Wednesday 18 September 2013


Phần Một : tìm hiểu nội dung và xuất xứ Thầp Ngưu Đồ
I ) Thập Ngưu Đồ do hòa thượng Khuếch Am, trụ trì Đỉnh Châu Lương Sơn
Thập Ngưu Đồ
Đệ Ngũ: Mục Ngưu (Chăn Trâu)
 
Tựa của Từ Viễn:
Tiền tư tài khởi, hậu niệm tương tùy.Do giác cố dĩ thành chân, tại mê cố nhi vi vọng. Bất do cảnh hữu, duy tự tâm sinh. Tỵ sách lao khiên, bất dung nghĩ nghị.
 
Diễn ý:
Vừa khi một niệm vừa chợt dậy lên thì đã có bao nhiêu niệm khác nối tiếp theo. Nhờ lòng mình đã thức tỉnh mới thấy được cái tâm chân thực xưa nay, chứ còn như mê muội sẽ sanh ra ảo tưởng. Điều đó không phải lỗi của đối tượng. Ảo tưởng chỉ sinh ra từ lòng mình. Chỉ còn cách nắm dây thừng xỏ mũi trâu mà kéo, không cho chống báng bình phẩm gì hết.
 
Phụ chú:
Mục ngưu: Chăn nuôi trâu. Như đã nói đến trong truyện về Thạch Củng[1], nuôi trâu là một đề tài thiền gia hay ví von với sự tu hành.
Tiền tư tài khởi…: Trạng thái bất an trong lòng, khác với cảnh “tâm tâm bất dị”. Theo Truyền đăng Lục quyển 30 thì Ngưu Đầu Pháp Dung trong Tâm Minh (Bài minh về chữ Tâm) có câu: Niệm khởi niệm diệt. Tiền hậu biệt vô. Hậu niệm khởi sinh. Tiền giả tự tuyệt”.
Do giác cố dĩ thành chân: Khi vừa thức tỉnh là đã tìm thấy lại cái tâm đích thực xưa nay. Bài Chứng Đạo Ca có câu: “Mộng lý minh minh lục thú hữu. Giác hậu không không đại thiên vô”. Tông Mật trong Trung Hoa Truyền Tâm Địa Thiền Môn Sư Tư Thừa Tập Đồ có kể lại chuyện ông quan lớn kia, nằm ngủ chiêm bao thấy mình ở trong lao ngục, bị gông xiềng và chịu nhiều thống khổ, đang tính trăm mưu nghìn kế để thoát thân. Gặp lúc có người đến đánh thức, giật mình tỉnh ra nhìn lại, mới thấy đang còn ở trong nhà. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm quyển 4 cũng có câu chuyện về một người tên Diễn Nhược Đạt Đa, khi tỉnh mộng thì tìm ra được sự thực bản lai, hết còn vọng tưởng.
Bất do cảnh hữu…: Thay vì “do”, có chỗ viết là “duy” như chữ dùng trong câu “tam giới duy nhất tâm”. Ý nói nếu tâm sinh thì chư pháp đều sinh, nếu tâm diệt tức khắc chư pháp đều diệt.
Nghĩ nghị: Nghị luận, phê bình chỉ trích.
 
Tụng của Khuếch Am Tắc Hòa Thượng:
Tiên sách thời thời bất ly thân,
Khủng y tung bộ nhạ ai trần.
Tương tương mục đắc thuần hòa dã,
Ky tỏa vô câu tự trục nhân.   
鞭 索 時 時 不 離 身
恐 伊 縦 歩 惹 埃 塵
相 将 牧 得 純 和 也
羈 鎖 無 拘 自 逐 人
 
(Thừng, roi luôn giữ lấy không rời,
Vì sợ trâu lồng tung bụi đời.
Nhưng nuôi cho khéo sẽ thuần thục,
Không giây không khóa cũng theo người).
 
Họa của Thạch Cổ Di Hòa Thượng:
Cam phận sơn lâm ký thử thân,
Hữu thời diệc đạp mã đề trần.
Bất tằng phạm trước nhân miêu giá,
Lai vãng không lao bối thượng nhân. 
甘 分 山 林 寄 此 身
有 時 亦 踏 馬 蹄 塵
不 曾 犯 著 人 苗 稼
来 往 空 労 背 上 人
 
(Thân tuy cam chịu sống trên rừng,
Có lúc đưa chân nhuốm bụi hồng.
Nhưng nào dẫm phá vườn ai nhỉ,
Đi lại đâu mệt người trên lưng).
 
Lại họa của Hoại Nạp Liên Hòa Thượng: 
Mục lai thuần thục tự thông thân,
Tuy tại trần trung bất nhiễm trần
Lộng lai khước đắc sa đà lực,
Lâm hạ tương phùng tiếu sát nhân.
牧 来 純 熟 自 通 身
雖 在 塵 中 不 染 塵
弄 来 却 得 蹉 跎 力
林 下 相 遭 笑 殺 人
 
(Nếu được chăn thuần sẽ vẹn mười,
Chẳng bụi đời vương giữa chợ đời .
Cũng nhờ quần mãi đến phờ phạc,
Giờ gặp bên rừng mới cả cười)
 
Phụ chú:
Ky tỏa vô câu…: Không có giây thừng hay xích ràng buộc mà trâu vẫn bước đi theo người.
Cam phận sơn lâm: Sơn lâm là chỗ đáng lẽ phải ở. Phận tức vị trí. Sơn lâm ở đây ý nói chuồng trâu, nhà của trâu (thê gia, gia hương)
Mã đề trần: Nơi xe ngựa qua lại tung bụi, tức là xóm ngõ, thành thị, đối lập với sơn lâm.
Bất tằng phạm trước…: Lời trong Di Giáo Kinh ý nói: Nếu tì khưu các ngươi tự mình biết giữ giới thì đương nhiên chế ngự được ngũ căn.Không nên buông thả mà rơi vào ngũ dục. Giống như người chăn tay cầm gậy không để cho trâu sổng đi phá hoại mùa màng. Lại nữa, trong Tổ Đường Tập quyển 17 có ghi lại lời Tây Viện Đại An lúc thượng đường thuyết pháp. Ý nói điều này cũng giống như khi chăn một con trâu, nếu nó đang ở trên đường mà chạy vào đồng cỏ thì phải nắm giây dắt nó ra, nếu nó xâm phạm hoa màu nhà người ta thì cho nó ăn roi vv…
Thuần thục: Thơ Tô Đông Pha trong bài “Thứ vận định huệ khâm kiến ký” có câu: Chân nguyên vị thuần thục. Tập khí lậu liệt dư.
Thông thân: Chuyện thấy trong tắc 89 của Bích Nham Lục. Nói về cử động của cánh tay của Đại Bi Bồ Tát, Vân Nham có câu: Biến thân thị thủ nhãn (Khắp người có đầy tay và mắt). Đạo Ngô cho là chưa đủ, mới sửa lại thành Thông thân thị thủ nhãn (Toàn thể người là tay và mắt).
Bất nhiễm trần: Lời thị chúng trong Lâm Tế Lục: “Nhược đắc chân chính kiến giải, bất nhiễm sinh tử”. Có khi nhấn mạnh bằng cách nói: bất nhiễm nhất trần (không mảy may dính bụi).
Lộng lai: Chữ thấy ở Truyền Đăng Lục quyển 10 chương nói về Ngạc Châu Tu Du. Từ câu nói của Triệu Châu: Tam thập niên lộng mã kỹ. Kim nhật khước lộng lư lai (Người đã rành cưỡi ngựa 30 năm trời. Hôm nay lại trên lưng lừa mà đến) Lộng có nghĩa là leo lên cưỡi một cách thoải mái.
Đắc sa đà lực: Đắc lực là “nhờ ở”, “” có được sự giúp đỡ”. Sa đà ở đây có nghĩa “không toại chí”, “thất ý”. Đồng An trong Thập Huyền Đàm, Ngũ Vị Tiền (theo Truyền Đăng Lục, quyển 27) có câu: Khô mộc nham tiền sa lộ đa. Hành nhân đáo thử tận sa đà vv…(Ghềnh đá cây khô toàn ngã ba. Người đi đến đấy thảy bơ phờ)
Lâm hạ tương phùng: Xem lời chú về thơ Linh Triệt trong câu thứ 4 bài họa của Hoại Nạp ở chương 1 Tầm Ngưu.
Tiếu sát: Cười lớn. Cười tha thứ. Sát là phó từ để nhấn mạnh (như “bất kiến sa trường sầu sát nhân” chẳng hạn). Tiếu sát nhân: người cười lớn, bỏ qua. Chữ dùng từng thấy trong thơ cổ thể hay thơ Lý Bạch.
 
Lời bàn của Yanagida Seizan:
Mục ngưu có nghĩa là chăn trâu. “Mục” ý nói thả cho ăn, nuôi dạy. Chương Mục Ngưu này là một đoạn liên hệ mật thiết với chủ đề hơn cả. Có thể nói hơn phân nửa tác phẩm lấy trâu làm chủ đề thường đặt trọng tâm vào việc chăn (mục ngưu). Ngay toàn thể Thập Ngưu Đồ cũng có thể tóm tắt trong một chương này thôi. Chín chương kia, ở một mức độ nào đó, cũng chỉ bàn chuyện chăn trâu. Bậc đại thành của Tống Học là Chu Hy nhân đó đã bảo tư tưởng “bảo nhất 保壱” (giữ trạng thái tự nhiên, giữ mối đạo duy nhất) của Lão Giáo giống như “chuyện chăn trâu của họ Thích” (Thích thị mục ngưu 釈氏牧牛). Nó cũng không khác chủ trương đi tìm trạng thái “phóng tâm 放心” nơi Mạnh tử. Điều này cho thấy ta có thể dùng chữ “chăn trâu” để trình bày một khái niệm tổng quát liên hệ một lượt cả ba tôn giáo.
Tuy vậy, điều thú vị là trong khi các Mục Ngưu Đồ khác lấy chuyện chăn trâu làm trọng tâm thì Khuếch Am lại phê phán cách suy nghĩ đó. Ví dụ trường hợp của người đầu tiên dùng chuyện chăn trâu để ví von là Nam Tuyền thì ông xem việc chăn trâu là bắt nó phải nằm mọp (điệu phục) và không cho dẫm lúa nhà ai (bất phạm quan gia miêu giá).Trong tác phẩm nổi tiếng của Phổ Minh bắt đầu bằng đoạn 1 Vị ục (Chưa chăn), đến đoạn 2 Sơ điệu (Dạy lần đầu), đoạn 3 Thụ chế (Chịu sự chế ngự), đoạn 4 Hồi thủ (Quay đầu), đoạn 5 Tuần phục (Nghe lời) …trước sau chỉ nói toàn việc chăn trâu. Phần sau gồm đoạn 6 Vô ngại ( Hết ngờ vực), đoạn 7 Nhiệm vận (Cho cưỡi), đoạn 8 Tương vong (Đều quên), đoạn 9 Độc chiếu (Soi một mình), đoạn 10 Song mẫn (Cả hai biến mất) chỉ kéo dài việc chăn trâu chứ không có chi khác.
Tuy vẫn vay mượn ý tưởng “chăn trâu” nhưng đặc điểm của Thập Ngưu Đồ của Khuếch Am là sử dụng tất cả trong trong mỗi một chương thứ 5 Mục Ngưu này thôi và xem nó như một cái mốc cho chương 6 trở về sau. Trong tác phẩm của Khuếch Am còn có cả chuyện đi bắt con trâu sổng chuồng về nghĩa là thêm một ý tưởng khác nữa. Vấn đề chăn trâu chỉ được khai triển một cách tổng quát ở chương 5 này.
Trên thực tế, tiếp theo chương 4 Đắc Ngưu, cái hay của chương 5 Mục Ngưu là việc thả trâu ăn (phóng tư). Chuyện rối rắm (cát đằng) của chương 4 đã được giải quyết hết trên phân nửa.Giờ đây người chẳng cần nắm giây kéo mũi trâu mà trâu cũng chẳng bắt người đi theo dấu mình nữa. Vì là trâu được thả cho ăn nên dù có giây xỏ mũi, người và trâu ai nấy đều có thể hành động theo ý mình. Việc có giây đấy mà như không có giây đấy mới chính là chủ đề của chương 5 Mục Ngưu. Nó ăn khớp với câu 4 trong bài tụng: Ky tỏa vô câu tự trục nhân (Khóa giây không buộc cũng theo người). Lão tử gọi cảnh đó là “thiên võng khôi khôi” (lưới trời sưa sưa). Tuy bảo là lúc này văn minh và hoang dã đã hòa điệu, tuy gọi là đã có sự tự do tuyệt đối, nhưng đấy là tự do đi trên con đường nằm dưới chân chứ không phải tự do lệch ra khỏi con đường. Thả cho ăn là như thế, nó hàm nghĩa là nuôi và dạy (dưỡng dục). Rối rắm hay tranh chấp (cát đằng can qua) cũng có ở bên trong.    
Tây Viện Đồng An có nói đại ý: “Con vật đáng thương kia giờ đã hiểu dược tiếng người. Trâu bây giờ đã biến thành con trâu trắng trên đường (lộ địa bạch ngưu) suốt ngày hiện ra trước mắt ta, lảng vảng loanh quanh và có thả ra vẫn không trốn”. Câu “Mục lai thuần thục tự thông thân” (Nếu được chăn thuần sẽ vẹn mười) trong bài tụng của Hoại Nạp cũng nói lên cảnh tượng đó. Thuần thục là chữ xưa dùng trong nghề tơ lụa. Nó giúp ta hình dung con trâu đen đã đổi qua màu trắng. Ở đây, so với những chủ đề về Mục Ngưu có từ trước, ta thấy Khuếch Am đã trình bày được vấn đề một cách bao quát hơn.

 

[1] Thạch Củng Huệ Tạng , người sống giữa thế kỷ 8 và 9, truyền nhân của Mã Tổ Đạo Nhất.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.

No comments:

Post a Comment