Phần Một : tìm hiểu nội dung và xuất xứ Thầp Ngưu Đồ
I ) Thập Ngưu Đồ do hòa thượng Khuếch Am, trụ trì Đỉnh Châu Lương Sơn
Thập Ngưu Đồ
Đệ Nhị: Kiến Tích (Thấy Dấu)
Tựa của Từ Viễn:
Ỷ kinh giải nghĩa, duyệt giáo tri tung. Minh chúng khí vi nhất kim, thể vạn vật vi tự kỷ. Chính tà bất biện, chân ngụy hề phân.Vị nhập tư môn, quyền vi kiến tích.
Diễn ý:
Dựa vào kinh điển sẽ hiểu ý nghĩa, đọc lời dạy dỗ thì tìm ra dấu vết.Hãy thấy rõ rằng bao nhiêu khí cụ khác nhau đều được làm ra từ một chất kim (vàng), phải coi mình cùng với vạn vật như một. Nếu không phân biệt lời dạy dỗ để biết chuyện nào đúng chuyện nào sai, làm sao có thể phán đoán cái gì thật, cái gì giả. Khi còn chưa len vào bên trong cánh cửa của Phật pháp, thì chưa thực sự thấy được dấu đạo)
Phụ chú:
Kiến tích: Trong kinh điển có nhiều chuyện nói về “đắc đạo tích” (tìm được dấu đạo) như Nhị Nhập Tứ Hạnh Luận, của Đạt Ma, đoạn 74. Tăng Triệu gọi giáo điển là giáo tích. Trong thiền lục đời Đường cũng có nhiều chuyện tương tự. Chương này cho ta thấy là bàn chân chỉ có một nhưng dấu chân thì rất nhiều. Để biết trên con đường này nhiều người đã đi qua. Nó như muốn báo trước câu nói trong chương 10 Nhập triền thùy thủ: “Phụ tiền hiền chi đồ triệt” (Quay lưng lại vết xe của hiền nhân trong quá khứ). Trang Tử trong biên Thiên Vận có nhắc lời Lão Tử dạy Khổng Tử: “Lục Kinh là dấu vết của cái dép mục của tiên vương chứ không phải là chính là đôi dép”.
Ỷ kinh giải nghĩa: Bách Trượng Quảng Lục có chép: Ỷ kinh giải nghĩa là cách đuổi tà ma của tam thế chư Phật. Còn ly kinh giải nghĩa lại giống như nói chuyện ma quái (ma thuyết).”
Minh chúng khí vi nhất kim: Chữ trong Lăng Già Kinh. Lại có ví dụ tương tự trong Pháp Hoa Kim Sư Tử Chương. Ý nói, tuy vết của trâu thì nhiều nhưng chỉ cần tìm ra một là đủ vì tất cả đều là vết chân trâu như nhau.
Thể vạn vật vi tự kỷ: Chữ trong Niết Bàn Vô Danh Luận, ý nói “kẻ hiểu được vạn vật, lấy nó làm mình thì có thể gọi là thánh nhân”. Có thuyết cho biết chữ này có nguồn gốc từ Tề Vật Luận của Trang Tử. “Thể” cũng cùng một nghĩa như “minh”, có nghĩa là biết.
Chính tà bất biện: Tuy đã hiểu được nguyên lý “vạn vật nhất thể” là chuyện cơ bản nhưng chưa phân biệt được chính tà chân ngụy.
Vị nhập tư môn: Tư môn là cái cửa bắt buộc phải đi qua. Theo thứ tự nhập môn, thăng đường, nhập thất.
Quyền: tạm thời, giả định.
Tụng của Khuếch Am Tắc Hòa Thượng:
Thủy biên lâm hạ tích thiên đa,
Phương thảo li bì kiến dã ma. Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ, Liêu thiên tỵ khổng chẫm tàng tha.
水 邊 林 下 跡 偏 多
芳 草 離 披 見 也 麼 縦 是 深 山 更 深 処 遼 天 鼻 孔 怎 蔵 他
(Trong rừng ven suối, dấu chân dày!
Cỏ dẫu xanh um, dễ nhận thay. Vẫn biết núi sâu còn tiếp núi, Trời cao mũi nghếch, lộ ra ngay).
Họa của Thạch Cổ Di Hòa Thượng:
Khô mộc nham tiền sa lộ đa,
Thảo khòa lý cổn giác phi ma. Cước ngân nhược dã tùy tha khứ, Vị miễn đương đầu sa quá tha.
枯 木 巖 前 差 路 多
草 窠 裏 輥 覚 非 麼 脚 跟 若 也 随 他 去 未 免 当 頭 蹉 過 他
(Ghềnh đá cây khô, toàn ngã ba,
Biết chăng cỏ vướng, lạc đường ta. Nếu men theo dấu tìm trâu mãi, Chưa gặp, nhiều khi đã vượt qua).
Họa lại của Hoại Nạp Liên Hòa Thượng:
Kiến ngưu nhân thiểu mịch ngưu đa,
Sơn bắc sơn nam kiến dã ma. Minh ám nhất điều lai khứ lộ, Cá trung nhận thủ biệt vô tha.
見 牛 人 少 覓 牛 多
山 北 山 南 見 也 麼 明 暗 壱 条 来 去 路 箇 中 認 取 別 無 他
(Lắm kẻ tìm trâu, ít kiếm ra,
Non nam núi bắc, hỏi đâu là. Hết chiều đến sáng qua rồi lại, Chỉ thấy trên đường một bóng ta).
Phụ chú:
Thủy biên lâm hạ: Chỗ người ẩn dật như ngư phủ ở, nơi có phong cảnh đáng yêu.
Kiến dã ma: Trâu (chủ từ) hỏi người có thấy ta để lại dấu vết không.
Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ: Cho dẫu núi non sâu đến mức nào (cũng không che khuất nổi trâu).
Liêu thiên tỵ khổng: Mũi trâu ngẫng lên, hướng lên trời. Bất tàng ma: Mượn ngữ khí của câu nói trong sách Trang Tử, thiên Đại Tông Sư: Chu tàng hác, sơn tàng trạch (Thuyền nấp trong hang, núi nấp trong đầm).
Khô mộc nham tiền: Khung cảnh nói người tiên sống. Cũng giống như “thủy biên lâm hạ”. Truyền Đăng Lục quyển 29 trong Thập Huyền Đàm (Mười chuyện huyền hoặc) do Đồng An Thường Sát thu thập, có bài thơ như sau:
Khô mộc nham tiền sa lộ đa,
Hành nhân thử đáo tận sa đà. Lộ tư lập tuyết phi đồng sắc, Minh nguyệt lô hoa bất tự tha.
枯 木 巖 前 差 路 多
行 人 此 到 盡 蹉 跎 鷺 鷥 立 雪 非 同 色 明 月 蘆 花 不 自 他
(Ghềnh đá cây khô, rẽ lối nào?
Bộ hành đến đó thảy lao đao. Bóng cò mặt tuyết không cùng sắc, Trăng với hoa lau lại một màu).
Thảo khoa lý cổn giác phi ma: Cỏ đã vướng chân rồi, đã biết sai lầm chưa?
Cước ngân nhược dã tùy tha khứ: “Cước ngân” ám chỉ chân người đuổi theo. “Tha” là con trâu.
Đường đầu sa quá tha: Đương đầu : chỉ khoảnh khắc đối mặt. Sa quá tha: từ đằng sau vượt qua.
Kiến ngưu bất thiểu mịch ngưu đa: Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên chương 1 nói về Đạt Ma có câu: “Đạo minh giả đa, đạo hành giả thiểu” ý nói nhiều người hiểu đạo nhưng ít kẻ thực hành.
Sơn bắc sơn nam: Khi Huệ Năng nhận được y bát của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đi về nam thì các học trò khác trong đó có Đạo Minh đuổi theo đến Đại Dữu Lĩnh hòng lấy lại, bảo rằng mình đã đi hết “núi bắc non nam” để tìm Huệ Năng nhưng không thấy.
Minh ám nhất điều: “Minh ám” là một khái niệm tương đối. Như trong Tham Đồng Khế[1] có chép: Minh trung ám, ám trung minh” (Trong chỗ sáng vốn có bóng tối và ngược lại”. “Nhất điều” là một đường. Minh ám cũng đòng dạng với khứ lai (đi lại). Ý nói nếu mất sẽ tìm ra được.
Cá trung: Ở trong đó. Truyền Đăng Lục quyển 30, trong bài Nam Nhạc Lại Toản Ca có câu:
劫 石 可 移 動
箇 中 無 改 変
(Đá kiếp di chuyển được,
Bên trong chẳng thay đổi)
Biệt vô tha: Đã biết là không có gì khác. Câu vấn đáp giữa thầy của Linh Vân và ông ta, thấy trong Tổ Đường Tập, truyện Huyền Sa Sư Bị.
Lời bàn của Yanagida Seizan:
Trong lúc đi tìm trâu hết chỗ này đến chỗ nọ thì sức lực đã kiệt quệ.
Mãi đến một hôm mới tìm thấy được vết chân con vật. Gọi là mình tìm ra chứ có khi chỉ vì bên kia hé lộ cho thấy mà thôi. Mới biết rằng từ đầu dấu vết đã có rồi, vì ta mãi mê đuổi theo trâu mà không chịu ngó xuống chân mình nên mới không biết đến.
Vết chân ấy khá nhiều. Coi bộ lắm con trâu đã đi qua đây.Vết chân lẫn lộn vào nhau, khó lòng phân biệt. Thế nhưng khi nhìn kỹ thì nhớ mình đã thấy một dấu chân quen thuộc. Dù vậy, vết chân trâu không phải là chính con trâu. Con trâu dẫu có nhưng vẫn chưa thấy và rõ ràng là dù có đi tìm xa cách mấy, lúc nào con trâu cũng ở đằng trước những dấu chân. Khi còn thấy dấu thì biết rằng vẫn còn có thể bắt kịp được trâu. Và manh mối để tìm trâu chỉ là những dấu chân ấy.
Vấn đề đặt ra có lẽ là đừng lẫn lộn dấu chân trâu với chính con trâu. Tuy việc phân biệt dấu chân con vật với chính con vật tưởng là dễ nhưng khi đang đuổi theo trâu, nó sẽ trở thành chuyện khó khăn. Sức đuổi theo cũng có giới hạn, chỉ mỗi việc khám phá ra dấu chân trâu thôi cũng đã làm cho nhiều người ngã gục trên đường. Sự lao khổ bỏ ra cho đến lúc này cũng như sự an tâm vì đã tìm ra manh mối con trâu sẽ gây cho người ta những ảo giác. Trong bài họa của Thạch Cổ có chữ “thảo khoa lý cổn” (bị cỏ vướng chân) là để ám chỉ chuyện đó. Ông muốn khuyên ta chớ mãi để tâm vào dấu chân trâu mà quên mất việc đuổi theo trâu! Không nên miệt mài với dấu chân trâu và thỏa mãn giữa chừng vì mình đã tìm ra chúng. Bởi lẽ ngay cả khi trâu kia đã ló mặt ra rồi, nhiều người vẫn còn mãi mê đuổi theo vết chân trâu.
Mục “Tọa Thiền Châm” của thiền sư Dôgen chép trong Phổ Khuyến Tọa Thiền Nghi và Chính Pháp Nhãn Tạng có dẫn ra sự tích một người tên Diệp Công Tử Cao. Ông ta rất thích vẽ rồng, sáng vẽ chiều vẽ. Cảm động trước nhiệt tình của Diệp Công Tử Cao, một hôm rồng thật hiện ra làm cho ông sợ hết hồn và ngất xỉu. Bởi vì ông đã bị tranh rồng hút hết thần hồn rồi. Dôgen mới nói:
“Thay vì yêu rồng chạm phải biết yêu rồng thật. Học về rồng chạm hay rồng thật phải học thêm cả về năng lực biết làm mây làm mưa của rồng. Không quí trọng hay coi khinh cái ở xa và cũng chẳng nên quí trọng hay coi khinh cái ở gần mà phải trở nên quen thuộc, thuần thục với chúng”.
Bởi vì ảnh tùy thuộc vào hình chứ hình không tùy thuộc vào ảnh.Tiếng vọng tùy thuộc vào âm thanh chứ âm thanh không tùy thuộc vào tiếng vọng. Một khi có ảnh tất phải có hình, thế nhưng có hình chưa chắc đã có ảnh. Nếu quá quen đuổi theo ảnh thì sẽ quên mất chuyện là có những hình không ảnh. Nếu quá quen đuổi theo tiếng vọng thì sẽ quên mất chuyện có những âm thanh không tiếng vọng.
Nhờ có ngón tay chỉ mặt trăng mà ta biết ánh sáng ấy đến từ mặt trăng. Và ngón tay cũng nhờ ánh trăng soi vào ta mới nhận ra nó là ngón tay.Ánh trăng che khuất con cò, cái chén bạc vun đầy tuyết, mới nhìn cứ tưởng là một vật nhưng thực ra chúng là hai.Vấn đề là phải nhận chân được sự liên hệ giữa hai sự vật. Vết chân trâu chính là ngón tay trỏ cho ta biết đằng trước nó có con trâu vậy.
[1] Tác phẩm toàn văn 310 chữ của Thạch Đầu Hi Thiên (710-790), viết ra với mục đích kết hợp Thiền Tông Nam Bắc, trong đó luận về mối quan hệ giữa sự và lý bằng cách so sánh với cặp sáng và tối (minh / ám).
[2] Kiếp thạch: mặt một tảng đá lớn tượng trưng cho đời kiếp hay thời gian trường cữu.HET=NAM MO BON SU THICH CA MAU NI PHAT.( 3 LAN ).GIAO HOI PHAT GIAO VIETNAM TREN THE GIOI.TINH THAT KIM LIEN.AUSTRALIA,SYDNEY.19/9/2013.THICH NU CHAN TANH.GIAC TAM.
|
Wednesday, 18 September 2013
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment