Tâm là con trâu, người chăn là mình. Vì có trâu nên có mục đồng, vì có tâm nên có cảnh. Từ khi tìm được trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành tựu phải trải qua mười giai đoạn, được minh họa bằng mười bức tranh liên hoàn. Tranh chăn trâu Đại thừa nhằm vào sự cột trâu, tức là điều tâm, luyện tâm.
Tranh 1 là “VỊ MỤC”: chưa chăn. Tranh vẽ con trâu dưới vầng mây đen. Do xưa nay trâu được buông thả quá lâu nên gần như là trở thành hoang dã, hung hăng. Khi chưa bị chăn dắt trâu hoang còn đen thui, vô kỷ luật, tuôn chạy lông nhông, mình đầy dơ bẩn, dẫm đạp lên lúa tốt, mạ non. Sự dẫm đạp lên lúa mạ coi như là phá hoại điều thiện. Trẻ chăn trâu vừa đuổi theo trâu vừa đưa nắm cỏ non để dụ, nhưng trâu vẫn ngỏng cổ sải chân chạy.
Trong tranh này đã thấy ngay trâu chứ không phải tìm trâu, chứng tỏ “thể chân thật” có sẵn nơi mỗi người. Tâm không bị mất bao giờ. Tâm chỉ có được thuần phục hay không mà thôi. Con trâu đen tượng trưng cho tâm mê vọng. Lúc này người luyện tâm mới bắt đầu phát tâm tu học, tâm ý hãy còn buông lung theo trần cảnh, tạo nghiệp nên bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi lục đạo, xa cách tính giác. Tuy đã tin là mình có “thể chân thật” nhưng chưa nhận ra nó nên mới dùng phương tiện để tu tập là dụ bẻ cỏ non để nhử trâu. Đây là hành động cố gắng tìm cách “bắt” tâm lại.
Tranh 2 là “SƠ ĐIỀU”: mới chăn. Tranh vẽ cho thấy trẻ chăn trâu đã xỏ được dây vào mũi trâu, bắt đầu dùng kỷ luật trị cho trâu thuần. Trâu bị chế ngự và mỗi khi tháo chạy đều bị đánh bằng roi. Nhưng trâu vẫn đang còn hung hăng lồng lộn, muốn giựt dây vàm mà chạy. Chỉ có mũi trâu là đã chuyển màu đen thành trắng. Như vậy khi mới chăn phần thắng là ở trâu chứ không ở người chăn. Vầng mây đen đã biến mất. Trẻ chăn trâu bấy giờ phải tỏ ra nghiêm khắc, tay nắm chặt dây vàm, tay giơ ngọn roi cao lên như để hăm dọa, cảnh cáo trâu.
Tranh cho thấy người mới tu thời dụng công tu tập tuy nhiều nhưng chỉ gặt hái được ít kết quả vì tập khí vọng niệm xưa nay đã quá dày. Lúc này người luyện tâm đã biết quay về nương tựa nơi Tam Bảo, nguyện gìn giữ giới luật và tu học thật nghiêm túc để cho tâm ý không còn xao lãng, phóng túng theo dục vọng nữa.
Tranh 3 là “THỌ CHẾ”: chịu phép. Trâu bị kiềm chế bấy giờ có lẽ đã đau đớn vì bị dây vàm kéo lỗ mũi, lại sợ lãnh thêm những đòn roi, nên bắt đầu dần dà chịu phép, chịu khuất phục. Trâu bị giơ roi dắt đi, nhưng đầu đã sạch trắng ra. Vầng trăng đã xuất hiện từ xa, nhưng trong đám mây trắng. Tuy là trâu hết chạy tới chạy lui hung hăng hùng hổ, nhưng trẻ chăn trâu vẫn phải nắm chặt sợi dây vàm xỏ mũi mà kéo nó đi, chưa dám buông thả, tay chưa dám bỏ cây roi. Chú dắt trâu đi nhẹ nhàng, không còn phải dùng sức lực lôi kéo hay roi vọt đánh đập nữa.
Nhờ quyết lòng tu tập, giới hạnh nghiêm túc, thường trực quán sát và nhận diện dòng tâm ý đang trôi chảy của mình mà giờ đây người luyện tâm thấy tâm ý mình có phần định tĩnh, sáng suốt, nhẹ nhàng hơn. Tâm không còn điên đảo, bớt dong ruổi theo cảnh vật bên ngoài. Vọng niệm nếu có thời vừa dấy khởi lên người tu liền thấy ngay, do đó vọng niệm tự lặng đi.
Tranh 4 là “HỒI THỦ”: quay đầu. Tranh vẽ trâu cổ đã sạch, đã chuyển sang màu trắng đến gần nửa thân mình. Nhờ được huấn luyện và chăn giữ lâu ngày, bây giờ trâu đã dần dần thuần thục, không còn giống như trâu hoang nữa. Trâu quay đầu lại nhìn người chăn dắt nó, nhờ vậy dây vàm được nới lỏng đi chút ít. Tuy vậy người chăn vẫn ràng cột dây mũi, vẫn giữ chặt dây. Vầng trăng cũng xuất hiện, nhưng không có mây trắng. Tuy thấy trâu đã lành, không còn phải mệt nhọc trị nó nữa nhưng trẻ chăn trâu vẫn chưa tin tưởng lắm, vẫn phải để ý coi ngó. Chú cột đầu dây vào một gốc cây rồi cùng trâu nghỉ ngơi, hưởng được chút nhàn hạ.
Đến đây tâm bắt đấu thuần nhu dần, người tu cũng bắt đầu bớt nhọc sức, ngày càng sống với chính niệm thường xuyên hơn, theo sát và thấy rõ tâm ý mình hơn, không một hoạt động nào của tâm mà qua lọt được con mắt quán niệm của mình.
Tranh 5 là “TUẦN PHỤC”: vâng chịu, thuần phục. Tranh vẽ trâu đã trắng đến gần hết lưng và bụng, đã sạch hai chân trước đã được trẻ chăn trâu cởi bỏ sợi dây, không buộc dây vào mũi trâu nữa vì trâu đã hoàn toàn thuần phục. Trẻ chăn trâu không còn lo lắng gì nữa, thả cho trâu thoải mái tự do đi theo mình. Chú đi đâu thì trâu ngoan ngoãn bước đủng đỉnh theo đó. Chú chỉ cầm chừng dây và roi. Vầng trăng vẫn xuất hiện trong đám mây trắng.
Đến đây là đươc chút nhàn rỗi vì đã tu được nửa chặng đường rồi, ít còn phải dụng công nhiều nữa. Người luyện tâm lúc này đã hoàn toàn điều phục được tâm ý mình và sống trong tỉnh thức. Tâm ý đã thanh tịnh, người tu thật an lạc, thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống. Thấy ra tu là hướng nội, là chuyển chính nội tâm mình trở nên thanh tịnh tốt đẹp, không phải là chuyển cảnh vật bên ngoài theo ý mình.
Tranh 6 là “VÔ NGẠI”: không ngại, không vướng. Trẻ chăn trâu không còn phải e ngại hay lo sợ, cũng không phải chăn giữ nghiêm ngặt nữa vì trâu đã hiền lành, thuần tính. Khi không còn bị vướng mắc ngăn trở, chú có quyền mặc sức tiêu dao, ngồi chơi trên phiến đá nơi trống trải, thổi sáo nơi gốc tùng. Trâu nằm cạnh, ngoảnh đầu nhìn lại vừa nghe vừa lim dim ngủ, không hoang đàng chạy đi đâu nữa. Trâu đã sạch trắng cả thân mình và hai chân sau, chỉ có cái đuôi là còn chút đen mà thôi. Nhưng vầng trăng không còn thấy xuất hiện trong đám mây trắng.
Người luyện tâm lúc này hoàn toàn tĩnh lặng, không cần dụng công điều phục kiềm chế mà tâm ý vẫn an nhiên tự tại. Tu tới đây là được thảnh thơi, khá nhàn rồi.
Tranh 7 là “NHIỆM VẬN”: theo phận, tha hồ. Tranh vẽ cho thấy trẻ chăn trâu thoải mái nằm ngủ trên phiến đá, để mặc trâu. Tuy thế mà trâu vẫn quấn quít một bên không rời xa, luôn hướng nhìn về người chăn dắt nó. Nay trâu ăn uống tự nhiên, tha hồ mặc tình dong chơi gặm cỏ. Trâu thoạt tiên đen thui, rồi trắng dần dần từ đầu tới mình và bây giờ thời đã sạch luôn cả đuôi. Vầng trăng lại xuất hiện cũng trong đám mây trắng.
Người tu tới đây không còn phải dụng công, bây giờ tùy duyên nhiệm vận. Không còn để ý điều phục tâm mà tâm tự điều phục. Không còn ý ngăn ngừa mà tâm tự an ổn. Tùy thời đói ăn khát uống, không lo không buồn. Bởi tâm đã an nhiên tự tại, không còn bị chướng ngại, nên tất cả những kiến chấp sai lạc về ngã (tức bốn thứ phiền não: ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái) nơi người luyện tâm giờ đây cũng bị gột sạch; tuy nhiên, những tà kiến về pháp vẫn còn, sự giải thoát chưa được trọn vẹn.
Tranh 8 là “TƯƠNG VONG”: cùng quên. Tất cả đều quên lãng. Trong tranh vẫn còn có trâu và trẻ chăn trâu, nhưng trâu đã quên mất sự có mặt của người chăn, mà trẻ chăn trâu cũng quên mất sự có mặt của trâu. Trâu đứng một nơi, chú đứng một nẻo, cả hai không còn để ý đến nhau, cùng quên nhau cả rồi. Toàn thân trâu từ đầu đến đuôi đã trắng, không còn chỗ nào đen. Trăng sao xuất hiện trong đám mây trắng. Mây trắng rọi xuống cánh đồng xanh.
Hình ảnh trẻ chăn trâu và trâu đứng mỗi nơi cùng quên nhau, không còn lệ thuộc nhau chỉ cho người tu tới chỗ vô tâm, tự tại vô ngại. Tuy trâu và người chăn đã quên nhau, tuy tâm và mình chưa nhập một nhưng cả hai đều đã được an lạc thảnh thơi. Người luyện tâm cố gắng tiến lên mãi, và giờ đây thì tất cả mọi tà kiến vô thức về sự tồn tại của ngã cũng như của pháp đều dứt sạch.
Tranh 9 là “ĐỘC CHIẾU”: soi riêng. Hình bóng của trâu trong tranh đã biến mất không còn trông thấy nữa. Chỉ còn trẻ chăn trâu một mình đứng giữa thiên nhiên, vỗ tay hát hò giữa đất trời sáng một vầng trăng. Trên cao mặt trăng thời cô đơn và mây trắng còn vướng mắc chút ít.
Trâu đã đồng ý với người chăn thì trâu tức là người chăn, người chăn trâu tức là trâu, nên không nghĩ đến trâu nữa. Tâm người tu luyện bây giờ đã trở thành “vô tâm”, mọi niệm phân biệt đều dứt sạch, không còn có trong-ngoài, có-không, sinh-diệt, tâm-cảnh, dơ-sạch v.v... nữa; tự tính chân như của vạn hữu đã hiển lộ ra trước mắt.
Tranh 10 là “SONG MẪN”: dứt hết cả hai. Cuối cùng là mất tất cả. Tranh không còn gì nữa, hình vẽ trống không. Cả hai đã biến đi không còn một vết tích gì của người lẫn cảnh. Trâu không còn thì trẻ chăn trâu cũng không thành người chăn trâu nữa. Chỉ còn xuất hiện một vòng tròn đầy đặn và trống rỗng, đó là vầng trăng lớn và sáng, chân như hiển lộ, diệu dụng toàn diện. Vòng tròn tượng trưng cho “Viên Giác”. Trâu và người chăn, tâm và cảnh dứt hết là hiển hiện ánh chân như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn.
Người luyện tâm tu đến đây tức là đã giác ngộ viên mãn. Tuệ giác hoàn toàn sáng tỏ, giải thoát trọn vẹn, không còn ngôn ngữ gì có thể nói về mức chứng ngộ tột cùng nữa, chỉ diễn tả tượng trưng bằng một vòng tròn viên mãn.
*
Đề tài chung của các loại tranh chăn trâu là đường lối tu tập. Đường lối tuy nhiều, song không ngoài việc bắt tâm. Nên tập “Thập mục ngưu đồ” có thể coi như là lời giải đáp cho câu hỏi trong kinh Kim Cương: “Vân hà hàng phục kỳ tâm?” (làm sao làm chủ được cái tâm?). Đây là câu hỏi của trưởng lão Tu Bồ Đề, một trong số mười vị đệ tử lớn của đức Phật. Trưởng lão đã thỉnh Phật chỉ dạy cho đại chúng biết: “Bạch đức Thế Tôn có kẻ thiện nam cùng người tín nữ phát tâm bồ đề thì phải làm sao an trụ tâm mình và bằng cách nào hàng phục tâm ấy?”.Tất cả cố gắng của Đại thừa đều nhằm vào sự “cột” trâu, tức là “điều tâm” vậy. Tâm là con trâu hoang, tượng trưng cho cái tâm mê vọng. Muốn trị nó phải dùng những biện pháp mạnh, như đánh bằng roi, xỏ mũi bằng dây lòi tói v.v... Cũng vậy, muốn trị tâm, cần quy y, giữ giới cấm, phát tâm bồ đề v.v.... Lâu ngày trâu trở nên .HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.18/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
No comments:
Post a Comment