu trọn vẹn, lãnh hội được ý chỉ viên tu ấy thì chắc chắn sẽ chẳng tự mình mâu thuẫn, bảo là có hai con đường nữa!
Nay người tin vào Tịnh Ðộ là tin vào những thứ trang nghiêm được nói trong ba kinh Tịnh Ðộ. Ðấy là nói về Tướng, hoàn toàn chẳng phải là chuyện ngụ ngôn của Trang Tử. Kẻ ngờ Tịnh Ðộ, chỉ nói là “duy tâm tự tánh”, đấy là nói về Thể, nào phải là xem thường tam thân của Như Lai. Nếu phỉ báng lẫn nhau thì khác gì gần lửa toan không chịu nóng, gần nước toan không chịu bị ướt, sao còn có nghĩa “Sắc tức Không”, sao còn có nghĩa Bất Biến Tùy Duyên được nữa?
Phàm những ai nghiên cứu Tịnh Ðộ đôi chút đều biết Tịnh Ðộ có bốn phần: cõi Thật Báo là nói về Tướng, cõi Tịch Quang chẳng phải là luận về Thể hay sao? Lấy Thể bỏ Tướng thì cố nhiên Lý chẳng viên dung mà Sự cũng chẳng chân thật vậy. Nếu như đối với Tây phương đã chỉ chấp nhận duy tâm tự tánh làm Thể, chẳng chấp nhận các tướng Cực Lạc, Di Ðà, ba chỗ trang nghiêm thì lẽ ra đối với Ðông Ðộ cũng chỉ nên chấp nhận “duy tâm tự tánh” là thể, chẳng chấp nhận có tướng Ta Bà, Thích Ca, tám khổ, tam đồ chứ!
Nếu như đã chấp nhận các tướng cõi Ta Bà là có thì cũng phải chấp nhận các tướng của cõi Cực Lạc chẳng phải là không. Có vậy thì Sự và Lý mới chẳng mâu thuẫn. Nếu không thì có khác gì nói người bên Tây Phương tay chỉ có nắm tay, người Ðông Ðộ tay chỉ có bàn tay cơ chứ? Hoặc cũng giống như nói: Tôi chỉ chấp nhận những gì trong tâm, chẳng chấp nhận những gì ở ngoài tâm. Thử nghĩ xem: Có pháp nào ở ngoài tâm, ngoài tâm là chỗ nào vậy?
Trang 11
 
 

 XII. TÔNG PHÁI  

Phật giáo chia thành các tông phái là vì các học giả Trung Quốc thấy Phật pháp nhiều như biển cả, muốn cho dễ tu tập nên mỗi vị chọn lấy một đường hòng cầu chuyên tinh, chứ nào phải là tạo dựng môn hộ để cho điều này là đúng, chê điều kia là sai! Các tông lập danh dựa theo nơi chốn, tên người, hoặc pháp môn sai khác. Dưới đây tuy liệt kê danh mục mười tông, nhưng trên thực tế, có vài tông được rất ít người nghiên cứu.  
1. Thành Thật Tông (còn gọi là Không Tông)  
Pháp sư Ha Lê Bạt Ma soạn luận Thành Thật rất giống với giáo nghĩa Ðại Thừa. Ðại khái là “thành lập ý nghĩa chân thực của kinh điển”. Vào thời đại Diêu Tần, khi bộ luận này được đại sư Cưu Ma La Thập dịch ra thì tông này mới được sáng lập.
2. Câu Xá Tông (còn gọi là Hữu Tông)
Chữ Câu-xá (Kosa) được dịch là Tàng (chứa đựng) hoặc Kiển (kén tằm), ngụ ý “bao hàm”. Ở Ấn Ðộ, các bộ luận Tiểu Thừa rất nhiều, sau được kết tập thành Ðại Tỳ Bà Sa Luận. Bồ Tát Thế Thân dựa theo luận này chiết trung, soạn thành luận Câu Xá, dịch nghĩa là “giải thích phát trí” (cởi mở, đả thông vướng mắc khiến cho trí huệ phát sanh). Tông này được thành lập từ khi hai vị Pháp Sư Chân Ðế đời Trần và Huyền Trang đời Ðường dịch luận này ra tiếng Hán.  
3. Thiền Tông (còn gọi là Tâm Tông)
Thiền là gọi tắt của chữ Thiền-na, dịch nghĩa là Tịnh Lự. Tông này do tổ sư Ðạt Ma vào đời Lương từ Tây Trúc qua Tàu lập ra, chủ trương “chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”. Ðại khái là đã ngộ rồi mới khởi tu. Tuy nói là “chẳng lập văn tự” nhưng lại là tông có nhiều sách vở nghiên cứu về Bát Nhã nhất.  
4. Luật Tông (còn gọi là Nam Sơn Tông)       
Tông phái này dùng phương pháp y theo những cấm chế của Phật để tịnh trừ những ác nghiệp nơi thân, khẩu, ý. Sáng tổ là ngài luật sư Nam Sơn Ðạo Tuyên đời Ðường, lấy luật Tứ Phần làm kinh điển chủ yếu.
5. Thiên Thai Tông (còn gọi là Pháp Hoa Tông)
Ðời Tùy, đại sư Trí Giả ở núi Thiên Thai lấy kinh Pháp Hoa làm kinh điển căn bản, sáng lập ra tông này. Ngài phát minh diệu lý “nhất tâm tam quán”. Ðối với học thuyết phán giáo giải nghĩa, Ngài đã hệ thống hóa rất tinh xác. Các tông mỗi khi diễn giảng giáo nghĩa, đa phần dựa theo phương thức phán giáo của Ngài.  
6. Hiền Thủ Tông (còn gọi là Hoa Nghiêm Tông)
Hòa Thượng Ðỗ Thuận đời Ðường lấy kinh Hoa Nghiêm làm kinh điển căn bản, sáng lập ra tông này. Ðến đời tổ thứ ba là đại sư Hiền Thủ lại gia công chỉnh lý khiến cho giáo nghĩa minh xác, tinh vi phi thường. Ngài phát minh giáo thuyết “nhất chân pháp giới”; đây chính là giáo nghĩa uyên áo nhất của tông này.
7. Từ Ân Tông (còn gọi là Pháp Tướng Tông, cận đại gọi là Duy Thức Tông)
Kinh điển chủ yếu để y cứ của tông này là các kinh Lăng Già, Giải Thâm Mật v.v... và Thành Duy Thức Luận, chủ trương “chuyển Thức thành Trí”. Ðời Ðường, do Pháp Sư Huyền Trang ở chùa Từ Ân phiên dịch, hoằng dương (luận Thành Duy Thức) nên tông này mới được thành lập.  
8. Tam Luận Tông (còn gọi Tánh Tông)
Bồ Tát Long Thọ soạn ra Trung Luận Thập Nhị Môn Luận, Bồ Tát Ðề Bà soạn Bách Luận. Ba bộ luận này đại khái thuyết minh “nghĩa lý chân thực trong Ðại Thừa và phá chấp, phá chướng”. Từ khi ngài Cưu Ma La Thập dịch các bộ luận này vào đời Diêu Tần, tông này mới được thành lập.  
          9. Mật Tông (còn gọi là Chân Ngôn Tông)  
Mật có nghĩa là “bí áo” (kín đáo, sâu thẳm). Ý nói cảnh giới rất sâu của Phật, nếu chẳng phải là hàng Ðẳng Giác Bồ Tát thì chẳng thể hiểu rõ, đề ra phương pháp “tam mật tương ứng, tức thân thành Phật” (thân, khẩu, ý đều mật, thành Phật ngay trong thân này). Kinh điển căn bản là kinh Kim Cang Ðảnh, kinh Ðại Nhật v.v... Tông này do hai vị đại sư Kim Cang Trí và Bất Không lập ra vào đời Ðường. Nhưng hiện tại được lưu hành ở Trung Quốc chính là Mật giáo Tây Tạng và Mông Cổ, họ lại chia ra các phái Hồng, Hoàng, Bạch v.v...   
          10. Tịnh Ðộ Tông (còn gọi là Liên Tông)  
Do đại sư Huệ Viễn đời Tấn sáng lập, lấy ba kinh Di Ðà, Vô Lượng Thọ Quán Kinh làm kinh điển chủ yếu. Chủ trương “bốn pháp niệm Phật, đới nghiệp vãng sanh Cực Lạc”. Phương pháp của tông này là độ khắp ba căn, thâu trọn lợi độn. Vì thế, người tại gia tu tập càng thật tiện lợi.  
Thứ tự của mười tông này là căn cứ theo cuốn Thích Giáo Tam Tự Kinh của Lý Xuy Vạn lão nhân đời Minh. Cuốn này từng được đại sư Ấn Quang trùng đính vào đời Thanh, sau lại được cư sĩ Dương Nhân Sơn san định, nhuận sắc. Thứ tự này có lẽ là có dụng ý. Dùng ý kiến thô thiển của mình để suy xét, tôi xin thử trình bày như sau:
1) Nếu căn cứ vào Thừa thì chia ra hai tông thuộc Tiểu Thừa, bảy tông Ðại Thừa. Luật Tông gồm cả Tiểu lẫn Ðại. Lẽ tự nhiên là nêu Tiểu trước rồi mới nêu Ðại, nên Thành ThậtCâu Xá được nêu trước, Luật Tông nêu trung gian, kế tiếp nêu tên các tông khác.  
2) Nếu luận theo giáo nghĩa thì Thiền Tông là “truyền Phật tâm ấn”, là pháp tối cao, nên nêu tên trước tiên trong các tông Ðại Thừa. Tịnh Tông độ khắp ba căn, là pháp rộng nhất nên liệt kê sau cùng; giống như xe có hai bánh. Các tông khác được kể ở trung gian khác như thùng xe, gọng xe... Xe có công năng chuyên chở, bánh xe có sức mạnh vận chuyển.   
3) Nếu luận về mặt hành trì thì Giới Luật là căn bản của các hạnh nên ngay sau khi biết Thiền, hiểu Tông thì trước hết phải lấy ngay Luật làm căn bản chánh. Học quý cầu hiểu, tánh - tướng của hai tông Thiên Thai, Hiền Thủ đều là kim chỉ nam cho giáo lý nên phải được nêu ngay tiếp sau đó để người học hiểu rõ giáo tướng. Hiểu rồi thì quý ở chỗ thực hành nên Mật, Tịnh chính là các phương pháp chuyên tu trì được nêu sau rốt, khiến cho người học biết chỗ quy túc.
Trong mười tông, hai tông Luật và Tịnh đều mang đặc tánh phổ thông. Chẳng cần biết là tông nào, đều phải thọ trì giới luật, đều có thể kiêm tu niệm Phật. Bởi lẽ, không giới hạnh thì vạn đức chẳng lập, có niệm Phật thì sẽ thành tựu ổn thỏa nhất. HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.29/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment